Những góc nhìn Văn hoá

Một chặng đường thơ còn ít người biết của Trần Kim- Trần Huyền Trân

Đối với người đọc yêu thơ và cả số đông trong giới làm thơ, tên tuổi Trần Huyền Trân (1913-1989) được biết đến rộng rãi hầu như chỉ với một vài bài thơ được giới thiệu trong sách Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (in 1942) của Hoài Thanh và Hoài Chân, và sau này, trong tập Rau tần (in 1986), tập thơ hầu như duy nhất in trong sinh thời tác giả.

Rau tần là một tập thơ mỏng, chỉ gồm khoảng vài chục bài, được viết trước và sau 1945; − rất có thể đó là những bài thơ mà tác giả xem là đạt hơn cả theo ý mình, lại cũng là những bài thơ được các giới bình phẩm xem là đã làm định hình một phong cách thơ mang tên Trần Huyền Trân.

 Song, đó chưa phải là tất cả những sáng tác thơ của con người ấy.
Tôi sở dĩ nói như vậy là vì có đọc được một loạt sáng tác của tác giả này ở một thời gian sớm hơn. Đó là thời kỳ những năm 1936-38, ông làm báo Bắc Hà và nhà xuất bản Bình Dân ở Hà Nội.
 Bắc Hà vốn do Bùi Đình Tiến và Bùi Đức Dậu lập ra với ý định làm một tờ báo thương mại và kỹ nghệ, song vì nhiều lẽ khác nhau, chủ nhân nhiều lần phải lâm thời chuyển quyền biên tập và phát hành cho người khác thực hiện. Chính vì thế, Trần Đình Kim (họ tên thật của Trần Huyền Trân) có dịp quản lý và chủ trì việc biên tập tuần báo Bắc Hà từ 10/8/1936 đến 7/1/1937.
 Trong gần nửa năm nắm tờ báo này, ngoài công việc chủ trì bài vở cho mỗi số, Trần Đình Kim cũng chính là tác giả có sáng tác đăng tải nhiều nhất trên tuần báo này, dưới nhiều bút danh khác nhau, thuộc nhiều thể tài, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến thơ. Dưới bút danh Trần Kim, ông cho đăng truyện thơ Giải oan và các bài thơ Bình minh, Những ngày qua, Gió lạnh, Lạnh lòng thơ, Bóng đẹp chiều thu, Tơ lòng đã dứt.
 Khá lâu sau khi đã thôi làm việc với tờ Bắc Hà, vào đầu năm 1938, hình như ông lại có thơ Hái lộc đăng số tết báo này dưới bút danh Thanh Giám; song rõ rệt hơn là khi ông, − được giới thiệu như một “nữ sĩ”: cô Huyền Trân, bên cạnh một “nữ sĩ” khác: cô Yến Lan, cùng các thành viên nam giới khác của nhóm Thái Dương (nhóm này vốn hình thành ở Quy Nhơn, có lẽ đã mở rộng thành phần khi xuất hiện trên báo chí ngoài Bắc) − trở lại cộng tác với Bắc Hà. Với bút danh này, ông có bài thơ Nguồn sống đăng Bắc Hà (12/3/1938), trước khi tờ báo này đóng cửa hẳn.
 Đọc chùm thơ đăng Bắc Hà này người ta sẽ thấy có sự khác biệt đáng kể giữa thời kỳ này với thời kỳ sau trong thơ của cùng tác giả. Thơ thời kỳ này cuả Trần Kim mang dấu vết ảnh hưởng các cây bút thơ mới thời đầu như Thế Lữ, Thái Can, v.v…; trong khi thơ của ông thời kỳ sau, gắn với bút danh Trần Huyền Trân, thể hiện xu hướng trở lại gần gũi nhiều hơn với các hình thức thơ Việt truyền thống.
Nhân đây, xin nhắc lại cảm tưởng của một trong những bạn văn của ông, − nhà văn Tô Hoài:  “Trong thơ và sân khấu, Trần Huyền Trân có đường nét sắc thái riêng biệt và hấp dẫn. Nhưng mà làm sao tôi vẫn thấy ở Trần Huyền Trân chỗ nào cũng tưởng như đương còn dở dang, chưa hẳn đã tỏ rõ đầy đủ khí thế lẫm liệt có thật của anh, nhất là trong thơ. Nếu ai đã đọc thơ Trần Huyền Trân dễ thấy có lẽ những bước nhảy vọt trên đường phát triển mà anh chưa sửa soạn, chưa có khai phá mới, luôn luôn mới mà lại tưởng như bị đứt quãng, trong khi thật sự tiềm lực sáng tạo của anh hơn thế nhiều” (Tô Hoài, Những gương mặt, Hà Nội, 1995: Nxb. Hội Nhà Văn, in lần II có bổ sung, tr. 171-172).
 Vậy thì có nên coi chùm thơ tìm thấy dưới đây là thơ Trần Huyền Trân hay không?
Đương nhiên đây là những bài thơ do chính con người sẽ viết một kiểu thơ khác mà người ta (tức là các lớp hậu thế chúng ta) vẫn quen gọi là thơ Trần Huyền Trân. Vậy thì chẳng lẽ lại không nên biết đến phần sáng tác này của cùng tác giả? Tốt hơn là cứ nên biết. Và nếu cẩn trọng hơn, ta có thể gọi thơ thời kỳ trước này là thơ Trần Kim, còn thơ thời sau của tác giả này thì đã rõ là thơ Trần Huyền Trân, như ai nấy đã biết.
Xin chép lại chùm thơ ấy, ghi rõ bút danh ký dưới mỗi bài, giới thiệu làm tài liệu cho những ai có quan tâm.
                                                                                    
