Người xứ Nghệ
Nhớ Đội Cung…
Cách đây 70 năm, ngày 13.1.1941, Đội Cung (tương đương cấp bậc Trung sĩ, tên thật là Trần Công Cung, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã cùng với 13 binh lính ở đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An) tiến về đồn Đô Lương, giết tên trưởng đồn rồi cùng 25 binh lính ở Đô Lương kéo về Vinh ngay trong đêm. Cuộc binh biến đó do bị lộ nên bị thực dân Pháp dập tắt nhanh chóng. Sáng 25.4.1941, thực dân Pháp hành quyết Đội Cung và 10 đồng chí của ông ở Vinh. Để răn đe tinh thần yêu nước của nhân dân ta, giặc Pháp chôn Đội Cung ngay ở giữa Ngã Tư Đường (cách nơi đóng quân của đội SLNA vài trăm mét), để cho mọi người “giẫm đạp”(!) Bây giờ đó là ngôi mộ độc nhất vô nhị trên cả nước Việt Nam: Hàng vạn người dân khi đi qua đây đều đi vòng quanh để hờ hững và quên bởi, có mấy ai còn nhớ ông và những người lính Chợ Rạng năm nào…
1. Lịch sử dân tộc Việt Nam có những điều “ngẫu nhiên” khó lý giải nhưng lại trùng hợp đến kỳ lạ và, có một “quy luật” thật khó giải thích tỏ tường. Chẳng hạn: Phân bổ số lượng công nhân từ Bắc vào Nam, đông nhất là Bắc Kỳ, sau đến Nam Kỳ, ít nhất là Trung Kỳ. Khi 3 tổ chức cộng sản thành lập thì đầu tiên là Đông Dương Cộng sản đảng ở Bắc Kỳ, tiếp đó là An Nam Cộng sản đảng ở Nam Kỳ, cuối cùng là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ (tháng 6, 7 và tháng 9.1929). Tháng 9.1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lại bùng nổ để mở đầu cho thời kỳ cách mạng – bạo lực của cả nước. Tiếp theo là khởi nghĩa Nam Kỳ (11.1940), để đến lượt Trung Kỳ lại “kết thúc” bằng cuộc binh biến Đô Lương(!)?
Lịch sử đã không thật công bằng khi gọi cuộc khởi nghĩa của Đội Cung và hàng chục chiến sĩ của ông chỉ là binh biến. Thậm chí, trong sách giáo khoa, cuộc khởi nghĩa đó chỉ được ghi có mấy dòng ngắn ngủi. Tại sao không thấy rõ, thấy đủ cái ánh sáng tuyệt vời từ những con người tự giác ngộ; tự tìm thấy con đường cứu nước cho dù không hề liên hệ với bất kỳ tổ chức nào như trong khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ. Xét về mặt ý thức dân tộc thì sự tự giác ngộ, tự tìm lấy đường đi, khai mở một phương thức đấu tranh mới là tinh thần dũng cảm – sáng tạo thật đáng tôn vinh. Phải chăng chúng ta cứ luôn bị ám ảnh bởi quá khứ rằng phải có nhân dân tham gia thì nó mới là khởi nghĩa còn chuyện của những người lính chỉ là binh biến mà thôi? Lính cũng là một phần của hai chữ nhân dân. Đó là chưa nói chuyện vai trò của nhân dân đã ảnh hưởng, tác động, giúp đỡ Đội Cung và đồng chí của ông trong cuộc khởi nghĩa cô đơn và bi thảm đó Đây là cái lỗi của các nhà sử học: Viết và phán định sự thật lịch sử theo một kiểu cách cứng nhắc, cũ mòn. Ai bỏ công đi tìm hiểu, nghiên cứu để chứng minh rằng Đội Cung và đồng chí của ông thực sự là một phong trào của nhân dân ngay từ tiếng súng đầu tiên?
2. Mộ Đội Cung nằm giữa Ngã Tư Đường được “bao vây” xung quanh là Chợ Đội Cung. Ba từ Chợ Đội Cung đã thuộc về tâm khảm của người dân thành phố Vinh cũng như người viết bài này từ lâu lắm rồi, nhiều chục năm về trước. Có thế vì xung quanh đó có một khoảnh đất rộng với đông người lại qua – nói cách khác, đó cũng là cách để ông đi – nằm lại, ở mãi với lòng người, với cái hồn, cái cách sống của tinh thần, lối sống Việt từ hôm qua, hôm nay đến lâu nữa của ngày mai. Cũng rất có thể, từ vô thức, những người yêu nước Việt Nam đã tự nguyện tìm đến nơi đây cho nấm mồ ông đỡ tủi lạnh, như là một sự phản kháng trong âm thầm – thực tế rằng kẻ thù muốn mọi người giẫm đạp thì mọi người lại quây quần cụ thể hơn, hướng tới nhiều hơn…
Ai đã từng đọc lịch sử ra đời của các thành phố phương Tây đều biết rõ là từ một cái pháo đài lớn, sẽ hình thành nên một thành phố có từ ngữ mang các chữ cuối là urt như trong tiếng Đức (Frankfurt), tiếng Anh – Pháp là ourg hay urg (Johannesbourg, Luxemburg, Gettysburg…); hoặc, nếu ra đời từ một nhà thờ lớn thì có tiếp đầu ngữ là Saint = St như St Denis, Paris St Germain…
Chợ Đội Cung và Mộ Đội Cung là một thực thể sống động của tố chất cộng đồng nếu chưa muốn nâng cao hơn bởi tầm khái quát hóa, tổng hợp hóa. Cho dù là thế trong ký ức và cái thường trực của tinh thần dân gian đi nữa thì nó cũng nói rằng đó là một ngôi mộ và một cái chợ thật đặc biệt, khác thường – như đã nói, là chẳng hề giống với bất kỳ địa danh lịch sử nào. Sự trân trọng và cách nghĩ của người dân chất phác, đôn hậu khác nhiều lắm so với bất cứ Hội đồng đặt tên đường phố hoặc bất kỳ nhà sử học tên tuổi nào…
70 năm là một quãng thời gian thật dài so với một kiếp người. Nhưng nó chỉ là khoảnh khắc so với nghĩa lịch sử của một dân tộc. Như một nén hương để thắp cho hươngng hồn Đội Cung và những đồng chí của ông, người viết bài này muốn nhắn gửi rằng, ngay trong lịch sự cận – hiện đại, cũng vẫn cần có rất nhiều điều, nhiều sự kiện phải được nghiên cứu lại, với cách hiểu khác và cách nhìn cũng khác. Olga Bergone nói Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa. Tại sao lịch sử không thể viết khác xưa rồi và, hiểu phải khác xưa?
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Biên niên sử, sao lại "bỏ quên' sự kiện lịch sử?
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Thống kê truy cập
114528585
2241
2291
2858
215281
0
114528585