Người xứ Nghệ

NGuyễn Tất Thành: Hành trình từ Huế vào Sài Gòn

I. NƠI ĐƯỢC CHỌN LÀM XUẤT PHÁT ĐIỂM:

Đã đến lúc anh Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi trẻ) phải rời Huế đi ra ngoài để tìm đường cứu nước. Anh không sang Nhật và cũng chưa đến Trung Hoa. Anh muốn biết tại sao những người Pháp đến từ xứ sở chủ trương "Tự do", "Bình đẳng", "Bác ái" mà lại bóc lột một cách tàn bạo đối với quần chúng lao động và đàn áp hết sức dã man đối với những người yêu nước Việt Nam , một xứ sở mà họ nhận làm kẻ "bảo hộ"? Anh muốn đến ngay đất nước của những con người đã xâm lược và đang thống trị dân tộc mình . Rồi từ đó anh sẽ đi đến nhiều nơi khác, xem họ làm như thế nào để về giúp đồng bào. Nhưng điểm đầu tiên mà anh chọn để khứ quốc là nơi đâu ?

Bấy giờ, người Việt Nam muốn sang  phương Tây, chủ yếu là phải đi bằng đường thủy và có hai bến cảng để xuất ngoại. Đó là Hải Phòng và Sài Gòn. Nhưng dù xuất phát từ đâu thì tàu biển cũng phải qua eo Malắcca, vượt Ấn Độ Dương , xuyên Biển Đỏ mà vào Địa Trung Hải rồi thông ra Đại Tây Dương. Nhưng chắc đó không phải là lý do duy nhất để bấy giờ anh Thành chưa  ra Bắc mà  lại lần đường đi vào.
Ta biết, nước Việt Nam khi đã bị thực dân Pháp xâm chiếm thì không còn có tên riêng trên bản đồ thế giới mà bị chia ra làm 3 xứ là : Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, cộng với các nước Lào và Cămpuchia thành đất Đông Dương thuộc Pháp ( L' Indochine Française), do một viên Toàn quyền người Pháp đứng đầu, nắm quyền cai  trị cả 5 xứ.
     Cũng từ đó, Việt Nam thành đất thực dân nửa phong kiến. Với mưu đồ chia để trị, thực dân Pháp định ra ở mỗi xứ một chế độ chính trị riêng: Trung Kỳ, nơi anh Nguyễn đã sống là đất bảo hộ. Tại đây vẫn còn vua nhưng viên Khâm sứ người Pháp đứng đầu xứ là kẻ nắm quyền điều khiển cả những công việc trọng yếu của triều đình. Khi vua nước Nam có ra một chỉ dụ nào về một việc gì là phải được viên khâm sứ này đồng ý rồi bẩm ra, xin nghị định của Toàn quyền Đông Dương thì việc đó mới có đủ hiệu lực để thực thi; Bắc Kỳ là xứ nửa bảo hộ, nửa thuộc địa; đứng đầu xứ là viên Thống sứ người Pháp nắm trọn quyền. Bên cạnh có viên Khâm sai đại thần thay mặt cho triều Nguyễn( coi như phó vương) nhưng đó cũng chỉ là một hư vị. Như vậy là về thể chế chính trị, Bắc Kỳ cũng không khác nhiều lắm so với Trung Kỳ.
     Anh Thành hướng về phương Nam. Bởi, Nam Kỳ là đất thuộc địa, đứng đầu xứ là một viên Thống đốc người Pháp, coi như đó là một bang của của nước họ, được họ khoe khoang đó là "một nước Pháp ở hải ngoại". Tổ chức hành chính tại đấy khác với Trung và Bắc Kỳ.
 Bấy giờ trên đất nước Việt Nam, một người dân ở xứ này muốn đi đến xứ khác phải được viên quan người Pháp đứng đầu xứ ấy cấp phép. Còn việc đi ra nước ngoài thì phải có lệnh của phủ Toàn quyền. Đó là một cái khó đối với những ai muốn tự ý xuất dương.Chắc Nguyễn Tất Thành đã nghĩ đến điều ấy trước khi anh rời Huế.
III. HÀNH TRÌNH  ĐI ĐẾN XUẤT PHÁT ĐIỂM:
Cho đến lúc này, ta chưa có một tư liệu thành văn nào của chính quyền thực dân Pháp hay Nam triều để lại nói về thời gian xuất phát từ Huế của Nguyễn Tất Thành cũng như các điểm dừng chân của anh trên cung đường từ đó vào Sài Gòn.
