Người xứ Nghệ

Những kỷ niệm với thầy tôi - Gs, NGND Nguyễn Đình Chú

Hẳn trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, hễ ai có cái may mắn được cắp sách đến trường thì sẽ được học tập bởi rất nhiều Thầy Cô giáo. Ở tôi cũng thế. Không ngoại lệ. Có điều, trong đời đi học của mình, tôi có may mắn là được thụ giáo với nhiều cây đa, cây đề, những chuyên gia đầu ngành của nền khoa học - giáo dục thời hiện đại và đã được nhiều Thầy Cô thương mến giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Không kể một số giáo sư tên tuổi mà thế hệ chúng tôi được học ở Miền Nam từ trước năm 1975, thì từ ngay sau ngày đất nước thống nhất, giữa lòng Sài Gòn – thành phố mang tên Bác kính yêu, chúng tôi được học các vị giáo sư đầu ngành từ miền Bắc vào thỉnh giảng như: Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Bùi Văn Nguyên, Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Như Mai, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Văn Long, Phương Lựu Bùi Văn Ba, Thành Thế Thái Bình, Trần Xuân Đề, Lưu Đức Trung, Trần Duy Châu, Lương Duy Trung, Hoàng Nhân, Đỗ Hữu Châu, Hoàng Văn Thung, Đinh Xuân Hiền v.v.. và dĩ nhiên trong số các vị ấy, có thầy Nguyễn Đình Chú. Tôi cũng có may mắn là được thầy Lê Trí Viễn hướng dẫn luận văn tốt nghiệp Đại học (Cử nhân) về thơ Nguyễn Khuyến, thầy Bùi Văn Nguyên hướng dẫn luận văn Cao học (khoá 1980 – 1982) về thơ Thiền thời Lý – Trần; thầy Nguyễn Đình Chú hướng dẫn luận án Tiến sĩ (khoá 1994 – 1999) về văn học Phật giáo thời Lý – Trần, và đã được Quý Sư phụ trao truyền một số “bí kiếp” để luyện “nội công” trong nghiên cứu khoa học. Ở mỗi Thầy, tôi học tập được một ít, như học cách viết, cách bình giảng, cách cảm thụ văn chương tinh tế và tài hoa của thầy Lê Trí Viễn; học cách khảo cứu văn bản Hán Nôm, bám vào từng chi tiết câu chữ, để hiểu từng ngữ nghĩa của thầy Bùi Văn Nguyên; học cách tư duy biện chứng, nhìn vấn đề ở tầm vĩ mô, tổng thể khi dàn dựng công trình của thầy Nguyễn Đình Chú v.v..

Riêng với thầy Nguyễn Đình Chú, tôi có may mắn là được học Thầy nhiều lần ở ba bậc học: Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh. Nếu thế hệ của Thầy được thụ giáo với những “ông trùm văn hoá” của thế kỷ XX như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai,… thì đến thế hệ chúng tôi được may mắn thụ giáo với các chuyên gia đầu ngành về Ngữ văn như trên đã nêu, trong đó có thầy Nguyễn Đình Chú. Thú thật với Quý vị, nếu không có Thầy tôi: GS. NGND. Nguyễn Đình Chú thì tôi sẽ khó và sẽ không có được cái mà tôi đã có như ngày hôm nay. Với tôi, Thầy Nguyễn Đình Chú mãi mãi là một vị Ân Sư, một người Cha, một bậc Sư biểu. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ngày xưa đã xếp ba bực theo thứ tự “Quân, Sư, Phụ” và theo luân lý đạo đức thì các vị ấy phải được tôn kính. Cha mẹ có công sinh thành nuôi dưỡng ta; Thầy giáo có công dạy dỗ, giáo dục ta nên người. Thầy được xếp trên Cha. Đối với Thầy, ơn nặng như núi Thái Sơn. “Không Thầy đố mầy làm nên” đúng là một chân lý mà nhân dân ta đã đúc kết.

