Người xứ Nghệ

NHà văn Sơn Tùng và những trang văn ở lại với đời

Dường như là mỗi người cầm bút viết văn và làm thơ ở mọi thế hệ, đều sống chật vật. Nhà văn Sơn Tùng cũng không ngoại lệ. Bởi vì cuộc sống không bao giờ hết khó khăn, khó khăn chồng chất lên khó khăn, thử thách chất chồng lên thử thách. Phải chăng vì lẽ đó nên cuộc đời mới cần những nhân cách kẻ sĩ. Hình như trong sách Mạnh Tử có viết, khi trời muốn trao trọng trách cho một ai thì trước hết sẽ làm cho người đó khổ cái tâm, mệt cái chí, cùng túng cái thân, hễ làm gì cũng nghịch với ý muốn, như vậy là cốt để kích động cái tâm, kiên nhẫn cái tính, thêm ích cho những điều chưa hay làm được. Có vẻ như câu này vận vào nhà văn Sơn Tùng - kẻ cô đơn sáng tạo - chả thấy sai chút nào!

LẠI “BI BÔ” Ở TUỔI TÁM MƯƠI

Một lần già, hai lần trẻ, sắp sang tuổi tám mươi tư (84) nhà văn Sơn Tùng lại “bi bô”... tập nói! Có gần ông những ngày ốm thế này, mới thấy tình người đối với nhà văn Sơn Tùng vô cùng sâu nặng biết bao. Ông nhiều bạn, cuộc đời ông lấy bạn bè làm thước đo của sự giàu. Giàu vì bạn. Bạn của ông có già, có trẻ, đủ các tầng lớp nghề nghiệp. Hàng tuần là bạn già Chiếu Văn sinh hoạt vào ngày thứ tư, cứ đến hẹn lại lên, như người đi lễ chùa ngày rằm mồng một là lại chiêm bái thiền môn. Có người ở các vùng miền xa xôi, vậy mà qua báo chí, qua mạng Internet biết ông phải nhập viện, họ bỗng đột ngột xuất hiện bên giường bệnh của ông.Và lớp con cháu vẫn quây quần quanh ông một cách ấm cúng và trìu mến.

Xem báo, biết ông đã rời bệnh viện về nhà, và Hội Nhà văn đang lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng tôi đến bên ông. Nắm bàn tay đã gầy tọp của ông, tôi cất tiếng chào ông như những ngày ông khỏe mạnh. Bà Phan Hồng Mai liền hỏi: “Anh nhận ra ai đây không? Cháu Quang đấy”. Ông gật gật và cười. “Anh chào cháu đi”. Ông cố bật thành tiếng: “Cháu... Quang!”.

Từ ngày đón ông về nhà, dù bà Mai đã cố xoay xở nhưng cũng chỉ còn một cách đẩy hết tất cả hai chiếc tủ áp sát vào tường để có chỗ kê một chiếc giường xếp để ông nằm ngoài nhà. Rồi căng ngang một tấm ri-đô che gió. Hôm nay, gió mùa đông bắc tràn về, tấm ri-đô mỏng không che nổi cái lạnh...

NHÀ VĂN CHIẾN SĨ VÀ TẤM HUÂN CHƯƠNG SIÊU HẠNG

Người như nhà văn Sơn Tùng là rất hiếm, tài năng đã là hiếm mà cái tình với dân với nước, với cách mạng cũng là hiếm. Người ấy vẫn giữ cốt cách của con nhà Nho cũ.

Ông cầm tinh con Rồng, sinh năm Mậu Thìn 1928. Trong mười hai con giáp, đâu như chỉ có con rồng được người đời kiêng nể nhất. Anh Cao Thành Công, cán bộ Tổng cục Đường sắt, người đồng hương Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An có lần vui chuyện cùng ông đã luận chơi: Rồng vàng thì ẩn ẩn hiện hiện trên chín tầng mây, lúc vùng vẫy ngoài biển Nam biển Bắc. Rồng đất suốt đời nằm khoanh trong ao trong chuôm, hiền đến là hiền. Lại có cả rồng gốm, rồng đá... Hay chú là Con rồng tre? Hai chú cháu cùng cười rộn rã căn phòng khách nhỏ. “Rồng đất cũng vẫn là rồng. Đã là rồng thì không thể tầm thường. Chú sống trọn đời giản dị và luôn luôn biết giữ gìn. Người ta có ghét nhưng không ai có thể khinh được cháu ạ”.

