Gần tết mình bay ra Hà Nội, vừa rời máy bay, bật mobile đã thấy 8, 9 tin nhắn báo tin: “ Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất lúc 23h ngày 24.1.2011″. Tất cả các tin nhắn đều là các nhà văn, có người học với anh, có người không học với anh một giờ nào như Phạm Xuân Nguyên cũng gọi anh bằng thầy. Mình cũng vậy, chưa được học với anh một giờ nào nhưng mình luôn coi anh là thầy, như mình đã từng coi Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy vậy.
Thực ra mình đã bỏ qua nhiều cơ hội để được học với Hoàng Ngọc Hiến ở Trường viết văn Nguyễn Du. Khoá I thì không dám mơ vì không thể đấu lại với các nhà văn “ đại ca” lớp trước, toàn là những tài năng văn chương thời chống Mỹ. Khi đó mình còn nhỏ, mới võ vẽ làm thơ chẳng có tiếng tăm gì, chỉ dám nép cửa sổ nghe anh giảng. Các khóa sau hoàn toàn có thể thi đỗ vào Trường nhưng khi thì bận đi lính, khi thì bị tai nạn giao thông, khi thì vừa mới vào làm công sở không dám xin đi học, thành ra lỡ mất các dịp Nhà trường tuyển sinh. Năm 89, 90 chi đó anh Phạm Vĩnh Cư và Tạ Duy Anh về Quảng Trị vào nhà mình “dụ dỗ” mình đi học. Anh Cư còn nói tụi mình đang muốn cậu làm lớp trưởng khoá tới. Hi hi. Nhưng khi đó hai đứa con còn nhỏ quá, vợ thì không có việc làm nên mình đành chịu. Bây giờ nghĩ lại cứ tiếc mãi.
Cho nên mình chỉ được nghe lóm anh Hiến dạy thôi. Hồi đó mình học Bách Khoa, hôm nào có tiết hay thầy giỏi thì chị Dạ ( Lâm Thị Mỹ Dạ) lại nhắn lên Trường để mình đứng nghe lóm. Mình đã đứng sau cửa sổ nghe lóm rất nhiều giờ. Cái trò nghe lóm như ăn vụng vậy, rất thích. Nghe đến đâu thấm đến đó. Lần đầu tiên mình biết S.Freud là ai, thuyết phân tâm học là gì. Chưa bao giờ mình nghe ai nói về phân tâm học của S. Freud dễ hiểu và hấp dẫn như Hoàng Ngọc Hiến. Chỉ một giờ đứng nghe lóm thôi mà mình sáng ra biết bao điều. Sau này mò sách về phân tâm học, toàn sách của miền Nam in, đọc thấy rối mù chẳng hiểu gì cả, phải nhờ anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) giảng mãi mới hiểu.
Hồi đó nhìn thấy anh Hiến thì sợ lắm, chỉ dám đứng xa xa nhìn, không dám đến gần. Mãi đến cuối năm 1985 mới được ngồi trò chuyện với anh. Hôm đó anh Tường ngồi nhậu với anh ở quán rượu nhỏ gần Trường, khi mình đến thì hai anh đã nhậu lâu lắm rồi. Anh Tường cứ rượu vào là nói lia xia, anh Hiến tay gắp thức ăn miệng nói đúng đúng đúng. Anh Tường nói gì anh cũng đúng đúng đúng, tuồng như anh không quan tâm đến anh Tường nói gì, chỉ say sưa gắp gắp gắp đúng đúng. Rất vui.
Anh Tường vỗ vai mình giới thiệu với anh Hiến, nói đây là Nguyễn Quang Lập. Anh ngước lên mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Tưởng như mọi đàn anh khác khi mới gặp mình, thể nào anh cũng nói tớ đọc của cậu rồi, được lắm. Hoá ra không. Anh lại cúi mặt gắp gắp gắp đúng đúng đúng với anh Tường. Mình hơi bị thất vọng, nghĩ bụng anh “ A thế à” vậy thôi chứ chẳng đọc của mình chữ nào. Mãi khi đĩa mồi sạch bách, anh thong thả lấy giấy lau miệng, nói này cậu, cái Tiếng lục lạc là một chuẩn truyện ngắn đấy. Nhưng sao lại có chức danh trợ tá? Tôi hỏi mấy ông bác sĩ rồi, họ nói ở bệnh viện chẳng có chức danh nào là trợ tá cả. Mình thú thật, nói đó là y tá giúp việc cho bác sĩ, nhưng viết thế dài dòng quá nên em gọi bừa là trợ tá. Anh lại mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Nhưng mà từ chuyên ngành của người ta thì mình không nên bịa, có bịa cũng phải chú thích.
Chỉ chừng đó thôi mình đã hãi anh. Đọc thấy một từ lạ thì đi tra, tra không được thì đi hỏi đấy là bài học đầu tiên mình học từ anh. Sau này quen anh rồi, nhiều lần ngồi nói chuyện cùng anh mới thấy bệnh qua loa đại khái, thói giấu dốt của mình thật đáng xấu hổ. Anh nói tu bổ kiến văn như ăn cơm vậy. Nếu mắc xương thì lo khạc ra rồi mới ăn, cứ để đấy ăn liều thì chẳng những bữa cơm không ngon mà chẳng tác dụng gì, vì mình không ăn mà nuốt sống. Nếu không biết điều gì là anh hỏi ngay, hỏi cả những người thua anh cả chục bậc về đẳng cấp chẳng hề sợ người ta chê mình dốt. Có lần nghe anh hỏi một người anh đã chê dốt trong một bài phỏng vấn nổi tiếng. Mình quá ngạc nhiên, nói anh chê nó dốt kia mà? Anh nói thì nó dốt thật chứ sao, nhưng cái điều này nó biết mà mình không biết thì mình hỏi, có gì đâu. Anh hỏi và a thế a đầy ngơ ngác, rồi đúng đúng đúng đầy sảng khoái, cứ như anh vừa lạc vào một thế giới văn minh nào đó.
