Đối với những học sinh lớp tuổi chúng tôi hồi đó, thật là hấp dẫn, nó có một sức cuốn hút kỳ lạ. Nào là một trí thức xứ Nghệ tài giỏi, thông thạo nhiều ngoại ngữ, cả tiếng Pháp, tiếng Anh và Hán văn. Nào là một võ sĩ quyền Anh thượng đài nhiều lần, từng giữ chức vô địch Trung Kỳ và cả Đông Dương. Nào là con người thích gây gổ với con cái tầng lớp quan lại, kể cả con Tây và binh lính thuộc địa, choảng chúng nhiều trận nên thân, nên được mệnh danh “Kẻ khủng khiếp, gây nỗi kinh hoàng trên đất Huế (Le terrible terreur de Hue) v.v
Chúng tôi đều được học thầy môn Việt văn. Gặp thầy lần đầu tiên, chúng tôi nhận thấy hình dung của mình trước đây về thầy không sai, nhưng rõ ràng là không đầy đủ.
Bề ngoài thầy mang dáng dấp một võ sĩ quyền Anh: To lớn, mạnh bạo, nhưng bên trong tiềm ẩn một trí thức uyên bác về văn hóa phương Đông và phương Tây, văn học Việt Nam cổ trung đại và cận hiện đại, hơn thế nữa, là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, có lẽ do dù không được sinh ra trên đất Huế, nhưng đã lớn lên và trưởng thành, đỗ đạt cao ở xứ Kinh Thành, tiếp tục truyền thống khoa bảng của dòng họ từ xứ Nghệ.
Từ nhỏ đến lớn, trong đời học của mình, chúng tôi đã học rất nhiều thầy cô, kể cả các thầy cô ở nước ngoài, nhưng chưa có một thầy giáo nào, chỉ giảng dạy chúng tôi thời gian ngắn mà để lại một ấn tượng sâu đậm như thầy Trần Quốc Nghệ. Những giờ giảng văn của thầy bao giờ cũng là những giờ học trò mong mỏi, chờ đợi. Các áng văn cổ điển của ta từ Kiều qua Chinh phụ ngâm đến Cung oán ngâm khúc, thầy đều có những đoạn bình giảng mẫu mực. Bám chặt vào chủ đề, thầy dẫn dắt học trò qua các sáng tác đông tây kim cổ, để cuối cùng trở về với tác phẩm trích giảng. Bài giảng của thầy do đó vừa có bề rộng, vừa có chiều sâu. Học sinh nghe thầy giảng văn có điều kiện để so sánh văn hóa nước nhà và văn hóa thế giới, bên cạnh sự thống nhất của văn hóa nhân loại, còn thấy được nét đặc thù của văn hóa Việt Nam. Nghe thầy giảng, lớp học sinh chúng tôi bị cuốn hút, ghi chép chỉ một phần, phân lớn là để cho lời giảng thấm vào tâm hồn mình.
Chúng tôi có những kỷ niệm không quên đối với thầy không chỉ qua các giờ giảng trên lớp. Tình cảm của thầy với học trò ngoài đời cho ta thấy càng rõ hơn con người thầy. Thầy có một tình thương sâu đậm đối với học trò. Đừng ai nghĩ, dưới cái vỏ bọc của người võ sĩ quyền Anh, ẩn chứa một tâm hồn khô khan. Thầy rất thương những học trò nghèo. Chúng tôi xuất thân không phải là nghèo. Nhưng phải xa nhà nên thiếu thốn mọi thứ. Chánh Thành còn nhớ mãi có hôm thầy hỏi, “em thi cử có được không? có cần thầy giúp đỡ gì không?”. Còn tôi thì nhiều lần được thầy chiêu đãi bún bò, giò heo, hoặc phở sốt vang ở bờ đê Đức Thọ. Hồi bấy giờ ở tuổi mới lớn lên, ăn cơm ở bếp học sinh Bình Trị Thiên, không đủ no, mà thỉnh thoảng được thầy chiêu đãi thịnh soạn như vậy thật quý hóa. Bát cơm phiếu mẫu thực suốt đời không quên được. Biết chúng tôi là đảng viên, thầy luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi đóng góp vào phong trào của hiệu đoàn.
Hồi cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi vợ chồng chúng tôi giảng dạy ở trường Đại học tổng hợp Hà Nội, được biết thầy từ làng Tứ Mỹ, huyên Hương Sơn, Hà Tĩnh ra Hà Nội với cô con gái ở khu tập thể Kim Liên, hàng ngày đi dạy sinh ngữ cho cán bộ ở các trường đại học cho họ đi làm chuyên gia châu Phi, chúng tôi có đến thăm thầy. Thật là hạnh phúc cho chúng tôi được thầy nhận lời đến nhà chúng tôi ở số 18 Hàng Chuối để dự bữa cơm thân mật. Thấy thầy đến mà chúng tôi xiết bao cảm động. Vẫn bộ đồ kaki bạc màu, vẫn đội cái mũ vải, vẫn đôi dép cao su, và chiếc xe đạp cũ kỹ như hội nào. Gắp thức ăn cho thầy, nghe thầy kể chuyện đời mà chúng tôi xốn xang cả lòng. Chiều hôm đó, tiễn thầy ra về, chúng tôi không ngờ rằng sẽ chẳng bao giờ được gặp thầy nữa.
