Những góc nhìn Văn hoá

Thư gửi chính phủ Liên Xô

Lời người dịch: Mikhail Bulgacov (15/5/1891 – 12/3/1940) là một trong những nhà văn lớn nhất và kì bí nhất của nước Nga, sinh thời bị truy bức nặng nề nhưng vẫn giữ vững nhân cách và quan điểm nghệ thuật của mình.

Sau nhiều năm sách bị cấm in, kịch bị cấm diễn, người quen xa lánh, hết tiền, thất nghiệp, ông gửi tới Stalin và Chính phủ Xô Viết hai lá th­ư, dưới đây là một trong hai lá thư đó, đề ngày 28/3/1930.

 
***
 
 
Moskva, 28 tháng 3 năm 1930.
 
Tôi là Mikhail Aphanasevich Bulgakov
(Moskva, phố Bolsaia Pirogorskaia, nhà 35a, phòng 6).
 
Tôi xin gửi lên Chính phủ Liên Xô bức thư sau:
 
 
1
 
Sau khi toàn bộ các tác phẩm của tôi bị cấm, nhiều công dân biết tôi là một nhà văn đã lên tiếng cho tôi cùng một lời khuyên như sau:
Viết một “vở kịch cộng sản” (tôi để những đoạn trích trong ngoặc kép), và ngoài ra, gửi lên Chính phủ Liên Xô một bức thư hối lỗi, trong đó bày tỏ việc từ bỏ những quan điểm trước đây của tôi được thể hiện trong các tác phẩm văn học của tôi, và hứa rằng từ nay sẽ làm việc như một nhà văn đồng hành(1)trung thành với lí tưởng cộng sản.
Mục đích: tự cứu mình thoát khỏi những vùi dập, đói khổ và cuối cùng là cái chết tất yếu.
Tôi đã không nghe theo lời khuyên đó. Chắc gì tôi đã cải thiện được vị thế của mình trong con mắt Chính phủ Liên Xô sau khi viết một bức thư dối trá và thể hiện cú nhào lộn chính trị dơ dáy và ngây thơ như vậy. Còn vở kịch cộng sản thì tôi cũng không thử viết, bởi vì tôi biết trước rằng sẽ không thành.
Cái khao khát đã đến độ trong tôi muốn chấm dứt những đau khổ của người viết văn buộc tôi gửi lên Chính phủ Liên Xô một lá thư trung thực.
 
 
2
 
Trong khi phân tích những bài báo được lưu trữ trong hồ sơ của tôi, tôi phát hiện ra qua mười năm hoạt động văn học của tôi trên báo chí Liên Xô đã có 301 bài viết về tôi, trong đó có ba bài khen, còn số bài thù địch chửi rủa là 298.
298 bài báo này là tấm gương phản chiếu cuộc đời viết văn của tôi.
Trong một bài thơ đăng báo người ta gọi Aleksei Turbin, nhân vật vở kịch Những ngày của anh em Turbin của tôi, là“ĐỒ CHÓ ĐẺ”(2) một kẻ bị ám ảnh bởi cái “THỜI MỤC NÁT CHÓ MÁ”. Người ta viết về tôi như một gã DỌN BÀN đi nhặt nhạnh những thứ cơm thừa canh cặn sau khi cả tá khách ăn đã NÔN MỬA ra đấy.,còn tác giả của vở kịch được giới thiệu như Người ta viết rằng:
“MISKA Bulgakov ông bạn vàng của tôi, XIN LỖI VỀ CÁCH DIỄN ĐẠT, CŨNG LÀ NHÀ VĂN KIA ĐẤY, lục lọi TRONG ĐỐNG RÁC THỐI RỮA... Gì thế này, tôi hỏi, người anh em, CÁI MÕM của anh... Tôi là người tế nhị, cứ VÁC CHẬU MÀ KHỤC VÀO GÁY HẮN... Không có lũ Turbin bọn phàm tục đâu cần đến chúng ta cũng như CHÓ CÁI CẦN GÌ ĐẾN NỊT VÚ. Tòi đâu ra, ĐỒ CHÓ ĐẺ, TÒI ĐÂU RA MỘT GÃ TURBIN, cầu cho gã TRƠ KHẤC CẢ TIẾNG LẪN MIẾNG. (Sinh hoạt NGHỆ THUẬT, số 44 năm 1927).(3)
Người ta viết: “Về Bulgakov, kẻ trước sau vẫn là một QUÁI THAI TƯ SẢN MỚI, phun nước bọt tẩm thuốc độc nhưng vô tác dụng lên giai cấp công nhân và lí tưởng cộng sản của họ (báo Sự thật Đoàn thanh niên cộng sản, ngày 14 tháng 10 năm 1920).
Người ta thông báo rằng tôi thích KHÔNG KHÍ ĐÁM CƯỚI CHÓ MÁ xung quanh bà vợ tóc hung nào đó của một người bạn (A. Lunatrarski(4), báo Tin tức, ngày 8 tháng 10 năm 1926), và rằng từ vở kịch của tôi Những ngày của anh em Turbin BỐC MÙI THỐI (Biên bản cuộc họp Ban tuyên huấn vào tháng Năm năm 1927), và vv..., và vv...
Xin thông báo ngay, tôi trích dẫn không phải để kêu ca các nhà phê bình hay để khơi ra một cuộc tranh luận nào đó. Mục đích của tôi nghiêm túc hơn nhiều.
Tôi xin chứng minh bằng các tư liệu có trong tay rằng toàn bộ báo chí Liên Xô, và cùng với báo chí là tất cả các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát các chương trình biểu diễn, trong suốt những năm hoạt động văn học của tôi đều nhất trí với một sự HUNG HÃN KHÁC THƯỜNG chứng minh rằng các tác phẩm của Mikhail Bulgakov không thể tồn tại được ở Liên Xô.
Và tôi tuyên bố rằng báo chí Liên Xô HOÀN TOÀN ĐÚNG.
 
