Những góc nhìn Văn hoá

Tiếp xúc với FRANÇOIS JULLIEN hay một cái nhìn mới về triết học

 

Từ ngày 3 đến 5 tháng 5 năm 2005, tại thành phố Huế đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học về “François Jullien – từ khơi nguồn tư tưởng đến khai hoa giao lưu”. Hội thảo do trường Ðại học Huế kết hợp với Ðại học Lille 3 tổ chức, được sự hỗ trợ của Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

Hội thảo đã diễn ra với sự có mặt của François Jullien, giáo sư Ðại học Paris 7, viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại, và Thierry Marchaisse, cộng tác viên và người tổ chức xuất bản các công trình của F. Jullien. Giúp F. Jullien trong việc điều khiển hội thảo có các ông Lê Hữu Khoá, Hoàng Ngọc Hiến, Ðào Hùng, Nguyên Ngọc và Trương Quang Ðệ… François Jullien là một trong những tác giả được dịch nhiều nhất ở Việt Nam, đến nay đã có gần 10 công trình của ông đã được dịch nguyên văn sang tiếng Việt. Qua hội thảo, những người tham dự cũng được nghe tác giả trình bày những chủ đề nghiên cứu của mình và nêu lên những lý do cũng như phương pháp mà ông đã sử dụng trong nghiên cứu. Những điều đó rất bổ ích cho thính giả Việt Nam, vốn lâu này xa rời việc nghiên cứu triết học (ở nhà trường môn triết học chỉ gói gọn trong chủ nghĩa Mác-Lênin), không những đối với triết học phương Tây mà ngay đối với tư tưởng phương Ðông hiểu biết cũng còn nhiều hạn chế. Tại hội thảo, những người tham dự Việt Nam đã trình bày tham luận nói lên những điều cảm nhận của mình khi tiếp xúc với các tác phẩm của F. Jullien. Tuy nhiên, phần lớn những người đọc chỉ mới  tiếp xúc với một hai tác phẩm của tác giả, chưa ai dám “có gan” tìm hiểu mọi công trình của F. Jullien, dù đã được dịch sang tiếng Việt (nhân đây cũng nói rằng dịch Jullien là một công việc rất khó, mà chất lượng dịch của các tác phẩm từ Pháp sang Việt cũng không đồng đều, có khi còn làm khó thêm cho người đọc nếu không hiểu được tiếng Pháp hay Hán ngữ). Vì vậy muốn đưa những công trình nghiên cứu của François Jullien đến với độc giả Việt Nam, đòi hỏi phải có một quá trình dịch thuật và phổ biến rộng rãi hơn. Sau đây chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề đã được François Jullien trình bày qua ba ngày hội thảo tại Huế. Trong khi trình bày có thể có chỗ tôi chưa tiếp nhận được đầy đủ, vì quả thật có những khái niệm triết học không có trong tiếng Việt, cần phải sáng tạo khi dịch thuật. Mặc dầu đã được một số đồng nghiệp giúp đỡ, nhưng nếu có gì sai sót mong được bạn đọc phủ chính.

 *

Con đường tìm tòi mới của triết học

Triết học phương Tây vốn được xây dựng trên nền tảng của triết học Hy Lạp, các triết gia từ cổ đại cho đến nay đã đưa ra nhiều mệnh đề, mở ra nhiều cuộc tranh luận, nhưng tất cả vẫn nằm trong một truyền thống, lấy châu Âu làm trung tâm, đôi khi mang nhiều định kiến. Chính vì muốn thoát khỏi định kiến đó mà F. Jullien đã tìm cách đứng ra ngoài mảnh đất triết học của phương Tây – tức triết học Hy Lạp cổ đại - để nhìn lại nó. Và ông đã chọn Trung Quốc làm chỗ đứng chân, một cách đi đường vòng chiến lược nhằm tự vấn về những định kiến bị chìm lấp trong luận lý châu Âu và đi ngược lại những điều chưa nghĩ tới trong tiềm thức.

