Người xứ Nghệ

Đại học Việt Nam từ sụp đổ đến hồi sinh (1918-1945).Chung quanh một nhân vật trí thức nổi bật thời xây dựng Đại học mới: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)

I. Hoàng hôn của trường học Khổng Mạnh
Trong lịch sử hiện đại không thiếu kinh nghiệm những xứ bại trận đi tìm giải pháp cứu nước không bằng những biện pháp quân sự nhất thời mà qua chính sách cải tạo nền giáo dục và đổi mới phương pháp đào tạo nhân tài.

Nước Nhật thời Minh Trị sau khi bị Đô đốc Perry húng hiếp hay nước Pháp lúc Đệ tam Cộng hòa mới thành sau khi quân đội của Louis Napoleon bị người Đức đánh bại tại Sedan (1870). Nhờ biết cải cách kịp thời, họ bắt kịp đối thủ trong một thời gian ngắn và đôi khi còn vượt qua những kẻ thắng trận ngày trước. Tại Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà những bản Điều trần thống thiết của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch kêu gọi nhà vua bãi bỏ chế độ giáo dục lỗi thời, thay đổi lối học từ chương khoa cử ngay trong khi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm còn tiếp diễn hay lúc phong trào Cần Vương đang đột phát…1

Tuy nhiên tại Việt Nam phải đợi đến đầu thế kỷ XX và lời kêu gọi của các nhà nho cải lương ở Trung Quốc như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu mới thấy các phong trào Duy Tân hưởng ứng khẩu hiệu : Khai dân trí, chấn nhân khí, đào tại nhân tài. Và xem việc nâng cao chính sách đổi mới ngành giáo dục thành một vấn đề ưu tiên cấp bách (việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội là một phản ứng có ý nghĩa trong viễn cảnh đó). Tuy nhiên, mổ xẻ và phê bình những lý do và giải thích hiện tượng hao mòn của hệ thống quan quyền Tống Nho dưới thời Mãn Thanh và Việt Nam dưới triều Nguyễn 2 không đủ cho phép xây dựng một cuộc cải lương toàn diện và sâu rộng. Trên thực tế, chế độ giáo dục truyền thống ở Việt Nam chứng minh một khả năng kháng cự đặc biệt dưới áp lực bên trong (phong trào Duy Tân) và bên ngoài (xu hướng phương tiện hóa và đồng hóa ngày càng thắng thế trong chính quyền thuộc địa) và quá trình suy sụp của nền giáo dục Khổng Mạnh tại Việt Nam rất lâu dài nếu ta so sánh hoàn cảnh Việt Nam với trường hợp của Trung Quốc3.
Ngược lại, có nhiều lý do khách quan và chủ quan cản trở và làm trì trệ quá trình hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam:
·         Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đóng góp rất nhiều trong việc phục hồi chế độ thi cử bị lũng đoạn, suy đồi dưới thời Lê mạt (XVII và XVIII) như thiết lập một bộ phận quan lại “chuyên môn” quản lý ngành giáo dục từ cấp Huyện (Huấn Đạo), phủ (Giáo Thụ) đến tỉnh (Đốc Học) rồi kinh đô (Quốc Tử Giám). Dưới triều đại các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…, Việt Nam xứng đáng mang danh hiệu một vương triều có nền quốc học vững chắc. Chế độ thi cử đào tạo một giai cấp trí thức nho học tự nó và cho nó đóng vai trò chính trị, văn hóa và kinh tế rõ ràng trong xã hội và nhà nước nông nghiệp. Dù quan hệ tình cảm với sĩ phu miền Bắc còn quyến luyến với các triều đại trước còn tế nhị, triều đình nhà Nguyễn đã có thể dựa vào sự trung thành của sĩ phu các tỉnh “văn vật” và nhân tài nho học tập trung chung quanh cựu đô (Hà Nội), các vùng Thanh Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Nam…
·         Chính sách bành trướng của nước Đại Nam trên phần còn lại trên bán đảo Đông Dương lúc ban đầu là biện pháp “bất đắc dĩ” của nước Đàng Trong thời chúa Nguyễn trở thành mục tiêu chinh phục đất mới theo đường Nam và Tây Tiến. Chính sách bành trướng của nhà Nguyễn thời Minh Mạng tiến về nước Lào và Đồng bằng Tây Nam tới tận kinh đô Campuchia tạo quan hệ hữu cơ giữa triều đình với thành phần sĩ phu, đoàn kết giữa vũ trị với văn trị,
·         Liên hệ ưu tiên với Trung Quốc tăng cường mặc cảm tự cao và xu hướng xem Trung Quốc là trung tâm của thế giới văn minh, không cho phép đánh giá kịp thời hiểm họa bành trướng của Tây phương trước khi phải đương đầu trực tiếp với nó,
