Người xứ Nghệ

Sư phụ Hoàng Ngọc Hiến

Về nghiên cứu và phê bình văn học triết học, Hoàng Ngọc Hiến là một tấm gương sáng. Ông là vị sư phụ đáng kính. Nửa thế kỷ chăm chỉ đọc Hoàng Ngọc Hiến, ông nói một, tôi học được năm và làm được cả mười. Tôi rút tỉa được những tinh hoa từ ông nhiều hơn là từ các học giả khác cộng lại. Tôi là một học trò nhỏ giấu tên của người.

Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến là một học giả lớn.

Trọn vẹn cả học thuật và nhân cách, ông đã tạo ra một từ trường mạnh, có sức hút lớn đối với làng văn và làng giáo.

 Tôi bắt đầu đọc ông chậm rãi và kỹ lưỡng từ năm 1965 khởi đầu là tiểu luận “Triết lý Truyện Kiều” viết hay và thuyết phục. Tôi tín nhiệm ông, hễ mở sách báo ra có bài của Hoàng Ngọc Hiến là tôi đọc ngay. Chiêm nghiệm từ những trứ tác đó, tôi rút ra được ở ông những bài học thiết thực cho công việc nghiên cứu, phê bình văn học mà mình đeo đuổi:

(1) Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến kiến văn rất uyên bác. Ông là bộ từ điển bách khoa sống. Ông lịch lãm văn sử triết cổ kim đông tây. Với một bộ óc thông thái đồ sộ như vậy, ông Hiến phải là người tự học suốt đời, học không ngơi nghỉ. Đọc ông, tôi ngộ ra :  Muốn làm một học giả lớn trước hết phải làm người học thật, chung thân học. Chỉ có tri thức phong phú mới cho phép người viết bàn sâu sắc thấu lý đạt tình đối tượng nghiên cứu. Trong nghiên cứu, học vấn ăn đong, hớt ngọn và chữ nghĩa lóp lép sẽ làm hại mình và làm khổ bạn đọc.

(2) Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến viết nghiên cứu phê bình với một chủ kiến mạnh mẽ. Phẩm tiết này giúp nhà nghiên cứu định đoạt được số phận học thuật của mình. Trong trước thuật, ông chưa hề khóc mướn vỗ tay thuê bao giờ. Ở xứ ta, có biết bao người tài giỏi thiếu phẩm chất này nên dễ ăn theo nói leo, thậm chí bán rẻ cả linh hồn chỉ vì vài đấu gạo, tác phẩm cứ luôn đổi màu như chú kỳ nhông, để đến nỗi cuối đời phải than thở sám hối, sự nghiệp đổ vỡ tan tành.

Có chủ kiến mạnh mới có bản lĩnh khoa học vững vàng, bằng tiên giác nhạy bén, Giáo sư đã đưa ra khá nhiều luận thuyết táo gan không ai dám nói. Chỉ riêng luận thuyết “văn học phải đạo” bị đánh tơi tả, nếu ai đó thật sự cầu thị, bớt trịch thượng biết lắng nghe và triệt để sử dụng có thể cứu được cả một nền văn học.

Có bản lĩnh học thuật, Giáo sư mới có thể chịu đựng nổi những thị phi đố kỵ và vượt qua được những bất công lăng loàn của người đời.  

(3) Trong lúc thiếu gì người dùng cây bút nghiên cứu và phê bình như một công cụ kiếm sống, tiến thân thì Hoàng Ngọc Hiến “Tôi viết phê bình văn học là để làm sang giá t ác gi ả và sáng giá tác phẩm văn học”. Mục đích cầm bút cao đẹp đó đã chi phối toàn bộ học thuật của đời ông. Hoàng Ngọc Hiến để lại cho đời những trang văn rất đẹp và hấp dẫn. Thiếu mục đích cao cả này người ta rất dễ bị tha hóa, bị điếm bút hoặc mắc chứng vĩ cuồng. Hiện tượng nhà này bôi bẩn, triệt hạ nhà kia xẩy ra thường xuyên lầy nhầy trên các mặt sách báo là vậy. Bạn đọc khá phiền lòng bởi những tay văn côn ấy.

(4) Theo định hướng của cái Đẹp, văn phong Hoàng Ngọc Hiến có thần bút  luôn lấp lánh trí tuệ - một thứ trí tuệ của trái tim. Văn chính luận Hoàng Ngọc Hiến sang trọng bác học hiện đại mà vẫn nhang nhác cổ điển. Đọc ông, luôn được nhắc nhở người cầm bút viết phải có văn. Tôn trọng người đọc thì phải trau chuốt từng câu văn như thợ bạc làm nghề.

 *

Về nghiên cứu và phê bình văn học triết học, Hoàng Ngọc Hiến là một tấm gương sáng. Ông là một vị sư phụ đáng kính. Nửa thế kỷ chăm chỉ đọc Hoàng Ngọc Hiến, ông nói một, tôi học được năm và làm được cả mười. Tôi rút tỉa được những tinh hoa từ ông nhiều hơn là từ các học giả khác cộng lại. Tôi là một học trò nhỏ giấu tên của người.

Lặng lẽ đứng từ xa chiêm bái một Con Người. Trường viết văn Nguyễn Du tổ chức hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp văn hóa của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhân bát tuần thượng thọ, tôi bạch hóa tâm địa mình ra đây thay một lời tri ân. Kính chúc Thầy vạn an, sống đủ đầy trong tình thương và lòng tôn kính của các môn đệ bốn phương, thung dung bước vào tuổi trường xuân.

Qùa mừng thọ, theo gợi ý của anh Văn Giá, từ nước Australia vạn dặm xa, tôi xin kính tặng thầy Hiến thiên tiểu luận phê bình “Lê Quốc Hán – Khi nhà toán học bắc chiếc cầu thơ” rút từ bộ sách ruột THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (đã công bố trên các trang báo mạng internet cách đây vài ngày). Trân trọng mời Thầy ghé thăm quán văn của trò tại http://thaidoanhieu.blogspot.com

Sydney, giữa đông 12-7-2010

Bản tác giả gửi cho VHNA

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528585

Hôm nay

2241

Hôm qua

2291

Tuần này

2858

Tháng này

215281

Tháng qua

0

Tất cả

114528585