Tại sao lại chọn Trung Quốc? Ðây là một sự lựa chọn chiến lược, đơn giản chỉ vì Trung Quốc là một “nơi” khác, không nằm trong truyền thống tư tưởng châu Âu. Người Trung Hoa đã xây dựng một nền văn hóa và văn minh riêng biệt, phát triển song hành với châu Âu, mà trong một thời gian dài hai bên không biết đến nhau, không có giao lưu. Với Trung Quốc, Jullien cũng chọn tư tưởng Lão Trang và Khổng giáo, mà không đề cập đến Phật giáo, vì Phật giáo vốn xuất phát từ Ấn Ðộ, vẫn nằm trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-européen), lấy chữ Phạn làm gốc, không xa lạ với tư duy Hy Lạp. Bằng cách đó, Jullien muốn thoát ra khỏi “sự lại giống” trong triết học. Ông cũng loại trừ thế giới A Rập và Do Thái, vì cả hai có quá nhiều liên hệ với lịch sử châu Âu, chẳng phải Aristote đã được người A Rập giới thiệu lại với châu Âu đó sao?

Châu Âu vào thời kỳ Phục hưng, tiến hành các cuộc chinh phục thế giới, đã hướng tầm nhìn về Tân thế giới, về châu Mỹ. Họ tìm thấy ở đấy một thế giới trống rỗng, mà thực ra là họ đã làm trống rỗng bằng những cuộc tàn sát và nhào nặn lại theo khuôn mẫu châu Âu. Rồi ít lâu sau, những con tàu châu Âu lại hướng về phía ngược lại, đến các hải cảng miền nam Trung Quốc. ở đây họ được tiếp xúc với một thế giới đầy đủ, các giáo sĩ thừa sai phải học tiếng Trung Hoa, phải học kinh sử Trung Quốc, quì lạy trước hoàng đế, tôn trọng các phong tục tập quán… Lần đầu tiên châu Âu tiếp xúc với một thế giới khác, không nằm trong truyền thống của mình, không nằm trong hệ qui chiếu của mình: một thế giới không có Adam, không có Noé…, không có những nền tảng xây dựng nên hệ tư tưởng của họ.

Có lẽ Montaigne là nhà “trí thức” Pháp đầu tiên, nghĩa là trên tầm vóc châu Âu, cảm nhận thấy sự lung lay của tư tưởng khi tiếp xúc với cái ngoại lai của Trung Quốc. Qua tiếp xúc với Trung Quốc, Montaigne mới hiểu ra rằng thế giới là rộng lớn và đa dạng hơn những điều mà người xưa và cả người của thời đại ông chưa thâm nhập tới. F. Jullien đã tìm hiểu tư tưởng Trung Quốc dựa trên văn họccổ và lịch sử, dùng nó dể soi rọi lại văn học và sử học cổ châu Âu, nhất là từ tư tưởng Hy Lạp cổ đại đến triết học cận đại. Qua cách đọc và cách viết của Jullien, chúng ta sẽ thấy được những nhận định thật mới mẻ của ông về tư tưởng Trung Quốc với những phân tích sắc nhọn. Phương pháp luận của ông là đứng bên ngoài để dễ thấy bên trong, đứng xa để nhìn gần, đứng lệch để tìm các góc độ phân tích mới, dùng tư tưởng Trung Quốc để làm sáng triết học châu Âu, lại dùng triết học châu Âu để làm rõ nét cổ văn, cổ sử Trung Quốc. Ðấy là một cách làm vừa thông minh vừa can đảm.

Con đường vòng chiến lược

François Jullien gọi cách đi vòng đó là: đưa tư tưởng đến mảnh đất lạ (dépayser). Việc gì sẽ xảy ra khi ta bị cắt đứt với lịch sử của triết học? Hơn thế nữa, khi ta bị cắt khỏi ngôn ngữ được dùng để diễn đạt triết học đó, với tất cả những cấu trúc về ngôn ngữ của nó. Với người châu Âu thì đó là tiếng Hy Lạp, đã đem lại nhiều ảnh hưởng cho các tiếng nói khác trên châu lục này.

