Người xứ Nghệ

Điềm Phùng Thị và bản nhạc buồn trên đồi Châu Ê

 
Theo bản vẽ tay của người quản lý bảo tàng, tôi tìm ngay được đồi thông có hai ngôi mộ của vợ chồng nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị ở Châu Ê, xã Thuỷ Bằng, ven đô Huế. Ngọn đồi này cách Lăng Khải Định chừng 400m, với những hàng cây thông tăm tắp theo hàng lối và cao vút. Càng lên cao gió càng dào dạt.

Tôi nghe như có tiếng u trầm vang lên. Hẳn là tiếng người đang than hoà trong làn gió? Hương nhang phảng phất toả lan. Tôi vội rảo chân qua những bậc đá bước lên, thì ra có một thanh niên đang quỳ trước mộ bà Điềm Phùng Thị. Anh ta chắp tay và miệng nói những gì đó mà tôi không thể nghe được. Những âm thanh nghẹn lại. Tôi đứng lặng trong một không gian chông chếnh nỗi u hoài.

Trước mặt tôi bức tượng người bằng đá ong đỏ au trong ánh nắng, tĩnh lặng phía sau hai ngôi mộ của vợ chồng bà. Thấy tôi đến, anh thanh niên dong dỏng cao đứng dậy cúi chào, rồi im lặng bước đi. Tôi vội tiến tới bắt tay, hỏi vài câu nhưng anh ta lấy khăn lau nước mắt rồi chỉ vào ngôi mộ bà Điềm Phùng Thị, miệng thốt ra vài tiếng u ơ như muốn nói điều gì đó, mà không thể diễn tả nổi. Tôi chợt nhớ ra có thể đây là một học trò của bà trong những lớp điêu khắc cho người câm điếc ngày nào.

Tất cả bỗng tĩnh lặng. Gió như cũng đứng im. Tôi cúi đầu, chắp tay trước mộ bà. Bức tượng người đá ong trên cao im lặng nhìn tôi. Dường như âm thanh câm lặng ấy muốn thét lên điều gì đó. Có thể là những nỗi niềm còn ẩn ức. Những suy tư cần chia sẻ. Những nỗi đau thầm kín đang sụt sùi trong mộng ước cần giải toả của con người. Phải chăng đó chính là tín hiệu phát ra từ ngôn ngữ điêu khắc của Điềm Phùng Thị. Sự trầm tĩnh của đá nhưng lại lung linh như lửa vậy…

Chả thế mà đa phần tượng của bà đều xoay quanh mô tuyp khối “Im lặng”, “Chắp tay”, “Cầu nguyện”, “Cổng hư vô cõi Phật”. Phải chăng mọi điều đều xuất phát từ 7 miếng ghép xoay chuyển đầy biến ảo, đó là 7 “mô đun” của bà liên quan đến cõi thiền đầy trầm luân. Phải chăng ngay từ khi bước chân vào làng hội hoạ, bà đã từng bảo vệ luận án tiến sĩ ở Pháp cùng với chồng về nha khoa, có cái tên “Tục ăn trầu”, cũng đã rất gần với tư duy của ngôn ngữ tạo hình trên đá. Cái màu đỏ nồng ấm của trầu cau khi hoà lẫn đá vôi đã hoà sắc trong từng bản nhạc trầm buồn trên từng thớ đá. Có người nói tượng của bà là ký hiệu, hay bí ẩn, hoặc vô ngôn cũng đều ánh từ màu đỏ thắm trên môi người ấy mà thôi.