 
3
 
Điểm xuất phát của bức thư này đối với tôi là tác phẩm đả kích(5)của tôi, vở kịch Đảo thắm(6).
Toàn bộ giới phê bình Liên Xô, không trừ một ai, đều tuyên bố rằng nó “bất tài, bất lực, nghèo nàn” và rằng nó là một “tác phẩm bôi nhọ cách mạng”. Một sự nhất trí hoàn toàn, nhưng nó bị phá vỡ một cách bất ngờ và hết sức đáng ngạc nhiên.
Trong số 12 của Thông tin biểu diễn (năm 1928) xuất hiện một bài điểm tin của P. Noviski, trong đó thông báo rằng Đảo thắm là một “vở kịch trào phúng hay và sắc sảo”, trong đó hiện lên bóng dáng đáng sợ của một Đại pháp quan bóp nghẹt sự sáng tạo nghệ thuật và cổ xuý những KHUÔN MẪU KỊCH BẢN NÔ LỆ, PHI LÍ MỘT CÁCH XU NỊNH, xóa bỏ cá tính của người diễn viên và nhà văn, rằng Đảo thắm nói về một thế lực đen tối, đáng sợ nhào nặn nên những kẻ NÔ BỘC, XU NỊNH VÀ TÂNG BỐC...
Trong bài nói rằng “nếu thế lực đen tối đó đang tồn tại thì SỰ PHẪN NỘ VÀ CHÂM CHỌC ĐỘC ĐỊA CỦA NhÀ VIẾT KỊCH ĐƯỢC GIỚI TƯ SẢN CA NGỢI LÀ CÓ CƠ SỞ”
Xin dám hỏi: chân lí ở đâu?
Rốt cuộc thì Đảo thắm là cái gì? Là “vở kịch bất tài, nghèo nàn” hay một “tác phẩm đả kích sắc sảo”?
Chân lí ở trong bài báo của Noviski.
Tôi không tự đánh giá vở kịch của tôi sắc sảo đến đâu, nhưng tôi thừa nhận rằng trong vở kịch quả hiện lên một bóng dáng đáng sợ, và đó là bóng dáng của Ủy ban Biểu diễn. Chính Ủy ban này đã đào tạo nên những kẻ nô bộc, tâng bốc và những kẻ nịnh bợ nơm nớp lo sợ. Chính nó giết chết các tư tưởng sáng tạo. Nó đang giết và sẽ giết chết nền kịch Xô Viết.
Tôi không nói thầm trong các xó xỉnh những suy nghĩ trên. Tôi đưa chúng vào vở kịch châm biếm và dựng nó trên sân khấu. Báo chí Xô Viết bênh vực Ủy ban Biểu diễn, viết rằng Đảo thắm là một vở kịch vu khống(7)cách mạng. Đó là lời lẽ thiếu nghiêm túc của trẻ con. Trong vở kịch không có sự vu khống cách mạng vì nhiều nguyên nhân, do thiếu chỗ tôi chỉ xin nêu lên một trong số đó: KHÔNG THỂ vu khống được cách mạng vì cách mạng quá sức lớn lao. Tác phẩm đả kích không phải là sự vu khống, và Ủy ban Biểu diễn không phải là cách mạng.
Nhưng khi báo Đức viết rằng Đảo thắm là lời kêu gọi tự do báo chí đầu tiên ở Liên Xô (Cận vệ trẻ, số 1 năm 1929), thì họ viết đúng. Tôi thừa nhận điều đó. Đấu tranh với kiểm duyệt, dù nó là như thế nào và tồn tại dưới chính quyền nào, là nghĩa vụ nhà văn của tôi, cũng như kêu gọi tự do ngôn luận. Tôi là người ủng hộ nhiệt thành sự tự do đó và thiết nghĩ nếu có ai trong số các nhà văn định chứng minh rằng nó không cần cho anh ta, thì anh ta chẳng khác gì một con cá công khai tuyên bố rằng nó không cần nước vậy.
 
