Nhìn ra thế giới

Sau khi Crimea "được"/"bị" sáp nhập

Cũng là thể bị động nhưng làn ranh giữa “được” và “bị” thật khác nhau. Dù sao mặc lòng, tự do-dân chủ đâu phải là “bữa trưa miễn phí”. Thoát được sự kềm kẹp của “đại quốc” mà không giác ngộ được lợi ích dân tộc, đi đến đồng thuận quốc gia, đặc biệt không thấu hiểu bàn cờ thế giới, tương lai dân tộc vẫn có thể bị đánh cắp như thường.

Ngày 24/3, trong khuôn khổ hoạt động tại Thượng đỉnh lần thứ ba về an ninh hạt nhận ở La Haye (NSS-3), trả lời phỏng vấn báo "Folkskrant" (Hà Lan), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những lời lẽ khá cứng rắn với Nga. Ông Obama khẳng định, trong trường hợp tình hình tiếp tục căng thẳng, Mỹ sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Ông cảnh báo, Nga cần phải hiểu những hậu quả kinh tế và chính trị do các hành động của họ ở Ukraine gây ra. Tổng thống Obama cũng tuyên bố, Mỹ không coi châu Âu là chiến trường giữa Đông và Tây. “Tư duy kiểu này nên vứt bỏ với sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, điều quan trọng là làm sao để Ukraina có quan hệ tốt cả với Hoa Kỳ, Nga lẫn châu Âu”.

Tại NSS-3, tình hình bán đảo Crimea và Ukraine đã phủ bóng lên hội nghị. Đấy là lý do nhân dịp thượng đỉnh ở La Haye, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo các nước EU và NATO. Một hội nghị G7 bất thường được triệu tập để bàn cách tiếp tục cô lập và trừng phạt Nga sau khi ông Putin sáp nhập Crimea vào LB Nga. Theo giới chuyên gia, Ukraine đang rất bất ổn nên nước này càng có ít nguyên liệu hạt nhân càng tốt. Về phần mình, Ukraine đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân theo tinh thần “Bị vong lục Budapest” ký với Anh, Mỹ và Nga năm 1994, trong đó ba cường quốc trên bảo đảm rằng họ sẽ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trước Hội nghị Seoul năm 2012, Ukraine đã trả lại tất cả urani làm giàu cao độ cho Nga và đã thay đổi các lò phản ứng hạt nhân của mình để sử dụng urani làm giàu ở độ thấp.

Góc nhìn quên lãng 

Trong vụ bán đảo Crimea “được” hay “bị” sáp nhập vào Nga, nhiều phân tích gia nhấn mạnh đến việc Matxcơva đã không tôn trọng “Bị vong lục Budapest” nói trên. Theo đó, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina được bảo đảm, một khi nước này chuyển giao số vũ khí hạt nhân cho LB Nga. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận nảy lửa hiện nay, một số chuyên gia “xới lại” vấn đề từ một góc nhìn bị quên lãng: vấn đề an ninh của Nga và cách hành xử của NATO. Họa phúc phải đâu một buổi. Để hiểu được chính sách của Putin tại Ukraine, cần nhớ lại, kể từ năm 1990, NATO đã nhiều lần mở rộng biên cương của mình sang phía đông châu Âu và cũng từng bỏ qua lời hứa trước đây của họ khi Liên Xô (cũ) giao kèo với phương Tây về việc để cho nước Đức thống nhất và gia nhập NATO.

Như vậy, từ nay sẽ không đơn thuần chỉ là câu chuyện về mối bang giao giữa nước Nga (đại quốc) với lân bang Ukraine (môi hở răng lạnh) nữa. Tuy đã qua cái thời “hai phe bốn mâu thuẫn” nhưng vẫn còn đó hai khối với những lợi ích chưa thể dung hòa. Cách đây chưa đầy ba tháng, ông Putin vẫn gọi Ukraine là “đất nước anh em” và sẵn sàng cứu Kiev khỏi vỡ nợ. Lời hứa của ông dành cho người láng giềng lâu năm này 15 tỷ usd viện trợ kèm theo giá dầu và khí đốt ưu đãi dường như đã “cuốn theo chiều gió”. Nay thì 13 ủy viên của HĐBA/LHQ đã bỏ phiếu thông qua (dự thảo) nghị quyết do Washington bảo trợ, coi cuộc trưng cầu dân ý là không có giá trị. Bà đại sứ Mỹ ở LHQ nói Nga có quyền phủ quyết đối với dự thảo nhưng không thể phủ quyết được sự thật. Sự thật là cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành dưới sự có mặt của hàng trăm ngàn binh lính Nga trên bán đảo Crimea.

