Những góc nhìn Văn hoá

Hầm mộ cổ thế kỷ thứ 2 và dòng họ Lý ở Việt Nam

Tháng 11 vừa qua, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với các cơ quan Văn hóa, Bảo tàng huyện Yên Hưng tiến hành làm vệ sinh, bảo tồn một hầm mộ gạch lớn có tên gọi dân gian là “Hố Của” tại Thôn Năm, xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Hầm mộ này có niên đại thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, tức là cách chúng ta ngày nay hơn 1.800 năm.

Đây là một hầm mộ gạch kiểu Hán (Han style) được xây dựng bằng hàng ngàn viên gạch lớn (cỡ trung bình 26x45x7cm). Tất cả gạch xây đều có in hoa văn nổi trên các cạnh khiến cho hầm mộ như một bức tường phù điêu lộng lẫy. Hầm mộ gồm ba gian lớn. Gian chính giữa hình chữ nhật mỗi chiều 3-4m. Các tường cạnh của gian này được xây thẳng đứng cao chừng 3m rồi thu dần vào tạo thành một đỉnh vòm bốn múi hình thót nhọn, tạo thành một lỗ thoát hồn lên trời. Từ đỉnh vòm này xuống nền gạch đáy cao trên 4m. Đây là một kiểu hầm mộ quý tộc xây theo kiến trúc xếp gạch giật cấp rất điêu luyện, bắt đầu phổ biến vào thời Đông Hán. Ngôi mộ được cho là của Tào Tháo vừa mới phát hiện ở Hà Nam (Trung Quốc) cũng được xây dựng theo kiến trúc tương tự, chỉ khác ở số lượng gồm tới hai vòm và bốn phòng nhánh vòm cuốn ở hai bên. Tại hầm mộ “Hố Của” ở Sông Khoai, hai phía bắc, nam của gian vòm cao chính giữa người xưa làm thêm hai gian vòm cuốn nữa. Gian chính ở phía nam dài gần 6m, rộng khoảng 2m, cao 2m là nơi đặt quan tài chủ nhân, gian kia dài 2m, rộng 2m, cao 2m là nơi chứa đồ tùy táng. Ở mỗi gian đều có một ngách cổng phụ cao và rộng mỗi chiều một mét. Đồ tùy táng thấy được khá nhiều ở ngách cửa phụ gian chính giữa. Nền các gian được lát gạch chéo chứ không song song với chiều tường hầm mộ, có nơi dày tới ba lớp gạch.

Giá trị lớn nhất của hầm mộ này là kiến trúc và nghệ thuật. Chính tiến sĩ Yang Yong, một chuyên gia về mộ táng thời Hán ở Lĩnh Nam (Trung Quốc) khi đến thăm hầm mộ này đã phải xác nhận, ngay cả ở Trung Quốc cũng rất hiếm thấy. Nói chung, các hầm mộ gạch đầu Công nguyên ở Việt Nam đều có hoa văn rìa cạnh. Giá trị nghệ thuật của hoa văn chính là tiêu chí để đánh giá lao động trí tuệ, nghệ thuật cho hầm mộ, và qua đó đánh giá vị trí xã hội của chủ nhân. Có thể nói, đây là một hầm mộ được trang trí khá cầu kỳ. Sơ bộ nhận thấy, gần 100 đồ án khuôn in hoa văn gạch khác nhau. Nét in sâu, sắc, khiến mỗi viên gạch nổi lên rất rõ nét. Nhiều viên có dấu hiệu ký tự khác lạ, càng làm tăng tính hấp dẫn của hầm mộ.

Từ lâu nay, do quan niệm sai lầm và vô căn cứ cho rằng những hầm mộ gạch này là của những kẻ xâm lược phương bắc, đã dẫn đến ý thức không gìn giữ, tôn vinh loại hình di sản kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời cao và giá trị lao động nghệ thuật lớn này của dân tộc. Nhiều khu hầm mộ như vậy ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đã bị san bằng trước con mắt ngẩn ngơ của giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc và mỹ thuật. Gần đây, giới khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt cả nhiều chuyên gia khảo cổ, nhân chủng Trung Quốc đã xác nhận, đa số chủ nhân các hầm mộ như vậy là người Việt. Họ có thể là những quý tộc, thương nhân Việt hoặc là những quan lại người Việt dưới thời bắc thuộc như Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng… Vì thế, việc bảo lưu được những hầm mộ hiếm hoi như ở Sông Khoai là vô cùng quý báu.

Qua chỉnh lý những đồ sành sứ bị vỡ vứt lại từ những lần khai đào cổ vật trước đó, nhóm nghiên cứu có một phát hiện đặc biệt có ý nghĩa trong việc xác định chủ nhân ngôi mộ. Đó là một chiếc đĩa vỡ có khắc chìm dưới men mỏng hai chữ “Lý thị” – Họ Lý. Điều này cho phép giả định hoặc chính chủ nhân ngôi mộ là một quý tộc họ Lý hoặc dòng họ Lý đã cúng viếng người chết chiếc đĩa này. Dù thế nào thì chủ nhân ngôi mộ cũng là một nhân vật quan trọng đương thời gắn bó mật thiết với dòng họ Lý.

Vậy dòng họ Lý ở Việt Nam đầu Công nguyên là như thế nào?

