1.Mấy nét về gia đình, gia tộc.
Từ Chi sinh ngày 17- 12 – 1925 tại Đồng Hới, trong một gia đình trí thức yêu nước. Ông thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội là Nguyễn Hiệt Chi, còn gọi là Nguyễn Đức Thuận, hiệu Mộng Thương (1870 – 1936), đỗ đầu xứ rồi đỗ Tú tài trường Bình Định (1906), từng làm ký lục, bổ ngạch Giáo thụ ở Phan Thiết, một trong những người sáng lập Liên thành thư xã, Liên thành thương quán & trường Dục Thanh ở đây. Sau 2 lần bị bắt giam, ông được chuyển về dạy chữ Hán ở trường Quốc học Huế (1917), trường Quốc học Vinh (1921 – 1932). Về hưu ông lập Mộng Thương thư trai, cùng với Long Cương tàng thư của Cao Xuân Dục ở Diễn Châu là 2 thư viện gia đình lớn nhất xứ Nghệ đầu thế kỷ XX.
Người em ông nội là Nguyễn Hàng Chi ( 1885 – 1908) học giỏi nhưng không chịu đi thi, là chí sĩ Duy tân nổi tiếng cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh, bị Pháp bắt giao tòa án Nam triều xử tử cuối tháng 7-1908.
Thân phụ ông là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (1898 – 1986), là Thứ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa I-IV, tác giả các sách Mọi Kontum (viết chung với Nguyễn Đổng Chi), Du lịch Quảng Bình, Công nghệ Quảng Bình.
Thân mẫu ông là bà Tôn Nữ Thị Vân thuộc dòng hoàng tộc ở Huế. Sinh ra ở Quảng Bình nhưng ông học phổ thông ở quê ngoại. Ông vừa mang trong mình sự thông minh, & tính gàn của con người xứ Nghệ, vừa mang những nét thâm trầm, hóm hỉnh của người dân cố đô Huế.
Thúc phụ ông là Gs Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984), một học giả nổi tiếng được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
2. Người sống “ngoài lề”,“nhà dân tộc học hành khất”làm việc quên mình.
Là con trai một vị Thứ trưởng, bản thân lại là bộ đội Nam tiến, từng là chính trị viên một đại đội trinh sát dưới quyền tướng quân Lư Giang (1947 – 1949), lại thông minh, nếu muốn hẳn Từ Chi đã có thể giữ một cương vị quan trọng nào đó trong bộ máy chính quyền các cấp hay các cơ quan văn hóa. Nhưng ông đã tự chọn cho mình một cuộc sống “không nghiêm túc” như ông tự nhận, hay cuộc sống “ngoài lề” như cách nói của Gs Phan Ngọc, người bạn thân cùng tuổi, cùng quê xứ Nghệ, để được làm công việc mà ông yêu thích: nghiên cứu khoa học. Tốt nghiệp khóa 2 (1957 – 1960) khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được cử sang Ghinê châu Phi làm chuyên gia giáo dục (1961 – 1963). Năm 1963 về nước ông công tác tại nhiều cơ quan ở Hà Nội: viện Sử học, viện Dân tộc học, viện Mỹ thuật, hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tạp chí Văn hóa nghệ thuật. Đúng là ở đâu ông cũng “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng” vì chỉ chí thú bảo vệ quyền được làm nghề của mình. Có lần trong lúc ngà ngà say ông đã thổ lộ với người bạn vong niên Đỗ Lai Thúy: “Nếu anh làm dân tộc học thì tốt nhất đừng ở Viện Dân tộc học, mà nên ở một cơ quan nào đó ít nhiều có liên quan đến dân tộc học, để rồi làm dân tộc học như một nghề tay trái…Làm vậy, tuy trái cựa & cực hơn, nhưng được cái tự do, thích gì làm nấy, & ít bị người dòm ngó. Nhưng điều cốt tử là ở đâu anh cũng phải kiên trì làm việc của mình, nghĩa là dám trở thành người “không nghiêm túc”. Tôi có một anh bạn cùng học, rất thông minh, con nhà nòi, thạo tiếng Pháp, chữ Hán…Nếu anh đừng nghiêm túc quá thì sẽ trở thành một trong những nhà cổ sử số một của ta. Ngặt vì ở đâu, từ Bảo tàng Việt Bắc, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng đến CP 72 anh đều dốc hết sức lực & thời gian làm việc cho cơ quan mà quên mất chuyên môn cổ sử của mình. Tôi thì ngược lại, ở cơ quan nào cũng tranh thủ làm dân tộc học. Đến khi người ta “phát hiện” ra, thì, nếu cần, tôi chuyển. Tôi “đi” nhiều cơ quan là vì vậy. Và may mắn nếu làm được chút ít gì cũng vì vậy”(1)
Không màng danh vọng, suốt đời chỉ là nhân viên, tổ viên, thư ký, biên tập viên…lương bổng không xứng với công việc làm, ông sống trong thiếu thốn, chật vật nhưng hạnh phúc với người bạn đời ông mang từ trời Phi xa xôi về. Vợ ông “không thuộc loại sắc nước hương trời, & cũng không thuộc hàng con nhà danh giáo, nhưng lại có cái gì đấy làm cho ông thương cảm, & từ thương cảm đã bỏ hết tâm huyết, sức lực, tiền tài, vượt qua “ba biển” & “bốn núi”, kể cả xã hội & gia đình, để đưa chị về sum họp với mình bằng được”. (2)
Dồn hết tâm huyết cho việc nghiên cứu dân tộc học, Từ Chi không mấy chú ý đến cuộc sống đạm bạc của mình. Bà Lê Thị Từ Hạnh, cháu gọi ông bằng cậu ruột cho biết “Những vật bất ly thân của cậu tôi là một chiếc túi may bằng những mảnh vải ghép, một chiếc xe rách tơi tả, một chiếc điếu cày, một cặp lồng cơm có ít lạc rang, dưa & cá mè nấu rau muống. Cậu tôi suốt ngày mang theo một đôi dép đã vẹt một góc, gót chân phải để ra ngoài”(3). Bạn bè ông cho biết thêm, trong chiếc túi bà Hạnh nói đó thường có vài tập bản thảo đang viết, một quyển sách đang đọc dở, một bản dịch chưa hoàn thành. Từ Chi không có tài sản gì đáng giá trong nhà ngoài mấy quyển sách & một ít đồ dùng thiết yếu học trò hoặc bạn bè tặng.
“Đã làm chuyên gia ở Ghinê từ cuối thập kỷ 50, về già đi Paris cuối thập kỷ 80, quần áo sang không thiếu & không phải không biết ăn diện nhưng bạn bè xin, ông cho tặng cả, ăn mặc lúc nào cũng có vẻ lôi thôi, có lúc người đường phố đã nhầm tưởng là “ông cụ ăn xin”.(4) Bạn bè quý mến vẫn thường gọi ông là “nhà dân tộc học hành khất” hay “ông ăn mày nói tiếng Tây rất giỏi”.
Trong bức họa chân dung trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học của họa sĩ Trần Duy, Từ Chi toát lên vẻ phóng khoáng cởi mở với mái tóc xõa, áo mở phanh, quần ta, phơi bụng. Họa sĩ giải thích: “Từ Chi là vậy, rộng mở với đời, chẳng có gì giá trị trên người ngoài một tấm lòng”.Còn PGs Ts Trần Lâm Biền thì bình bức họa đó: “Nếu bạn có thể hình dung một bác đứng bơm xe ở góc đường phố, chỉ cần tưởng tượng thêm cái bụng là có được một Từ Chi rồi đó”(5).
