Những góc nhìn Văn hoá

M.Bakhtin với lý luận tiểu thuyết(*)

Bạn đọc đang cầm trên tay một số trang viết chọn lọc của một trong những nhà khoa học nhân văn lỗi lạc nhất trong thế kỷ này.

Đã ba chục năm nay, tên tuổi và sự nghiệp của Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975) thu hút sự quan tâm, mến mộ của giới nghiên cứu khoa học và công chúng trí thức ở Liên Xô và trên toàn thế giới. Mỗi lần những công trình khảo cứu về văn học, ngôn ngữ học, mỹ học, văn hoá học... của Bakhtin, nhờ nỗ lực phi thường của các học trò ông, đến được với bạn đọc, chúng làm chấn động dư luận khoa học trong và ngoài nước, gây nên những cuộc tranh luận làm sôi động đời sống tinh thần không chỉ riêng ở Liên Xô. Mặc dù phần lớn được viết từ những năm 20 - 40, những trước tác ấy đến nay vẫn giữ nguyên giá trị cách tân: chúng đặt ra cho khoa học một loạt vấn đề mới hệ trọng, cung cấp những phương pháp luận, cách tiếp cận mới, đầy hiệu năng, kích thích tinh thần tìm tòi, sáng tạo, nhận thức và nhận thức lại không ngừng trong khoa học. Nhưng Bakhtin cuốn hút người đọc không chỉ bằng tính cách tân: chất ấy không thiếu gì ở nhiều học giả khác trong thế kỷ khoa học phát triển gia tốc này (sính cách tân đã thực sự trở thành bệnh của thời đại). Nét độc đáo tạo nên cái “duyên” riêng ở Bakhtin chính là sự kết hợp nhuần nhụy tư duy khoa học hiện đại luôn luôn hướng về cái mới với cốt cách nho nhã của một kẻ sĩ gắn bó máu thịt với truyền thống văn hoá nhân văn cổ điển. Tinh thần nhân văn chủ nghĩa toát ra từ toàn bộ tác phẩm và từng trang viết của Bakhtin, tạo ra khoảng cách rõ rệt giữa ông với các học giả, nghệ sĩ “tiên phong chủ nghĩa”, mà trong đó không ít người muốn kéo ông về phe mình, biến ông thành đồng minh, cộng sự của mình. Đánh giá cao một số thành tựu của những trường phái nghiên cứu hiện đại như “phương pháp hình thức” ở Nga, cấu trúc học, ký hiệu học ở phương Tây, Bakhtin đồng thời luôn luôn phản đối khuynh hướng “phi nhân hoá” khoa học về con người, du nhập máy móc vào khoa học nhân văn, khoa học xã hội những phương pháp, tiêu chí của khoa học tự nhiên, khoa học chính xác. Những công trình khoa học của Bakhtin có một đặc điểm nữa, gắn bó chặt chẽ với điểm vừa nói tới: chúng rất giàu tính triết luận, chúng luôn luôn hướng tới những chân lý cuối cùng về thế giới và con người, hàm chứa nhiều ý niệm, tư tưởng cao sâu được tác giả hun đúc trong suốt cuộc đời mình và đã trả giá cho chúng bằng cả cuộc đời mình. Tất cả những đặc điểm ấy với những đặc điểm khác nữa hợp lại đã tạo nên cho Bakhtin một vị trí hiếm có trong làng danh nhân văn hoá thế kỷ này. Uy tín khoa học của Bakhtin hiện nay rất lớn, di sản của ông cần thiết, hữu ích cho nhiều bộ môn, trường phái khoa học nhân văn khác nhau. Nhưng vượt lên trên cái uy tín khoa học tất yếu có giới hạn thời gian ấy là vinh quang của một bậc đại trí, đại dũng, “một con người với số phận vĩ đại và những xác tín vĩ đại” (lời của nhà văn và học giả nổi tiếng Victor Shklovski), mà ngay cuộc đời, nhân cách, đặc điểm tâm tính cũng có sức hấp dẫn mãnh liệt. Phải chăng vì thế mà hiện nay tên tuổi Bakhtin được biết đến ở khắp các châu lục, ở hàng chục nước lớn và nhỏ, phương Tây và phương Đông nhiều môn đệ nhiệt thành nghiên cứu, truyền bá Bakhtin. Trong khi Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô còn đương chuẩn bị xuất bản Toàn tập Bakhtin thì những bộ sách như thế đã được in ở Nhật và Hà Lan.

