Xứ Nghệ ngày nay

Kỳ Sơn – Đi, nghe và thấy (kỳ 1)

Chợ Mường Xén - Những lần đấu giá tai tiếng

Đã 2 lần Hội đồng định giá và đấu thầu chợ Mường Xén tổ chức đấu thầu cho thuê ki ốt, kết quả tới nay chỉ là những điều tai tiếng. Vì vậy, dù xây xong đã hơn 1 năm nhưng chợ Mường Xén chưa thể đưa vào sử dụng.

           
Ngay khi bước chân lên chuyến xe từ Vinh đi Kỳ Sơn, chúng tôi đã nghe hành khách bàn tán xôn xao chuyện chợ Mường Xén xây từ nguồn ngân sách hỗ trợ, tiền các doanh nghiệp hảo tâm tặng, vậy mà giá cho thuê ki ốt cao ngất, dân chợ miền núi nghèo không thuê nổi đành buôn bán ngoài rìa chợ. Tưởng rằng dân ồn ã vu vơ. Đến thị trấn thì thấy chợ Mường Xén đã xây xong các hạng mục chính gồm: 1 đình chính 2 tầng có 96 ốt, và 59 quầy ốt độc lập cùng các hạng mục khác đã hoàn thành. Tuy nhiên, chợ đóng cửa im lìm. Còn xung quanh và sau lưng chợ  mới nhiều hộ kinh doanh đang phải ngồi bán hàng tại các đường dân sinh nhỏ hẹp. Những hàng cá, thịt, rau, củ, quả, đồ tạp hóa… được đặt dưới đất hoặc trong các thúng mẹt nhỏ chen chúc, nhớp nháp trong gió bụi. Những người kinh doanh ở đây cho biết: Chợ mới được phép đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng đến nay chưa thể hoạt động vì có những chuyện bất ổn trong công tác đấu thầu.
Khi chợ cũ cháy (tháng 12/2005), kiốt tạp hóa của bà Nguyễn Thị Vân bị thiêu trụi cùng các kiốt của nhiều người khác. Vụ cháy chợ đã cướp đi của bà nơi làm ăn và tất cả vốn liếng. Để kiếm kế sinh nhai, bà Vân phải sửa lại ngôi nhà của mình tại khối 2 thị trấn Mường Xén làm nơi bán hàng. Là người bỏ công bỏ của góp phần nhen nhóm chợ Mường Xén từ khi cả huyện núi Kỳ Sơn xa xôi này phần lớn còn tự cung tự cấp thế nên khi chợ mới được xây xong, bà Vân những tưởng mình sẽ được ưu tiên vào chợ trước. Nào ngờ hi vọng thuê được ốt trong chợ mới đối với bà ngày càng lụi tắt. Bà Vân buồn bã kể: “Chúng tôi là những người bị thiệt hại rất nặng nề từ vụ cháy chợ cũ. Nay chợ đã được xây lại, lẽ ra chúng tôi phải được được ưu tiên thuê ốt. Chính quyền có đưa ra hình thức giảm giá cho chúng tôi khi đã đấu thầu được ốt. Nhưng trong đợt đấu giá đầu tiên, giá các kiốt bị đấu lên cao, có ốt tới gần 400 triệu đồng (thuê trong 12 năm) làm sao chúng tôi theo nổi. Kiốt rơi vào tay người lạ, chính sách giảm giá cho người có công xây dựng chợ cũ trở nên vô nghĩa. Cũng có một số người là dân chợ Mường Xén trúng thầu nhưng sau đó suy xét lại thấy giá cao quá, nên dù có được giảm giá cũng không đủ tiền thuê nên phải chấp nhận rút đơn”.
Những bức xúc của các hộ kinh doanh tại chợ Mường Xén đã được viết thành đơn kiến nghị chuyển đến UBND thị trấn và UBND huyện Kỳ Sơn. Nội dung nêu, qua các đợt bán đấu giá, một số ki ốt rơi vào tay cán bộ Hội đồng định giá và đấu thầu. Việc cho thuê ốt bằng cách đấu thầu miệng, cho nhiều đối tượng tham gia là chưa thỏa đáng. Họ đề nghị nên tạo điều kiện cho những người đã kinh doanh buôn bán tại chợ từ lâu thuê ốt trước bằng cách đấu thầu kín hoặc cho họ bốc thăm thuê với mức giá sàn. Như thế người bị thiệt hại do cháy chợ, người thực sự có nhu cầu tiếp tục buôn bán tại chợ Mường Xén mới có thể tiếp cận, thuê được các ki ốt.
Việc tổ chức đấu thầu ki ốt được các hộ kinh doanh kể lại rằng: Đợt đấu thầu lần 2 được tổ chức vào sáng 7/4. Hội đồng đấu thầu đã quyết định cho thuê bằng giá sàn một cách vội vã. Khi những người thực sự có nhu cầu buôn bán tại chợ, những người thuộc diện ưu tiên biết được tin bán giá sàn đã tranh nhau chen lấn, xô đẩy vào đăng ký thuê ki ốt. Tuy nhiên, những ki ốt có vị trí tốt đã bị người trong Hội đồng đấu thầu và người nhà của họ đăng ký thuê hết. Bà Nguyễn Thị Vân cho biết: “Người ta chỉ thông báo thay đổi địa điểm trước hôm đấu thầu một ngày trên loa phát thanh thị trấn. Rất ít người được biết thông tin này”. Bà Lam – một hộ kinh doanh khác nói: “Sáng hôm đó Hội đồng đấu thầu quyết định cho thuê ki ốt với giá sàn mà không hề thông báo rộng rãi. Chúng tôi biết tin này từ một anh lái xe của huyện. Lúc đó mới khoảng gần 9 giờ sáng. Chúng tôi chen được đến nơi thì hầu hết các ốt đều đã có người đăng ký”. Ông Đức – chuyên bán hàng tạp hóa tại chợ thì: “Tôi vẫn chen ghi được 1 ki ốt nhưng do lộn xộn nên định đăng ký ốt bán tạp hóa thì lại ghi ki ốt bán hàng sắt. Có một người trong Hội đồng đấu thầu bảo tôi: “Yên tâm đi, tôi sẽ bán lại cho một ốt!”