 
4
 
Đó là một trong những đặc điểm của sáng tác của tôi, và chỉ một mình nó cũng đã hoàn toàn đủ để các tác phẩm của tôi không tồn tại được ở Liên Xô. Nhưng gắn liền với đặc điểm thứ nhất này là tất cả những đặc điểm còn lại được thể hiện trong các tác phẩm trào phúng của tôi: những sắc thái đen tối và thần bí (tôi là MỘT NHÀ VĂN THẦN BÍ) mà tôi dùng để mô tả vô số những điều quái dị trong cuộc sống của chúng ta, cái chất độc địa trong ngôn ngữ của tôi, thái độ hoài nghi sâu sắc đối với quá trình cách mạng diễn ra trong đất nước lạc hậu của tôi và việc đem đối lập nó với sự Tiến Hóa Vĩ Đại mà tôi ngưỡng mộ, và cái quan trọng nhất là sự mô tả những đặc điểm đáng sợ của nhân dân tôi, những đặc điểm mà từ rất lâu trước cách mạng đã gây ra những đau khổ khôn tả cho người thày của tôi là M. E. Saltưkov - Sedrin(8).
Khỏi cần nói rằng báo chí Liên Xô không nghĩ đến việc chỉ ra một cách nghiêm túc tất cả những cái đó, mà chỉ lo đưa ra những thông báo thiếu sức thuyết phục rằng văn trào phúng của M. Bulgakov là “SỰ VU KHỐNG”.
Chỉ một lần, khi tôi mới bắt đầu nổi tiếng, có người đã nhận xét với vẻ ngạc nhiên trịch thượng:
“M. Bulgakov ĐANG MUỐN trở thành một nhà văn trào phúng của thời đại chúng ta” (Phát hành sách, số 6 năm 1925).
Than ôi, động từ “muốn” đặt ở thời hiện tại là vô ích. Phải đưa nó về thời quá khứ hoàn thành: M. Bulgakov ĐÃ TRỞ THÀNH NHÀ VĂN TRÀO PHÚNG, và đúng vào lúc mà không một thứ văn trào phúng thực sự nào (dám xâm nhập vào các vùng cấm) lại có thể được tồn tại ở Liên Xô.
Không phải tôi là người có vinh hạnh nói lên cái ý tưởng hình sự đó trên báo chí. Nó được thể hiện hết sức rõ ràng trong bài báo của V. Blium (số 6, Báo Văn học), và ý tưởng của bài báo đó được tóm lược một cách xuất sắc và chính xác vào một công thức sau:
BẤT KÌ NHÀ VĂN TRÀO PHÚNG NÀO Ở LIÊN XÔ ĐỀU MƯU HẠI CHẾ ĐỘ XÔ VIẾT.
Vậy tôi có thể tồn tại được ở Liên Xô hay không?
 