***

Số là, từ cuối năm 1975, khoảng tháng 11, sau mấy tháng chuẩn bị, các trường Đại học ở phía Nam (từ Huế trở vào) đã mở cửa giảng dạy trở lại. Tôi nhận được hai giấy gọi vào học: một của trường Đại học Văn khoa (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) do thầy Phan Hữu Dật ký và một của Đại học Sư phạm do thầy Trần Thanh Đạm ký (bấy giờ, hai vị này là Phụ trách trưởng của hai trường). Tôi chọn vào học Sư phạm, bởi lẽ nhà mình nghèo và học Sư phạm thì có ngay học bổng đủ để sống và học tập (ban đầu với sinh viên mỗi tháng là 12 đồng, đến gần cuối năm 1976 thì được 18 đồng, mua phiếu ăn cơm ngày hai bữa tại bếp ăn nhà trường 9 đồng/tháng, còn lại mua nhu yếu phẩm theo chế độ và tiêu vặt; với cán bộ được cử đi học thì được hưởng sinh hoạt phí 30 đồng/tháng; còn với bộ đội phục viên chuyển ngành thì hưởng lương theo từng trường hợp cụ thể). Nhờ vào trường Sư phạm nên tôi mới được nghe thầy Nguyễn Đình Chú giảng bài đến hai lần.

Hồi ấy, tôi phụ trách ban Báo chí – Tuyên huấn của Đoàn Khoa Ngữ văn (Phó ban, rồi Trưởng ban), còn ở lớp tôi được cử làm cán sự nhiều môn học: Hán Nôm , Văn học Trung Quốc, Văn học Việt Nam . Có lần, trong buổi xê-mi-na về thơ văn Nguyễn Khuyến, tôi có viết bài để báo cáo tại 3 lớp, Thầy có lời nhận xét về bài thuyết trình của tôi trước lớp rằng “tỏ ra có bản lĩnh trong cách hiểu thơ”, tôi nghĩ chắc là Thầy muốn động viên học trò, và lời nhận xét này Thầy còn ghi trong bài viết đó của tôi, mà với tôi, đây là nguồn khích lệ lớn trong đời đi học của mình.

Ngoài việc học, tôi còn được Khoa và Trường cử vào Đội Bảo vệ an ninh (gồm 12 thành viên, mỗi cơ sở có 6 thành viên, mà anh Phạm Văn Đạo, sinh viên Khoa Sử Địa, là Đội trưởng). Chúng tôi ở tại cơ sở 1 Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (tức Đại học Vạn Hạnh cũ, số 222 Trương Minh Giảng, sau đổi thành 222 Nguyễn Văn Trỗi, nay là 222 Lê Văn Sĩ), với nhiệm vụ ban đêm gác các chốt trực bảo vệ nhà trường (có súng). Nhờ thế mà, cả đội chúng tôi được nhà trường ưu tiên cho mượn sách thư viện, cho ăn ở tại trường. Chúng tôi còn được nhà trường và Khoa cử lên tận sân bay để đón những thầy cô từ Hà Nội vào giảng dạy. Quý thầy cô thỉnh giảng được bố trí ở tại khu nhà C cơ sở này, nên mỗi buổi tối chúng tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với Quý thầy cô nhiều hơn, học hỏi kiến thức về bài giảng của môn học nhiều hơn, nếu so với các bạn cùng khoá. Tình nghĩa thầy Bắc – trò Nam sâu đậm là nhờ những lần được gặp gỡ tâm tình như thế.

Nhớ lại hơn 30 năm trước, năm 1976, Thầy chỉ mới ngoài 45, người trẻ trung, hơi gầy, dáng nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh, nụ cười nhân hậu, tóc đen nhánh. Hồi ấy, theo cảm nhận riêng, dường như Thầy không được khoẻ như hiện giờ, dù nay đã ngoài bát tuần.

