Người xứ Nghệ

Tưởng nhớ anh Hoàng Ngọc Hiến

 
… Thời học đại học, chúng tôi theo trường sơ tán lên Thái Nguyên, sát chân núi Tam Đảo, − nơi mà nhà thơ Xuân Diệu từng gọi vui là “u tì quốc”, − ngoài các giảng viên trong hai khoa văn và sử, hầu như chúng tôi chẳng biết gì về giới các nhà phê bình, nghiên cứu văn học khác.

Khoảng đầu năm 1966, trên Tạp chí văn học chúng tôi được đọc bài “Triết lý Truyện Kiều” ký tên tác giả Hoàng Ngọc Hiến. Bài báo gây một ấn tượng rất đậm trong trí óc những sinh viên ngữ văn sắp ra trường như bọn tôi. Chúng tôi dò hỏi trong giới giảng viên thì được biết tác giả bài báo ấy là một trong mấy phó tiến sĩ ngữ văn đầu tiên của miền Bắc Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô, hiện đang là giảng viên Đại học sư phạm Vinh. Lúc ấy chúng tôi còn chưa biết rằng Hoàng Ngọc Hiến từng là trợ lý của GS. Trần Đức Thảo ở Đại học sư phạm văn khoa, và đã là một trong 3 dịch giả (bên cạnh Hoàng Xuân Nhị và Nguyễn Duy Bình) của một trong những cuốn sách dịch lý luận văn học Nga (một số bài của Lenin và Bielinski) vào loại sớm ở Việt Nam (“Những bài báo về Liev Tolstoi; Tổ chức đảng và văn học của đảng; Thư gửi Gogol”, Nxb. Văn hóa, H., 1957).
 
Mãi đến đầu những năm 1970, tôi mới có dịp thấy Hoàng Ngọc Hiến. Tôi nói “thấy” là vì khi ấy cũng mới chỉ được nhìn và nghe anh thôi, chứ chưa được gặp và nói chuyện với anh. Đó thường là tại những hội thảo do một cơ quan nào đó tổ chức ở Hà Nội, và Hoàng Ngọc Hiến là một trong những diễn giả được chú ý do cái mới về học thuật mà anh cung cấp, lại cũng do phong cách nói năng khá nổi bật của anh. Tôi còn nhớ tại một hội thảo nọ, chủ tọa chỉ dành cho anh 10 phút, anh lại phải nói về chủ nghĩa Freud (freudisme) là thứ mà phần đông người nghe khi đó chưa biết, thế mà anh Hiến tận dụng được 10 phút để cho người nghe biết thật vắn tắt chủ nghĩa ấy là gì. Tôi nghe anh nói lần ấy ấn tượng đến nỗi trong vòng gần một năm, tôi vẫn có thể nhắc lại được những điểm chính cho vài bạn không có mặt hôm ấy.

Ấy thế rồi tôi được gặp anh, mà điều kỳ lạ lại là anh đã đi tìm tôi. Nói lại chuyện này bây giờ như là nói một chuyện bịa! Hồi đó anh được chuyển từ Vinh về trường lý luận nghiệp vụ của bộ văn hóa ở Hà Nội, được giao chuẩn bị mở khoa viết văn. Anh cần tập hợp một số cán bộ giúp việc. Có ai đó trong số bạn bè đã mách anh trường hợp của tôi; khi ấy tôi đang dạy học tại một trường của bộ nội thương đóng ở Ba Vì, Sơn Tây. Anh đạp xe xuống tận nhà riêng của tôi ở phường Vĩnh Tuy, cuối đường Minh Khai; tôi vắng nhà, anh để lại một bức thư ngắn. Cuối tuần tôi về, đọc thư, vội đến tìm anh ở trường lý luận nghiệp vụ. Anh nói sẵn sàng nhận tôi về khoa mới do anh phụ trách. Tôi muốn thế lắm, nhưng vấn đề là phải xin chuyển được khỏi chỗ đang làm, − một việc cực kỳ khó khăn. Rốt cuộc tôi không chuyển được về chỗ anh. Nhưng từ đấy tôi đã quen anh, thỉnh thoảng lại cũng được gặp anh tại các hội thảo, nơi mà tôi là một thính giả ham nghe, anh là một trong số diễn giả yêu thích của nhiều người, nhất là bọn viết phê bình nghiên cứu trẻ. Trong sự phát triển con đường học thuật của mình, phải nói là bọn chúng tôi chịu ơn anh rất nhiều.
 