Ðến với tiếng Trung Hoa cổ điển người châu Âu phát hiện ra một ngôn ngữ được xây dựng trên những qui tắc hoàn toàn khác lạ. Chẳng hạn trong tiếng Trung Hoa không có động từ “être” (nghĩa là “”), trong khi ở tiếng Pháp cũng như các ngôn ngữ châu Âu khác, động từ être dược dùng trong mọi trường hợp. Một ví dụ khác là khi hỏi câu “Cái này là cái gì?”, người Trung Quốc nói “Zhe shi shemme dongxi?” (Giả thị thập ma đông tây). “Ðồ vật” trong tiếng Trung Quốc lại trở thành “đông tây”, đáng lẽ dùng một từ “đồ vật” thì người Trung Hoa lại đưa ra một đối cực, một mối quan hệ (phương đông và phương tây). Vì vậy muốn thâm nhập vào tư tưởng Trung Hoa, người phương Tây phải quay trở lại với chính mình, trở lại với những định kiến đã nhào nặn nên luận lý của họ, trở lại với những nếp gấp tư tưởng mà tư duy châu Âu đã chuyển tải.

Có những vấn đề được đặt ra với châu Âu, nhưng người Trung Hoa lại không nêu lên thành vấn đề. Chẳng hạn từ xưa đến nay châu Âu vẫn phải giải quyết mối xung đột giữa quyết định luận hay tự do. Câu hỏi được áp đặt đối với triết họccổ điển hình như bị tiêu tan khi ta đứng về phía Trung Quốc, không phải vì người Trung Quốc giải quyết được, mà chỉ là tháo gỡ nó ra thôi. Trang tử đã nói đến một nền tảng cảm thông của triết học: “Ðằng sau mọi cuộc tranh luận, đều có vấn đề không thể tranh cãi được” (và như vậy nó cho phép ta tiếp tục thảo luận). Châu Âu bị mắc kẹt trong những điều chưa nghĩ tới đó, nhưng lại là điều kiện tồn tại của tư tưởng châu Âu, và chính đứng bên ngoài từ Trung Quốc mà Jullien đã tìm thấy một lối đi để tiếp tục thúc đẩy triết học.

F. Jullien đã dùng tư tưởng phương Tây để đo lại khoảng cách tư tưởng giữa Ðông và Tây, sau đó lại dùng tư tưởng phương Ðông để đo lại độ lệch, tìm ra những vấn đề đã bị bỏ quên trong triết học phương Tây, để từ đó phân tích ra khoảng cách giữa hai nền văn hóa, cái lạ giữa hai luồng tư tưởng. Ông đã chọn cho mình một lối đi học thuật thật khó khăn, đọc tác phẩm của ông chúng ta sẽ thấy những lập luận thật vững vàng trong học thuật hiện nay.

Ði tìm cái khác biệt

Từ lâu người ta đã nói đến những vực thẳm trong tư tưởng châu Âu khi tiếp xúc với Trung Quốc. Ðó là tư tưởng lấy mình làm trung tâm, coi phương Tây là hơn hẳn, là cơ sở cho mọi sự qui chiếu. Các giáo sĩ thừa sai xưa là những con người rất thông minh, nhưng khi tiếp xúc với thế giới Trung Hoa, họ đã vứt bỏ chân lý của người ta. Ngày nay khó mà giải thoát khỏi tư tưởng đó một cách triệt để, nghĩa là trong những điều kiện có thể của tư duy. Cũng giống như khó mà vượt qua được mặt đối lập của nó, đó là ý muốn đi tìm cái mới lạ (exotique), khiến con người bị quyến rũ khi đi xa, khi đến một nơi khác lạ, làm cho ta phải mơ mộng.