 
5
 
Và cuối cùng, những đặc điểm sau chót của tôi trong các vở kịch đã bị giết chết như Những ngày của anh em Turbin, Chạy trốn Bạch vệ là: kiên trì mô tả giới trí thức Nga như tầng lớp ưu tú nhất ở đất nước chúng ta. Cụ thể, mô tả gia đình trí thức - quý tộc bị số phận lịch sử nghiệt ngã ném sang phe Bạch vệ trong những năm nội chiến, theo truyền thống của Chiến tranh và hòa bình. Sự mô tả như vậy là hoàn toàn tự nhiên đối với một nhà văn gắn bó máu thịt với giới trí thức.
Nhưng những sự mô tả như thế dẫn đến hậu quả là tác giả của chúng ở Liên Xô, cùng với các nhân vật của mình, bị gán cho - bất chấp những cố gắng to lớn ĐỨNG TRÊN CẢ PHE ĐỎ LẪN PHE TRẮNG MỘT CÁCH VÔ TƯ - cái danh hiệu bạch vệ thù địch, và với danh hiệu đó thì, như ai cũng hiểu, có thể coi mình là kẻ bỏ đi ở Liên Xô.
 
 
6
 
Chân dung văn học của tôi đã hoàn tất, và đó cũng là chân dung chính trị. Tôi không thể nói có thể tìm thấy ở đó một tội phạm nặng đến mức nào, nhưng tôi xin đề nghị một điều: không đi tìm một cái gì ở ngoài chân dung đó. Nó được dựng lên hoàn toàn trung thực.
 
 
7
 
Hiện nay tôi đã bị hủy diệt.
Sự hủy diệt đó được dư luận xã hội Xô Viết đón nhận hết sức vui mừng và được gọi là THÀNH TỰU.
R. Pikel, khi nói về sự hủy diệt đó (báo Tin tức, ngày 15 tháng 9 năm 1929), đã phát biểu một ý tưởng đầy bao dung như sau:
“Bằng điều đó chúng ta không muốn nói rằng tên của Bulgakov đã bị gạch khỏi danh sách các nhà viết kịch Xô Viết”.
Và an ủi nhà văn bị cắt cổ rằng đây là “chỉ nói về những tác phẩm kịch quá khứ của anh ta”.
Nhưng cuộc sống, mà đại diện là Ủy ban Biểu diễn, đã chứng minh rằng sự bao dung của R. Pikel là không có cơ sở nào cả.
Ngày 18 tháng 3 năm 1930, tôi nhận được công văn của Ủy ban Biểu diễn thông báo một cách ngắn gọn rằng kịch bản Sự nô dịch của những kẻ đạo đức giả (Molier), một vở kịch không phải quá khứ mà là mới viết của tôi, KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TRÌNH DIỄN.
Nói tóm lại, bằng hai dòng chữ của tờ công văn đã chôn vùi công sức làm việc ở các kho sách, trí tưởng tượng của tôi, kịch bản được các chuyên gia sân khấu hàng đầu đánh giá là một tác phẩm xuất sắc.
R. Pikel đã lầm. Đã bị giết chết không chỉ các tác phẩm quá khứ, mà cả những vở kịch hiện tại và tất cả những vở kịch tương lai của tôi. Và tự tay tôi, tôi đã ném vào lò sưởi một tập bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về quỷ sứ, một tập bản thảo hài kịch và phần đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi - Tiểu thuyết sân khấu(9).
Tất cả các tác phẩm của tôi đều vô vọng.
 
 
8
 
Tôi đề nghị Chính phủ Xô Viết lưu ý rằng tôi không phải là một nhà hoạt động chính trị, mà là một nhà văn, toàn bộ sản phẩm của tôi, tôi đã trao cho sân khấu Xô Viết.
Tôi đề nghị lưu ý đến hai nhận xét sau đây về tôi trên báo chí Xô Viết.
Cả hai đều thuộc về những kẻ thù không khoan nhượng đối với các tác phẩm của tôi, và vì vậy, chúng rất có giá trị.
Năm 1925 có người viết:
“Xuất hiện một nhà văn thậm chí không khoác áo kẻ đồng hành” (L. Averbakh, báo Tin tức, ngày 20 tháng 9 năm 1925).
Và năm 1929:
“Tài năng của anh ta cũng hiển nhiên như tính phản động xã hội trong sáng tác của anh ta”. (R. Pikel, báo Tin tức, ngày 15 tháng 9 năm 1929).
Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa là bị chôn sống.
 
 
9
 
TÔI ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ LIÊN XÔ RA LỆNH CHO TÔI KHẨN CẤP RỜI BỎ LÃNH THỔ LIÊN XÔ CÙNG VỚI VỢ TÔI LÀ LIUBOV EVGHENIEVNA BULGAKOVA(10).
 
