Xứ Nghệ ngày nay

Tủ sách dòng họ - Một hướng mở cho văn hóa đọc ở nông thôn

THỰC hiện tâm nguyện của các bậc cao niên trong dòng họ, chị Hoàng Thị Tùng đã đứng ra đảm nhận phụ trách tủ sách của dòng họ Hoàng tại nhà thờ họ (chi hai ở xã Diễn Cát, Diễn Châu). Vậy là sau 30 năm theo nghề thư viện cơ sở, nay nghỉ hưu chị vẫn được đem kinh nghiệm và tâm huyết với sự đọc để phục vụ bà con.

Chị bảo, trước khi nhận lời, chị tin rằng tủ sách sẽ rất hiệu quả vì vùng nông thôn nói chung, quê chị nói riêng đang đói sách lắm, vùng quê chị lại không có một thư viện nào, tủ sách của xã còn quá đơn sơ, nghèo nàn. Cũng đã quá nửa năm hoạt động, tủ sách họ Hoàng đã thành địa chỉ tin cậy và hấp dẫn. “Lúc đầu chỉ nghĩ là phục vụ bà con trong họ, vì mình chưa đủ khả năng phục vụ nhân dân. Nay người dân trong xóm, trong xã đến nhiều nên cũng phục vụ hết. Mọi người còn ham đọc sách là mình vui rồi”. Con cháu của cụ Hoàng Kiêm vốn có truyền thống hiếu học, nên rất nhiều người quan tâm đến sự học, sự đọc của người thân nơi quê nhà. Cụ Hoàng Quỳnh đã đi quyên góp sách trong anh em ở Hà Nội rồi chuyển về. Chị Tùng thì lặn lội lên huyện, lên Thư viện tỉnh xin thêm sách, và gặp được dự án xây dựng tủ sách dòng họ của ông Nguyễn Quang Thạch biếu thêm một số sách nữa. Ngoài những bản sách của cụ Hoàng Kiêm để lại, sách được tặng, con cháu của cụ từ Hà Nội, Sài Gòn và các miền quê gửi về, vốn sách đã lên tới hơn hai nghìn bản, trong đó có nhiều sách quý. Ngày chủ nhật, chị sang nhà thờ để trực tiếp phục vụ bạn đọc, còn ngày thường, hễ ai mượn, trả sách là chị đáp ứng ngay. Chị Hoàng Sâm ở xóm 7 bảo, hai cô con gái của chị, nhất là đứa đang học lớp tám, mượn sách thường xuyên. Cháu phấn khởi lắm.