Jullien đưa ra những vực thẳm lý luận, một mặt là “chủ nghĩa nhân đạo dễ dãi”. Người châu Âu đã từng đưa ra một chuẩn mực về đạo lý được coi là có tính phổ biến toàn cầu, vậy những cái gì không giống với chuẩn mực đó đều bị xếp bên dưới. Mặt khác là cái mà ông gọi là “chủ nghĩa tương đối lười biếng”, khiến người ta gói những cái khác trong vị trí của cái khác. Giống như những thiết chế của thế giới hiện tại, chẳng hạn là của UNESCO, nó luôn luôn bị chao đảo giữa hai cực. Lúc đầu người ta chấp nhận một vị trí mang tính quốc tế, nhân danh các “nguyên tắc”; rồi người ta lặng lẽ đưa vào một thứ chủ nghĩa  tương đối vì “đầu óc thực tế” để bù đắp cho những suy nghĩ khác. Vì không có một tính quốc tế được định sẵn như vậy, mà là cái mà người ta muốn áp đặt.

Vấn đề ở đây không phải là vì Trung Quốc “quá khác biệt”, như người ta thường lười biếng nói như vậy. Khởi thủy thì Trung Quốc “không quan tâm” đến châu Âu. Hai nền văn minh đã không biết đến nhau quá lâu, và khó khăn là ở đó. Nhưng đồng thời đó cũng là cái hấp dẫn. Phải làm thế nào để nhìn nhận những tư tưởng không liên quan gì với nhau, phải bắt đầu từ chỗ nhận diện nhau. Muốn như vậy thì phải làm cái mà Jullien gọi là “lắp ráp”. Phải dựng hai cái đối diện nhau, tổ chức đối chiếu vì lịch sử đã không làm được, vạch một ranh giới để sắp xếp hai cái “khác nhau” hai bên trang giấy. Bằng cách làm đó một cách kiên trì, lần theo từng mắt xích một, mà Jullien đã dệt nên từng khâu, từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác, giữa Hy Lạp và Trung Quốc, để nắm bắt được những cái chưa có trong tư duy.

F. Jullien đã đi từ giao lưu tư tưởng để làm mới học thuật, từ thế đứng giữa ngã tư của các luồng tư tưởng để tìm ra cái phong phú của mỗi nền văn hóa. Ông đã tìm một lý do triết học trước đây chưa có để đánh giá Trung Quốc học, mở ra một lối đi giúp cho các nhà nghiên cứu thuần lý triết học phương Tây phải công nhận vai trò quan trọng của tư tưởng phương Ðông. Ông cũng tìm trong triết học phương Tây những phạm trù lý thuyết không có trong tư tưởng phương Ðông; những phân tích sắc nhọn không có trong cách phân tích của triết học phương Ðông. Những cái không có đó đã được Jullien xem lại, xét lại, phân tích và đánh giá lại. Công lao của Jullien ở đây thật lớn, thật sâu đối với các ngành khoa học xã hội và khoa học nhân văn hiện nay tại châu Âu.

Có chăng những phạm trù mang tính phổ biến

 Jullien cho rằng đó là chỗ khó khăn, không có phạm trù nào được đưa ra mà mang ngay tính phổ biến.

Có người sẽ hỏi: vậy “chân lý” thì sao? Không, đấy là một khái niệm châu Âu. Từ cuối thời Cổ đại ở Trung Quốc đã có những nhà tư tưởng tiếp cận với khái niệm chân lý, như những người thuộc trường phái Mặc Ðịch, nhưng chưa bao giờ họ dựng nên khái niệm đó. Chân lý là một cái đích hướng tới của triết học, đó chính là cái đã khiến cho môn học này trở thành Triết học. Nhưng ở người Trung Hoa cái mà người ta theo là đạo, là “con đường”, nhưng không phải như con đường đưa tới chân lý, đưa đến đích, đó chỉ là con đường mà các quá trình có thể tiếp tục phát triển và thế giới tái sinh.

