Người xứ Nghệ
Đồng chí Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh với Rôman Cácmen ở chiến khu Việt Bắc
Có những cuộc gặp đã ghi lại trong ký ức suốt một đời người những dấu ấn không gì sánh nổi. Đó là cuộc gặp gỡ của chúng tôi với đồng chí Hồ Chí Minh.
Chúng tôi đi men theo một con đường mòn hẹp, men theo một vực thẳm, bên dưới có tiếng thác lũ vang lên. Rồi chúng tôi đi sâu vào trong một rừng tre, rừng cọ và chuối dại... bỗng nhiên chúng tôi nhìn thấy một cái lều tre. Trên bậc thềm, một người trong bộ quần áo nông dân tiến về phía chúng tôi.
Nếu như mấy ngày trước đó chúng tôi gặp vị Chủ tịch trên đường đi, trên cánh đồng, hẳn chúng tôi nghĩ đó là một người nông dân bình thường. Chúng tôi chỉ được làm quen với khuôn mặt gầy gò, chòm râu bạc và nụ cười đôn hậu thân quen của Người qua các bức ảnh chân dung.
- Chào các đồng chí! Các đồng chí có khỏe không? - Người hồ hởi đưa cả hai tay ra đón và mời chúng tôi vào mái lều tre của mình.
Và chúng tôi ngồi xuống bên chiếc bàn ghép bằng các ván gỗ, phe phẩy chiếc quạt làm bằng lá cọ, ngay từ những lời đầu tiên của buổi nói chuyện đã xua tan cảm giác căng thẳng và hồi hộp mà khi tới đây chúng tôi nghĩ sẽ là một cuộc gặp mặt quan trọng với một chiến sĩ cách mạng huyền thoại của Đông Dương - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ở đây, trong thung lũng Chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã trải qua tám năm của cuộc chiến tranh khốc liệt, trong những cuộc hành quân, trong những ngày làm việc căng thẳng. Nhưng không một khó khăn gian khổ nào, không một hiểm nguy, thiếu thốn nào có thể làm nản lòng một con người nguyện cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân mình. Vào năm thứ tám của cuộc kháng chiến, Người đã 64 tuổi, nhưng trước mắt chúng tôi là một con người vẫn tràn đầy sinh lực. Trên gương mặt gầy gò, sạm nắng và vầng trán thanh cao chưa hề có những nếp nhăn. Người luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt rạng ngời, tinh anh. Đôi lúc, trên đôi mắt hiền hậu đó thoáng một nét ưu tư. Đó là khi Người nhắc đến những nỗi thống khổ , về những hy sinh, mất mát của nhân dân và về sự tàn bạo của kẻ thù. Suốt cuộc đời mình Hồ Chí Minh luôn có một ước ao cháy bỏng là Việt Nam sẽ giành được tự do và độc lập trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho mục tiêu của cuộc đấu tranh này.
THƯ CỦA GIENEVIEVA GALLARD
Mái nhà tre của Hồ Chí Minh trông không khác gì hàng ngàn ngôi nhà của những người nông dân Việt Nam. Có khác chăng chỉ là trong ngôi nhà đó - ngôi nhà mà lúc tới thăm được gọi là “Phủ Chủ tịch” - có hai tầng. Tầng dưới bậc thềm là phòng làm việc, tầng phía trên là phòng nghỉ. Trên bàn làm việc có một chồng báo mới, chiếc máy chữ nhỏ xách tay Người thường dùng để viết báo, tài liệu, những lời kêu gọi nhân dân và quân đội, rất nhiều sách... Trên tầng hai trải một chiếc chiếu, có một số vật dụng đơn sơ và một chiếc vali mây đã cũ. Trong góc phòng có con mèo vàng cuộn tròn với ba con mèo con. Bao bọc xung quanh khu nhà tre của Chủ tịch là những khóm tre, cây cọ, một không gian thanh bình với những tiếng chim hót và tiếng suối chảy róc rách.