Họ Lý là một trong những dòng họ được ghi lại sớm vào loại nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó là Lý Tiến, thần được thờ ở đền Bạch Mã (Hà Nội), người được dân gian truyền tụng có công cùng Thánh Gióng đánh giặc Ân (?) thời Hùng Vương. Sau đó là Lý Thân (tức Ông Trọng – Ông Đùng, thần khổng lồ) đời An Dương Vương được thờ ở đền Chèm (Từ Liêm, Hà Nội). Tổ của dòng họ Lý Bí xuất hiện ở Giao Chỉ vào đời Tây Hán, trước Công nguyên, sau 7 đời thành người Giao Chỉ. Khoảng đầu Công nguyên, họ Lý là một họ rất lớn ở Giao Chỉ, chẳng những trong quan trường (Lý Tiến, Lý Cầm đã từng làm thứ sử Giao Châu và quan trong triều Đông Hán) lẫn trong các ngành kinh tế quan trọng (đúc đồng và làm gốm). Đã có khá nhiều đồ đồng phát hiện ở Giao Châu có ghi danh “Lý thị tác” (họ Lý chế tác) như âu, bình, gương đồng và trên một số đồ sành sứ cao cấp đương thời. Thậm chí, trên một số đồ đồng còn ghi rõ đó là họ Lý ở Giao Chỉ (Giao Chỉ Lý thị tác) hay cụ thể hơn là họ Lý đúc đồng ở huyện Tây Vu (Tây Vu Lý thị tác, Tây Vu Lý Văn Sơn chứ tác). Niên đại được khắc trên những đồ đồng và đồ gốm như vậy có niên đại từ 118 đến 145 sau Công nguyên. Huyện Tây Vu vốn là một huyện lớn nhất thời Tây Hán, vốn là một bộ của Văn Lang. Theo kiểm kê của Mã Viện sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì huyện này rộng, dài trên ngàn dặm, dân có tới 32 ngàn hộ, tức khoảng trên 200 ngàn người. Sau năm 44, Mã Viện chia tách làm 3 huyện: Tây Vu, Phong Châu, Vọng Hải. Huyện Tây Vu có họ Lý đúc đồng là vùng đất nằm ở lưu vực sông Đuống – sông Cầu bây giờ. Trung tâm đúc đồng của Tây Vu đó có lẽ chính là Luy Lâu (Lũng Khê) vùng Dâu Keo hiện nay, nơi mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện một công xưởng đúc đồng lớn trong thành cổ Luy Lâu có niên đại thế kỷ 2 trở về sau. Trong suốt thời phong kiến Việt Nam, đây chính là lõi cốt của vùng đúc đồng cổ truyền Thổ Lỗi - Siêu Loại mà nay còn đọng ở chuỗi làng nghề Rồng, Rí, Nôm, Hè, Bưởi, Vó, xung quanh.

Trong Hội nghị quốc tế về văn hóa Hán gần đây (9-2010) tại Hà Nam, Trung Quốc, chúng tôi có trình bày tham luận về họ Lý ở Việt Nam hồi đầu Công nguyên. Theo chúng tôi, có hai hệ thống dòng họ Lý ra đời từ rất sớm ở vùng Đông Á. Một dòng họ Lý ở Trung Nguyên (Lý Gia) và một dòng họ Lý ở Lĩnh Nam. Dòng họ Lý ở Lĩnh Nam có liên quan đến việc xưng danh của các quý tộc thủ lĩnh các bộ lạc Lý, Lão (trong khối Bách Việt) phân bố ở Lĩnh Nam, Giao Chỉ. Mối liên hệ khăng khít, sống còn giữa họ tộc Lý Nam Đế với những tộc, động Ai Lao, Lý, Lão ở thượng du sông Hồng, sông Mã hồi thế kỷ thứ 6 là những bằng chứng sống động cho cội nguồn của họ Lý ở Giao Châu khi đó. Nhiều chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản và Trung Quốc cũng tán thành quan điểm trên khi cho rằng có một trung tâm đúc đồng riêng phát triển rực rỡ ở Lĩnh Nam trong khoảng những thế kỷ trước sau Công nguyên, mà quý tộc họ Lý bản địa đóng một vai trò quan trọng.

Việc phát hiện chiếc đĩa gốm men có khắc chìm hai chữ “Lý thị” trong hầm mộ quý tộc giàu có, sang trọng ở Sông Khoai (Yên Hưng, Quảng Ninh) một mặt xác nhận quan hệ chủ nhân hầm mộ với họ Lý người Việt bản địa, mặt khác góp thêm tư liệu về một dòng tộc giữ vai trò kinh tế, xã hội rất quan trọng buổi đầu Công nguyên ở Việt Nam.

Dòng họ Lý ở Giao Chỉ tiếp tục duy trì vị trí chủ chốt ở Việt Nam trong suốt thời thuộc Bắc. Theo thống kê, cứ mỗi thế kỷ lại có hai viên quan họ Lý giữ cương vị đứng đầu bộ máy quyền lực tại đây. Nhà nước Vạn Xuân độc lập đầu tiên hồi thế kỷ 6 cũng thuộc về họ Lý và nước Đại Việt với kinh đô Thăng Long đầu tiên cũng do họ Lý. Chắc chắn, nếu không có sự kiện đổi từ họ Lý thành họ Nguyễn diễn ra dưới đời nhà Trần, thì số lượng họ Lý vẫn chiếm hàng đầu trong bách tính nước ta. 

Nguồn: qdnd.vn 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529718

Hôm nay

2184

Hôm qua

2277

Tuần này

21991

Tháng này

216414

Tháng qua

0

Tất cả

114529718