Tôi còn nhớ, trước ngày khai giảng khóa viết văn đầu tiên, suốt mấy tuần liền anh Hiến thuyết trình về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và nhận thức luận, theo một công trình của viện sĩ P.V. Kopnin. Chưa bao giờ tôi được nghe giảng lý thuyết mác-xít sáng rõ như thế. Đến nỗi, sau khi khai giảng, khoa viết văn có mời một loạt giảng viên cao cấp từ trường N.A.Q. đến giảng để anh em học viết văn khóa I này luôn thể thi lấy bằng trung cấp lý luận chính trị, tôi cũng xin dự nghe và thi lấy bằng, chỉ tiếc rằng suốt học trình ấy tôi không thấy ai giảng được như anh Hiến đã giảng.
Theo tôi, con người Hoàng Ngọc Hiến là một định nghĩa về người trí thức, theo đó, điều cốt yếu ở trí thức là những ý kiến, những tri thức mà anh ta cung cấp cho nhân loại, cho xã hội, cho những người khác; còn lại, về những phương diện khác, anh ta giống hay khác người này kẻ kia, đều không phải là điều đáng quan tâm. Theo tôi, anh Hiến đã xem bản thân mình như thế với tư cách một trí thức, và anh cũng đối xử với các trí thức khác theo cung cách ấy.
Hoàng Ngọc Hiến là một trong số rất ít những bộ óc năng động nhất của giới lý luận nghiên cứu phê bình văn học ở ta những năm 1970-80. Ban đầu anh đóng vai trò như một cỗ xe tải khổng lồ, đưa về cho cộng đồng lý luận phê bình chúng ta hàng loạt vấn đề mới, về cả tri thức lẫn phương pháp nghiên cứu. Tầm ảnh hưởng của anh không thể đo đếm thậm chí bằng số các công trình dịch thuật, lược thuật mà anh đã làm, đáp ứng đặt hàng của các cơ quan nghiên cứu hoặc xuất bản; theo tôi ước tính thì số tài liệu lý thuyết ấy khá nhiều, về nhiều lĩnh vực, từ triết học, đạo đức học, đến mỹ học, nghệ thuật học, mà số tài liệu được xuất bản thì thường là rất ít so với số đã được anh thực hiện. Phải nói, anh đã tạo ra xung quanh anh cả một “sinh quyển” học thuật trong đó nổi lên vai trò của tư duy độc lập, của sự đòi hỏi tham khảo toàn thế giới trên từng vấn đề, của cái nhìn mới trên mỗi vấn đề. Câu văn của anh, dù khi lược thuật quan điểm các học giả nước ngoài hay trình bày ý tưởng của mình, bao giờ cũng mang dáng vẻ uy nghi, đường hoàng, đầy niềm tin của chủ thể phát ngôn. Rất nhiều mặt trong sự tiến triển về tư duy của giới nghiên cứu lý luận ở ta trong những năm ấy đã nhờ anh Hoàng Ngọc Hiến mà được tiếp thêm sinh lực.
Từ khi phụ trách khoa viết văn (có lúc được tách riêng thành đại học viết văn Nguyễn Du), anh Hiến có nhiều dịp hơn để gần gũi những người viết văn, cả lớp người đang học nghề viết lẫn lớp đàn anh đã có “thương hiệu” trong nghề được mời đến giảng dạy, truyền nghề. Anh bắt đầu đem khả năng tư duy với trình độ trừu tượng hóa cao của anh vào phân tích thực tiễn phát triển văn học Việt Nam. Không phải là chuyên gia văn học sử Việt Nam, nhưng anh tạo ra lợi thế của cách tiếp cận đột kích, đột phá, phát hiện những thuộc tính chiều sâu mà không phải nhà văn học sử thâm niên nào cũng dễ nhìn ra được.
Tiêu biểu cho nỗ lực này là bài viết Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (báo Văn nghệ số 23, ngày 9/6/1979), một tiểu luận mỹ học xuất sắc. Nhận xét về văn học đương thời, anh Hiến viết: “Nhìn chung trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại. [...] Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ nói năng ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn nảy sinh chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.
      
