Người xứ Nghệ

Kỹ sư Võ Quý Huân - Con chim đầu đàn của ngành đúc - luyện kim Việt Nam

NĂM 1946 trên chiếc chiến hạm của Hải quân Pháp đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về Việt Nam có bốn kỹ sư được Bác Hồ đưa theo về nước. Người thứ nhất: Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, sau này là Giáo sư viện sĩ, Anh hùng Lao động Việt Nam. Người thứ hai: Kỹ sư Võ Quý Huân, sau này là Phó Chủ tịch Hội Đúc – Luyện Kim Việt Nam, con chim đầu đàn ngành Đúc – Luyện Kim Việt Nam. Người thứ ba: Bác sĩ Trần Hữu Tước, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Người thứ tư: Kỹ sư Võ Đình Quỳnh.

Kỹ sư Võ Quý Huân người huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Anh là người Việt Nam tốt nghiệp kỹ sư ngành Đúc vào loại sớm nhất. Sang Pháp năm 1937, anh học và tốt nghiệp kỹ sư các ngành cơ điện, đúc và công nghệ. Từ những năm đầu của thập kỷ 40 anh đã hành nghề kỹ sư ở Pháp cho nhiều công ty và nhiều nhà máy khác nhau. Là trí thức yêu nước, anh tham gia tích cực vào các hoạt động của Việt kiều yêu nước. Khi Cách mạng tháng 8 – 1945 ở Việt Nam thành công, anh đã cùng anh chị em Việt kiều là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tổ chức “Việt Minh đồng chí hội”, sau đó làm thư ký Hội Việt Pháp hữu nghị. Khi phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Pháp đàm phán, anh làm cán bộ giao dịch cho phái đoàn của ta ở Paris. Anh được Bác Hồ đưa theo về nước khi Bác từ Pháp trở lại Việt Nam.
Tháng 12 – 1946, chiến tranh Pháp – Việt bùng nổ, anh hăng hái lao vào công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đảm nhiệm nhiều trách nhiệm nặng nề khác nhau, từ Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế, Giám đốc Sở Khoáng chất Kỹ nghệ Trung bộ, Tổng Thư ký Hội đồng Sản xuất Kỹ nghệ Liên khu 4 đến Chủ nhiệm Tập san Kỹ nghệ, Hiệu trưởng trường Cán bộ Kỹ thuật, Trưởng ban Kỹ thuật Cục Quân giới Bộ Quốc phòng…
Song những ngày hào hùng nhất, đáng ghi nhớ nhất của cuộc đời kháng chiến gian khổ oanh liệt nhất của anh vẫn là những ngày tháng anh quên mình xây dựng và cống hiến cho ngành Luyện kim non trẻ của nước Việt Nam, làm ra gang thép cho Tổ quốc, những ngày mà anh được thực sự hành nghề kỹ sư đúc luyện kim như anh vẫn hằng mong muốn. Được chỉ đạo của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục quân giới Bộ Quốc phòng, anh đã cùng cán bộ công nhân viên quốc phòng của Xưởng Kim khí kháng chiến 3KC mà anh là Giám đốc thiết kế và thi công lò cao nhỏ thí nghiệm 3KC1 ở rừng Cầu Đất trên bờ sông Con thơ mộng của huyện Con Cuông, một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Nghệ An. Ngày 15 -11-1948 trong rừng Cầu Đất, lò cao thí nghiệm có dung tích nửa mét khối chạy quặng sắt vân trình của huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An đã ra mẻ gang đầu tiên. Lò cao thí nghiệm này chỉ cao có 2,4 mét, nhiệt độ gió nóng 400 độ C, áp lực quạt gió 400mm nước. Mẻ gang đầu tiên ra lò này được anh chỉ đạo, đem nấu luyện lại trong lò chõ để đúc ra tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đem triển lãm ở Liên khu 4 năm 1949 và sau đó đưa gửi ra Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ.
