Cuộc sống quanh ta

Di tích lịch sử văn hoá với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Đồng bào 5 dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh ta: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu chủ yếu tụ cư tại 11 huyện, thị xã miền núi. Số di tích lịch sử văn hoá hiện diện trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS  hiện nay không nhiều.

Có thể điểm diện qua các di tích đã được công nhận là di tích LS-VH cấp tỉnh, quốc gia như: Hang Bua, Cây táo và mộ Lang Văn Thiết (Đốc Thiết) ở Quỳ Châu; Hang Pựng Pang- Nang Ni (Quỳ Hợp); đền Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn); đền Cửa Rào (Tương Dương); đền Chín Gian (Quế Phong); Môn Sơn Lục Dạ với cây đa Cồn Chùa, Nhà Cụ Vi Văn Khang (Con Cuông); các di tích chưa xếp hạng như bia Thành Nam (Con Cuông),. Hang Thẩm ồm (Quỳ Châu)... Các di tích đã phần nào góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, tăng cường tình đoàn kết và tính giáo dục truyền thống đối với các thế hệ đồng bào DTTS vùng Tây Bắc Nghệ An.

Tục vào hang du xuân ngày tết là một phong tục của khá nhiều DTTS ở miền núi nước ta, trong đó có dân tộc Thái. Trước khi vào hang, đồng bào đã làm lễ cúng thần “thần hang”, “thần rưng”, cầu mong một sự yên lành, sự chở che để đạt nguyện vọng theo dự định, cũng là dịp cảm tạ các vị thần, cảm tạ những người có công khai ân lập đất. Hang Bua (Qùy Châu) khá rộng và đẹp, thêm nổi danh bởi từng được đón vua Bảo Đại về thăm thú, vậy nên lễ hội Hang Bua hàng năm, đồng bào Thái khắp vùng Quỳ Châu và cả các huyện bạn tìm về dự hội đông như nong tằm, người dân còn gọi là hội “Mê mọn”. Đến với lễ hội Hang Bua đồng bào được tìm về một sinh hoạt tổng hợp: tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, linh thiêng và đời thường. Các sinh hoạt văn hoá đậm bản sắc dân tộc Thái được dịp thoả thuê thể hiện: hat nhuôn, xuối, nhảy sạp, lăm vông, rượu cần trong tiếng chiêng âm vang hang động, trong dập dìu màu sắc của những bộ trang phục Thái duyên dáng và hấp dẫn. Già, trẻ, gái, trai đều vào hang vui chơi, ngắm cảnh. Nam nữ thanh niên, sau một năm trời lại có cơ hội để được gặp gỡ nhau, tự do luyến ái, thoát khỏi những lễ giáo ràng buộc ngày thường, trở về với bản chất nguyên sơ thuở khai tịch của con người. Lễ hội Mường Ham (Hang Pựng Pang, Nang Ni) của Quỳ Hợp cũng có một không gian hang động linh thêng như vậy.