Có nhiều nhà triết học đã chỉ trích Jullien một cách gay gắt rằng: vậy “hạnh phúc” thì sao, chẳng phải đó là một phạm trù phổ biến của tư tưởng, hay ít ra cũng là một mẫu số chung, vì ai mà không muốn có hạnh phúc? Thế nhưng có dám chắc rằng “hạnh phúc” là một khái niệm có thể bắc cầu đến Trung Quốc được chăng? Người Trung Hoa quả đã có từ phúc, nhưng đấy là chỉ tài sản, cái mà ta nhận được của Trời, hay là điều may mắn: có nhiều tiền, có nhiều con cháu. Nhưng các nhà tư tưởng Trung Hoa lại không suy nghĩ về nó. Nhìn kỹ lại thì ta thấy rốt cùng lý tưởng của minh triết là nhìn về “cái sẵn có” hơn là nhìn về hạnh phúc. Vì “hạnh phúc” là sự tìm kiếm, một cái ta hướng tới, chứ không phải là cái tự nhiên mà có.

Lại còn khái niệm về “linh hồn” và “thể xác”. Có người nói đó là những khái niệm tự có sẵn, nhưng người Trung Quốc theo Jullien lại không nghĩ thế. Người Trung Quốc có nhiều khái niệm khác nhau về “linh hồn”, nhưng không có khái niệm nào tương ứng với những định kiến khởi thủy của triết học. Socrate đã từng nói: một bên là “linh hồn”, bên kia là “thể xác” (psyche/soma). Và sau đó người ta tranh luận về tính bất tử của linh hồn. Trong trường ca của Homère có nói: khi người anh hùng chết đi, linh hồn “sẽ như một bóng ma trong mộng bay đi xa…”. Tư tưởng châu Âu bắt đầu từ Homère và Parménide hay Platon, dù có nhiều dè dặt, vẫn chỉ là nói rõ thêm những khả năng đã được xác định trong sử thi của Homère. Platon đã viết rằng: “nuôi dưỡng” thể xác, hay nói theo cách ẩn dụ là “nuôi dưỡng linh hồn”. Nhưng ở người Trung Hoa, nếu không có “linh hồn” thì làm gì có khái niệm về “thể xác”? Nhà tư tưởng Trung Quốc thường nói đến “dưỡng sinh”, mà không cần dùng đến phép ẩn dụ. Vì không cần phải tách biệt việc “dưỡng – nuôi” bằng thức ăn cho cơ thể, hay hít thở khí trời. Cái mà người Trung Hoa gọi là “khí” và thực hành trong “khí công” phải chăng đó là “linh hồn”? Hay đấy là “thể xác”? Trong tiếng Trung Quốc cổ điển, mọi từ liên quan đến “thể xác” đều vượt ra ngoài khái niệm đó bằng cách này hay cách khác, bản thân nó rất đa dạng.

Quay lại một ví dụ khác đã khiến Jullien nghi ngờ những phạm trù vốn được coi là mang “tính phổ biến”. Trong một cuốn sách nổi tiếng của một tác giả người Mỹ gốc Trung Hoa (James Liu, Chinese theories of Literature, the University of Chicago Press, 1975), tác giả đã đưa ra trật tự trong tư duy Trung Hoa về văn học xuất phát từ bốn khái niệm: trước hết là “tác giả”, rồi đến “tác phẩm”, một “thế giới” và “công chúng” (độc giả). Ðấy là bốn từ tạo nên mô hình chung cho mọi suy nghĩ về văn học. Nhưng nếu ta đi sâu vào những suy nghĩ rộng lớn và phong phú của Trung Quốc về văn học thì sẽ thấy đây chỉ là một bản sao nghèo nàn của lối suy nghĩ châu Âu. Bằng cách phân loại trên, người ta tưởng rằng nó nằm bên ngoài các lý tưởng, không có định kiến mà không chút nghi ngờ về tính khái quát của nó, nhưng thực ra chúng vẫn xuất phát từ những định kiến bị chìm lấp. Chỉ lấy tên gọi “công chúng” để xem nó có thích đáng với tư duy Trung Hoa về văn học không. Jullien nghĩ là không. Vì muốn có công chúng thì phải có những loại hình như ở châu Âu (được xây dựng từ Hy Lạp): sự tích anh hùng, rồi sân khấu, hay gương mặt của nhà hùng biện và khung cảnh của Thành bang v.v… Còn suy nghĩ của Trung Quốc về văn học thì nói đến “tri âm”. Công chúng tự trong lòng nghe thấy hay “hiểu được” âm thanh, cảm nhận âm điệu, gạn lọc ra trong riêng tư giá trị của nó. Ðây không chỉ là sự “tiếp nhận”, mà là một sự đồng cảm kín đáo, từ nội tâm này đến nội tâm kia, và không cần phải vỗ tay tán thưởng hay bình luận.

