Nhìn ra thế giới

Trung Quốc chưa có giải Nobel là do giáo dục lạc hậu

 Từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, đã bao nhiêu năm người Trung Quốc ngóng chờ tin mừng công dân nước họ được vinh dự tặng giải Nobel, nhưng tin vui ấy mãi vẫn chưa đến. Điều đó làm họ vô cùng ngán ngẩm, tủi hổ. Một nước chiếm 1/6 số dân toàn thế giới, cường quốc kinh tế số 2 toàn cầu mà chưa có ai được tặng giải Nobel hoặc giải Fields (còn gọi giải Nobel Toán học) thì thật khó coi. Mỗi mùa giải Nobel, người Trung Quốc chỉ còn biết tranh cãi om xòm với nhau xem tại sao họ phải chịu số phận hẩm hiu như vậy.

Rõ ràng, không phải vì chủng tộc họ thiếu thông minh. Chứng cớ: kể từ ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (1949) tới nay đã có 11 người Hoa đoạt giải Nobel gồm 8 giải Khoa học – Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh, Đinh Triệu Trung, Lý Viễn Triết, Chu Khang Văn, Thôi Kỳ, Tiền Vĩnh Kiện, Cao Côn, và 3 giải khác gồm 2 giải Hòa bình của Đạt Lai, Lưu Hiểu Ba và 1 giải Văn của Cao Hành Kiện, nhưng do “có vấn đề chính trị” nên 3 vị này chưa được chính phủ Trung Quốc thừa nhận.

Qua lý lịch chủ nhân 8 giải Nobel người Hoa được Trung Quốc thừa nhận, có thể thấy: thứ nhất, họ đều không có quốc tịch Trung Quốc; thứ hai, họ chưa từng hưởng sự giáo dục ở Trung Quốc, hoặc nếu có thì cũng là giáo dục từ trước khi nước CHND Trung Hoa ra đời.

Từ đây suy ra: sở dĩ người Trung Quốc chưa thể đoạt giải Nobel, ngoài môi trường xã hội ra, nguyên nhân rõ nhất là cơ chế giáo dục của Trung Quốc có vấn đề.

Cơ chế giáo dục xơ cứng kìm hãm sự phát huy tính sáng tạo

Tuy Trung Quốc đã đạt những thành tựu lớn trong việc phát triển công nghệ vệ tinh, tên lửa, vũ khí hạt nhân... nhưng trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội thì chưa có thành tựu nào sánh được với các chủ nhân giải Nobel; chưa có tác phẩm văn học nào xứng đáng xếp vào cánh rừng văn học thế giới.

Trừ giải Nobel hòa bình ra, các giải Nobel khác đều chú trọng nhất đến tư tưởng và thành quả sáng tạo độc lập và nguyên gốc – đây là mặt yếu nhất của người Trung Quốc. Trong các nhà khoa học và nhà văn lớn lên dưới cơ chế giáo dục và môi trường xã hội Trung Quốc, e rằng chẳng ai có thể ngăn cản được sự xói mòn và tàn phá của môi trường xã hội bên ngoài đối với sức tưởng tượng và tính sáng tạo của họ; bởi lẽ ngay từ khi ra đời, mọi người đã bị trói tay chân và trói tư tưởng bằng một lý do cao cả nào đấy – đây là cái việc cơ chế giáo dục và môi trường xã hội Trung Quốc làm được “thành công” nhất.

Ngành Giáo dục Trung Quốc tuy đã có những thành tựu đáng khẳng định, nhưng về cơ chế giáo dục thì bao năm qua vẫn như cũ. Phương châm giáo dục sao chép từ Liên Xô và nội dung giáo trình của phương Tây đã bị cắt xén dẫn tới tình trạng nền giáo dục hiện nay chẳng đâu vào đâu. Có học giả Trung Quốc nói thẳng là nền giáo dục Trung Quốc vô vị nhất thế giới; tư tưởng, phương thức và nội dung giáo dục cho học sinh hoàn toàn đi ngược bản chất của giáo dục.

Giáo sư Ngô Hữu Thọ, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc nói: nhân tố chính ngăn cản chúng ta giành được giải Nobel là các nhà khoa học của ta thiếu tinh thần sáng tạo cái mới; các nhà hoạch định chính sách lại càng thiếu tính sáng tạo. Đây là lỗi của cơ chế giáo dục hiện hành tại Trung Quốc. Ta lấy tỷ lệ học sinh thi đỗ làm tiêu chuẩn chính để đánh giá trình độ nhà trường; trọng tâm mọi công tác của trường học đều nhằm vào nâng cao tỷ lệ học sinh thi đỗ và lên lớp; dù thày hay trò đều điên cuồng theo đuổi mục tiêu nâng cao thành tích thi; lối học thuộc lòng kiến thức trở thành phép màu để đạt điểm cao. Cho dù học sinh Trung Quốc liên tiếp giành thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, nhưng đấy chỉ là kết quả sự tập dượt làm thật nhiều bài tập khó mà thôi, thực ra không hề nâng cao được chút nào tư duy sáng tạo của các em, không hình thành tinh thần sáng tạo.

