Những góc nhìn Văn hoá

Tín ngưỡng của tôi(1)

Học thuyết của Kitô, cũng như mọi học thuyết tôn giáo, bao gồm hai bình diện: 1) học thuyết về cuộc sống của con người – về việc mỗi một con người riêng lẻ cần phải sống thế nào và tất cả mọi người phải sống với nhau thế nào – đạo đức học, và 2) giải thích, vì sao loài người cần phải sống như thế, chứ không phải một cách khác – siêu hình học.

Cái này là hệ quả và đồng thời nguyên nhân của cái kia. Con người cần phải sống như thế, bởi vì sứ mệnh của nó là thế, hay sứ mệnh của con người là thế, cho nên nó cần phải sống như thế. Hai bình diện này của mọi giáo thuyết hiện diện trong tất cả các tôn giáo của thế giới. Đạo Bàlamôn, đạo Khổng, đạo Phật, đạo Moïse là như thế, đạo Kitô cũng là như thế. Nó dạy sống, dạy cần phải sống thế nào và đưa ra giải thích, vì sao cần phải sống đích thị như thế. Nhưng cái gì đã xảy ra với tất cả các giáo thuyết: với đạo Bàlamôn, với đạo Do Thái, đạo Phật, cái đó cũng xảy ra với học thuyết của Kitô. Người ta đi lệch học thuyết về nhân sinh, rồi từ số những người đi lệch xuất hiện những vị lĩnh nhận nhiệm vụ biện chính cho những sai lệch ấy. Những người này – như Kitô nói, họ ngồi lên mông của Moïse – cố tình giải thích bình diện siêu hình học của học thuyết sao cho những đòi hỏi đạo đức của học thuyết trở nên không bắt buộc và được thay thế bắng sự thờ bái thánh thần bên ngoài – bằng các nghi lễ. Hiện tượng này là chung cho mọi tôn giáo, nhưng tôi có cảm tưởng, chưa bao giờ nó bộc lộ gay gắt như trong đạo Kitô. Nó bộc lộ đặc biệt gay gắt ở đây bởi vì học thuyết của Kitô là học thuyết cao nhất, mà học thuyết này là cao nhất bởi vì siêu hình học và đạo đức học ở đây gắn bó khăng khít và quy định lẫn nhau chặt chẽ đến mức không thể tách rời mặt này khỏi mặt kia mà không làm cho toàn bộ giáo thuyết mất ý nghĩa; vả lại, còn một lý do nữa: học thuyết của Kitô tự nó đã là đạo phản thệ, tức là nó phủ định không chỉ những quy định về lễ tiết của đạo Do Thái, mà còn mọi sự thờ bái thánh thần bên ngoài nói chung. Chính vì thế mà trong đạo Kitô sự không ăn khớp này đã làm cho học thuyết bị bóp méo hoàn toàn và mất đi mọi ý nghĩa. Sự không ăn khớp giữa học thuyết về cuộc sống và sự giải thích cuộc sống bắt đầu ngay từ hoạt động giảng đạo của thánh Paul, người đã không biết đến cái học thuyết đạo đức được diễn đạt trong kinh Phúc Âm của Matthieu, cho nên đã truyền giảng một lý thuyết siêu hình theo tinh thần Kabbalah xa lạ với Kitô, và sự không ăn khớp này trở nên triệt để vào thời hoàng đế Constantin, khi mà người ta cho là đã có thể không thay đổi toàn bộ thể chế đời sống đa thần giáo mà chỉ mặc lên cho nó bộ trang phục Kitô giáo và trên cơ sở ấy gọi nó là Kitô giáo.

Từ thời Constantin, một người đa thần trong số những người đa thần, mà vì tất cả những tội ác và thói hư tật xấu của ông ta, giáo hội Kitô giáo đã liệt ông vào hàng các thánh nhân của đạo, bắt đầu những hội nghị giám mục, và trọng tâm của đạo Kitô bị di chuyển sang chỉ một phương diện siêu hình học của học thuyết. Và cái học thuyết siêu hình ấy, với những nghi lễ song hành, càng ngày càng đi lệch ý nghĩa cơ bản của mình và hiện giờ đi đến chỗ mà nó đã đi đến: đi đến một giáo thuyết giải thích những bí mật của sự sống thiên giới mà trí tuệ con người không thể thẩm thấu, quy định những nghi lễ tôn giáo phức tạp nhất, nhưng lại không đưa ra bất kỳ một học thuyết tôn giáo nào về cuộc sống nơi trần gian.

Tất cả các tôn giáo, trừ đạo Kitô của giáo hội, ngoài những nghi lễ còn đòi hỏi ở những người tuyên tín chúng một số việc tốt nhất định và buộc kiêng kị những việc xấu. Đạo Do Thái đòi hỏi làm lễ cắt bao quy đầu, tuân thủ ngày Sabbath, thực hiện bố thí, ăn mừng năm tròn và còn nhiều thứ khác. Đạo Hồi đòi cắt bao quy đầu, cầu khấn mỗi ngày năm lần, bố thí một phần mười tài sản cho người nghèo, hành hương viếng mộ nhà tiên tri và nhiều điều khác. Các tôn giáo khác cũng thế. Những đòi hỏi ấy tốt ư, xấu ư, nhưng đó là những yêu cầu hành động. Chỉ có đạo Kitô giả mạo là không yêu cầu gì cả. Không có cái gì mà một tín đồ Kitô giáo bắt buộc phải làm và cũng không có cái gì mà nó bắt buộc phải kiêng kị, nếu không kể những tuần chay và lễ cầu nguyện mà chính nhà thờ cũng xem là không bắt buộc. Tất cả những gì cần cho một tín đồ của đạo Kitô giả mạo – đó là những bí lễ. Nhưng bí lễ ấy không phải người theo đạo thực hiện, mà những người khác làm cho nó. Tín đồ Kitô giáo giả mạo không phải làm cái gì và không phải kiêng kị cái gì ngõ hầu được cứu rỗi, nhưng nhà thờ sẽ làm hết những gì cần thiết cho anh ta: người ta sẽ làm lễ rửa tội cho anh ta, sẽ xức dầu thánh, sẽ ban thánh thể, sẽ nghe xưng tội thậm chí nghe trong im lặng, sẽ cầu nguyện cho anh ta – và thế là anh ta được cứu rỗi. Giáo hội Kitô giáo từ thời Constantin không đòi hỏi ở những thành viên của mình một hành vi nào xác định. Thậm chí nó không tuyên bố đòi hỏi phải kiêng kị một cái gì. Giáo hội Kitô giáo đã công nhận và đã linh thiêng hóa tất cả những gì tồn tại trong thế giới đa thần giáo. Nó đã công nhận và linh thiêng hóa cả tục ly hôn, cả chế độ nô lệ, cả tòa án và tất cả những chính thể đã tồn tại, cả những cuộc chiến tranh, cả những hình phạt và, khi làm lễ rửa tội, nó chỉ đòi tín đồ chối từ cái ác, mà cũng chỉ bằng lời nói và chỉ ban đầu; sau này, khi làm lễ rửa tội cho các hài nhi thì ngay cái đó người ta cũng không yêu cầu nữa.

Trên lời nói công nhận học thuyết của Kitô, giáo hội trực tiếp phủ định nó trong đời sống.

Thay vì lãnh đạo thế gian trong đời sống của nó, giáo hội để vừa lòng thế gian đã kiến giải lại học thuyết siêu hình của Kitô cốt sao từ nó không phát sinh bất cứ yêu cầu nào đối với đời sống, cốt sao nó không cản trở người đời sống như họ đã sống. Giáo hội đã nhượng bộ thế gian một lần, song khi đã nhượng bộ thì buộc phải đi theo thế gian. Thế gian làm mọi thứ nó muốn, để cho giáo hội tùy theo sức của mình đuổi theo nó bằng những giải thích về ý nghĩa cuộc sống. Thế gian thiết chế cuộc sống của mình, về mọi mặt trái ngược với học thuyết của Kitô, còn giáo hội thì vắt óc nghĩ ra những ngụ ngôn, mà theo chúng thì loài người, sống ngược luật của Kitô, lại hóa ra sống theo đúng luật ấy. Và kết cục là thế gian bắt đầu sống một cuộc sống tồi tệ hơn cuộc sống đa thần giáo, còn giáo hội thì bắt đầu không chỉ biện minh cho cuộc sống ấy, mà còn khẳng định rằng học thuyết của Kitô chính là ở đấy.

Nhưng giờ đã điểm, và ánh sáng của học thuyết Kitô giáo chân chính hàm chứa trong kinh Phúc Âm – mặc dù giáo hội, ý thức được sự không phải của mình, cố tình che giấu nó (cấm dịch Kinh Thánh ra các sinh ngữ) – giờ đã điểm, và ánh sáng ấy thông qua những người bị gọi là vây cánh trong tôn giáo và thậm chí cả dân thế tục suy nghĩ tự do đã thẩm thấu vào dân chúng, và những sai trái trong học thuyết của giáo hội trở nên rõ ràng đối với mọi người và họ bắt đầu sửa đổi cuộc sống của mình – cái cuộc sống vốn được giáo hội biện minh – dựa vào học thuyết của Kitô được lĩnh hội bên ngoài nhà thờ.

Chẳng hạn, loài người tự mình bên ngoài nhà thờ đã hủy bỏ chế độ nô lệ được nhà thờ biện minh, hủy bỏ các đẳng cấp, hủy bỏ các hình phạt tôn giáo được giáo hội thiết chế, hủy bỏ quyền lực được giáo hội linh thiêng hóa của những hoàng đế với giáo hoàng và giờ đây đến lượt bắt đầu hủy bỏ chế độ sở hữu và nhà nước. Và giáo hội không bênh vực cái gì và cũng không thể bênh vực, bởi vì sự hủy bỏ những điều bất chính ấy trong cuộc sống đã và đang diễn ra trên cơ sở cái học thuyết Kitô giáo mà giáo hội vẫn rao giảng, mặc dù không ngừng cố gắng xuyên tạc nó.

Học thuyết về nhân sinh của loài người đã tách khỏi giáo hội và tự xác định độc lập với giáo hội.

Cái còn lại nơi giáo hội là những giải thích, nhưng giải thích cho cái gì? Giải thích siêu hình học cho một học thuyết chỉ có ý nghĩa, khi có học thuyết về đời sống mà nó giải thích. Nhưng giáo hội đã không có một học thuyết nào nữa về đời sống. Nó chỉ có học thuyết về cái đời sống mà ngày xửa ngày xưa nó đã thiết lập nhưng giờ đây không còn nữa. Nếu vẫn còn lại ở giáo hội những giải thích cho đời sống như nó diễn ra ngày xửa ngày xưa, thí dụ giải thích vì sao phải giết người theo phận sự, thì đã không ai tin vào cái đó nữa. Và nơi giáo hội không còn lại cái gì, ngoài những nhà thờ, tranh thánh, gấm vóc và ngôn từ.

Giáo hội đã mang qua 18 thế kỷ ánh sáng của học thuyết Kitô về nhân sinh và do muốn che giấu ánh sáng ấy trong các trang phục của mình cho nên đã bị đốt cháy bởi ánh sáng ấy. Thế gian với tổ chức của nó được giáo hội linh thiêng hóa đã gạt bỏ giáo hội vì chính những cơ sở Kitô giáo mà giáo hội bất đắc dĩ mang theo mình, và giờ đây đã sống không có giáo hội. Đây là việc đã rồi, và đã không thể giấu giếm nó. Tất cả những gì đang sống thực sự chứ không phải đang uể oải phản ứng nhưng không sống và chỉ cản trở người khác sống, tất cả mọi thứ sống động trong thế giới châu Âu của chúng ta đã từ bỏ giáo hội và mọi hội thánh và sống cuộc sống của mình không phụ thuộc vào giáo hội. Và đừng nói rằng chỉ ở Tây Âu thối nát mới thế; nước Nga của chúng ta, với hàng triệu tín đồ Kitô giáo duy lý có học hay thất học nhưng đều gạt bỏ học thuyết của giáo hội, chứng tỏ một cách không chối cãi được rằng về phương diện ruồng bỏ giáo hội, đội ơn Chúa, nó thối nát hơn châu Âu rất nhiều.