·         Tình trạng tranh chấp kéo dài sau đó với người Pháp trên mặt quân sự, ngoại giao, kinh tế… cũng không tạo điều kiện thuận tiện để thực hiện một cách hợp lý một chính sách giáo dục lâu dài. Chế độ nửa thuộc địa nửa bảo hộ mà Paul Bert và Lanessan áp đặt triều đình Huế không cứu vãn nền cựu học mà chỉ ngăn cản sự hình thành của nền giáo dục mới. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy Tân, biện pháp cải lương của Cao Xuân Dục năm 1906 là những kinh nghiệm lịch sử cuối cùng biểu hiện ý chí dung hòa không thể thực hiện giữa truyền thống với hiện đại trong một quốc gia mất tự chủ. Nó khai sinh một nền giáo dục thuộc địa theo quan niệm của Toàn quyền Albert Sarraut mà nội dung chính nhằm phục vụ xã hội và nhà nước Bảo hộ nghĩa là đào tạo tầng lớp trung gian phụ tá các công chức thuộc địa bằng cách hạ thấp chế độ Đại học Việt Nam thành một hệ thống giáo dục trung học. Ý thức hệ “khai hóa văn minh” (mission civilisatrice) tuyên truyền chủ nghĩa bành trướng đế quốc không che lấp khái niệm “hai chấn song” của chính sách giáo dục thuộc địa : không hạ quá thấp vì nhu cầu sản xuất kinh tế và đầu tư của đế quốc, không quá cao vì quyền lợi chính trị của nó4.
·         Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ cai trị, ý chí tiêu hóa nền giáo dục truyền thống và, với nó, di sản văn học Trung - Việt rốt cuộc cũng thất bại trước tinh thần quật cường dân tộc, tính năng động của sĩ phu trong nước và truyền thống hiếu học của Nho giáo. Dù vấp phải nhiều trở ngại và giới hạn kinh tế, cơ chế, pháp lý và chính trị, người Việt vẫn phát huy khả năng hấp thụ khoa học và hòa nhập thế giới văn minh. Song song với đấu tranh chính tri, các thế hệ trí thức Tây học biểu hiện cụ thể ý chí và óc tự cường tự chủ, xóa bỏ trên thực tế cụ thể những biên giới giả tạo mà ngoại bang áp đặt cưỡng bách như ngôn ngữ giảng dạy, chế độ bằng cấp bản xứ, quyền tự do lựa chọn ngành học, quyền đi du học ở các nước ngoài, qui chế lương bổng và hành nghề… Dù bị hạ thấp và mặc dù tình trạng khủng hoảng kinh tế và chính trị năm 1930, Đại học Hà Nội trưởng thành và phát triển một cách gần như tự chủ trong thập niên 1940 nghĩa là vài năm trước ngày Độc lập. Lần lượt, các trường Cao đẳng Y Dược, Luật - Kinh tế - Chính trị học và Khoa học kỹ thuật trở thành những phân khoa (faculté) thực sự, một số trường kỹ sư chuyên môn như Nông Lâm, Công Chính … áp dụng qui chế tương tự bên Pháp. So với các nước thuộc địa bên châu Á và Đông Nam Á, Đông Dương thuộc Pháp và xứ Việt Nam bắt đầu phong trào giải thực trong những điều kiện tương đối thuận tiện, mội đội ngũ chuyên viên, trí thức có ý nghĩa.
Vì thế có thể tóm tắt ba lý do giải thích viễn ảnh tương đốí lạc quan về tiền đồ của nền Đại học dân tộc thời giải thực:
1.       Thiên thời: sụp đổ của Trục phát xít Đức - Ý - Nhật sau khi quân lực Đức Quốc xã bại trận tại Stalingrad (1943) đánh dấu một khúc quanh lịch sử trong Thế giới chiến thứ hai, giai đoạn phản công thắng lợi của quân đội Đồng minh và mở màn cho phong trào giải thực trên các lục địa Á - Phi. Muốn hay không, hầu hết các dân tộc thuộc địa nắm thời cơ vùng lên đấu tranh giành chủ quyền chính trị,
2.       Địa lợi: tình trạng đình trệ, chậm tiến, tụt hậu sau nhiều thập niên bị khai thác, bóc lột và ép bức của ngoại bang thúc đẩy lãnh tụ các quốc gia mới thuộc Thế giới thứ ba đi theo con đường phát triển xã hội cấp tiến để hội nhập thế giới tiến bộ và văn minh,
3.       Nhân hòa: Tuy nhiên, giải thực cũng là quá trình diễn tiến bất đồng. So với các thuộc địa khác nằm trong vùng ảnh hưởng Đế quốc Pháp - Việt Nam có một đội ngũ trí thức có ý thức văn hóa và chính trị cao, trình độ chuyên nghiệp đáng kể được đào tạo trong xứ và hải ngoại, có khả năng đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa kỹ nghệ, tái tạo phương tiện sản xuất và quản lý xí nghiệp và bộ máy hành chính nhà nước. Trong suốt thời gian chuyển tiếp không đầy nửa thế kỷ XX, không ít người thức thời theo gương Đặng Dung “dưới nguyệt mài gươm” bằng cách bảo vệ văn hóa dân tộc như mở trường tư thục trong toàn xứ song song với trường học chính qui, tổ chức thanh niên (hướng đạo), truyền bá Quốc ngữ, tham gia vào phong trào chống nạn mù chữ, phát triển văn học hiện đại, làm từ điển, sáng tạo và tích trữ danh từ khoa học, dọn đường cho một nền đại học quốc gia hiện đại. Họ không ngần ngại dấn thân vào những công tác văn hóa hay xã hội không bị chính quyền thuộc địa ngăn cản trong tinh thần dấn thân tự tại của nhà nho truyền thống. Tập đoàn trí thức (lobby intellectuel) dân tộc sẽ đóng vai trò tích cực nếu không nói là quyết định trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là kết tinh của các đoàn thể này. Và Hoàng Xuân Hãn là một trong những diễn viên lịch sử đó.
II. Những gương mặt trí thức giao thời đã đóng góp vào phong trào
hồi sinh của nền Quốc học Việt Nam:
Hoàng Xuân Hãn và những trí thức Tây học cùng thế hệ
 
