Không phải là học sinh hay sinh viên cắp vở đến lớp trực tiếp ngồi nghe ông giảng bài, nhưng từ sau khi được tiếp xúc với ông, và đọc sách của ông, tôi vẫn tự coi mình là một học trò đi theo ông, mặc dù cả ông và tôi chưa bao giờ xưng hô với nhau là thầy trò.
Lần đầu tiên tôi được biết GS Nguyễn Tài Cẩn là vào cuối năm 1965, gần như cùng thời gian với lần đầu tiên tôi gặp GS Cao Xuân Hạo. Hôm ấy, GS Nguyễn Tài Cẩn có buổi thuyết trình cho một nhóm những người đang hăm hở đi vào ngôn ngữ học. Ông nói về “tiếng” như là đơn vị gốc, cơ bản, trong hệ thống ngữ pháp tiếng Việt. Đây là một thuật ngữ mới mẻ, mà cách định danh thì rất giản dị, mang tính truyền thống ngữ văn dân gian Việt Nam. Mà thực ra đó chính là một khái niệm làm nòng cốt cho toàn bộ lý thuyết của ông về hệ thống ngữ pháp tiếng Việt, mà sau này ông đã trình bày trong công trình Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng. Từ ghép. Đoản ngữ (1975, tái bản nhiều lần). Phong cách thuyết trình của ông rất hấp dẫn, nhưng điều gây hứng thú đặc biệt cho tôi chính là một cách tiếp cận mới vào tiếng Việt, dám thoát ra khỏi “vòng vây của ngữ pháp Âu Tây” (mượn lời của GS Vương Lực), mà lại gần gũi với truyền thống ngữ văn học Trung Hoa và Việt Nam. Sau này khi sang Nga học tập và nghiên cứu, tôi được biết rằng trong nền Đông phương học Nga có hẳn một trường phái, khởi nguồn từ Baudouin de Courtenay, qua L.V. Scherba, E.D. Polivanov rồi đến A.A. Dragunov, là những nhà ngôn ngữ học coi trọng cách miêu tả các ngôn ngữ phương Đông “từ bên trong”, chỉ phân xuất ra những đơn vị vốn có trong các ngôn ngữ ấy, chứ không áp đặt vào đó những cái gì xa lạ từ bên ngoài, tức là từ các ngôn ngữ Âu Tây. Theo đó, A.A. Polivanov đề ra lý thuyết “syllabema” cho ngữ âm học, và A.A. Dragunov đề xuất khái niệm “slogomorphema” cho ngữ pháp học tiếng Hán. Cả hai khái niệm này đều gắn với từng âm tiết một, tức là từng “tiếng” một, cũng tức là từng “chữ” một (theo cách nói thông thường của người Việt Nam, và của người Trung Hoa). Đó cũng chính là cái “đơn nguyên” cơ bản mà truyền thống ngữ văn học Trung Hoa vẫn thường xuyên nói tới. Ấy vậy mà lý thuyết “syllabema” và “slogomorphema” không được chú ý mấy ở các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc. Chỉ mãi đến khoảng 1985 về sau, GS Từ Thông Tương ở Đại học Bắc Kinh mới nêu lên ý tưởng lấy “chữ” làm đơn vị cơ bản cho tiếng Hán, được nhiều học giả ủng hộ. Và họ cùng ôn lại những gì GS Triệu Nguyên Nhiệm đã từng phát biểu từ những năm 30 của thế kỷ XX (gần như đồng thời với E.D. Polivanov) rằng cái gọi là “thiên huyền thoại về tính đơn âm” của tiếng Hán “thực ra là thiên huyền thoại đúng sự thật nhất trong vốn huyền thoại Trung Hoa”. Không cần phải lóc cóc sang Nga, GS Cao Xuân Hạo từ lâu cũng biết rõ lai nguyên của thuyết “tiếng một”, và vào năm 2000, ông viết trên báo “Văn Nghệ”: “Cách đây bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: lý thuyết âm tiết - hình vị (slogomorphema) của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung”. Nhưng tiếc thay, hồi ấy không mấy ai hiểu ông”. Chính vì hiểu được ông, nên GS Cao Xuân Hạo đã có bài Về cương vị ngôn ngữ học của “tiếng” (tạp chí “Ngôn ngữ”, 1985), dõng dạc khẳng định và bênh vực quan điểm coi “tiếng” là đơn vị cơ bản của tiếng Việt. Về phần mình, được gợi mở trực tiếp