Năm học 1953-1954, khi còn là học sinh lớp 9 trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), anh đã là một trong số học sinh giỏi của trường. Có lần, giữa giờ nghỉ giải lao, sau tiết học môn lịch sử, anh lấy phấn viết lên bảng một số chữ Hán, rồi đố chúng tôi đó là những tên hiệu nào xưa kia của nước ta. Tất nhiên chúng tôi chẳng một ai thạo thứ chữ, mà hồi đó người ta nghĩ chẳng cần học làm gì. Song thấy là lạ, nên cũng thử nghe anh giải thích cho vui. Đến năm 1956, anh là giảng viên bộ môn lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn tôi là giáo viên cấp 2. Một lần giảng bài, tôi gặp mấy chữ Hán không hiểu rõ nghĩa, nhưng chẳng quen biết ai để hỏi. Sực nhớ lại kỉ niệm người bạn học cũ đố chữ trước kia, tôi bèn viết thư hỏi anh, nhưng trong lòng vẫn đinh ninh rằng chắc gì bạn viết thư trả lời. Nhưng không ngờ, ngay trong tuần đó, tôi nhận được lá thư của anh với những lời thăm hỏi đầy tình cảm và trả lời từng điều tôi hỏi một cách hết sức cụ thể, tỷ mỉ. Anh còn cẩn thận chua thêm cả chữ Hán bên cạnh chữ Quốc ngữ để minh họa. Lá thư đó của anh nay tôi còn giữ.
Đến năm 2000, sau khi nghỉ hưu, tôi tham gia Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Thanh Hóa, và được giao tập hợp những hội viên chuyên ngành thực hiện đề tài: “Sưu tầm và biên dịch những bút tích Hán Nôm hiện còn ở các hang động, vách núi của xứ Thanh". Trong quá trình đọc, dịch một số tư liệu Hán Nôm, chúng tôi và mấy lão nho của địa phương bắt gặp nhiều chữ rất khó hiểu, đem ra tranh luận thì không ai chịu ai. Ví như văn bia do danh nho Phạm Sư Mạnh thời Trần soạn, có ghi ngôi chùa cổ Sùng Nghiêm ở phía “Bính”. Người thì bảo viết nhầm, kẻ thì nói chữ thiếu nét, một vị giảng dạy Hán Nôm kì cựu ở Đại học thì cho là khắc sai, đó chính là chữ “Tây”, còn các tác phẩm viết về chữ húy lại không đề cập! Tiếp đến một loạt bài thơ của tác giả “Nhật Nam nguyên chủ” (chúa Trịnh Sâm) khắc trên nhiều vách núi, đều thấy đề tên người phụng tả (vâng lệnh viết), rất mới lạ, không hiểu chữ gì, mọi người nghi rằng đó là chữ “Cao Phược”. Hoặc chúng tôi đã tìm lại được tấm bia cổ có khắc chữ “Phật” rất lớn, mà sách Đại Nam nhất thống chí dẫn lời nhà bác học Lê Quí Đôn cho hay đó là chữ của vua Lý Thánh Tông (1054-1071), nhưng tên bia viết kiểu chữ Hán cổ, nên chưa ai đọc thông...
Thời gian này, anh Tấn là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đồng thời đang hướng dẫn một số nghiên cứu sinh, lại thường tham dự, báo cáo tại các hội thảo khoa học ở nước ngoài, nên rất bận. Lần đó, khi tôi đến chơi vừa lúc anh đang chuẩn bị dự một cuộc họp nào đó. Ấy thế, khi nghe tôi nêu lên mấy thắc mắc trên, thì lập tức anh tỏ thái độ hồ hởi, đòi đưa xem văn bản và trả lời luôn cả ba vấn đề. Anh cho biết thời Trần kiêng húy chữ “Nam” nên viết thành chữ “Bính”, điều này do anh phát hiện. Vì thế phương “Bính” cần hiểu là phương “Nam”. Còn chữ “Cao Phược” theo anh phải đọc là “Cao Bác” mới đúng và tên tấm bia “Trùng tu Diên Linh chân giáo tự bi”, viết theo lối chữ Triện, nghĩa là tấm bia trùng tu ngôi chùa Diên Linh Chân Giáo.