Từ Chi không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, lúc ở cơ quan này, lúc ở viện nọ, lúc lại ngồi ở quán cà phê, vừa trò chuyện với mọi người, vừa làm việc. Có khi ông vượt dốc Cun, lên tỉnh Hòa Bình mấy tháng liền “ba cùng” với đồng bào Mường. Ở đó ông có nhiều bạn là các thầy giáo, cô giáo làng, các xã viên hợp tác xã thuộc nhiều lứa tuổi, cả những người anh em kết nghĩa của ông, một mạng lưới cộng tác viên thường xuyên cung cấp tư liệu. Đối với ông, làm khoa học cũng là một cuộc chơi, “chơi hết mình, chơi cho đẹp” như ông từng tâm sự với bạn bè. Cuộc chơi đó từng khiến ông nếm đủ ngọt bùi lẫn cay đắng.
3. Nhà bác học lớn được nhiều người mến mộ.
Có thông minh trời phú, lại ham học hỏi, Từ Chi có học vấn thật sự sâu rộng, thuận lợi cho việc tìm tòi, khám phá. Nghiên cứu người Mường, ông đã không bị cớm bởi bóng cây cổ thụ Jeanne Cuisinier, tác giả sách Người Mường,địa dư nhân văn& xã hội học (Les Muong géographie humaine et soliologic, Paris 1948) (đã được dịch ra tiếng Việt & in với độ dày 860 trang khổ lớn). Nữ học giả lớn người Pháp này đến xứ Mường cách đây hơn 60 năm & những người đầu tiên mà bà tiếp xúc là các chức sắc trong bộ máy hành chính địa phương. Đó là những ông lang thuộc tầng lớp quý tộc có học hành phần nào, do đó chịu ảnh hưởng văn hóa Việt & có ít nhiều thấm nhuần tư tưởng Nho giáo. Từ Chi đến vùng Mường Động, một mường nhỏ tuy không xa quốc lộ nhưng địa hình hiểm trở khó đi nên ít người tìm đến, & tiếp xúc với những người Mường bình dân anh em kết nghĩa thân thiết với ông, nên tìm ra được những nét Mường nguyên thủy mà bậc tiền bối người Pháp chưa tìm được.
Từ đó, ông có những đóng góp lớn trong nghiên cứu Mường,& không chỉ Mường: 1- Nghiên cứu ruộng lang, Từ Chi đã dựng được mô hình chế độ nhà lang, góp phần soi sáng mô hình nhà nước Văn Lang – Âu Lạc. 2-Nghiên cứu tang ca qua 12 đêm lễ tang cổ truyền, ông tìm được vũ trụ quan người Mường là 3 tầng, 4 thế giới. 3- Từ việc phân tích, so sánh những môtíp hoa văn & đặc điểm bố cục các đồ án trang trí, Từ Chi đã khám phá ra mối liên hệ tương đồng giữa hoa văn trên cạp váy phụ nữ Mường với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn hàng ngàn năm trước. Ông còn phát hiện ra mạch văn hóa Đông Sơn vẫn chảy trong nghệ thuật trang trí hoa văn thổ cẩm Thái & thổ cẩm của dân bản địa Tây Nguyên. Đây là một minh chứng sinh động cho tính bản địa của nền văn hóa Đông Sơn, góp phần khẳng định quan điểm khoa học cho rằng tổ tiên cư dân Việt – Mường là một chủ nhân quan trọng của nền văn hóa này.