Lại nữa có người nói 7 mô đun của bà là 7 mẫu tự, là 7 sắc cầu vồng, hay 7 nốt nhạc, đều đúng cả. Những sao lại u uẩn nỗi niềm là vậy, có thể hình dung, trong cõi vô thường của đạo Phật, con số 7 lại thể hiện vạn vật linh thiêng khi đức Phật vừa ra khỏi lòng mẹ. Ngài bước đi 4 hướng, mỗi hướng 7 bước. 7 bước là chỉ quyền lực sáng tạo của con người khám phá thế giới trí tuệ và tâm hồn con người khi hoà cùng vũ trụ…

Bà bước vào thế giới hội hoạ với nhiều điều lạ lùng, khi đã bước sang tuổi 40 (năm 1960). Bà từng tốt nghiệp đại học Y khoa ở Hà Nội năm 1946, rồi đi theo cách mạng làm việc cho đến năm 1948, thì sang Pháp chữa bệnh. Sau đó bà tiếp tục học và bảo vệ luận án Bác sĩ nha khoa (học hàm Tiến sĩ), năm 1954. Với những người thành danh như bà quả là khó lý giải câu chuyện vì sao bà dứt hẳn lĩnh vực y khoa để dấn thân vào hội hoạ, và bắt đầu ngay từ điêu khắc. Bà say mê đến nỗi, thời kỳ đầu bà còn tranh thủ đúc tượng ngay trong nhà bếp, mỗi khi rời dao kéo ở phòng khám trở về. Thậm chí có những đêm cảm hứng tuôn trào, để giữ giấc ngủ cho chồng, bà còn ôm tượng vào phòng tắm để chau chuốt cho đúng ý tưởng mình theo đuổi.

Rất có thể vào thời điểm này, biết bao ký ức của tuổi thơ sống dậy qua 9 năm lang thang theo cha, một quan lại thời nhà Nguyễn, nay đây mai đó trên rừng núi Tây Nguyên. Đó là ấn tượng mạnh mẽ những bức tượng của ngôi nhà mồ câm lặng, kỳ bí đeo đẳng suốt đời chẳng thể nào phai mờ. Có thể đó là những đôi mắt yếu đuối u buồn của những cô bé nơi đất đỏ bazan ám ảnh Phùng Thị Cúc thơ dại ngày nào còn ngơ ngác chia từng miếng bánh cho bạn bè cùng lớp. Và cũng có thể ký ức đó là những người tù bị đày ải nơi rừng thiêng nước độc này đã bao lần gục ngã dưới làn roi, viên đạn của giặc Pháp. Rồi sau đó là những nấm mồ đất khô khốc, câm lặng trên Tây Nguyên lộng gió mà cô bé Phùng Thị Cúc chứng kiến bao lần. Chúng khắc sâu trong tâm trí bà khi mới 6 tuổi đầu trên miền rừng núi và ám ảnh bà trong tình thương yêu đồng loại, cùng những nỗi đau của giới cần lao nghèo khổ, bỗng trỗi dậy, qua những khối đá u trầm. Bởi bà cảm nhận rằng những bức tượng câm lặng kia sẽ giúp bà chia sẻ với con người.

Điềm Phùng Thị đã cầm búa và đục thay vì dao kéo phòng mổ như một thúc giục từ cõi hư vô mà chỉ có trời biết và đất biết. Ngay cả đến sự lý giải vì sao, vạn vật từ tay bà đều được mã hoá qua 7 mô đun, qua là sự bí ẩn. Sinh thời bà có kể rằng, trong nhiều lần thu dọn xưởng điêu khắc, nhiều mẩu gỗ, đá do các học sinh, hay bạn bè vứt đi sau ngày làm việc. Đột nhiên, một ý tưởng chợt loé lên trong đầu bà; đó là sự sắp đặt, bố cục thành biểu tượng, một cách tự nhiên. Bà tự nhủ, hãy tạo cách biểu đạt khác với kiểu diễn tả khối tượng thông thường xem sao. Và thật đúng như trời xui đất khiến. Bà đã trở thành một hiện tượng của nước Pháp chỉ sau 5 năm theo đuổi điêu khắc, từ năm 1961 đến cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1966. Bà lấy tên chồng là Bửu Điềm để đứng danh cho mình là một sự tri ân và thể hiện tình yêu thương của mối tình “Trầu cau” thuỷ chung son sắt của mình, dù cho chẳng thể có con với nhau. Cái tên Điềm Phùng Thị ra đời từ cuộc triển lãm này.

