Người xứ Nghệ

Đến Hàng Châu nhớ cụ Phan

RỜI Thượng Hải, nơi có Bắc Trạm gắn với  sự kết thúc đau buồn về cuộc đời tung  hoành bôn ba hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, chúng tôi đi ngược lên. Vùng bình nguyên Giang Nam xưa(1) mở rộng, trải dài tưởng như bất tận. Khách từ phương xa đến đây thật khó mà hình dung nổi những sự đổi thay của đồng điền, làng mạc và phố phường trên dải đất rộng lớn bao la này nhưng Kinh Hàng Đại vận hà 1700 km(2) là con sông đào được khởi nguyên từ thời nhà Tuỳ thì cứ trải dài, đón đợi từng chặng đường của du khách khi họ hướng về phương Bắc. Trên vùng đất vốn nhận được nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên lại có thêm công trình đường thủy kỳ vĩ này, con người nơi đây đã xếp đặt lại cách quần tụ và canh tác của vùng Giang Nam sao cho tiện lợi.

Cứ mỗi con sông tự nhiên đổ vào Đại Vận Hà thì lại có một con đường song song với nó. Giữa hai dòng sông như vậy người ta bố trí đồng điền, làng phố và các cơ sở công nghiệp, các công trình văn hóa tạo nên cảnh quan hòa hợp và mỹ lệ cho mỗi một vùng.

Từ Thượng Hải lên Hàng Châu, ta đi qua đất Tô Châu. Nước Trung Hoa có 5 thành phố nổi tiếng mang tên Châu thì vùng này có hai, là Tô và Hàng. Tô Châu là thủ phủ của tỉnh Giang Tô; Hàng Châu là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang. Người đời có câu nói chỉ về vùng đất Giang Nam xưa: Chơi Thượng Hải, ăn Tô Châu, ngủ Hàng Châu. Nhưng ngày ấy, cụ Phan đến với các thành phố này và cư trú lâu ở đất Hàng Châu không phải vì yêu cầu hưởng thụ mà bởi muốn theo đuổi đến suốt đời con đường cứu nước của mình.

Khoảng cuối năm 1918, Phan Bội Châurờikhỏi Trùng Khánh vàhạ tuần tháng Giêng năm sau đến Hàng Châu. Trên hành trình kéo dài hàng tháng, nhà thơ đến từ sông Lam nước Việt không thể không dừng lại nơi thi hào Trương Kế để lại bài Phong kiều dạ bạc nổi tiếng trong lịch sử thi ca Trung Hoa cổ đại. Với học vấn uyên bác và thi cảm dậy sóng của mình, họ Phan không thể không nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn khi một mình nương thân nơi quán trọ với tiếng lá phong xào xạc lúc canh khuya.

Chúng tôi cố lần theo dấu chân của Phan trên đất Hàng Châu như cụ đã viết: Tôi nhận thấy Hàng Châu là thắng cảnh thứ nhất của Trung Hoa: nhà cũ ông Lâm Bô, mộ cũ ông Nhạc Phi, bia của liệt sĩ Từ Tích Lân, miếu mộ của nữ hiệp Thu Giám Hồ đều ở đấy cả. Chắc cụ đã từng đứng lặng trước bức hoành phi khắc ở ngôi miếu của vị anh hùng họ Nhạc(3): Hoàn ngã sơn hà (Hãy trả lại đất nước cho ta). Sách Niên biểu thuật tiếp lời của cụ: Được dạo chơi ở đây, thỉnh thoảng lại được nói chuyện với người dưới suối vàng (nghĩ rằng) phúc phận mình cũng không phải là mỏng. Vả lại bạn cũ cách mạng ở Hàng Châu là nhiều hơn cả, như ông Chương Bỉnh Lân, Trần Kỳ Mỹ đều là người Hàng Châu mà ông Mai Sơn cũng (đã từng) nương náu ở đây. Nếu được ở đây để có người nói chuyện thì tiện hơn cả.