Tất cả những gì sống động đều không phụ thuộc vào giáo hội.

Quyền lực nhà nước dựa vào truyền thống, vào khoa học, vào chế độ dân cử, vào sức mạnh thô bạo, vào mọi thứ bạn muốn, chỉ không dựa vào giáo hội.

Những cuộc chiến tranh, quan hệ giữa các quốc gia được thiết lập trên nguyên tắc dân tộc, nguyên tắc cân bằng, trên bất cứ cái gì bạn  muốn, chỉ không trên những nguyên lý của giáo hội. Các cơ quan nhà nước trực tiếp phớt lờ giáo hội. Tư tưởng về việc giáo hội có thể là cơ sở của tòa án, của chế độ sở hữu ngày nay chỉ gây cười. Khoa học không chỉ không trợ lực cho học thuyết của giáo hội mà vô tình trong sự phát triển của mình luôn luôn thù địch với giáo hội. Nghệ thuật, trước kia phụng sự một mình giáo hội, bây giờ toàn bộ đã ly hôn với nó. Toàn bộ cuộc sống không chỉ đã thoát khỏi vòng cương tỏa của giáo hội, mà cuộc sống ấy không có một thái độ nào khác đối với giáo hội, ngoài khinh thị, khi mà giáo hội không can thiệp vào những công việc của nó, và căm ghét, mỗi khi giáo hội cố gắng nhắc nhở nó về những quyền năng trước đây của mình. Nếu còn tồn tại cái hình thức mà chúng ta gọi là giáo hội thì chỉ vì loài người sợ đánh vỡ cái bình xưa kia chứa đựng nội dung quý giá; chỉ bằng cách ấy có thể giải thích sự tồn tại trong thế kỷ chúng ta của đạo công giáo, đạo chính thống và các đạo tin lành khác nhau.

Tất cả các giáo hội – công giáo, chính giáo, tin lành – đều giống những người lính khư khư canh giữ một tù nhân mà không biết rằng người tù đã tẩu thoát từ lâu và đang đi lại giữa những người canh và thậm chí đánh nhau với họ. Tất cả những gì mà bằng nó thế giới đương sống thực sự: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, những thuyết kinh tế - chính trị, chủ nghĩa duy lợi, tự do và bình đẳng của con người, của các đẳng cấp và của phụ nữ, tất cả những khái niệm về đạo đức của loài người, tính thiêng liêng của lao động, tính thiêng liêng của trí tuệ, của khoa học, của nghệ thuật – tất cả những gì làm xoay chuyển thế giới nhưng lại bị giáo hội xem là thù địch với nó, tất cả cái đó là những bộ phận của vẫn một học thuyết mà giáo hội, tự mình không biết, đã mang qua các thế kỷ cùng với học thuyết của Kitô bị nó cố tình che giấu.

Trong thời đại ngày nay cuộc sống của thế giới diễn tiến theo bước đi của nó, hoàn toàn độc lập với học thuyết của giáo hội. Học thuyết ấy đã tụt hậu xa đến nỗi người đời đã không còn nghe thấy tiếng nói của các bậc sư phụ của giáo hội. Và cũng chẳng có gì để nghe, bởi vì giáo hội chỉ đưa ra những giải thích cho cái tổ chức đời sống đã trở nên quá chật chội đối với thế giới đã trưởng thành – cái tổ chức đời sống hoặc tuyệt không còn nữa, hoặc đang tiêu vong không thể giữ lại.

Nhân loại ngồi trong thuyền và chèo, còn người cầm lái thì lái con thuyền. Người ta ký thác mình cho người cầm lái và người ấy lái tốt; nhưng đến lúc người cầm lái tốt được thay thế bằng người khác không lái thuyền. Con thuyền đi nhanh và nhẹ. Ban đầu người ta không nhận ra rằng người cầm lái mới không lái mà chỉ mừng rỡ thấy thuyền đi nhẹ nhàng. Nhưng khi đã nhận thấy rằng chẳng cần người cầm lái mới nữa thì họ bắt đầu bêu xấu và cuối cùng đã đuổi cổ anh ta.

Tất cả đều chẳng sao, nhưng tai họa ở chỗ do bực tức người cầm lái vô dụng người ta đã quên bẵng đi rằng không có người lái thì không biết mình đang bơi đi đâu. Và chính cái đó đã xảy ra với xã hội Kitô giáo của chúng ta. Giáo hội không cầm lái nữa, và trở nên dễ bơi đấy, và chúng ta đã bơi thật xa, và tất cả những thành tựu của tri thức mà thế kỷ XIX của chúng ta tự hào đến thế - tất cả đều do chúng ta bơi không người lái. Chúng ta bơi không biết tới đâu. Chúng ta đang sống và làm ra cuộc sống này của mình mà tuyệt đối không biết để làm gì. Nhưng không thể bơi và chèo mà không biết bơi đi đâu, cũng như không thể sống và làm ra cuộc sống của mình mà không biết sống để làm gì?

Bởi lẽ nếu mà loài người không làm gì cả, mà bị một sức mạnh bên ngoài đặt vào tình thế như họ hiện đang ở trong đó, thì đối với câu hỏi: vì sao các vị lại ở trong tình trạng như thế? Sẽ rất có lý trả lời: chúng tôi không biết, nhưng chúng tôi đã mắc vào tình trạng này và đang ở trong đó. Nhưng loài người tự làm ra tình trạng cho mình và cho những người khác, đặc biệt cho con cháu của mình, cho nên đối với những câu hỏi: vì sao các vị tập hợp và tự mình hợp thành những đoàn quân triệu người và dùng chúng để chém giết và làm tàn phế lẫn nhau? Vì sao các vị đã và đang tiêu phí những nhân lực khủng khiếp, thể hiện bằng những con số hàng tỉ, để xây nên những thành phố không cần thiết và có hại cho các vị, vì sao các vị bày ra những tòa án - trò chơi của mình, rồi đầy ải những người mà các vị xem là phạm tội, từ Pháp tới Caène, từ Nga sang Xibia, từ Anh sang Úc, khi mà chính các vị biết rằng cái đó là vô nghĩa? Vì sao các vị lại từ bỏ nghề nông yêu thích để làm việc ở các nhà máy và xưởng thợ mà chính các vị không ưa tí nào? Vì sao các vị lại giáo dục con cháu để chúng tiếp tục cuộc sống mà chính các vị không tán thành? Các vị làm tất cả cái đó để làm gì? Các vị không trả lời được những câu hỏi ấy. Giả sử tất cả đều là những việc mà các vị yêu thích, thì ngay khi ấy các vị vẫn cứ phải trả lời: vì sao các vị làm cái đó? Nhưng khi đây toàn là những việc khó khủng khiếp và các vị phải gắng hết sức để làm và vừa làm vừa than vãn, thì các vị không thể không suy nghĩ các vị làm tất cả cái đó để làm gì? Cần phải hoặc thôi không làm tất cả cái đó nữa, hoặc trả lời chúng tôi làm để làm gì chứ?

Loài người không bao giờ sống và không thể sống mà không trả lời câu hỏi ấy. Và câu trả lời trước đây luôn luôn có ở nhân gian.

Người Do Thái đã sống như anh ta sống, tức là tham chiến, trừng phạt người khác, xây đền, thu xếp toàn bộ cuộc sống của mình thế này chứ không thế khác, bởi vì tất cả cái đó đã được quy định trước trong luật mà, theo xác tín của anh ta, được ban xuống từ Thượng Đế. Cũng là thế đối với người Ấn Độ, người Trung Quốc; cũng là thế đối với người La Mã xưa kia; cũng là thế đối với người Hồi giáo; cũng là thế đối với người Kitô giáo 100 năm trước đây, và vẫn là thế cả hiện nay đối với đám tín hữu dốt nát của đạo Kitô. Đáp lại những câu hỏi ấy, một tín đồ Kitô giáo dốt nát sẽ trả lời thế này: quân dịch, chiến tranh, tòa án, các hình phạt – tất cả đều tồn tại theo luật của Chúa Trời được giáo hội truyền thụ cho chúng tôi. Thế giới này là thế giới đã sa ngã. Tất cả những gì ác độc tồn tại nơi đây đều tồn tại theo ý Chúa, như là hình phạt vì những tội lỗi của thế gian, vì thế chúng tôi không thể sửa chữa cái ác ấy được. Chúng tôi chỉ có thể cứu rỗi linh hồn mình bằng niềm tin, bằng những bí lễ, những lời cầu nguyện và bằng sự tuân phục ý chí của Chúa được giáo hội truyền cho chúng tôi. Mà giáo hội thì dạy chúng tôi rằng mỗi một tín đồ Kitô giáo phải phục tùng vô điều kiện vua chúa là những người thừa hành của Đấng Tối Cao và các quan lại được vua chúa xếp đặt, phải che chắn bằng bạo lực sở hữu của mình và của người khác, phải tham chiến, sát phạt và chịu phạt theo ý nhà chức trách được Chúa chỉ định.

Những giải thích ấy tốt ư, tồi ư, nhưng chúng đã và đang giải thích cho người Kitô giáo thành tín, cũng như cho người theo đạo Do Thái, đạo Phật, đạo Hồi tất cả những đặc điểm của đời sống, và con người không chối bỏ lý trí, khi nó sống theo luật mà tự nó xem là luật của thần thánh. Nhưng bây giờ thì chỉ những người ngu tối nhất mới còn tin vào những giải thích ấy, và số lượng  những người như thế ngày một ít đi. Ngăn chặn chiều hướng này là hoàn toàn bất khả. Tất cả mọi người một cách không thể ngăn giữ đi theo những người đi trước và tất cả đều sẽ đi đến chỗ những người tiên tiến ấy đang đứng. Mà những người tiên tiến thì đang đứng trên vực thẳm. Những người tiên tiến ấy đang ở trong tình thế khủng khiếp: họ làm cuộc sống cho mình, chuẩn bị cuộc sống cho tất cả những người đi theo mình nhưng lại hoàn toàn không biết mình làm cái đang làm để làm gì. Không một con người tiên tiến, văn minh nào giờ đây có thể trả lời câu hỏi thẳng thắn: anh sống cuộc sống mà anh đang sống để làm gì? Anh làm tất cả những thứ mà anh đang làm để làm gì? Tôi đã thử hỏi về cái đó và đã hỏi hàng trăm người nhưng không bao giờ nhận được lời đáp thẳng thắn. Bao giờ cũng thế, thay vì trả lời thẳng câu hỏi của cá nhân tôi: bạn sống như thế và hành động như thế để làm gì, tôi luôn luôn nhận được trả lời không cho câu hỏi của mình mà cho câu hỏi mà tôi không đặt ra.

Người công giáo, người tin lành, người chính giáo thành tín khi được hỏi: vì sao anh lại sống như đang sống, tức là trái với học thuyết của Chúa Kitô mà anh tuyên tín? Thì bao giờ cũng, thay vì trả lời thẳng, bắt đầu nói tràn lan về tình trạng bất tín thảm hại của thế hệ ngày nay, về những con người độc ác gây nên sự bất tín và về ý nghĩa và tiền đồ của giáo hội chân chính. Thay vì trả lời về bản thân mình, anh ta nói về tình trạng chung của nhân loại và giáo hội, cứ như cuộc sống riêng của anh ta không có ý nghĩa gì đối với anh ta và anh ta chỉ bận bịu với việc cứu rỗi toàn nhân loại và với cái mà anh ta gọi là giáo hội.