từ buổi thuyết trình của GS Nguyễn Tài Cẩn vào năm 1965, rồi tiếp tục học tập và nghiên cứu, để đến cuối năm 1979 tôi viết bài Truyền thống ngôn ngữ học Châu Âu và Trung Hoa với vấn đề xác lập các đơn vị ngôn ngữ. Bài này đã được GS Hoàng Tuệ (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) duyệt qua, GS Nguyễn Tài Cẩn và phu nhân là GS Nonna Stankevich cũng có đọc, và chính chị Nonna đã giúp tôi dịch sang tiếng Nga cho thật trôi chảy. Để rồi ngay sau đó, khi GS Nguyễn Tài Cẩn sang Ba Lan dự một Hội nghị quốc tế về Ngôn ngữ học, ông đã mang theo và nhờ GS C.E. Jakhontov đọc bài của tôi trước hội nghị (đến năm 1985, GS V.M. Solncev đã đưa đăng lên tạp chí “Những vấn đề Ngôn ngữ học” ở Moskva).
Trong lĩnh vực ngữ pháp, phải kể đến một tác phẩm khác của GS Nguyễn Tài Cẩn, đó là cuốn Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại(1975). Tuy cũng ấn hành năm 1975, nhưng chắc là ông đã hoàn thành công trình này từ sớm, trước khi thực hiện công trình Tiếng. Từ ghép. Đoản ngữ nói trên. Đây cũng chính là luận án PTS (nay ở ta gọi là TS) đầu tiên của nước ta được bảo vệ ở Nga. Trong công trình này GS Nguyễn Tài Cẩn đưa ra “công thức” nổi tiếng “Tất cả những (cái) con NGƯỜI bạc ác ấy” để xác định từ loại danh từ trong tiếng Việt. Bất cứ ai, chỉ cần biết chút ít tiếng “Tây”, đều cảm thấy rất khó xác định từ loại cho tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập không biến hình. Danh từ, tính từ, động từ… trong các ngôn ngữ Âu Tây hầu như bao giờ cũng có “cái đuôi” của nó, và chỉ cần nhìn những cái đuôi khác nhau ấy thì trên đại thể cũng đủ nhận ra từ loại của chúng. Còn các đơn vị gọi là “từ” trong tiếng Việt (cũng như tiếng Hán v.v) đều “không có đuôi” ! Vậy cho nên phân định từ loại là câu chuyện “đau đầu” cho các nhà Việt học cũng như Hán học. Chẳng vậy mà theo ngữ pháp truyền thống Trung Hoa, người ta chỉ phân định được hai từ loại là “thực từ” và “hư từ” mà thôi. Trong bước đường loay hoay tìm kiếm các căn cứ để phân định từ loại, họ thường dựa vào ý nghĩa của chúng. GS Nguyễn Tài Cẩn tiếp cận vấn đề này từ một hướng khác, ông cố gắng xác lập một chu cảnh với sự phân bố các đơn vị từ ngữ thích hợp, trong đó từ đang xét có thể xuất hiện ở một vị trí cố định. Cái chu cảnh phân bố áp dụng cho danh từ tiếng Việt chính là cái “công thức” nói trên do ông xác lập, trong đó NGƯỜI được xác định là danh từ. Đây hẳn là một cuộc thử nghiệm đầu tiên ở Việt Nam theo phương pháp “phân bố” của trường phái Ngôn ngữ học cấu trúc Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, bản thân GS Nguyễn Tài Cẩn đã không trở lại vấn đề từ loại nữa, mà quan tâm nhiều hơn vào việc phân loại các “đoản ngữ” tiếng Việt. Còn những đồng nghiệp khác “chuyên trị” chứng “đau đầu” này, hình như cũng chưa có phương cách nào mới và hiệu nghiệm hơn ông. Nhân đây xin thổ lộ, đôi khi tôi vẫn mơ hồ nghĩ rằng, không biết việc ghi chú từ loại cho từng mục từ ngữ trong từ điển tiếng Việt có thật sự cần thiết hay không, một khi đã có lời giải nghĩa cho nó ngay bên cạnh rồi. Bộ từ điển tiếng Việt đầu tiên Đại Nam quấc âm tự vị (1985, 1986) do Paulus Huỳnh Tịnh Của biên soạn không hề ghi chú từ loại, thay vào đó, ông đã chua rõ “chữ” nào là ghi tiếng Nôm (ký hiệu: n), và “chữ” nào là chữ Nho được ta mượn (ký hiệu: c). Làm như vậy xem ra có phần hữu ích hơn.