Tập sách này chỉ giới thiệu một phần nhỏ nhưng rất trọng yếu trong di sản của nhà bác học Nga vĩ đại. Một trong những công lao lớn của Bakhtin là ông đã nâng lý thuyết thể loại - một bộ phận vốn không được quan tâm lắm của khoa học văn học, đặc biệt ở các nước xã hội chủ nghĩa - lên một vị trí quan trọng chưa từng thấy. Theo Bakhtin, thể loại chứ không phải phương pháp hoặc trường phái sáng tác là nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học. Mỗi một thể loại, nhất là thể loại lớn, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người. Thể loại là cái trí nhớ siêu cá nhân của nghệ thuật, nơi tích lũy, đúc kết những kinh nghiệm nhận thức thẩm mỹ thế giới. Mỗi thời dại lịch sử có hệ thống thể loại của mình, trong đó những thể loại chính thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất tâm thức, tầm nhìn, những mối quan tâm, những quan niệm và chuẩn mực giá trị của con người trong thời đại đó; những thể loại chính ấy như những mặt trời thu hút những thể loại khác vào trong quỹ đạo của chúng. Lịch sử văn học, theo Bakhtin, trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại.

Trong tất cả các thể loại văn học, Bakhtin tâm đắc nhất với tiểu thuyết. Ông coi tiểu thuyết là sản phẩm tinh thần tiêu biểu nhất cho thời đại mới của lịch sử loài người, là thành quả rực rỡ, có giá trị như một bước nhảy vọt thực sự vĩ đại của hàng ngàn năm văn chương thế giới. Khảo cứu thi pháp tiểu thuyết với tư cách một thể loại “chúa tể”, Bakhtin xác định những đặc tính chung của tư duy văn học hiện đại. Theo dõi những chặng đường khúc khuỷu của kiểu tư duy ấy từ thời cổ đại Hy-La cho đến ngày nay, ông dự đoán vận mệnh dài lâu của nghệ thuật ngôn từ con người. Xây dựng lý thuyết chung về tiểu thuyết, Bakhtin kiến tạo một triết học nhân bản, một luận thuyết về con người như một Bản Ngã sinh tồn trong và bằng sự tiếp xúc đối thoại với các Bản Ngã khác, với Cộng Đồng Bản Ngã.