Chúng tôi không thể tả xiết sự ngạc nhiên của mình khi nhìn thấy ngôi nhà lá đơn sơ và cuộc sống bình dị của Người.
- Tôi đã quen sống như thế này rồi - Người nói, - Các đồng chí thấy đấy, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể lên đường ngay được. Những năm tháng đấu tranh cách mạng và hoạt động bí mật đã tập cho tôi thói quen như thế. Nhanh nhẹn hệt như một du kích. Chỉ 5 phút đã chuẩn bị xong và có thể hành quân ngay được.
Người ân cần hỏi han về chặng đường chúng tôi đã đi qua:
- Chúng tôi đã rất quan tâm - Người nói - đến chuyến bay đặc biệt để nhanh chóng đưa các đồng chí đến Việt Nam. Nếu không các đồng chí đã phải trải qua một chặng đường dài - qua Thượng Hải, Quảng Châu. Các đồng chí ở lại Bắc Kinh có lâu không? Đây chắc không phải lần đầu tiên các đồng chí đến Bắc Kinh? Các đồng chí đã ở đó nhiều năm dưới thời Tưởng Giới Thạch. Các đồng chí có nhận thấy những thay đổi đang diễn ra không? Chắc các đồng chí đã nhìn thấy một Trung Quốc mới.
Tôi đã kể cho Người nghe về những ấn tượng của mình.
- Các đồng chí có quen được với khí hậu ở đây không? Ở đây rất nóng nực.
- Chúng tôi đã quen rồi, thưa đồng chí Hồ Chí Minh! - Giênia Mukhina nói và phe phẩy chiếc quạt lá cọ, lau những giọt mồ hôi trên trán và đang lăn dài xuống cổ áo.
Câu chuyện chuyển sang những vấn đề liên quan đến công việc.
- Theo tôi chúng ta nên lập kế hoạch quay phim, ghi hình - Hồ Chí Minh nói - Việc này có một đồng chí từ Trung ương sẽ giúp các đồng chí. Các đồng chí chưa gặp đồng chí Trường Chinh phải không? Nhất thiết là phải gặp và nói chuyện với đồng chí ấy. Hãy làm quen cả với một số người làm công tác văn hóa, nghệ thuật của chúng tôi. Rất tiếc là các nhà văn của chúng tôi viết còn ít. Chúng tôi đã được đọc những mẩu chuyện của Bôrit Pôlêvôi viết về những con người bình dị. Không hiểu sao các nhà văn của chúng tôi chưa bắt tay vào đề tài này. Thực tế chúng tôi có rất nhiều anh hùng là những chiến sĩ nông dân thầm lặng, chỉ cần chỉ ra tầm vóc của họ mà thôi. Tất nhiên đó sẽ là việc của các đồng chí trong quá trình làm phim. Nhân thể tôi muốn mời các đồng chí gặp gỡ những chiến sĩ anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi sẽ trao phần thưởng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể cho chúng tôi về chiến dịch vừa kết thúc ở Điện Biên Phủ - đó là một chiến dịch lịch sử mà Quân đội và nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn. Đã bắt được 17 ngàn binh sĩ và sĩ quan quân đội Pháp làm tù binh. “Đội quân viễn chinh Pháp đã bị tiêu diệt” - Báo chí Pháp thời gian này đã viết như vậy.
Hồ Chí Minh cho chúng tôi xem bức thư của nữ y tá Gienevieva Gallard - là người phụ nữ duy nhất có mặt tại căn cứ địa Điện Biên Phủ và bị bắt làm tù binh. Trong thư cô đã xin Chủ tịch thả cô khỏi trại giam. Cô ta hứa nếu Chính phủ Cộng hòa khoan dung thì hãy thả cô ấy - người phụ nữ duy nhất - cô ấy sẽ hiến dâng toàn bộ sức lực của mình cho cuộc đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam.