Nhà triết học, bất cứ anh ta thuộc phái nào – duy tâm, duy linh, bi quan, thực chứng – được hỏi: vì sao anh lại sống như đang sống, tức là trái ngược với triết thuyết của mình? – bao giờ cũng thế, thay vì trả lời câu hỏi ấy sẽ nói tràn lan về sự tiến bộ của nhân loại, về quy luật lịch sử của tiến bộ mà anh ta đã tìm ra và theo nó mà nhân loại đang đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Nhưng anh ta sẽ không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi: vì sao anh trong cuộc sống của mình không làm những gì mà anh cho là hợp lý? Nhà triết học, tựa như người tin đạo, dường như chẳng quan tâm đến cuộc sống cá nhân của mình, mà chỉ chú mục những quy luật chung của toàn thể loài người.

Con người trung lập, tuyệt đại đa số nhân loại văn minh nửa tin đạo nửa không tin, những người mà không có ngoại lệ thường xuyên than vãn về cuộc đời của mình và về sự đời nói chung và tiên đoán sự bại vong cho tất cả - con người trung lập ấy nếu được hỏi: vì sao anh lại sống cái cuộc sống bị chính anh lên án và không làm gì để cải thiện nó? - thì bao giờ cũng thế, thay vì trả lời thẳng câu hỏi, bắt đầu nói không về mình, mà về một cái gì đó chung chung: về pháp lý, về thương mại, về nhà nước, về nền văn minh. Nếu anh ta là đội viên cảnh sát hay công tố viên thì anh ta sẽ nói: “Thế còn công việc nhà nước, mọi thứ sẽ đi đến đâu nếu để cải thiện cuộc sống của mình, tôi bỏ mặc tất cả?”. “Thế còn thương nghiệp?” - anh ta sẽ nói nếu anh ta là thương nhân. “Thế còn văn minh, nếu để cải thiện cuộc sống của mình tôi sẽ không giúp sức cho nó nữa?”. Anh ta sẽ luôn luôn nói như thế, cứ như nhiệm vụ của cuộc đời anh ta không phải là theo đuổi cái lợi mà anh ta luôn luôn khao khát, mà là phụng sự nhà nước, thương nghiệp, văn minh. Con người trung lập trả lời hệt như nhà triết học có xác tín. Anh ta lấy câu hỏi chung đánh tráo câu hỏi cá nhân, và cả người tin đạo, cả nhà triết học, cả người trung lập đều đánh tráo, bởi vì anh ta không có một câu trả lời nào cho câu hỏi cá nhân, bởi vì anh ta không có một học thuyết nào về cuộc sống, và anh ta xấu hổ.

Anh ta xấu hổ vì thấy mình sa vào tình cảnh hạ nhục của một con người không có bất kỳ học thuyết nào về cuộc sống; trong khi ấy thì loài người chưa bao giờ sống và cũng không thể sống mà không có học thuyết về cuộc sống. Chỉ trong thế giới Kitô giáo của chúng ta, thay vì học thuyết giải thích, vì sao cuộc sống phải là thế này chứ không phải thế khác, tức là thay vì tôn giáo, người ta đã đưa ra chỉ một giải thích, vì sao cuộc sống đã phải là như nó đã là xưa kia, và bắt đầu gọi là tôn giáo cái không cần thiết cho bất cứ một ai và bất cứ để làm gì, còn cuộc sống thì trở nên độc lập với mọi giáo thuyết, tức là tuyệt đối không được định nghĩa.

Nhưng thế vẫn còn ít: như vẫn thường xảy ra, khoa học thời nay lại xem cái tình trạng ngẫu nhiên, quái gở này của xã hội chúng ta là quy luật của toàn nhân loại. Những học giả như Tillet, Spencer và những người khác luận giải cực kỳ nghiêm túc về tôn giáo, nhưng họ hiểu dưới từ này chỉ những học thuyết siêu hình về khởi nguyên của tất cả và không ngờ rằng họ đang nói không về tôn giáo mà chỉ về một bộ phận của nó.

Từ đó mà phát sinh cái hiện tượng kỳ quái, ấy là trong thế kỷ này chúng ta thấy có nhiều người thông minh và thông thái, song lại tự tin một cách vô cùng ngây thơ rằng họ tự do khỏi mọi tôn giáo chỉ vì họ không công nhận những giải thích siêu hình học về khởi nguyên của tất cả mà một thời nào đó đã giải thích cho ai đó cuộc sống của nó. Cái không lọt vào đầu họ là họ phải sống một cách nào đó chứ và họ quả đang sống một cách nào đó, và chính cái làm cơ sở cho họ sống thế này chứ không thế khác – chính cái đó là tôn giáo của họ. Những người ấy tưởng rằng họ có những xác tín rất cao cả, nhưng không có tín ngưỡng nào cả. Nhưng dù những lý lẽ của họ có là thế nào, thì họ vẫn có tín ngưỡng, một khi họ vẫn hành động hợp lẽ, bởi vì mọi hành động hợp lẽ bao giờ cũng được quy định bởi niềm tin. Mà hành động của những người này thì được quy định chỉ bởi niềm tin rằng luôn luôn cần phải làm cái được sai làm. Tôn giáo của những người không công nhận tôn giáo là tôn giáo của sự quy phục tất cả những gì mà đa số có thế lực làm, tức là tóm lại là tôn giáo của sự phục tùng quyền lực hiện hữu.

Có thể sống theo học thuyết của thế gian, tức là bằng cuộc sống sinh vật, không công nhận một cái gì cao hơn và mang tính bắt buộc hơn những quy định của chính quyền đương thời. Nhưng ai sống như thế, người ấy không thể khẳng định rằng mình đang sống có ý nghĩa. Trước khi khẳng định chúng ta sống có ý nghĩa, cần phải trả lời câu hỏi: chúng ta coi học thuyết nào về cuộc sống là hữu lý hữu nghĩa. Thế mà ở chúng ta, những kẻ bất hạnh, không những không có một học thuyết nào như thế, mà còn đã mất đi thậm chí cả ý thức về sự cần thiết phải có một học thuyết hữu lý và hữu nghĩa về cuộc sống.

Bạn hãy hỏi những người thời nay, cả những người tin đạo lẫn những người không tin: họ tuân thủ học thuyết nào trong đời sống? Và họ sẽ phải thú nhận rằng họ tuân thủ một học thuyết – những luật mà các viên chức phòng nhì hoặc hội nghị lập pháp viết, còn cảnh sát thì đưa vào cuộc sống. Đó là học thuyết duy nhất mà người Âu của chúng ta thừa nhận. Họ biết học thuyết ấy không được ban từ trời, hoặc từ các nhà tiên tri hay các hiền nhân; họ thường xuyên lên án những sắc lệnh của những tên thư lại ấy hay của những hội nghị lập pháp ấy, nhưng vẫn thừa nhận học thuyết ấy và phục tùng những người thực hiện nó – cảnh sát, phục tùng không ca thán cả những đòi hỏi đáng sợ nhất của nó. Các viên chức hoặc hội nghị đã viết rằng mọi người thanh niên đều phải sẵn sàng chịu nhục, chịu chết và phải sẵn sàng giết hại những người khác, thế là các bậc cha mẹ đã sinh dưỡng những người con trai của mình cứ thế mà phục tùng cái luật ấy, mặc dù nó mới được thảo hôm qua bởi một tên thư lại mua được và ngày mai có thể bị sửa đổi.

Khái niệm về một lề luật công chính không thể tranh cãi và do được ý thức nội tại có tính bắt buộc đối với mọi người đã mai một trong xã hội chúng ta đến mức sự tồn tại ở dân tộc Do Thái lề luật quy định toàn bộ cuộc sống của họ, lề luật mang tính bắt buộc không phải do cưỡng chế mà do được từng người ý thức nội tại, được xem là đặc tính của một mình dân tộc Do Thái. Việc người Do Thái chỉ phục tùng cái mà trong thâm tâm họ xem là chân lý không thể hồ nghi, được nhận trực tiếp từ Thượng Đế, tức là cái phù hợp với lương tâm của họ - cái đó được cho là đặc điểm riêng của người Do Thái. Còn trạng thái hợp chuẩn, tương thích với con người có học thời nay thì theo quan niệm chung lại là sự ngoan ngoãn phục tùng cái mà được biết trước là do những kẻ đáng khinh soạn ra và được thi hành bởi tên đội viên cảnh sát cầm súng lục trong tay, cái mà mọi người hoặc ít nhất đa số những người ấy cho là phi nghĩa, tức là trái với lương tâm của họ.

Tôi đã hoài công tìm kiếm trong thế giới văn minh của chúng ta những cơ sở đức lý nào đó cho đời sống. Chúng không có. Thậm chí không có cả ý thức rằng cần có chúng. Thậm chí có một xác tín kỳ lạ rằng chẳng cần gì đến chúng, rằng tôn giáo chỉ là một số lời nói xác định về cuộc sống tương lai, về Thượng Đế, một số nghi thức xác định, rất hữu ích cho sự cứu rỗi linh hồn theo ý kiến một số người và chẳng cần thiết cho cái gì theo ý kiến những người khác, nhưng cuộc sống thì tự nó vẫn tiếp diễn mà không cần những nguyên lý hay quy tắc nào cả; chỉ cần làm cái người ta sai làm. Trong những gì làm nên cốt lõi của tôn giáo, tức là học thuyết về cuộc sống và sự giải thích ý nghĩa của nó, cái thứ nhất bị xem là không quan trọng và không thuộc về tôn giáo, còn cái thứ hai, tức là những giải thích về cuộc sống xưa kia hay những suy luận và phỏng đoán về quá trình lịch sử của cuộc sống thì lại được xem là quan trọng và nghiêm túc bậc nhất. Còn trong tất cả những gì làm nên cuộc sống của con người – trong những vấn đề như sống thế nào, có đi giết người hay không, có đi xử án người khác hay không, cần phải giáo dục con cái thế này hay thế khác – thì những con người trong thế giới chúng ta ký thác mình không ca thán cho những người khác, mà những người ấy, cũng hệt như họ, không hề biết họ sống để làm gì và họ bắt người khác sống thế này, chứ không thế khác để làm gì.

Và một cuộc sống như thế người đời lại cho là có nghĩa lý và không hổ thẹn vì nó.

Sự lưỡng phân giữa những giải thích về tôn giáo được xem là tôn giáo và chính tôn giáo được gọi là đời sống xã hội, đời sống nhà nước giờ đây đã đi đến bậc cuối cùng – và toàn bộ cái số đông văn minh của loài người tiếp tục sống với niềm tin vào tên gorodovoi hay tên uriadnik nào đó.

Tình trạng này sẽ là khủng khiếp, nếu nó là thế hoàn toàn. Nhưng hạnh phúc thay, cả trong thời đại ngày nay vẫn có những người, những con người ưu tú của thời đại – họ không thỏa mãn một tín ngưỡng như thế và có xác tín của mình về việc con người phải sống thế nào.

Những người ấy bị xem là ác hại nhất, nguy hiểm nhất và, cái chính, vô đạo nhất; trong khi ấy thì đây là những người có đạo duy nhất trong thời đại  ngày nay, họ không chỉ tin đạo nói chung, mà còn tin vào học thuyết của Kitô, nếu không vào toàn bộ học thuyết, thì ít nhất vào một phần của nó.

