Ngồi trong ngôi nhà nằm thụt sâu xuống mặt đường ngay đầu ngõ đường Hồng Hà của nhạc sỹ Hồng Đăng có cảm giác như Hà Nội không ở nơi này, Hà Nội đâu đó ở bên kia xa lắm. Lạ thế, thành phố Hà Nội đặc biệt đến vậy, những khoảnh không gian khác nhau, trên từng rẻo đất khác nhau làm cho gương mặt Hà Nội từng góc phố, từng con đường cũng trở nên khác nhau quá, gần gũi mà xa ngái…
Cánh cửa sắt hé ra. Người thu tiền điện kêu tên bác Đăng ơi. Chiều cuối năm bạt gió, tôi khép vạt gió đang luồn qua tà áo lạnh, lại gần và hỏi đây có phải nhà của nhạc sỹ Hồng Đăng không. Cô thu tiền ngơ ngác lắc đầu.
Cô không biết nhạc sỹ Hồng Đăng là ai, ông ấy ở đâu, cho dù hàng bao nhiêu năm nay, cô đến thu tiền từ người đàn ông lúc nào cũng hiện ra cánh cửa với nụ cười thường trực trên môi. Thi thoảng nộp tiền xong, người đàn ông ấy còn lật đật chạy vào nhà tìm cái gì đó và dúi vào tay cô gái bé nhỏ đang đứng dưới lòng đường kia một cái bút bi nhỏ xíu xinh xinh, hay một chiếc dây đeo chìa khóa lạ mắt.
Thi thoảng cô vẫn nhận được tấm lòng nồng hậu và tinh tế của chủ nhà vui tính, và có thể, trong muôn ngàn các cuộc vui khác của mình, cô vẫn đến phòng karaoke cùng bạn bè và trái tim lặng đi xao xuyến khi chọn bài "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ".v.v. để hát.
Nhưng tuyệt nhiên cô không có lỗi khi không biết đấy chính là nhạc sỹ nổi tiếng Hồng Đăng. Khi nhạc sỹ Hồng Đăng thò đầu ra ngoài, tôi nhận ra ông trong những đợt gió lạnh hắt qua mái tóc bồng bềnh của ông bay xõa. Hồng Đăng cười, rối rít mời tôi vào nhà. ông rối rít cùng chú chó Nhật đang rít lên ăng ẳng sung sướng vì nhà có khách lạ. Hồng Đăng ở nhà một mình. Ông rối rít pha trà nóng, tìm thứ kẹo gừng giã lạnh và líu ríu mang đến bàn trà nơi phòng khách.
Hồng Đăng luôn là chủ nhà hiếu khách, trong bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào, ở cơ quan hay tại nhà riêng, khách đến với ông, ai cũng có cảm giác như bao nhiêu cái sự nhiệt thành nồng hậu và hiếu khách của một chủ nhà luôn sống phong lưu đài các đều mang hết ra để đãi khách. Bởi vậy, đến với Hồng Đăng, dù quen, sơ, dù công việc hay chỉ là giây phút chuyện trò, ai cũng có cảm giác ấm lòng dễ chịu.
Vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng ở cùng với chị gái vợ, và nuôi cậu con trai út đang học đại học. Hôm nay con trai đi học, chị gái đi làm, vợ đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm cuối năm, Hồng Đăng đang tha thẩn ở nhà một mình. Mùa đông giăng mắc ở ngoài kia cái lạnh thấu xương. Tết Kỷ Sửu đang tới gần, đem những màn mưa bụi rắc lên khung cảnh phố xá cho Hà Nội càng trở nên cổ kính và sâu thẳm.
Căn nhà của Hồng Đăng bừa bộn bởi chủ nhân mang một tính cách nghệ sỹ phóng khoáng. Mọi thứ có thể bày đầy ra trên bàn, la liệt khắp nhà, dưới bếp, trên sàn nhà, thậm chí trên cầu thang, trên ghế như thể chủ nhân muốn tìm gì là phải nhìn thấy ngay.