 
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là nhân vật tượng trưng của thế hệ trí thức những thập niên 1930. Cũng như nhiều trí thức Tây học đương thời, cuộc đời của ông đồng nhất với thế kỷ XX (1908-1996).
Ông sinh ngày 8 tháng 3 tại thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một một gia đình Nho giáo: cha ông là Tú tài Hoàng Xuân Úc, mẹ là bà Lê Thị Âu.
Quê hương ông lúc đó còn nằm trong “vùng văn hóa nho học” và ba tỉnh miền Trung Bắc (Thanh Nghệ Tĩnh) vẫn là nơi tập trung trường học đào tạo sĩ tử xuất sắc trong các kỳ thi Hương, thi Hội và đất văn học ưu tú cung cấp nhân tài. Cũng như những cậu bé đồng thời xuất thân trong các gia đình nho học, ông khởi sự đi học trường thầy đồ theo chương trình cải lương (1906) xen Hán tự (chính) và chữ Quốc ngữ. Khác với miền Nam và vài thị trấn lớn miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng), chế độ Bảo hộ dung túng và che chở trường truyền thống cho đến ngày Toàn quyền Albert Sarraut chính thức công bố Tổng Qui Học chính (năm 1917) và hủy bỏ chế độ giáo dục nhà Nguyễn trên toàn xứ.
So với lịch trình đổi mới giáo dục tại Đông Á và Đông Nam Á có nhiều lý do giải thích sự gắn bó bất ngờ của người Việt đối với nhà trường truyền thống : tình tự dân tộc xem Hán tự và Trung học là di sản của cha ông, hình ảnh đấu tranh can cường suốt mười năm trời (1885 đến 1896) dưới khẩu hiệu Trung Quân Ái Quốc vẫn chưa phai nhạt trong ký ức con cháu nhà nho Cần Vương, thái độ kiêu hãnh giai cấp của lớp “quý tộc” văn hóa, khoa hoạn, còn tiềm tàng trong gia đình của các vị đại đăng khoa trường ốc5.
Mặc dù nhập học trường kiêm bị sở tại (Vinh) trễ tràng gần hai năm (1917) và đỗ bằng Tiểu học Pháp - Việt năm 19226, ông thực hiện một học trình gương mẫu : cấp Cao đẳng tiểu học từ 1922 đến 1926 tại trường Quốc học Vinh trước khi đỗ vào “Bưởi” để học thi bằng Tú Tài bản xứ và trường Trung học Albert Sarraut để dọn bằng Tú tài Pháp (1927-1928). Ông tóm tắt một cách khiêm nhường và giản dị hành trình học vấn của ông thời Pháp thuộc như sau: “Khi tôi học hết trung học, phải nói là khá xuất sắc, có một vị tướng người Pháp chủ tọa lễ phát phần thưởng ở trường trung học Albert Sarraut; ông ta tỏ ý thân thiện với tôi và bảo tôi:” Cậu hãy đến trường Trung học Saint Louis, người ta chuẩn bị cho cậu và cậu sẽ vào đấy (trường Bách khoa Paris, TVT) như tôi. Người ta cấp cho tôi một học bổng Nhà nước để học ở trường Saint Louis; sau hai năm học ở đấy, tôi vào trường Bách khoa (…) tôi học thêm trường Cầu đường (1932-1934) (…) không thể xin được việc làm ở ngành Cầu đường, tôi trở lại Pháp, tôi học và đỗ Thạc sĩ Toán năm 1936 tức hai năm sau Cầu đường và khi tôi đã đỗ Thạc sĩ, người ta tuyển tôi vào Bộ Thuộc địa vì Mặt trận Bình dân cho phép người Việt (đi dạy các trường Trung học bản xứ luyện thi bằng Tú tài Pháp - Việt, TVT)”7.
Thực ra, ông không phải là người Việt Nam đầu tiên vào học Bách khoa. Hiện tượng tích trữ bằng cấp trong giới du học sinh cũng không hiếm hoi thời đó, một phần do tinh thần hiếu học, yêu chuộng vinh dự khoa cử của cha ông để lại, một phần vì bất đắc dĩ phải kéo dài thời học tập để… chờ thời ! Trước ông đã có giáo sư Lê Văn Kim (kỹ sư Cầu Đường, Tiến sĩ Luật) là người Việt Nam đầu tiên nhập tịch và được Toàn quyền Alexandre Varenne bổ làm giáo sư đại học, sau có Nguyễn Mạnh Tường (Tiến sĩ Văn học và Luật khoa), Nguyễn Văn Huyên (như trên)… Mặc dù bị cô lập trong các “tháp ngà Đại học” dành cho sinh viên ưu tú, Hoàng Xuân Hãn vẫn liên lạc với người đồng hương và thường nhắc lại vai trò của Bác sĩ Hồ Tá Khanh (sau này cùng làm Bộ trưởng Kinh tế trong nội các Trần Trọng Kim) trong Cộng đồng người Việt tại Pháp.
Trước khi về nước, ông kết hôn với cô Nguyễn Thị Bính, một nữ sinh Việt Nam xuất thân trường Dược khoa Paris. Năm 1936, Mặt trận Bình Dân thắng cử, lên tham chính với các lực lượng Tả phái đồng minh như các đảng Cộng sản, Xã hội, Cấp tiến. Ngoài những biện pháp kinh tế và xã hội trong nước, Chính phủ Léon Blum cũng nới rộng chính sách thuộc địa, áp dụng vài biện pháp tượng trưng nhất là đối với các trí thức Tây học như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường… Cả ba đều được bổ nhiệm làm giáo sư ngạch Bản xứ dạy Ban Tú tài tại trường “Bưởi”. Nguyễn Văn Huyên, Tiến sĩ Văn khoa, sẽ là người Việt đầu tiên được nhận vào Viện Viễn Đông Bác Cổ.