Những người này nhiều khi không biết gì về học thuyết của Kitô, không hiểu nó, nhiều khi cũng như những kẻ thù của họ, không chấp nhận nguyên tắc chính của đạo Kitô – sự không kháng cự cái ác, thậm chí nhiều khi căm thù Kitô; nhưng toàn bộ niềm tin của họ trong vấn đề cuộc sống phải là thế nào thì lại được rút ra từ học thuyết của Kitô. Cho dù người ta có truy bức họ thế nào, có vu khống họ thế nào, họ vẫn là những người độc nhất không quy phục những gì được sai bảo và vì vậy họ là những người độc nhất trong thế giới của chúng ta sống không bằng cuộc sống động vật mà bằng cuộc sống có nghĩa lý – những người độc nhất có đạo.

Sợi chỉ nối thế gian với giáo hội, xưa kia cung cấp ý nghĩa cho thế gian, ngày một rệu rã khi mà nội dung cuộc sống, nhựa sống càng ngày càng chảy nhiều hơn sang bên thế gian. Và giờ đây, khi tất cả nhựa sống ấy đã chảy sang hết, thì sợi chỉ liên lạc ấy trở thành một cản trở.

Đây là quá trình bí ẩn của sự sinh nở, và nó diễn ra trước mắt chúng ta. Cùng một lúc mối liên lạc cuối cùng với giáo hội đứt đoạn, và quá trình độc lập của cuộc sống bắt đầu.

Học thuyết của giáo hội với những tín điều của nó, với những hội nghị giám mục, hàng giáo phẩm, không nghi ngờ gì nữa, có quan hệ với học thuyết của Kitô. Mối quan hệ ấy cũng hiển nhiên như mối quan hệ giữa cái thai sơ sinh và lòng mẹ. Nhưng tựa như dây nhau và nhau sau khi đứa trẻ ra đời trở thành những bộ phận không cần thiết, mà cần phải cẩn thận chôn đi, do niềm kính trọng đối với những gì đã được chứa đựng trong chúng, cũng như thế giáo hội đã trở thành một cơ quan không cần thiết, lỗi thời mà cần phải cất vào chỗ nào đó xa xa, do niềm tôn kính với quá khứ của  nó. Chỉ cần hệ hô hấp và tuần hoàn máu bắt đầu hoạt động – thì tức khắc mối quan hệ với nguồn dinh dưỡng trước kia trở thành một cản trở. Và thật điên rồ tất cả những cố gắng giữ nguyên mối quan hệ ấy và bắt đứa trẻ đã ra đời dinh dưỡng thông qua dây nhau, chứ không qua miệng và phổi.

Nhưng sự giải phóng hài nhi khỏi lòng mẹ còn chưa phải là cuộc sống. Cuộc sống của hài nhi phụ thuộc vào sự thiết lập quan hệ mới giữa dinh dưỡng và sản phụ. Cũng cái đó phải diễn ra với thế giới Kitô giáo của chúng ta. Học thuyết của Kitô đã ấp ủ và sinh ra thế giới của chúng ta. Giáo hội – một trong những cơ quan của học thuyết Kitô – đã làm xong nhiệm vụ của mình và trở nên không cần nữa, trở thành một cản trở. Thế giới không thể sống theo sự lãnh đạo của giáo hội nữa, nhưng sự giải phóng khỏi giáo hội còn chưa là cuộc sống của thế giới. Cuộc sống của nó chỉ đến, khi mà nó ý thức được sự bất lực của mình và cảm thấy cần có nguồn dinh dưỡng mới. Và chính cái đó phải diễn ra trong thế giới Kitô giáo của chúng ta: nó phải gào thét lên do ý thức được sự bất lực của mình; chỉ có ý thức ấy về sự bất lực của mình, ý thức về sự không thể dinh dưỡng như trước và không thể dinh dưỡng bằng cách nào khác ngoài sữa mẹ, mới đưa nó đến với bầu vú căng sữa của mẹ nó.

Với thế giới châu Âu của chúng ta, bề ngoài tự tin đến thế, mạnh bạo và cương quyết đến thế nhưng trong thâm tâm thì sợ hãi và bối rối đến thế, đang diễn ra cái mà vẫn diễn ra với con vật vừa thoát khỏi lòng mẹ: nó giãy giụa, nó chui vào chỗ này chỗ kia, kêu thét, húc đẩy, tựa hồ giận dữ và không hiểu được cần làm cái gì. Nó cảm thấy nguồn dinh dưỡng trước đây của nó đã cạn kiệt, nhưng còn chưa biết phải tìm nguồn dinh dưỡng mới ở đâu.

Con cừu non vừa sinh ra vừa đưa mắt đưa tai, vừa vung vẩy cái đuôi, vừa nhảy xổ, vừa đá hậu. Nhìn vẻ cương quyết của nó ta có cảm tưởng rằng nó biết tất cả, nhưng tội nghiệp nó, nó không biết gì cả. Tất cả sự cương quyết và hăng máu của nó là kết quả của những nhựa sống được truyền từ mẹ nó, nhưng sự truyền ấy đã chấm dứt và không thể phục hồi. Con vật ở trong tình trạng vừa cực lạc vừa nguy kịch. Nó đầy sự tươi trẻ và sức mạnh; nhưng nó sẽ chết nếu không vồ lấy vú mẹ.

Cũng cái đó đang xảy ra với thế giới châu Âu của chúng ta. Các bạn hãy nhìn, một cuộc sống phức tạp thế nào và tưởng chừng có nghĩa lý, một cuộc sống năng động thế nào đang sục sôi trong thế giới châu Âu. Tưởng chừng tất cả mọi người đều biết họ đang làm cái gì và họ làm tất cả cái đó vì mục đích gì. Hãy nhìn, những con người của thế giới chúng ta cương quyết, trẻ trung, hăng hái thế nào trong tất cả những gì mà họ làm. Các nghệ thuật, các khoa học, công nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động nhà nước – tất cả chứa đầy sự sống. Nhưng tất cả cái đó đang sống chỉ vì vừa mới đây còn dinh dưỡng qua dây nhau bằng nhựa sống của mẹ. Trước đây có giáo hội dẫn truyền học thuyết đầy nghĩa lý của Kitô vào cuộc sống của thế gian. Mỗi một hiện tượng của thế gian được nuôi sống bằng học thuyết ấy và lớn mạnh và trưởng thành. Nhưng giáo hội đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và teo đi. Tất cả các cơ quan của thế gian vẫn sống; nguồn dinh dưỡng trước đây của chúng đã chấm dứt, nguồn mới chưa tìm thấy; và chúng tìm nó khắp nơi, chỉ không ở người mẹ mà chúng vừa lọt lòng. Cũng như con cừu non, chúng còn tận hưởng dưỡng chất cũ, nhưng chưa hiểu được rằng dưỡng chất ấy lại chỉ có ở người mẹ, song nó phải được dẫn truyền đến chúng một cách khác trước đây.

Việc trước mắt mà thế giới phải làm là hiểu ra rằng quá trình dinh dưỡng vô thức trước đây đã qua và cần một quá trình dinh dưỡng mới, hữu thức.

Nội dung của quá trình mới ấy là tiếp nhận một cách tự giác những chân lý của học thuyết Kitô mà trước kia được truyền dẫn một cách vô giác vào nhân loại thông qua cơ quan giáo hội và hiện giờ vẫn còn làm sống nhân loại. Giờ đây nhân loại một lần nữa cần phải nâng lên thật cao cái ánh sáng đã làm sống họ nhưng lại bị che khuất khỏi mắt họ, đặt nó thật cao trước mặt mình, trước từng người và toàn thể loài người và sống hữu thức bằng nó.

Học thuyết của Kitô với tư cách một tôn giáo xác định và giải thích cuộc sống của nhân loại hiện giờ vẫn đứng như nó đã đứng 1800 năm trước đây trước thế gian. Nhưng trước đây có những giải thích của giáo hội, mặc dù chúng che khuất giáo thuyết, song thế gian vẫn thấy như thế là đủ cho cuộc sống xưa cũ của nó. Bây giờ, khi giáo hội đã trở nên lỗi thời, thế gian không có một giải thích nào cho cuộc sống mới của mình và không thể không cảm thấy sự bất lực của mình, cho nên chính giờ đây nó không thể không tiếp nhận học thuyết của Kitô.

Kitô trước hết dạy loài người tin vào ánh sáng, chừng nào ánh sáng ấy còn có trong họ. Kitô dạy con người đề cao hơn mọi thứ cái ánh sáng của lý trí, sống phù hợp với lý trí và không làm những gì mà họ tự thấy là vô lý. Nếu bạn thấy là vô lý phải đi giết người Thổ hay người Đức thì đừng đi; nếu bạn thấy là vô lý tước đoạt bằng bạo lực thành quả lao động những người nghèo để chụp lên đầu mình chiếc mũ hình ống hay bày biện cho thật sang cái phòng khách đang làm bạn đau đầu thì đừng làm việc ấy; nếu bạn thấy là vô lý bỏ tù những người bị làm hư bởi cuộc sống nhàn rỗi và giới giao du độc hại, vì bỏ tù họ tức là đẩy họ vào với chính giới xã hội ấy và với cuộc sống vô công rồi nghề tuyệt đối – thì bạn đừng làm việc ấy; nếu bạn thấy là vô lý sống trong không khí ô nhiễm của đô thị trong khi có thể sống bằng không khí trong lành; nếu bạn thấy là vô lý bắt trẻ con phải học trước hết và nhiều nhất là ngữ pháp của các tử ngữ, thì đừng làm việc ấy. Đừng làm những gì mà toàn bộ thế giới châu Âu của chúng ta đang làm: sống mà không thấy cuộc sống của mình có nghĩa lý, làm mà không cho những việc làm của mình có lý, không tin vào lý trí của mình, không sống phù hợp với nó.

Học thuyết của Kitô là ánh sáng. Ánh sáng vẫn chiếu sáng, và bóng tối không che khuất được nó. Không thể không tiếp nhận ánh sáng khi nó chiếu sáng. Không thể tranh luận với nó, không thể không chấp thuận nó. Không thể không chấp thuận học thuyết của Kitô bởi vì nó bao quát tất cả các lầm lạc mà loài người đang sống trong đó và không xung đột với chúng mà thẩm thấu tất cả chúng, tựa hồ chất ête mà các nhà vật lý nói đến. Học thuyết của Kitô có tính tất yếu như nhau đối với mọi người trong thế giới chúng ta, bất cứ họ ở trong tình trạng thế nào. Học thuyết của Kitô không thể không được loài người tiếp nhận, không phải vì không thể phủ định những giải thích siêu hình học cho sự sống mà nó đưa ra (có thể phủ định tất cả) mà chỉ vì một mình nó đưa ra những nguyên tắc cho cuộc sống mà không có chúng thì loài người không thể sống và đã không sống, không một người nào có thể sống và đã không sống, nếu nó muốn sống như người, tức là bằng cuộc sống có nghĩa lý.

Sức mạnh của học thuyết Kitô không phải ở sự giải thích ý nghĩa cuộc sống mà ở cái phát sinh từ đó - ở học thuyết về cuộc sống. Học thuyết siêu hình của Kitô không mới. Đó vẫn là một học thuyết thống nhất của toàn nhân loại, được khắc sâu trong tim con người và được tất cả các hiền nhân chân chính của thế giới rao giảng. Nhưng sức mạnh của học thuyết Kitô là ở sự áp dụng học thuyết ấy vào đời sống.

Cơ sở siêu hình của học thuyết Do Thái cổ đại và học thuyết của Kitô là một: tình yêu đối với Thượng Đế và đối với đồng loại. Nhưng sự áp dụng học thuyết ấy vào cuộc sống theo Moïse và theo Kitô thì rất khác nhau. Theo lề luật của Moïse, như người Do Thái hiểu nó, để áp dụng nó vào đời sống cần phải thực hiện những sáu trăm mười ba giới luật, nhiều khi vô nghĩa, tàn ác và dựa chỉ vào quyền uy của kinh sách. Theo luật của Kitô, học thuyết về cuộc sống phát sinh cũng từ cơ sở siêu lý ấy được diễn đạt thành năm điều răn hữu lý, thiện lương, mang sẵn trong mình ý nghĩa và khả năng biện minh cho mình và bao quát toàn bộ đời sống con người.