Vợ Hồng Đăng, một kỹ sư xây dựng, người phụ nữ trẻ hơn chồng ngót nghét 20 tuổi tính cách cũng đầy nghệ sỹ như chồng mình, nên có vẻ như trong ngôi nhà này, cá tính tự do là điều quan trọng tối thượng. Trong cảm nhận của tôi, những gì tôi tận mắt chứng kiến, chị là người đàn bà một mực yêu chồng, thương chồng và trân trọng chồng ít ai bằng.
Tôi ngồi trò chuyện với nhạc sỹ Hồng Đăng. Ơn trời, nếu không có bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng và chu đáo của người vợ, có lẽ Hồng Đăng không thể cầm cự được đến ngày hôm nay sau những trận ốm thập tử nhất sinh của căn bệnh ung thư xương quái ác. Nhưng nào chỉ có vậy, lại còn căn bệnh "tiểu đường” mà ông gọi là: "đại đường", gút thì ông gọi là "very good", tim, áp huyếtv.v...
Đã mấy chục năm, ông sống chung với bệnh tật, 10 năm lên rừng xuống biển tìm thầy tìm thuốc, thế mà vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng lúc nào cũng cười, lúc nào cũng xuất hiện bên nhau trong bất kỳ một sự kiện văn hóa văn nghệ quan trọng nào.
Và mỗi lần xuất hiện trước công chúng, nhạc sỹ Hồng Đăng thường không cố tình vẫn mang một dáng dấp mã thượng phong lưu. Vậy mà trong căn nhà của ông, có ai hình dung, vợ nhạc sỹ Hồng Đăng vẫn ngày ngày thổi bếp than tổ ong để nấu cơm, sắc thuốc và động viên chồng viết nhạc. Bất kỳ một triển lãm nghệ thuật, một buổi hòa nhạc, một vở kịch hay, hai vợ chồng đều khoác vai nhau đi.
Nhưng có ai hình dung được, cuộc sống đạm bạc dưới mức nghèo của một nhạc sỹ nổi tiếng với đồng lương hưu chỉ độ 4 triệu đồng một tháng, nuôi vợ và con trai đang học đại học và hàng trăm thứ bà rằn hiếu hỉ, lễ nghĩa khác.
Ngoài ra, lại còn một chi phí khổng lồ khác nữa, đó là thường xuyên và triền miên chục năm nay Hồng Đăng phải sống chung với thuốc, thì có sang đây, đến tận nhà mới có thể hiểu thấu và hình dung ngọn ngành được. Vậy mà trước khi viết bài về ông, tôi vẫn tưởng tượng rằng Hồng Đăng phải là người giàu có và sống đời sống vương giả phong lưu lắm.
Nói điều đó với ông, nhạc sỹ Hồng Đăng chỉ cười: "Nghèo và thiếu tiền hình như đeo đẳng suốt cả cuộc đời tôi chưa có lúc nào buông tha. Đấy cũng là nỗi đau khổ của một người nghệ sỹ có vô số tác phẩm, đếm không xuể, không có tiền để giới thiệu được 10% những đứa con tinh thần của mình với những thính giả nhân hậu vốn hết sức yêu mình. Nhưng số tôi là "Mã khốc khách", trong tử vi nghĩa là người khách cưỡi trên lưng ngựa có tiếng nhạc ngựa reo, lúc nào cũng dáng dấp sang trọng phong lưu, dù trong túi chẳng có xu nào".
Người nghệ sỹ đích thực là vậy, cơm áo gạo tiền, cuộc sống dẫu có cơ cực nhưng không hằn vết nổi lên tâm hồn thanh thản và phơi phới tình yêu cuộc sống.
Vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng kể về kỷ niệm đáng nhớ năm 2005, năm nhạc sỹ Hồng Đăng làm được một sự kiện trọng đại trong cuộc đời ấy là tổ chức được 2 đêm nhạc hoành tráng tại Nhà hát lớn Hà Nội có tên "Lênh đênh biển".