Nhà văn Sơn Tùng mồ côi cha từ sớm, lúc mới lên mười. Cụ bà thân sinh ra ông một nách nuôi 7 người con, 5 trai, 2 gái, lại thêm một người cháu con người em ruột mồ côi mẹ từ khi còn đang bú mớm. Ngoài tám mươi tuổi nhà văn Sơn Tùng vẫn nhớ lời mẹ dạy, đã ngồi là phải thẳng lưng, chớ có quen thói dựa dẫm. Cho nên đời ông là sự vươn lên chính mình, tìm lấy cho mình bước đi đường hoàng giữa cuộc đời.

Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, năm 1944, trước cách mạng tháng Tám một năm. Cứ chiếu theo tiêu chuẩn, ông là Lão thành cách mạng. Đâu như mươi năm trước, có chính sách cho cán bộ Lão thành cách mạng, kèm theo cái quy định kê khai, có hai người làm chứng. Thấy phiền hà ông chẳng khai. Hồ sơ lý lịch của ông có ở Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương từ những năm 1960 khi ông làm cán bộ Tuyên giáo Trung ương, hay trước đó, từ những năm 1952-1953 trong Chỉnh huấn kia kìa... Ông là Đảng viên từ năm 1947, tính ra đến nay đã là 63 năm tuổi Đảng mà không mấy người biết...

Lại càng ít người biết ông đã từng học Đại học. Có lần tôi chứng kiến người em con chú ruột của nhà văn Sơn Tùng là ông Bùi Sơn Thế khi ra thăm đã kể, một số cán bộ địa phương nói ông Sơn Tùng đâu có đi học trường Đại học nào! Ông Bùi Sơn Thế đã nổi cáu: “Tụi bay sinh sau đẻ muộn biết gì mà nói. Tau là người tiễn anh tau đi học Đại học đây này”. Nghe em kể vậy, chỉ thấy ông cười độ lượng. “Thôi, kể ra làm gì chú”. Sơn Tùng là người luôn kín kẽ và khiêm tốn như vậy. Ông không những học Đại học, mà còn là Phó Chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam, làm Phó đoàn trong Đoàn Thanh niên Sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ V tổ chức tại Vác-sa-va, thủ đô nước Ba Lan xã hội chủ nghĩa anh em năm 1955. Bạn cùng lớp, cùng khoa, cùng khóa với ông tại trường Đại học nay ở Hà Nội đếm sơ sơ cũng được... trăm người!

Rồi Huân chương do các cụ Nguyễn Hữu Thọ, cụ Huỳnh Tấn Phát ký tặng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất... ông cũng không đưa ra treo. Nhà ông quá chật nên đành cất gọn trong các tập tài liệu. Có lẽ chỉ một tấm “Huân chương siêu hạng” như chữ của Nguyễn Tuân dùng, do “nền văn minh Huê Cầy” tặng cho ông, là ngày ngày vẫn hiển hiện! Tấm “Huân chương siêu hạng” ấy đã khiến ông mang thương tật suốt đời vĩnh viễn mất 81% sức khỏe, ba mảnh đạn còn găm trong sọ não, mấy mảnh găm ở vai, ông sống chung thân suốt đời và hàng ngày chiến đấu với kẻ thù.

LẤY VỢ HỌ PHAN, LẬP NGHIỆP Ở HỌ PHAN...

