Những góc nhìn Văn hoá

Tương lai của Lý luận văn học

Tương lai của lý luận văn học, cái “nơi đến” của nó, tùy thuộc vào tương lai của văn học [1] . Tôi sẽ giải thích điều này có nghĩa là gì. Lý luận văn học là một môn học thứ cấp và phụ thuộc, như môn “vật lý lý thuyết”. Lý luận văn học là môn phụ trợ. Nó là một sự trợ giúp cho nghiên cứu văn học đích thực, cũng như môn vật lý lý thuyết phụ thuộc vào dữ kiện thường nghiệm được các nhà vật lý thu thập.

Người ta sẽ chỉ còn cần đến lý luận văn học chừng nào văn học còn tồn tại và còn có tầm quan trọng đối với các xã hội và những cá nhân trong các xã hội đó. Nếu văn học không còn có tầm quan trọng lớn lao trong một xã hội nào đó, lý luận văn học vẫn tiếp tục cần thiết cho việc nghiên cứu văn học của quá khứ. Điều này sẽ xảy ra khi phương tiện truyền thông mới trở nên ngự trị, như thực tế đang diễn ra, ít nhất là ở phương Tây, dù điều này có thể còn tranh luận. Nếu văn học chưa trở thành một lực lượng xã hội trung tâm, ta vẫn tiếp tục cần đến lý luận văn học. Tuy nhiên, ta sẽ cần đến lý luận văn học hơn vì những mục đích hiếu cổ (antiquarian purposes), tức là để hiểu được văn học trong bao thế kỷ qua. Trong bao thế kỷ qua, mỗi ngày lại một lùi xa khỏi chúng ta, văn học vẫn còn giữ vai trò trung tâm của văn hóa và cá nhân trong việc hình thành nên các công dân. Các tiểu thuyết thời Victoria, chẳng hạn, đã giữ vai trò ấy ở nước Anh thời Victoria. Văn học sẽ còn được viết và được đọc trong một khoảng thời gian khá dài nữa. Tuy nhiên, phim ảnh, truyền hình, âm nhạc bình dân, trò chơi điện tử, Internet và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số hỗn hợp khác đang thay thế văn học. Cái mà ta có thể gọi (cho dù đã rất cẩn trọng) là sự sử dụng có tính “văn chương” về chữ nghĩa hay các ký hiệu khác đang du nhập vào các phương tiện truyền thông mới nào [2]. Tôi nói “rất cẩn trọng” vì bất kỳ những đặc điểm nào của “văn chương” mà tôi có thể nghĩ đến cũng có thể làm đặc trưng cho những sự sử dụng chữ nghĩa hay các ký hiệu khác không phải văn học. Việc gọi cái gì là “văn học” là một hành động ngôn từ: “tôi tuyên bố cái này là văn học”. Nếu Shakespeare sống vào thời này, tôi cá là ông ắt sẽ viết các kịch bản phim hay truyền hình, [vì] thể loại đó có hành động, cũng như ông sẽ viết tiểu thuyết nếu ông là người của thời Victoria, hay làm thơ nếu ông sống ở giai đoạn Lãng mạn. Shakespeare là một cây bút chuyên nghiệp muốn kiếm tiền và gây ảnh hưởng đến mọi người.

Chức năng của Lý luận văn học

Thành tố lý luận của nghiên cứu văn hóa hoàn toàn khác với lý luận văn học. Tại sao? Đối tượng của nghiên cứu văn hóa là tính toàn bộ của văn hóa hay của đời sống xã hội. Văn học đúng nghĩa là một phương diện càng ngày càng mang tính ngoại biên của nghiên cứu văn hóa. Những nghiên cứu văn hóa hợp thành một phân ngành của xã hội học hoặc nhân loại học. Ngày càng nhiều người mang danh nghĩa các khoa học nhân văn chiếm lĩnh chủ đề và giao thức của các bộ môn này. Ngày hôm nay, nghiên cứu văn hóa vẫn thường được tiến hành trong cái vẫn được gọi, đôi khi sai lạc, là “các khoa văn học”. Điều này không có gì sai, khi những nhà nghiên cứu trẻ tuổi trong các khoa học nhân văn, giống như ông Shakespeare thế kỷ XXI trong giả thiết của tôi, đang chuyển sang lĩnh vực nào có [yếu tố] hành động, tức là chuyển sang phim ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử…v.v. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm lớn nếu ta lẫn lộn lý luận văn học với lý luận văn hóa. Dữ kiện mà chúng muốn giải thích là hoàn toàn khác nhau.