10
 
Tôi kêu gọi lòng nhân đạo của chính quyền Xô Viết và đại lượng cho phép tôi, một nhà văn không thể có ích ở trong nước, được tự do.
 
 
11
 
Nếu như tất cả những gì tôi đã viết không đủ sức thuyết phục và tôi phải chung thân im lặng ở Liên Xô, tôi đề nghị Chính phủ Xô Viết cho tôi việc làm theo chuyên môn và giới thiệu tôi vào làm việc ở nhà hát với tư cách đạo diễn trong biên chế.
Tôi cố tình nhấn mạnh lời đề nghị về một MỆNH LỆNH DỨT KHOÁT, về SỰ GIỚI THIỆU, vì rằng tất cả những cố gắng của tôi tìm việc làm trong cái lĩnh vực duy nhất mà tôi có thể có ích cho Liên Xô như một chuyên gia đặc biệt lành nghề đều đã thất bại hoàn toàn. Tên tuổi của tôi đã bị làm cho vấy bẩn đến mức những lời đề nghị hợp tác từ phía tôi đều khiến mọi người hoảng sợ, mặc dù ở Moskva rất nhiều diễn viên và đạo diễn, và cùng với họ là các giám đốc nhà hát, đều biết rất rõ sự am hiểu sân khấu hoàn hảo của tôi.
Tôi đề nghị Liên Xô chấp nhận một chuyên gia đạo diễn và diễn viên hoàn toàn trung thực, không hề có một ý đồ phá hoại nào, sẵn sàng dựng một cách tử tế bất kì vở kịch nào, từ kịch của Shakespeare đến kịch của những tác giả hiện đại.
Tôi đề nghị bổ nhiệm tôi làm đạo diễn thử nghiệm ở Nhà hát Nghệ thuật số Một, trường học tốt nhất do các bậc thầy K. S. Stanislavski và V. I. Nemirovich-Dantrenko(11)lãnh đạo.
Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu.
Nếu cả điều đó cũng không thể được, tôi xin Chính phủ Xô Viết xử trí tôi như Chính phủ thấy cần thiết, nhưng hãy xử trí như thế nào đó, bởi vì đối với tôi, một nhà viết kịch đã có năm vở kịch, nổi tiếng ở Liên Xô và nước ngoài, ngay trước mắt, VÀO THỜI ĐIỂM NÀY, là đói rách, bị vứt ra đường phố, và chết.
M. BULGAKOV
 
(ĐOÀN TỬ HUYẾN dịch từ nguyên tác tiếng Nga)
 


(1)... Nhà văn đồng hành: chỉ những nhà văn không phải xuất thân giai cấp vô sản, nhưng sau cách mạng hoặc tự nguyện hoặc buộc phải đi cùng (đồng hành) với giai cấp vô sản..
(2)Viết hoa trong nguyên bản.
(3)Miska: Cách gọi thân mật hoặc suồng sã tên Mikhail của Bulgakov..
(4)A. Lunatrarski (187-1935): nhà văn, nhà lý luận, bộ trưởng Giáo dục từ năm 1917.
(5)Tác phẩm đả kích: nguyên tác là памфлет, các từ điển tiếng Việt dịch là Tác phẩm đả kích, có lẽ chưa thật chuẩn.
(6)Nguyên tác tiếng Nga: Багровый остров.
(7)Vu khống: tiếng Nga là пасквиль, từ điển dịch là văn nhục mạ, văn vu khống.
(8)Saltưkov - Sedrin (1826-1889): nhà văn trào phúng Nga, cùng với N. Gogol được Bulgakov coi là thầy của mình.
(9)Tức là tiểu thuyết Nghệ Nhân và Margarita, kịch bản Niềm khoái lạcTiểu thuyết sân khấu.
(10)Liubov Evghenievna Bulgakova: người vợ thứ hai của Bulgakov, năm 1930 ông sống với bà này, khi đó chưa gặp Elena Sergeievna là người vợ cuối cùng.
(11)Stanislavski (1863-1938), Nemirovich - Dantrenko (1858-1943):các đạo diễn cách tân vĩ đại Nga.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530621

Hôm nay

2181

Hôm qua

2312

Tuần này

2790

Tháng này

217317

Tháng qua

0

Tất cả

114530621