Ra trường, giảng dạy chưa lâu, khoảng tháng 6  tháng 7 năm 1980, tôi được cử đi thi Sau đại học (Cao học) chuyên ngành Văn học Việt Nam tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và may mắn thi đỗ vào lớp Sau đại học Văn khoá 5 (1980 – 1982), (xin nói thêm, từ khóa 1 đến khoá 4 là hệ Bồi dưỡng, không thi đầu vào, chỉ cử tuyển; từ khoá 5 về sau là hệ Đào tạo, có tuyển sinh đầu vào, quyết định do Bộ Giáo dục ký, cho đến khi thay bằng hệ đào tạo Thạc sĩ). Lần thứ ba được học Thầy vài chuyên đề như về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, về quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam . Hơn thế, Thầy còn là người thiết kế chương trình đào tạo Sau đại học (Cao học) ngành Văn học cho Trường, cho Bộ, đồng thời Thầy kiêm luôn công tác chủ nhiệm các lớp Sau đại học Văn từ khóa 1 đến khoá 10. Vì vậy mà, chúng tôi thường xuyên được gặp Thầy, tâm tình với Thầy và nghe Thầy trao đổi chuyện học thuật, chuyện thế sự tại ký túc xá nhà tranh, nơi ở của các lớp Sau đại học Văn (nam) khoá 4, khoá 5, khoá 6 - nhà E8. Mỗi lần từ trong Nam ra, bao giờ tôi cũng mang ít cà phê nguyên chất từ Buôn Ma Thuột (tự tay tôi rang xay) và đậu xanh đến biếu Thầy, và vài Thầy khác như: thầy Thành Thế Thái Bình, thầy Bùi Văn Nguyên, thầy Hoàng Hữu Yên, thầy Đỗ Hữu Châu, (thầy Bình, thầy Nguyên, thầy Châu giờ đây đã thành người thiên cổ). Thời bao cấp, muốn mang theo những thứ hàng hiếm này phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản, thì thuế vụ tại các trạm kiểm soát mới cho qua, còn nếu không có giấy thì bị tịch thu, dù chỉ nửa ký ! Số đậu xanh này, vài lần vào sáng chủ nhật, Thầy nấu xôi cho cả nhà, rồi Thầy xuống E8 bảo nhỏ tôi lên nhà Thầy có việc (lúc này gia đình Thầy còn ở khu nhà B3 trong trường). Thật bất ngờ là tôi không những được thưởng thức xôi đậu xanh do Thầy nấu, mà còn có cả lạp xưởng ăn kèm nữa. Thật tuyệt ! Có lần, tôi đi cùng với anh Lê Đình Cấp (Sau đại học Văn khoá 4, dạy cùng Khoa với tôi ở Tây nguyên, nay đã mất ?) lên chơi nhà anh ở Thái Nguyên, khi về có mang theo nửa ký chè móc câu tuyết. Nhân Thầy đến thăm chúng tôi ở ký túc xá, tôi đem chè (trà) ra mời Thầy. Thầy bảo: “Chè ở đâu, sao mà thơm thế, uống vào ngọt lắm !”. Tôi biếu thầy một ít, còn một ít định đem về quê biếu ông già. Hôm sau, lên lớp giảng thơ Nguyễn Đình Chiểu, Thầy nói: “Thơ cụ Đồ Chiểu, đẹp một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, vẻ đẹp của khoai to củ, của lúa mẩy hạt, càng đọc càng thấy thấm”. Rồi Thầy nói thêm “y như chè móc câu tuyết hôm qua cậu Lý mời tôi, uống buổi sáng, đến trưa còn ngọt trong cuống họng, không muốn ăn cơm, vì sợ mất hương vị”. Cả lớp mới ồ lên, vỡ nhẽ, và chuyện này, tôi bị anh Trần Xuân Đình, lớp trưởng (sau làm Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng mấy nhiệm kỳ, hiện đã nghỉ hưu) phê cho một trận là “ích kỷ”, là “có trà ngon mà giấu bặt, không cho anh em thưởng thức”, tôi đành phải đưa ra uống.