Vì chỗ gia đình anh ở quá chật, không có nơi làm việc, nên anh phải bò xoài trên sàn nhà để xem lại mấy tài liệu cho thật chính xác. Điều kì lạ là các cuốn sách chữ Hán dày cộp, nhưng anh giở trang nào là đúng ngay nội dung cần tìm, nên cũng nhanh, không mất nhiều thì giờ tra cứu. Khi nghe tôi than phiền làm mất thì giờ Viện trưởng, anh vui vẻ trả lời là vẫn còn kịp đến khai mạc cuộc họp!
Ngày 18 tháng 4 năm 2001, GS Tấn bất ngờ lâm bệnh nặng, không nói, không đi lại được. Vì ở xa, nên thỉnh thoảng tôi mới đến thăm. Khi trò chuyện có chị Nga là vợ anh “phiên dịch”, hoặc anh dùng bút đàm. Một lần thấy anh ra hiệu, chị Nga liền lấy cuốn sách nhan dề: "Chữ trên đá, chữ trên đồng. Minh văn và lịch sử”(1) và nói với tôi rằng: “Nhà tôi vừa xuất bản cuốn sách này, đang để dành tặng anh”, rồi đem bút cho anh viết lời đề tặng. Tuy tay trái của anh bị liệt, nhưng tay phải viết còn rất đẹp, giống hệt chữ trên lá thư anh gửi cho tôi hơn nửa thế kỉ trước. Năm năm sau, một lần khác khi tôi đến chơi, chị Nga lại bảo: “Nhà tôi vừa xuất bản cuốn sách: “Một số vấn đề về lí luận sử học”(2) . Tất nhiên, như trong bài “phi lộ” GS Tấn đã cho biết có một số bạn hữu và học trò giúp đỡ sưu tập để xuất bản sau khi anh bị bạo bệnh. Nhưng đọc nội dung các lời đề tựa do anh viết và nhìn những chữ anh kí, đề tặng thấy vừa đẹp, vừa phóng khoáng, ý lại rất chặt chẽ, tôi thầm vui mừng vì biết rằng như thế là trí óc anh vẫn minh mẫn. Tuy nhiên những lần tới thăm, tôi không bao giờ dám hỏi anh về vấn đề học thuật, sợ làm tổn thương căn bệnh liên quan đến bộ não của anh. Song đầu tháng 4 vừa rồi, chúng tôi tình cờ phát hiện được một tấm bia ngờ rằng xuất hiện từ thời Trần, vì dòng chữ ghi niên đại chưa đọc rõ. Tôi mang bản dập ra Hà Nội, định đến hỏi mấy chuyên gia quen ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nhưng ngày đầu, theo thói quen, tôi đến nhà thăm anh Tấn và vài bạn thân trước. Nghe tôi hỏi về tình hình ăn, ngủ, sinh hoạt của anh hiện nay ra sao, chị Nga vợ anh cho biết là chồng mình rất lạ, bị bệnh như thế mà suốt ngày vẫn đọc sách, phát hiện được vấn đề gì mới thì mắt sáng rực lên, người như khỏe hẳn ra... Tôi chợt nghĩ mấy năm nay đến chơi, khi nghe nhắc đến những kỷ niệm cũ, hoặc kể lại chuyện quê hương, bạn bè... anh thường khóc vì xúc cảm, khiến tôi phải vội vàng rút lui ngay, sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của anh. Nay nghe chị Nga nói vậy, như thể được người chủ trì chăm sóc chồng cho phép, tôi bèn đem bản dập tấm bia cho anh xem. Anh chăm chú đọc, rồi cầm bút viết lên trang giấy trả lời tôi: “Bia thời Trần”. Tôi hỏi căn cứ đâu để biết? Anh