Trong các tiểu thuyết gia lớn của thế giới, Bakhtin sớm tìm ra cho mình hai người đối thoại chính, hai vĩ nhân khác nhau như nước với lửa, nhưng mỗi người tương hợp một cách riêng với những nhu cầu tìm tòi tinh thần nơi ông. Đó là Dostoievski và Rabelais. Chuyên khảo về Dostoievski là cuốn sách đầu tiên mang tên tác giả M. Bakhtin. In năm 1929, năm 1963 nó được in lại có bổ sung và sửa đổi, nhưng những bổ sung, sửa đổi ấy không đụng chạm đến tư tưởng cốt lõi của cuốn sách. Bakhtin đưa ra một quan niệm về Dostoievski như một thiên tài đã sáng tạo ra một dạng tiểu thuyết hoàn toàn mới chưa từng có trước đó trong văn học Nga cũng như văn học thế giới mà ông gọi ước lệ là “tiểu thuyết phức điệu” (thuật ngữ vay mượn từ lý thuyết âm nhạc). Thế nào là tiểu thuyết phức điệu, bạn đọc có thể tìm thấy định nghĩa trong trích đoạn được đưa vào tập sách này. Mặc dù luận điểm của Bakhtin sớm trở nên rất nổi tiếng ở trong và ngoài Liên Xô, (một phần do ảnh hưởng của Bakhtin ở phương Tây ở những năm 30 đã hình thành hẳn một trường phái “tiểu thuyết phức điệu” với những tác gia và lý luận gia riêng), cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu phê bình văn học vẫn tranh luận nhiều với Bakhtin. Đa số, đặc biệt ở Liên Xô, không đồng ý với ông. Nhiều người chê trách Bakhtin đã cường điệu, tuyệt đối hoá vai trò cách tân của Dostoievski, đối lập ông với L. Tolstoi và các nhà văn xuôi cổ điển khác (có người buộc tội Bakhtin đã “phạm thượng” đối với nền văn học Nga vĩ đại!) Quả thật một ấn tượng như thế có thể có, nếu người ta đọc Bakhtin một cách hời hợt, hoặc với định kiến, hoặc do sự dốt nát đơn thuần (S. Averintsev, học trò xuất sắc của Bakhtin ở Liên Xô hiện nay, nói rằng những người hâm mộ dốt nát, hâm mộ do thời thượng chứ không phải do hiểu biết dã làm hại Bakhtin không kém những đối thủ ác ý). Cuốn sách của Bakhtin không tham vọng nói hết về Dostoievski, làm sao nói hết được, mà chỉ nói về những mặt tâm đắc nhất đối với Bakhtin ở Doxtoievski, những mặt mà, như Bakhtin quan niệm, sẽ có sức sống nhất, ảnh hưởng dài lâu nhất tới ngày mai của văn học. Nếu đa số các nhà nghiên cứu, từ thế hệ này đến thế hệ khác, mải miết phân tích, lý giải cái bề nổi trong tiểu thuyết Dosoievski: đề tài, cốt truyện, chủ đề tư tưởng, nhân vật..., xác định những quan hệ giữa cái bề nổi ấy với hiện thực xã hội bên ngoài tác phẩm thì Bakhtin chú mục vào những yếu tố cấu trúc tác phẩm nằm dưới bề nổi, những nguyên tắc nghệ thuật của Dostoievski. Cuốn sách của Bakhtin nói về thi pháp Dostoievski. Nó được viết cùng một thời kỳ với nhiều công trình thi pháp học khác xuất hiện ở Nga trong những năm 20, trong đó có những công trình xuất sắc của trường phái hình thức chủ nghĩa (Shlovski, Eikhenbaum, Tyniaanov...) Bakhtin khác với những người đồng nghiệp cùng lứa tuổi với ông thuộc trường phái ấy ở chỗ nếu họ dừng lại ở việc khám phá, phân tích, liệt kê các thủ pháp nghệ thuật, coi đó là nhiệm vụ cuối cùng của người nghiên cứu nghệ thuật, hoặc nói một cách khác, họ tự khép mình trong khuôn khổ văn bản, thì Bakhtin đi từ văn bản sang văn cảnh: ông cho thấy, với độ sáng rõ phi thường, bằng thủ pháp này hay thủ pháp kia người nghệ sĩ đã phát hiện được mặt này hay mặt kia của cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà với các phép khác thì không thể phát hiện được.

Bakhtin viết về quan hệ giữa hình thức và nội dung trong nghệ thuật: “Hình thức nghệ thuật được hiểu đúng nghĩa không trình bày cái nội dung có sẵn, đã tìm thấy mà lần đầu tiên cho phép tìm thấy, trông thấy cái nội dung ấy”. Khảo cứu thi pháp, tư duy nghệ thuật của Dostoievski, Bakhtin lột tả cái mô hình mới về thế giới mà Dostoievski đã kiến tạo được nhờ cái tư duy nghệ thuật ấy. Cái mô hình thế giới “phức điệu” phản ánh tính cực kỳ phức tạp, nhiều tiếng nói khác nhau của bản thân sự sống ấy, theo Bakhtin, là cống hiến to nhất, có giá trị trường cửu nhất của nhà nghệ sĩ ngôn từ Dostoievski.