Học thuyết của Kitô không thể không được tiếp nhận bởi những tín đồ Do Thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo nghi hoặc giáo thuyết của mình; lại càng ít hơn – nó không thể không được tiếp nhận bởi những con người thuộc thế giới Kitô giáo của chúng ta – những người giờ đây đã không có một luật đạo đức nào.

Học thuyết của Kitô không tranh luận với những đại diện của thế giới chúng ta về thế giới quan của họ, nó đồng ý trước với thế giới quan ấy và bao quát tất cả, nó đem lại cho mọi người cái mà họ không có, cái mà họ cần thiết và tìm kiếm: nó chỉ cho họ đường sống, không phải đường mới mà là con đường từ lâu quen biết và thân thuộc đối với mọi người.

 

Bạn là tín đồ của đạo Kitô, bất kỳ thuộc giáo phái nào. Bạn tin vào sự sáng tạo thế giới, vào Chúa ba ngôi, vào tội tổ tông và cuộc chuộc tội cho con người, vào những bí lễ, vào những lời nguyện cầu, vào giáo hội. Học thuyết của Kitô không những không tranh luận với bạn, mà còn hoàn toàn đồng ý với thế giới quan của bạn, nó chỉ mang đến cho bạn cái bạn chưa có. Bảo lưu tín ngưỡng của mình, bạn cảm thấy cuộc sống của thế giới và cuộc sống của chính bạn đầy độc ác và bạn không biết làm thế nào tránh khỏi cái ác ấy. Học thuyết của Kitô (có tính bắt buộc đối với bạn bởi vì đây là học thuyết của Thiên Chúa của bạn) cung cấp cho bạn những nguyên tắc sống đơn giản, khả thi, giải thoát bạn và những người khác khỏi cái ác đang hành hạ bạn. Bạn tin vào cuộc chuộc tội và cuộc phục sinh, vào thiên đường và địa ngục, vào giáo hoàng, vào giáo hội, vào các bí lễ, - hãy cầu nguyện như tín ngưỡng của bạn đòi hỏi, hãy nhịn ăn, hãy hát thánh ca, - tất cả cái đó không cản trở bạn thực hiện cái mà Kitô khai mở cho bạn vì hạnh phúc của bạn: đừng giận dữ, đừng tà dâm, đừng tuyên thệ, đừng tự vệ bằng bạo lực, đừng tham chiến.

 

Có thể, bạn sẽ không thực hiện một nguyên tắc nào đó trong những nguyên tắc ấy, do mê mải bạn sẽ vi phạm một trong những nguyên tắc ấy, cũng như trong những giây phút mê mải bạn vi phạm những quy tắc của tôn giáo của bạn, của luật dân sự, hay phép lịch sự. Cũng như thế, trong lúc mê mải bạn có thể hành xử trái với các lời răn của Kitô. Nhưng trong những lúc bình tĩnh thì đừng làm cái mà bạn đang làm – hãy thu xếp không phải một cuộc sống mà với nó khó không giận dữ, không tà dâm, không thề nguyện, không tự vệ, không tham chiến, mà một cuộc sống mà với nó sẽ khó làm những điều ấy. Bạn không thể không công nhận rằng đó là mệnh lệnh của Thượng Đế.

Bạn là nhà triết học không tin đạo, bất kỳ thuộc trường phái nào. Bạn nói rằng trên thế giới tất cả đều diễn ra theo quy luật bạn đã phát hiện. Học thuyết của Kitô không tranh luận với bạn và thừa nhận hoàn toàn quy luật mà bạn đã phát hiện. Song ngoài quy luật ấy của bạn, mà theo nó thì mấy nghìn năm nữa mới sẽ có cái hạnh phúc mà bạn mong muốn và đã chuẩn bị cho nhân loại, còn có cuộc sống cá nhân của bạn mà bạn có thể sống hoặc phù hợp hoặc trái ngược với lý trí của mình; mà trong cuộc sống ấy bạn lại không có những quy tắc nào ngoài những quy tắc được những người bạn không tôn trọng viết ra và được các nhân viên cảnh sát thi hành. Học thuyết của Kitô cho bạn những quy tắc như thế, chúng chắc chắn phù hợp với quy luật của bạn, bởi vì quy luật vị tha hay ý chí thống nhất của bạn chẳng là cái gì khác mà chỉ là cách nói vòng không hay lắm về cũng học thuyết ấy của Kitô.

Bạn là người trung lập, nửa tin đạo, nửa không tin, không có thời gian để đào sâu vào ý nghĩa của đời sống con người; bạn không có một thế giới quan nào xác định, bạn làm cái gì mà những người khác làm. Học thuyết của Kitô không tranh luận với bạn. Nó nói: được rồi; bạn không có năng lực suy luận, kiểm tra tính chân lý của học thuyết được rao giảng cho bạn, dễ hơn đối với bạn cứ hành động như mọi người; nhưng cho dù bạn có khiêm nhường đến đâu, dẫu sao bạn vẫn cảm thấy trong mình một quan tòa – quan tòa ấy có khi tán thành những hành vi giống hệt mọi người của bạn; có khi lại không tán thành. Dù thân phận của bạn có khiêm tốn đến đâu, bạn thỉnh thoảng vẫn cứ phải suy nghĩ và tự hỏi: mình nên làm như mọi người hay theo ý mình? Chính trong những trường hợp như thế, tức là những khi bạn thấy cần phải giải quyết vấn đề nói trên, thì những nguyên tắc của Kitô sẽ xuất hiện trước bạn với toàn bộ sức mạnh của chúng. Và những nguyên tắc ấy chắc chắn sẽ đưa đến cho bạn giải đáp cho câu hỏi của bạn, bởi vì chúng bao quát toàn bộ cuộc sống của bạn, và chúng sẽ giải đáp phù hợp với lý trí và lương tâm của bạn. Nếu bạn gần với niềm tin tôn giáo hơn với sự không tin thì, hành xử như thế, bạn sẽ hành xử theo ý nguyện của Thượng Đế; còn nếu bạn gần hơn với tư duy tự do thì, hành xử như thế, bạn sẽ hành xử theo những nguyên tắc hợp lý nhất trên thế giới và bạn sẽ nhận ra điều đó, bởi vì những nguyên tắc của Kitô mang trong mình ý nghĩa và khả năng biện minh cho mình.

Đức Kitô đã nói (Ioann XII, 31): “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xử thế gian này, giờ đây lãnh chúa của thế gian này sắp bị tống ra ngoài”.

Người còn nói (Ioann XVI, 33): “Ta đã nói với các anh em điều ấy, để các người được bình an trong ta. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên: ta đã thắng thế gian”.

Và quả thật, thế gian, tức là cái ác của thế gian, đã bị chiến thắng.

Thế giới của cái ác vẫn tồn tại, nhưng nó tồn tại chỉ như một cái gì đó chết cứng, nó sống chỉ theo quán tính – trong nó đã không còn những cơ sở cho sự sống. Không có thế giới độc ác cho những ai tin vào những điều răn của Kitô. Thế giới ấy đã bị chiến thắng trong ý thức hữu lý và hữu nghĩa của người con của loài người. Đoàn tầu có đà vẫn còn chạy thẳng hướng, nhưng mọi công việc có nghĩa lý trên đó đã được tiến hành từ lâu nhằm vận chuyển theo hướng ngược lại.

Bởi vì tất cả những gì sinh ra từ Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian. Và điều làm cho các bạn chiến thắng thế gian, là lòng tin của các bạn (Thư thứ nhất của Ioann V, 4).

Lòng tin chiến thắng thế gian là lòng tin vào học thuyết của Kitô.

_______

Tôi tin vào học thuyết của Kitô, và lòng tin của tôi là như sau:

Tôi tin hạnh phúc của tôi trên mặt đất này chỉ có thể có được khi mà tất cả mọi người sẽ thực hiện học thuyết của Kitô.

Tôi tin sự thực hiện học thuyết ấy là khả dĩ, dễ dàng và sướng vui.

Tôi tin chừng nào học thuyết ấy chưa được thực hiện, giả sử tôi chỉ là một trong tất cả những người không thực hiện học thuyết, thì tôi vẫn không thể làm một cái gì khác để cứu vớt cuộc sống tôi khỏi bại vong không thể tránh khỏi, ngoài thực hành học thuyết ấy, giống như không có việc làm nào khác cho người đã tìm thấy cửa thoát hiểm trong ngôi nhà đang cháy.

Tôi tin cuộc sống theo học thuyết của thế gian của tôi trước đây chỉ là một chuỗi đau khổ và chỉ có cuộc sống theo học thuyết của Kitô mới đem lại cho tôi trong cõi đời này cái hạnh phúc mà Cha của sự sống đã định trước cho tôi.

Tôi tin học thuyết của Kitô mang lại hạnh phúc cho toàn thể loài người, cứu thoát tôi khỏi sự bại vong không thể tránh và cho tôi được hưởng hạnh phúc lớn nhất nơi đây. Vì thế tôi không thể không thực hành học thuyết ấy.

Lề luật được Thiên Chúa bạn qua Moïse, song hạnh phúc và chân lý thì nhờ Giêsu Kitô mà có (Ioann I, 17). Học thuyết của Kitô là hạnh phúc và chân lý. Trước kia do không hiểu biết chân lý tôi cũng không biết cả hạnh phúc. Lẫn lộn thiện ác, tôi sa vào cái ác và hoài nghi tính chính đáng của khát vọng hạnh phúc nơi mình. Bây giờ thì tôi đã hiểu và tin rằng hạnh phúc mà tôi khao khát chính là ý nguyện của Cha, là bản chất chính đáng của cuộc sống nơi tôi.

Đức Kitô đã bảo tôi: hãy sống vì hạnh phúc, chỉ đừng tin những cạm bẫy – những cám dỗ (skandalos) – quyến rũ ngươi bằng bề ngoài giông giống hạnh phúc, nhưng thực chất tước đi của ngươi cái hạnh phúc ấy và tóm bắt vào lưới của cái ác. Hạnh phúc của ngươi là sự đoàn kết của ngươi với những người khác, cái ác là sự phá vỡ khối kết đoàn ấy giữa những người con của loài người. Đừng tước đi của mình cái hạnh phúc được cho ngươi.

Đức Kitô đã cho tôi thấy sự đoàn kết giữa những người con của loài người, tình yêu thương giữa người với người không phải là mục đích mà loài người cần phải hướng tới, như tôi tưởng trước đây, mà sự đoàn kết ấy, tình yêu thương ấy giữa người với người là trạng thái hạnh phúc tự nhiên của họ, cái trạng thái mà trong đó trẻ em được sinh ra, mà trong đó tất cả mọi người đều sống chừng nào nó chưa bị phá vỡ bởi sự lừa dối trá, bởi những lầm lạc và cám dỗ.

Nhưng đức Kitô đã không chỉ cho tôi thấy, mà Người còn một cách rành mạch không thể lầm lẫn liệt kê cho tôi trong những điều răn của mình tất cả những cám dỗ đã tước đi của tôi trạng thái tự nhiên của sự đoàn kết, yêu thương và hạnh phúc ấy và tóm bắt tôi vào lưới của cái ác. Những điều răn của Kitô đã cho tôi phương tiện thoát khỏi những cám dỗ từng tước đi của tôi hạnh phúc của tôi, cho nên tôi không thể không tin vào những điều răn ấy.