Chức năng của lý luận văn học là nhằm giải thích những bộ phận riêng biệt của văn học (theo nghĩa cũ là những ấn phẩm thơ, tiểu thuyết và kịch). Lý luận văn học đã làm việc theo một cách rất đặc trưng là đưa ra những phát biểu chặt chẽ [như công thức], mà nhìn bề ngoài, có mức khái quát hay phổ quát khá cao. Một ví dụ là định nghĩa của Aristotle về bi kịch: Bi kịch là “một quá trình mô phỏng một hành động với những hàm ý nghiêm trang, đầy đủ và hoàn chỉnh; dựa vào ngôn ngữ được trau chuốt cho phù hợp với từng màn kịch; được diễn xuất bởi chính các nhân vật chứ không phải được trình bày qua câu chuyện kể; qua một diễn trình xúc cảm xót thương và khiếp sợ đang hoàn tất sự thanh tẩy của các hành động bi kịch mang những đặc trưng xúc cảm đó”

Một ví dụ về lý luận văn học trong thời đại chúng ta là sự khẳng định tất nhiên của Paul de Man trong “Phúng dụ (Julie)”:

“Hệ hình cho tất cả các văn bản là một hình tượng. (hay một hệ thống những hình tượng) và sự giải cấu tạo của nó. Nhưng vì mô hình này không thể được khép lại bằng một sự đọc chung quyết, nên đến lượt mình, nó sinh ra một sự chất chồng hình tượng phụ thêm vào, sự chất chồng này phơi bày tính không thể đọc của lần kể chuyện trước đó. Khi phân biệt với những chuyện kể giải cấu sơ cấp vốn tập trung vào những hình tượng và cuối cùng bao giờ cũng tập trung vào ẩn dụ, chúng ta có thể gọi những chuyện kể như vậy là những phúng dụ cấp hai (hay cấp ba)”[3] .

Dù vậy, bất chấp mức độ khái quát hóa cao trong các phát biểu lý luận văn học của Aristotle và de Man, lý luận văn học còn có cội rễ lịch sử. Nó thuộc về riêng một thời đại, một khu vực và một nền văn hóa. Các phát biểu như của các nhà lý luận văn học chẳng hạn thúc đẩy việc đọc đúng về những tác phẩm văn học cá biệt. Các lý thuyết văn học là một phương tiện hỗ trợ cho việc đọc, thâm chí ngay cả sự đọc đúng, như de Man nghĩ, cũng có nghĩa là một sự phát hiện ra bất khả thể của việc đọc. Các lý thuyết văn học không có một chức năng chính đáng nào khác hơn là hỗ trợ cho việc đọc những tác phẩm văn học, cho dù trên thực tế chúng có làm điều đó hay không lại là một vấn đề khác. Vai trò phụ này là một vai trò thực thụ, cho dù nó có thể hấp dẫn để ta nghĩ về lý luận văn học như là một bộ môn độc lập, tự đóng kín (self-enclosed), cái có thể, như Edward Said nói, “du hành” từ nước này sang nước khác. Lý luận văn học, như nó thể hiện, có thể được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, và vẫn còn có giá trị hiệu lực. Nó có thể vẫn còn hiệu lực hiển hiện trong khu vực mới và trong quan hệ với những bộ phận mới của văn học.

Thực ra thì không phải như thế. Những  phát biểu mà các nhà lý luận văn học đưa ra có vẻ như mang tính phổ quát nhưng thực sự lại bị ràng buộc với bộ phận riêng biệt của văn học vốn là nơi sản sinh ra chúng và ngay từ ban đầu, chúng đã được chủ định sử dụng để giải thích cho bộ phận văn học đó. Ví dụ có tính cách hệ hình cho điều này ở phương Tây là ví dụ về những công trình lý luận văn học cổ nhất của chúng ta, công trình tôi đã viện dẫn, Nghệ thuật thi ca của Aristotle. Mục đích tiên khởi của Aristotle là nghiên cứu một bộ phận riêng biệt của văn học, tức bi kịch xứ Attica: các vở kịch của Sophocles, Euripides, Aeschylus và những người khác ở Athens thế kỷ thứ năm trước công nguyên. Khi các nhà lý luận thời Phục hưng và sau này đã tìm ra, cực kỳ khó khăn, ra cách vận dụng những phát biểu của Aristotle cho bi kịch ít nhiều có yếu tố Kitô giáo của châu Âu thế kỷ XVI-XVII, nếu không có những thay đổi đáng kể. Những ví dụ cho việc này là Hamlet (1603-4?), hay Vua Lear (1606) của Shakespeare, hay Phèdre (1677) của Racine. Tương tự như thế, mục đích của de Man trong tiểu luận đã dẫn ở trên, là nghiên cứu tác phẩm Julie của Rousseau. Mục đích của Bakhtin, trong các công trình lý luận văn học của ông, là nghiên cứu Dostoevsky hay một bộ phận riêng biệt của tiểu thuyết.