Để tiếp tục con đường sáng tạo mới, đối với bà, quả không dễ dàng gì trên xứ sở nổi tiếng thế giới về điêu khắc này. Nhưng may thay, bà được sự giúp đỡ của ông Raymond Cognait, một giáo sư và một nhà điêu khắc tài danh của nước Pháp. Chính sự dấn thân hết mình và dưới sự khích lệ và định hướng của người thầy, bà đã tìm ra ngôn ngữ riêng, với 7 mô đun kỳ ảo của mình từ đây. Trong suốt 30 năm sau đó, bà làm việc cật lực và có hàng chục triển lãm cho riêng mình, bày ở nhiều nước khác nhau và ngày càng có nhiều tượng bán trên thị trường châu Âu. Đáng chú ý, tính đến nay bà đã được Nhà nước Pháp mua tới 36 tác phẩm để bày tại công viên, quảng trường, đường phố của thủ đô Paris. Phải nói đó là một kỷ lục của một nhà điêu khắc nữ.

Chưa hết, tài năng và sự cống hiến hết mình của bà đối với nước Pháp và thế giới, để lại kho tàng nghệ thuật có giá trị lớn, nên bà đã được ghi danh vào “Larousse Nghệ thuật Thế kỷ XX Tranh và Tượng”, năm 1991. Đây là một vinh dự cho bà cũng như của ngành hội hoạ nước nhà, bởi bà là một trong hai hoạ sĩ nữ châu Á (hoạ sĩ còn lại là người Trung Quốc) được ghi danh vào tự điển trên. Và chỉ ngay năm sau bà còn được bầu vào “Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu”, trở thành nữ Viện sĩ Thông tấn hiếm hoi của nước ta…

Đài liệt sỹ huyện Hương Trà(Thừa thiên - Huế) do ĐPT thiết kế

Ảnh: Nguyễn Xuân Diện


Nén nhang đã cháy gần hết, tôi bần thần nghĩ bao chuyện về con người tài hoa và dịu dàng này, một đời cống hiến đã trở về cõi vĩnh hằng với nỗi cô đơn vô thường. Bất ngờ có một nhóm sinh viên chạy ào lên đồi thông. Đó là những chàng trai, cô gái trẻ trung, với những cặp mắt sáng ngời, nhanh nhẹn nói cười. Họ lỉnh kỉnh với giá vẽ và những tấm toan vừa vẽ ở đâu đó trở về. Tất cả sắp thành hàng thẳng trước mộ hai vợ chồng Điềm Phùng Thị, rồi chắp tay khấn. Họ cầu những gì? Họ mong bà phù hộ cho những gì? Tôi chả thể nào đoán được, nhưng tôi nghĩ đó là những đứa con thân yêu của bà đã về với bà để chia sẻ và hy vọng.

Và trong những giấc mơ sáng tạo, biết đâu từ những mảnh ghép vô thường của bà, chúng sẽ lại nghĩ ra một hình dung nào đó, mang hơi thở của trời đất và nỗi đau của con người trên thế gian này. Lúc này tôi bỗng nhớ đến những lời tâm sự của bà sau những cơn lên đồng trong sáng tạo: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại cho các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn”.

Đọc và ngẫm mới hay bà đã đúng, khi tặng lại toàn bộ kho tàng nghệ thuật của mình, gồm khoảng 1000 tượng và tranh, với các chất liệu khác nhau cho nhân dân Huế vào năm 2001, trước khi mất (29-1-2002). Chính vì điều này bà đã không hề cô đơn khi trở về với cát bụi. Bà không có con riêng nhưng bà lại có tới hàng triệu người con chung của cộng đồng thương yêu, kính trọng bà. Các chàng trai, cô gái vẫn thường đến với bà và đợi ngọn gió vô thường ngân lên những giai điệu ngọt ngào. Họ vẽ bên cạnh bà. Họ tạc tượng với bà trong những cơn say từng đêm, từng đêm, giống như bà ngày nào, đổ những giọt mồ hôi và máu nơi đất khách quê người.

Huế - Hà Nội 03-2011
Nguồn: Hà Nội Mới.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114531575

Hôm nay

2158

Hôm qua

2329

Tuần này

21744

Tháng này

218271

Tháng qua

0

Tất cả

114531575