Có so sánh được không

Ngay từ đầu ta đã không thể so sánh giữa Trung Quốc với phương Tây, vậy thì có thể làm cái gì? Trước hết phải đi ra ngoài khuôn khổ, bằng cách đọc từ ngoại giới. Trước một văn bản Trung Quốc, ta phải biết đọc gầnđọc xa. “Ðọc gần” vì ta không bao giờ đi sâu được vào cái độc đáo và ý nghĩa của văn bản, “đọc xa” vì ta luôn luôn muốn có một độ lùi để nhìn toàn bộ những cái đã đọc và đặt câu hỏi từ bên ngoài, xem xét những điều chưa nói đến và thăm dò các định kiến khi hình thành vấn đề. ở đây không thể nói đến “so sánh” vì không có bối cảnh chung để sắp xếp những mệnh đề tương ứng. Tuy nhiên vẫn có thể “đồng nhất” bằng cách tiếp cận các mệnh đề với nhau, đồng thời lại tách chúng ra nhằm tôn trọng khoảng cách giữa hai bên. Chẳng hạn sách kinh điển của Nho gia gọi là “kinh” (kinh, sử, tử, tập), có thể đem so sánh với những văn bản cổ điển của phương Tây (texte classique), mẫu mực của văn học, cũng giống như Kinh Thánh. Nhưng sau khi đặt chúng gần nhau, lại phải tách chúng ra, vì các văn bản của Nho học không phải là kinh thánh, cũng không phải là tác phẩm cổ điển. Muốn mở ra một khả năng nằm bên ngoài khuôn khổ của châu Âu, F. Jullien phải dựa vào mỗi khả năng có thể có của phương Tây, rồi vượt ra khỏi khuôn khổ đó để lần lượt mở ra một khả năng khác, đó là cái mà Jullien gọi là “độ chênh có tổ chức”. Ðộ chênhnghĩa  là ra khỏi hai bờ của tư tưởng phương Tây, nhưng một cách có tổ chức, được sắp đặt trước, để trong tiến trình có thể bắt đầu xây dựng một tư tưởng không bị áp đặt trước.

Trong ngôn ngữ, tiếng Trung Hoa không quan tâm đến vấn đề ngữ nghĩa, họ không bị ám ảnh bởi kết quả cuối cùng. Cái mà họ không ngừng muốn làm sáng tỏ là các sự vật đã kết hợp với nhau như thế nào, mối liên hệ tương hỗ giữa chúng ra sao, và kết hợp với nhau ra sao (tư duy về sự hài hòa). Vì vậy khi nói đến thực chất của sự vật thì Jullien đi tìm trong mối quan hệ giữa các sự vật. Ví dụ trong ngôn ngữ phương Tây nói về phong cảnh người ta dùng chữ “paysage” (Pháp) hay “landscape” (Anh), trong đó có hai thành phần: pays-ageland-scape (đất đai-thoát ra). Như vậy trong mắt người phương Tây phong cảnh là “một mẩu của đất nước”, nó cắt ngang tầm mắt tạo thành chân trời. Thế nhưng người Trung Quốc lại gọi phong cảnh là “sơn thủy” (non nước) – có núi có nước, có cao có thấp, có cái tĩnh (núi) và cái động (nước). Tóm lại đó là hai đối cực tạo thành một tổng thể.