Có thể đồng ý hay không đồng ý với Bakhtin, có thể yêu Dostoievski vì những cái khác cơ, nhưng cần hiểu Bakhtin, cần nắm được nội hàm những phạm trù mỹ học đồng thời là triết học của Bakhtin, trong đó “phức điệu” (polyphonie), “nguyên tắc phức điệu” (polyphonisme) là những phạm trù trung tâm (1). “Nguyên tắc phức điệu” vừa thể hiện lý tưởng thẩm mỹ - nghệ thuật, vừa thể hiện lý tưởng nhân sinh của nhà bác học và nhà tư tưởng Nga. Ở thế giới nghệ thuật “phức điệu” của Dostoievski, nơi cùng tồn tại không hoà đồng nhiều tiếng nói và ý thức độc lập, bình quyền, đầy đủ giá trị, nơi tiếng nói của nhân vật bình đẳng với tiếng nói tác giả, tác giả không chỉ nói về nhân vật mà còn nói với nhân vật, quan hệ đối thoại với nhân vật, Bakhtin tìm thấy một mẫu mực về thế giới con người như Cộng Đồng của các Bản Ngã, mỗi Bản Ngã là một giá trị tự thân, không thể thay thế, một vũ trụ tinh thần giao tiếp đối thoại với các vũ trụ khác.

      Trong triết học nhân bản của Bakhtin, “đối thoại” là phạm trù nền. Những tổ từ như “giao tiếp đối thoại”, “quan hệ đối thoại” vừa có ý nghĩa phổ quát, vừa mang sắc thái tâm tình. “Đối thoại là bản chất của ý thức, bản chất của cuộc sống con người (...) Sống tức là tham gia đối thoại: hỏi, nghe, trả lời, đồng ý,v.v... Con người tham gia cuộc đối thoại ấy bằng toàn bộ con người mình và toàn bộ cuộc đời mình: bằng mắt, môi, tay, tâm hồn, tinh thần, hành vi. Nó trút hết con người nó vào lời nói và tiếng nói của nó gia nhập dàn đối thoại của cuộc sống con người, gia nhập cuộc hội thảo thế giớ (...). Bản Ngã không chết. Cái chết chỉ là sự ra đi. Con người ra đi khi đã nói lời của mình, nhưng bản thân lời nói ấy còn lại mãi mãi trong cuộc hội thảo không bao giờ kết thúc” (2) .

      Các nhà học phiệt chỉ trích, buộc tội Bakhtin thường không đứng trên một mặt bằng tư cảm với ông, Có lẽ vì thế Bakhtin không trả lời, không đối thoại với họ. Cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski chắc chắn sẽ còn sống lâu cùng với trước tác Dostoievski, giúp bạn đọc tìm ra Dostoievski trong Dostoievski, như Bakhtin hằng ước vọng.

      Sau chuyên khảo về Dostoievski, cuốn sách nổi tiếng thứ hai của Bakhtin là công trình về Rabelais. Nó được in năm 1965, nhưng về cơ bản đã được hoàn thành trước năm 1940 (năm 1948, Bakhtin đã bảo vệ công trình này và đã được phong học vị ... phó tiến sĩ, nhờ đó mà ông đã được nhận vào dạy học ở một trường sư phạm tại một khu tự trị thuộc Cộng hoà liên bang Nga). Người Pháp đến nay vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sao sau bốn thế kỷ đọc, nghiên cứu, bình giải Rabelais một người ngoại tộc lại nói về thiên tài của họ trúng hơn, sâu sắc hơn hẳn những gì họ đã nói, đã giúp họ phát hiện lại Rabelais, “giải mã” Rabelais. Thế nhưng chỉ cần đọc chương dẫn luận được đưa vào tập sách này là ta có thể thấy ngay: những quan điểm, phương pháp kiến giải Rabelais của Bakhtin, nếu được vận dụng sáng tạo, có năng lực giúp chúng ta cắt nghĩa một loạt hiện tượng kỳ thú ngay trong văn học dân gian và thành văn của nước ta, tức là cái mảng văn chương trào phúng cổ mà mọi con người Việt Nam ta xưa nay vẫn rất tán thưởng, nhớ thuộc lòng, nhiều khi tấm tắc khen ngợi nhưng với giọng thì thầm, bởi vì nói to sao được, nói to sẽ bị huýt còi, sẽ bị chê ngay là “tục tĩu”, “thô bỉ”. Nhưng các nhà nghiên cứu ở các nước khác đã đi xa hơn thế nhiều: vận dụng Bakhtin, họ đã “giải mã” khá thành công cả những tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ và hết sức phức tạp trong văn học thế giới thế kỷ này như Ulysse của nhà văn Anh gốc Irlandie F. Joyce, Nghệ nhân và Margarita của nhà văn Nga M. Bulgakov, Một trăm năm cô đơn của nhà văn Mỹ - La tinh G. G. Marquez...