- Tôi đã viết cho cô ấy - Hồ Chí Minh nói với nụ cười đôn hậu - rằng thư của cô ta đã đến muộn hơn 2 ngày khi tôi đã ký quyết định trả tự do cho cô ta. Hội Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra đề nghị này. Các bạn thấy đấy! Chúng tôi giữ cô ấy trong tù làm gì? Một người phụ nữ yếu đuối, ở trong tù chắc sẽ rất nặng nề. Người ta đã thả cô ấy cách đây không lâu.
Người cho chúng tôi xem tờ báo mới của Pháp - cuộc phỏng vấn đầu tiên của cô ta ở Hà Nội. Cô ấy đã kể rất chân thực về thái độ nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam với các tù binh Pháp, về sự quan tâm của các chiến sĩ, sĩ quan và bác sĩ của chúng tôi với các binh sĩ và sĩ quan Pháp bị thương. Ở Pháp cô ấy được nhân dân vinh danh là Anh hùng dân tộc và được ghi vào bảng vàng danh dự. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cô ấy trở thành một chiến sĩ tích cực đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam. Cô ấy đã tận mắt chứng kiến những nỗi kinh hoàng và tàn khốc của cuộc chiến tranh thực dân.
CHÚNG TA KHÔNG ĐƠN ĐỘC
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tướng Đờ Cáxtri bị bắt sống cùng với toàn bộ tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên Phủ.
- Đờ Cáxtri lớn tiếng nói về hòa bình. Đó là khi mà ông đã bị bắt làm tù binh. Trước đây ông ta không hề nói đến hòa bình.
Hồ Chí Minh rất bình tĩnh khi nói đến tên tướng xâm lược hiện đang nằm trong trại tù binh.
Trong lời nói của vị Chủ tịch già không tỏ ra hả hê với chiến thắng. Người chỉ lắc đầu khi nói đến sự tàn bạo của tên tướng Đờ Cáxtri. Cuốn tạp chí Pháp “Paris Match” trên bàn Chủ tịch có in in ảnh của một người gầy gò, chiếc mũi khoằm giống như mỏ con chim ác điểu.
- Đó là một con người tàn bạo - Hồ Chí Minh nói và lắc đầu. Những người dân Hà Đông, những người mẹ đã khóc cạn nước mắt vì mất những đứa con trai ngoài chiến trận, vì những đứa con gái bị lính lê dương hành hạ, làm nhục. Đó chính là ông ta, tướng Đờ Cáxtri - người đã chỉ huy chiến dịch càn quét ở vùng châu thổ sông Hồng vào tháng 6 năm 1951. Theo lệnh của ông ta, hàng ngàn tấn gạo của nông dân vừa mới thu hoạch được đã bị tẩm xăng thiêu hủy, hoặc bị đổ xuống ruộng lầy, ao chuôm hay vung vãi trên đường. Cũng theo lệnh của ông ta, xe tăng đã ủi sạch cả những cánh đồng lúa đang trổ bông, thiêu trụi 3 ngàn ngôi nhà của nông dân và hàng trăm con người bị tình nghi có tham gia hoạt động du kích đã bị bắn chết. Giờ đây, trong tù, Đờ Cáxtri đã phủ nhận tất cả những hành động dã man đó. Ông ta phủ nhận tất cả, chỉ nói đôi câu:
- Tôi là một người lính, tôi chỉ thực thi mệnh lệnh.
Những từ đó đã quá quen thuộc! Chúng tôi những người dân Xôviết trong suốt 4 năm ở Xmônlen, ở Xtalingrát, ở những vùng quê Ucraina thấm đẫm máu, ở vùng Vôlôcôlamxki, đã từng nghe những từ đó “Tôi là một người lính...”. “Tôi là người lính...”- tên tướng Keitel đã nói khi hắn bị dồn ép đến chân tường tại Tòa án quân sự Nuirembéc.
