Người xứ Nghệ

Nhớ người thầy “siêu giỏi” Trần Quốc Nghệ của chúng tôi

Tôi được học Thầy Trần Quốc Nghệ những năm trường Phan Đình Phùng rời về xã Ngu Lâm - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Thầy Nghệ là người Thầy đã để lại những ảnh hưởng to lớn đối với tôi trong suốt cuộc đời.

ở trường Phan Đình Phùng, Thầy có rất nhiều giai thoại. Tài năng của Thầy được truyền qua nhiều thế hệ học sinh, làm cho bọn học sinh chúng tôi rất ngưỡng mộ Thầy: Thầy đã từng là võ sĩ quyền Anh có hạng, Thầy là người giỏi Pháp Văn ít người bì kịp.v.v
Hình ảnh của Thầy còn mãi trong lòng chúng tôi. Nhớ nhất đôi mắt lác của Thầy. Bọn học sinh chúng tôi kháo nhau là Thầy đánh quyền Anh thường thắng chính là nhờ đôi mắt lác đó.
Thầy thường ăn mặc giản dị. Nhớ những lúc lên lớp, Thầy gãi lộn cả hai túi quần ra ngoài, bọn chúng tôi nhìn hai túi quần và cười, Thầy biết, chỉ nói một câu: “Mình tra rồi mà” (Tra là già, tiếng địa phương Hà Tĩnh). Có cậu học sinh nào đi tắm giặt trong con sông nhỏ chảy qua Ngu Lâm, trước cửa trường, mà Thầy biết được, thế nào Thầy cũng gọi vào, gửi giặt hộ Thầy cái áo hay cái quần. Đối với chúng tôi, việc giặt hộ Thầy đã trở thành thói quen và coi đó là một vinh hạnh.
Những buổi lên lớp của Thầy cuốn hút chúng tôi bằng sự phân tích sâu sắc, những ý thật độc đáo bất ngờ, kích thích tính sáng tạo ở chúng tôi, buộc chúng tôi phải suy nghĩ, tìm tòi. Tôi chỉ tiếc là không nhớ hết những điều Thầy giảng. Nhưng sau này, mỗi khi gặp lại những hoàn cảnh tương tự, thì trong óc lại hiện lên những dòng chữ của Thầy, của riêng Thầy.
Chẳng hạn, tôi nhớ mãi một hôm Thầy đến thăm tôi và nói rằng: “Tấn ạ, không phải tất cả những câu của Khổng Tử đều không thể thêm bớt, ví dụ như câu “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em) thì chỉ cần nói “Tứ hải giai huynh” thế là đủ (bốn biển đều là anh). Hay như khi Khổng Tử nói “Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri thị tri dã” (biết thì làm ra biết, không biết thì làm ra không biết, ấy là biết vậy) thì theo mình, nên nói “Tri chi vi bất tri, thị tri dã” (biết thì làm là không biết, ấy là biết vậy) thế là đủ và sâu sắc hơn.”
Tôi thấy những lời Thầy nói, mình phải chiêm nghiệm suốt đời và trong lời Thầy, tôi nhận thấy một tư duy độc đáo và độc lập. Trong quá trình học tập và nghiên cứu của tôi, tôi đã cố gắng rèn luyện kiểu tư duy đó. Trước mọi vấn đề, tôi bao giờ cũng hết sức tìm tòi một nhận xét không giống ai, của riêng mình. Tôi dần dần nhận ra đó chính là ảnh hưởng của Thầy Trần Quốc Nghệ.
Trong thời gian Thầy ra Hà Nội để dạy Pháp văn, Thầy hay đến thăm tôi ở 20 Phan Huy Chú. Thầy đi một chiếc xe đạp mini Liên Xô, đến nhà tôi, Thầy thường gác xe đạp vào gốc cây trong sân rồi gọi vọng lên “Tấn ơi Tấn”. ở gác hai, tôi nghe tiếng Thầy thì chạy xuống nhà đón Thầy. Bên cái bàn nước bằng tre, Thầy nói đủ chuyện, nào chuyện bản dịch Kiều của Nguyễn Khắc Viện đến các văn bản chữ nôm của Nguyễn Trãi. Chính những lần nghe Thầy nói chuyện này tôi mới thấy hết cái uyên bác của Thầy.
Tôi đã từng làm việc với nhiều nhà thông thái nhưng chưa bao giờ gặp một bộ óc uyên bác như Thầy. Chính vì vậy mà tôi mới gọi Thầy là “siêu giỏi”. Nhớ một lần, Thầy khoe với tôi đã đọc câu đối ở nhà thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở Tùng Lộc, Can Lộc và khen mãi câu đối đó:
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng
Thầy tấm tắc khen mãi chữ “vô song” và “bất nhị” trong câu đối. Vì “bất nhị” còn có nghĩa là “không thờ hai chúa”. “Quốc sĩ” hay “anh hùng” chỉ có một, nhưng ở đây có đến hai người là Đặng Tất và Đặng Dung. Cái hay là ở chỗ đó.
Tôi đã học tập được nhiều điều qua những buổi nói chuyện của Thầy Nghệ. Những buổi nói chuyện không chỉ cung cấp cho tôi những kiến thức bằng đầu óc uyên bác của Thầy mà hơn thế, qua các câu chuyện đó đã dạy cho tôi đạo lý làm người. Thầy là người cương trực, không bao giờ luồn cúi ai, là một tấm gương cho chúng tôi.
Tôi thường nhớ lại những người Thầy đã có ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của tôi trong các trường mà tôi đã được học, như Thầy giáo Ngụy Cao Hiền hồi tôi học cấp II, Thầy Đào Duy Anh hồi tôi học Đại học và Thầy Trần Quốc Nghệ lúc tôi học cấp III. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ là được học Thầy Trần Quốc Nghệ là một điều may mắn đối với tôi trong đời và đó cũng là niềm hạnh phúc.
Tháng 7 năm 2004
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528714

Hôm nay

295

Hôm qua

2275

Tuần này

2987

Tháng này

215410

Tháng qua

0

Tất cả

114528714