Cũng như khi nói về kết cấu của phương Tây, thì người Trung Quốc lại nói đến mối tương quan. Kết cấu là một nếp gấp tư tưởng của châu Âu, đã được khắc ghi vào trong ngôn ngữ. Một chữ gồm nhiều âm tiết, tạo thành câu, và những câu đó tạo thành mệnh đề… Cũng như trong vật lý các nguyên tử tạo thành vật thể… Nhưng người Trung Quốc lại không đi qua mối quan hệ của bộ phận/toàn thể, hay ít ra là tư duy của họ không vận hành theo con đường đó. Trong ngôn ngữ tượng hình, mô hình kết cấu xuất phát từ chữ. Chữ viết được cấu thành theo mối tương quan, cái này đòi hỏi đến cái kia (sự kết hợp giữa âm và dương), cái này đáp ứng cái kia, trong một mối quan hệ vừa là đối kháng vừa là bổ sung cho nhau (tương khắc tương sinh) và xảy ra một cách năng động trong suốt quá trình.

Ðể làm công việc so sánh này, Jullien phải chọn đề tài, tuyển vấn đề, xử lý văn bản trong triết học phương Tây và trong tư tưởng phương Ðông một cách đa dạng. Ông phải tấn công vào nhiều đề tài khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực lý thuyết khác nhau: từ lịch sử quân sự qua nghệ thuật, từ đạo đức học đến chính trị học, từ văn học qua ngôn ngữ học… Trong mỗi lĩnh vực ông vừa tổng kết vừa phân tích để nêu lên những mặt thật thiết yếu trong học thuật hiện nay. Các vấn đề tư tưởng của phương Tây đã được F. Jullien nhận định lại vừa theo chiều cao của triết học, vừa theo chiều sâu của sử học, lại vừa theo chiều rộng của văn học và ngôn ngữ học. Tất cả được nhìn qua lăng kính của các luồng lý thuyết của Khổng giáo và Lão giáo, giúp cho chúng ta có cách nhận định mới hơn, sắc sảo hơn về vốn liếng tư tưởng phương Tây. Ðó là sức tổng kết của một tác gia mà chúng ta có thể khám phá ra tầm vóc tư tưởng của ông.

*

Kết luận về cuộc hội thảo, Gs Lê Hữu Khóa, thuộc Ðại học Lille 3, đã đưa ra nhận định như sau: quá trình nghiên cứu của François Jullien giúp chúng ta thấy được các biến chuyển thật lớn trong quá trình xây dựng lý thuyết, phương pháp và khoa học luận của châu Âu trong những năm qua. Khoa học xã hội và nhân văn của châu Âu đã làm được hai chuyện: từ bỏ mô hình của toán học để giải thích sự kiện xã hội, từ bỏ mô hình của khoa học tự nhiên để suy luận phong cách xã hội. Bởi vì vốn liếng văn hóa, phong cách xã hội, lý luận của tư duy, kinh nghiệm của tập thể, tư lợi của cá nhân chắc chắn là phức tạp hơn, phong phú hơn các mô hình của toán học, của khoa học thực nghiệm.