Đại tá Đờ Cáxtri được hứa sẽ phong hàm cấp tướng ở Việt Nam. Vì chiếc cầu vai cấp tướng mà ông ta đã bị ném vào cuộc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Và ông ta đã phải đầu hàng khi chưa kịp nhìn thấy chiếc cầu vai đó. Bây giờ trong trại tù binh ông ta nói: “Tôi là người lính...”.
Hồ Chí Minh nói đến Hiệp định Giơnevơ. Lúc đó khó có thể đoán trước được kết quả tại vòng đàm phán tại Giơnevơ. Nhưng không thể không thắng lợi trên bàn đàm phán. Bởi lẽ, lực lượng yêu chuộng hòa bình đang dấy lên mạnh mẽ trên toàn thế giới. Người cho chúng tôi xem một bức thư:
- Các đồng chí hãy xem đây, đó là thư đến từ Giơnevơ. Một trong số thành viên của phái đoàn chúng tôi viết cho người bạn của mình: “Chúng tôi rất thoải mái. Chúng tôi không đơn độc. Bên cạnh chúng tôi có đồng chí Chu Ân Lai, Môlôtốp. Chúng tôi đã đi qua Trung Hoa đại lục. Ngày 1-5, chúng tôi đã có mặt ở Quảng trường Đỏ. Ở đó chúng tôi đã được biết đến thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ. Chúng ta đã có nhiều thuận lợi hơn và chúng ta dũng cảm hướng tới tương lai...”.
Tôi đã nhận được hàng ngàn bức thư - đến từ mọi miền của đất nước: từ những người lính, những người nông dân, có nhiều thư đến từ vùng địch tạm chiếm. Tất cả những bức thư đó đã được nhân dân Việt Nam gửi đến cho phái đoàn Việt Nam ở Giơnevơ. Những bức thư này là niềm tin vào sức mạnh của mình, niềm tin vào thắng lợi của lực lượng yêu chuộng hòa bình. Ngay cả những người mà trước đây chúng tôi gọi là những “người ngủ trong chăn” cũng đã bắt đầu quan tâm đến tình hình chiến sự. Ở Hà Nội, họ đã ký vào quyết tâm thư bày tỏ sự ủng hộ bài phát biểu mới nhất của đồng chí Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Giơnevơ. Một người nông dân đã viết: “Chúng tôi tăng gia sản xuất, những đứa con trai của chúng tôi đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ, các đồng chí hãy chiến đấu ở Giơnevơ. Chúng ta cùng trên một trận chiến vì hòa bình”.
Hồ Chí Minh là người rất giản dị và khiêm nhường. Từ chối không cần có thư ký riêng, Người tự đọc qua tất cả các thư tín gửi đến, tự phúc đáp, tự đánh máy các bài viết của mình. Người thường có những buổi đi bộ dài ngày, xuống núi, đơn giản chỉ để gặp gỡ, trò chuyện với những người nông dân trong các bản làng, trên cánh đồng lúa. Người cười vui khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện gặp hổ trong đêm. Hoảng sợ bởi ánh đèn pha ôtô, con hổ đã bỏ chạy. Hồ Chủ tịch nói:
- Con thú đáng sợ nhất - đó là những tên đế quốc thực dân. Vì con hổ chỉ tấn công người khi nó đói, còn chúng thì giết người, cướp của. Những con thú này từ lâu đã biết rằng nô dịch và tiêu diệt một dân tộc đang chiến đấu vì tự do là không thể và phi nghĩa. Đó là sự ngu xuẩn của những kẻ lao đầu vào chỗ chết.
- Chúng ta sẽ phải làm việc khá vất vả đó - Người nói - Chúng tôi sẽ cố gắng bằng tất cả những gì có thể để tạo điều kiện cho các đồng chí, rất tiếc là trong lúc này, khó khăn đang chồng chất khó khăn.
Hồ Chí Minh rất nồng nhiệt khi nói đến những tình cảm của người Việt Nam với Liên Xô.
- Các đồng chí, những người Xôviết đầu tiên đã đến đất nước chúng tôi, các đồng chí sẽ cảm nhận thấy những tình cảm đó trong từng bước đi.
