Với Nguyễn Xí “hai lần khai quốc” bởi đã:
1. Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược từ đầu đến đại thắng cuối cùng trên cương vị một vị tướng tài ba lỗi lạc.
2.Cầm đầu cuộc đảo chính, dẹp loạn Lê Nghi Dân đưa Lê Tư Thành lên ngôi Vua - tức vua Lê Thánh Tông, một ông “vua anh hùng tài lược, dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được” (1) , đã có công đưa nước ta thành một “quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á” (2) . Chính sắc phong thần của vua Lê Thánh Tông đối với Cương Quốc Công Nguyễn Xí năm 1472 cũng ghi công lao là “Bình Ngô khai quốc, tịnh nạn trung hưng”.
Bài viết này xin được nói rõ thêm đôi điều về sự nghiệp “khai quốc” lần thứ hai của Thái sư Cương Quốc Công, tức là sự nghiệp “tịnh nạn trung hưng” bởi ở đây, chính là chỗ đang cần được nâng cao nhận thức vấn đề.
*
* *
Sử sách đã ghi:
Tháng 10 năm Diên Niên thứ 6 (1459), Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân cùng bọn tay chân là Phan Ban, Phạm Đồn, Trần Lăng làm phản, ban đêm trèo tường vào cung điện giết vua Lê Nhân Tông, và sáng hôm sau giết thêm Thái Hậu, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Hưng.
“Nhân Tông tuổi bé lên ngôi trong có mẫu hậu buông rèm nghe việc, ngoài có đại thần cùng lòng giúp trị, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình yên ở vui nghiệp, đáng gọi là vua nhân từ” (Phan Phu Tiên: theo Đại Việt sử ký toàn thư). Việc Lê Nghi Dân giết vua và thái hậu để tiếm ngôi đã làm cho “các quan văn võ phải nuốt hận ngậm đau, nhân dân bốn phương như mất cha mẹ” (Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng như lịch sử đã cho thấy, những vị quần thần có lòng trung với vương triều, nhưng trước hết là trung với lợi ích của Tổ quốc và rất có bản lĩnh đã không chịu ngồi yên để nuốt hận ngậm đau. Họ đã cùng nhau mưu đồ đại sự để cứu lấy vương triều chính đại cho đất nước được nhờ. Tham gia vào công việc đại sự này có nhiều người. Trong đó, cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư: ngoài những nhân vật chính là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Tăng, còn có: Lê Nhân Thuận, Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Yên, Lê Vĩnh Trường, Lê Bô, Lê Giải, Lê Bảo, Lê Quyết Trung, Lê Nhân Quí, Lê Lật, Nguyễn Trợ, Nguyễn Ngân, Lê Sư Lộ... kể cả Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng của Nguyễn Xí. Nhưng có thể nói, linh hồn của công cuộc binh biến để diệt bọn phản tặc Phan Ban, Phạm Đồn..., hạ bệ Lê Nghi Dân này, chính là Nguyễn Xí. Không phải ngẫu nhiên mà các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Đại Việt thông sử (Lê Quí Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Việt sử tổng vịnh (Tự Đức) khi chép lại sự kiện lịch sử này, đều nhắc đến Nguyễn Xí trước tiên. Và quả thật, trong việc diệt phản này, không ai như Nguyễn Xí đã phải hy sinh, gian khổ nhiều nhất. Nhiều thư tịch, trong đó có gia phả họ Nguyễn Cương Quốc công từ lâu đã chép rõ những gì Nguyễn Xí chuẩn bị cho công cuộc diệt phản. Sách chép, sau khi Lê Nghi Dân chiếm đoạt ngôi vua, Nguyễn Xí, dù đang là người giữ chức Thái bảo, nhưng đã cáo bệnh, giả mù. Bọn phản tặc đã cho người đến phục vụ trong gia đình Ngài kỳ thực là để theo dõi và thử xem thực hư thế nào. Chúng trêu ghẹo người hầu gái. Ngài biết nhưng coi như không biết, cứ hỏi: chuyện gì thế. Chúng thưa, giã trà. Ngài bảo, ừ, giã nhanh lên pha trà mà uống. Độc ác nhất là nhè lúc Ngài bước qua bậc cửa để ra sân, chúng đặt người con trai thứ 16 của Ngài ở ngay chỗ Ngài phải bước qua. Ngài đã đành tâm đạp chết người con lúc chưa đầy tuổi tôi này. Và trước thực tế này, bọn phản tặc đã tin là Ngài mù thực sự. Sau đó, chúng mời Ngài đến dự tiệc, dĩ nhiên cũng là để thăm