      Bakhtin đến với Rabelais trong thời kỳ ông tập trung nghiên cứu lý thuyết, lịch

sử, thi pháp, ngôn ngữ tiểu thuyết. Có thể nói, cả thập niên 1930-1940 Bakhtin dành cho tiểu thuyết. Ông viết một loạt công trình lớn, có những công trình lúc tác giả qua đời rồi mới được in (Ngôn từ trong tiểu thuyết, Những hình thức thời gian và thời - không gian trong tiểu thuyết), có công trình về tiểu thuyết trong thế kỷ Ánh sáng bản thảo đã thất lạc. Suy ngẫm về cái bản chất thẩm mỹ hết sức đặc thù ở tiểu thuyết, cái bản chất một trời một vực cách xa các thể loại văn học “anh chị” ra đời trước nó (sử thi, bi kịch); về những nguồn phát sinh và nuôi dưỡng nó, những thuận lý và nghịch lý sinh tồn, những khả năng biến hoá của nó, tư tưởng Bakhtin dừng lại lâu hơn cả ở cuốn sách xưa nay vẫn được coi là tuyệt tác nhưng thực ra rất hóc búa và kỳ dị của Rabelais. Nếu các nhà tiểu thuyết học khác thường phóng nước đại vượt qua cuốn sách ấy bởi vì nó khác quá chừng so với những cuốn truyện khác mà cả thế giới quen xem là những tiểu thuyết điển hình thì Bakhtin, ngược lại, lấy cuốn sách của Rabelais làm một trong những cứ liệu chính để xây dựng lý thuyết chung về tiểu thuyết. Ở Gargantua và Pantagruel, Bakhtin nhận thấy sự hội đủ những đặc điểm cấu thành quan trọng nhất của thể loại chủ đạo trong nền văn học thời đại mới. Trong tiếng cười hoan hỉ, rền như tiếng pháo đùng, tiếng cười nghịch ngợm, bất kính và nhiều khi rất bất nhã của Rabelais Bakhtin nghe thấy tín hiệu đích thực về một tâm thế đặc thù của người viết tiểu thuyết: tâm thế ung dung, bình thản, tự tin, không run sợ trước bất cứ cái gì, không quá tôn kính cái gì, không thấy cái gì là quá tầm mình. Cái chất suồng sã thường gây sốc ở văn Rabelais có sức hấp dẫn mạnh mẽ với Bakhtin vì ông nhận thức: đây là biểu hiện “đến hạn” (phù hợp với tính chất thể loại hài) của một thái độ tiếp cận cuộc sống một cách thân mật, xoá bỏ mọi khoảng cách ngôi thứ, đặt mọi vật lên mặt bằng ngày hôm nay, mà cái hôm nay thì bao giờ cũng dang dở, chưa xong, chưa thể kết luận. Cái hôm nay, cái thì hiện tại chưa hoàn thành ấy như xuất phát điểm cho hoạt động nhận thức, theo Bakhtin, là đặc điểm quan trọng hàng đầu, không thể thiếu được trong tư duy tiểu thuyết. Chức năng hàng đầu, sứ mệnh của tiểu thuyết là xét lại, nhận thức lại, đánh giá lại tất cả. Do đó nó phải mang tinh thần phi giáo điều triệt để. Tinh thần phi giáo điều ấy quả xuyên suốt kiệt tác của Rabelais.