Quả thật đây là một luận điểm hết sức xác đáng. Thế nhưng, trong quỹ đạo của tư tưởng bao cấp cũ, chính luận điểm ấy lại gây sốc phản cảm cho hầu hết giới quản lý văn hóa văn nghệ, vốn sống trong ý niệm rằng văn học này đang là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thành ra, khám phá lớn ấy lại đem đến cho tác giả của nó khá nhiều tai họa. Dù sao thì vẫn không ai có thể phủ nhận được rằng luận điểm ấy đã kích thích nảy nở những tư tưởng tương tự, hướng “nhìn thẳng vào sự thật” của xã hội và của văn nghệ, − những tư tưởng sẽ bùng ra ở cao trào đổi mới.
Vào thời đầu đổi mới, trong khi số khá đông cây bút phê bình lý luận hăng hái làm tiếp việc anh Hiến đã khởi ra, tập trung đập phá các khuôn hình tư duy bao cấp về văn học, thì chính anh Hoàng Ngọc Hiến lại tập trung phát hiện một số hiện tượng mới trong sáng tác. Anh chính là một trong số những người đầu tiên phát hiện tài năng Nguyễn Huy Thiệp, với lời tựa cho Tướng về hưu, tập truyện đầu tay của nhà văn này (1989). Tiếp đó anh tiếp sức cho Tạ Duy Anh với bài phê bình truyện ngắn Bước qua lời nguyền (1990), luôn thể anh đặt tên cho một dòng văn học mới ra đời những năm cao trào đổi mới: văn học “bước qua lời nguyền”, − một sự mệnh danh đầy khiêu khích, lại cũng đầy khích lệ. 
Dần dà, từ giữa những năm 1990, trong xu hướng học thuật của mình, anh Hiến vừa trở về gần chuyên ngành triết học trước đây của anh, vừa nỗ lực khai thác vốn trí tuệ dân tộc, trí tuệ phương Đông cổ truyền. Những vận dụng “âm dương” vào lý thuyết văn học của anh hồi giữa những năm ấy gây một số phản ứng, thậm chí sự chế nhạo đây đó, nhưng anh không nhụt chí. Anh mở rộng phạm vi tìm hiểu, kể cả việc dịch thuật, thuyết trình những phân tích của một học giả phương Tây về các phạm trù tư tưởng phương Đông. Anh ngạc nhiên thú vị về hướng hoạt động của Trung tâm Minh triết Việt do anh Nguyễn Khắc Mai chủ trì, còn Trung tâm Minh triết Việt cũng vui mừng tìm ra anh Hiến như người tiêu biểu cho hướng đi bấy nay của mình. Anh Hiến say sưa trong những hội thảo về minh triết. Trong khi tuổi tác anh ngày càng cao, sức khỏe anh ngày càng xuống…
Hồi cuối năm 2008, nhân đi một hội thảo ở Sầm Sơn, tôi được ở chung phòng với anh. Khi ấy sức khỏe anh cũng đã hơi suy sút. Nhưng khi được hỏi về sự nghỉ ngơi, anh bảo anh đắc ý nhất một câu trả lời của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát: “Rồi cuối cùng cũng nghỉ thôi mà!”
 
Dạo tháng 10 trong năm, gặp anh tại hội thảo về văn hóa Hà Nội, tôi thấy anh yếu đi nhiều. Giọng nói anh trước kia sang sảng, nay âm lượng nhỏ hẳn đi… Anh vẫn nồng nàn sắc sảo trong các ý kiến. Nhưng chúng tôi thì ngấm ngầm cảm thấy sắp mất anh. Lại nhớ câu cụ Khoát mà anh thích.
Giờ thì chúng tôi mất anh rồi. Cuối cùng, bộ óc chăm chỉ ấy cũng đã buộc phải nghỉ ngơi rồi. 
Tiễn biệt anh, tôi cảm thấy ở làng nghiên cứu phê bình văn nghệ của ta có lẽ sẽ còn lâu lắm mới xuất hiện một bộ óc tầm cỡ Hoàng Ngọc Hiến. 
Hà Nội, 26/01/2011
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528587

Hôm nay

2243

Hôm qua

2291

Tuần này

2860

Tháng này

215283

Tháng qua

0

Tất cả

114528587