Người xứ Nghệ

Hoàng Trung – một hoạ sĩ suốt đời gắn bó với Xứ Nghệ

Quê cha ở  xứ Huế, nơi có núi Ngự -  sông Hương , nhưng họa sỹ Hoàng Trung lại sinh ra và lập nghiệp ở xứ Nghệ,  quê mẹ, nơi có núi Hồng - sông Lam. Phải chăng tố chất của hai vùng đất, Xứ Huế và xứ Nghệ, của hai chiếc nón bài thơ, đã hợp lưu thành một dòng cảm xúc trong con người họa sỹ tài hoa này .

Hoàng Trung thuộc lớp nghệ sỹ tạo hình trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ . Dải đất bắc miền Trung trong những ngày bị giặc Mỹ cày xới có lẽ không có nơi nào vắng mặt anh. Những Ngã Ba Đồng lộc, Cầu Phủ , Rú Nài , bến Tam Soa , ngã ba Bãi Vọt – những cái tên đã đi vào sử sách một thời đánh Mỹ hào hùng của dân tộc đều ghi dấu chân anh. ở đó anh đã sống và làm việc như những người chiến sỹ bằng tình cảm và tài năng của một nghệ sĩ. Anh vẽ   tranh để cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong và đông bào ta. Những bức tranh cổ động  “ Xe chưa qua nhà không tiếc ” “ Giặc phá ta sửa ta đi , giặc lại phá – ta cứ đi ”“Tất cả cho tiền phương”....của anh đã góp phần  thôi thúc những đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, nó đã có sức lan tỏa và góp một vệt sáng cho ngọn lửa bất tử Đồng Lộc hôm nay. Hoàng Trung đã được người dân Nghệ Tĩnh ghi nhận từ những năm tháng gian khó, ác liệt ấy. Hoà bình lập lại,  công chúng hội họa lại biết đến ông nhiều hơn qua nhiều họa phẩm như : Thêm một tầng cao , Thuyền trên sông Lam , Bến cá Cửa Lò …Đây là những tác phẩm đã được ông công bố trong các triển lãm toàn quốc và khu vực. Tranh của Hoàng Trung ẩn chứa những phát hiện, những đắm đuối và cả những chiêm nghiệm của anh về quê hương xứ Nghệ. Xứ Nghệ trong anh, Con người và thiên nhiên, đều đẹp một cách rất riêng có của Trần Hoàng Trung. Những gam màu lạnh nhưng vẫn toát lên sự nống ấm của Người và Đất nơi đây. 
Khai thác và thể hiện đề tài nơi mà mình gắn bó cả cuộc đời là điều dễ hiểu. Song ở Hoàng Trung, tôi cảm nhận được cả sự day dứt, sự tiếc nuối về một cõi nhân gian. Âu đó là một phẩm chất của một tâm hồn nghệ sỹ. 
Hoàng Trung được đào tạo căn bản ở hai trường Mỹ thuật danh tiếng ở Hà Nội : Đại học Mỹ thuật công nghiệp và Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nghề nghiệp vững vàng, luôn khao khát tìm cái mới, khai thác mọi vẻ đẹp ẩn chứa quanh mình để xây dựng tác phẩm. Tranh Hoàng Trung có tính ước lệ, tượng trưng. Ông thường tâm sự với bè bạn: Nghệ thuật bắt buộc phải tượng trưng, nhưng tượng trưng để mà nói cái bề sâu, cái cốt lõi của hiện thực. Tôi thấy, với  Hoàng Trung, phương châm tìm kiếm những cảm xúc mới luôn được đề cao . “Trên đỉnh Trường Sơn” chẳng hạn. Ở đây anh có cách nhìn khái quát, dẫn người xem đi vào một liên tưởng trùng điệp, giăng giăng mây núi, có cảm giác như một miền cổ tích cần sự khám phá của những bàn chân. Xem tranh Trần Hoàng Trung ta có cảm giác anh như luôn đứng trước biển , để đón những đợt gió, đợt sóng của nước, của thời gian. “ Đồng vọng ” , “ Xóm Núi ”, “ Ngày đầu tháng ”, “ Rượu và hoa ” là những cảm xúc được bắt nguồn từ đó .
“Chân dung Mẹ ” của anh đã cho người xem nhận biết về  một người mẹ đôn hậu, gần gũi, thân thương, bởi nhờ anh có được một bút pháp bay bổng, một tình cảm chân thành, một lối nhìn khoáng hoạt, tinh tế.
Hoàng Trung tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật từ toàn quốc đến khu vực, chuyên đề và hai lần triển lãm cá nhân. Với chặng đường hơn 40 năm sáng tạo, Hoàng Trung đã tự khẳng định được mình về bút pháp và phong cách nghệ thuật biểu tượng – hiện thực... Và anh đã được ghi nhận bằng các giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...
Nhưng ít ai biết anh còn là ngưới thầy đầy nhiệt huyết từng đứng trên bục giảng nhiều năm của Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Phong cách nhà giáo, phong cách nghệ sỹ có khác nhau, song trách nhiệm, tâm hồn và tính chân thành nó lại rất gần nhau. Người thầy mỹ thuật , người nghệ sỹ ở Hoàng Trung là vậy, tuy hai mà một, hoà quyện trong nhau.
Là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội VHNT Nghệ An, anh đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp MTVN, Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật , Vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao .
Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, Hoàng Trung cho biết, anh đang có dự định trưng bày một triển lãm cá nhân mang tên “Hoàng Trung với Xứ Nghệ ” trên đất Thăng Long. Chúng tôi hy vọng lúc đó công chúng sẽ có dịp biết và hiểu rõ hơn con đường sáng tạo nghệ thuật dài hơn 40 năm qua của Hoàng Trung. Đó là con đường vất vả tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp con người, thiên nhiên của giải đất miền Trung yêu thương của anh. Và chúng ta có thể thấy  những sáng tạo của Hoàng Trung đã góp phần làm phong phú, đa dạng diện mạo của nền Mỹ thuật đương đại Việt Nam như thế nào./.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528704

Hôm nay

285

Hôm qua

2275

Tuần này

2977

Tháng này

215400

Tháng qua

0

Tất cả

114528704