Năm 1957, sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên được Nhà xuất bản(Nxb) Sự thật Hà Nội (HN)ấn hành cũng không viết một câu nào về việc đó. Về sau, nhất là khi Hồ Chủ tịch đã qua đời, có rất nhiều hồi ký ( do các vị nhận là có biết về anh Thành hồi ở Huế và Sài Gòn) viết về việc này. Các lời kể đó có nhiều điểm khác nhau nhưng chung quy, đã lấy việc anh Thành theo cha là Nguyễn Sinh Sắc( tên thi hội cải là Sinh Huy) vào Bình Định chấm thi hương khoảng đầu tháng 4-1909 và cả khi ông vào nhận chức Tri huyện Bình Khê 7-1909 để xác định đấy là lúc anh rời Huế ra đi. Nhiều hồi ký còn cho rằng, ngoài việc đi theo để cha con nương nhờ nhau, anh Thành vào Quy Nhơn là để học tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ. Rồi anh Thành cũng theoông Thọ đi Phan Thiết khi ông phải đổi vào dạy ở trong đó. Như vậy, nếu lấy thời điểm muộn nhất là tháng 7- 1909 anh Thành rời Huế ra đi thì từ đấy cho đến lúc anh rời Sài Gòn xuống tàu sang Pháp ( 5-6-1911) là gần 2 năm (bằng 1/2 thời gian anh sống tại Huế lần thứ hai, theo cách xác nhận này). Trong đó, gần 1 năm, anh sống ở Bình Định?
Muốn xét về độ chính xác của cách ấn định thời gian nói trên, trước tiên, chúng ta phải biết anh Thành thôi học ở Quốc học Huế vào lúc nào và lý do là vì sao. Thế nhưng đây cũng là điều khó,vì lâu nay, không có một văn bản nào của chính quyền Pháp hay Nam triều nói về việc này ngoài thư của Sukê(Chouquet) Đốc học Quốc học Huế trả lời thư yêu cầu số 526 ngày 4-8-1908 của Khâm sứ Trung Kỳ Lơvéccơ(Leverque) về lai lịch của Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất Thành). Cũng theo tài liệu đó thì năm 1909, anh Thảnh vẫn còn học ở Quốc học Huế(1). Trên báo "Lên Đàng" xuất bản tại Sài Gòn năm 1947, Nguyễn Tài Tư viết "năm Canh Tuất, Duy Tân thứ tư(1910), cậu Nguyễn Tất Thành đã đỗ Thành Chung"(2). Có thể là Thành chưa thi tốt nghiệp nhưng anh đã học đến niên khoá 1909- 1910. Điều này phù hợp với hồi ký của giáo sư Lê Thước( hiện lưu tại Viện Sử học-HN ): "Cuối năm học 1909-1910, tôi học ở Quốc học Huế. Trong giờ nghỉ, chúng tôi thấy một cậu học trò trạc độ 19, 20 tuổi còn học ở lớp dưới có lần đứng lên diễn thuyết. Cậu nói về nghĩa tự cường và nghĩa hợp quần rất sôi nổi. Mãi đến 1922 (hay 1923), báo Courier Hải Phòng của Pháp chỉ trích hành động của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, có nhắc cả Nguyễn Ái Quốc. Ông Trần Kinh bạn của tôi ở Đông Ba(Huế) nói cho tôi hay, Nguyễn Ái Quốc chính là người diễn thuyết ở Quốc học Huế hồi 1910" (3).
Vậy ở đây chúng ta cần nhận rõ:
 Vào khoảng 1909-1910, anh Nguyễn Tất Thành đã là 19, 20 tuổi .Một thiên tài ở tuổi ấy không thể không đủ sức để chủ trương một cuộc sống tự lập. Vả, ông Sắc cũng có cách dạy con của riêng ông. Hồi đi ngồi nơi cần chữ ở Thanh Chương, Đức Thọ, ông cũng không cho các con trai ở chung nhà với mình.
 Sự thật thì cho đến bây giờ,chúng ta cũng chưa có đủ tư liệu để xác định (dù chỉ ở mức tương đối) về các nơi dừng chân, thời gian lưu lại ở từng điểm trên hành trình lịch sử từ Huế vào Sài Gòn của anh Thành. Ngay đối với Quy Nhơn, một số tài liệu cũng đã viết theo lời Hồ Chủ tịch nói với ông sĩ Phạm Ngọc Thạch vào cuối năm 1945, rằng Người có đến nhà của bố mẹ ông ở trong ấy khi ông chưa đầy tuổi. Ta biết được điều đó qua hồi ký của ông Vũ Kỳ mà cũng từ cuối năm 1945, ông Kỳ mới bắt đầu được cử làm thư ký riêng của Người.
Nhưng ta tin,Quy Nhơn là điểm anh Thành đã ghé. Vì đấy là cảng biển duy nhất lớn của miền Trung. Nó cũng là lỗ thở của miền Tây Nguyên, nơi mà cùng với Trường Sa, Hoàng Sa, vua Minh Mệnh đã khoanh đường son đỏ và đề là "Hoàng triều cương thổ". Mục tiêu cuối cùng của anh Thành là vào Sài Gòn nhưng trên đường đi, anh không bỏ qua một cơ hội nào nếu là phù hợp với yêu cầu xuất dương của mình. Sau này, Người nói với ông Hà Huy Giáp và với một nhà báo Mỹ: Trên đường từ Huế vào Sài Gòn, hễ nơi nào có thể vừa kiếm sống, vừa tìm được tàu ra nước ngoài thì tôi đến(4).
Còn việc anh Thành bỏ Quốc học Huế để theo học tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ ?