   Nhưng Phan không thể luôn luôn có mặt ở Hàng Châu. Tháng 3 năm Mậu Ngọ, cụ đã phải lên đường sang Nhật để giúp vào công việc dựng bia cho Thiển Vũ tiên sinh. Sau đó nhận được tin các nhà yêu nước: Mai Lão Bạng, Nguyễn Đình Kiên và Kim Đài bị bắt, cụ phải trở về Hàng Châu để cùng lo việc đòi tự do cho họ. Tháng Bảy năm Kỷ Mùi (1919) cụ lại lên đường đi Bắc Kinh, qua Triều Tiên rồi trở sang Nhật để liên hệ công tác, có ghé thăm Cường Để. Về lại Hàng Châu một thời gian rồi cụ lại lên Bắc Kinh vì công việc trước tác. Thời gian 1920-1922 cụ viết các sách: Dư chi phúc âm trình bày tinh thần cảnh giác quốc dân: Việt Nam nghĩa liệt sử, Á châu chi phúc âm nói về sự liên lạc Á châu và Liên Á sô ngôn nói đến quan hệ giữa hai nước Trung Hoa và Nhật Bản.

Từ cuối năm 1922, sau vụ Phan Bá Ngọc bị giết ở Tây Hồ (Hàng Châu), cụ nhận được thư của Tổng lý tạp chí Quân sự Hàng Châu là Lâm Lạng Sinh mời về làm việc cho tờ báo ấy. Khi ở Trùng Khánh, tướng Hoàng Phục Sinh bổ nhiệm cụ chức quan là Tư mưu trong Bộ Tổng tư lệnh quân Tứ Xuyên, lương tháng 170 đồng nhưng cụ chỉ làm một tháng rồi bỏ đi. Nay tạp chí Quân sự Hàng Châu trả cụ lương 70 đồng mỗi tháng mà cụ vui lòng nhận. Cụ cho biết: Tôi làm Biên tập viên (Tạp chí Quân sự Hàng Châu) ba năm bốn tháng. Trong thời gian này, những trước tác gửi về nước có mấy loại là: Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa, Y hồn đan, Thiên hồ đế hồ. Ba loại sách này đều là những cuốn nhỏ để mang đi cho tiện. Về cuốn Thiên hồ đế hồ thì cực lực công kích chính sách của thực dân Pháp (ở Việt Nam)... rồi đến bài “Kính cáo Tiêm La lân bang chính phủ” là bài văn cuối cùng mà tôi vận dụng ở nước ngoài. Trong số các trước tác mà Phan Bội Châu vận dụng ở nước ngoài ấy, cũng trên đất Hàng Châu có một điều đáng buồn đối với cây bút có sức kêu gọi lòng yêu nước hùng hồn này là việc Phan lại đưa ra một bài viết lạc điệu là Pháp Việt đề huề. Thuyết “đề huề” đưa ra lúc đó khác hẳn với sự giao hảo, thân thiện có nội dung cách mạng sau này. Bấy giờ mà chủ trương đề huề tức là thủ tiêu đấu tranh theo con đường cách mạng. Sao mà một con người như Phan Bội Châu lại có việc làm trái ngược với tấm lòng và chủ trương của mình như vậy? Vấn đề đó, cụ Phan đã tự bạch: Việc này cố nhiên là do hai tên Phan Bá Ngọc và Lê Dư làm cho tôi lầm lẫn, mà thực ra cũng là vì tôi khinh suất tin nghe hai tên này. Bởi sự nhận rõ cả phần trách nhiệm về mình trong sự khinh suất ấy nên khi đã bị đưa về giam lỏng ở Huế, nhân lúc Giải nguyên Lê Văn Huân, người từng hoạt động Duy tân- Chống thuế, bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo đến thăm, đem chuyện đó ra hỏi thì Phan nói: Đề huề chi mà đề huề, oán thù ta hãy còn lâu, trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què. Tội của bọn Phan Bá Ngọc và Lê Dư không ai có thể quên. Còn về Phan Bội Châu trong việc viết Pháp Việt đề huề thì như Tôn Quang Phiệt viết trong sách Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam(4): Đó là một bài học rất cay đắng cho Phan và mọi người chúng ta cũng thấy rõ thêm rằng: khi một nước đã bị thực dân xâm lăng thì phương pháp duy nhất là làm cách mạng đánh đổ quân thù, còn việc đề huề, cộng tác chỉ là một câu chuyện hão mà thôi.

 Một người theo triết lý duy tâm như Phan Bội Châu, sau những thất bại đau đớn và dồn dập thì điều sai lầm đó chúng ta có thể hiểu được. Nhưng biết sai lầm mà sửa chữa ngay để sau không phạm lại nữa và để người khác thấy rõ, đó là việc đáng khuyến khích. Không thể vì sai lầm ấy - dầu là rất nghiêm trọng - mà đánh giá sai Phan Bội Châu trong lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, vì phần đóng góp của Phan khá nhiều mà ảnh hưởng tốt của Phan Bội Châu đối với nhân dân Việt Nam không phải ít.

