Người xứ Nghệ

Luật sư Phan Anh: Sống ở chiến khu

Luật sư Phan anh và phu nhân

Luật sư Phan Anh sinh ngày 1/3/1912, từng là vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1948, ông đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Sau năm 1954, luật sư Phan Anh cũng đã liên tục giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (từ tháng 9/1955 đến tháng 4/1958), Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (từ tháng 4/1958 đến năm 1976). Ông cũng từng được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Luật sư Phan Anh qua đời ngày 28/6/1990) tại Hà Nội.

Mới đây, bà Hồng Chỉnh, phu nhân của luật sư Phan Anh đã hoàn thành bộ hồi ký nhiều tập viết về chồng mình và về những sự kiện lịch sử mà luật sư Phan Anh đã kể với vợ mình. Xin trân trọng trích một phần bộ hồi kỳ này, viết về năm 1948, khi luật sư Phan Anh đang là Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong chính phủ kháng chiến ở Việt Bắc.

Anh Phan (LS Phan Anh) kể: “Năm 1948, tình hình ổn định. Bộ Kinh tế mở 2 lớp học. Một lớp hướng dẫn kinh tế cho những người có bằng thành chung, độ dăm chục người, tuyển từ các Liên khu lên học ở Việt Bắc. Thí dụ anh Bùi Đức Vỵ ở Khu Ba, anh Lê Kim Khuyến ở Nghệ An, anh Phan Văn Hỹ ở Hà Giang...”.

Tôi nói:

- Em cũng biết anh Bùi Đức Vỵ là anh rể của em, sau này là chuyên viên 7 và được điều động về làm "cố vấn văn phòng Chính phủ" khi ông Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, anh Lê Kim Khuyến đi làm Tham tán Thương mại ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan,...

Anh Phan nói tiếp:

- Mở lớp huấn luyện cán bộ về quản lý kinh tế này cũng có vấp đôi chút về nhân sự, đó là việc chọn Hiệu trưởng. Anh Lưu Văn Đạt  lúc đó làm Cục trưởng Cục Ngoại thương, nay được cử lãnh đạo bộ phận nhiệm vụ mới, tức là kiêm thêm nhiệm vụ Hiệu trưởng. Và, anh Bùi Công Trừng - Thứ trưởng Bộ Kinh tế kiêm thêm nhiệm vụ chính trị viên.

Có người ở bộ phận Tổ chức Trung ương đề cử một người khác làm Hiệu trưởng. Anh Bùi Công Trừng nói thẳng ý kiến của mình: "Mở lớp, có hai việc cần được chú ý đặc biệt, đó là việc dạy học và việc quản lý tài chính. Hiệu trưởng phải là người đảm bảo được hai yêu cầu này".

Hoạt động của lớp đào tạo này, được học hết khoá. Và, anh em tốt nghiệp được bổ sung về Bộ Kinh tế, hoặc lại về địa phương, nơi đã cử mình đi học, để phục vụ kinh tế địa phương. Nghĩa là, lớp học này đạt được kết quả tốt, vì những học viên sau này đều phục vụ kinh tế có hiệu quả, ví dụ như anh Bùi Đức Vỵ, anh Lê Kim Khuyến.

Khi nhắc đến vấn đề mở lớp, Anh lưu ý đến vấn đề tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc này là anh Lê Văn Hiến.

Sau này, đọc "Nhật ký của một Bộ trưởng" vào cái năm 1948 ấy của anh Lê Văn Hiến, tôi thấy ghi: "Kiểm điểm lại nhân cách từ lâu nay, ngày còn ở trong vòng lao lý, cho đến lúc khởi nghĩa thành công ra đảm nhiệm việc nước, thấm thoắt đã hơn hai năm rồi. Tự chỉ trích mình xem có điều gì cần sửa chữa, cần bổ khuyết để cầu tiến bộ.

Nhớ lại khẩu hiệu của Hồ Chủ tịch "Cần, kiệm, liêm, chính", mình tự xét mình chưa có điều gì đáng thẹn với bốn chữ ấy, chỉ ngại thiếu tài, chứ siêng năng cần mẫn thì chắc có. Về tính tiết kiệm khỏi lo ai nói mình bốc rời xa xỉ, mà chỉ nghe người ta cho mình là "cá gỗ" hạng nặng. Về liêm khiết chính trực, tự vấn lương tâm, thật không có gì đáng thẹn. Đây là bốn điểm quan trọng trong phương châm đối với mình.