Khưu Thành Đồng, người Mỹ gốc Hoa đoạt giải Fields Toán học, cách đây ít lâu phát biểu tại ĐH Thanh Hoa: thi Olympic toán không đào tạo được nhà toán học lớn; ông không tán thành Trung Quốc dùng hình thức này để đào tạo học sinh; thực tế cho thấy hầu hết học sinh Trung Quốc đạt huy chương vàng thi Olympic toán quốc tế hiện làm nghiên cứu sinh ở chỗ ông đều không đạt yêu cầu, ông phải đào tạo lại.

Tại Trung Quốc, thế giới người lớn thu xếp xong hầu hết mọi việc cho trẻ em kể từ ngày chúng lọt lòng mẹ. Gia đình, nhà trường và xã hội chẳng những “bao cấp” mọi chuyện ăn mặc ở đi lại, lại càng “bao cấp” cả tư tưởng của chúng – đứng trước mọi vấn đề sẽ gặp phải, chúng rất ít khi cần tự động não tìm cách giải quyết, mà chỉ cần dựa theo sự thu xếp sẵn có của thế giới người lớn mà xử lý là xong. Ngoài ra thế giới người lớn còn chuẩn bị sẵn cho chúng một chân lý duy nhất đúng đắn vĩnh hằng, nhiệm vụ của chúng là bị động tiếp nhận chân lý đó và truyền lại cho đời sau hết thế hệ này đến thế hệ khác. Một số học sinh phổ thông tham gia tranh luận về giải Nobel cũng nói chúng em học toán lý hóa là để thi đỗ đại học; học đại học là để kiếm việc làm, kiếm tiền, để làm cán bộ, chẳng ai nuôi chí suốt đời làm nghiên cứu sáng tạo KHKT; như thế thì sao có giải Nobel được.

Học sinh Trung Quốc từ bé đã không được đào tạo năng lực tư duy độc lập; từ tiểu học tới đại học, cái gọi là triết học và trí tuệ đều không được thực sự coi trọng; dưới cơ chế giáo dục mâu thuẫn, học sinh bị nhồi nhét nhiều nội dung hão huyền. Hiện nay đã phát hiện một số sự tích “nhân vật anh hùng” trong sách giáo khoa là bịa đặt (kiểu Lê Văn Tám của Việt Nam), nhằm dạy lũ trẻ mù quáng noi theo các tấm gương đó. Toàn bộ hệ thống giáo dục chưa có nhân sinh quan, giá trị quan, thế giới quan đứng đắn, khiến trẻ em càng học càng mơ hồ, không có niềm tin, không có mục tiêu theo đuổi.

Do khâu đào tạo bậc đại học có vấn đề mà khoa học Trung Quốc lạc hậu. Cơ chế quan liêu trong các trường ĐH đã bóp chết mọi nhân tài có tính sáng tạo. Phần lớn cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong trường ĐH và cơ quan nghiên cứu khoa học hiện nay là những người thích làm quan chức và làm học phiệt (học giả có thế lực chuyên tìm cách đàn áp các tư tưởng học thuật khác mình, nhằm nắm quyền chi phối về học thuật). Đối với họ, làm quan kiếm tiền là trên hết; kiến thức học vấn là thứ yếu. Người thực sự làm khoa học đã ít lại càng ít; nếu có thì cũng chẳng có không gian phát triển. Đạo đức của giới cán bộ khoa học ngày một xuống cấp. Mới đây chinanews.com.cn đưa tin một vị cựu phó Hiệu trưởng ĐH Bắc Kinh nói không ít giáo sư đại học lợi dụng việc hướng dẫn nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ để giở trò quấy rối tình dục với họ.

ở Trung Quốc, hiện tượng sao chép luận án hoặc kết quả nghiên cứu của người khác rất phổ biến, như thế sao có thể thu được kết quả nghiên cứu giá trị. Cán bộ khoa học kém đạo đức thì sẽ chẳng bao giờ đạt được thành tựu xứng đáng giải Nobel. Nhà khoa học người Hoa Cao Côn (Charles Kuen Kao) ngay từ năm 1966 đã hoàn tất công trình nghiên cứu truyền thông tin ánh sáng bằng sợi cáp quang, sau đó ông cũng chẳng để ý đăng ký sáng chế phát minh, thế mà 40 năm sau ông nghiễm nhiên được trao một nửa giải Nobel Vật lý 2009 – đây là một điển hình về đạo đức khoa học. Mới đây, ngày 13/2/2011, Bộ Khoa học kỹ thuật Trung Quốc ra thông báo chính thức hủy quyết định tặng giải thưởng Tiến bộ Khoa học kỹ thuật nhà nước hạng hai năm 2005 cho nguyên giáo sư Đại học Giao thông Tây An Lý Liên Sinh và những người cùng nhóm, thu hồi Chứng chỉ khen thưởng và truy thu tiền thưởng; lý do là những người này đã sao chép kết quả nghiên cứu của người khác và bịa đặt số liệu hiệu quả kinh tế.

ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa truyền thống

Tại Diễn đàn văn hóa cấp cao 2004 tổ chức ở Bắc Kinh, đồng chủ nhân giải Nobel vật lý 1957 Dương Chấn Ninh (người Mỹ gốc Hoa) từng nói Kinh Dịch ảnh hưởng xấu tới phương thức tư duy của văn hóa Trung Quốc, “ảnh hưởng này là một trong các nguyên nhân quan trọng làm cho khoa học cận đại không thể nảy sinh ở Trung Quốc”. Trong Kinh Dịch chỉ có phương pháp quy nạp mà không có phương pháp suy diễn; mà khoa học thì đòi hỏi phải dùng cả hai phương pháp đó. Mặt khác, Kinh Dịch chủ trương thiên nhân hợp nhất, coi quy luật của trời (thiên nhiên) và quy luật của con người là một; trong khi khoa học đòi hỏi phải tách riêng.

Các mặt tiêu cực của nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, chủ yếu là văn hóa Nho giáo, đã có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng giáo dục Trung Quốc, nhất là việc đào tạo nhân tài sáng tạo.

Tư tưởng Đại nhất thống của văn hóa Nho giáo nhấn mạnh sự thống nhất cao về chính trị và văn hóa của quốc gia; nó có mặt tích cực là nhấn mạnh ý thức tập thể, song lại xóa bỏ ý thức chủ thể của cá nhân và tự do ý chí. ảnh hưởng của tư tưởng Đại nhất thống đối với giáo dục thể hiện ở chỗ thày giáo tự giác hoặc không tự giác chỉ theo đuổi các kết luận có sẵn hoặc các thành phẩm tri thức, có xu hướng nhất nguyên hóa giá trị quan. Thí dụ “Cái gì xảy ra sau khi tuyết tan?”, câu trả lời tiêu chuẩn là “Tuyết tan rồi thì sang xuân”.

Đồng thời Đạo Trung Dung mà văn hóa Nho giáo đề xướng cũng kìm hãm tư duy mới của người Trung Quốc. Trung Dung là nguyên tắc cơ bản trong triết học Khổng Tử, là vũ trụ quan, phương pháp luận và tiêu chuẩn đạo đức được văn hóa Nho giáo ra sức đề cao. Trung Dung lấy hài hòa thống nhất làm tiền đề, cho rằng sự phát triển của con người hoặc sự vật đều nên vừa phải, trong giới hạn thích đáng, không “quá mức” và “bất cập”. ảnh hưởng rõ nhất của tư tưởng này đối với giáo dục là thày giáo chỉ thích học trò ngoan ngoãn vâng lời mà ra sức bài xích các học trò nói năng hoặc có suy nghĩ “ngoài khuôn phép”, đòi hỏi chúng phải “cải tạo” cho hợp khuôn phép. Như thế tuy đã đưa học sinh vào khuôn phép nhưng lại bóp chết năng khiếu của biết bao trẻ em thông minh. Rất tiếc là tới nay nhiều người vẫn chưa nhận thức được tai hại sâu xa của các mặt tiêu cực trong văn hóa truyền thống Trung Quốc đối với việc giáo dục tinh thần sáng tạo KHKT.

Người có tư duy sáng tạo thường nghĩ khác. Tại Mỹ, các cán bộ khoa học đều được khuyến khích phải tư duy theo cách khác người thường, phải dám thách thức mọi giả thiết. Học trò được thầy khuyến khích nghi ngờ các kiến thức có sẵn, đi tìm lời giải mới cho các vấn đề KHKT. Thực tế cho thấy tuy thành tựu giáo dục tiểu học và trung học Mỹ chỉ xếp thứ 28 và 30 trên thế giới, sau cả các nước bán đảo Scandinavia và Trung Âu nhưng người Mỹ lại chiếm tới 70% tổng số giải Nobel, và thành tích này cứ tiếp tục duy trì mãi.

Vậy Trung Quốc còn cách giải Nobel bao xa? Điều này không thể nói trong vài câu mà xong. Học giả Từ Hiểu viết: Nếu không thay đổi phương pháp giáo dục đối phó với thi cử, nếu không từ bỏ các ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa truyền thống đối với giáo dục, nếu ngành giáo dục cứ áp dụng cách làm của nền kinh tế kế hoạch thì chúng ta khó lòng rút ngắn được khoảng cách tới giải Nobel.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528778

Hôm nay

2159

Hôm qua

2275

Tuần này

21051

Tháng này

215474

Tháng qua

0

Tất cả

114528778