NXB Sông Nhị, Hà Nội 1950
“ Trường Thi xuất bản, 1959”

 
Từ 1936 đến 1944, Hoàng Xuân Hãn phối hợp sinh hoạt giảng dạy và nghiên cứu văn hóa (trong ngành Sử Xã hội đưa đến việc xuất bản năm 1947 tiểu sử Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử), ngôn ngữ khoa học (không những ông sáng tác tự vựng Danh từ khoa học Toán Lý Hóa… mà còn trình bày một cách thống nhất và hợp lý phương pháp8 vay mượn và sáng tạo các từ mới từ chữ La tinh, Trung Quốc và Nhật Bản), phát động phong trào giáo dục bình dân (chống nạn mù chữ, truyền bá quốc ngữ), phát hành Tạp chí phổ thông “Khoa học” không khác gì phong trào Bách Khoa thời Ánh sáng bên châu Âu. Tuy nhiên đối với người đồng thời và đồng chí lúc đó, chỉ có Hoàng Xuân Hãn là biết phối hợp nghệ thuật động viên quần chúng (đặc biệt giới trung lưu trí thức thành thị) với tư cách hài hòa, nhân hậu của người nhà nho cổ điển. Không phải ngẫu nhiên mà ông trở thành người “huynh trưởng” trong hàng ngũ trí thức9 nhất là lúc chính quyền Thuộc địa bắt đầu chao đảo.
Thời kỳ chuyển tiếp do Thế giới chiến thứ hai, từ lúc nước Pháp bại trận đến khi chính quyền thực dân tại Đông Dương bị Nhật đảo chính, là giai đoạn hoạt động chính trị sôi nổi cao độ nhất trong đời ông : tham gia chính phủ Trần Trọng Kim với tư cách bộ trưởng “có ảnh hưởng” tuy chỉ giữ bộ Giáo dục từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1945, tham gia phái đoàn Đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị đàm phán sơ bộ Pháp - Việt Đà Lạt từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1946. Sau thất bại của hội nghị Pháp - Việt tại Fontainebleau, ông từ chức giáo sư để trở về nghiệp văn, nghiên cứu sử và văn học, sống lưu vong bên Pháp cho đến ngày mất (10 tháng 3 năm 1996). Ông để lại ngoài vô số bài báo in trong các tạp chí trong nước (cả Bắc lẫn Nam) và hải ngoại và hơn 10 bộ sách nghiên cứu khoa học có giá trị.
Nói tóm lại, qua tiểu sử sơ lược và chắc chắn còn thiếu sót của nhân vật thời đại này, có thể nắm ít nhất bốn tiêu chuẩn để nhận diện chân dung và lý lịch tối thiểu người lãnh tụ trí thức giao thời :
·         thân thế gia phong : kẻ “thừa tự” của gia đình nho học theo nghĩa hẹp cũng như nghĩa rộng, hay để phát biểu theo ngôn ngữ xã hội học của Pierre Bourdieu có “tư bản (hay uy tín) tượng trưng dòng họ” (capital symbolique familial)
·         hành trình xã hội : tái tạo quá trình học phiệt xuất sắc của cha ông trong hệ thống khoa cử Tây phương hay có “tư bản (hay uy tín) tượng trưng cá nhân nhờ học vị ”,
·         vai trò của cá nhân trong sinh hoạt văn hóa xã hội hay “tư bản (hay uy tín) tượng trưng văn hóa xã hội” trong phạm vi quốc gia, địa phương hay cộng đồng10
·         vai trò của cá nhân trong các đoàn thể chính trị hay “tư bản tượng trưng và thân thế chính trị”: từ đối lập trí thức chống chế độ thuôc địa sang qui chế “người đồng hành của Đảng Cộng sản Việt Nam”11.
Có thể xây dựng giả thiết theo đó nhân vật Hoàng Xuân Hãn là hạt nhân chính của tập đoàn trí thức Tây học có công trong công cuộc xây cất nền móng Đại học Việt Nam trong thời kỳ Độc lập. Chi qua các tiểu sử trình bày trong bộ Nửa thế kỷ những gương mặt nhà giáo12, ta có thể nhận diện các nhân vật chủ chốt trong lịch sử tái tạo nền Đại học Việt Nam và thực tế của các nhóm và tập đoàn trí thức Tây học Trung Bắc những năm 1940 thuộc “Galaxy” Hoàng Xuân Hãn13.
Trong thế hệ những người đi đầu trong thời xây dựng Đại học mới :
1.       bốn giáo sư Khoa học (Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Ngụy Như Kontum, Lê Văn Thiêm)14,
2.       hai giáo sư ngành Y khoa (Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ),
3.       một giáo sư Dân tộc học (Nguyễn Văn Huyên),
4.       hai giáo sư Sử học (Nguyễn Khánh Toàn và Trần Văn Giàu15)
5.       một giáo sư Văn học (Đặng Thai Mai)16
III. Chân dung và lý lịch vài Giáo sư Đại học trong “Galaxy” Hoàng Xuân Hãn
1. Giáo sư Khoa học (ngành Toán, Lý, Hóa)
Tạ Quang Bửu (1910-1986); quê quán: xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Con của Cử nhân Tạ Quang Diễm (học trò Đặng Nguyên Cẩn), giáo thụ Tam Kỳ (Quảng Nam)
- Đỗ bằng Tiểu học (1922); vào Quốc học Huế, đỗ Thành chung (1926) số 2 (HXH số 1); vào trường Bảo hộ, đỗ Tú tài (1929); sang Pháp, học lớp Dự bị vào Trường lớn tại Louis Le Grand Paris (Paris), học Phân khoa Toán tại Sorbonne trước khi thi vào Đại học Oxford (Anh), chuyên môn về Điện lực và Vật lý nguyên tử, Giáo sư Đại học - Về nước đi dạy trung học và hoạt động văn hóa khoa học cùng với Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Xiển…
- Gia nhập Mặt trận Việt Minh, tham dự phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa dự hội nghị Fontainebleau (Pháp, 1946) và Genève (Thụy sĩ, 1954); Giám đốc Đại học Bách khoa (1956-1957), Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976).
Nguyễn Thúc Hào (1912- 2009); quê quán:  Xã Xuân Liễu, h.Nam Đàn, t.Nghệ An; Con trai Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh (xem Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Tạ Quang Diễm…)
- Học Quốc học Huế (1924) cùng Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu; T. Albert Sarraut (1926-1929); Lycée Mignet Aix en Provence (Tú tài, 1929-1930), Đại học Khoa học Marseille (đỗ Cao học Toán, 1935) cũng như Hồ Hữu Tường trước đó.
- Giáo sư toán học Quốc học Huế. Cộng tác với Tạp chí Khoa học cùng Hoàng Xuân Hãn, kỹ sư Đặng Phúc Thông, Nguyễn Xiển.
- Giáo sư Đại học khoa Toán và Phó Giám đốc trường Đại học Khoa học Hà Nội.
- Với tư cách Tổng Thư ký và Quyền Giám đốc Đại học Khoa học Hà Nội, thành lập ban giảng dạy gồm Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm.
Ngụy Như Kontum (1913-1991); quê quán: xã Minh Hương, h. Hương Trà, t. Thừa Thiên; Gia đình công chức (người Ê Đê), Bưu điện. 
- Học Quốc học Huế (với thầy Đặng Thai Mai); học ban Tú tài trường Bưởi đỗ Tú tài Pháp (Toán, Triết) và Tú tài bản xứ (1932); học bổng du học bên Pháp; học Đại học Sorbonne theo ban Cử nhân, đỗ Thạc sĩ Vật lý (1937).
- Viện trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, Dân biểu Quốc hội (1964-1975).
- Giáo sư Vật lý Trường Bưởi cùng lúc với các Giáo sư Dương Quảng Hàm, Trần Văn Khang, Lê Thước, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Xiển (TC Khoa học).
- Viện trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, Dân biểu Quốc hội khóa II và III.
Lê Văn Thiêm (1920-1991); quê quán: xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; Cháu đời thứ 3 của Bà Phan Thị Đại, chị ruột của Phan Đình Phùng, em Y sĩ Đông Dương Lê Văn Kỷ Học Collège Quy Nhơn; đỗ Tú tài (1938).
- Học Đại học khoa học Hà Nội, đậu PCB (1938-1939); sang Pháp học Dự bị thi ENS (Đại học Sư phạm) Toán; đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm (Paris, 1941-1944); trình luận án Tiến sĩ Toán (1948)
- Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1970), Đại biểu Quốc hội khóa II và III.
- Giáo sư Toán học trường Bách khoa Zurich (Thụy sĩ) rồi về nước làm Giáo sư Đại học.
- Cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu và kỹ sư Trần Đại Nghĩa tham gia Ban khoa học Đại học.
2. Giáo sư Đại học Y khoa
 
