Những góc nhìn Văn hoá

Mấy ý nghĩ nhỏ về thơ Hoàng Cầm

Tôi không quen Hoàng Cầm và cũng ít đọc thơ anh. Hoàn cảnh của anh những năm qua khiến cho những ai không quen biết anh khó có điều kiện tiếp xúc với thơ anh. Mãi cho đến gần đây thôi, tính ra, tôi mới chỉ được đọc thơ anh có hai lần. Lần thứ nhất, lâu lắm rồi, là bài Bên kia sông Đuống đăng trên một tờ báo kháng chiến và sau đó được người ta ngâm nhiều lần như một tiết mục hấp dẫn trong những buổi liên hoan văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc hồi ấy.

Lần thứ hai, rất gần đây thôi, là bài Lá Diêu bông in trên một số Sông Hương tình cờ tôi có khi vào thăm Huế. Những bài thơ đã làm chảy nước mắt. Người ta thường nói, được đọc một câu thơ hay, chết cũng sướng. Chết thì chẳng ai muốn, nhưng sướng thì sướng thật. Những vần thơ cứ ngân nga, cứ ám ảnh hoài và nhói lên trong ta một nỗi xót xa, một niềm thương nhớ không nguôi:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...

Xin thú thực điều này: nếu ai hỏi tôi về ý nghĩa rành mạch của những câu thơ ấy, và đôi lời giải thích vì sao nó lại hay như thế, thì quả là tôi hết sức lúng túng. Bài Bên kia sông Đuống còn có thể nói được đôi điều, chứ đến Lá Diêu bông thì biết trả lời sao? Nhưng những câu thơ cứ văng vẳng đâu đó như một nỗi ngẩn ngơ, như một ảo ảnh chập chờn không bao giờ viết ra được, thì điều ấy là có thật:

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời... ới diêu bông!...

Hai lần đọc thơ Hoàng Cầm. Hai lối thơ khác nhau lắm. Nhưng cả hai đều có một cái gì rất Hoàng Cầm. Hình như có một không gian Kinh Bắc, một thời gian Kinh Bắc rất đỗi cổ kính trong thơ anh. Và trên cái nền thời gian, không gian ấy, cứ thấy thấp thoáng một cô gái quê Kinh Bắc của một thuở nào, có vẻ đẹp duyên dáng tình tứ "Cười như mùa thu tỏa nắng". Tất cả được vờn vẽ bằng một ngọn bút tài hoa, đệm theo một nhạc điệu buồn... Chỗ khác nhau là ở đây chăng: ở Bên kia sông Đuống thơ có say mà vẫn có tỉnh, có màu tối nhưng cũng có màu sáng, thậm chí tươi tắn nữa. Còn ở Lá Diêu bông thì say triền miên và chỉ có một thứ ánh sáng buổi chiều đông chiếu trên một cánh đồng vắng, có bóng ai đó ngẩn ngơ tìm kiếm một cái gì...

*

Bây giờ thì tôi cầm trên tay cả một tập thơ của Hoàng Cầm, dù chỉ là một tập thơ mỏng. Lần đầu tiên tôi được đọc một tập thơ trọn vẹn của anh. Tôi nghĩ có lẽ đây là dòng thơ lá Diêu bông được mở rộng ra ngoài không gian và thời gian Kinh Bắc:

Dòng thơ chảy về đâu?

(...) Em trẩy chùa Hương phía Giải Oan

(...) Anh trẩy chùa Hương phía xót thương...

Ôi, ở phía ấy sao có nhiều mưa thế! Hầu như bài nào cũng có mưa, cả tập hai mươi bài là một sắc thơ mưa, là một giọng thơ mưa: "mưa chiều nắng chếch", "mưa trắng ngang đầu", "ao mưa nhòe nắng", "mưa ngâu gõ nhịp trên thềm vắng", "mưa nhung tung cánh trắng ngần", v.v... Nhưng chính thực là mưa trong lòng người:

Ấp môi bỏng cõi mưa dài

Khát thêm từng trận, khát hoài tuổi xưa

... Mắt úa nắng đừng lẻ loi rạn vỡ

Về mắt anh thành chan chứa mưa rơi...

Nhưng mưa trong thơ Hoàng Cầm không chỉ ở trong tâm tình, ở trong tâm trạng. Nó có lúc hiện hình thành hẳn một nhân vật biết đứng ngồi, đi lại và có tâm trạng của nó - một nhân vật cũng của Kinh Bắc: Mưa Thuận Thành:

Nhớ mưa Thuận Thành

long lanh mắt ướt

(...) Sợi mưa chưa đậu

vai trần Ỷ Lan

Mưa còn khép nép

Nhẹ rung tơ đàn

(...) Chiều khô lá ngải

mưa gái thương chồng

Ướt dầm nắng quái

Sang đò cạn sông

(...) Mưa ngồi cổng vắng

mưa nằm lẳng lặng

Tình xưa mưa thưa

Nhớ ai mưa lùa.