Còn đối với người ngoài, bình sinh mình vẫn theo ba điểm chính: nghiêm, minh và từ. Nghiêm, chính cũng chỉ vì quá nghiêm mà đôi khi phải mang tiếng là lãnh đạm, không vui tính... Mình, xét đoán có sáng suốt không? mình tự hỏi mình. Muốn được hoàn toàn về việc này mình phải thạo việc, biết người. Về thạo việc, nói đúng ra mình còn phải học hỏi thêm nhiều.

Biết người, có lẽ đã nhiều năm theo đời sống tập thể mình cũng đủ kinh nghiệm để xét đoán mọi người. Một phần nào đã thấy kết quả trong việc làm. Từ, mình đã mang tiếng là xem mọi người đều tốt, thành ra có phần thiếu cương quyết trong sự thưởng phạt hoặc nhu nhược, nhưng về phương diện khắc nghiệt, ác tâm, tuyệt đối không bao giờ phạm phải".

Tôi cũng nhớ câu chuyện thường ngày: Anh Phan thường nói: "Cha nó lú, có chú nó khôn". Do đó, muốn làm được việc thì phải biết dựa vào tập thể. Vì vậy, mà việc xin kinh phí mở lớp học, Anh phải đưa ra Hội đồng Chính phủ chăng?

Anh Phan kể rằng:

- Khi trình bày trước Hội đồng Chính phủ dự án về lớp huấn luyện cán bộ về quản lý kinh tế, Anh xin Chính phủ cấp cho Bộ Kinh tế 4.000 tấn thóc để làm việc này. Lúc đó, thóc là đơn vị để tính giá cả và thóc rất quý. Đồng chí Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính, phản đối dự án này.

Trong cuộc tranh luận có ý kiến cho rằng: Việc đào tạo này là không cần thiết, và số kinh phí quá cao. Anh hết sức bảo vệ chủ trương đã được đem ra bàn tập thể của mình. Cuộc tranh luận khá căng thẳng, không đi đến nhất trí. Cuối cùng, Bác tán thành kiến nghị của Bộ Kinh tế.

Nghĩa là, khi kết luận, Bác Hồ chuẩn y dự án của Anh đã báo cáo, và đồng ý cấp 4.000 tấn thóc. Kết luận xong, Bác quay lại nói với Anh, đại ý: Trong đời làm nghề luật sư của chú, chắc cũng có thắng lợi. Và, đây lại là một thắng lợi nữa. Anh thưa với Bác: "Thắng lợi trước chỉ là thắng lợi cho từng cá nhân, còn lần này thắng lợi, là thắng lợi cho Nhân dân, Đất nước".

Hỏi tiếp, anh Phan lại kể:

- Bộ Kinh tế còn mở cả Khoa Luật, anh Đỗ Xuân Sảng làm Hiệu trưởng. Trường thành lập ở Tam Đảo. Sinh viên được tuyển chọn trong những người có bằng tú tài, độ vài chục người. Trong đó, anh nhớ có anh Phùng Văn Tửu với hai nữ sinh viên, một cô tên là Miên. Trường dạy được một khoá.

Như bản thân anh cũng đã dạy hết chương trình Công pháp Quốc tế. Trình độ sinh viên đảm bảo không kém sinh viên thời Pháp thuộc. Nhưng, sau quân Pháp lên phá Tam Đảo để tìm vàng, trường phải chấm dứt hoạt động. Ngoài ra, cũng có thể là do chủ trương "sợ luật" của một số người nào đó trong đội ngũ cán bộ ta.

Tôi hỏi thái độ của Bác về việc mở lớp huấn luyện luật pháp này, anh Phan đáp:

- Bác rất ủng hộ việc mở các lớp huấn luyện này. Và, Bác cho rằng, việc anh làm là tích cực. Vì, có những người nói ra nói vào. Họ cho rằng anh là người ngoài Đảng...

Tôi hỏi về nghề làm luật sư ở ngoài chiến khu, anh Phan đáp:

- Nghề luật sư vẫn được duy trì. Một số luật sư cũ trong thời Pháp thuộc vẫn đi bào chữa, như anh Nguyễn Mạnh Tường, Đỗ Xuân Sảng, Nguyễn Văn Hưởng...

Có một lần ở Hội đồng Bộ trưởng, anh Trần Công Tường, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nêu vấn đề bỏ Đoàn Luật sư. Nhưng, anh Trần Công Tường không đúng ở chỗ, là đã xung khắc với anh Vũ Đình Hoè - Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Một anh chủ trương giữ, một anh chủ trương chống lại. Anh phản đối. Và, Bác quyết định vẫn giữ tổ chức Luật sư.