Rồi Thầy được chuyển về nhà A18 khu Đồng Xa – Mai Dịch. Tiêu chuẩn được tầng trệt, nhưng Thầy lại nhường cho người khác và chọn tầng 5 để ở “trên cao cho lộng gió”, để cho “gần trời xanh”, để “khỏi bị ô nhiễm môi trường”. Dù Thầy không nhờ, nhưng có một vài bạn và tôi ít nhiều đã cùng Thầy túc tắc dọn đồ đạc từ nhà B3 sang nhà A18, cách trường vài cây số. Cuối năm 1982, sau khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp Sau đại học, tôi về lại Tây nguyên. Thầy gọi lên nhà ăn cơm chia tay. Bữa cơm chỉ có trứng luộc, rau muống luộc rồi xào tỏi, lấy nước rau làm canh. Thầy trò nhâm nhi vài ly rượu thuốc. Hồi ấy là thế, không cao lương mỹ vị gì nhưng thật cảm động, sâu đậm và đầy ý nghĩa. Tôi nhớ mãi thâm tình này của Thầy dành cho tôi (và có lẽ cũng như Thầy đã dành cho những học trò yêu quý khác). Việc ấy, sau này, mỗi lần cùng ăn cơm với gia đình Thầy, Thầy cứ nhắc mãi cái thời đã xa ấy.

Mùa thu năm Quý Hợi – 1983, khi lập gia đình, tôi có gởi thiệp báo hỷ đến Thầy. Gần ngày cưới, ba tôi nhận thư của Thầy. Thầy viết thư vào thăm hỏi và chia vui với gia đình. Ba má tôi cảm động vô cùng trước tình cảm đó của Thầy.

Năm 1986, tôi chuyển về quê nhà giảng dạy ở Nha Trang, tuy cách nhau hơn một ngàn ba trăm cây số, nhưng Thầy trò vẫn liên lạc thư từ, Thầy luôn động viên tôi tiếp tục học hành và nghiên cứu. Có lần về thỉnh giảng ở Huế rồi Quy nhơn, Thầy tranh thủ vào Nha Trang thăm gia đình tôi.