Việc thẩm tra Lý luận văn học

Quan hệ gần gũi giữa một lý thuyết văn học nào đó với một hay những tác phẩm văn học mà nó muốn nghiên cứu tích có thể được làm sáng tỏ hơn. Giống như một giả thuyết khoa học, một lý thuyết văn học sẽ không có ích lợi gì nếu nó không có tính khả sai (falsifiable), nghĩa là, khả năng có thể được chứng minh là sai. Nếu tôi nói mặt trăng được làm toàn bằng phó mát xanh, các nhà khoa học muốn có chứng minh nào đó về điều đó, chẳng hạn như một mẩu phó mát xanh được mang về từ một chuyến du hành lên mặt trăng. Nếu tôi mang về một mẩu đá trên mặt trăng, chứ không phải pho mát, thì giả thuyết của tôi cần được xét lại. Ít ra là một phần của mặt trăng không phải là pho mát xanh. Tôi đã chứng minh giả thuyết ban đầu của tôi là sai. Theo một cách tương tự, định nghĩa của Aristotle về bi kịch sẽ chẳng có ích gì trừ phi nó có thể cho ta thấy rằng nó thực sự phù hợp với các bi kịch hiện thực của người Athen (real Athenians tragedy). Aristotle về cơ bản mới chỉ cho thấy làm thế nào mà lý thuyết của ông lại phù hợp với Oedipus the King của Sophocles. Phát biểu của de Man sẽ phải kiểm tra kỹ càng hơn, vì ông nói “Hệ hình của tất cả các văn bản…”. Phát biểu ấy bao quát một diện rất rộng. Nhưng chắc hẳn cũng có một văn bản văn học nào đó không phù hợp với hệ hình này chứ? Nếu điều đó có thể được chỉ ra, giả thuyết của de Man sẽ được coi là sai. Tiểu luận của de Man ít ra đã cho ta thấy rằng lý thuyết của ông ít nhiều có hiệu lực đối với trường hợp tiểu thuyết Julie. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì việc đọc, trước tiên, tạo sinh nhận định lý thuyết. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp này, tức là, trong những trích dẫn Aristotle và Paul de Man của tôi, quan hệ giữa lý luận văn học và việc đọc không phải là quan hệ tương đẳng hay xác nhận toàn bộ, mà là quan hệ của sự thải loại và sự chỉnh sửa. Sự phân đôi này, về đại thể, đặc trưng cho quan hệ giữa lý luận văn học và dữ kiện thường nghiệm mà lý luận văn học muốn giải thích, tức là, các văn bản văn chương thực sự như là chúng được tiếp xúc qua việc đọc. Việc đọc kỹ này có thể được thúc đẩy bởi lý thuyết, nhưng nó cũng dẫn đến chỉnh sửa lý thuyết, thường là nó chỉnh sửa gắt gao. Ở phiên bản dài hơn của bài viết này, tôi có so sánh truyện ngắn “The Secret Intergration” (1964) của Thomas Pynchon với “The Dog’s Colloquy” (1613) của Miguel de Cervantes để chỉ ra rằng những đặc trưng phân biệt của tự sự “hậu hiện đại” được thiết định bởi các nhà lý luận như Fredric Jameson đã nói lên đặc trưng của truyện Cervantes rồi. Ví dụ như, một quan niệm về cộng đồng như là một thực tại tự hy sinh để chống lại chính bản thân nó, được rút ra khi bạn đọc cả hai truyện này, là đặc trưng cơ bản của cả hai truyện: “The Secret Intergration” và “The Dog’s Colloquy”, cho dù chúng cách biệt nhau khoảng ba trăm năm mươi năm.

