Non nước Việt Nam

Về Quảng Nam say hồn tháp cổ

Dọc theo đường Quốc lộ 1A về với Quảng Nam, đến xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, ta được đắm mình trong một không gian ngoạn mục với không khí trong lành và đặc biệt là không gian kiến trúc, văn hóa độc nhất vô nhị của vương quốc Champa cổ kính.

Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (United Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt là Unesco) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12 năm 2009. Khu di tích này luôn là lời mời gọi hấp dẫn đến mức không thể chối từ đối với du khách trong nước nói riêng và du khách trên toàn thế giới nói chung.

                                    
Thánh địa Mĩ Sơn là một quần thể bao gồm nhiều đền đài Chăm được xây dựng trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, xung quanh là đồi núi chập chùng với ngút ngàn cây xanh. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Champa, đồng thời là nơi an táng các vị vua Chăm và hoàng thân, quốc thích của các vương chiều... Nơi này được xem là một trong những trung tâm kiến trúc, văn hóa chính của Ấn Độ giáo tại khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất, độc đáo nhất của nền văn hóa Chăm tại Việt Nam.
Các ngọn tháp rêu phong, cổ kính, đứng uy nghi dưới bầu trời xanh thẳm, huyền bí và đầy quyền lực như thần linh và tiên tổ người Chăm huyền thoại. Xét về mặt kiến trúc thì khu di tích này là nơi kết tinh của nhiều kiểu dáng khác nhau, kiểu Mỹ Sơn (thế kỷ VIII, Mỹ Sơn E1 và F1), kiểu Hòa Lai (cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX, Mỹ Sơn A2, C7 và F3), kiểu Đồng Dương (cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, Mỹ Sơn A10, A11-13, B4, B12), kiểu Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X, Mỹ Sơn B5, B6, B7, B9, C1, C2, C5, D1, D2, D4), kiểu chuyển tiếp Mỹ Sơn A1-Bình Định (đầu thế kỷ XI - giữa thế kỷ XII, Mỹ Sơn E4, F2, nhóm K) và kiểu Bình Định (cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XIV, Mỹ Sơn B1 và các nhóm G, H).
                            
Ở giữa mỗi cụm tháp là các tháp chính (kalan), bao quanh nó là một hệ thống các tháp phụ có kích thước nhỏ hơn. Các tháp đều chỉ có một cổng hẹp duy nhất mở về hướng Đông, hướng mặt trời mọc để đón ánh sáng tinh khôi. Trong các tháp chính có bệ thờ sinh thực khí nam (Linga) và nữ (Roni). Mặt trước mỗi cụm tháp này đều được bố trí một tháp có vai trò làm cổng (gopura) dẫn vào cụm tháp. Bên cạnh đó là Tiền đình, nơi dùng để sắp xếp lễ vật, thực hiện các nghi thức hành lễ và múa hát. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu” với nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông trên mặt tường ngoài của tháp, đặc biệt là sự mền mại tươi trẻ, uyển chuyển và đầy tiềm năng sinh sôi của các vũ nữ Apsara. Các vị thần được trang trí bằng nhiều loại hoa văn đặc trưng. Đây là kiểu điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim của các triều đại Champa huyền thoại.
                             
Thật diệu kỳ khi được đắm hồn trong vẻ đẹp huyền bí, độc đáo của các tháp cổ Champa ở Mỹ Sơn nhưng khoái cảm thẩm mỹ sẽ tăng lên bội phần khi chúng ta khám phá được những bí ẩn trong kỹ thuật chế tác và xây dựng tháp của người Champa cổ. Theo các nhà khoa học người Ý làm công tác khôi phục nhóm tháp G-Thánh địa Mĩ Sơn thìtháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, được liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững từ hàng chục thế kỷ qua bằng một chất kết dính bí ẩn. “Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Chất kết dính này còn có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm dùng để xây dựng tháp ở Việt Nam đã được giải mã sau hàng trăm măm nghiên cứu. Các tháp cổ là bằng chứng của khả năng tư duy siêu việt, bàn tay khéo léo và sự công phu của người xưa. Cũng theo các nhà khoa học người Ý thì các tháp Chàm ở Mỹ Sơn được thi công qua năm công đoạn sau: chuẩn bị chất kết dính – đúc gạch theo khuôn đã định sẵn – nung gạch – xếp gạch đã nung theo mô hình tháp bằng chất kết dính – nung tháp – gọt dũa, điêu khắc các chi tiết trang trí và hoàn chỉnh toàn bộ khối tháp.
Bằng những nét độc đáo như trên, các đền tháp Champa đã phản ánh một cách đầy đủ, chân thực nền văn hoá, chính trị và nghệ thuật của vương quốc Champa từ những giai đoạn đầu tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ rồitiếp theo là giai đoạn thích nghi, tiếp biến và cuối cùng là sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn hóa bản địa. Các hình trang trí ngoài việc giúp cho các đền tháp đẹp hơn, còn có ý nghĩa văn hóa đặc biệt, giúp cho việc nghiên cứu sâu hơn về niên đại, phong cách và chức năng của các đền tháp. Với những giá trị này bất cứ ai khi về Quảng Nam đều say hồn tháp cổ.
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476