Ông Phạm Ngọc Thọ sinh năm 1884, học lực mới có chứng chỉ Brevet Elémentaire, sau này gọi là đỗ Sơ học yếu lược.Ở thời ấy, số người học được đến đó cũng là hiếm nên ông được bổ làm phụ giáo (instituteur auxiliairre)ở bậc Sơ học, chủ yếu là dạy Quốc ngữ. Hồi Nguyễn Tất Thành mới vào lại Huế đã được học với thầy Thọ ở trường Sơ học Đông Ba(5).Còn đến đầu năm 1910, anh Thành đã học đến năm thứ 3 Quốc học, đã từng học tiếng Pháp với thầy giáo người Pháp như Quâynhắc (Queignac) (năm 1909)(6). Anh Thành rất quý những ngày tháng học tại Quốc học Huế. Vì không kể động cơ, mục đích đào tạo thì trường này giảng dạy rất công phu về kiến thức phổ thông, nhất là khoa học cơ bản và ngoại ngữ(tiếng Pháp, tiếng Anh). Thế thì đời nào anh lại vô cớ bỏ môi trường đó để đi học tiếng Pháp với một thầy giáo mà đến khoảng thời gian ấy ngay môn ngoại ngữ ấy, có thể thầy cũng không hơn được mình.
Anh Thành không thể là người bị động về thời gian. Anh thừa biết, với việc tham gia biểu tình chống thuế của mình và với cốt cách của thân phụ là vậy mà toà Khâm và triều Huế lại thăng chức cho ông  cụ từ là chân thơ lại lên hàm tri phủ rồi cử làm tri huyện Bình Khê, dù nơi đó vừa xẩy ra những chuyện lục đục giữa các viên đồn người Pháp với viên quan huyện tiền nhiệm. Và ông làm quan tại đấy chỉ có mấy tháng thì bị cách tuột, rồi đưa về kinh "hậu cứu", sau đó ông đi vào Nam Kỳ. Phải chăng đấy cũng là một thử thách đối với cả chính anh    Thành, nên anh phải chủ động rời Huế ra đi khi niên khóa 1909-1910 ở trường Quốc học sắp kết thúc. Do vậy, không thể có chuyện anh Thành thôi học, bỏ ra gần một năm sống ở Bình Định dù đó là nơi thân phụ mình đã từng đến chấm thi hương rồi làm quan.
Ngoài Quy Nhơn ra, ta biết chắc là anh có đi qua Phan Rang, nhìn thấy cảnh tượng những bác phu khuân vác bị người chủ xua ra chiếc tàu đậu ở ngoài xa của bến Ninh Chữ mà bốc hàng lên bờ khi biển gặp sóng lớn(7). Và  nơi anh dừng lại khá lâu là thị xã Phan Thiết. Năm 1960, nhân Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bài "Quê hương và thời niên thiếu của Bác Hồ" của Hoài Thanh và Thanh Tịnh, đến chỗ Người với trường Dục Thanh, bài đó viết: " Thầy Thành dạy ở đây 7, 8 tháng". Người  nghe rồi liền nói với ông Vũ Kỳ: " Bác chỉ dừng ở Dục Thanh một thời gian ngắn, không ở lâu như thế"(8).
 Đã tới Phan Thiết rồi, coi như "việc mong tìm được tàu để ra nước ngoài" của anh Thành trên chặng đương men theo bờ biển trung và nam phần Trung Kỳ là không thực hiện được.Tuy nhiên, qua hành trình nói trên, sau chặng đường vượt Hải Vân, qua Đà Nẵng đến ga Mường Mán, anh đã đến với xứ sở ca cải lương, với quê hương của hát tuồng, đất võ truyền thống, với văn tự chép trên lá buông của đồng bào Chăm. Trên đường qua đất Phú Yên anh gặp hòn Vọng Phu vòi vọi trên núi Đá Bia, nơi vua Lê Thánh tông đề là "Nam phương đệ nhất trụ" thuộc dãy Đại Lãnh nhô ra bờ biển, nơi đón bình minh sớm nhất ở bán đảo Đông Dương. Ngọn hải đăng trên Đại lãnh cao 86 mét soi cho tàu thuyền đi vào Vũng Rô. Cảnh trí Đại Lãnh đã được chọn để khắc lên Kim Đỉnh, đặt trong kinh thành Huế, Đất nước mình có biết bao nhiêu hòn Vọng Phu nhưng không nơi đâu gợi cảm và gây ấn tượng mạnh như chốn này:"Chiều chiều mây phủ đá Bia/Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng/ Cánh buồm mặt nước mênh mông/ Thuyền ai về đó/Thuyền chồng tôi đâu?" Trong trí tuệ và tâm can của một thiên tài, Nguyễn Tất Thành không thể không rung cảm và ghi nhận cái hồn của non nước nơi đây.