BÌNH MINH
 
Chim ríu rít trong vầng cây đan lá,
Mây bình minh gió quyến lẹ làng bay,
Trong luỹ tre tiếng gà đang rộn rã,
Gọi mặt trời đem nắng sưởi hơi may.
 
Dậy đi em! Dậy đi ra đón nắng
Tiếc làm chi giấc mơ lạnh đêm qua?
Tiến làm chi mà chập chờn mộng thắm,
Dậy đón ngày đầy ánh sáng, hương hoa.
 
Nghe thấy chăng trên đường làng hiu quạnh
Dắt trâu đi bầy trẻ hát đò đưa?
Và nhịp nhàng tiếng gái quê lanh lảnh
Chen tiếng gầu tát nước cánh đồng xa?
 
Dậy đi em! Trời hôm nay trong mát
Em gieo thoi, dệt vải, anh ngâm thơ
Ngồi bên hiên trong hương hồng thơm ngát
Kề vai nhau sưởi ánh nắng đầu mùa.
 
Dù, em ơi, tiết xuân còn lạnh giá
Nhưng em trông trên mái rạ đầm sương
Làn khói lam đang vấn vương mờ toả
Đượm lòng ta nồng hương khói yêu đương.
                                                            TRẦN KIM
                                                Bắc Hà, tập mới, s.2 (17/8/1936)
 
 
NHỮNG NGÀY QUA
 
Nước chưa đứng, mây chưa ngừng, chim chưa lặng tiếng,
Vườn trần gian hoa còn đầm tắm nắng mưa,
Trong bầu trời còn gió lướt bay qua
Thì sợi tơ vương trong lòng tôi chưa rứt hết.
Mà tiếng ái ân, tình yêu đương tha thiết
Biết tìm đâu? Hỡi mộng lòng ơi!
Vì thời gian đã lôi cuốn hết ngày vui
Đã nhuộm chết thời xuân xanh rực rỡ
Và để lòng ta bao giờ tươi lại nữa!
                                                            TRẦN KIM
                                                Bắc Hà, tập mới, s. 3 (24/8/1936)
 
GIÓ LẠNH
 
Còn nhớ không? Tình quân ơi! Hôm ấy
Một chiều thu buồn thấm lạnh lòng em
Bến sông xa thấp thoáng mảnh buồm im
Điểm nét trắng lên nền trời xám nhạt
Anh bảo em đấy hình ảnh cuộc đời phiêu bạt
Là cả tâm hồn ưa cuộc sống tự do
Khắp bốn phương in gót khách giang hồ
Đem chí khí ra bao trùm vũ trụ
− Em biết lắm: có gội sương, hút gió
Có gian lao mới biết sống là vui
Có xông pha trong cát bốc mù trời
Mới tới cảnh xuân tươi đầy thơ mộng
Nhưng anh ạ! Đã bao ngày vui hoạt động
Đã bao ngày em xua đuổi giấc mơ xa
Tìm lại nụ cười trong trẻo của Ngây Thơ
Để chôn chết tấm tình yêu dang dở.
Tấm tình yêu, than ôi! Không còn nữa!
Nhưng sớm nay cành lệ liễu của vườn em
Uốn tay mềm nâng đỡ một đôi chim
Đang nhí nhảnh chuyền cành cao giọng hát
Như xoá hẳn nét vui tươi mờ nhạt
Trên mặt hoa người thiếu nữ đang tơ
Nhắc lòng em tới cảnh mộng năm xưa
Ôi! Cảnh mộng năm xưa nay tìm đâu nữa?
Còn có chăng những ngày dài mưa gió
Tưởng đến anh với bao nỗi mỉa mai
Ngồi rũ trong tù trông đếm lá vàng rơi!
 