Người xúc động vân vê điếu thuốc bằng những ngón tay gầy guộc, đôi mắt Người rưng rưng xúc động khi chúng tôi kể về những hoạt động thể hiện tình hữu nghị, cảm thông chia sẻ và đoàn kết chiến đấu với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi còn kể cho Người nghe về Liên hoan thanh niên và sinh viên toàn thế giới lần thứ tư diễn ra tại Bucarét, mọi người đã công kênh những anh hùng trẻ tuổi của Việt Nam quanh sân vận động như thế nào.
Hồ Chí Minh nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Nga. Chúng tôi hỏi Người:
- Chủ tịch học tiếng Nga có vất vả lắm không?
Người trả lời:
- Người cách mạng cần phải biết tiếng nói của Lênin.
- Chủ tịch làm việc mấy giờ một ngày?
- Chim rừng đánh thức tôi dậy - Người nói - tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao.
Sau này chúng tôi mới biết không hoàn toàn là như vậy. Nhiều đêm chúng tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chống gậy tre, tay áo xắn cao đi theo ánh đuốc của đồng chí cảnh vệ trên con đường hẻm trong rừng, đến một bản xa nào đó trong núi hoặc đi họp Hội đồng Chính phủ về muộn.
Chúng tôi đã làm việc cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh gần trọn một ngày. Đôi lúc, Người xin lỗi chúng tôi trở về bàn làm việc của mình để xem thư hỏa tốc, nói chuyện điện thoại. Những lúc như vậy, Người lại đưa một tập báo mới và họa báo Pháp cho chúng tôi xem hoặc bảo chúng tôi đi tham quan quanh khu “Phủ Chủ tịch” của mình.
Trong buổi gặp của chúng tôi còn có nhà thơ Tố Hữu và đồng chí Hoàng Tùng. Đó là những người bạn mà chúng tôi đã được gặp lần đầu tiên ở Ban Chấp hành Trung ương.
Tiễn chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
- Chúng tôi sẽ gặp các đồng chí thường xuyên hơn. Cứ mạnh dạn yêu cầu tất cả những gì cần thiết cho công việc của các đồng chí.
- Chúng tôi có một thỉnh cầu, thưa Chủ tịch - tôi nói - Đầu tiên và chính yếu nhất đó là chúng tôi muốn được quay cảnh đất nước vào ban ngày. Những cuộc di chuyển vào ban đêm không thể làm được điều đó. Rất mong đồng chí cho phép chúng tôi được đi ôtô vào ban ngày. Đồng chí hãy yên tâm, cả ba chúng tôi đều có đủ kinh nghiệm trong chiến đấu nên sẽ kịp thời tránh được những trận công kích bằng máy bay.
Hồ Chí Minh im lặng một lát rồi nói:
- Không thể được! Chúng tôi đã mất rất nhiều những người con ưu tú của Đảng vì đã bị trúng bom, bị máy bay tập kích. Tôi rất hiểu những khó khăn của các đồng chí, nhưng để các đồng chí gặp nguy hiểm thì tôi không thể. - Nếu các đồng chí muốn đi vào ban ngày, thì các đồng chí nên đi bộ, bằng ngựa hoặc xe đạp. Dứt khoát không được đi bằng ôtô - đó là mệnh lệnh của chúng tôi.
Nhìn nét mặt thất vọng của chúng tôi, Người mỉm cười bắt tay chúng tôi và nói:
- Thế nhé! Đồng ý cả chứ, tất cả đã rõ!...
[1]: Đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Liên Xô. Là một trong những người đầu tiên làm phim tài liệu về Hồ Chí Minh trong vùng giải phóng Việt Bắc năm 1954.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Khám phá vỉa rừng đại ngàn của Trần Ngọc Vương
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528714
Hôm nay
295
Hôm qua
2275
Tuần này
2987
Tháng này
215410
Tháng qua
0
Tất cả
114528714