Chính trong bối cảnh đó mà Jullien đã đi tìm những vỉa đất mới, những mạch nước ngầm trong lý thuyết cũng như tư tưởng để hiểu sâu hơn cội nguồn của mỗi nền văn minh, mỗi nền văn hóa phương Tây và phương Ðông. Ðể làm việc đó Jullien đã tìm những trạm dừng chân, những điểm hẹn mà chưa ai nghĩ ra. Ðấy chính là tư duy sáng tạo của ông, không chấp nhận những con đường mòn mà tự tìm lối đi riêng cho mình. Ông thuộc thế hệ những nhà triết học mới , không bị trói buộc bởi những định kiến cũ, mà theo Gs Lê Hữu Khóa, thì sẽ là con chim đầu đàn cho nền triết học tương lai của nước Pháp, hiện đang được giới triết học phương Tây đánh giá cao. Cái mà ta tìm được trong các tác phẩm của F. Jullien có lẽ là tư tưởng riêng của ông, một tư tưởng có sức tổng kết rộng, có sức công phá mạnh. Mỗi năm ông lại cho ra một cuốn sách mới (một số lớn đã được dịch sang tiếng Việt, khiến ông trở thành tác gia hiện đại được dịch nhiều nhất ở Việt Nam), phân tích những chuyện thật khó, lý giải những vấn đề thật phức tạp trong một kỷ luật tri thức, một kỷ luật học thuật không mệt mỏi. Ðấy là một tấm gương cần thiết cho sự phát triển ngành Việt Nam học chúng ta.

Cuộc hội thảo ở Huế là một dịp may mắn cho giới học thuật Việt Nam tiếp xúc với F. Jullien. Vì gặp được Jullien không phải là chuyện dễ dàng. Những năm gần đây, ông luôn được mời tham dự nhiều cuộc hội thảo ở các nước từ châu Âu sang châu Mỹ, vậy mà dành được 3 ngày để đến Việt Nam không phải là chuyện dễ. Ðáng tiếc là do cuộc hội thảo tổ chức tại Huế, nên số người tham dự có phần hạn chế, trong giới khoa học tham gia thiếu hẳn những nhà nghiên cứu của Viện Triết học, cơ quan đầu não về triết học ở nước ta, cũng không có mặt đại diện của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nơi giảng dạy triết học cao cấp của cả nước. Ðể bù lại, những công trình của F. Jullien đã được Nhà xuất bản Ðà Nẵng tổ chức dịch thuật một cách nghiêm túc, dù chất lượng các bản dịch chưa phải đã mười phần hoàn hảo, nhưng cũng đã góp phần vào việc phổ biến một phương pháp tiếp cận mới với triết học trong thời hiện đại.

Theo F. Jullien thì triết học nói riêng và khoa học xã hội và nhân văn nói chung đều dựa trên kinh nghiệm trực tiếp của cuộc sống, tức là mọi hiện tượng nghiên cứu đều được xác nhận và thực nghiệm từ cuộc sống. Nhưng đồng thời nó lại dựa trên tính lịch sử, mỗi hiện tượng được nghiên cứu phải được xác nhận ngay tức khắc bằng thời gian và không gian của nó. Mất tính lịch sử này là mất ngay tính chính xác trong khoa học xã hội và nhân văn. Chính vì vậy mà F. Jullien dang thực nghiệm việc ứng dụng một thứ triết học mới, gọi là “triết học quần chúng”, đưa triết học đến với quần chúng bình dân, chứ không phải nằm trong đầu óc tư duy của các nhà nghiên cứu. Vì đây là một khoa học của suy luận. Muốn suy luận hay suy diễn chính xác phải dựa trên cuộc sống, phải dựa trên tiến trình lịch sử, phải dựa trên khả năng so sánh, trên độ chính xác của bối cảnh. Như vậy suy luận vừa là mô tả, vừa là hiểu biết, vừa là phân tích, vừa là giải thích. Chính vì vậy mà suy luận là tổng hợp của mô tả, của hiểu biết, của phân tích và của giải thích. Ranh giới của bốn từ này sẽ được xóa và cùng sống chung trong một lãnh thổ mới rộng hơn: tổng thể của suy luận. Mong rằng những cuộc tiếp xúc với tư tưởng của F. Jullien sẽ giúp chúng ta hòa nhập được vào đời sống của triết học đương đại trên thế giới.

 (Tác giả cám ơn sự giúp đỡ của các anh Hoàng Ngọc Hiến và Lê Hữu Khóa.)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528596

Hôm nay

2252

Hôm qua

2291

Tuần này

2869

Tháng này

215292

Tháng qua

0

Tất cả

114528596