Hơn nữa, cái gương cố gắng tiến bộ của Phan Bội Châu đi từ chỗ phù Kỳ ngoại hầu Cường Để làm minh chủ, qua chỗ theo bước cách mạng Tân Hợi Trung Quốc lập ra Hội Quang Phục Việt Nam, mưu đồ thành lập Cộng hòa dân quốc cho đến chỗ tìm kiếm các chính khách Nga ở Bắc Kinh để hướng thanh niên Việt Nam theo con đường cách mạng mới thì thiệt là đáng cho mọi người bắt chước.

Điều đó chứng minh thêm cho sự đánh giá đúng đắn về Phan Bội Châu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rằng đó là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng(5).

 Các câu sách như vậy đã hiển hiện trong mình khi tôi cất bước trên những nẻo đường là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang này, nơi Phan Bội Châu đã sống và trước tác kể cả việc cụ vì một lúc thiếu tỉnh táo rồi bị một số kẻ xấu xúi giục mà viết ra bài Pháp Việt đề huề(6). Người đời luôn luôn tôn trọng những người dám làm và dám chịu trách nhiệm về mình như Phan Bội Châu. Nhớ khi một học trò của mình đỗ Giải nguyên (khoa thi Hương Quý Mão, 1903), Phan đã có đôi liễn mừng trong đó có ý: Tự ngã sở trường, bất tự ngã sở đoản. Tức là: hãy giống cái hay của tôi, đừng giống cải dở của tôi. Như thế là hai năm trước lúc xuất dương để lo việc lớn, Phan đã tự nhận là bản thân mình cũng có những sở đoản, thì việc viết Pháp Việt đề huề là điều biểu thị cái đó. Nghĩ như vậy ta thấy cũng có phần trách nhưng vẫn trọng và thương Phan rất nhiều.

Người ta bảo Hàng Châu là thành phố lâm viên. Còn tôi, tôi như người đi tìm bóng một cây phong trong khu rừng bạt ngàn ấy mà không biết gốc cổ thụ xưa còn để lại dấu tích gì cho sự ngưỡng vọng của con cháu đất Rồng- Tiên? Vì đã ba phần tư thế kỷ, bóng người con đất Việt ấy trên một đô thị phồn hoa không ngừng phát triển của nước Trung Hoa luôn đổi mới này; ở đây, nơi ngài trú ngụ trong những phút vinh hoa cũng như một giây mềm lòng ở tuổi ngoài năm mươi của ngài đã qua đi thì đến bây giờ, mọi ký ức như tôi hoài niệm càng rất dễ phôi pha. Dẫu vậy, tôi vẫn bước từng bước lặng thầm mà con tim thì đập rộn rã vì mình được dẫm lên những dấu chân vạn dặm của một ý chí can trường, ý chí của con người những mong lấp biển, vá trời(7) mà vì mưu đồ của lũ cướp nước và bọn bán nước nên đã phải chịu cảnh cá chậu chim lồng trong 15 năm cuối ở một nơi hẻo lánh của chốn kinh thành Huế./.

 .....................................................................

(1) Đất Giang Nam ngày trước bây giờ gồm thành phố Thượng Hải và các tỉnh: Giang Tô, Chiết Giang.

(2) Sông đào Đại Vận Hà này dài gần bằng quãng đường Hà Nội đi Sài Gòn của nước ta.

(3) Nhạc Phi (1103-1141) là vị anh hùng dân tộc của nước Trung Hoa thời Tống, chủ trương kháng chiến chống Kim, đã mấy lần đánh thắng Kim, sau bị Tần Cối mưu hại.

(4) Sách đã dẫn, Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội 1958, tr. 193.

(5) Bài Những trò lố hay là Varen với Phan Bội Châu trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 36, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1980.

(6) Sau này một số tài liệu ghi là Pháp Việt đề huề chính kiến thư.

(7) Ý trong bài phú Bái thạch vi huynh do Phan Bội Châu làm tại Huế, trước khi đỗ Giải nguyên.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528587

Hôm nay

2243

Hôm qua

2291

Tuần này

2860

Tháng này

215283

Tháng qua

0

Tất cả

114528587