 Ta cũng chưa được biết một cánh chính xác phương tiện đi đường của anh Thành  trên mỗi chặng hành trình nhưng ghé bến Ninh Chữ tại Phan Rang thì anh cũng đã qua Ngã ba Tháp Chàm (TourCham). Bấy giờ người Pháp đang cho thi công tuyến đường sắt từ TourCham lên Đà Lạt. Trên đó có những quãng bánh xe lửa phải chạy trên đường ray răng cưa và có móc ngoắc ngược lên phía trước để đưa cả đoàn tàu trườn qua từng dốc núi. Nó là một công trình kỳ vỹ ở thời tàu hoả chạy bằng đầu máy hơi nước của nhân loại. Trên thế giới chỉ có 2 tuyến hoả xa leo núi bằng đường ray răng cưa có móc xích là chỗ này với tuyến đường sắt Phuyaca (Furka) cùng kiểu loại, leo trên sườn núi Anpơ(Alpe) thuộc Thuỵ Sĩ.Và công trình ở TourCham đi Đà Lạt được tiến hành từ 1903, tức khởi công sớm hơn 5 năm so với tuyến Phuyaca.
Điểm qua vài mét trên dải đất miền Trung ở hồi đầu thế kỷ trước mà trong đời mình, anh Thành chỉ một lần đi qua để ta hiểu thêm ý nghĩa của từng dấu chân  anh để lại cho hậu thế mai này.
III.TỪ BẾN CẢNG CỦA THÀNH PHỐ ẤY, ANH RA ĐI :
Thế là anh Thành đã đến với xứ Nam Kỳ mà cái rốn của nó là Sài Gòn- Chợ Lớn.  Nơi anh nghỉ lại là Nhà  cụ Lê Văn Đạt, số 185/1 đường Cô Bắc(9).Bấy giờ thành phố này mới có khoảng hai năm năm lịch sử nhưng vì là đất thuộc địa nên người Pháp cố ý mở mang để thể hiện sức mạnh của họ. Tiếng là khi người Hoa nhập cư vào (thế kỷ XVII)(10) thì thóc gạo xứ Nam Kỳ (bấy giờ gọi là xứ Đồng Nai) trở thành hàng hóa nhưng cao su Đồng Nai Thượng và lúa gạo đồng bằng Cửu Long đến lúc này mới là nguồn lợi vô cùng to lớn, làm giàu nhanh chóng cho tư bản Pháp.
Năm 1882 có xe điện chạy trên đoạn đường 5 km  nối Sài Gòn với Chợ Lớn. Đó là tuyến xe điện đầu tiên trên đất nước ta. Đến 1903 thì loại phương tiện đó đã đủ để đi đến các trung tâm của thành phố.
Năm 1910, lần đầu tiên có máy bay xuất hiện đầu tiên trên bầu trời Việt Nam và hạ cánh xuống Sài Gòn,
 Sài Gòn - Chợ lớn bấy giờ đã là thành phố công thương phồn thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á . Tại đây có nhiều xưởng cơ khí, xưởng đóng tàu biển, trường kỹ nghệ thực hành. Điều quan trọng hơn đối với anh Thành là có bến cảng để tàu biển vượt đại dương đi đến các châu lục khác. Thế ta mới hiểu là khi anh rời đất Trung Kỳ để đi vào, ông Trần Văn Chương (con trai giáo sư Lê Văn Miến, thầy dạy anh ở Vinh và ở Quốc học Huế) bảo: "Sài Gòn là đất nhượng địa của Pháp, luật lệ cư trú ở trong đó khắt khe lắm". Anh Thành đáp lại: "Nhưng trong đó, họ đang cần nhiều nhân công, ta chịu đi làm thuê là có thể sống được. Vả, tôi tin rồi Trung, Bắc và cả Nam Kỳ sẽ chung một thể chế chính trị ở trong một nước Việt Nam thống nhất" (11). Và ông Chương đã giới thiệu với anh nhà của người quen là Lê Văn Đạt ở phố Cô Bắc ấy. Nhờ qua ông Đạt mà anh tìm ra xóm Chiếu, chỗ cư ngụ của đông đảo thợ thuyền, phu phen. Anh đã trú chân khá lâu tại đó, chung đụng với những con người thẳng thắn, trọng nghĩa, khinh tài. Thường thì buổi tối, anh dạy chữ Quốc ngữ cho các bạn thợ cần học.
         Sài Gòn bấy giờ đã nổi lên nhiều công trình kiến trúc hiện đại, kiểu dáng châu Âu như: Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, dinh Xã Tây, tức Toà Thị chính(nay là trự sở UBND thành phố)... nhưng, nơi anh Thành chú ý nhất là  Trường Kỹ nghệ thực hành và Bến Nhà Rồng.
Bến này ở chố ngã ba nơi rạch Bến Nghé hợp lưu với sông Sài Gòn (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Đấy là doi đất  mà từ trên cao nhìn xuống trông như một bán đảo. Từ ngày 4-4-1863, chính quyền Pháp thấy nơi đây trên bến dưới thuyền, thuận lợi, liền cho xây dựng một ngôi nhà có tầng lầu, tốn 2,8 triệu phơrăng vàng (franc là quan tiền của Pháp) để làm trụ sở của Công ty Vận tải biển(Messageries Maritimes). Người đốc công( Dirrecteur des travaux) cho đặt 2 con rồng bằng gốm men cao cấp uốn khúc gắn vào ở mỗi đầu hồi, cho quay ra hai phía như mời chào, vẫy gọi khách. Từ đó, nơi đây thành một bến cảng tàu biển rất tấp nập và được gọi là bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng ở trước cửa sông Cửu Long, một trong 9 con sông lớn nhất của thế giới.  Anh Thành rất thích đứng từ đấy mà nhìn ra đại dương.