Nhà văn Sơn Tùng có hai niềm hạnh phúc. Ở trên là cái sự giàu. Ông còn sang. Sang vì vợ. Gắn bó với nhau từ khi tóc còn xanh, đến nay đã bạc phơ mái tóc, ông chỉ gọi bà bằng một đại từ: “Em ơi!”, còn bà cũng chỉ có một đại từ gọi ông: “Anh Phong ơi!”. Phong là bí danh và bút danh Sơn Phong của ông ngày đi B vào chiến trường miền Nam từ năm 1967 đến khi bị thương trở ra miền Bắc năm mùa hè năm 1972. Thời gian ông nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu (A9) Bạch Mai, nhiều chị em trẻ của các gia đình có người ốm nằm giường bên cạnh rất ngạc nhiên và thán phục khi thấy cụ bà vẫn gọi cụ ông 83 tuổi “anh ơi”.

Khi còn khỏe mạnh ông vẫn nói với bà: “Anh lấy vợ họ Phan, lập nghiệp ở họ Phan...”.

Trải Chiếu Văn, ông bà mở rộng cửa đón khách văn, bạn hữu. Không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, già trẻ, mọi người lui tới, gõ cửa, dù ban ngày hay ban đêm, ông bà đều sẵn sàng tiếp đón. Có cái gì đó ẩn trong sâu thăm thẳm tấm lòng của ông bà khó mà cắt nghĩa được. Hình như họ sinh ra là để cùng tương trợ cho nhau trong nghiệp văn bút đầy rẫy những nhọc nhằn.

Thương tật như vậy mà chỉ với hai ngón tay, nhà văn Sơn Tùng đã viết lên những trang văn có sức tỏa sáng. Đó là Kỷ niệm tháng Năm (1974), Nhớ nguồn (1975), Con người và Con đường (1976), Trần Phú (1980), Nguyễn Hữu Tiến – Người vẽ cờ Tổ quốc (1981), Búp sen xanh (1982), Bông sen vàng (1990), Trái tim quả đất (1990), Mẹ về (1990 – sau đổi tên Bác về), Lõm (1994),Vườn nắng (1997), Hoa râm bụt (1999), Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (2005), Nguyễn Ái Quốc trong ký ức bà mẹ Nga (2007), Bác Hồ định đô Thăng Long - Hà Nội (2010)...

Tiếng nói của Sơn Tùng trọng lượng trên văn đàn. Đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa nước nhà. Với ông, văn là người, người sao văn vậy, giản dị, chân thật và hết sức cương trực. Ông là người sống trong sạch và văn chương của ông không thể khác, trong trẻo như nguồn nước giếng thơi nơi làng quê Hoa Lũy.

Ngay tại phòng khách của ông, có một bức ảnh lớn về rừng tùng nghìn năm trên đỉnh Yên Tử do nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp và tặng lại năm 1985 “kỷ niệm đọc Búp sen xanh”. Cây tùng thẳng đứng, thế trực, chính là tư chất của người anh hùng giữa cuộc đời nhiều giông bão, nhiều sóng gió mây mù với một ý chí phi thường, một bản lĩnh sống phi thường, đầy thách thức và bất chấp như chính cuộc đời nhà văn vậy.

Với hơn mười đầu sách về Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu đánh giá Sơn Tùng là nhà “Hồ Chí Minh học” ngoại hạng. Còn ông chỉ nhận mình làm một công việc khiêm tốn, đó là đi chép chuyện về Hồ Chí Minh... Những ngày ông lâm bệnh, tôi lại càng thấm thía cái ý tưởng bảo tồn ký ức nó quan trọng như thế nào để đời sau hiểu được đời nay, để đời nay hiểu được các đời đã qua... PGS Ngô Đức Thọ từ trong phòng bệnh của ông bước ra ngồi ghế đá trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai cứ rầu rĩ nói với tôi: “Trời ơi, bộ óc của anh Sơn Tùng bằng cả Viện Sử học, bằng cả Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh cộng lại. Anh Sơn Tùng chưa thể ra đi trong lúc này được”.