Hồ Đắc Di (1900-1984) sinh tại Hà Tĩnh (gốc Huế); Gia đình Đại quan (cha là Thượng thư) 
- Theo học hệ thống trường Pháp từ nhỏ đến lớn, 13 năm du học bên Pháp; đỗ bác sĩ nội trú Paris (giải phẫu).
- Giáo sư Đại học, Hiệu trưởng Đại học Y Khoa Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy.
- Giáo sư Thạc sĩ Y khoa đầu tiên (ngành giải phẩu) được bổ nhiệm tại trường Đại học Y khoa Hà Nội trước năm 1945.
- Được Chính phủ Hồ Chí Minh giao trách nhiệm tổ chức lại trường Đại học Y khoa từ sau thời Độc lập với các Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Vũ Hỷ, Nguyên Xuân Nguyên.
Đặng Văn Ngữ (1910-1967); quê quán: An Cựu (Huế) Cha theo Hán học nhưng không kịp thi vì bỏ Hương thí (Tổng Qui Học chính), cưới vợ trong hàng Tôn thất.
- Khởi sự học tiếng Hán trước khi đỗ vào Quốc học Vinh; học các lớp Cao đẳng tiểu học tại trường Thầy Dòng (Huế); dọn thi Tú tài tại trường Bưởi (đỗ năm 1930); đỗ Bác sĩ Đại học Y khoa Hà Nội; được Hiệu trưởng Henri Galliand gửi sang Nhật từ 1941 đến 1948 nghiên cứu về ngành Vi trùng học. - Từ Thái Lan về Việt Bắc. Được bổ Giáo sư Đại học Y khoa Hà Nội.
- Tình nguyện vào “B”, ông bị tử nạn trong một cuộc dội bom của không quân Mỹ.
3. Giáo sư Khoa học Xã hội và Nhân văn
Nguyễn Văn Huyên (1908-1975); Sinh ra tại Hà Nội; Gia đình Nho học và quan lại (người chị xuất thân trường Sư pham thứ thất của Phan Kế Toại), cưới con gái Tổng đốc Vi Văn Định Học trình xuất sắc trong hệ thống nhà trường Pháp.
- Du học bên Pháp trước khi đỗ Tú tài (1928); Cử nhân Văn chương và Cử nhân Luật (1931); trình luận án Tiến sĩ nhà nước tại Sorbonne do Giáo sư Przylusky (Collège de France) hướng dẫn. 
- Về nước đi dạy trường Bưởi trong ngạch Giáo sư bản xứ như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Ngụy Như Kontum… trước khi được bổ làm nghiên cứu viên Việt Nam đầu tiên vào Viễn Đông Bác Cổ.
- Bộ trưởng bộ Giáo dục trong nội các Chính phủ Phạm Văn Đồng (1946-1975), tuy ông không phải là đảng viên Đảng Cộng Sản.
Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993); Sinh ra tại Vinh; Xuất thân trong gia đình Nho học.
- Học trường Hán Việt trước khi vào trường học bản xứ; đỗ vào Cao đẳng sư phạm Hà Nội; ra trường không được bổ nhiệm vì tham gia tích cực vào các phong trào phản đối chính quyền thuộc dịa những năm 1925-1926
- Vào Saigon làm báo với các ông Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh (tờ La Cloche Fêlée), cho xuất bản tờ báo pháp văn Le Nhà Quê (bị đóng cửa ngay); sang Pháp rồi đi Liên xô; gia nhập Cộng sản Quốc tế và trường Đại học Đông phương với tư cách nghiên cứu viên (đồng thời với Nguyễn Ái Quốc).
- Cách mạng chuyên nghiệp như Giáo sư Trần Văn Giàu tuy chuyên hoạt động tại Liên xô và Trung Quốc. Với chức vị trong Trung ương Đảng và Ban khoa giáo Trung ương, ông nắm thực quyền trong lĩnh vực tư tưởng đặc biệt trong ngành Sử học.
- Giáo sư Sử học, Viện sĩ.
Đây chỉ là vài gương mặt những người trí thức Tây học đi đầu trong thời hồi sinh của nền giáo dục Đại học Việt Nam trong kỷ nguyên Độc lập. Vài mươi Giáo sư Đại học trong một đội ngũ ước lượng (theo chúng tôi)17 chừng năm nghìn người xuất thân các trường cao đẳng Đông Dương hay “chính quốc” trong một thời gian ngắn ngủi không hơn ba thập niên (1918-1945). Tuy nhiên, không phải ít mà không có khả năng chuyên môn cao, nhiệt huyết “di sơn lấp địa” lớn. Nhờ biết giữ tinh thần trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc, từ những cá nhân, những tổ chức rời rạc - lúc đầu chỉ giới hạn trong vòng vài nhóm nhỏ từ trường học, hội ái hữu, tạp chí, nhà xuất bản… tập hợp vài cá nhân cùng gốc cùng quê xuất thân từ các trường lớn trong nước và ngoài nước - đã trở thành trong một cảnh ngộ lịch sử hiếm hữu một lực lượng trí thức có thực lực tinh thần, văn hóa và áp lực chính trị để đóng góp thực sự vào phong trào giải phong đất nước18. Nền Đại học hiện đại Việt Nam hồi sinh một phần lớn nhờ những nhân vật có tầm thước như Hoàng Xuân Hãn và các trí thức tụ tập chung quanh ông, một phần nữa nhờ chính sách dùng người hợp tình hợp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết nắm thời cơ thuận tiện để động viên tất cả tài năng trí tuệ trong nước để bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn giai thời sống chết này. Qua diễn tiến của các “hạt nhân” Đại học mới thành hình, ta cũng có thể phóng định diễn tiến của Đại học Việt Nam trong tương lai:
·         dấu ấn lâu dài của trường học Pháp trong ngành Y khoa đã tự động phát triển19 và củng cố vào thập niên 30 giải thích uy tín khoa học của các Giáo sư Thạc sĩ Y khoa được đào tạo thời Pháp thuộc dù một số không ít di tản vào Nam làm nòng cốt cho ban Giáo sư Y khoa Sài Gòn (Trần Quang Đệ, Trần Đình Đệ…)
·         sức mạnh vả chất lượng cao của các phân khoa khoa học như Toán Lý Hóa tập trung chung quanh Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và đồng đội của ông mà phần đông là con cháu các nhà nho Cần Vương và Duy Tân hai miền Trung - Bắc,
·         ngược lại, xu hướng chính trị hóa thái quá các ngành Văn học và Khoa học xã hội, vai trò lãnh đạo trực tiếp của ủy viên Bộ Chính trị (Trường Chinh, Tố Hữu…) biến ngành Văn khoa thành dụng cụ “tư tưởng” trực thuộc phạm vi giáo khoa và tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Sự vắng mặt bất thường của những nhân vật lỗi lạc như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… trong “Những gương mặt….” không phải là sự kiện ngẫu nhiên mà chỉ phản ánh hiện tượng “tác động lẫn nhau” hay đúng hơn “tác dụng một chiều” giữa chính trị và khoa học.
 