Phải có một học vấn sâu rộng liên quan đến nhiều ngành (ngôn ngữ, lịch sử, dân tộc, …), phải có một khối tư liệu thực tế dồi dào và đa dạng (văn liệu, ngữ liệu, sử liệu, …), phải có một khả năng biện luận chặt chẽ, phải có một phương pháp tiếp cận thích hợp và các thao tác làm việc hữu hiệu, v.v. mới có thể nghĩ đến việc dàn dựng một công trình khoa học tầm cỡ như cuốn Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo) (1995) của GS Nguyễn Tài Cẩn. Tôi nhớ, khi tặng tôi cuốn sách này, ông có nói rằng nguyên tên sách không phải là “lịch sử ngữ âm”, mà là “ngữ âm lịch sử”, vì đây là nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt từ góc nhìn lịch sử, theo phương pháp so sánh lịch sử như ở các nền ngôn ngữ học khác vẫn làm. Nhưng không sao, sự phân biệt tế nhị này không khiến các độc giả Việt Nam lấy làm băn khoăn. Với “Giáo trình” này, chúng ta có căn cứ để mà hình dung về lai nguyên của hệ âm đầu, hệ vần cái và hệ thanh điệu trong tiếng Việt ngày nay, về bộ mặt ngữ âm tiếng Việt qua các chặng đường diễn biến. Trong Việt ngữ học, cho đến nay vẫn còn quá thiếu vắng những công trình theo hướng này (dù rằng ở mức độ nào đó cũng có thể tham khảo cuốn Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử của GS Nguyễn Ngọc San). Trong bản sách trao cho tôi, ông ghi : “Thân tặng Anh Hồng và Cháu Trang”. Số là con gái tôi (Nguyễn Phương Trang) lúc bấy giờ đang theo thầy Cẩn làm luận văn tốt nghiệp với đề tài về hệ thống vần cái tiếng Việt được phản ánh qua tác phẩm An Nam dịch ngữ thời nhà Minh ở Trung Hoa. Sau này, cháu đã viết thành bài đăng trên tạp chí “Ngôn ngữ” thuộc Viện Ngôn ngữ học, và đây là một điều khích lệ đối với Trang. Thế nhưng làm sao để có đủ bản lĩnh mà nối bước theo GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực đầy chông gai này. Không chỉ chúng tôi, mà nhiều bạn đồng nghiệp khác cũng vậy. Ấy thế mà trong “Giáo trình” của mình, GS Nguyễn Tài Cẩn đã có thái độ rất trân trọng sử dụng tư liệu rút ra được từ các cuộc nghiên cứu điền dã của sinh viên các khóa, của các đồng nghiệp trẻ tuổi. Thú thực, về việc này đã có lúc tôi cảm thấy hơi lo lo, liệu các tư liệu ấy có đáng tin cậy hay không, khi “tay nghề” của các bạn trẻ chắc chắn là chưa thành thạo mấy, nhất là trong việc điều tra điền dã, ghi chép các âm lạ tai ở địa phương và ở người các dân tộc khác. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ rằng, khi sử dụng các tư liệu đó, GS Nguyễn Tài Cẩn hẳn có thừa kinh nghiệm để thẩm định, chắt lọc những gì khả tín nhất, chứ không thể xô bồ được. Vả lại, cố gắng “gạn đục khơi trong” như vậy để sử dụng, sẽ là một sự nâng đỡ, động viên cần thiết đối với sinh viên và các đồng nghiệp trẻ đang dè dặt bước vào ngành ngôn ngữ học.