Ký ức con người là di sản vô giá. Một phế tích dù có to lớn đến mấy, một khi có tiền, có kỹ thuật và có thời gian thì đều phục dựng lại được. Nhưng mỗi con người một khi đã nằm xuống thì mãi mãi mọi cái ở trong đầu con người ấy sẽ tan biến và không bao giờ có thể lấy lại được nữa. Như một định mệnh, cuộc đời của nhà văn Sơn Tùng gắn bó với tên tuổi của một con người gắn với cả một thời đại lịch sử của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người đã được thế giới đánh giá là góp phần làm thay đổi diện mạo hành tinh của chúng ta trong thế kỷ XX.

Vào những ngày cận Tết Ất Dậu (2005), nhà văn Bang Hyun Suk, quốc tịch Hàn Quốc, giáo sư trường Đại học Chung Wang, Hội trưởng Hội các tác giả trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam, đến xin gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng với mong muốn được nghe tất cả những gì có liên quan đến Hồ Chí Minh để viết một cuốn truyện về con người mà ông vô cùng kính yêu.

Ông khiêm tốn đáp lời: “Ngài Giáo sư  Bang Hyun Suk đã gặp Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, Anh hùng Tạ Thị Kiều, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và An Như Sơn, đạo diễn Bùi Đình Hạc, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Tình, Viện trưởng Viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Khánh Bật… như vậy là đầy đủ hết về Bác Hồ của chúng tôi rồi. Vậy tôi xin phép nói một vài điều, nếu giáo sư thấy trùng lặp với những người đã nói trước thì chúng ta sẽ nghỉ để khỏi mất thời gian nghiên cứu của ngài”.

Khách và chủ nhà đều vui vẻ thỏa thuận như vậy. Bà Phan Hồng Mai đã phải mất năm, sáu ngày tiếp khách vì vị giáo sư, nhà văn Hàn Quốc không dứt ra được. Những câu chuyện cứ tầng tầng lớp lớp trong các vỉa ký ức được khai mở với đầy đủ những tư liệu minh họa bằng hiện vật gốc mà nhà văn lưu giữ.  

Nhiều bạn bè đã hỏi ông, làm sao ông có được trí nhớ tuyệt vời như vậy? Với nhà văn Sơn Tùng, ông không lưu giữ trong trí nhớ mà giữ bằng tâm khảm. Ông tâm sự với tôi, giữ bằng tâm khảm lâu bền hơn giữ bằng trí nhớ. Trí nhớ có lúc lẫn lộn, có lúc lãng quên, còn giữ bằng tâm khảm là chôn chặt trong lòng, chỉ trừ khi nằm xuống mới quên được.

Cái vất vả cứ đeo bám mãi nhà văn Sơn Tùng đến tận quá tám mươi ba tuổi. “Nhân bất phong sương vị lão tài” (người chưa qua sóng gió thử thách sao có thể gọi là tài). Tôi chắc rằng, nếu khỏe mạnh, ông vẫn chấp nhận sóng gió thử thách và luôn tâm tưởng về lòng trung hậu giữa người đời. Với người cầm bút thì chỉ những trang văn là ở lại với đời. Sơn Tùng cũng vậy.

Rời Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng, đi dưới những hạt mưa phùn ẩm ướt trên phố Nguyễn Thượng Hiền rẽ sang hồ Thiền Quang, tôi chợt nhớ trong thiên tùy bút “Thăm thẳm bóng người” nhà văn Đỗ Chu có kể:

“Nhà thơ Tế Hanh những năm còn khỏe rất hay ra ngồi ở một quán cóc trước cổng chùa Thiền Quang... Bà chủ quán vốn là một giáo viên dạy văn học, gia cảnh gặp cơn túng quẫn phải bỏ nghề ra ngồi ở góc chùa, cho nên bà rất rõ thơ ông. Một lần Tế Hanh ngậm điếu thuốc toan rút mấy hào ra liền bị bà gắt, thôi từ nay trở đi ông cứ để tiền ở nhà, ra đây ông muốn uống muốn ăn muốn hút thế nào là tùy, tôi lo cho cả. Hà Nội ta nghèo nhưng không thể để một nhà thơ như ông phải vất vả mãi thế này”./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528588

Hôm nay

2244

Hôm qua

2291

Tuần này

2861

Tháng này

215284

Tháng qua

0

Tất cả

114528588