cho hay là căn cứ vào hoa văn và chữ “Nguyệt” kị húy chỉ có một nét ngang. Tôi hỏi lại chữ “Nguyệt” là tên ai? Anh nói ngay đó là thân mẫu đức Trần Hưng Đạo, mà sách Đại Việt sử kí toàn thư đã chép! Anh cho biết thêm chữ "Phong", niên hiệu Thiệu Phong, triều vua Trần Dụ Tông trên bản dập không rõ lắm, rồi anh viết hai chữ Hán đó lên giấy và bảo tôi dập toàn bộ văn bia cho anh xem, chắc có thể phát hiện được một số điều thú vị. Như để tôi tin những điều trên là chính xác, anh ra hiệu cho chị Nga lấy cuốn sách: “Chữ trên đá, chữ trên đồng...” cho tôi xem. Chị Nga còn loay hoay chưa rõ sách cất chỗ nào, thì anh liền hướng cho vợ biết sách để trong buồng. Vừa cầm cuốn sách, anh giở đúng ngay trang 169, có bài: "Về một quả ấn Việt Nam thời Trần tìm thấy ở Quảng Tây (Trung Quốc)” thấy chữ “Nguyệt” trên chiếc ấn khắc thiếu một nét ngang, đúng với thể lệ viết húy thời Trần. Chị Nga cười nói với tôi: “Đấy anh xem, tôi thì chẳng thể biết sách vở để chỗ nào, còn nhà tôi thì nhớ đúng nơi để từng cuốn sách, lại còn biết cả số trang chép những vấn đề gì cần tìm!”. Anh Tấn chăm chú xem bản dập niên đại tấm bia một cách hứng khởi, say sưa lạ thường! Nhưng sợ anh mệt vì kéo dài thời gian vận động trí óc, nên tôi lái sang câu chuyện được phong giáo sư của anh thuở trước. Năm 1980, tôi gặp GS TSKH Vũ Đình Cự, để mời ông về nói chuyện phá bom từ trường mà Mỹ bỏ xuống miền Bắc, để phong tỏa việc vận chuyển chi viện cho miền Nam bằng đường sông, đường biển. Lần đó, chờ mãi gần trưa mới thấy GS Cự về và ông cho biết đi dự cuộc họp bỏ phiếu phong giáo sư cho một số nhà khoa học. Chả là thời gian này ông Cự giữ chức Phó viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, nên chắc có chân trong Hội đồng phong học hàm quốc gia. Tôi bèn sực nhớ hỏi ông rằng, mình có người bạn thân không hiểu có được phong không? GS Cự hỏi lại tên ông bạn là gì? Khi nghe tôi trả lời là Hà Văn Tấn, thì ông nói ngay, đại ý: tôi thấy bạn anh biết cả chữ Phạn, chữ Hán cổ, chữ Nhật, Ba Tư..., sáu bảy thứ ngôn ngữ, nên bỏ phiếu ngay!
Trở về nhà, tôi lục các sách Đại Việt sử kí toàn thư, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại..., thì thấy đúng như những điều anh Tấn đã nói. Chẳng hạn sách Toàn thư chép: “Kỉ Hợi (Hưng Long) năm thứ 7, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh đại vương và Thiện Đạo quốc mẫu. (Khâm Minh tên húy là Liễu. Thiện Đạo tên húy là Nguyệt. Thiện Đạo là phu nhân của Liễu...”(3). Còn sách: “Nghiên cứu chữ húy” của PGS Ngô Đức Thọ, thì thấy dưới thời Trần chữ Nguyệt phải viết kiêng theo nhiều cách, trong đó đúng là có cách viết bớt một nét ngang(4).