Tiếng con hoàng oanh trong lồng son gay gắt
Theo hơi may lùa bên rèm hiu hắt
Có phải chăng lời anh là tiếng chim kêu
Mà lòng em là gió lạnh, hỡi người yêu?
                                                            TRẦN KIM
                                                Bắc Hà, tập mới, s.7 (21/9/1936)
                                   
 
LẠNH LÒNG THƠ
 
Hơi may lạnh bứt lá vàng tan tác
Lùa xạc xào luỹ tre già xơ xác
Ta về đây − một thân thế bơ vơ
Như lá lìa ngàn theo gió chiều thu
Biết cùng ai đem hận lòng ra kể lể
Và nơi nao ta để tâm hồn an nghỉ?
 
Bên cuộc đời buồn đếm bước long đong
Ta hằng mong mơ giấc mộng không cùng
Để cười với ánh trăng sao ban sớm
Và dầu quên chuỗi ngày qua đau đớn
Ta hằng mong lòng thơ được ngủ yên
Không lời ái ân, không tiếng chê khen
Để môi ta khỏi gượng cười đưa đón
Cảnh giả dối lọc lừa đời vật lộn
Và tự do, lòng ta nảy tiếng du dương
Trong khi ngược xuôi lê gót trên đường.
 
Nhưng chiếc vòng lửa thờ ơ, nghiêm khắc
Vung tia nắng vàng chói loà, gay gắt
Đốt trăng sao nung nấu lẫn hồn thơ
Rọi mắt ta soi suốt tấm mành hoa
Bắt ta ngắm những vũng lầy nhớp nhúa.
Còn bao kẻ lạc loài không nhà cửa
Bao tâm hồn đang rền rĩ đau thương
Bao đoá hoa tươi mưa gió hắt bên đường
Bao kẻ hy sinh để tìm nghĩa sống
Ta muốn quay đi nhưng lòng xúc động
Gọi nàng thơ toan hát khúc bi ai
Thì than ôi! Nàng đã trốn đâu rồi!
 
Có phải chăng vì cái nghèo xua đuổi
Hay ánh sáng của Hà Thành chói lọi
Với bao nhiêu cảnh rực rỡ, huy hoàng
Với bao nhiêu điều ước vọng cao sang
Đã quyến dỗ tâm hồn người bạn gái
Nên biệt ta, nàng đi không trở lại.
                                                TRẦN KIM
                                    Bắc Hà, tập mới, s. 8 (18/9/1936)
 
 
BÓNG ĐẸP CHIỀU THU
 
Trong nắng nhạt một chiều buồn ngây ngất
Em thướt tha như chiếc bóng dịu dàng
Tấm thân mềm tung tà áo bay ngang
Dáng uyển chuyển rỡn lá vàng lả tả.
Em đẹp lắm − đẹp u trầm, ẻo lả
Khiến nghiêng mình anh đứng lặng đắm trong mơ
Rộn bên lòng muôn đợt sóng của hồn thơ
Nắng ngày hè tưng bừng như dội lửa
Mây bình minh giải cuối trời phớt đỏ
Cũng không nồng nàn bằng cặp mắt mơ trông
Không xinh tươi bằng đôi má ửng hồng
Của người đẹp khi nâng rèm tìm mộng.
 
Ôi bấy lâu cuộc đời anh trống rỗng,
Nay bóng em lại êm ái lướt đi qua.
Đàn lòng anh xưa ngơ ngẩn tiếng tơ,
Mấy ngón tay em lại rung lời ân ái.
Trái tim anh đã dạn dày mệt mỏi,
Nay vì em lại nao nức rộn ràng,
Và âm thầm thổn thức lệ yêu đương.
 