dò thêm thái độ của Ngài với chúng là thế nào. Ngài vốn có tiếng trong chuyện xem tướng (ở đây là cốt tướng: xem tướng bằng cách sờ vào gân cốt). Phạm Đồn nhờ Ngài xem tướng. Ngài vừa sờ vào gân cốt của y, vừa khen tướng mạo tốt, nhưng sờ đến ót thì tóm lấy cổ, trợn mắt, rút dao nhét sẵn trong hài, hô lực lượng binh biến đã phục sẵn xông vào tóm ngay toàn bộ bọn phản nghịch, giết tại chỗ khoảng 100 người. Cuộc binh biến để tiêu diệt bọn phản nghịch chỉ diễn ra trong chốc lát. Kế đó là chuyện hạ bệ Lê Nghi Dân. Nhưng vấn đề chọn người thay là ai bây giờ. Ở đây đã có sự tranh chấp. Lê Lăng và một số người khác thì chủ trương chọn Cung vương Khắc Xương, mà theo Lê Quí Đôn là người sống “phong nhã đạm bạc, ăn mặc chi dùng dè sẻn, chất phác như một nho sinh”. Lê Lăng muốn chọn Cung vương bởi vương là người “đứng đầu trong các con thứ” (3). Nhưng cũng theo Lê Quí Đôn, “Nguyễn Xí không bằng lòng, bèn rước lập vua Thánh Tông” (chính là Lê Tư Thành) mà dưới con mắt của Ngô Sĩ Liên cũng như nhiều vị quần thần khác là người có “dáng điệu đứng đắn, thông minh hơn người”, thường “lại càng che dấu, không lộ anh khí ra ngoài, chỉ vui với sách vở đời xưa nay, nghĩa lý của thánh hiền. Tính trời sinh tri, mà sớm khuya không rời quyển sách, tài năng lỗi lạc mà sáng tác lại càng lưu tâm. Ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chăm không mỏi. Tuyên Từ thái hậu(4) yêu như con mình đẻ ra. Nhân Tông cho là người em hiếm có”. Lịch sử trị vì đất nước của Lê Thánh Tông quả đã chứng minh hùng hồn sự sáng suốt của việc lựa chọn này trong đó người quyết định tối hậu là Nguyễn Xí. Đất nước, lịch sử dân tộc được nhờ là từ sự lựa chọn sáng suốt này. Quan hệ gắn bó giữa vua Lê Thánh Tông với Nguyễn Xí sau đó đã thực sự thành quan hệ vua tôi tốt đẹp tới mức hiếm có. Cứ xem cách đối đãi của vua Lê Thánh Tông với Nguyễn Xí, đặc biệt là những lời dụ của nhà vua gửi cho Nguyễn Xí mà sử sách từ lâu đã ghi chép đầy đủ, cũng thấy rõ mối quan hệ tốt đẹp này. Nếu cần có thể so sánh lời dụ của vua Lê Thánh Tông gửi cho các vị công thần khác như Lê Niệm, Đinh Liệt, vốn cũng là những lời lẽ tri ân thắm thiết cả, nhưng với Nguyễn Xí, vẫn như có một cái gì đó đúng là sâu nặng hơn. Đây là lời chế vua gửi Nguyễn Xí ngay lúc mới lên ngôi để: “Trẫm nghĩ xướng đại nghĩa để trừ hung tàn, ngươi đã có công như công yên được nhà Hán(5), lấy ngôi thượng công mà bàn phong thưởng, ngươi đáng được cái vinh dự cắt đất phân phong. Bói được giờ tốt lành, ban sắc mệnh rực rỡ. Xét (Nguyễn Xí) đây: khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên khảo lúc thủ thành(6), hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ, trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng mộ uy thanh. Tiên đế mất trong lúc Nam tuần, ngươi ân cần nhận tờ di chiếu. Ta lên ngôi mặt trời mới mọc, ngươi hết lòng bày tỏ mưu mô. Tôn miếu xã tắc được vững vàng. Trung châu man di đều thuần phục. Mới rồi: vì trong nước yên tĩnh lâu ngày, nên việc võ dần sinh trễ nải. Giặc cướp phạm vào trong cung, biến cố sinh từ kẽ nách. Lúc nước có biến phi thường, chỉ ngươi mưu lo cứu vãn (NĐC nhấn mạnh). Cha con ngươi một nhà, cùng một lòng diệt phường gian ác. Nghĩa vua tôi ngàn thuở, đỡ mặt trời mà đặt lên cao. Công kém gì đình thần nhà Hán(7), việc hơn cả các quan nhà Đường(8). Ba mối dường đã đứt lại được nối, vầng nhật nguyệt đã tối lại sáng ra. Công lao như thế, đâu dám coi thường. Vì vậy đưa ngươi lên chức Sư phó(9), tấn phong tước Á quận công. Lại cho ngươi được khai phủ kiêm giữ chức trọng Bình Chương, để mọi việc sáng tỏ, để giúp đỡ mình ta.
Than ôi: bình nội nạn, chính ngôi vua, trong đời công lao hơn cả. Thay việc trời giúp Hoàng đế, nên hết lòng với nước nhà (NĐC nhấn mạnh)...”.