Năm 1994, nhân có GS. NGND Lê Trí Viễn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, GS. NGND Nguyễn Đăng Mạnh từ Hà Nội vào, dạy lớp Cao học Ngữ văn do trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, dịp ấy có GS. NGƯT Thành Thế Thái Bình (nay đã tạ thế) -  Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội vào dự Hội nghị do Bộ Giáo dục tổ chức tại Nha Trang, tôi có mời Quý Thầy đến nhà. Hôm ấy, trò chuyện từ chiều tối cho mãi đến hơn 1 giờ khuya, Quý Thầy mới về lại khách sạn. Dịp này, Quý Thầy đã động viên và yêu cầu tôi phải đi học tiếp. Chính thầy Mạnh đích thân gặp ông Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang để thuyết phục ông ấy cho tôi đi thi Nghiên cứu sinh, và thầy Thành Thế Thái Bình đem hồ sơ của tôi ra Hà Nội. Đã hết hạn nộp hồ sơ khoảng 2 tháng, Thầy Chú lúc này bị tai nạn xe, chân còn đau, vậy mà Thầy đã cùng thầy Bình (thầy Bình chở thầy bằng xe cup 81) lên tận Bộ xin nộp hồ sơ bổ sung để tôi được dự thi tuyển vào năm ấy, nếu không, sang năm 1995, thì tôi hết tuổi dự thi (hồi ấy, quy định tuổi thi Nghiên cứu sinh không quá 40). Bộ đồng ý, gọi điện về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội , và lập tức thầy Chú gởi điện báo về Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, gọi tôi ra Hà Nội gấp để kịp dự thi. Thứ Năm nhận điện báo, thứ Sáu làm thủ tục giấy tờ, nhận kinh phí, tối đó ra ga tàu lên đường. Bốn giờ sáng Chủ nhật đến Hà Nội. Đến nhà hai Thầy, tôi mới biết còn một hai ngày nữa là thi, và phải thi 5 môn. May mà tôi được miễn thi môn Triết học, còn phải thi môn Ngoại ngữ: tiếng Anh, môn Cơ sở: Lý luận văn học, môn Chuyên ngành: Văn học Việt Nam và bảo vệ đề cương luận án Tiến sĩ (từ thứ Ba đến thứ Bảy, mỗi ngày thi một môn vào buổi sáng). Bài vở chưa kịp ôn, đề cương luận án chưa có. Mấy ngày đó, tôi thức gần như trắng đêm, mượn sách từ nhà Thầy, thầy Mạnh, thầy Phương Lựu để đọc ôn qua. Rồi còn phải viết đề cương luận án. Tôi đến nhà Thầy, xin Thầy hướng dẫn. Tôi trình bày ý tưởng đề tài. Thầy chỉ dẫn và gợi ý cho mấy “chiêu thức”, tôi về nhà thầy Bình mượn máy đánh chữ của cô Trang (phu nhân của thầy Bình) làm luôn một mạch mấy ngày liền (sáng thi, chiều viết đề cương) xong luôn hai cái đề cương: Một là, “Từ khí quyển tâm lý đạo đức trong văn chương trung đại đến hiện tượng thơ văn Nguyễn Đình Chiểu” ; Hai là “Văn học Phật giáo thời Lý – Trần”. Mỗi đề cương có đến 25 trang đánh máy với đầy đủ quy cách chương mục và tài liệu tham khảo. Khi trình cho Thầy duyệt, xem xong, Thầy chẳng nói gì, chỉ gật gù và ký ngay. Rồi tôi nộp quyển cho nhà trường. Sáng thứ Bảy bảo vệ đề cương, thầy Mạnh làm Chủ tịch Hội đồng chấm đề cương luận án. Tôi bảo vệ sau cùng và bảo vệ cả hai đề cương. Cả hai được Hội đồng đánh giá cao và đạt điểm gần như tối đa ở chuyên ngành Văn học Việt Nam . Cùng dự thi vào chuyên ngành này có Biện Minh Điền, Chu Văn Sơn, Lã Thị Bắc Lý, v.v.. Nhưng thật tiếc, khoá này không có ai làm về văn học trung đại, nên tôi đành phải chuyển sang văn học cận - hiện đại và do vậy, Hội đồng quyết định tôi làm đề tài một, về tâm lý đạo đức trong văn chương… Nhờ sự chỉ bảo tận tình của Thầy, của thầy Mạnh và thầy Phương Lựu; cùng nhờ sự nỗ lực của tôi mà kỳ thi này tôi đạt điểm cao nhất trong số mười mấy thí sinh dự tuyển vào chuyên ngành Văn học Việt Nam. Kết quả ấy, Thầy và thầy Mạnh, thầy Bình, thầy Phương Lựu rất hài lòng. Đến giữa năm 1995, được sự đồng ý của Thầy, tôi xin phép Khoa, Trường và Bộ thay đổi đề tài, chuyển sang nghiên cứu về văn học Phật giáo Lý – Trần, và do vậy, đề tài phải do Bộ môn Văn học Việt Nam 1 quản lý. Để thuận lợi cho tôi trong sinh hoạt chuyên môn, Thầy đã đề nghị PTS. Nguyễn Đăng Na (lúc này là Trưởng bộ môn) hướng dẫn phụ.