Tính trên toàn tỉnh hiện mới có 4 tủ sách dòng họ, hai tủ sách dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), dòng họ Đặng ở Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), và của dòng họ Hoàng ở Diễn Cát. Vốn sách của các tủ sách dòng họ khá lớn, từ 500 - 2000 bản. Việc quản lí được giao cho những người tâm huyết và có trách nhiệm với sự đọc, đồng thời có điều kiện về thời gian nên tất cả các tủ sách đều hoạt động rất tốt. Tủ sách nào cũng có sổ sách ghi chép rất cụ thể, từ việc theo dõi mượn, trả đến thể loại sách, năm và nhà xuất bản... Nếu tính về con số, thì Nghệ An hiện có 20 thư viện huyện, thành, thị, trên 80 thư viện xã, và hàng trăm tủ sách xã, tủ sách khối, xóm... Tuy nhiên con số hoạt động thực sự có hiệu quả có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngay thư viện huyện cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Vốn sách của thư viện huyện nhiều nhất từ 10.000-14.000 bản như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn.... Các huyện Kì Sơn, Quế Phong… số sách ở thư viện huyện chỉ tương đương như một tủ sách dòng họ với ba bốn ngàn bản. Đa phần các thư viện huyện ít có nguồn để bổ sung sách hàng năm, ngoài số báo và tạp chí. Yên Thành là huyện khá quan tâm đến hoạt động thư viện, năm nào cũng đầu tư kinh phí để bổ sung sách, số thư viện xã cũng khá nhiều (14). Thực tế số thư viện xã này mới chỉ có phòng riêng, còn vốn sách chưa vượt quá 500 bản (tức lượng sách vẫn chưa đủ chuẩn) trong đó chủ yếu là dựa vào nguồn của tủ sách pháp luật, và chỉ xã Phúc Thành là có cán bộ thư viện riêng. Nguồn sách thư viện xã chỉ duy nhất do thư viện tỉnh và một ít do thư viện huyện cấp ban đầu, còn lại hàng năm chỉ bổ sung thêm từ nguồn sách pháp luật. Việc luân chuyển sách là cơ hội duy nhất để làm phong phú hơn số bản sách cho thư viện cơ sở, nhưng vì thiếu sách phục vụ tại chỗ, nên mỗi năm Yên Thành cũng chỉ luân chuyển được cho vài ba xã, mỗi lần cũng chưa vượt quá 100 bản. Tính ra cũng phải dăm bảy năm mới có thể luân chuyển vòng hai cho số thư viện được nhận ban đầu. Hiện trên toàn tỉnh, thư viện xã hoạt động hiệu quả (là những thư viện có vốn sách tương đối nhiều, từ 1000 bản trở lên) cũng không nhiều, có thể kể đến thư viện các xã Nam Anh (Nam Đàn), Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu), Cát Văn (Thanh Chương), Xuân Sơn (Đô Lương) và thư viện Cây Tùng của xóm 7, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên)... Về lý thuyết thì tất cả các xã, các khối, xóm, bản và cả dòng họ đạt chuẩn văn hoá đều phải có tủ sách. Như vậy cả tỉnh cũng có đến hàng ngàn tủ sách. Tuy nhiên tiêu chí này, nhiều khi cũng được châm chước. Hơn thế, dường như đây cũng chỉ là một cái tên cho có, còn thực tế loại tủ sách này rất nghèo nàn, đa phần chỉ là một cái tủ nhỏ, trong đó chứa một vài trăm cuốn sách và hiếm có cơ hội để được bổ sung. Bởi vậy thực trạng có hình mà không có quả là điều dễ hiểu.
Tủ sách do dòng họ tự xây dựng, trước hết xuất phát từ cái tâm. Bên cạnh đó, để thực hiện được công việc này, các dòng họ phải có điều kiện nhất định để huy động nguồn sách, công việc quản lí được giao cho những người thực sự có trách nhiệm. Đó là những điều kiện cần thiết và quan trọng để loại tủ sách này phát huy được tính năng, tác dụng của mình. Hiện nay, ở vùng nông thôn, các điều kiện về tiếp nhận thông tin đang còn rất nhiều hạn chế so vùng thành thị, dù rằng, internet cũng đã về tới đây, nhưng điều kiện kinh tế và trình độ chưa cho phép họ có khả năng rộng rãi để đón nhận nó. Mặt khác, văn hóa đọc truyền thống, không chỉ ở nông thôn, mà ngay ở thành thị vẫn đang có một vị thế bền vững. Đó là những yếu tố để nói rằng phát triển loại tủ sách dòng họ là một hướng đi đúng cho văn hóa đọc ở nông thôn và hoàn toàn phù hợp với xu hướng xã hội hóa hoạt động thư viện. Tuy nhiên, cũng phải có sự chọn lọc. Nó không thể là một sự thi đua hình thức giữa các dòng họ để lại rơi vào tình trạng như các tủ sách xã, xóm, dòng họ văn hóa... Ngoài việc lâu nay Thư viện tỉnh đã làm như cung cấp sách và hướng dẫn nghiệp vụ thư viện cho các tủ sách dòng họ, thì cũng cần định hướng phát triển cho loại hình này để nó tránh chạy theo số lượng mà không hiệu quả.

Phát triển có chọn lọc loại hình tủ sách dòng họ là việc các dòng họ và các địa phương cũng như Thư viện tỉnh cần làm cho văn hóa ở nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513146

Hôm nay

2247

Hôm qua

2436

Tuần này

21083

Tháng này

220019

Tháng qua

121356

Tất cả

114513146