Đi vào nghiên cứu chữ Nôm, văn tự cổ truyền của dân tộc, GS Nguyễn Tài Cẩn (với sự cộng tác của GS Nonna Stankevich) đã lần lượt viết một loạt bài và sau đó tập hợp lại trong cuốn Một số vấn đề về Chữ Nôm(1985). Chữ Nôm ghi tiếng Việt có thể lẻ tẻ xuất hiện từ sớm trước khi hình thành một hệ thống văn tự hẳn hoi. Khi ấy chưa cần đến một hệ thống ngữ âm làm căn cứ cho việc tạo chữ. Nhưng khi chữ Nôm được tạo ra hàng loạt, và bắt đầu trở thành một hệ thống văn tự, thì sự tạo lập chữ Nôm vốn lấy chữ Hán làm “chất liệu”, không thể không dựa trên một hệ thống ngữ âm nhất định dùng để đọc chữ Hán. Hệ thống đó, theo GS Nguyễn Tài Cẩn chính là hệ thống âm Hán Việt, được hình thành vào khoảng cuối đời Đường, tức là vào khoảng thế kỷ thứ IX, thứ X. Và liên quan với đó, ông nêu hai khả năng về thời điểm hình thành chữ Nôm : “có thể là chữ Nôm đã hình thành đồng thời với âm Hán Việt, nhưng cũng rất có thể là âm Hán Việt hình thành trước, rồi một thời gian sau đó cha ông chúng ta mới dựa vào các chữ Hán đọc theo âm Hán Việt để sáng tạo ra chữ Nôm”. Đây là một kiến giải hoàn toàn mới và rất hợp lý trong vấn đề xác định thời điểm hình thành chữ Nôm, nó gạt sang một bên tất cả những giả thuyết mơ hồ và thiếu căn cứ xác thực đã có từ trước. (Theo đường hướng do GS Nguyễn Tài Cẩn vạch ra, trong một chuyên luận về chữ Nôm(2008), tôi đã có dịp thảo luận kỹ về vấn đề này, và dựa vào cấu trúc ngữ âm Cv-CVC và CCVC của từ ngữ trong bản giải âm sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, văn bản chữ Nôm sớm nhất còn lại, để đoán định rằng chữ Nôm có thể đã thực sự hình thành từ đầu thế kỷ XII hoặc sớm hơn chút ít). Một đóng góp quan trọng khác của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực chữ Nôm: ông là học giả đầu tiên đề xuất bảng phân loại chữ Nôm một cách có hệ thống và chặt chẽ. Hệ thống này trước hết chia ra hai tiểu hệ thống là “chữ Nôm mượn Hán” và “chữ Nôm tự tạo”, rồi tiếp tục chia nhỏ thành 10 tiểu loại khác nhau (sau này tôi có điều chỉnh ít nhiều cho phù hợp hơn với thực tế cứ liệu chữ Nôm mới phát hiện được). Theo ông, chữ Nôm mượn Hán “là loại chữ đơn, không có cấu trúc nội tại”, còn chữ Nôm tự tạo “là loại chữ có thể chia thành thành tố, có thể xét mặt quan hệ nội bộ giữa các thành tố đó”. Như thế nghĩa là, một chữ Hán bất kỳ, nếu đã mượn thẳng vào văn bản Nôm, thì chữ đó không thể chia tách ra các thành tố, cho dù chữ Hán trong Hán văn nó có thể được phân tích như vậy. Còn với chữ Nôm tự tạo thì đó là một cấu trúc do ta lắp ghép các ký tự có sẵn trong chữ Hán mà thành, nên có thể phân tích ra các thành tố được. Gặp những trường hợp mà một chữ vuông nào đó vừa có khả năng lý giải là chữ mượn Hán, lại vừa có khả năng phân tích là chữ tự tạo (như chữ 塘 “đường” chẳng hạn), GS Nguyễn Tài Cẩn coi đó là những trường hợp “lưỡng khả”. Chấp nhận tình trạng “lưỡng khả” trong phân loại (dù không nhiều), GS Nguyễn Tài Cẩn cho chúng ta thấy thái độ thận trọng, mềm dẻo của ông khi xử lý các cứ liệu cụ thể.