Không rõ sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý của cuộc sáp nhập, ông Putin có đọc lại cuốn tiểu thuyết giả tưởng – một tác phẩm ông yêu thích –  “Third Empire: the Russia that ought to be” của Michael Yuriev xuất bản năm 2006? (Tạm dịch “Đế chế thứ Ba: nước Nga đúng phải là như thế”). Tiểu thuyết mô tả cách trật tự thế giới được tái thiết vào năm 2054 và các bước tiến hành gần giống những gì đã/đang diễn ra ở Ukraine. Cuốn sách hình dung ra cảnh miền Đông Ukraine nổi loạn chống lại Cách mạng Cam do những người miền Tây khởi xướng và theo yêu cầu của họ, “Vladimir đệ Nhị” đã sáp nhập miền Đông vào một liên minh hình thành từ Liên bang Nga, nhưng bao gồm thêm cả Belarus, Kazakhstan, Turkmenistan, Nam Ossetia và Abkhazia.

Bi kịch tâm thức đế chế

Liên bang Nga ngày nay là Liên Xô (cũ) đã mất hơn phân nửa dân số và một phần tư lãnh thổ. Sau Chiến tranh Lạnh, LB Nga trở lại hình thể địa dư của nước Nga vào thế kỷ 17. Từ khi cầm quyền đến nay, ông Putin muốn khôi phục lại những gì Liên Xô đã mất, nhưng không phải để vãn hồi chế độ Xô-viết, mà là để “phục chế” Ðại Nga. Nước Nga ngày nay kiểm soát Bắc Caucasus nhưng chưa tiến sâu vào được rừng núi và biên địa Gruzia, Armenia, nên vẫn thấy hở sườn. Nga cũng mất nhiều đầu cầu vào Trung Á. Nếu không giành lại Ukraine, Nga lo sợ bị tấn công từ khu vực này. Ðã vậy, cả vùng Baltic với ba nước Estonia, Latvia và Lithuania không những rời khỏi quỹ đạo Nga mà nay còn là tiền đồn của NATO! St. Petersburg của nước Nga muôn thuở và nơi lập thân của Putin, đang nằm dưới tầm hỏa tiễn của NATO.

Bi kịch của tâm thức đế chế chính là ở chỗ bành trướng lãnh thổ hay ảnh hưởng luôn luôn đeo đẳng như một lời nguyền. Tuy nhiên, sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các cường quốc, giữa các châu lục đã giảm thiểu mức độ liều lĩnh do các chấn động của nứt trượt địa-chính trị thế kỷ 21 gây nên. Sáp nhập Crimea vào LB Nga theo cách đang diễn ra có thể khiến đại đa số dân Ukraine sẽ trở nên thù ghét và chống lại nước Nga. Hơn nữa, thái độ mạnh bạo, thiên về chủ nghĩa dân tộc của Mátxcơva sẽ khiến cộng đồng quốc tế khó chấp nhận, thậm chí hết coi trọng Nga. Chuyên gia hàng đầu về Trung Á Martha Brill Olcott (từ Viện Carnegie) chia sẻ, các nền văn hóa lớn hẳn nhiên đều muốn phục hưng, đều có tâm thức đế chế. Nhưng vấn đề là cái giá của việc dùng vũ lực, hay đe dọa vũ lực để bắt các quốc gia khác phải hy sinh cho giấc mộng đế chế của mình là bao nhiêu?