Nhắc lại sự kiện này, cả hai vợ chồng Hồng Đăng cười đấy mà nước mắt lại nhòa ướt. Nếu không có tình bạn hữu, tình đồng nghiệp, tình thầy trò, tình đời và tình người của hàng trăm tấm lòng người nghệ sỹ, thì nhạc sỹ Hồng Đăng không thể có nổi một chương trình âm nhạc để đời như vậy.
Số là năm 2005, Hội đồng quản trị Ngân hàng VPBank bỗng dưng mời nhạc sỹ Hồng Đăng lên gặp để tài trợ một khoản tiền lớn khoảng 5-6 trăm triệu đồng để làm một chương trình âm nhạc hoành tráng.
Nhạc sỹ Hồng Đăng bấm quẻ, sợ không thực hiện được bèn nói với vợ là thôi đừng làm. Vợ Hồng Đăng lại gạt phắt đi với ý nghĩ người ta xin tài trợ để làm không được, mình có tài trợ sao lại từ chối.
Cả cuộc đời làm nhạc sỹ, có hàng ngàn bài hát trong tay, và có những bài rất nổi tiếng, thế nhưng Hồng Đăng chưa từng có một đêm nhạc hoành tráng nào cho riêng mình.
Năm 1994, quán Nhạc sỹ của nhóm "Anh Em" ở Sài Gòn đã tổ chức cho Hồng Đăng được nửa chương trình ở quán này. Nỗi đau khổ lớn nhất của người nghệ sỹ là thiếu tiền, không có tiền, tác phẩm không thể nào đến được với công chúng.
Chính vì vậy, khi được mời đích danh lên tài trợ, vợ chồng Hồng Đăng đã mừng rơi nước mắt. Họ đã mời những ê kíp làm nhạc chuyên nghiệp nhất, lớn nhất của thành phố Hồ Chí Minh cùng với các nhạc sỹ phối khí, dàn dựng và đội ngũ biểu diễn tiếng tăm ở Sài Gòn và Hà Nội tập ròng rã trong vòng một tháng trời.
Toàn bộ sân khấu do nhà thiết kế sân khấu Lê Trường Tiếu chở 5 chuyến xe tải từ TP HCM ra Hà Nội. Lần đầu tiên, trong chương trình của Hồng Đăng, Nhà hát Lớn Hà Nội có sân khấu quay.
Khi tất cả đã hoàn tất, chuẩn bị cho ngày biểu diễn thì đùng một cái, Hội đồng quản trị của Ngân hàng VPBank tuyên bố họ không tài trợ cho chương trình "Lênh đênh biển" của nhạc sỹ Hồng Đăng nữa. Khổ nỗi, vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng đều là nghệ sỹ, thật thà.
Việc hứa tài trợ chỉ là bằng miệng, các cuộc gặp gỡ hai bên cũng bằng miệng chứ không có một bản hợp đồng ký kết ràng buộc gì, nên khi bên VPBank tuyên bố hủy tài trợ, nhạc sỹ Hồng Đăng đành chết đứng. Rất may là bạn bè nghệ sỹ rất thương và quý nhạc sỹ Hồng Đăng nên mỗi người giúp đỡ một tay, phần lớn đều không ai nhận tiền thù lao, tiền công dàn dựng phối khí, đạo diễn…
Những nghệ sỹ tên tuổi như Trần Mạnh Tuấn, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Quang Dũng, Bảo Phúc, Bảo Chấn, Dương Thảo, Dũng Martin, Đỗ Bảo, họa sỹ Lê Trường Tiếu v.v… đều ủng hộ không lấy tiền.
Dù vậy, các chi phí cơ bản như tiền tập nhạc công một tháng trời, vé máy bay của cả đoàn nghệ sỹ từ miền Nam ra biểu diễn, hay tiền sân khấu, tiền ăn ở không biết bao nhiêu mà kể. Vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng thành con nợ khổng lồ. Đến nỗi khi biểu diễn xong, Thiếu tướng Phạm Chuyên ủng hộ bằng cách mời cả ê kíp chương trình đi ăn tối vì vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng không còn lấy đồng nào trong túi.