Nghiên cứu về chữ Nôm, GS Nguyễn Tài Cẩn đã bước đầu đề cập vấn đề sự hình thành âm Hán Việt, nhưng với chuyên luận Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt(1979, 2000), ông mới tập trung nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc về âm Hán Việt. Âm Hán Việt là cách đọc có hệ thống của người Việt Nam áp dụng cho tất cả các chữ Hán trong Hán văn và cả trong văn Nôm. Ở các nước có sử dụng chữ Hán như Nhật Bản, Triều Tiên – Hàn Quốc, người ta cũng có những cách đọc chữ Hán của riêng mình. Tất cả các cách đọc này đều liên quan đến âm đọc chữ Hán ở ngay chính quốc (Trung Hoa) và mặt khác là liên quan đến ngữ âm của mỗi dân tộc, ở vào những thời kỳ nhất định. Cái mối liên quan qua lại này khiến các học giả, một khi bước chân vào địa hạt âm Hán Việt, thì cũng đồng thời phải chuẩn bị tinh thần vào “ngồi cùng chiếu” với các nhà Hán học lừng danh quốc tế. Chỉ riêng với âm Hán Việt, trước GS Nguyễn Tài Cẩn, đã có các công trình của H. Maspero (Pháp, 1912), Vương Lực (Trung Quốc, 1948), T. Mineya (Nhật, 1972), v.v. Trong công trình của mình, GS Nguyễn Tài Cẩn đã triển khai nghiên cứu hàng loạt vấn đề đặt ra đối với âm Hán Việt, như: Tiếp xúc ngôn ngữ - văn tự Việt Hán đã đặt nền móng cho sự ra đời của âm Hán Việt; Cứ liệu về xuất phát điểm của âm Hán Việt: ngoài vận thư (như “Thiết vận”), vận đồ (như “Vận kính”) ông còn chú ý đến cứ liệu vần thơ, phiên âm chữ Phạn, cách đọc chữ Hán ở Triều Tiên, Nhật Bản, v.v; Xuất phát điểm của âm Hán Việt, theo ông, đó là hệ thống ngữ âm Hán vào khoảng thế kỷ VIII-IX (ở tác phẩm trước, ông nêu thời điểm này là khoảng thế kỷ IX-X), và âm đọc chữ Hán dùng để dạy học ở Giao Châu cũng trong khoảng thời gian đó. Phần sau, lai nguyên của hệ âm đầu, hệ vần cái, hệ thanh điệu của âm Hán Việt hiện nay được ông xác định qua sự đối chiếu tương ứng với các cứ liệu kể trên v.v. Trong sách này có một chương dành cho việc giới thiệu và phân tích một tư liệu hoàn toàn mới, được phát hiện vào cuối năm 1971 ở Linh Tiên Quán thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội): bản Cao thượng Ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh âm thích. Bản “âm thích” này có giá trị minh chứng cho khả năng ở Đại Việt vẫn có tiếp xúc với tiếng Hán sau khi nước ta giành được độc lập. Không nghi ngờ gì, đây là một chuyên luận sâu sắc, toàn diện, mới mẻ và có hàm lượng học thuật rất cao. GS Nguyễn Tài Cẩn cho biết: cơ sở của chuyên luận này là một số bài giảng mà ông đã đọc cho sinh viên năm thứ 3, thuộc ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH và NV – Đại học Quốc gia Hà Nội). Tôi không rõ các bài giảng ấy như thế nào, nhưng chắc rằng từ các bài giảng cho sinh viên đến chuyên luận dày dặn này là một khoảng cách khá lớn. Bởi lẽ các anh chị sinh viên, cho dù là thuộc ngành Hán Nôm, khó lòng có đủ kiến thức cần thiết, đặc biệt là kiến thức về Âm vận học truyền thống Trung Hoa với đầy rẫy những khái niệm khúc mắc, để có thể đọc “thấu” được cuốn sách này. Mấy năm trước đây, khi GS Nguyễn Tài Cẩn chuyển sang sinh sống và làm việc ở Moskva, không trực tiếp giảng dạy được, Khoa Ngôn ngữ ở Trường Đại học KHXH và NV đã mời tôi thuyết trình và hướng dẫn một số học viên Cao học đọc cuốn sách này của ông. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề đối với tôi, nhưng “việc nghĩa khôn từ”, tôi đã cố gắng thử sức. Kết quả là các học viên nắm được ít nhiều những gì được GS trình bày ở phần đầu cuốn sách, còn phần sau hầu hết họ đều lắc đầu…“chịu chết”. Thực ra, tôi nghĩ, với GS Nguyễn Tài Cẩn, giảng đường đại học là môi trường học thuật, và người thầy cần phải giảng giải về những bước đường và kết quả nghiên cứu của mình cho học viên, gợi mở và dẫn dắt họ đi vào con đường nghiên cứu khoa học. Rồi từ những bài giảng dễ hiểu như thế, giảng viên tiếp tục đào sâu, nâng cao để cuối cùng soạn thành giáo trình mang tính chuyên luận. Có lẽ vì vậy mà phần lớn những cuốn sách được ông cho in ra, ông vừa gọi đó là giáo trình, lại vừa gọi đó là chuyên luận. Còn nhớ khi đưa tặng tôi cuốn sách về âm Hán Việt nói trên, GS Nguyễn Tài Cẩn cho biết nếu cần thì đây có thể là luận án để sang Nga bảo vệ lấy bằng TS (ở ta nay gọi là TSKH). Nhưng chuyện đó không xảy ra, vì nhiều người nghĩ rằng, với một GS đầu ngành tài danh như ông, lấy thêm một học vị nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Trong khi đó thì GS Nguyễn Tài Cẩn và cả GS Hoàng Tuệ đều hết lòng ủng hộ việc cử một người đàn em như tôi sang Moskva học tập và nghiên cứu tiếp để lấy bằng TSKH. Tôi không dám nghĩ rằng tấm bằng này đối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì, song suy cho cùng, với ai cũng vậy, cái thực học, cái thực lực của bản thân mới là quan trọng.
Song song với những công trình lớn như trên đây, GS Nguyễn Tài Cẩn đã viết trên dưới một trăm bài nghiên cứu, lần lượt đăng ở các tạp chí trong nước và nước ngoài. Chỉ mới khoảng hơn một phần ba trong số các bài viết ấy được tập hợp lại và được ông cho in thành tập Một số chứng tích về Ngôn ngữ, Văn tự và Văn hóa (2001). Trong tập sách này, hầu hết là những bài khảo cứu tỉ mỉ, đề xuất được những kiến giải mới mẻ và sâu sắc: về vấn đề phân kỳ lịch sử tiếng Việt; về vai trò các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt; về lai nguyên một số từ ngữ Việt (như “rồng”, “chằn, bà chằn”, “lăm-nhăm”, “một-mốt” …); về cấu tạo chữ Nôm và chữ Nôm thời Quốc âm thi tập, v.v. Cũng có những bài phân tích sâu sắc và tinh tế về ngôn ngữ thơ khi ông thử phân định thơ Nôm Nguyễn Trãi và thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, phân tích chữ nghĩa trong các tác phẩm của Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, đặc biệt là bàn về cách luật thể thơ lục bát, v.v. Bên cạnh đó cũng có những bài viết nhẹ nhàng, mà ai đọc cũng thú, như bài “Tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy: Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế”. GS đã tìm cách thử đối lại, không theo kiểu của các cụ ngày xưa, ngồi “rung đùi chờ hứng đến”, mà theo con đường phân tích ngôn ngữ học: tra cứu từ điển, lập bảng từ đối ứng theo từng vị trí, âm này nghĩa kia, lật đi lật lại, …rồi đưa ra nhiều khả năng ứng đốivới 27 vế đối cụ thể. Mặc đầu vậy, ông vẫn nghĩ rằng “khó mà đối được với câu ra của cụ Nguyễn Khoa Vy, một cách thật là ưng ý”. “Xuất đối dị, đối đối nan”, xưa nay vẫn thế mà !