Không hẹn mà gặp, sau ngày bị cách quan, ông Sắc cũng bỏ Bình Khê, bỏ Huế mà đi theo một hướng của riêng mình. Rồi một ngày của mùa Hạ năm 1911, anh Thành đã tìm được nơi ở của thân phụ, tại hiệu thuốc Bắc Phúc Thiên Đường, phố Galiêni(12). Ông Sắc hỏi:
- Con đến đây để làm gì?
Anh Thành thưa:
- Con tìm đến đây để được gặp cha.
Ông Sắc trìu mến nhìn con trai rồi xúc động nói:
- Nước mất thì đi tìm hồn của nước chứ công chi mà phải tìm cha.
Anh Thành từ biệt thân phụ với niềm thôi thúc: "Nước mất thì đi tìm hồn của nước". Anh thầm nghĩ: cảm ơn cha đã sinh thành, nuôi dạy con lớn khôn và hiểu điều con đang ao ước lúc này.
Thế là với Sài Gòn, anh Thành đã đến với nơi cần đến.
Từ thế kỷ XIX, Sài Gòn đã là một thành phố giữ vị trí trung tâm của vùng, sinh hoạt có tính chất quốc tế, một cộng đồng người trong đó họ nói đợc nhiều thứ tiếng. Là vùng đất của ca vọng cổ, có một không hai. Tại đây anh cũng đã đến Chợ Quán thăm khu nhà mồ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, người mà Bách khoa từ điển Larút (Larousse) ghi là 1 trong 18 văn hào của thế giới thế kỷ 19. Ông là bậc tiền hiền của chữ Quốc ngữ trong cõi đất Việt. Khi chiếm xong Nam Kỳ, một số thức giả phương Tây nói với người Pháp: Nơi đây là xứ sở có văn hoá, có tinh thần dân tộc với  những con người như Trương Vĩnh Ký, không thể áp dụng tại Nam Kỳ chính sách cai trị như ở châu Phi. Tư tưởng canh tân ở đây có từ rất sớm, trước cả Minh trị duy tân của Nhật (1866-1869).
Sống tại đây mỗi ngày ích thêm mỗi ngày nhưng anh Thành không thể lưu lại lâu hơn nữa. Anh quyết định đi sang Pháp, đến ngay xứ sở của những người đang thống trị, áp bức đồng bào anh.
Từ thành phố Sài Gòn này, anh biết trước kia vào một ngày lâu lắm (10-1-1867)đã có giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ, nhà cải cách, cùng quê ở Nghệ An đi sang bên ấy. Nhưng giáo sĩ không đi một mình mà là thành viên trong một đoàn người đi công cán cho triều Tự Đức do Giám mục Ngô Gia Hậu(Gauthier) dẫn đầu. Và mấy tháng trước của năm 1911 này, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh cũng đã từ đây mà đi sang Pháp, có con trai của ông là Phan Châu Dật đi cùng. Và họ được đi theo ông Kơlôbulốpxki (khi ông này thôi làm Toàn quyền Đông Dương lần thứ hai(13) 12/6/1910- 16/2/1911) rồi trở về Pháp.Bởi  sau khi được tha từ nhà tù Côn Đảo, Phan Chu Trinh đòi được sang Pháp và được Chính phủ bảo hộ đồng ý. Có tài liệu nói, ông được mời sang Pháp để dạy tiếng Hán trong một số trường học ở bên đó. Như thế là ông được phụ cấp khi đi đường. Sang bên đó, ông có lương và con trai được cấp học bổng.
Anh Thành ra đi với tư cách là một người làm phụ bếp trên một con tàu biển. Chủ tàu phải lo giấy hành trình cho người mình thuê, luật của họ là thế. Anh không cần phải xin phép ai cả . Ta nhớ hình ảnh trên bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911: Anh giơ cao hai bàn tay nói với một người bạn khi từ biệt: "Đây, tiền đây, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi" (14).
Hành trình khứ quốc đầy gian khổ và vô cùng vinh quang của anh Nguyễn Tất Thành, bấy giờ lấy tên là Văn Ba chính thức bắt đầu từ đó./.
                                                                                                     C.T.H  
 