Mới phục hồi lễ hội mấy năm gần đây, nhưng lễ hội đền Pu Nhạ Thầu của Kỳ Sơn đã thực sự là điểm hội tụ, gặp gỡ tinh thần của các đồng bào trong huyện: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú. Mỗi năm hai lần, đồng bào Thái ở xã Na Lượng làm lễ cầu mùa, cầu mưa thuận, gió hoà (vào dịp 15/5 ÂL) và lễ hội chính vào ngày 25 tháng Chạp. Đây là ngày hội lớn, đồng bào Thái của chín bản mường trong vùng tụ hội làm lễ tỏ lòng biết ơn những vị thần đã phù hộ các tướng lĩnh và nhân dân đánh giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên. Những năm lễ chính có lễ vật hiến trâu, năm lễ nhỏ thì hiến lợn. Tuy là lễ hội của đồng bào Thái, nhưng các dân tộc khác cũng tìm về với nhu cầu được cầu nguyện chở che bởi đền Pu Nhạ Thầu nổi tiếng linh thiêng, hơn nữa họ cũng có nhu cầu được giao lưu văn hoá, được bồi dưỡng về mặt tinh thần.
Miệt Quế Phong xa xôi, có đền Chín Gian, tên gọi dân gian là Tến Xớ Quái (tức đền Hiến Trâu) với lễ hội diễn ra dịp đầu xuân thực sự phong phú về nghi thức và đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Đã thành lệ, trong các dịp tế trời và Tạo Ló ỳ (người sáng lập ra vùng đất này), lễ vật đầu tiên và không thể thiếu của dân mường Tôn dâng lên bao giờ cũng là con trâu cái trắng - một vật lễ trong các cuộc cúng linh thiêng nhất. Mường Quang và mường Puộc cũng hiến trâu trắng nhưng là trâu đực, các mường còn lại cúng trâu đen. Trâu không được mắc khuyết tật. Ngoài ra, mỗi mường phải có 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ và 90 gắp cá. Lễ hiến trâu là nét đặc sắc, rất riêng của lễ hội đền Chín Gian. Nó được thực hiện qua rất nhiều bước, điều đó càng thể hiện lòng kính trọng, tôn thờ của đồng bào Thái đối với thần Trời và đối với người tạo lập mường này. Nghi thức tín ngưỡng riêng của đồng bào còn được thể hiện rất rõ trong các hình thức hát khắp, hát nhuôn trong khi hành lễ. Bên cạnh đó các hình thức diễn xướng dân gian trong không gian hội cũng mang đậm sắc thái của dân tộc Thái: nhảy sạp, lăm, khắp, xuối, nhuôn, hát thơ... chúc tạo mường sống lâu, chúc cho 9 bản mười mường được bình yên, hạnh phúc.
Có thể thấy, hầu như các di tích đều gắn với đồng bào Thái. Trừ một vài di tích cách mạng như như cây đa cồn Chùa, nhà cụ Vi Văn Khang, đa phần là các di tích thường gắn với tín ngưỡng thờ thần núi, sông, thần Trời và các nhân vật khai khẩn, lập mường theo quan niệm của người Thái. Các di tích này đã có từ lâu đời, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà một thời gian dài, nhiều cái đã gần như trở thành phế tích. Từ nhu cầu tự thân, nhân dân các địa phương nơi có di tích, sau này đã tự dựng lại đền với quy mô nhỏ. Mấy năm nay, với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá cho đồng bào DTTS, chính quyền các huyện miền núi cũng như tỉnh nhà đã có sự đầu tư nhiều hơn cho việc bảo tồn, phục hồi các di tích và các lễ hội gắn với di tích. Do đời sống kinh tế còn khó khăn nên sức đóng góp của bà con DTTS cho việc bảo tồn di tích chưa nhiều, nhưng sự tham gia vào các hoạt động lễ hội lại rất tích cực. Bà con tự nguyện lên đền tham gia các công việc chuẩn bị cho lễ hội. Không khí luyện tập văn nghệ thể thao, ôn luyện các trò chơi truyền thống, vào rừng tìm nguyên vật liệu để làm đạo cụ trò chơi khuấy động cuộc sống đồng bào suốt cả một thời gian dài trước ngày hội. Người dân hướng về lễ hội với một tâm thức hứng khởi và trần đầy niềm tin, sự ngưỡng vọng. Ngày thường, mỗi khi có chuyện vui, chuyện buồn, chuyện cần cầu nguyện, nhiều bà con cũng lên đền. Các di tích cách mạng như nhà cụ Vi Văn Khang, Cây táo và  mộ Lang Văn Thiết thường được học sinh các trường học đóng trên địa bàn tới chăm sóc, tham quan. Các đoàn tham dự các sự kiện quan trọng của huyện cũng về các di tích cách mạng ddang hương. Nhận thức đúng sự tác động mạnh mẽ của di tích vào đời sống tinh thần của đồng bào DTTS nên chính quyền các huyện miền núi đã có sự đầu tư mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Liên tiếp nhiều di tích và lễ hội được phục hồi. Khởi đầu là lễ hội Hang Bua, rồi Lễ hội Môn Sơn Lục Dạ, di tích nhà cụ Vi Văn Khang – nơi hoạt động của tổ chức Đảng miền núi đầu tiên trong phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh 1930 ở Môn Sơn, Con Cuông; di tích Cây táo và mộ Lang Văn Thiết - thủ lĩnh của phong trào kháng Pháp ở miền núi Nghệ An những năm 1886-1896; rồi lễ hội Pựng pang- Nang Ni, lễ hội đền Chín Gian, đền Pu Nhạ Thầu, và đền Cửa Rào... Các huyện đã đầu hàng trăm triệu đồng để tôn tạo, nâng cấp đền, để phục hồi lễ hội. Nhà cụ Vi văn Khang, UBND huyện Con cuông đang có kế hoạch trình xin dự án tiếp tục nâng cấp với số vốn dầu tư hàng tỉ đồng. Phải thấy rằng, dù chưa có nhiều di tích, nhưng sự hiện diện của di tích trong đời sống của đồng bào DTTS, nhất là đồng bào Thái thực sự có ý nghĩa. Đó là một sinh hoạt tín ngường, một nhu cầu văn hoá tinh thần tưới tắm cho cuộc sống của đồng bào thêm thi vị. Nó còn là một không gian thuận lợi nhất để bảo tồn các giá trị văn hoá mang tính bản sắc của từng dân tộc, đồng thời là môi trường để tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc.
Với ý nghĩa thực tiễn đó, tiếp tục bảo tồn các di tích là việc làm cần thiết và thường xuyên đối với các cấp chính quyền. Như vậy, thì việc đầu tư về kinh phí cũng là vấn đề quan trọng. Đối với đồng bào các DTTS, có lẽ rất cần có sự khơi dậy tính tự nguyện, tự giác; cần sự hướng dẫn trong việc bảo tồn, phát huy di tích, hướng dẫn về sự tôn trọng các giá trị, bản sắc văn hoá nói chung, trong đó có các di tích, lễ hội để đồng bào hiểu rõ ý nghĩa các di tích và cần thiết phải làm gì, làm như thế nào. Từ những công việc rât snhỏ như di tích Cây đa Cồn Chùa nằm ngay cạnh đường giao thông liên xã qua Môn Sơn và bờ rào của một đơn vị, nhưng công tác vệ sinh ở khu vực này chưa đảm bảo, chưa đẹp mắt và trong lành. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về các di tích khác không chỉ gắn với đời sống của đồng bào Thái mà liên quan đến các dân tộc khác cũng cần được đẩy mạnh nghiên cứu, tìm tòi. Các lễ hội gắn với di tích đã có từ lâu nay, hướng tổ chức sao cho thu hút được đông đảo đồng bào của các dân tộc DTTS để tạo nên không gian văn hoá - giao lưu- đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc tỉnh nhà. Ngoài các di tích, hiện diện ở vùng miền núi còn có các công trình kiến trúc, các di chỉ khảo cổ học như Hang Thẩm ồm, đồi Đền, nhà Bảo tàng Quỳ Châu - bộ sưu tập về đời sống kinh tế - văn hoá, về lịch sử của đồng bào các DTTS... đều rất cần được các cấp quan tâm đầu tư để sớm trở thành những địa chỉ quan trọng góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của bà con và bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ cộng đồng các DTTS.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443642

Hôm nay

2200

Hôm qua

2333

Tuần này

21455

Tháng này

218816

Tháng qua

112676

Tất cả

114443642