Tạm Kết
 
Đầu thế kỷ XXI : Nguy cơ suy sụp của nền Giáo dục dân tộc ?
Hai mươi năm sau cuộc chiến, tình hình Đại học Việt Nam ra sao ? Giờ đây khi các Cụ lần lượt theo nhau về thế giới hư vô, còn gì là sự nghiệp họ đã gìn giữ, trùng tu và tích trữ qua bao nhiêu thử thách, tàn phá, tổn thương ? Sau giặc rồi, làm gì để hàn gắn những vết thương của một thời đại đầy hào hùng cũng như đầy thảm kịch, cứu vãn những di sản thời tiền chiến cũng như thời Việt Nam Cộng hòa miền Nam ?
Trên con đường đi từ phi trường Nội Bài về trung tâm Hà Nội, tôi nhìn qua kính xe ca những căn nhà xi-măng cao từng vô danh xám xịt của trường Bách Khoa dưới ánh nắng chiều mà bàng hoàng tự hỏi: “Liệu các Cụ sáng lập trường ngày xưa còn nhìn ra những mái trường yêu quí của mình không ?”. Thực ra, trong các công thự và kiến trúc lịch sử còn lại sau ba mươi năm chiến tranh chỉ còn lại trường Đại học, Viễn Đông Bác Cổ, Thư Viện Trung Ương, trường Trung học Albert Sarraut… tóm tắt lịch sử kiến trúc thời thuộc địa20 ! Lẽ nào gần một phần tư thế kỷ hòa bình rồi mà nhà nước không xây dựng một trường học xứng đáng với một nước tự hào có truyền thống “sĩ trị” sao ?
Thay vì vội phê phán nông nổi sau một thời gian lâu xa xứ, tôi nghe lời khuyên nhủ của một người đồng nghiệp đàn anh21: “Anh hãy kiên nhẫn đi gặp các đồng nghiệp giảng dạy để trao đổi và tìm hiểu”. Đúng vậy, không có gì quý bằng thâu thập những cảm nghĩ của người trong cuộc nhất là những diễn viên của thế hệ sau giặc và những kẻ thừa tự của Galaxy Hoàng Xuân Hãn. Phần lớn tuổi 50 ngoài, đã trình xong luận án tiến sĩ các ngành chuyên môn, có chức vị phó giáo sư hay giáo sư thực thụ, một số không ít có kinh nghiệm giảng dạy trong các chương trình trao đổi với các Đại học xứ ngoài (Pháp, Anh, Mỹ, Úc…) ngoài khối Cộng sản cũ.
Phỏng vấn hơn mười giáo sư các ngành Đại học ba miền trong những năm 1994 và 1995 để ghi nhận những tâm sự, cảm nghĩ và ký thác của diễn viên vừa chứng nhân dù có khi thay đổi tùy con người, cảnh ngộ, địa phương nhưng nói chung không ai không chia sẻ nỗi bức rức, lo âu trước thực trạng Đại học Việt Nam cuối thế kỷ XX và viễn ảnh tương lai của nó.
Từ hơn trăm trang viết lại (một số bị thất lạc), tôi xin chọn ba đoạn có ý nghĩa để tạm kết bài này.
Tôn sư trọng đạo
Tôi có cái diễm phúc trong cuộc đời học sinh của mình được gặp những người thầy xuất sắc như các Cụ Bùi Kỷ, Hoàng Ngọc Phách… sau này Cụ Thảo (Trần Đức), Cụ Đào Duy Anh (ở bên cạnh nhà tôi), Cụ Cao Xuân Huy (một người phi thường). Có sống với thế hệ người thầy thời nầy tôi mới thấu hiểu thế nào là đạo sư phụ giữa thầy trò, quan hệ tình cảm giữa sư phụ và đệ tử. Tôi thấy có bổn phận phải trao lại cho thế hệ sau những gì tôi đã được các thầy dạy dỗ trước theo tinh thần Khổng Mạnh :”Tôn sư trọng đạo” (…) Thầy phải giỏi mới có học trò hay. Ngày nay, nhiều người đi dạy còn thiếu già dặn, học sinh thì lo chạy tiền trước hết.
Ngày xưa xấp hạng cao thấp ở Đại học thì
Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa
Còn Sư Phạm, Nông Lâm không còn nói đến!
Bây giờ, đứng đầu là Trường Sĩ quan (vì có bổng lộc cao khi mới vào nhập học), thứ đến Luật nhất là Luật thương mại, Kinh tế và Quản lý xí nghiệp… Đại học vắng bóng sinh viên giỏi vì họ theo học nghề làm giàu nhanh hơn là muốn đi dạy học. Tôi không bi quan lắm vì cho đó là triệu chứng của hiện tượng phát triển quá nhanh mà thôi” (Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Đại học Sư phạm, t. trích trong “TVT, Les compagnons de route de Ho Chi Minh”, sđd, t252, 253).
