Tôi đang nhìn quanh để tìm chỗ thì có tiếng gọi đúng tên mình. Tôi nhìn về phía tiếng gọi, mừng quýnh lên, Thầy Trần Quốc Nghệ! Mấy năm rồi không gặp Thầy! Thầy Nghệ là thầy giáo tôi, nhưng là bà con bên ngoại của tôi, đứng về phía họ hàng thì tôi gọi thầy bằng anh, nhưng vì tuổi tác chênh lệch, hơn nữa lại là thầy, nên không bao giờ tôi gọi “anh”, mà chỉ gọi Thầy và tự xưng “em”. Thầy kéo tôi lại nằm cạnh, thầy sờ đầu và ngực tôi một lúc rồi nói: sao kỳ này cậu sang thế? Tôi nói: đã một năm nay em lên ở thị trấn Phố Châu thầy ạ! Quả thật, từ lúc ở thị trấn đến nay, tôi ăn bận có sang hơn lúc tôi còn ở quê. Nói là sang nhưng lúc bấy giờ chỉ là chiếc áo sơ mi phin trắng, một chiếc quần kaki màu vàng, chiếc mũ lá cọ và đôi dép cao su, mà khi đi xa phải qua đêm ở một nơi nào đó, thì dùng một tờ báo cũ gói lại để gối đầu.
Thầy trò lâu ngày không gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, kể cho nhau nghe bao nhiêu chuyện vui buồn, đắng ngọt của quãng thời gian vừa qua. Bỗng thầy nói: bấy lâu nay, mình cứ tưởng cậu rất nghèo, mình rất nhớ rất thương, nhưng hôm nay nhìn thấy cậu sang thì tình thương đó giảm đi một nửa! Tôi mỉm cười trong hoàng hôn. Thời kỳ đó người ta cho tình cảm đó của thầy là tình thương lãng mạn kiểu tiểu tư sản! Tôi muốn nói ý nghĩ đó, nhưng lại không dám nói! Tôi còn nhớ: năm tôi đang học đệ nhất trung học (lớp 6 bây giờ) một buổi lên lớp vào buổi sáng, đúng vào buổi trả bài tập làm văn của thầy, thầy bước từ ngoài cửa vào bục giảng, cất tiếng hỏi: "Ai là Tùng?"
"Có em ạ!", Tùng đứng lên trả lời và cậu cứ đứng tại chỗ.
Thầy lôi trong túi có đựng tài liệu ra một quyển vở, rồi đến trước Tùng. Trên tay thầy là một quyển vở quá rách nát bẩn thỉu.! Cả lớp im phăng phắc, nhớn nhác nhìn Tùng, Tùng! Với bộ mặt hốc hác, tóc bù xù, mặc một áo sơ mi màu nâu nhạt mà trên ngực, trên vai, trên ống tay, những miếng vải xanh, tím, vàng. Thầy đứng thừ người, nhìn Tùng, trên tay thầy quyển vở rách được xoay đi lật lại, chúng tôi biết chắc quyển vở đó là của Tùng. Đứng như thế một lúc rồi thầy bảo Tùng: hết giờ học cậu lên gặp tôi! Rồi thầy quay lại nhìn tôi, hất hàm một cái, tôi hiểu ngay, thầy bảo tôi cùng đi với Tùng. Nói xong, thầy lên bục và giảng dạy bình thường.
Một số bạn bè rất lo cho Tùng, có bạn ghé vào tôi nói nhỏ: phen này thì Thằng Tung chết! Tôi cười và nói: cứ an tâm, không chết đâu! Tôi biết rất rõ, thầy rất thương học sinh nghèo. Trước đây, hầu như thành nếp sau lĩnh lương, thầy hay dẫn một số học sinh mà thầy cho là nghèo nhất, đến nhà hàng ăn kẹo cu đơ, mà trong đó tôi nhiều lần được tham dự.
Kiểu dáng nghèo khổ rách rưới của Tùng hôm nay nhất định đã tác động đến thầy.
Hết giờ học, tôi kéo Tùng đến gặp Thầy và bảo Tùng: cứ bình tĩnh thầy sẽ thưởng cho mày đấy! Đi theo tao! Chúng tôi lại gặp thầy ngay trước văn phòng nhà trường. Chúng tôi chào, thầy đứng lại, tay vỗ lên trán hai cái, hình như để nhớ lại điều gì, đoạn cầm tay chúng tôi và nói: đi ăn phở nhé. Ba thầy trò, không ai có xe đạp, chúng tôi đi bộ đến một quán phở gần quốc lộ số 8. Thầy trò nói chuyện cởi mở, hầu như không có chuyện gì xảy ra trước đó. Đã ăn hết mỗi người một bát phở. Thầy bảo: ăn thêm nhé! Tôi nhìn Tùng rồi nói : vâng ạ! Thầy gọi thêm hai bát cho chúng tôi. Tôi nói chúng em ăn thêm mỗi người nửa bát thôi ạ! Rồi nói với chủ quán: chỉ một bát nữa thôi! Chủ quán gọi thêm một bát. Tôi cầm bát phở và múc một thìa nước phở cho vào bát tôi, rồi đẩy bát phở sang phia Tùng và bảo: cậu ăn đi, Tùng ăn hết bát thứ hai một cách ngon lành. Thầy lại dẫn tiếp chúng tôi đến một cửa hàng gần đấy, ăn kẹo cu đơ, rồi về nhà Thầy. Thầy cho chúng tôi mỗi đứa một tập giấy đã in một mặt. Về dọc đường, tôi nhường cho Tùng cả phần giấy của tôi. Lúc này, giấy rất quý, xếp lại cho mặt in vào trong thì còn tốt hơn nhiều so với giấy đen hồi bấy giờ.