Đấy, chuyện hồ sơ thi cử rồi thay đổi đề tài của tôi, gặp trúc trắc trở ngại là thế, nhưng bao giờ Thầy cũng nhiệt tâm tạo mọi điều kiện để cho học trò có thể phát huy thế mạnh của mình một cách tốt nhất. Trong thời gian nghiên cứu, viết luận án, viết các chuyên đề Tiến sĩ, và viết bài đăng ở các Tạp chí, Thầy luôn bảo ban, gợi dẫn, nhất là về phương pháp tư duy, khơi gợi vấn đề nghiên cứu. Theo quy định, nghiên cứu sinh cứ 6 tháng làm việc với người hướng dẫn một lần theo kế hoạch nội dung cụ thể đã được giáo sư hướng dẫn và nhà trường phê duyệt từ đầu khoá. Do hoàn cảnh riêng, mỗi năm tôi ra gặp Thầy hai lần vào dịp hè và dịp sau Tết âm lịch, mỗi đợt chỉ khoảng một tuần mười bữa, lâu nhất là nửa tháng. Và những lần về Hà Nội ấy, Thầy đều bảo tôi ở tại nhà Thầy để làm việc. Thật là thuận lợi và ưu ái vô cùng !

Có lần, nhà trường nơi tôi công tác phân công tôi dạy nhiều, dạy liên tục tại trường và dạy bồi dưỡng tại các huyện, lại đảm nhận thêm vài công việc của Công đoàn, của Hội đồng Khoa học, nên ít có thì giờ để nghiên cứu viết lách, có lúc lại gây khó dễ cho tôi, Thầy liền can thiệp, viết thư gởi vào cho ông Hiệu trưởng, thuyết phục ông. Nhờ thế, tôi mới được yên thân.

Mùa đông năm Mậu Dần - 1998, viết xong luận án, tôi ra Hà Nội đệ trình lên Thầy. Thầy xem xong, bảo chỉnh sửa một số chỗ, rồi Thầy ký hồ sơ cho bảo vệ ở cấp bộ môn, Thầy đề nghị nhà trường mời thêm một số chuyên gia ở Viện Văn học, Viện Hán Nôm, Viện Triết học và trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội vào Hội đồng để tranh thủ ý kiến nhận xét. Lúc này, quy chế có thay đổi, bỏ Phó Tiến sĩ, thành Tiến sĩ, nên Quý Thầy Cô cứ nghĩ đó là Tiến sĩ như ở Liên Xô cũ (mà giờ đây ta gọi là Tiến sĩ khoa học), vì thế ban đầu Hội đồng chấm luận án có sự khắc khe, yêu cầu cao khi đánh giá. Bảo vệ xong, được sự chỉ dẫn của Thầy, tôi về Nam để sửa lại luận án theo sự góp ý của Hội đồng. Giữa đông năm Kỷ Mão - 1999, tôi ra lại Hà Nội trình luận án và được Thầy ký hồ sơ cho phép bảo vệ cấp Cơ sở. Hội đồng đánh giá cao, Thầy bảo cứ thế mà in và đóng quyển để gởi Bộ và phản biện độc lập. Nhưng tôi vẫn tiếp tục chỉnh sửa nâng cấp, làm miệt mài đến mấy ngày đêm. Đến tháng 5 năm 2000 thì có quyết định của Bộ cho phép bảo vệ luận án cấp Nhà nước. Tôi được phép bảo vệ sáng ngày 14 tháng 7. Buổi bảo vệ diễn ra hơn 4 tiếng đồng hồ, hôm ấy tôi phải trả lời 12 câu hỏi của Hội đồng và của những người tham dự. Khoảng hơn 12 giờ 30, Hội đồng mới họp và ra Quyết nghị. Luận án đã bảo vệ thành công, được Hội đồng đánh giá rất cao, cho điểm tối đa và ghi xếp loại xuất sắc (hồi ấy, khi đánh giá, Hội đồng cho điểm rồi mới quy ra xếp loại, còn bây giờ chỉ xếp loại thôi). Quý thầy cô trong Hội đồng rất vui. Thầy và thầy Bình, thầy Long, thầy Mạnh, thầy Na (tham dự từ đầu đến cuối) tỏ ra hân hoan, hài lòng. Hôm ấy, thầy Bình, thầy Long có quà mừng cho tôi. Còn Thầy đã thưởng cho tôi một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán mà Thầy đã chuẩn bị vài hôm trước, dù được ở nhà Thầy, nhưng việc này tôi hoàn toàn không hay biết, nên có bất ngờ. Nguyên tác bài thơ của Thầy viết như sau:

南北 一 家 成 師 弟,

佛文 二 道 向 真 如.