Rút kinh nghiệm của lò cao thí nghiệm, Kỹ sư Võ Quý Huân cho thiết kế và xây dựng lò cao thứ hai 3KC lớn gấp đôi có dung tích một mét khối. Để tiết kiệm than củi, anh cho dùng than mỡ ở khe Bố đem luyện thành than cốc ở trong lò ống gang có phi 200mm. Do nhu cầu, cả hai lò nhỏ này được di chuyển về Cát Văn, một vùng trung du của Nghệ An và được anh thiết kế lại thành một lò cao lớn gấp 6 lần để cung cấp được nhiều gang hơn cho kháng chiến. Tháng 3/1950, máy bay của quân đội Pháp đến ném bom và bắn rốc-két phá hủy lò cao Cát Văn 6 mét khối. Lò cao kháng chiến lại được di chuyển ra vùng rừng núi của huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa để xây dựng thành hai lò cao Như Xuân – NX1 có dung tích 6 mét khối và NX2 có dung tích 2 mét khối ở trong rừng lim Như Xuân. Máy bay của quân đội Pháp lại đến ném bom phá hủy lò cao và cả một vùng rừng lim. Lò cao kháng chiến được xây mới lại có dung tích 7 mét khối, lớn hơn lò cũ và gọi là lò cao Như Xuân NX3. Lò cao kháng chiến Như Xuân ở trong hang sâu với các giải pháp kỹ thuật như dùng đá gres thay gạch chịu lửa dinas, dùng trấu trộn lẫn đất sét đóng thành gạch làm vật liệu chịu lửa cho thân lò cao, thông gió, hút bụi và hút khí độc tốt lại có tường chống bom nên mọi hoạt động sản xuất, thí nghiệm, ăn ngủ sinh hoạt của công nhân ở trong hang sâu vẫn bảo đảm được ổn định chống đỡ được các đợt ném bom của máy bay Pháp các năm 1952 và 1953. Khi lò cao cũng được sử dụng để chạy lò gió nóng và để đốt nồi hơi của hai đầu máy xe lửa trước đây của nhà máy xe lửa Tràng Thi ở Vinh để chạy hai máy phát điện 100 KVA. Lò cao Như Xuân NX3 sản xuất liên tục cho đến hết năm 1954 khi chiến tranh Pháp Việt kết thúc, mỗi ngày sản xuất được 4 – 5 tấn gang, đủ cung cấp cho các xí nghiệp quân đội sản xuất lựu đạn, đạn súng cối, mìn, lưỡi cày, chảo gang, nồi gang trong suốt mấy năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chiến tranh kết thúc, kỹ sư Võ Quý Huân được điều về làm Hiệu trưởng trường Kỹ thuật Trung cấp 1 tại Hà Nội. Tiền thân của trường này chính là trường Cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ trước đây ở vùng tự do Thanh – Nghệ Tĩnh, loại trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam kháng chiến mà hiệu trưởng chính là Kỹ sư Võ Quý Huân, Phó hiệu trưởng là một người có quốc tịch Đức, em nuôi của Bác Hồ tên là Hồ Chí Thọ.
Kỹ sư Võ Quý Huân lại say sưa với hoạt động đào tạo của ngành Đúc Luyện kim. Thời gian này anh Huân làm Tổ trưởng tổ luyện kim (sau này là Ban luyện kim) của Ủy ban khoa học nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó khó quên với anh. Tôi nhớ mãi những ngày đêm cùng anh sôi nổi chuẩn bị cho Hội nghị đúc gang đồng toàn trường của anh. Anh phân công anh Hoàng Bình viết báo cáo về đúc gang, tôi viết báo cáo về đúc đồng. Anh mời được cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Bí thư Trường Chinh đến dự hội nghị và xem thao diễn kỹ thuật. Rồi những kỷ niệm khó quên về những ngày sôi nổi, háo hức trù bị cho việc thành lập Hội Đúc Luyện kim Việt Nam đầu những năm sáu mươi. Tôi còn nhớ nét mặt tươi cười, rạng rỡ của anh khi anh báo tin mừng việc Nhà nước đã công nhận ba sáng lập viên của Hội là Võ Quý Huân, Nguyễn Đức Thừa và Phan Tử Phùng. Anh vẫn mặc bộ “côm lê” bằng tít xuy len kẻ ô đen xám và cầm cái cặp da đen, tay huơ huơ tờ giấy phép của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký công nhận Ban Vận động thành lập Hội Đúc Luyện kim Việt Nam, vừa đi vào trụ sở Hội ở 30A Lý Thường Kiệt, vừa tươi cười nói: “Xong rồi! Xong rồi!”
Kỹ sư Võ Quý Huân là người thực hành, có nhiều kinh nghiệm thực tế trong sản xuất và trong chỉ đạo sản xuất. Từ khi anh nhận nhiệm vụ lãnh đạo ở Vụ Kỹ thuật Bộ Công nghiệp nặng anh hầu như có mặt ở khắp nơi của các cơ sở sản xuất Đúc – Luyện kim ở trong nước. Tôi nhớ mãi những buổi tranh luận sôi nổi với anh tại lò cao Hàm Rồng, Thanh Hóa về việc sử dụng đá res Núi Nhồi thay gạch chịu lửa cho lò cao, việc sử dụng than antraxít thay than cốc và việc phá bướu trong lò cao tại hội nghị ở lò cao Cọc Nam ở Quảng Ninh, việc thay đổi chế độ ủ gang dẻo làm cuốc và công cụ cầm tay ở hội nghị gang dẻo ở Hưng Yên, việc đánh giá trữ lượng và chất lượng quặng sắt limônít Bảo Hà với các chuyên gia Tiệp Khắc trong các lán trại của các đội thăm dò địa chất ở rừng núi Yên Bái, những buổi tranh luận đầy tinh thần trách nhiệm ở Bộ Công nghiệp nặng về các phương án xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên. Anh bao giờ cũng là người nêu ra những vấn đề cần tranh luận của thực tiễn sản xuất và bao giờ anh vẫn giữ nụ cười vui vẻ, đầy tính phục thiện và sảng khoái trong tranh luận.
Rồi đến những ngày trọng thể của năm 1964 khi tiến hành Đại hội chính thức thành lập Hội Đúc Luyện kim Việt Nam tại Hội trường lớn của Ủy ban Khoa học Nhà nước mà anh được đại hội chính thức bầu làm Phó Chủ tịch Hội của nhiệm kỳ đầu tiên.
Kỹ sư Võ Quý Huân là người suốt đời gắn bó với ngành Đúc Luyện kim, là người hết sức yêu nghề Đúc Luyện kim mà anh đã từng được học tập và hành nghề tại Pháp. Anh yêu nghề đến mức dùng tên của các kim loại để đặt tên cho các con, khẳng định việc anh và gia đình sẽ suốt đời gắn bó theo đuổi ngành Đúc Luyện kim.

Anh Huân, Kỹ sư Võ Quý Huân đã vĩnh viễn ra đi vào đúng những ngày gian khổ nhất cuối năm 1967 của cuộc kháng chiến, khi mà đế quốc Mỹ đã liều lĩnh đem bom đạn đến đánh phá Hà Nội. Anh ra đi và chưa kịp thấy sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc, chưa kịp thấy sự đổi mới của đất nước, chưa kịp thấy sự tiến bộ của ngành Đúc Luyện kim Việt Nam và của các con anh, trong đó có người đã xứng đáng nối dõi cha theo ngành Đúc Luyện kim và hiện đương làm Tổng Giám đốc một liên doanh về sắt thép ở thành phố mang tên Bác, Người đã đưa anh về nước mà trước khi nhắm mắt ra đi anh vẫn còn mấp máy môi: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528760

Hôm nay

2141

Hôm qua

2275

Tuần này

21033

Tháng này

215456

Tháng qua

0

Tất cả

114528760