Từ thử thách ở chiến trường “B” (miền Nam) đến những cạm bẩy kim tiền của thời Đổi Mới:
Tôi ra trường năm 1965 vừa mới 22 tuổi. Tôi được đề bạt làm Trợ giáo cho Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Sau đó tôi xuất ngoại để soạn luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Liên Xô. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi có năm người bạn học đi “B” bị chết, một số nữa mất tích. Đó là một thời gian đau khổ nhưng hào hùng. Tuy đi công tác xa nhưng tâm trí an tĩnh, nhà không cần then cài cửa đóng vì không có ai cướp vặt. Đường đi an toàn ngày như đêm. Bộ đội có ăn, cán bộ được ưu đãi. Cuộc diện bỗng xuống dốc từ 75 đến 85. Đó là những năm đảo lộn, sụp đổ, đói kém vì nước ta bị cộng đồng quốc tế tẩy chay sau khi xâm chiếm Cao Miên, đoạn giao với Trung Quốc và xa cách Liên xô đang chuyển hướng. (…) Đại học hứng chịu hậu quả những năm trì trệ đó. Thầy cũng như trò phải đương đầu với những khó khăn vật chất hàng ngày, sinh hoạt giảng dạy và nghiên cứu bị hạ thấp vào hàng thứ yếu. Bữa cơm chỉ có món đậu phụ chiên, năm người cùng sống một căn phòng không đầy 18 thước vuông. Liên hệ với cộng đồng khoa học quốc tế là một con số không. Chế độ toàn trị và bao cấp đã chi phối quá nặng nề đời sống Đại học và ngăn cản mọi ý chí đón tiếp và cải tạo, còn chưa nói đến những biện pháp loại trừ, ép buộc và bắt nạt con em có liên hệ với chính quyền trước (…). Sinh viên ngày nay (sau Đổi Mới) được nhận học bổng để học tập. Tuy nhiên những hậu quả tiêu cực cũng không phải không đáng kể như hiện tượng sinh viên giỏi giờ đây chạy theo các ngành học quản lý kinh tế, thương mại, ngoại ngữ, kiến trúc và xây cất. Những ngành khoa học đại cương tụt hậu dễ sợ như các khoa lý thuyết căn bản, sư phạm, y dược; sinh viên ưu tú bỏ rơi ngành giảng dạy và nghiên cứu Đại học và không biết sau này ai là kẻ tiếp nối thế hệ 40-50 tuổi !” (Giáo sư Đinh Văn Đức, Đại học khoa Ngôn ngữ).
Phải làm gì để vùng lên ?
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, ”Thực trạng nền Đại học rất là phức tạp. Nhờ nối lại quan hệ với xứ ngoài, có tiến bộ thực sự nhưng còn vấp phải nhiều trở ngại, nhiều hiện tượng tiêu cực : tình trạng tổ chức manh mún, xen lẫn lộn xộn, xu hướng phân quyền cát cứ làm tê liệt mọi quan hệ hợp lý giữa các viện nghiên cứu và trường Đại học, những biện pháp vá víu và cải cách hỗn tạp, không có đồng nhất giữa sinh hoạt giảng dạy và nghiên cứu, qui chế tuyển chọn học sinh và chế độ học trình, v..v... Thêm vào đó là động cơ tài chính thúc đẩy học sinh chạy theo các ngành sinh lợi như xây cất v.v… hăm dọa nghiêm trọng công tác nghiên cứu chiều sâu. Dù có cố gắng nâng cao lương bổng giáo viên, so với Trung Quốc sự cách biệt vẫn còn xa quá” (sđd, tr.266).
Liệu 15 năm sau những lời cảnh cáo khẩn khoản của những nhà giáo thuộc thế hệ em cháu của các Cụ trong Galaxy Hoàng Xuân Hãn, thực trạng chung của Đại học Việt Nam ngày nay có thay đổi khả quan hay không ? Hay là, trong khi chờ đợi biến cố mầu nhiệm, nước ta cam chịu chấp nhận hiện tượng hao mòn chất xám ngày càng bi đát của các nước chậm tiến ? Trường hợp nhà toán học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu vừa được nhận giải thưởng Fields năm 2010 phải chăng là tiếng chuông báo hiệu?
 
