Thiên tư thông mẫn, sách đọc lướt qua là nhớ ngay, đậu Cử nhân về, cụ mở lớp dạy học. Sỹ tử nhiều người thành đạt; cử nhân Nguyễn Tài Thực (Đại Đồng); Cử nhân Nguyễn Dương Uy (Võ Liệt); Cử nhân Nguyễn Vĩ (Tiến Hội); Cử nhân Hồ Thúc Liên (Quỳnh Đôi)... đều là học trò của cụ.
40 tuổi đậu Tiến sĩ. Ban đầu cụ giữ chức Biên tu tùng Hộ bộ thừa biển. Được một năm cụ về giữ chức Tri phủ Nghĩa Hưng. Nhậm chức xong về thăm nhà đang lúc tang mẹ, ở nhà chịu tang. Mãn tang được bổ làm Tri phủ Tương Dương, thăng Phó sứ Sơn Phòng bản tỉnh. Năm Tự Đức thứ 36 (1883) cụ mộ 90 người dân trên núi khai khẩn hơn 2070 mẫu, được thăng một cấp. Năm Kiến Phúc Giáp Thân, 1884, ngày 12 tháng 8, lâm bệnh sốt rét rừng nơi Lam Sơn chướng khí cụ qua đời lúc tại quan, thọ 47 tuổi. Truy tặng: Hàn lâm viện thị độc.
Tiến sĩ Nguyễn Tài Tuyển là cụ tổ đời thứ 21 của họ Nguyễn Tài, thuộc dòng dõi họ Nguyễn ở A Dương (trấn Sơn Nam), đời thứ nhất có cụ Nguyễn Hiền, Trạng Nguyên; đến đời cụ Nguyễn Trung Ngạn, danh sĩ đời nhà Trần, là Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Công, Nguyễn Tài.
Là họ Nguyễn, song nguyên tổ xa xưa là một người trong hoàng tộc nhà Lý đã từng thi đỗ khoa Minh Kinh đời Lý Nhân Tông, Ất Mão (1075) và đã từng tham gia cuộc "tấn công trước để phòng ngự" trong chiến dịch Ung Châu của Lý Thường Kiệt chống quân Tống vào cuối năm 1075 - đầu năm 1076. Vào đầu thế kỷ XIII, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Vì quyền lợi của dòng họ, Trần Thủ Độ giết vua Lý Huệ Tông năm 1226, giết các Hoàng thân họ Lý, năm 1232 và bắt hoàng tộc nhà Lý phải đổi sang họ Nguyễn. Vẫn chưa yên, về sau con cháu họ Lý còn phải dấu tung tích bằng mọi cách để tồn tại và phát triển. Từ đời cha của cụ Nguyễn Hiền đã đưa ra câu chuyện họ Nguyễn của mình không phải là từ họ Lý mà là từ họ Khổng từ phương Bắc chuyển thành. Đến đời cụ Hiền mới dám đi thi.
Cụ Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi 1235, đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, 1247, lúc 13 tuổi, nổi tiếng thần đồng. Cùng đỗ khoa ấy còn có: Lê Văn Hưu, 18 tuổi, Bảng nhãn; Đặng La Ma, 14 tuổi, Thám hoa. Cụ Nguyễn Hiền không ra làm quan nhưng trong sử sách và trong dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về trí thông minh kì lạ, tài đối đáp thần tình của Trạng Hiền đối với sứ Tàu, tỏ rõ khí phách nhân tài của nước Nam.
Cụ Nguyễn Trung Ngạn, con cụ Công Đức, cháu nội Trạng Hiền, thi đỗ Hoàng giáp kì thi thứ ba năm Giáp Thân 1304 đời Trần Anh Tông, lúc 16 tuổi, cũng được đời xưng là thần đồng. Cùng khoa này có Mạc Đỉnh Chi, Trạng nguyên; Bùi Mộ, Bảng nhãn; Trương Phóng, Thám hoa.
Về đường Quan Hoan:
- Năm 1314, đi sứ sang Yên Khinh
- Năm 1324, làm thị ngự sử, đấu lý rất giỏi với sứ thần Mông Nguyên.
- Năm 1326, làm An phủ sứ Thanh Hóa.
- Năm 1329, Thượng Hoàng đi tuần thú đạo Hà Giang, đích thân đánh man Ngưu Hồng. Cụ được cử đi theo để soạn thực lục.
- Tháng 3 năm 1332, cụ làm nội mật viện phó sứ.
- Năm 1334, Thượng hoàng tuần thú đạo Nghệ An, đích thân đánh Ai Lao, cụ làm phát vận sứ Thanh Hóa, vận tải lương thực đi trước. Cụ được cử mài vách núi đá, khắc chữ ghi công. Bài ấy khắc ở núi Thành Nam, thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, nét chữ to bằng bàn tay, tạc vào đá sâu hơn một tấc (Trầm Hương nay thuộc huyện Con Cuông).
- Năm 1337, cụ làm An Phủ sứ Nghệ An, kiêm Quốc sử viện, giám tu quốc sử
- Năm 1341, cụ được cử làm đại doãn kinh sư và được cử cùng Trương Hán Siêu biên soạn bộ Hoàng triều đại điển, khảo soạn Hình thư để ban hành.
- Năm 1342, cụ làm hành khiển tri khu mật viện sự...
- Năm 1351, cụ làm mật nội hành khiển, vẫn coi việc ở khu mật viện.
- Năm 1355, cụ làm kinh lược sứ trấn Lạng Giang, nhập nội hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm Tri khu mật viện sự, nhập thị kính diên đại học sĩ, trụ quốc khai huyện bá.
Đánh giá về đời hoạt động của cụ, trong Quốc sử ghi như sau: "Hai lần sung chức hữu sảnh tức nội mật viện, đến đời Dụ Tông vào chính phủ giữ trọn tiếng tốt của bậc nho gia.
Đối với dòng tộc, Nguyễn Trung Ngạn là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Công, Nguyễn Tài trên đất Hoan Châu mà TS. Nguyễn Tài Tuyển là đời thứ 21, người được ghi công tích trong Đại Nam chính biên liệt truyện.
Hậu duệ của Cụ có nhiều người hiển đạt vào hàng khoa bảng:
Nguyễn Tài Tốn (đời thứ 22) cử nhân trường Thừa Thiên khoa Bính Ngọ 1906 niên hiệu Thành Thái 18, đỗ cùng khoa với em dòng chú là Nguyễn Tài Thiện, ở trường Nghệ.
Nguyễn Tài Đức (đời thứ 23) cử nhân Hán học là thân sinh của bác sĩ Nguyễn Tài Chất, hy sinh tại mặt trận Hà Nội năm 1946 và em là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (đời thứ 24) - "Bậc đàn anh của Việt ngữ học", giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Con cháu của ông còn có nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ hiện đang làm việc tại các cơ quan của Nhà nước tiếp nối dòng dõi thế khoa.
(Theo Đại Đồng khoa lục, bản dịch của BVC và Gia phả họ Nguyễn Tài Thượng Thọ, Đại Đồng do hậu duệ Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sưu tầm biên dịch năm 2005)
BVC(Sưu tầm biên soạn)