Bản thân là một quốc gia, sống giữa hai đế chế, hai thế giới, Ukraine sở dĩ thống nhất được là nhờ văn hóa, nhưng nguy cơ bị chia cắt lại là do tâm thức đế chế từ các cường bên ngoài. Nước Ukraina mới liệu có giúp xây dựng được một châu Âu mới? Sau châu Âu đầu tiên ra đời hậu thế chiến hai (1945) và châu Âu thứ hai, sau khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), liệu có thể xuất hiện một châu Âu thứ ba, tức là sự mở rộng của hai châu Âu trước, bao gồm cả nước Nga? Câu hỏi dường như có vẻ như chưa đúng thời điểm? Dù khó hình dung chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng cục diện khiến dư luận nhớ lại năm 2008. Mátxcơva đã lấy cớ bảo vệ “Nga kiều”, triển khai tấn công quân sự đối với Gruzia và buộc quân đội nước này phải rút lui khỏi Nam Ossetia. Lần này, ở Ukraine, Putin cũng lấy lý do tương tự, yêu cầu Quốc hội Nga cho phép điều quân tới Ukraine. Mọi chuyện tuy không như cục diện của Gruzia năm xưa, nhưng khúc quanh hiện nay vẫn được các chuyên gia so sánh với tình hình quốc tế sau 11/9/2001.

Khập khiểng vẫn phải so sánh

Có thể chia sẻ với các blogger khi họ lo lắng cho Ukraine. Tương quan lực lượng quá bất lợi cho Kiev, nhưng chính quyền mới Ukraine không có đường lùi. Nhân dân Ucraine đã đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ tham nhũng, hướng đến một chính thể tự do, dân chủ. Bên dưới các chuyển động địa-chính trị, không thể không nói tới khát vọng dân chủ của người dân Ukraine. Sau một tổng thống như Yanukovich thì chỉ cần lãnh đạo lâm thời không ăn cắp và tham nhũng đã là tiến bộ lớn lắm rồi. Cái giá phải trả cho tương lai có thể còn lớn hơn, nhất là khi đối đầu với họ là một “đại quốc” và những phần tử muốn duy trì thể chế cũ trong một Ukraine mới. Máu đã đổ, Crimea đã mất, miền Đông và Nam đất nước gặp nguy hiểm. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhưng con đường phía trước không thể khác.

Đừng quên là ngay từ khi giành độc lập vào năm 1991, Ukraine đã “mở cửa” hướng về phương Tây nhằm đối trọng lại ảnh hưởng của Nga. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Ukraine đã kiến tạo được quan hệ “đối tác chiến lược” với Mỹ, đồng thời ký thỏa thuận đối tác và hợp tác với EU (Giá như EU đã hành động mau lẹ hơn!) Kiev cũng là thành viên đầu tiên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) gia nhập “chương trình đối tác hòa bình” của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức bắt tay hợp tác với NATO. Nhưng đối với Tổng thống Nga Putin, Ukraine lại là một trong những thành viên không thể thiếu trong kế hoạch "Liên minh Âu-Á" mà ông muốn xây dựng. Ukraine từng là "cái nôi của văn minh Nga", vì thế, mối liên hệ nhiều mặt giữa hai nước khó dứt bỏ trong phút chốc.

Nếu Kiev đi hẳn với Brussels (EU), ông Putin khó có thể hoàn thành giấc mộng "Liên minh Âu-Á", khôi phục vị thế của Nga tại khu vực này. Ukraine là lá chắn cuối cùng ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây sẽ không còn nữa. Trong khi đó Ukraine và châu Âu cũng từng có lịch sử và nguồn gốc văn hóa rất sâu sắc, đặc biệt là khu vực miền Tây Ukraine; vài trăm năm trước mốc 1945 từng là một phần của văn minh châu Âu. Vì thế, EU khó chấp nhận các hành vi lấn lướt quá đà của Nga đối với Ukraine, điều sẽ bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế, là thách thức đối với trật tự thế giới được hình thành trong không gian “hậu xô-viết”. Trở thành con “chốt” trên một bàn cờ lớn như thế, Ukraine khó làm chủ được toàn bộ tiến trình trong khi khủng hoảng còn tiếp diễn theo các chiều hướng khác nhau.

Quyền lực thông minh?