Trịnh Văn Thảo
Aix – en Provence, tháng 10 năm 2010
* Giáo sư Đại học Tổng hợp Provence (Aix-Marseille I), Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (Viện Đông Nam Á Marseille).
1 Xem Trịnh Văn Thảo, Việt Nam từ Nho giáo đến CộngSan chủ nghĩa, bản tiếng Việt đang in.
2 Xem Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương, Hà Nội, NXB Thế Giới, 2009, tr.36 .
3 Trương Chi Động và Lý Hồng Chương đã bãi bỏ chế độ thi cử ngay năm 1905.
4 Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương, Hà Nội, sđd, 2009.
5 Xem gia thế của Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm.
6 Nhiều đồng hương Trung Bắc như Hoàng Ngọc Phách khai tuổi thấp để được nhận vào trường Pháp - Việt
7 Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương, sđd, tr 367-368.
8 Mở đầu phong trào viết ngữ vựng Y học, Sinh học,…
9 Thế giới trí thức, tư tưởng và văn hóa của Việt Nam những năm 1940 tập trung chung quanh các “hạt nhân gắn kết cả ba nhóm trí thức nói trên (nhóm sinh viên trẻ khu học xá của Đại học Đông Dương, nhóm trí thức có trình độ cao chung quanh tờ Thanh Nghị và nhóm trí thức có danh vọng hồi hương, TVT) chính là Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe và Dương Đức Hiền. Trong đó, Hoàng Xuân Hãn nổi lên như một vị huynh trưởng, xét cả về tuổi đời, uy tín và danh vọng, ảnh hưởng của ông trong cả ba nhóm, đặc biệt là trong nhóm Tri Tân và nhóm Thanh Nghị là rất lớn, trong khi Phan Anh lại có nhiều ảnh hưởng với nhóm sinh viên và nhóm Thanh Nghị hơn.” (Phạm Hồng Tùng, Hoàng Xuân Hãn với Nội các Trần Trọng Kim, Tạp chí Xưa và Nay, số 328, 2009, tr.180.
10 Uy tín tích trữ trong quá khứ của thế hệ Cần Vương (1885-1896) và Duy Tân (1907-1909) và hiện tại qua các sinh hoạt văn hóa có tính cách quần chúng (phong trào chống nạn mù chữ, Bình dân học vụ).
11 Trong bài này, ta sẽ không đề cập và đánh giá xu hướng và nội dung sinh hoạt chính trị của từng nhân vật mà chỉ ghi lại qui chế xã hội của họ trong chính quyền cách mạng sau tháng 8 năm 1945
12 Nhiều tác giả, Hà Nội, NXB Giáo dục, 1995.
13 Dĩ nhiên, tài liệu rất thiếu sót về nhân vật (Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…) cũng như phân khoa (Mỹ thuật, Hội họa, Ngôn ngữ học…), nội dung nhiều khi hướng về tán tụng công thức hơn là phân tích lịch sử. Đề cao quá trớn cũng như kiểm duyệt chính trị tự nó đã phản ánh một cách viết sử dù là sử văn hóa, ai cũng biết điều đó.
14 Có mặt trong “Những gương mặt…”, nữ giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính không cùng một thế hệ với Hoàng Xuân Hãn.
15 Cũng như Đặng Thai Mai, giáo sư Trần Văn Giàu tuy không thuộc “Galaxy Hoàng Xuân Hãn” đã được giới thiệu và trình bày trong các sách trước của tác giả.
16 Chúng tôi đã giới thiệu nhiều lần Giáo sư và cựu Bộ trưởng Bộ giáo dục Đặng Thai Mai nên không đề cập chi tiết trong bài nghiên cứu này.
17 Trịnh Văn Thảo, Les compagnons de route de Hồ Chí Minh, Paris, E.Karthala, 2005
18 Trịnh Văn Thảo, Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa Cộng sản, chương 1.
19 Chú ý hoàn cảnh tương tự của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật do Victor Tardieu thành lập.
20 Tôi không nói đến phủ Toàn quyền cũ.
21 GS Trần Đình Hượu lúc đó được mời làm giáo sư khế ước (professeur associe) tại Đại học Provence (1994-1995).
Nguồn: Diendan forum
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528761

Hôm nay

2142

Hôm qua

2275

Tuần này

21034

Tháng này

215457

Tháng qua

0

Tất cả

114528761