Từ sau khi chính thức nghỉ hưu, GS Nguyễn Tài Cẩn hầu như dồn hết tâm sức vào lĩnh vực nghiên cứu Ngữ văn Hán Nôm. Ông viết sách về thơ văn Nguyễn Trung Ngạn (1998), về kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong một bài thơ của Thiệu Trị (1998), và đặc biệt là khảo cứu về văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du. Về đề tài này ông đã viết khoảng hai chục bài và đã in ra được hai cuốn sách (2002; 2004), để rồi cuối cùng đúc kết lại trong cuốn chuyên khảo Tư liệu Truyện Kiều. Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh (2008). Đi vào khảo cứu văn bản Truyện Kiều, GS Nguyễn Tài Cẩn được gợi mở từ GS Hoàng Xuân Hãn, người mà theo ông, “đã vạch ra cho chúng ta những hướng đi rất quan trọng”. Sinh thời, GS Hoàng Xuân Hãn muốn phục dựng lại Truyện Kiều sao cho gần sát với nguyên bản của Nguyễn Du, và kết quả đạt được sẽ là một bản “Kiều tầm nguyên”. Nhưng mong ước ấy ông chưa kịp thực hiện. May là có GS Nguyễn Tài Cẩn nối được chí ấy, mà bước tiếp trên con đường tìm về gốc gác ban đầu của tác phẩm văn học bất hủ này. Không kể các văn bản Truyện Kiều được in ra bằng chữ Quốc ngữ, riêng các văn bản chữ Nôm hiện còn cũng có đến hơn 40 bản khác nhau. Để thực hiện công cuộc “tầm nguyên” Truyện Kiều, GS Nguyễn Tài Cẩn đã chọn ra 9 bản Kiều cổ của thế kỷ XIX làm căn cứ để đối chiếu, trong đó bản Duy Minh Thị (1872) được coi là “bản trục”. Kết quả của công việc khảo cứu, giám định công phu này có thể đưa tới một văn bản Kiều mà GS Nguyễn Tài Cẩn gọi là bản “sơ thảo” Đoạn trường tân thanh của cụ Nguyễn Du. Đáng lưu ý là GS đã phân biệt 3 loại “sơ thảo” khác nhau: (a) Loại bản thảo đầu tay, lúc mới viết xong (khoảng năm 1790-1792, ở Thái Bình); (b) Loại bản thảo do nhà thơ có sửa chữa ít nhiều sau đó, khoảng cuối thế kỷ XVIII, ở quê nhà Hà Tĩnh); (c) Loại bản thảo nhà thơ mang vào Huế tiếp tục sửa chữa, cho đến trước khi mất. Trong công trình của mình, trên đường “tầm nguyên” Truyện Kiều, GS Nguyễn Tài Cẩn tạm thời căn cứ chủ yếu trên hai loại “sơ thảo” xưa nhất của Nguyễn Du. Chỉ riêng sự phân định 3 loại bản “sơ thảo” như vậy đã đủ thấy sự tinh tế, nghiêm nhặt, và rành mạch của ông trong công việc phức tạp này. Thật đáng nể phục, khi đã ở tuổi ngoài bát tuần, mà GS Nguyễn Tài Cẩn vẫn tinh tường, tỉnh táo rà xét từng dòng, từng chữ trên hàng loạt các bản Kiều Nôm để thẩm định, cân nhắc chỗ được chỗ mất của từng trường hợp một. Vậy mà khi trình ra những kết quả cuối cùng của mình, GS vẫn khiêm tốn và chân thành viết rằng: “Việc cố gắng thử tìm ra cách phục nguyên bản SƠ THẢO mà chúng tôi làm chỉ là bước mở đầu. Hi vọng có ngày chúng ta sẽ phục nguyên được chính cái văn bản gần nhất với những gì cụ Nguyễn Du đã chấp nhận vào khoảng