      Trong chuyên khảo về Rabelais và nhiều công trình khác, Bakhtin xác định và khẳng định quan hệ nhân quả giữa tiếng cười và tiểu thuyết. Tiểu thuyết, như Bakhtin viết, ra đời trong quá trình thân mật hoá thế giới và con người bằng tiếng cười. Tiếng cười có sức mạnh tuyệt vời kéo đối tượng lại gần để dễ nhìn thấy, nghe thấy, dễ sờ mó, chia cắt, phân tích v. v... Tiếng cười giải phóng con người khỏi nỗi sợ trước thế giới tự nhiên và thế giới xã hội với bao thế lực, quyền lực và quyền uy có sức mạnh đè bẹp nó, do đó mà nó phải kính nể, tạo nên thái độ tỉnh táo, quả cảm, không biết sợ, mà thái độ ấy là tiền đề cho mọi cuộc cách mạng, mọi bước nhảy vọt thực thụ trong đời sống xã hội. Ở châu Âu, theo Bakhtin, những thay đổi có tính chất cách mạng trong mọi lĩnh vực đời sống tinh thần thời Phục hưng đã được chuẩn bị bằng sự bùng nổ tiếng cười trong nền văn hoá dân gian. Các nhà văn hoá theo chủ nghĩa nhân văn thời ấy, mà đại diện tiêu biểu là Rabelais, nhạy cảm với nhu cầu giải phóng con người, đã tiếp thụ tiếng cười dân gian, học tập và “cải biên” ngôn ngữ của nó, sử dụng như một công cụ sắc bén để xây dựng lại những quan niệm về thế giới, đánh đổ thế giới quan trung cổ, thực hiện một cuộc cách mạng tư tưởng mở đầu cho thời đại mới trong lịch sử thế giới. Trong lĩnh vực văn học, cũng theo Bakhtin, tiếng cười đã chuẩn bị những tiền đề thiết yếu cho sự ra đời của một thể loại chủ đạo mới về bản chất là tiểu thuyết. Giữa kỷ nguyên của tiểu thuyết và kỷ nguyên sử thi là một thời kỳ hoạt động hết sức tích cực và hiệu nghiệm của các thể loại hài chế nhạo, giễu nhại các thể loại trang nghiêm, cao sang cũ. Các thể loại hài ấy, mà ngôn ngữ được sử dụng tập trung trong cuốn sách của Rabelais, đã đóng vai trò quyết định làm xói mòn tư duy nghệ thuật cũ, tích lũy những thành tố của tư duy mới làm chất bột gột nên thể loại tiểu thuyết.

      Không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng tình với luận thuyết về tiếng cười của Bakhtin. Có người nói ông tư biện, khiên cưỡng, thổi phồng những hiện tượng phù hợp với luận điểm của mình và bỏ qua những gì không phù hợp. Nhiều tư liệu khoa học xuất hiện sau khi Bakhtin đã hoàn thành công trình về Rabelais và văn hoá dân gian trung cổ đã khiến công luận phải xét lại quan niệm về “đêm trường trung cổ”, từ đó mà một loạt vấn đề phải được nhận thức lại; nhiều quan điểm lịch sử học của Bakhtin cũng đang được minh xác. Cái phần chắc sẽ giữ được giá trị trường cửu trong chuyên khảo của Bakhtin là phần phân tích ý nghĩa mỹ học và triết học của tiếng cười hội hè dân gian. Bakhtin là người đầu tiên cắt nghĩa, “giải mã” được cái “tục” trong văn hoá hài dân gian, do đó mà ông đã “giải mã” được Rabelais, nhà văn “thô tục” nổi tiếng. Cái “tục” với hàm nghĩa “thanh” rất sâu rộng ấy rõ ràng vẫn sống trong văn hoá dân gian ngày nay và nuôi dưỡng văn học hiện đại. Kinh nghiệm thế giới trong thế kỷ này cũng xác nhận sự anh minh phi thường của tư tưởng Bakhtin về quan hệ giữa tiếng cười và tiểu thuyết. Tiếng cười đúng là môi sinh của tiểu thuyết; ở nền văn học nào vắng tiếng cười thì ở đó tiểu thuyết hoặc không thể trưởng thành, hoặc thui chột.