Nhưng chớ có nghe anh a thế à, đúng đúng đúng mà tưởng bở. Có lần mình ngồi nói chuyện với anh, hình như nói về cái Văn học phải đạo của anh thì phải. Mình nói lia xia, anh mắt mở đầu gật, hết a thế à lại đúng đúng đúng. Mình sướng lỗ rốn nói càng bốc. Đến khi anh nói lại thì hoá ra hầu hết ý kiến của mình hoặc rất ấu trĩ hoặc sai bét. Anh cứ a thế à vậy thôi nhưng khi anh đưa ra ý kiến của mình thì bao giờ cũng có một cái gì đó rất độc đáo, bất luận vấn đề gì.
Nói chuyện a thế à, đúng đúng đúng của anh, có lần mình nghe chị Nga, vợ anh, kể mới vui. Thời anh chị mới cưới nhau, nửa đêm không thấy anh lên giường, cứ đi lại lầm bẩm mãi một điều gì đó. Sốt ruột, chị nói khuya rồi, không đi ngủ cứ đi đi lại chóng cả mặt. Anh quay lại cúi xuống mở to mắt nhìn chị, nói a thế à, đúng đúng đúng. Xong rồi anh lại vẫn đi lại lẩm bẩm, không chịu lên giường. Điên tiết, chị vùng dậy dài giọng dẩu môi, nói a thế à, đúng đúng đúng. Anh lại quay lại cúi xuống mở to mắt nhìn chị, nói a thế à, đúng đúng đúng. Hi hi. Viết đến đây nhớ chuyện anh Mạnh ( Nguyễn Đăng Mạnh) kể một hôm anh đến chơi nhà thấy vợ chồng anh cãi nhau chuyện gì đó. Chị Nga đang mắng anh Hiến, nói ngu lắm. Anh Hiến mở to mắt nhìn chị, nói a thế à. Chị Nga nhảy chồm chồm chồm, nói ngu lắm lắm ngu lắm. Anh Hiến gật gù, nói đúng đúng đúng. Chị Nga lườm cái, dẩu môi dài giọng nói a thế à, đúng đúng đúng, ngu ngu ngu, rồi bỏ đi. Anh Hiến kéo tay anh Mạnh mặt mày nghiêm trọng, nói này, ông thấy không, vợ chửi mình ngu cũng giống như mình chửi Đế quốc Mỹ ngu ấy mà, đúng không.
Chị Nga rất yêu anh Hiến, tính chị xồn xồn, động chuyện gì là nói ngay không nhịn được, bất kể khi đó có khách hay không. Chị vẫn hay mắng anh ngu vì những niềm tin quá ngây thơ của anh. Mình cũng rất ngạc nhiên là một người trí lự phi thường, tư duy thậm logic lại thiên kinh vạn quyển như anh đôi khi lại tin vào mấy thứ tào lao, ai cũng thấy phi lý, chỉ có anh là không.
Một dạo mình bị đại tràng, đau bụng rất khó chịu. Anh biết tin gọi điện cho mình nói có một loại thuốc hay lắm, rất thần kì, để tôi gửi cho cậu. Cậu phải uống ngay, uống thật đều thế nào cũng lành. Anh nói say sưa cả giờ về thứ thần dược này. Đã quá quen với mấy món ‘thần dược” mà lâu lâu anh lại giới thiệu cho mình, mình dạ dạ cho qua chuyện. Anh cho người mang xuống Linh Đàm cho mình một gói thuốc bột kèm theo một tài liệu giới thiệu loại thuốc này, toàn là những quảng cáo tào lao xịt bộp. Đại loại tổng thống nước này ung thư di căn uống ba liều thì khỏi, nhà sư ngã gãy lưng vừa uống thuốc này vừa hoà thuốc với nước chanh bóp ba tháng thì lành… y chang tài liệu Niệu liệu pháp mình đã đọc ngày xưa. Mình gọi điện cho anh, nói anh ơi tài liệu tào lao thế mà anh cũng tin à. Anh lặng đi vài giây, nói à thế a. Lại lặng đi vài giây, nói nhưng tài liệu này là chuẩn của nó đấy. Rồi ngày nào cũng gọi điện hỏi, nói uống chưa, uống đi. Mình đem gói thuốc sang cho ông dược sĩ hàng xóm. Ông ngửi ngửi nếm nếm rồi cười phì, nói men tiêu hoá thôi mà, có gì đâu. Mình gọi điện cho cho anh, chưa kịp nói anh đã rối rít nói ngay, nói tôi biết rồi, tôi biết rồi, đang định gọi điện cho cậu đây. Mình cười khì khì, nói ôi anh Hiến ơi là anh Hiến. Anh cũng cười khì khì, nói a thế à.
Tại đám tang đưa tiễn anh về trời, sau điếu văn của anh Hữu Thỉnh, người em của anh Hiến lên nói lời cảm tạ. Ông nói nhiều về anh Hiến, trong đó có câu: Anh Hiến của tôi vừa là một nhà giáo chuẩn mực vừa là đứa bé ngây thơ giữa cuộc đời. Khi ông nói đến câu này tự nhiên mình bật khóc.