Tuy vậy, nghiên cứu hoa văn Mường, đúng hơn là hoa văn cạp váy Mường có lúc bị coi là “nghiên cứu chưa đúng hướng”, “nghiên cứu theo phương pháp tư sản”, chỉ đi vào những chi tiết vụn vặt mà không tập trung những vấn đề kinh tế xã hội quan trọng hơn. May mắn là tác phẩm Hoa văn Mường do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 1978 đã được một nhà báo Pháp phát hiện trước khi được giới nghiên cứu trong nước để ý đến. Tiếp đó, đầu những năm 80, khi công trình nghiên cứu Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ được đăng tải trên một tạp chí ngoại văn thì Từ Chi mới thật sự trở thành một tên tuổi trong làng dân tộc học thế giới. Tác phẩm viết bằng song ngữ Việt – Pháp này là “một khung quy chiếu mẫu mực về mọi mối quan hệ phức tạp chằng chéo của nền kinh tế tiểu nông dân tộc Kinh xoay quanh một chuỗi vận hành quanh co không ngừng tái sinh, lộn kiếp đầu thai như trong truyện cổ của quá trình tư hữu hóa ruộng đất dưới các hình thức khác nhau, được định vị từ nhiều bình diện, trên nhiều môi trường địa lý, & bằng nhiều lát cắt lịch sử, từ quá khứ cho đến hiện tại, nhờ đấy người khác có thể dựa vào để mở rộng, soi chiếu cho vô số mô hình cụ thể riêng lẻ ở các cơ tầng, vùng miền khu biệt của xã thôn Việt Nam” (6)
Năm 1984 Từ Chi được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 1988 ông nghỉ hưu & ngày 15 – 10 – 1995 ông về cõi vĩnh hằng. Giáo sư Georges Condominas, nguyên Giám đốc Viện Cao học nhân văn Pháp, nhà dân tộc học có nhiều công trình nghiên cứu về các dân tộc ở Tây Nguyên biết tin Từ Chi qua đời đã rất xúc động viết: “Nước Việt Nam mất đi một nhà bác học lớn, đồng nghiệp đã mất đi một người bạn nhiệt tình, một tấm gương”… “Nếu con người bác học khiến người ta phải khâm phục thì con người vừa khiêm tốn vừa uyên bác mà không kiểu cách, có óc hài hước, sâu sắc trong ngôn từ & trong hội họa, thoải mái trong cách ăn mặc đã thu hút lập tức & lâu bền cảm tình của người khác” (7)
Năm 2000, Từ Chi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với tư cách là tác giả cụm 4 công trình:1/ Hoa văn Mường (nhận xét đầu tay, ký tên Trần Từ) Nxb Văn hóa dân tộc. H. 1978. 2/ Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội. H.1984. 3/ Hoa văn các dân tộc Giarai – Bana Sở văn hóa thông tin Gia Lai – Công Tum, 1986.4/Người Mường ở Hòa Bình. Hội Sử học VN & Nxb Văn hóa dân tộc, H.1995.
Ngoài ra, ông còn có nhiều công trình viết chung, nhiều công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành có khám phá độc đáo, nhiều sách & ấn phẩm dịch. Với công trình viết bằng tiếng Pháp “Vũ trụ quan Mường” ( La Cosmologie Mương, Paris, 1997) ông được giới dân tộc học ở nước ngoài, nhất là ở Pháp coi như chuyên gia số một về người Mường.
Ngày 10 – 10 – 2005 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khai mạc triển lãm những di cảo lần đầu tiên được công bố của Từ Chi. Di cảo & di sản của Từ Chi nói chung là những tài sản vô giá!
CHÚ THÍCH:
(1)Đỗ Lai Thúy(2002): Từ Chi từ hoa văn cạp váy…in trong cuốn Chân trời có người bay Nxb Văn hóa Thông tin, tr.260.
(2)(6)Xin xem: Nguyễn Huệ Chi(2005) : Từ Chi anh tôi Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật 8/2005 bản đã bị lược bỏ & bản đầy đủ trên trang Web.
(3)(5)Dẫn lại theo Lưu Hà: Từ Chi nhà khoa học chân chính nhưng nghèo khổ & Sông Lam: Từ Chi nhà dân tộc học bậc thầy. Bài trên trang Web.
(4) Trần Quốc Vượng(2000) Nguyễn Đức Từ Chi in trong cuốn Văn hóa Việt Nam tìm tòi & suy ngẫm Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật,tr.957.
(7)Georges Condominas (1995) Viết cho Từ Chi Tạp chí Xưa & Nay 12/1995 & trên trang Web