cuối đời”. Vâng, dẫu vậy, nhưng chính cái “bước mở đầu” của GS là rất đáng quý, là cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ soi sáng cho những bước đường tiếp theo ở những thế hệ học giả đi sau. Đương nhiên, các học giả thời nay cũng có thể tiếp cận vào vấn đề văn bản các tác phẩm văn học cổ điển theo thuyết “tiếp nhận văn học”, theo đó người ta quan tâm đến sự cảm thụ tác phẩm của độc giả tác động vào quá trình lưu truyền văn bản tác phẩm qua thời gian (trong đó có nhiều điều liên quan với công việc gọi là “nhuận sắc” “nhuận chính” “phiên chú” v.v.). Nhưng đây là câu chuyện khác, không hề phủ nhận hướng tiếp cận tầm nguyên học, hơn nữa, chính hướng tầm nguyên này mới là cơ bản, là điểm tựa cho tất cả các hướng tìm tòi khác nhau trong nghiên cứu văn học.
GS Nguyễn Tài Cẩn tặng tôi cuốn Thử tìm hiểu sơ thảo Đoạn trường tân thanh nói trên vào dịp Tết ta đầu năm 2009. Hôm ấy tôi đến thăm và chúc Tết ông, đồng thời cũng đem cuốn Khái luận văn tự học Chữ Nôm mới toanh của mình đến để “khoe” và kính tặng ông. Ông lật xem mục lục và lướt qua mấy trang, rồi bảo “Anh bây giờ là chuyên gia chữ Nôm rồi” (Tôi hiểu, để trở thành một chuyên gia thực sự trong một lĩnh vực nào đó, nhiều khi người ta phải lăn lộn vật vã gần như suốt đời trên đường học vấn. Chúng ta thấy ở GS Nguyễn Tài Cẩn một chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, với những cứ liệu mới, phương pháp mới và kiến giải mới). Rồi GS ký tên vào cuốn sách của ông tặng lại tôi. Tôi giở xem, tình cờ phát hiện: Cả hai cuốn sách mà ông và tôi đang có đây đều do NXB Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh ấn hành cuối năm 2008, đều in tại Tam Kỳ Quảng Nam, đều do NXB Giáo dục tại TP Đà Nẵng phát hành, và giá bán ghi ngoài bìa cũng đều là 126.000 đ. (!). Tôi không hề có ý đặt ngang hàng sách của mình với công trình của ông (tất cả những chi tiết đó đều nằm ngoài nội dung tác phẩm mà), nhưng với tôi, đây quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị. Ra về, tôi đinh ninh sẽ còn được gặp ông nhiều lần nữa, có ngờ đâu… đấy là lần cuối cùng! Hôm ấy là ngày 21.01.2009, cách nay đã 2 năm. Trước đó chừng hơn một năm, tôi đã bùi ngùi ngồi viết những dòng hoài niệm về GS Cao Xuân Hạo. Còn giờ đây, bàn tay tôi run run gõ từng chữ một lên bàn phím, để ôn lại những điều tôi tâm đắc từ các công trình lực lưỡng của GS Nguyễn Tài Cẩn để lại, cùng với những kỷ niệm ấm lòng mà tôi có được qua những lần được trò chuyện cùng ông. Vẫn biết nhân gian là “cõi tạm”, và bất cứ ai cuối cùng rồi cũng sẽ đi vào “cõi vĩnh hằng”, nhưng trong giờ phút ông giũ áo bay đi, lòng tôi bỗng dạt dào xúc động, bèn có đôi lời để giãi tấm lòng thành của một kẻ hậu sinh.
Hà Nội, ngày mưa phùn 3-3-2011.
NQH