Rồi từ đó anh mê say tìm bóng đẹp
Trong giấc mơ, để dâng lời tha thiết,
Để trong tay em anh gửi nỗi vui buồn
Và bên lòng em anh an nghỉ tâm hồn
Để tiếng lòng anh thôi đừng than thở nữa
Và cùng em đi tìm ngày rực rỡ.
 
Nhưng đêm tan − anh chỉ thấy bóng đêm tà
Và gió hiên ngoài tầm tã rắc mưa sa.
                                                         TRẦN KIM
                                          Bắc Hà, tập mới, s. 10 (12/10/1936)
 
 TƠ LÒNG ĐÃ ĐỨT
                              Tặng hương hồn một nhà thơ xấu số
 
Trên giường bệnh thi nhân đêm nay trầm trọng,
Chàng đành nằm chờ thần chết đến lôi đi.
Trong túp lều leo lét ánh đèn khuya,
Đôi mắt hõm bỗng long lanh sáng quắc
Như luyến tiếc những ngày vàng sắp tắt.
Chàng lặng nhìn thu hình ảnh vật chung quanh,
Một ngọn đèn, một tập giấy, cây đờn tranh,
Mấy chiếc cột vẹo đứng nâng gian nhà trống,
Ấy bầu bạn bấy lâu chàng chung sống.
 
Nén tim đau buông một tiếng thở dài,
Trút giả đời bao nỗi hận mỉa mai
Rồi ngao ngán, chàng ngậm ngùi tự hỏi:
Nay chí nguyện đành trôi theo mây nổi,
Khúc yêu đời cũng sắp tắt lời ca,
Gót chinh phu trên đường thế sẽ nhoà,
Dưới mảnh đất rồi vùi sâu lòng phấn khởi.
Ôi! đời ta còn có gì để lại?
 
Đáp lời than một cơn ho rũ nổi lên,
Ấp hai tay đè lấy ngực nằm rên,
Rồi cắn môi chàng cố ngồi gượng dậy.
Như cây khô gió chiều lay run rẩy,
Chàng lê lại bàn cầm tập giấy toan xé đi,
Nhưng bỗng cau mày, lưỡng lự, đê mê,
Trên môi nhợt một nụ cười khẽ nhếch.
− Trong đời ta còn chút này di tích,
Dù thân ta đã vì nó mà xác xơ,
Dù cho đời có hắt hủi, thờ ơ,
Không cần biết hay không thèm biết tới
Kẻ vì họ nay ốm đau ngắc ngoải.
Thôi cũng đành! Còn lại mấy vần thơ,
Cả một đời hoạt động, sống ganh đua,
Vui phấn đấu, khinh gian lao, cười thất bại.
Từng than thở dỗ ma nghèo khóc đói,
Từng xông pha tìm chân lý trên đường xa,
Trong đêm gieo neo tay vung gió vung mưa,
Hay ngày rực rỡ gọi chim mừng nắng mới.
Phải, biết đâu chút này không an ủi
Bao tâm hồn đang vơ vất sống lầm than,
Đang căm hờn giận lớp sóng thời gian
Trôi biền biệt cuốn phăng phăng nguồn hạnh phúc,
Hay giục giã khách lỡ thời đang thổn thức
Thưở sinh bình chí nguyện chửa thành công,
Trách mây bay, sóng đổ, núi trập trùng
Nỡ hững hờ để khách lạc loài không bạn,
Hay khóc với kẻ xót thầm thân tù hãm,
Như chim khuyên căm tiếng trong lồng son
Vì muôn năm không có bạn tâm hồn!
 
Nghĩ đến đấy, thở hắt ra, chàng cười ngất,
Như ngọn đèn cạn dầu, dần lụt bấc,
Chàng lịm đi …. môi vẫn rớt lại nụ cười,
Một nụ cười sung sướng hay mỉa mai?
                          