Lần ấy, Tổng biên tập Báo CAND Hữu Ước, nhạc sỹ Hà Dũng và Tổng giám đốc Hàng không Vietnam Airlines, bạn bè thân hữu mỗi người dăm bảy triệu nhưng so với chi phí khổng lồ của hai đêm nhạc thì số tiền có được như muối bỏ bể. Lần ấy, vợ chồng Hồng Đăng phải bán căn hộ tập thể ở Kim Liên vừa là để trả nợ, vừa thêm tiền mua đất và xây lên căn nhà 2,5 tầng ở ngõ Hồng Hà để ở. "May mà vẫn còn nhà để ở đấy!", hai vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng cười giòn tan.
Nhạc sỹ Hồng Đăng ngậm ngùi: Lần ấy, nếu không liều mạng chắc đời ông chẳng bao giờ có nổi được một chương trình nghệ thuật âm nhạc ấn tượng và đầy kỷ niệm, tình bạn bè anh em nghệ sỹ đến thế. Âu đó cũng là niềm may mắn lớn của nhạc sỹ Hồng Đăng trong số hàng ngàn các nhạc sỹ hiện nay, cả đời khó được một chương trình âm nhạc cho riêng mình.
Sau chương trình "Lênh đênh biển", nhạc sỹ Hồng Đăng ốm nặng, tưởng chừng như không thể qua khỏi. Ơn trời, với một tinh thần lạc quan, sự thanh thản nhẹ nhõm của người nhạc sỹ lúc nào cũng hào hoa phong nhã, mọi điều dữ dằn nhất, mọi tai ương nặng nề nhất rồi cũng được hóa giải nhẹ như không. Nhạc sỹ Hồng Đăng đi qua những cơn đau của đời mình nhẹ nhàng, thanh thản như thể ông chưa từng chạm vào sự khốc liệt của nó.
Tôi ngồi suốt cả một buổi chiều với vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng, và nghe lại VCD "Lênh đênh biển" mà đạo diễn Hữu Mười đã bỏ ra 2 năm trời để dày công dàn dựng. Nhạc sỹ Hồng Đăng lặng đi trong những giai điệu cũ của chính ông, mà lòng rưng rưng nhớ.
Ngoài kia, phố xá đã lên đèn, hoàng hôn buông xuống những mảng tối nhạt nhòa nơi bậu cửa. Tôi nhìn thấy nhạc sỹ Hồng Đăng ngồi lặng phắc, hoàng hôn hắt bóng ông tạc lên bức tường một dáng trầm tư. Phía sau, bếp lò đã đỏ, vợ ông đang bật chiếc quạt thông gió để cho hơi than tổ ong bay dịu bớt ra phía sau nhà.
Tôi cứ ám ảnh mãi câu nói của Hồng Đăng lúc chia tay: "Cái nghèo cái thiếu thốn đeo đẳng tôi suốt cả một đời, nhưng lạ thế, không ai biết tôi nghèo, tôi thiếu đâu nhé. Thật ra, tôi còn may mắn hơn nhiều nhạc sỹ khác vì tác phẩm còn đến được với công chúng bằng cách này cách khác. Còn đa phần những nhạc sỹ khác, tác phẩm ra đời trong im lặng rồi cũng im lặng theo phận người về nơi chín suối".
Năm 2008, sức khỏe của nhạc sỹ Hồng Đăng đã chớm bình phục. Căn bệnh K xương của ông lại ngoan ngoãn nằm yên, nhường chỗ cho sức sống mãnh liệt của ông. Hồng Đăng lại đi viết nhạc cho các cơ quan đơn vị, đi chấm thi, chấm hội diễn v.v… lại vẫn đoạn trường một nỗi cơm áo. Thì biết sao bây giờ!
Nguồn: cand.com