    Ở chuyên khảo về Rabelais, một lần nữa ta bắt gặp lối viết sâu và sáng của Bakhtin. Giữa và dưới những dòng tuyệt vời, thực sự phát sáng về văn hoá hội hè, về hội cải trang (carnaval) và số phận của nó, người đọc nào cũng đọc được những tâm tư sâu lắng của một trí tuệ lớn về số phận con người, số phận nền văn minh con người. Khi con người chưa là cá nhân, chưa là Bản Ngã, nó có Cộng Đồng với vô vàn giá trị siêu cá nhân của đời sống cộng đồng. Khi con người đã trở thành cá nhân, trở thành Bản Ngã, nó đánh mất đời sống cộng đồng, những giá trị siêu cá nhân bị mai một, mà thiếu những giá trị siêu cá nhân, cá nhân tồn tại một cách què quặt. Hai cuốn sách chính của Bakhtin, một cuốn về Dostoievski, một cuốn về Rabelais cho ta thấy ở Bakhtin hai mối bận tâm lớn, hai hướng tìm tòi, khẳng định chứng tỏ ông đúng là con người của thời đại chúng ta. Nếu bằng cuốn sách về Dostoievski Bakhtin góp tiếng nói khẳng định (trước tiên trước đồng bào của Dostoievski) giá trị độc lập, tự thân, cao quý nhất, không gì thay thế được của cá nhân, của Bản Ngã, thì bằng công trình về Rabelais ông nhắc nhở (trước tiên cho đồng bào của Rabelais) về những giá trị siêu cá nhân cũng không gì thay thế được của nhân quần, của cuộc sống Cộng Đồng. Hai địa chỉ người nhận được chọn rất có dụng ý.

      Tất cả những kết quả khảo cứu khoa học quan trọng nhất, những tư tưởng tâm huyết về tiểu thuyết đã được Bakhtin đúc kết thành bài viết năm 1941 mang tên Tiểu thuyết như một thể loại văn học. Bài viết này có sức nặng hơn nhiều pho sách. Lý luận tiểu thuyết ở đây đã đạt độ minh triết.

      Trong di sản của Bakhtin, những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ có giá trị không kém phần viết về văn học. Trong lĩnh vực này Bakhtin cũng mở đường. Cùng với dăm ba nhà ngôn ngữ học nữa Bakhtin đã khởi xướng một bộ môn khoa học mới - siêu ngôn ngữ học (métalinguistique) hiện nay khá thịnh hành ở châu Âu. Nếu ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng nói của con người tách khỏi những chủ thể sống động của nó (tức là những người nói) thì siêu ngôn ngữ học nghiên cứu sự giao tiếp giữa các chủ thể lời nói và những quan hệ hình thành trong sự giao tiếp ấy. Làm văn, làm thơ là một hình thức nói, trong đó người làm văn, thơ là chủ thể tiếng nói, người đọc (người nghe) là người đối thoại.

      Tiền đề lý luận của Bakhtin: lời nói của con người mang tính đối thoại, tính đối thoại là thuộc tính phổ quát của ngôn từ và tư duy con người. Nói tức là nói với ai đấy. Ngay khi con người nói một mình, nó cũng nói với mình, nó lưỡng hoá con người mình. Nói tức là chờ đợi được trả lời. Khi ta nói với ai một cái gì (ít nhiều hệ trọng), ta cố gắng nói thế nào để vừa diễn đạt được cái ta muốn nói vừa nhận được lời đáp như ta mong đợi (“lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”). Lời nói của ta, với tất cả các đặc điểm, sắc thái, không chỉ phụ thuộc vào điều ta muốn nói mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người đối thoại với ta. Đấy là thí dụ đơn giản nhất về tính đối thoại nội tại của lời nói.