. Nhiều người còn cho rằng tuy mới đăng ký thuê ốt, chưa có quyết định bàn giao nhưng ngay trong buổi sáng đó có một số người đã mua đi bán lại quyền thuê ốt để kiếm lời. Bà Nam kể: “Khi biết tin bán giá sàn, tôi chạy lên đăng ký ốt 37 - 38 nhưng người khác đã mua rồi. Cô Phương rao “ốt tôi họ trả cao hơn 20 triệu tôi chưa bán”.
Ngay sau buổi đấu thầu lần 2, các hộ kinh doanh tại chợ đã gửi đơn kiến nghị lên UBND thị trấn Mường Xén, UBND huyện Kỳ Sơn. Đã có 2 cuộc đối thoại giữa các hộ kinh doanh và chính quyền huyện, thị trấn. Cuộc đối thoại lần thứ 2 (ngày 13/4/2011) có sự tham gia đầy đủ lãnh đạo huyện, lãnh đạo thị trấn, Hội đồng định giá và đấu thầu chợ Mường Xén. Các hộ kinh doanh đã chỉ ra nhiều sai phạm so với quy định đưa ra trong hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu quy định “Không được tổ chức đấu thầu sai lịch và địa điểm đấu thầu ghi trong hồ sơ mời thầu được duyệt” nhưng Hội đồng đấu thầu đã chuyển địa điểm đấu thầu từ hội trường UBND thị trấn Mường Xén (địa điểm ghi trong hồ sơ mời thầu) sang hội trường Phòng Thuế huyện Kỳ Sơn; Thông báo cho thuê giá sàn được đưa ra vội vàng khi chưa hết thời gian đấu thầu, và cho đăng ký thuê một cách nhốn nháo hoàn toàn không tuân theo quy chế đấu thầu đưa ra trong hồ sơ mời thầu…
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén thì: “Tại thời điểm đấu thầu có rất ít người đã mua hồ sơ dự thầu và nộp tiền bảo đảm dự thầu theo quy định. Vậy nhưng khi Hội đồng đấu thầu quyết định bán giá sàn thì ai cũng có thể đăng ký thuê ốt dù họ chưa mua hồ sơ và chưa nộp tiền bảo đảm. Hội đồng đấu thầu dựa vào điều 9 trong quy chế đấu thầu để quyết định bán giá sàn đồng loạt tất cả các ốt theo tôi là hoàn toàn sai. Vì điều 9 chỉ cho phép một người được thuê cái ki ốt mình đã đăng ký đấu thầu với giá khởi điểm nếu hết thời hạn vẫn không có ai đăng ký đấu thầu ốt đó, chứ không hề quy định Hội đồng đấu thầu có quyền cho thuê giá sàn đồng loạt tất cả các ốt như thế”.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Bùi Trầm cũng công nhận Hội đồng đấu thầu đã có lỗi khi quyết định cho thuê giá sàn đồng loạt các ốt khi chưa có ý kiến của Thường trực UBND huyện. Ông Trầm cho biết: “UBND huyện không công nhận kết quả đấu thầu lần 2 và sẽ tổ chức đấu thầu lại. Phương án, cách thức đấu thầu sẽ đưa ra Thường vụ họp bàn vào ngày 28/4”.
Rõ ràng UBND huyện Kỳ Sơn hủy kết quả đấu thầu lần 2 là cần thiết. Tuy nhiên, với việc vi phạm nhiều quy định về đấu giá, gây ra những tai tiếng khiến người dân bức xúc của Hội đồng định giá và đấu thầu chợ thị trấn Mường Xén, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn cần xem xét xử lý đồng thời tìm những người có đủ năng lực, phẩm chất thay thế. Chợ Mường Xén được xây dựng mới bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh và 4 tỷ đồng nghĩa tình của Nhà máy xi măng Nghi Sơn. Vì vậy, các hộ bị thiệt hại trong đợt cháy chợ cũ cần được ưu tiên vào chợ thông qua những hình thức hợp lý, tránh tình trạng đấu thầu đẩy giá lên cao quá mức như thời gian vừa qua. Và, nếu tổ chức đấu thầu thì chỉ nên cho đấu những ki ốt ở vị trí thực sự sinh lợi.
 
 
Ảnh1 : Sau 2 lần đấu thầu kiốt, chợ Mường Xén vẫn chưa đi vào hoạt động.
Ảnh 2: Ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén nói về việc đầu thầu ki ốt chợ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513150

Hôm nay

2251

Hôm qua

2436

Tuần này

21087

Tháng này

220023

Tháng qua

121356

Tất cả

114513150