Nói chung, Đoàn Luật sư chưa bao giờ bị giải tán. Nhưng, nó không phát triển và hoạt động bị hạn chế. Thay vào Đoàn Luật sư có những Đoàn gọi là "bào chữa viên" chất lượng tuỳ tiện. Và, khi có Hiến pháp năm 1980 thì ta lập lại chính thức Đoàn Luật sư.

Sinh hoạt tập thể trong chiến khu cũng ấm cúng.

Đọc "Nhật ký của một Bộ trưởng", anh Lê Văn Hiến viết:

- "Hôm qua gửi biếu anh chị Phan Anh một rổ rau, một ít nước mắm ngon và cho hai cháu ít quả cam. Hôm nay (7/3), anh chị lại gửi cho một hộp bánh "Huế" với mấy câu thơ:

Rau ngon, cam ngọt ân cần,

Chiến khu muôn dặm, tình thân một nhà.

Tạ lòng, biết gửi chi qua,

Tặng Anh gói bánh thay quà thủ đô.

Bánh ngon, lời thơ thêm ý vị, tiếc X (tức là bà Lê Thị Xuyến) không còn ở đây để chia chút quà của chiến khu".

Tôi nhớ, Anh Phan cũng kể rằng:

- Trong An toàn khu (ATK) tuy các cơ quan đóng cách xa nhau hàng chục cây số, nhưng lại rất gần gũi nhau về tình cảm và quan hệ công tác. Như ở đầu nguồn nước là cơ quan của Anh, cuối nguồn nước, là cơ quan của anh Lê Văn Hiến, ở quãng giữa là cơ quan của anh Hoàng Tích Trí, anh Trần Duy Hưng, cụ Phan Kế Toại, cụ Tôn Đức Thắng.

Và, bên kia đèo là nơi Bác Hồ ở. Tinh thần tương trợ anh em, thể hiện trong nhiều ví dụ. Cụ thể là khi gia đình mới đến chiến khu, anh Lê Văn Hiến ở cuối nguồn, gần  chợ  Sơn Dương đã gửi cho Anh ở cách xa 20 cây số một bó dưa và một túi cam.

Hỏi về hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng trong kháng chiến, Anh Phan đáp:

- Họp Hội đồng Bộ trưởng lúc đầu ở Bắc - Kạn, nhưng sau chiến dịch Thu Đông năm 1947, thì trở lại Sơn Dương, ở một khu trên bờ sông Đáy, có tên là Thác Dẫng, trong một phong cảnh tuyệt vời, cách Kim Quan Thượng 15 cây số. Cuộc họp Hội đồng Chính phủ vào dịp đầu năm 1948 này đã hoan nghênh chiến thắng về chiến dịch bẻ gẫy gọng kìm sông Lô - Bắc Kạn của địch, đồng thời cũng biểu dương công lao của bộ đội, phong tướng, tá cho một số cán bộ có công xuất  sắc, như anh Võ Nguyên Giáp.

Anh Phan kể:

- Khi phong anh Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng, Hồ Chủ tịch phát biểu ý kiến. Một mặt, Bác tuyên dương công lao của anh Võ Nguyên Giáp. Mặt khác, Bác nhắc lại công lao của những đồng chí tiên liệt đã hy sinh cho Cách mạng. Bác vừa nói vừa khóc, đã gây cho mọi người nói chung, Anh nói riêng, một niềm xúc động sâu sắc và một không khí cảm động chân thành, không bao giờ có thể quên được đối với Anh.

Anh có một bài thơ mừng anh Võ Nguyên Giáp, sau lễ phong này. Đặc điểm của bài thơ, nó gồm những bí danh của anh Võ Nguyên Giáp, như Văn, Hai, và có tên của các chị Giáp I là Thái (Quang Thái), chị Giáp II là Hà (Bích Hà) và chị của chị Quang Thái là Khai (Minh Khai):

Dòng Võ trời Nam nảy tướng tài.
Như Anh có một thực không Hai.
Văn chương dan díu đời khoa Giáp.
Chính trị tung hoành lúc mật Khai.
Cùng bọn hùng cường lòng sắt thép.
Với phe yếu đuối vẻ khoan Thai.
Trên đường Hà hải, ai chia gánh.
Mong cho Anh sớm đẻ con giai../.
 
Nguồn: cand.com
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528675

Hôm nay

256

Hôm qua

2275

Tuần này

2948

Tháng này

215371

Tháng qua

0

Tất cả

114528675