 
_________
(1) Báo "Lao Động", số Xuân Ất Dậu 2005.
(2)Dẫn theo Đỗ Quyên "Nguyễn Tất Thành ở Bình Định", Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Định ấn hành 2008, tr. 75.
(3) "Kể chuyện về gia thế Hồ Chí Minh", Nxb Thế giới, HN. 2009. Tr. 37, bản tiếng Trung.
(4) "Ba lần cói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh", Báo "Nhân Dân" ngày 18-5-1965.
(5) Xem sách "Chuyện kể từ làng Sen" Nxb Kim Đồng HN. 1980. tr.109.
(6) Về sau Queignac vào làm Đốc học trường Pháp- Việt Bình Định. Ông có viết cuốn sách "Le Bình Định" (bằng tiếng Pháp).
(7) Trần Dân Tiên: "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" Nxb Sự Thật HN. 1957, tr. 24.
(8) Lời phát biểu của ông Vũ Kỳ tại Hội thảo Bác Hồ ở Phan Thiết, 15 và 15- 5-1986.
(9) Nay thuộc phường 23, quận 1. Tp. Hồ Chí Minh.
(10) Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho khoảng 3000 người Hoa vào cư trú, làm ăn ở Đồng Nai, Biên Hoà.
(11) Theo lời kể của ông Lê Văn Chương( năm 1069). Ông là con trai giáo sư Lê Văn Miến.
 Tháng 3-1945 Chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam. Sau khi nhảy vào tái chiếm Nam Bộ, Pháp chủ trương chia cắt xứ này ra khỏi Việt Nam ! Ngày 22-5-1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trả Nam Bộ về cho Việt Nam.
(12) Sau này là đường Trần Hưng Đạo.
(13)Klobulowsky đã làm Toàn quyền Đông Dương lần thứ nhất từ 24-9-1908 đến12-1-1910.
(14) Trần Dân Tiên, Sđd, tr.14.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528717

Hôm nay

298

Hôm qua

2275

Tuần này

2990

Tháng này

215413

Tháng qua

0

Tất cả

114528717