Một nhà khoa học bị chứng bệnh xuất huyết não hiểm nghèo, đến mức không nói được, liệt tay trái, không thể đi đứng..., mà trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ viết vẫn rất minh mẫn là một chuyện lạ! Nhưng điều đáng khâm phục ở đây là nghị lực của GS Tấn thật hiếm thấy. Vẫn xuất bản tác phẩm, say mê đọc sách, theo dõi những thông tin khoa học mới trong và ngoài nước, vẫn suy ngẫm về vấn đề “có một chữ viết khác Hán của người Việt cổ”, mà trước kia khi còn khỏe anh đã nêu lên và viết bài công bố trên tập san khoa học của trường Viễn Đông bác cổ Pháp.(5). Hiện tôi còn giữ một bản anh cho từ hồi ấy... Tất cả những điều tôi vừa kể trên độc giả có thể nhận thấy qua lời “phi lộ” về cuốn sách “Chữ trên đá, chữ trên đồng. Minh văn và lịch sử”, mà GS Tấn viết sau hơn một năm đã mắc bạo bệnh: “...Tác giả (GS Hà Văn Tấn = NV chú) chỉ có một ước ao, là quyển sách này sẽ kích thích mọi người chú ý đến minh văn. Và lúc đó việc nghiên cứu lịch sử sẽ có thêm một nguồn tư liệu phong phú, nhất là đối với các giai đoạn có ít tài liệu thì nguồn minh văn trở thành duy nhất.
Cũng cần nói thêm rằng, trên thế giới hiện có những phát hiện mới quan trọng, khiến cho tác giả (GS Tấn = NV chú) có thể bổ sung nhiều điểm trong các bài viết của mình. Chẳng hạn như ở khu mộ cổ Phao Sơn (Trung Quốc) đã tìm được chiếc qua đồng Chiến Quốc có dòng chữ với các kí hiệu giống hệt chiếc qua đồng tìm thấy ở Thanh Hóa. Điều đó khiến ta nghĩ rằng có một hệ thống chữ viết khác Hán ở Hoa Nam mà tôi đã nêu lên. Rồi người ta lại tìm được trong các kho tài liệu ở Đôn Hoàng của Paul Pelliot và S.Stein những bản “Phật đỉnh tôn thắng đà la ni” kèm những câu kệ chữ Hán giống với cột kinh thứ 2 ở Hoa Lư (Hà Văn Tấn dịch-người viết chú). Điều đó cho phép chúng ta bổ sung những câu kệ đã bị mất ở trên cột kinh này.
Nhưng do điều kiện bệnh tật, tôi chưa có thể bổ sung cập nhật được. Ở đây xin độc giả lượng thứ cho...”(6
Riêng tôi vẫn tin rằng tới đây GS Hà Văn Tấn sẽ vẫn có tác phẩm mới công bố. Và điều rõ ràng đã thấy là một số công trình nghiên cứu của anh đã và đang được độc giả hâm mộ tái bản thành sách, hoặc đăng lại trên những tạp chí chuyên ngành. Ví như bài: “Đổi mới phương pháp nghiên cứu lịch sử” in trên Tạp chí Xưa và Nay(7). Hoặc cuốn: “Chùa Việt Nam” vừa tái bản trong các năm 2009, 2010, mà nay nhiều độc giả muốn mua cũng khó lòng tìm được!
-------------------
(1) Hà Văn Tấn - Chữ trên đá, chữ trên đồng. Minh văn và lịch sử - Nhà XBKHXH – 2002.
(2) Hà Văn Tấn - Một số vấn đề lý luận sử học - Nhà XBĐHQG Hà Nội 2007.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư - Nhà XBKHXH Hà Nội 1985- Tr.74.
(4) Ngô Đức Thọ - Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại - Nhà XBVH Hà Nội 1997.
(5) Bulletin de L’Ecole Francaise D’extrême-Orient- Tome LXVIII- Paris 1980
(6) Chữ trên đá, chữ trên đồng... (Sđd)- Tr. 7.
(7) TẠP CHÍ XƯA VÀ NAY SỐ 332 (5-2009), SỐ 339 (9-2009).