Nghĩ về thầy Trần Quốc Nghệ, chúng tôi thấy đó không chỉ là người thầy “uyên bác” qua môn văn mà đã góp phần to lớn trồng người suốt cả cuộc đời mình cho đất nước ta. Cái quý ở thầy là lòng thương người, là tình người, là tình nhân văn cao cả, là lòng tin vào thế hệ trẻ, là sự cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự mở mang dân trí. Cả cuộc đời của thầy là sự cống hiến và tôn vinh thiên chức “đào tạo thế hệ cho đời sau”.
Phẩm chất cao đẹp của thày được nổi bật khi ta thấy rằng thực hiện thiên chức đó không phải thầy đi bằng con đường bằng phẳng, được rải đá hoa là lót thảm nhung. Mà đầy gập ghềnh khúc khuỷu, có khi phải chịu hàm oan, tù tội một thời gian mới được minh oan, để được trở về với cương vị là người công dân và là một người kỹ sư tâm hồn.
Nói một cách tóm tắt, để làm được thiên chức kỹ sư tâm hồn, thầy đã kiên trì và dũng cảm vượt lên trên số phận. Tôi nghĩ đó là bài học sâu sắc nhất và lớn lao nhất mà thầy đã để lại cho đời.
Xuất thân trong gia đình quan lại và khoa bảng xứ Nghệ, sớm đỗ đạt tú tài toàn phần triết học lúc mới 17 tuổi, sống dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến, trong hoàn cảnh nước nhà mất độc lập, nhân dân mất tự do, người thanh niên trí thức khi chưa bắt gặp được chủ nghĩa Mác Lênin, thì tìm lối thoát bằng cách trút căm thù lên đầu con cái quan lại ta và Tây cùng binh lính của chế độ cũ là điều dể hiểu. Tính gây gổ đó là biểu hiện bột phát của lòng yêu nước, là hành động vượt lên số phận của người dân nô lệ.
Hành động vượt lên số phận ở thầy được thể hiện rõ nét hơn khi nhận đường ở độ tuổi trưởng thành. Trong khi nhiều thanh niên trí thức cả nước và riêng ở Nghệ Tĩnh tìm được đến với Đảng cộng sản thì việc nhận đường của thầy gặp những khó khăn nhất định, nên có thời gian bị hàm oan. Dù vậy, thầy không bao giờ than thân trách phận, khi được minh oan rồi, thì tiếp tục cống hiến cho chế độ mới, cho xã hội bằng sự nghiệp trồng người.
Đây là thời kỳ thầy chịu nhiều khó khăn nhất trong cuộc đời. Về vật chất thì thiếu thốn mọi bề. Nhưng đau khổ nhất là đời sống tình thần. Dù vậy thầy vẫn dũng cảm vượt lên số phận, dạy học nuôi mình, nuôi vợ, nuôi con, nuôi cháu để chúng thành đạt nên người. Cho đến khi đã đến tuổi “cổ lai hy” thầy vẫn đi dạy kiếm sống, và dạy ngoại ngữ không tiền cho con em lối xóm để bồi dưỡng kiến thức cho dân làng. Nhìn cuộc đời thầy lúc trẻ với chiếc xe đạp thô sơ, khi sắp từ giã cõi đời cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ, đèo cháu từ làng quê ra Vinh nhập trường đại học, chẳng may ngã xe đạp ở bờ đê Đức Thọ, để từ đó ngã bệnh và qua đời.
Nghĩ về thầy Trần Quốc Nghệ, không biết vì sao tôi sực nhớ đến “Ông già và biển cả” của nhà văn Mỹ Hêminguê. Ông già vượt lên sóng gió biển cả để sống với đời. Còn thầy thì vượt lên sòng gió cuộc đời để cống hiến cho đời.
Thầy Nghệ ơi! Thầy ra đi đến nay đã được gần 10 năm. Đất nước ta đã tiến dài trên con đường đổi mới. Sinh thời thầy rất thương người, đặt biệt là tầng lớp người nghèo. Thầy đã từng viết câu thơ:
“Rét rét ai ơi cháy lòng”
Thầy đã từng mong ước:
"Thanh cao chỉ muốn thanh cao mãi
Mở máy huyền vi vớt kẻ nghèo"
Chúng em lớp lớp học sinh do thày đào tạo mãi mãi tự hào có một người thày tài hoa và uyên bác như thầy. Có được một người thầy có tâm hồn thanh cao như thầy. Được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước ta đang hàng ngày thay da đổi thịt, công cuộc xóa đó giảm nghèo đang được đẩy mạnh, bước đầu đã được bạn bè thế giới khen ngợi, không lâu nữa ta sẽ đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội như Bác Hồ mong ước là: “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đúng như sở nguyện của thầy khi thầy còn đang tại thế. Thầy hãy an nghĩ cùng người thân bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, đối diện với trường phổ thông trung học mang tên Lê Hữu Trác, vị danh y dân tộc ă
Hà Nội, 8/2004