                         *
 
Thế rồi … ít lâu, một bạn chàng lợi dụng
Đem tập giấy kia đổi lấy ít tiền tiêu
Không biết rằng đấy là hồn kẻ phiêu lưu,
Đấy là khí phách của một đời oanh liệt!
Và cũng từ đó, tiếng lòng thống thiết
Khi cao bay gọi hồn non nước đang mê say,
Khi ngấm ngầm trong lòng thiếu nữ thơ ngây,
Khi sang sảng trên môi tươi người tráng sĩ.
Đời lúc ấy muốn tìm bạn thơ chân giá trị
Nhưng than ôi! Bạn thơ đó nay còn đâu!
Nay còn đâu những tiếng réo rắt nhiệm màu
Của một cây đàn thiên nhiên muôn cung bực,
Vì, ai ơi! tơ lòng thi nhân nay đã đứt!
                                                            TRẦN KIM
                                                Bắc Hà, tập mới, s. 15 (19/11/1936)
 
 HÁI LỘC
 
Hãy dắt nhau đi hái lộc chùa,
Bẻ nhành hoa thắm ném ngây thơ
Lên ngang mái tóc đoàn xuân nữ,
Vì tuổi yêu đào, ta điểm tô.
 
Hãy chắp hai tay ở phật tiền
Nghe lời cô bé khấn huyên thiên,
Ngắm đôi mắt biếc ngây thơ mở
Trong khói hương mờ nhẹ bốc lên …
 
Hãy xán vào nơi đoán thẻ vàng,
Trông cô em lấy vẻ nghiêm trang
Nghe lời thánh dạy điều hung, cát
Đôi mí say sưa chớp dịu dàng.
 
Rồi ngó cô đi thắm miệng cười
Tin lời giải vận, nghịch hoa tươi,
Mơ màng đến chuyện yêu đương tí
Đôi má hây hây mắt sáng ngời …
 
Xin với cô em trẩy lộc chùa
Cho lòng đượm nắng giãi ngây thơ,
Trên vừng trán ánh xuân mười sáu,
Trong mắt long lanh vẻ ước mơ …
                                                THANH GIÁM
                                    Bắc hà, tập mới, s.5 (29/1/1938)
 
 NGUỒN SỐNG
 
Những đêm sông vắng − chiếc đò ngang
Đã cắm sào bên bãi cát vàng,
Trăng giãi như màu tang tóc ấy
− Có người thấy lạnh nhớ tình lang.
 
Người ấy cùng con ở bến sông,
Cảnh đời như một buổi chiều đông.
Quanh năm đưa đón người xa lại,
Lấy miếng con ăn đỡ đói lòng.
 
Ngày xưa, người ấy − Một lần xuân
Đã một lần yêu − Đã một lần
Lặng lẽ bồng con cười tiễn biệt
Bóng người chinh khách ruổi xa xăm …
 
 
Tin người chinh khách chết năm kia
Trong lúc ra khơi một chiếc bè
Trong lúc bão lòng căm hận nổi
− Hôm qua có một bóng chim về!
 
Người ấy nay là con đĩ thôi
Bán mình nuôi sống đứa con côi,
Chiều chiều ngồi vá từng manh áo,
Để đắp lòng xuân đã rách rồi!
 
Nhưng đêm nay gió lại sang sông,
Người ấy ôm con riết tận lòng,
Sóng nước rùng mình không chảy nữa,
Cười vang người ấy nhắc tên chồng.
 
Cũng như người mẹ ham mê sống,
Mong ở đời con chí nguyện thành,
Chị đã nhọc nhằn nuôi hy vọng
Một ngày được thoả chí bình sinh.
 
Sớm nay mây trắng lướt trời trong,
Đàn sáo bay về đậu bến sông,
Chị đã nâng niu niềm phấn khởi,
− Ai nghe chim hót ở trong lòng?
                                                HUYỀN TRÂN
                                                 Thái Dương [*]
                                                Bắc Hà, năm thứ tư, s. 10 (12/3/1938)
 
-------------------------
[*] TháiDương ở đây là tên nhóm nhà văn tham gia tuần báo Bắc Hà. Thông báo của toà soạn báo này đăng ở số 9 (5/3/1938) cho biết: từ số 10 báo sẽ đổi sang khổ vừa (30x40 cm), và toà soạn sẽ hợp tác với nhiều nhóm nhà văn hoặc các nhà văn độc lập, trong số này được nêu tên trong Thái Dương văn đoàn sẽ tham gia phần thơ văn và tiểu thuyết của tuần báo Bắc Hà là: “Các cô Huyền Trân, Yến Lan; các ông Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Xuân Khai, Tịnh Nhơn, Huy Vân”. Thực ra, cả hai “cô” Huyền Trân và Yến Lan đều là nhà văn nam giới.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528609

Hôm nay

2265

Hôm qua

2291

Tuần này

2882

Tháng này

215305

Tháng qua

0

Tất cả

114528609