Cho đến nay phải thừa nhận vấn đề Crimea là sự đã rồi (fait accompli!) Ngay cả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 thực tế cũng chỉ là động thái mang tính biểu tượng. Theo các chuyên gia từ Tạp chí “Forbes”, Thủ tướng tạm quyền Ukraiune Yatsenyuk sẽ phải tuân thủ các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tức là sẽ áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” giống mô hình Hy Lạp (tăng thuế, giảm việc làm, giữ lãi suất cao và phá giá tiền tệ). Đối với hoàn cảnh của Ukraine, “thắt lưng buộc bụng” là con đường dẫn tới thảm họa. Mà lúc này, Ukraine đang đi trên con đường ấy. Nếu thật sự mong muốn điều tốt lành cho Ukraine, nên ưu tiên vào các gói viện trợ kinh tế. Nhưng nếu không có sự tham gia của nước Nga, việc hỗ trợ Ukraine sẽ hết sức nan giải, thậm chí là bất khả.

Tam giác quyền lực Nga-Crimea-Ukraine từ nay càng đặc biệt hơn. Mối quan hệ này cần được xử lý một cách thận trọng và kiên nhẫn. Ngày 17/3, sau khi có kết quả về cuộc bỏ phiếu, ông Putin và ông Obama đã lại điện đàm với nhau (lần thứ ba từ khi có khủng hoảng). Hai vị tổng thống nhất trí, “mặc dù có nhiều bất đồng quan điểm trong việc đánh giá tình hình, nhưng cả hai sẽ phối hợp để tìm kiếm các biện pháp nhằm ổn định tình hình Ukraine”. Vấn đề là làm thế nào để khuyến khích tổ chức thêm các cuộc tư vấn về tương lai của Ukraine để đi đến một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Chiến tranh Lạnh lần thứ hai sẽ không có lợi cho bất cứ ai. Trừng phạt của Mỹ/Tây Âu đối với Nga dù mới chỉ trên lời nói, nhưng đã góp phần đánh tụt thị trường chứng khoán New York, có ngày xuống hơn 230 điểm.

Vậy sức mạnh nào sẽ thúc đẩy hay cản trở sự hợp tác giữa các bên liên quan đến ván bài Ukraine? “Quyền lực cứng” như Nga dền dứ trong cuộc đọ sức “được ăn cả, ngã về không” (zero-sum game) chỉ có tác dụng ngắn hạn. Ông Putin không thể xây dựng một đất nước mà ở đó tất cả dồn cho quốc phòng (như thời xô-viết) chứ không xuất phát từ nhu cầu dân sinh. “Quyền lực mềm” mà cả Nga lẫn châu Âu đều viện dẫn đúng là có sức mạnh ngoại sinh (Ukraine chịu ảnh hưởng của cả Nga lẫn Tây Âu). Nhưng mọi học thuyết về “khu vực ảnh hưởng” trong thời đại toàn cầu hóa đang giảm dần tác dụng. Ngày nay, các “tiểu quốc” có cơ hội tiếp thụ ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh khác nhau, không nhất thiết phải cam chịu thân phân “thuộc quốc” như trước đây. Vậy chỉ còn lại “quyền lực thông minh” (smart power), tức là hợp lực giữa cả “cứng” lẫn “mềm” mới là thượng sách.

  •  

Thoát được kềm kẹp của “đại quốc” mà không giác ngộ được lợi ích dân tộc, đi đến đồng thuận quốc gia, đặc biệt không thấu hiểu bàn cờ thế giới thì tương lai của dân tộc vẫn có thể bị đánh cắp. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, không gian rộng hay hẹp để các nước vừa và nhỏ có thể tìm cho mình một lối đi phù hợp như hàng loạt các quốc gia mới ra đời sau Chiến tranh Lạnh đã thử nghiệm (cả thành công lẫn thất bại), tùy thuộc vào tầm nhìn lẫn sức hút của lãnh đạo quốc gia. Đây chính là cội nguồn của “quyền lực thông minh”. Nhân dân nào thì chính quyền ấy! Đấy không phải là sáo ngữ. Đấy là một trong nhiều đúc kết từ “con đường đau khổ” mà các nước, kể cả Á, Âu hay Mỹ-Latinh, đang trải qua. Diễn tiến ở Ukraine cũng như làn sóng biểu tình đang tràn dâng trên các châu lục cho thấy “tự do, dân chủ không phải là bữa trưa miễn phí”./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530652

Hôm nay

2212

Hôm qua

2312

Tuần này

2821

Tháng này

217348

Tháng qua

0

Tất cả

114530652