Tôi được ban hạnh phúc của sự sống, nhưng tôi đã tự hủy hoại nó. Đức Kitô bằng những lời răn của mình cho tôi thấy những cám dỗ đã xúi giục tôi hủy hoại hạnh phúc của mình, vì vậy giờ đây tôi không thể làm những gì hủy hoại hạnh phúc của tôi. Niềm tin của tôi là ở đấy và chỉ ở đấy.

Đức Kitô đã cho tôi thấy cám dỗ đầu tiên hủy hoại hạnh phúc của tôi là sự thù địch của tôi với những người khác, sự giận dữ của tôi đối với họ. Tôi không thể không tin vào điều đó và vì thế đã không thể thù địch một cách hữu thức với những người khác, đã không thể, như tôi từng làm trước kia, hoan hỉ vì sự giận dữ của mình, tự hào vì nó, nhen nhóm nó, biện minh cho nó bằng sự thừa nhận mình là quan trọng và thông minh, còn những người khác chỉ là những kẻ mất trí, điên rồ không đáng đếm xỉa; giờ đây tôi đã không thể, chỉ cần được nhắc là tôi đang sa vào giận dữ, không thừa nhận một mình mình có lỗi và không tìm cách hòa giải với người thù địch với tôi.

Nhưng thế còn ít. Nếu bây giờ tôi biết rằng sự giận dữ của tôi là trạng thái bệnh hoạn không tự nhiên và có hại cho tôi, thì tôi còn biết thêm nữa, mối cám dỗ nào đã đẩy tôi vào sự giận dữ ấy. Mối cám dỗ ấy, đó là tôi đã tách biệt mình khỏi những người khác, chỉ thừa nhận một số ít người trong họ ngang bằng với mình, còn tất cả những người khác thì là những kẻ không đáng đếm xỉa, không phải là người (raka) hoặc là lũ si ngốc và vô học (mất trí). Giờ đây tôi đã ngộ ra rằng sự tách biệt mình khỏi mọi người và xem những người khác không phải là người hoặc người mất trí là nguyên nhân chính của sự thù địch của tôi với nhân quần. Nhớ lại cuộc sống trước đây của mình, tôi nhận ra rằng trước đây tôi không bao giờ cho phép bừng dậy trong mình cảm xúc thù địch đối với những người mà tôi xếp cao hơn mình và không bao giờ xúc phạm họ; song chỉ một cử chỉ nhỏ nhất gây khó chịu cho tôi ở một người mà tôi coi là thấp hơn tôi đã khiến tôi phẫn nộ và xúc phạm người ấy, và tôi càng đặt mình cao hơn người ấy, thì tôi càng dễ xúc phạm anh ta; đôi khi chỉ một cái địa vị thấp kém của anh ta mà tôi hình dung ra đã khiến tôi xúc phạm anh ta. Bây giờ thì tôi hiểu chỉ ai hạ thấp mình trước những người khác, chỉ ai làm đầy tớ cho những người khác, người ấy mới đứng cao hơn người khác. Giờ đây tôi hiểu vì sao cái cao cả trước người đời lại là cái đáng phỉ nhổ trước Chúa Trời, vì sao lại khốn khổ thay những kẻ giàu sang và danh giá và hạnh phúc thay những kẻ nghèo hèn và bị hạ nhục. Chỉ bây giờ tôi mới hiểu và tin vào điều đó, và xác tín ấy đã thay đổi toàn bộ nhận định của tôi về cái tốt và cái cao quý, cái xấu và thấp kém trong cuộc sống. Tất cả những gì trước đây tôi xem là tốt đẹp và cao quý – sự trọng vọng, danh tiếng, học thức, giàu có, tính phức tạp và tinh tế của lối sống, của hoàn cảnh, của sự ăn, sự mặc, của những lề thói bề ngoài – tất cả cái đó đều trở nên không tốt và thấp kém đối với tôi. Còn tất cả những gì trước kia bị xem là không tốt và thấp kém – thân phận mugic, sự không ai biết đến, sự nghèo khổ, thô sơ, tính giản dị của hoàn cảnh, của cái ăn, cái mặc, của lề thói – tất cả cái đó với tôi lại trở nên tốt đẹp và cao quý. Và vì thế bây giờ, nếu đã hiểu biết tất cả mà trong giây phút lãng quên tôi vẫn có thể sa vào giận dữ và xúc phạm người anh em của mình, thì khi bình tĩnh trở lại tôi đã không thể phục vụ cho mối cám dỗ mà trước kia, nâng tôi lên trên nhân quần, tước đi của tôi cái hạnh phúc chân chính – cảm giác đoàn kết và yêu thương, tựa hồ con người không thể đặt cho mình cái bẫy mà trước đó nó đã mắc vào đấy và suýt chết. Bây giờ tôi không thể giúp sức cho bất cứ cái gì bên ngoài nâng tôi lên cao hơn những người khác và cách biệt tôi với họ; không thể, như từng làm trước đây, thừa nhận ở mình cũng như ở những người khác bất kỳ danh hiệu, chức tước và tên tuổi nào ngoài danh hiệu và cái tên của con người; không thể tìm kiếm vinh quang và sự ngợi khen, không thể tìm kiếm những tri thức có thể cách biệt tôi với những người khác, không thể không cố gắng thoát khỏi sự giàu có của mình, bởi vì nó cách ly tôi với nhân quần, không thể trong đời sống của mình, trong hoàn cảnh, trong sự ăn, sự mặc, trong lề thói không tìm kiếm tất cả những gì không gián cách, mà hội nhập tôi với đa số nhân loại.

Đức Kitô đã cho tôi thấy rằng mối cám dỗ khác, hủy hoại hạnh phúc của tôi, là dâm dục, tức là dục vọng đối với người phụ nữ khác, chứ không phải với người mà tôi đã liên kết. Tôi không thể không tin điều đó và vì thế đã không thể, như từng làm trước đây, xem dâm dục là thuộc tính tự nhiên và cao thượng của con người; không thể biện minh cho nó trước bản thân bằng tình yêu đối với cái đẹp, bằng sự phải lòng của mình hay bằng những khuyết điểm của vợ mình; không thể, chỉ cần được nhắc là tôi đang mắc mưu của tà dục, không nhận thấy mình đang ở trong tình trạng bệnh hoạn phi tự nhiên và không tìm mọi phương cách giải thoát mình khỏi cái ác ấy.

Nhưng, giờ đây đã biết dâm dục là cái ác đối với tôi, tôi còn biết cả mối cám dỗ trước kia đã dắt tôi đến với nó, cho nên đã không thể phục vụ mối cám dỗ ấy nữa. Giờ đây tôi biết rằng nguyên nhân chính của mối cám dỗ không phải là con người không thể giữ mình để không tà dâm, mà bởi vì đa số đàn ông và đàn bà bị những người mà họ đã giao kết ruồng bỏ. Bây giờ tôi biết mọi sự ruồng bỏ người đàn ông hay người đàn bà đã giao kết với ta lần đầu chính là sự ly hôn mà Kitô đã cấm loài người làm bởi vì những người chồng và những người vợ bị những phu thê và phu quân đầu tiên ruồng bỏ mang toàn bộ sự trụy lạc vào thế gian. Nhớ lại những gì dẫn tôi đến tà dâm, giờ đây tôi thấy rằng ngoài nền giáo dục quái gở đã làm cho cái dâm ấy được khơi dậy trong tôi cả bằng thể chất lẫn trí não và được biện minh bằng mọi lý lẽ quỷ quyệt của trí khôn, mối cám dỗ chính đã đánh đổ tôi chính là việc tôi đã từ bỏ người phụ nữ mà tôi đã giao kết lần đầu, và những người phụ nữ tứ phía bao quanh tôi cũng bị những người đàn ông khác từ bỏ. Bây giờ tôi ngộ ra rằng sức mạnh chính của mối cám dỗ không phải ở nhục dục của tôi, mà ở sự không thỏa mãn của nhục dục nơi tôi và nơi những người phụ nữ bị từ bỏ tứ phía bao quanh tôi. Và giờ đây tôi hiểu lời của Kitô: Thiên Chúa từ đầu đã sáng tạo con người – đàn ông và đàn bà để cho hai hợp thành một, vì thế con người không thể và không được chia xẻ cái mà Chúa đã hợp nhất. Bây giờ tôi hiểu rằng một vợ một chồng là luật tự nhiên của loài người không thể bị vi phạm. Bây giờ tôi hiểu hoàn toàn những lời về việc ai ly hôn với vợ, tức là với người phụ nữ đã giao kết ban đầu, vì người phụ nữ khác thì người ấy buộc người bị ly hôn tà dâm và đem vào thế gian cái ác mới phương hại chính mình. Tôi tin vào điều đó và xác tín ấy làm thay đổi toàn bộ nhận định của tôi về cái tốt và cái cao quý, cái xấu và cái thấp kém trong đời sống. Cái mà trước đây tôi xem là tốt đẹp nhất – cuộc sống tinh tế, tao nhã, tình yêu say đắm và đầy chất thơ được tất cả các thi sĩ và nghệ sĩ ca ngợi – giờ đây tôi lại thấy là không tốt và đáng kinh ghét. Ngược lại, cái giờ đây tôi thấy là tốt ấy là: cuộc sống cần lao, nghèo nàn, thô sơ, tiết dục; cái quan trọng và cao cả đối với tôi đã không hẳn là thiết chế gia đình của loài người, đặt dấu ấn hợp pháp bề ngoài lên sự liên kết giữa người đàn ông với người đàn bà, mà nhiều hơn là bản thân sự liên kết ấy giữa bất kỳ người đàn ông và người đàn bà nào mà một khi đã thành hiện thực thì không thể bị phá bỏ mà không vi phạm ý nguyện của Thượng Đế. Nếu cả bây giờ trong phút lãng quên tôi vẫn mắc mưu tà dục, thì tôi đã không thể phục vụ mối cám dỗ ấy như từng làm trước đây, vì biết rằng nó dẫn tôi tới cái ác. Tôi không thể mong muốn và tìm kiếm sự nhàn rỗi thân thể và cuộc sống no béo kích thích trong tôi nhục dục quá mức: không thể tìm kiếm những tiêu khiển kích thích dục vọng yêu đương: những tiểu thuyết, thơ ca, âm nhạc, nhà hát, vũ hội mà trước kia tôi từng xem là những thú vui không chỉ không có hại, mà còn rất cao quý; không thể ruồng bỏ vợ mình vì biết rằng sự ruồng bỏ ấy là cạm bẫy trước tiên cho tôi, rồi cho vợ tôi và những người khác; không thể tham gia và tổ chức những trò tiêu khiển kích dục – những tiểu thuyết, nhà hát, nhạc kịch, vũ hội, v.v… luôn  luôn là cạm bẫy cho tôi và những người khác; không thể khích lệ sự chung sống ngoài hôn nhân của những người đã trưởng thành cho hôn nhân; không thể giúp sức cho sự chia ly những người chồng với những người vợ; không thể phân biệt những giao hợp được gọi là hôn nhân với những giao hợp không được gọi bằng từ ấy; không thể không xem là thiêng liêng và mang tính bắt buộc chỉ sự hôn phối mà con người một lần đã thực hiện.

Đức Kitô đã mở mắt cho tôi thấy mối cám dỗ thứ ba hãm hại hạnh phúc của tôi là mối cám dỗ của thề thốt. Tôi không thể không tin vào điều đó và vì thế đã không thể, như từng làm xưa kia, thề nguyện trước bất cứ ai về bất cứ cái gì và đã không thể, như từng làm trước kia, biện minh cho mình và lời thề của mình rằng không có cái gì xấu xa trong lời thề ấy, rằng tất cả mọi người đều làm như thế, rằng cái đó là cần thiết cho quốc dân, rằng tôi hoặc những người khác sẽ bị xúi, nếu không đáp ứng yêu cầu này. Giờ đây tôi biết rằng cái đó là điều ác cho tôi và cho mọi người, cho nên không thể làm điều đó.