Tháng 11 năm thứ 5 (1464), Nguyễn Xí bệnh nặng, nhà vua ban dụ rằng: “Ngày xưa trẫm làm phiên vương, tiêu dao ở chu đế(10), vốn không có ý làm vua. Vì các khanh trong lòng suy tôn, giết bầy phản nghịch, trẫm lên ngôi báu, đến nay đã được 5 năm. Thú ca nhi vũ nữ thì ngươi chưa bằng họ Thạch, họ Cao(11) nhà Tống, mà khổ tứ lao tâm thì khanh lại hơn họ Phòng, họ Đỗ(12) nhà Đường. Công của khanh trẫm chưa báo đền, bệnh của khanh sao đã trầm trễ? Khanh nghĩ đến nước, cơm cháo phải cố ăn. Khanh nên lo cho ta, thuốc thang phải cố chữa...”. Tháng 10 năm thứ 6 (1465), Nguyễn Xí qua đời. Vua Lê Thánh Tông được tin, vô cùng thương tiếc bỏ 3 ngày không ngự triều và than rằng: “Từ khi khai quốc đến nay, chẳng ai được như ngươi”, cho quàn thi hài tại điện Kính Thiên, cho tổ chức nghi lễ quốc tang có các quan văn võ đại thần cùng hội tế. Sau đó đưa linh cữu về táng tại quê nhà Thượng Xá tức Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Hết tang (1467) lại cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo, quốc tế và lệnh cho Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia, kế đó còn phong thần là Thượng đẳng phúc thần, là Hiển uy chính nghị anh liệt trung trinh đại vương. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) còn truy phong là Thái sư Cương quốc công.
Đúng là Nguyễn Xí đã được vua Lê Thánh Tông đền đáp quá ư đặc biệt. Nhưng bởi Ngài cũng là người có công đầu, công lớn nhất trong việc dựng lên vương triều Lê Thánh Tông. Trong công lao này, hẳn không chỉ một mình Ngài nhưng vì công lao này mà phải giả mù, phải cam tâm dứt ruột đạp chết người con trai măng sữa chưa đầy tuổi tôi một cách bi tráng như thế, thì hỏi có ai như Ngài? Người Việt Nam từ thủa ấy và sau này cho mãi tới muôn đời nghĩ gì về Nguyễn Xí khi đạp chân lên cái thân hình bé bỏng non nớt của đứa con vừa đứt ruột đẻ ra? Vì lòng trung quân ư? Vì một vương triều ư? Không chỉ thế. Còn cao hơn cả là vì đất nước Đại Việt yêu quí này. Nguyễn Xí với vua Lê Thánh Tông chỉ có duyên nợ với nhau trong 5 năm. Sau khi Nguyễn Xí qua đời, vua Lê Thánh Tông còn tiếp tục trị vì 32 năm nữa và đã làm sáng danh lịch sử Việt Nam. Nhưng dễ thường phải tính công chu đáo với người trồng cây ban đầu.
Chú thích:
(1) Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư
(2) Phan Huy Lê: Lê Thánh Tông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt thế kỷ XV. Sách: Núi bài thơ: lịch sử và danh thắng Quảng Ninh, 1992
(3,4) Lê Thái Tông có bốn con trai. Trưởng là Lê Nghi Dân con bà Dương Thị Bí, nhưng không được lập làm thái tử vì mẹ có điều không vừa ý vua cha Thái Tông. Lê Nhân Tông là con thứ hai, mẹ là Nguyễn Thị Anh, tức Tuyên Từ thái hậu. Lê Tư Thành là con thứ tư, mẹ là Ngô Thị Ngọc Dao tức Quang Thục thái hậu.
5) Chỉ việc Chu Bột giết họ Lã để lập Hán Văn Đế.
6) Giữ thành quả đã có.
7) Xem chú giải (5)
8) Chỉ bọn Địch Nhân Kiệt đánh Võ Hậu để đưa Lư Lăng vương lên ngôi.
9) Sư phó: thầy học của vua hoặc của hoàng tử, là chức lớn trong tam công, còn gọi là tam thiếu gồm: thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo.
10) Chu đế: phủ đệ tức chỗ ở và làm việc của các phiên vương thường có cửa sơn màu đỏ.
11) Họ Thạch: tức Thạch Thủ Tín. Họ Cao tức Cao Hoài Đức. Hai người công thần nhà Tống, trước theo Tống Thái Tổ, đã có quân riêng, có binh quyền, nhưng không chịu bỏ. Trong một bữa tiệc. Tống Thái Tổ đã giải thích, khuyên hai người lên bỏ binh quyền mà vui thú ca nhi vũ nữ cho thỏa thích. Hai người nghe lời, mới xin bỏ binh quyền.
12) Họ Phòng tức Phòng Huyền Linh, Họ Đỗ tức Đỗ Như Hối. Hai người hết lòng giúp Đường Thái Tông.