Kết luận

Những kết luận nào tôi sẽ rút ra từ việc đặt “The Secret Intergration” của Pynchon và “The Dog’s Colloquy” của Cervantes bên cạnh nhau trên? Tôi rút ra năm kết luận: 1) Những định nghĩa lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học theo những đặc trưng cấu trúc và hình thức có chiều hướng không còn hiệu lực, vì chúng cũng có thể được xác định là đặc trưng cho các tác phẩm văn học thời kỳ sớm hơn. Không nghi ngờ gì nữa, một người đọc sành sỏi  không chỉ có thể dễ dàng kể ra từ những yếu tố chủ đề, từ cảnh trí, từ những địa danh, v..v.., cho dù người ấy đang đọc Pynchon hay Cervantes, mà còn cả danh mục các kỹ thuật tự sự có sẵn, giống nhau một cách đáng chú ý như ở cả hai câu chuyện đã dẫn mà tôi bàn luận. Kết quả là giả thuyết lý thuyết về những đặc điểm hình thức riêng biệt trong tự sự hậu hiện đại bị bác bỏ bởi một nghiên cứu về những tác phẩm văn học thực sự. 2) So sánh của tôi về hai truyện chứng minh rằng danh mục những kỹ thuật tự sự được dùng trong tự sự Tây phương đã không biến đổi gì nhiều kể từ Cervantes. Một cách để xác định tầm cỡ của Cervantes là sự lão luyện của ông về những kỹ thuật tự sự này, ở chính ngay điểm khởi đầu của những gì mà ngày hôm nay ta gọi là lịch sử của tiểu thuyết. 3) Từ đó tôi kết luận rằng các định nghĩa về phong cách thời đại trong văn học, và thậm chí các phân kỳ trong văn học nói chung là có tính nghi vấn cao, luôn phải được thẩm vấn và xem xét bằng sự hoài nghi. 4) Tôi yêu sách là phải chỉ ra rằng khái niệm của Derrida về lôgíc tự-miễn dịch (auto-immunitary logic) của cộng đồng có một mối liên quan rộng rãi và đầy khiêu khích cho việc hiểu sự trình bày về những cộng đồng trong những tác phẩm hư cấu từ Cervantes đến Pynchon, và, như tôi đã chỉ ra trong bài viết khác, đến Toni Morrison. Giả thuyết của Derrida rằng mỗi cộng đồng, kể cả những cộng đồng được trình bày trong văn học, là ví dụ điển hình cho cái mà ông gọi là “lôgíc tự-miễn dịch” được xác nhận bằng việc đọc ít nhất hai tác phẩm mẫu mực. Những việc đọc nhiều hơn nữa ắt sẽ cần thiết để xem giả thuyết này có giá trị hỗ trợ phát hiện phổ biến không. 5) Tôi yêu sách là phải chỉ ra một thí dụ về sự phân đôi chỉ có giữa lý luận văn học và việc đọc những tác phẩm văn học, trong trường hợp này là sự phân đôi giữa lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học và những gì xảy ra khi bạn thẩm tra lý thuyết này dựa vào dữ kiện của những văn bản văn học thực sự. Sự phân đôi này là “đặc biệt” bởi lẽ lý thuyết định hướng và thúc đẩy việc đọc, vốn là việc làm đang đào thải cái lý thuyết ấy.

 (*) J. Hillis Miller. Giáo sư khoa Văn học Anh và Văn học so sánh, Đại học California, Irvine, USA.

 Nguồn: J. Hilis Miler. “The Future of Literary Theory”. In: Willy Østreng (ed): Consilience. Interdisciplinary Communications 2005/2006, Centre for Advanced Study, Oslo, January 2007, p. 111-4. Bản điện tử: www.cas.uio.no/Publications/Seminar/Consilience_Miller.pdf

Chữ “theory” được chúng tôi dịch theo hai cách: 1/ “lý luận” trong những trường hợp: lý luận, lý luận văn học, 2/ “lý thuyết” trong những trường hợp: các lý thuyết văn học, một lý thuyết văn học, lý thuyết gia văn học, lý thuyết của Derrida, lý thuyết của/ về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học… (ND).

Chữ “literature” được dịch theo hai cách: 1/ “văn học” trong trường hợp: văn bản văn học, lý luận văn học, lý thuyết văn học, 2/ “văn chương” trong trường hợp nhấn mạnh đến văn chương như nghệ thuật ngôn từ: tính văn chương, văn chương (nghệ thuật).

Paul de Man, Allegories of Reading (New Haven: Yale University Press, 1979), 205.

 Hoàng Phong Tuấn dịch

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529990

Hôm nay

2159

Hôm qua

2297

Tuần này

2159

Tháng này

216686

Tháng qua

0

Tất cả

114529990