Nhưng tôi không chỉ biết điều đó, tôi còn biết cả mối cám dỗ đã lôi kéo tôi vào cái ác ấy cho nên đã không thể phục vụ nó. Tôi biết mối cám dỗ ấy là ở chỗ người ta dùng tên của Thượng Đế để linh thiêng hóa sự lừa gạt. Còn sự lừa gạt thì ở chỗ những ai tuyên thệ đều hứa trước sẽ tuân phục những gì mà người khác sai khiến, trong khi ấy thì con người không được tuân phục bất cứ ai, trừ Thượng Đế. Giờ đây tôi biết rằng cái tai ác lớn nhất của thế gian, xét theo những hậu quả của nó – sự giết người trong chiến tranh, sự giam cầm, hành hạ, trừng phạt – tất cả đều được thực hiện chỉ nhờ mối cám dỗ ấy, mà bằng nó trách nhiệm được cởi bỏ khỏi những người làm điều ác. Giờ đây nhớ lại những điều độc ác đã khiến tôi phải lên án và không yêu thương con người, tôi nhận ra rằng tất cả đều là do con người đã thề nguyện – đã công nhận sự tất yếu phục tùng ý chí của những người khác. Bây giờ tôi hiểu được ý nghĩa của những lời: tất cả những gì bên trên sự khẳng định đơn thuần: có hay không, tất cả những gì bên trên cái đó, mọi sự hứa trước đều là điều ác. Đã hiểu được cái đó thì tôi tin rằng mọi lời thề nguyện đều hủy hoại hạnh phúc của tôi và những người khác, và xác tín ấy làm thay đổi nhận định của tôi về cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp kém. Tất cả những gì xưa kia tôi thấy tốt đẹp và cao thượng: sự cam kết trung thành với chính phủ được xác nhận bằng tuyên thệ, sự cưỡng ép tuyên thệ và tất cả những hành vi trái với lương tâm do sự đã tuyên thệ ấy – tất cả cái đó giờ đây tôi lại thấy là xấu xa và thấp hèn. Vì thế tôi đã không thể làm trái với lời răn của Kitô cấm thề nguyện; đã không thể thề nguyện trước người khác hay ép những người khác thề nguyện, cũng như không thể khích lệ hoặc bắt buộc người khác thề nguyện rồi lại xem lời thề ấy là quan trọng và thiết yếu hoặc ít nhất vô hại, như nhiều người vẫn làm.

Kitô đã mở mắt cho tôi thấy mối cám dỗ thứ tư tước đi của tôi hạnh phúc là việc chống lại cái ác bằng bạo lực đối với người khác. Tôi không thể không tin rằng đây là điều ác đối với tôi và những người khác và vì vậy đã không thể làm điều ấy một cách hữu thức và không thể, như từng làm trước kia, biện minh cho cái ác ấy bằng những lập luận nói rằng cái ác ấy là cần thiết để bảo vệ tôi và những người khác, để bảo vệ sở hữu của tôi và của những người khác; tôi đã không thể, chỉ cần được nhắc rằng tôi đang dùng bạo lực, không từ chối và chấm dứt làm điều đó.

Nhưng tôi không chỉ biết điều đó, tôi còn biết cả mối cám dỗ đã lôi kéo tôi vào cái ác ấy. Giờ đây tôi biết cốt lõi của mối cám dỗ ấy là quan niệm sai lầm rằng cuộc sống của tôi có thể được bảo đảm bằng sự che chắn tôi và sở hữu của tôi khỏi những người khác. Giờ đây tôi biết rằng một phần lớn những điều độc ác mà loài người làm ra xuất phát từ việc họ, thay vì cống hiến lao động của mình cho những người khác lại không những không cống hiến, mà còn không bắt mình làm gì và tước đoạt thành quả lao động của những người khác. Bây giờ nhớ lại tất cả những điều độc ác mà tôi đã gây cho mình và những người khác và tất cả những điều độc ác mà những người khác đã làm, tôi nhận ra rằng phần lớn những điều độc ác ấy phát sinh từ chỗ chúng ta cho rằng có thể bằng sự che chắn bảo đảm và cải thiện cuộc sống của mình. Giờ đây tôi hiểu ý nghĩa của những lời: con người được sinh ra không phải để những người khác làm việc cho nó mà để nó làm việc cho những người khác, và cả ý nghĩa của những lời: người lao động xứng đáng được ăn. Bây giờ tôi tin rằng hạnh phúc của tôi và của mọi người chỉ khả dĩ, khi mà mỗi người sẽ lao động không vì mình mà vì người khác và không những sẽ không bảo vệ thành quả lao động của mình mà còn hiến nó cho bất cứ ai cần đến nó. Và xác tín ấy đã làm thay đổi nơi tôi nhận định cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp kém. Tất cả những gì mà trước đây tôi thấy là tốt đẹp và cao quý – sự giàu có, mọi kiểu sở hữu, danh dự, ý thức về phẩm giá của mình, các quyền – tất cả cái đó giờ đây trở nên không tốt và thấp kém; còn những gì trước kia tôi tưởng là không tốt và thấp kém – làm việc cho người khác, sự nghèo khổ, sự bị hạ nhục, sự chối từ mọi sở hữu và mọi quyền lực – tất cả đều trở nên tốt đẹp và cao thượng trong mắt tôi. Nếu bây giờ trong phút quên lãng tôi có thể sa đà với bạo lực để bảo vệ mình và những người khác hoặc sở hữu của mình hay của những người khác, thì tôi đã không thể phục vụ một cách bình tĩnh và hữu thức cho mối cám dỗ ấy vì biết nó hãm hại tôi và đồng loại; tôi không thể tậu sở hữu; không thể dùng bất cứ bạo lực nào chống lại bất cứ người nào, trừ con trẻ, nhưng cũng chỉ để giải thoát nó khỏi cái ác trực tiếp đe dọa nó; không thể tham gia hoạt động của bất cứ quyền lực nào nhằm mục đích bảo vệ nhân thân và sở hữu của con người bằng bạo lực; không thể là quan tòa hay người dự tòa, không thể là người chỉ huy hay tham gia chỉ huy; không thể giúp những người khác tham gia các tòa án và các cấp chỉ huy.

Đức Kitô đã mở mắt cho tôi thấy mối cám dỗ thứ năm tước đi của tôi hạnh phúc – đó là sự chia rẽ giữa dân tộc mình và các dân tộc khác. Tôi không thể không tin vào điều đó và vì vậy nếu trong phút giây quên lãng trong tôi có thể nổi lên cảm xúc thù địch đối với một người ngoại tộc, thì khi bình tĩnh tôi đã không thể không thấy cảm xúc ấy là sai trái, không thể biện hộ cho mình, như từng làm trước đây, bằng sự ưu việt của dân tộc tôi so với các dân tộc khác, hoặc vin vào những sai lầm, sự tàn ác và dã man của dân tộc khác; không thể, chỉ cần được nhắc nhở về điều đó, không cố gắng hòa hiếu với người ngoại tộc hơn với đồng bào của mình.

Nhưng giờ đây tôi không chỉ biết rằng sự chia rẽ tôi với những dân tộc khác là điều độc ác hủy hoại hạnh phúc của tôi – tôi biết cả mối cám dỗ lôi kéo tôi vào cái ác ấy và đã không thể, như từng làm trước đây, phục vụ nó một cách hữu thức và bình thản. Tôi biết mối cám dỗ ấy có cội nguồn ở nhận thức sai lầm rằng hạnh phúc của tôi gắn bó với hạnh phúc của dân tộc tôi chứ không phải với hạnh phúc của tất cả mọi người trên thế giới. Giờ đây tôi biết rằng tình đoàn kết của tôi với mọi người không thể bị phá vỡ vì đường biên giới và những sắc lệnh của các chính phủ về việc tôi thuộc về dân tộc này hay dân tộc kia. Giờ đây tôi biết tất cả mọi người ở mọi nơi đều bình đẳng và đều là anh em của nhau. Bây giờ nhớ lại tất cả những điều độc ác mà tôi đã làm, đã trải nghiệm và chứng kiến do sự thù địch giữa các dân tộc, tôi thấy rõ rằng nguyên nhân của tất cả là sự lừa gạt thô bạo được gọi là chủ nghĩa ái quốc và tình yêu tổ quốc. Nhớ lại nền giáo dục của mình, giờ tôi thấy rằng cảm giác thù địch với các dân tộc khác, cảm giác tách biệt mình khỏi họ tuyệt không vốn có trong tôi, song tất cả những cảm xúc ác độc ấy đã được truyền thụ cho tôi bằng nền giáo dục giả tạo và điên rồ. Bây giờ tôi hiểu ý nghĩa của những lời: hãy làm điều thiện cho kẻ thù, hãy làm cho họ những gì bạn làm cho người của mình. Tất cả đều là con của một Cha, cho nên hãy hành xử y như Cha, không phân biệt dân tộc mình với dân tộc khác, hãy đối xử như nhau với mọi người. Bây giờ tôi hiểu rằng chỉ có thể có hạnh phúc cho tôi, nếu công nhận tính thống nhất của tất cả mọi người trên thế giới. Tôi tin điều đó. Và xác tín ấy đã làm thay đổi nơi tôi quan niệm về cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp kém. Cái trước đây tôi thấy là tốt đẹp và cao thượng – tình yêu tổ quốc, yêu dân tộc mình, đất nước mình, sự phụng sự chúng một cách có hại cho lợi ích của những tộc người khác, những chiến công của người đời – tất cả đều trở nên đáng kinh ghét và đáng thương đối với tôi. Cái trước đây tôi tưởng là xấu xa và ô nhục – sự chối bỏ tổ quốc, chủ nghĩa thế giới – bây giờ tôi lại thấy là tốt đẹp và cao thượng. Nếu cả bây giờ trong phút quên lãng tôi vẫn có thể giúp sức cho cái của Nga nhiều hơn cái của ngoại bang, mong muốn thành công cho nước Nga hay dân tộc Nga, thì lúc bình tĩnh lại, tôi đã không thể phục vụ cho mối cám dỗ ấy vì hiểu nó hãm hại tôi và mọi người. Tôi không thể công nhận bất kỳ quốc gia nào hay dân tộc nào, không thể can dự  bất kỳ sự tranh chấp nào giữa các dân tộc và quốc gia bằng những tọa đàm, những viết lách và nhất là bằng sự phục vụ cho một quốc gia nào đó. Tôi không thể tham gia vào tất cả các công việc dựa trên sự phân chia quốc gia – không thể tham gia hải quan hay thu thuế, sản xuất đạn dược hay vũ khí hay bất kỳ một hoạt động võ trang nào, không thể tham gia quân dịch và lại càng không thể tham chiến với các dân tộc khác, và không thể giúp những người khác làm những việc ấy.

Tôi đã hiểu hạnh phúc của tôi ở đâu, tôi tin vào cái đó và không thể làm những gì tước đi ở tôi hạnh phúc của tôi.

Nhưng tôi không chỉ tin rằng tôi phải sống như thế, tôi tin rằng nếu sẽ sống như thế và chỉ sống như thế thì cuộc sống của tôi sẽ thu nhận được một ý nghĩa duy nhất có thể có – hợp lý, đáng mừng và không bị tiêu diệt bởi cái chết.