全心 好 學 君 不 絕,

同 業 欣 歡 我 有 餘.

           庚 辰 仲 夏 - 阮 廷 炷        

Nam Bắc nhất gia, thành sư đệ,

Phật văn nhị đạo, hướng chân như.

Toàn tâm hiếu học, quân bất tuyệt,

Đồng nghiệp hân hoan, ngã hữu dư.

Canh Thìn, trọng hạ (2000)

GS. NGND. NĐC

Hôm ấy, tôi xin phép Hội đồng dịch ngay tại chỗ. Nghe vậy, GS. Nguyễn Huệ Chi mới hỏi: “Cậu chuẩn bị trước rồi à ?”. Thầy bảo: “Không, bài thơ này Lý chưa biết là tôi đã viết để tặng. Cứ để cậu ta dịch xem sao”. Bài thơ do tôi dịch như sau:       

Nam Bắc một nhà, thành sư đệ,

Phật văn hai nẻo, đến chân như.

Dốc lòng ham học, em không dứt,

Đồng nghiệp vui mừng, Thầy có dư.

Hôm ấy, Quý thầy cô trong Hội đồng và những người tham dự đều khen là dịch tốt. Thầy rất hài lòng. Bài thơ tứ tuyệt hai vần, có hai cặp đối nhau, thể hiện tình cảm Thầy – trò Bắc Nam sâu đậm và đúng thực tế hiện tình. Đất nước có thống nhất thì Thầy trò mới gặp nhau. Và tôi đã lọt vào cặp mắt xanh của Thầy cũng từ cái năm 1976 ấy. Sau này, Thầy hướng dẫn tôi viết luận án về văn học Phật giáo. Mà cái đích tối hậu của nhà Phật và cũng là của văn chương cùng đều hướng con người đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ. Đó chính là Đáo bỉ ngạn, là Chân như, là Niết bàn, là Phật tính.

Khi Hội đồng yêu cầu phát biểu, tôi vừa nghẹn ngào, vừa nói lời cảm ơn Hội đồng, cảm tạ Thầy cùng gia đình của Thầy. Tôi thưa với Hội đồng rằng: “Nếu không có sự động viên và giúp đỡ của Thầy thì em sẽ không có buổi bảo vệ hôm nay. Từ lâu, với em, Thầy Chú không chỉ là người Thầy mà còn là người Cha, là Sư phụ. Thầy không chỉ hướng dẫn mà còn nuôi cho em ăn học tại nhà Thầy nữa”. Còn Thầy thì rơm rớm nước mắt, Thầy nói: “Đó là tôi học theo cách của Thầy tôi là Giáo sư Đặng Thai Mai”. Lời nói của Thầy, đã làm cho nhiều thầy cô cảm động. Đặc biệt, giáo sư Đặng Thanh Lê (Chủ tịch Hội đồng) là ái nữ của Cố Giáo sư Đặng tiên sinh, hôm ấy cũng xúc động, rớm lệ !

Vài ngày sau, thầy Nguyễn Đăng Na có hoạ nguyên vận bài thơ này của Thầy để tặng cho tôi:

同 業 同 師 成 兄弟,

文章 與 佛 向 真 如.

登科 慧 眼 修 不 絕,

師 兄 弟 共 樂 無 餘.

Đồng nghiệp, đồng sư thành huynh đệ,

Văn chương dữ Phật hướng chân như.

Đăng khoa tuệ nhãn tu bất tuyệt,

Sư huynh đệ cộng lạc vô dư.