"Cậu nghỉ học mấy năm rồi nhỉ?" Đã bốn năm rồi ạ! Câu hỏi của thầy cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Tôi kể lại quãng đời cam go vật lộn kiếm sống của tôi trong mấy năm qua. Thầy lắng nghe, rồi nói: bỏ học thì tiếc quá! Nếu không có điều kiện thì nên tìm đến một lớp học buổi tối, phải chịu khó nhé. Im lặng một hồi, thầy bỗng nhắc đến một câu chữ Hán – hình như là của Khổng Tử, đại ý nói: “Người có nhân” là người trước khi hưởng lợi phải chịu nhiều gian nan.
Thầy nói tiếp: " Cuộc đời cứ phẳng lì, êm đềm từ đầu đến cuối, chưa chắc đã hạnh phúc! Nói để cậu mừng nhé: mình vừa mới được truy lĩnh một số lương của thời gian qua, cũng kha khá đấy! Mình cảm thấy số tiền này giá trị gấp ngàn lần những gì trước đây mình đã có." Tôi biết Thầy nhắc tới tiền truy lĩnh lương sau khi bị tù oan sau cải cách ruộng đất. "à thôi, ta nói chuyện khác nhé!" thầy nói.
Từ đó câu chuyện chuyển sang lĩnh vực văn chương và lịch sử, nhất là thơ. Thầy Nghệ là thầy giáo nỗi tiếng văn học tây phương (Anh , Pháp) trong vùng khu bốn cũ, nhưng ngày thường thầy thích nói chuyện văn thơ đông phương như thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm v.v. và nhiều thơ phú của các tiền nhân. Thầy nói say sưa, nói mãi...
Thấy đã khuya rồi, tôi kéo tay một người nằm cạnh để xem giờ trên chiếc đồng hồ dạ quang của ông ta. Đã quá 11 giờ đêm! tôi ghé vào tai thầy nói: “Khuya rồi thầy ạ! Chắc mọi người đều buồn ngủ rồi!” Không ngờ, một người nằm gần đó nói: "Anh để thầy nói tiếp, chúng tôi chưa ngủ đâu!", một bà nằm phía bên kia cũng nói vọng sang: anh buồn ngủ thì lại phía kia mà ngủ, nơi ấy có chỗ trống đấy! Tôi trả lời: “ Không phải đâu ạ! Cháu chỉ sợ mất giấc ngủ của các cô các chú thôi ạ!” Bà nói: "Chưa ai buồn ngủ đâu! đang nghe thầy nói thơ văn mà..”
Thì ra mọi người đều thích văn thơ và đang chăm chú nghe. Có những bài thơ rất trúc trắc, đọc lên khó nghe như bài: Đường vào Xứ Thục gian nan (Thục đạo nan) mà khi thầy diễn đạt lại sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu làm sao! Chuyện càng về khuya càng sôi nổi, kéo dài mãi. Lúc này không biết đã mấy giờ đêm, con thuyền vấn trôi nhẹ xuôi theo dòng nước, trời lặng, mặt sông phẳng, gió thổi rất nhẹ . Chỉ có tiếng mái chèo khua nhẹ đều đều và tiếng nói của thầy khi cao khi thấp. Tôi nằm thiu thiu, tai loáng thoáng nghe thầy nói, hình như thầy đang nói đến Bạch Cư Dị và Tỳ Bà Hành, bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách. Tôi ngủ đi lúc nào không biết.
Khoảng 5 giờ sáng hơi tỉnh giấc, tôi cảm giác như ai đẩy vào người tôi. Tôi tỉnh hẳn và thấy Thầy đã dậy trước tôi đang đẩy tôi về phía một bên, để lấy lối đi cho mọi người rời khỏi thuyền.
Lúc này con thuyền đã rẽ vào một nhánh nhỏ của sông Lam và đậu sát chợ Vinh. Tiếng ồn trên chợ vọng đến. Trên thuyền mọi người lục đục vào chợ để mua hoặc bán hàng, mấy chiếc chiếu đã được xếp gọn để tạo lối đi, trừ chiếu của thầy trò tôi, mọi người đều đi nhẹ về phía một bên thuyền, và nói và nói rất khẽ, hình như họ không muốn mất giấc ngủ của chúng tôi. Biết ý, chúng tôi xếp gọn chiếu và trải gọn về một phía để nằm tiếp. Mấy phút sau, thuyền chỉ còn lại hai chúng tôi và gia đình chủ thuyền. Chúng tôi không có việc gì để dậy sớm, và cứ nằm mãi đến quá 7 giờ. Thầy bảo: bây giờ chúng ta đi mua hộp sữa để ăn sáng nhé.
“Xin thầy để dịp khác! Em phải đến cửa hàng thuốc bắc ngay, theo giờ hẹn của họ”. Tôi trả lời
Chúng tôi chia tay trước lối vào chợ Vinh. Tôi nhìn thầy, vẫn nét mặt ấy! Nét mặt thân thương, nhân hậu và độ lượng...Thầy bước đi, sau khi cầm tay tôi. Tôi nhìn theo...vẫn thế! Vẫn phong thái cũ của thầy, bước đi khoan thai, đàng hoàng nhưng dứt khoát và có pha chút bướng bỉnh!
Ngày 3 tháng 8 năm 2004