Tôi tin cuộc sống có ý nghĩa của tôi – ánh sáng của tôi – được ban cho tôi để tôi tỏa sáng trước Loài Người không bằng lời nói mà bằng những việc làm thiện lương, để con người làm hiển vinh đức Cha (Mathieu, V, 16). Tôi tin rằng cuộc sống của tôi và sự trí hội chân lý nơi tôi là đồng tiền vàng được cho tôi để phụng sự Cha, rằng đồng tiền vàng ấy là lửa mà lửa chỉ là lửa khi nó thiêu đốt. Tôi tin rằng tôi là xứ Ninévie trong quan hệ với những Jonas khác, mà từ họ tôi đã được biết và đang nhận biết chân lý, nhưng cả tôi cũng là Jonas trong quan hệ với những người Ninévie khác mà tôi phải truyền thụ chân lý cho họ. Tôi tin rằng ý nghĩa duy nhất của đời tôi là sống trong ánh sáng vốn có trong tôi và không bỏ nó vào xó mà đặt lên cao trước mọi người để cho mọi người thấy nó. Và xác tín ấy truyền cho tôi sức mạnh mới để thực hành học thuyết của Kitô và thủ tiêu tất cả những trở ngại trước kia hiện lên sừng sững trước tôi.

Chính cái trước đây hủy hoại trong mắt tôi tính chân lý và tính khả thi của học thuyết Kitô, khiến tôi tránh xa nó – khả năng phải chịu đựng những thiếu thốn, khổ đau và cả cái chết từ tay những người không hiểu biết học thuyết của Kitô – chính cái đó giờ đây lại xác nhận cho tôi tính chân chính của học thuyết và lôi kéo tôi đến với nó.

Đức Kitô đã nói: Khi các người tôn cao người con của loài người thì tất cả các người sẽ được lôi kéo đến với ta, và tôi cảm thấy tôi đang được lôi kéo không thể cưỡng lại đến với Người. Người còn nói: chân lý sẽ làm cho các người trở nên tự do, và tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự do.

Trước đây tôi nghĩ: kẻ thù sẽ đến bằng chiến tranh hoặc đơn thuần những kẻ ác sẽ tấn công tôi và nếu tôi không tự vệ thì chúng sẽ cướp bóc, làm nhục, đầy đọa hay giết chết tôi và những người thân của tôi và tôi thấy cái đó đáng sợ. Nhưng bây giờ tất cả những gì trước kia khiến tôi bối rối tôi lại thấy là đáng mừng vui và tất cả đều xác nhận chân lý. Bây giờ tôi biết rằng cả những kẻ thù của tôi và cả những người bị gọi là ác ôn và kẻ cướp – tất cả đều là người, đều cũng là những người con của loài người như tôi vậy, cũng yêu chuộng cái thiện và căm ghét cái ác như tôi, cũng sống như thế trước phút lâm chung, cũng tìm kiếm sự cứu rỗi như tôi và sẽ tìm thấy nó chỉ trong học thuyết của Kitô. Tất cả những gì độc ác mà họ sẽ làm cho tôi, họ sẽ làm cho chính họ. Còn nếu họ chưa hiểu biết chân lý cho nên làm ác mà tưởng là thiện thì tôi được biết chân lý chỉ để chỉ ra cho những người chưa biết. Mà tôi có thể chỉ ra không bằng cách nào khác ngoài chối từ mọi sự dính líu vào cái ác, tuyên tín chân lý bằng việc làm.

Nhưng kẻ thù sẽ đến: dân Đức, dân Thổ, dân mọi và nếu các vị không chiến đấu với chúng, chúng sẽ giết sạch các vị. Điều ấy không đúng. Giả sử có một xã hội của những tín đồ Kitô giáo chân tín không làm ác cho ai và cống hiến toàn bộ sản phẩm lao động dư thừa của mình cho những người khác, sẽ chẳng kẻ thù nào – chẳng dân Đức, chẳng dân Thổ, chẳng dân mọi – giết hại hay hành hạ những người như thế. Những người ngoại tộc ấy sẽ nhận tất cả những gì mà không cần đòi chúng ta cũng sẵn lòng cho, bởi vì chúng ta không phân biệt người Nga với người Đức, người Thổ, người mọi. Còn nếu những người theo đạo Kitô sống giữa xã hội phi Kitô giáo bảo vệ mình bằng quân đội và cả những giáo dân cũng bị huy động tham chiến thì chính bây giờ là lúc người có đạo có khả năng giúp đỡ những người không hiểu biết chân lý. Tín đồ Kitô giáo chỉ được biết chân lý để làm chứng về nó trước những người không biết. Mà anh ta chỉ có thể làm chứng không bằng cách nào khác, ngoài bằng việc làm. Việc làm của anh ta là cự tuyệt chiến tranh và làm điều thiện cho mọi người không phân biệt địch ta.

Nhưng không phải quân địch, mà chính những người mình, những kẻ ác sẽ tấn công gia đình của người Kitô giáo và nếu anh ta không tự vệ, họ sẽ cướp sạch, sẽ hành hạ và giết chết anh ta cùng những người thân của anh. Điều ấy lại không đúng. Nếu tất cả các thành viên gia đình đều theo đạo và vì thế coi sự phục vụ người khác là lẽ sống của mình thì sẽ không thể tìm thấy một kẻ điên nào mà sẽ cướp đoạt thức ăn hay sát hại những người sẵn lòng phụng sự hắn. Miklukho-Maklai từng đến sống giữa những người mọi ác thú nhất, như người ta nói, nhưng họ đã không chỉ không giết ông, mà còn đem lòng yêu mến ông, tuân phục ông chỉ vì ông đã không sợ họ, không đòi gì ở họ và làm những điều tốt cho họ. Còn nếu người theo đạo Kitô sống trong một gia đình phi Kitô giáo, giữa những người thân bảo vệ mình và sở hữu của mình bằng bạo lực và được kêu gọi tham gia sự bảo vệ ấy, thì lời kêu gọi ấy đối với người theo đạo ấy chính là lời kêu gọi thực hiện nhiệm vụ của đời mình. Người theo đạo Kitô chỉ được biết chân lý để chỉ ra cho những người khác và – nhiều hơn cả - cho những người thân thuộc gắn bó với anh ta bằng những quan hệ gia đình và bằng hữu, và anh ta không thể chỉ ra chân lý một cách nào khác, ngoài cách không mắc phải sai lầm của người khác, không đứng về phía cả những người tấn công lẫn những người bảo vệ, mà cho những người khác tất cả, bằng cuộc sống của mình chứng tỏ rằng anh ta không cần gì, ngoài sự thực hiện ý chí của Chúa và không sợ gì, ngoài sự làm trái ý chí ấy.

Nhưng nhà nước sẽ không cho phép các thành viên xã hội không thừa nhận những cơ sở của trật tự nhà nước và lẩn tránh thực hiện những nghĩa vụ của mọi công dân. Nhà nước sẽ đòi cho bằng được ở người theo đạo Kitô sự tuyên thệ, sự tham gia tòa án, tham gia quân dịch và nếu anh ta vẫn từ chối thì sẽ bị trừng phạt – sẽ bị tống đi đầy, giam cẩm, thậm chí hành quyết. Và một lần nữa đối với người theo đạo Kitô đòi hỏi này của chính phủ sẽ là lời kêu gọi thực hiện nhiệm vụ của đời mình. Đối với người có đạo, đòi hỏi của chính phủ là đòi hỏi của những người không biết chân lý. Vì thế người có đạo hiểu biết chân lý không thể không làm chứng về nó trước những người không biết. Bạo hành, giam cầm, những hình phạt mà người có đạo sẽ phải chịu trong trường hợp này chỉ tạo điều kiện cho anh ta làm chứng không bằng lời mà bằng việc. Mọi thứ bạo lực: chiến tranh, cướp bóc, hành hình được làm không bởi những sức mạnh vô tri của tự nhiên, mà bởi những con người lầm lạc và không hiểu biết chân lý. Vì thế mà những người ấy càng làm nhiều điều ác cho người có đạo, thì họ càng rời xa chân lý, càng bất hạnh và càng cần được biết chân lý. Nhưng người theo đạo Kitô không thể truyền thụ chân lý cho họ bằng cách nào khác ngoài giữ cho mình không rơi vào sai lầm của những người đang làm điều ác cho anh ta, tức là lấy thiện trả ác. Và toàn bộ nhiệm vụ của cuộc đời người theo đạo Kitô là ở đó, và toàn bộ ý nghĩa của nó không bị cái chết hủy tiêu cũng ở đó.

Những người gắn bó với nhau bằng dối trá hợp thành dường như một khối cấu kết. Sự cấu kết của khối người ấy là tai họa của thế gian. Toàn bộ hoạt động có ý nghĩa của nhân loại hướng vào sự phá bỏ khối cấu kết của sự dối trá ấy.

Tất cả các cuộc cách mạng đều là những cố gắng và những thử nghiệm đập vỡ bằng bạo lực khối cấu kết ấy. Người ta tưởng nếu người ta đập tan cái khối ấy, thì nó sẽ không còn là một khối nữa, cho nên người ta cứ đập; nhưng càng cố gắng đập, người ta chỉ càng rèn khối cấu kết ấy.

Nhưng dù có rèn bao nhiêu, thì lực cấu kết của các hạt sẽ không tiêu tan, chừng nào một lực nội tại không được truyền cho các hạt và không khiến chúng tách rời nhau.

Lực cấu kết trong cõi người là sự lầm lạc, sự dối trá. Sức mạnh giải phóng từng người khỏi khối cấu kết ấy là chân lý. Song chân lý lại chỉ có thể được truyền thụ cho con người bằng những việc làm của chân lý.

Chỉ có những việc làm của chân lý, mang ánh sáng vào tâm thức từng người một, mới phá vỡ được lực cấu kết của sự dối trá, tách từng người một khỏi cái khối gắn kết của lừa dối.

Và chính việc ấy đang được làm đã 1800 năm.

Việc ấy được bắt đầu từ khi những giới luật của Kitô được đưa ra trước nhân loại và sẽ không kết thúc, chừng nào mọi sự chưa hoàn thành, như chính Kitô đã nói (Matthieu V, 18).

Giáo hội được hợp thành từ những người mang ảo tưởng thống hợp loài người bằng cách dùng phù phép khẳng định mình ở trong chân lý - giáo hội ấy đã chết từ lâu. Nhưng hội thánh được hợp thành cũng từ những con người không phải bằng những hứa hẹn, những tôn phong, mà bằng những việc làm của cái chân và cái thiện liên kết làm một - hội thánh ấy vẫn luôn luôn sống và sẽ sống. Hội thánh ấy xưa cũng như nay được cấu tạo không từ những người vừa kêu gọi: Chúa ơi, Chúa ơi! vừa làm những điều bất chính mà từ những người vừa nghe vừa thực hiện những lời của Chúa.

Những người của hội thánh ấy biết rằng cuộc sống của họ là hạnh phúc, chừng nào họ không phá vỡ khối thống nhất của những người con của loài người và hạnh phúc ấy bị phá vỡ chỉ bởi sự không thực hiện những giới luật của Kitô. Cho nên những người của hội thánh ấy không thể không thực hiện những giới luật ấy và không dạy bảo những người khác thực hiện chúng.

Nhiều ư, ít ư những con người như thế hiện giờ, nhưng đây là hội thánh mà không gì có thể chiến thắng, hội thánh mà mai sau  mọi người sẽ gia nhập.

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha các người đã vui lòng ban vương quốc cho các người” (Luc, XII, 32).

                                                                      Moskva, 22 tháng Một năm 1884

                                                                                                                      Phạm Vĩnh Cư dịch


[1] Từ sách: Lev Tolstoi, Đường sống, văn thư nghị luận chọn lọc, Nxb Tri thức, Hà Nội 2010

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529719

Hôm nay

2185

Hôm qua

2277

Tuần này

21992

Tháng này

216415

Tháng qua

0

Tất cả

114529719