Canh Thìn, trọng hạ (2000)

PGS. TS. NĐN

Mấy ngày sau khi bảo vệ, làm xong hồ sơ thủ tục để nhà trường trình lên Bộ chuẩn y, tôi xin phép Thầy để xuôi về Nam . Thầy Cô đã từ tầng 5 nhà A18 khu Đồng Xa xuống đất để tiễn tôi lên đường. Thầy bảo: “Thôi, ông Nghè vinh quy bái tổ nhé!” và nhìn tôi với đôi mắt trìu mến biết nói. Sau này có dịp ra Bắc thường xuyên, và nhiều lần chia tay với Thầy Cô, nhưng tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt của Thầy trong buổi tiễn đưa hôm ấy, mà nói như Thâm Tâm là “Sao có tiếng sóng ở trong lòng?”.

Năm 2007, tôi may mắn được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận Phó Giáo sư Văn học. Dịp này tôi có đến thăm Thầy Cô, cô bảo: “Năm nay nhà ta được hai Phó Giáo sư”. Cùng năm này ái nữ của Thầy Cô là Nguyễn Thị Phương Hoa được phong Phó Giáo sư Giáo dục học. Cô nói “nhà ta” bởi từ lâu, Thầy Cô xem tôi như là con cái trong nhà và các con trai, con gái của Thầy đều coi tôi như là anh cả. Mấy lần nhà Thầy tổ chức đám giỗ ông bà nội, các con của Thầy bảo tôi: “Anh có nhiệm vụ lo hương hoa lễ lạt trên ban thờ ông bà và tiếp khách cùng với Thầy, còn việc hậu cần thì đã có chúng em”. Do ở tại nhà Thầy nên có vài lần, tôi có dịp hầu trà và dự tiệc liên hoan nhân lớp đại học Văn (khoá 1954 – 1957) của Thầy họp lớp. Tôi mới thấy, các vị dù đã ở tuổi “cổ lai hy”, nhưng khi họp lớp vẫn sôi nổi, rôm rả và trẻ tráng lắm. Các cụ thật lạc quan! Lớp trẻ chúng tôi chưa chắc được như thế.      

Ba năm trước, con gái của tôi lấy chồng là dân Hà Nội gốc. Lễ cưới được tổ chức ở hai nơi: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhà trai vào Sài Gòn đón dâu về Hà Nội, một tuần sau mới ra mắt họ hàng, bè bạn. Dĩ nhiên là vợ chồng tôi định cùng với vài người trong thân tộc phải có mặt tại Hà Nội. Gọi điện thoại trao đổi với Thầy, Thầy bảo: “Không cần phải đi ra nhiều người, tốn kém lắm. Chỉ vợ chồng Lý ra là đủ. Ở đây đã có Thầy Cô rồi. Đại diện họ nhà gái như thế là đủ”. Chúng tôi nghe lời Thầy. Thế là Thầy Cô phải mất hai hôm cùng với vợ chồng tôi đến nhà trai để dự lễ cưới. Kể lại chuyện này là để nói lên thâm tình của Thầy Cô đã dành riêng cho gia đình tôi. Thầy đã xem các con tôi như là con cháu ruột rà của Thầy, thường động viên, khuyên nhủ, bảo ban các cháu, chẳng khác gì các cháu nội, cháu ngoại của Thầy Cô.

***

Nhờ gần gũi và thường xuyên liên lạc với Thầy nên có nhiều kỷ niệm về Thầy, với gia đình Thầy. Ở đây, tôi chỉ ghi lại vài mẩu chuyện nhỏ mà thôi.

Thầy tôi là thế: Sống trong sáng, giản dị, chân tình, nhân hậu với tất cả mọi người.

Riêng với tôi, Thầy mãi mãi là một vị Ân Sư. Thầy là “TIM ĐÈN” (炷) luôn luôn toả sáng để tôi, thế hệ chúng tôi, và những lớp thế hệ học Văn, dạy Văn nối tiếp noi theo.

                                    Tp. HCM, tháng 7 – 2010

(*) PGS.TS. Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528305

Hôm nay

2252

Hôm qua

2326

Tuần này

2578

Tháng này

215001

Tháng qua

0

Tất cả

114528305