      Trong văn chương, cũng như trong cuộc sống, tính đối thoại nội tại ấy của ngôn từ biểu hiện thiên hình vạn trạng, nhưng trong mỗi loại hình văn học khác nhau nó có mặt ở mức độ khác nhau: theo Bakhtin, ở thơ, nhất là thơ trữ tình thì ít, còn ở văn xuôi, đặc biệt văn tiểu thuyết thì lại rất nhiều. Lời thơ về cơ bản là lời đơn thanh (một bè), trong tác phẩm thơ chỉ có một tiếng nói trực tiếp và thuần khiết của nhà thơ nói cái của mình bằng ngôn ngữ của mình. Về phương diện phong cách học, có thể ví một bài thơ trữ tình với một bài hát diễn đơn không đệm hoặc một bản nhạc độc tấu viết cho đàn dây. Văn xuôi nghệ thuật, nhất là văn tiểu thuyết thì khác hẳn. Bakhtin ví một văn bản tiểu thuyết với bản tổng phổ một tác phẩm giao hưởng: ở đấy có rất nhiều bè, nhiều bộ với những cách đi bè, phối khí phức tạp; ai không nắm vững được nghệ thuật đi bè, phối khí thì có tài mấy cũng không viết được nhạc giao hưởng và các thể loại âm nhạc phức hợp khác. Bakhtin nói: tương tự như thế, người viết văn xuôi nào chỉ biết nói cái của mình bằng ngôn ngữ của mình, không biết nói cái của mình bằng ngôn ngữ của người khác (trong đó có ngôn ngữ của nhân vật), không biết đưa vào và “phối khí” trong câu văn của mình những tiếng nói khác nhau ở ngoài đời thì người ấy dù cố gắng thế nào cũng chỉ viết được những sáng tác bề ngoài rất giống tiểu thuyết nhưng không phải là tiểu thuyết. Theo chúng tôi, ý kiến này của Bakhtin rất đáng được các bạn trẻ viết văn xuôi ở nước ta hiện nay biết đến. Hai nhà tiểu thuyết lớn của chúng ta thời trước: Nam Cao với Chí PhèoSống mòn và Vũ Trọng Phụng với Số đỏ không hề đọc Bakhtin nhưng đã viết văn tiểu thuyết y như nhà bác học Nga sống cùng thời với họ quan niệm. Bakhtin còn nói nhiều cái hay nữa về ngôn ngữ tiểu thuyết, rất mong các bạn đọc kỹ chương hai của tập sách này.

      Như chúng tôi đã nói, tập sách này mới chỉ giới thiệu một phần nhỏ trong di sản của Bakhtin. Nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình tiếp thu và vận dụng thông minh, sáng tạo những luận điểm khoa học của Bakhtin ở Việt Nam, đồng thời chấm dứt tình trạng dẫn Bakhtin không chú xuất xứ đã trở nên khá phổ biến ở nước ta.

      Dịch Bakhtin là một việc không dễ tí nào. Cũng như nhiều người mở đường trong khoa học, ông có hẳn một hệ thống thuật ngữ riêng, trong đó có những từ vốn có trong các Âu ngữ nay ông sử dụng đổi nghĩa và có những từ mới, trước và sau Bakhtin chưa ai dùng. Nhưng Bakhtin không chỉ là một nhà khoa học và nhà tư tưởng lớn mà còn là một nghệ sĩ ngôn từ thực thụ. Phong cách của ông không thể nhầm lẫn với bất cứ một ai (có người cho rằng chính phong cách viết thể hiện phong cách tư duy của Bakhtin mới là đóng góp lớn nhất của ông cho văn hoá tương lai của toàn nhân loại). Bản dịch này chắc chắn còn nhiều thiếu sót xét cả về mặt “tín” cũng như “nhã”, xin được các đồng nghiệp chỉ giáo.

1991

* Lời nói đầu sách: M. Bakhtin. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du. Hà Nội, 1992.

(1) M. Bakhtin. Mỹ học sáng tạo ngôn từ. M. 1979, tr.318, 326 (tiếng Nga)

 

 

 

(1) Cần phân biệt “phức điệu” với “đa thanh”, Bakhtin sử dụng cả hai thuật ngữ âm nhạc này. Trong âm nhạc, “phức điệu” đối lập với “chủ điệu” (homophonie), cả nhạc phức điệu (thí dụ Bach) lẫn nhạc chủ điệu (thí dụ Beethoven) đều đa thanh (nhiều bè), nhưng trong nhạc phức điệu tất cả các bè đều bình đẳng, có giá trị như nhau, còn trong nhạc chủ điệu thì có bè chính và những bè phụ (đệm). Trong hệ thống khái niệm của Bakhtin, “phức điệu” là “đa thanh” ở độ phát triển cao nhất. “Tính đa thanh” trong văn chương là biểu hiện của “nguyên tắc đối thoại” được Bakhtin quan niệm như một thuộc tính phổ biến của tư duy con người. Toàn bộ văn xuôi nghệ thuật, theo Bakhtin, có chất đa thanh, chất đối thoại. Nhưng chất phức điệu, nguyên tắc phức điệu lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết Dostoievski.     

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529689

Hôm nay

2155

Hôm qua

2277

Tuần này

21962

Tháng này

216385

Tháng qua

0

Tất cả

114529689