Tôi chưa được gặp Hoàng Cầm để hỏi về quan niệm thơ của anh. Riêng tôi thì cho rằng, thơ thật sự phải là một cách giãi bày tâm sự độc đáo duy nhất, nghĩa là không thay thế được bằng bất cứ cách diễn tả nào khác. Thơ mà dịch ra được đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng bằng văn xuôi thì coi như chưa phải là thơ. Thơ ra đời cốt là để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người. Thơ hiện đại lại càng phải như vậy. Để có được khả năng ấy, thơ không thể chỉ trông cậy vào phương tiện nghĩa của từ, vào những quy tắc của cú pháp thông thường, của tư duy thông thường (có một nhà nghiên cứu văn học đã nói một cách có phần cực đoan: "Thơ là sự viết sai ngữ pháp"). Nó phát huy cao độ tính nhạc của ngôn ngữ và chất say của thơ.

Thơ ngày nay dường như lại muốn phân hóa thành hai phạm trù: phạm trù thơ và phạm trù siêu thơ. Thuộc phạm trù thơ là những thi phẩm hoặc hay hoặc dở, nhưng đều có thể hiểu được, giảng được một cách rành mạch. Còn bước vào phạm trù siêu thơ là bước vào một thế giới khác, thế giới siêu nhiên, siêu thực. Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Nó đi hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức. Cố nhiên sáng tạo ra thứ thơ này phải là những nhân cách vô cùng trung thực, trung thực với mình, trung thực với người. Vì ở đây, ranh giới giữa cái chân thực và sự giả trá thật hết sức mong manh. Đây là thế giới không tuân theo lôgic thông thường, không nói năng bằng cú pháp thông thường. Lời lẽ, chữ nghĩa, hình ảnh như là phi lí, vô nghĩa. Nghĩa đen không có mà nghĩa bóng cũng chỉ cảm thấy mơ hồ. Lá Diêu bông là gì? Có cái gì trên đời này gọi là lá Diêu bông? Vậy thì tìm đâu cho thấy lá Diêu bông! Nhưng chính cái ý nghĩa mơ hồ của nó sao cứ văng vẳng như là tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn và nghe mơ hồ như là tiếng gió: "Gió quê vi vút gọi".

Có phải là linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? Có phải là linh hồn của thôn nữ ngày xưa, của những cô Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xúy Vân đến chết vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay là chính linh hồn ta đó, hòa cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tiếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió:

Diêu bông hời... ới diêu bông.

Vâng, tôi gọi thế là phạm trù siêu thơ.

Vinh dự thay cho thi sĩ Hoàng Cầm, trong cuộc đời sáng tác hơn nửa thế kỉ của mình, đã tạo ra được một vài bài thơ như thế.

Trong tình hình thơ hiện nay, hình như không riêng gì Hoàng Cầm, nhiều cây bút khác cũng đang muốn đi theo hướng thơ "phi lí" hay gọi là siêu thơ nói trên.

Nhưng chính trên lối đi này, người làm thơ đã tự đặt mình vào một tình thế cheo leo, chông chênh nơi ranh giới giữa thơ và cái không thơ, giữa cái phi lí như là tiếng nói của vô thức và cái phi lí chỉ để mà phi lí, hay nói đúng hơn, để che giấu một nội dung trống rỗng hay lóp lép.

Nhưng phân biệt được điều đó đâu có dễ. Người đọc, bao gồm cả người viết phê bình đang đứng trước cuộc biến động và phân hóa dữ dội của thị hiếu, không tránh khỏi bối rối trước dòng thơ "bí hiểm" kia. Một số người lại hay cộng thêm vào cho thơ nhiều yếu tố tâm lí chủ quan và nhất thời của mình. Vì thế nhiều khi cần phải đến một khoảng cách thời gian đáng kể mới nhận ra được.

Đồng Xa, một ngày mưa, 5 - 6 - 1989

 


 


(*) Nguyễn Đăng Mạnh (sinh năm 1930): Nhà nghiên cứu văn học, quê Hà Nội, Giáo sư trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện sống tại Tp Hồ Chí Minh.

Nguồn: Phê bình, bình luận văn học, Nxb văn nghệ - Tp Hồ Chí Minh, 1998.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530621

Hôm nay

2181

Hôm qua

2312

Tuần này

2790

Tháng này

217317

Tháng qua

0

Tất cả

114530621