Người xứ Nghệ

Người Nghệ ở Slovakia

1/ Đi một đỗi đàng....
 
Tháng 7 năm 2011 nhân một dịp may, tôi được đi tham quan nhanh nửa tháng đến một số nước vùng Trung Âu như Cộng hoà Séc, cộng hoà áo, dừng lại lâu hơn ở cộng hoà Slovakia. Nhớ thời trẻ cũng đã có vài lần định được đi châu Âu ăn học.

Nhưng có nhiều lí do, trong đó có sự thôi thúc của yêu cầu chiến trường cấp bách nên nhiều thanh niên trong đó có tôi an tâm gác bút nghiên nơi miền mơ ước. Nay tuổi đời đã chạm mốc 70, gân cốt đau mỏi lại có dịp được đi đó đây, trong lòng thấy sướng vui, bất ngờ, hồi hộp. Lần đầu được cưỡi trên Bô- ing chở 500 hành khách bay với tốc độ 1000km/giờ, trên độ cao 11km từ sân bay Nội Bài đến sân bay Đgôn thủ đô Pa- ri nước Pháp, bay tiếp về thủ đô Viên rồi đi Ô tô về thủ đô Bratitlava cộng hoà Slovakia. Từ đây tôi được tận mắt chứng kiến và suy ngẫm rất nhiều điều về đất và người của nước bạn. Phải tập làm quen với múi giờ, nhiệt độ, đặc biệt là cảnh lạ một ngày bốn gờ sáng mặt trời đã mọc, tám giờ đêm vẫn còn ánh nắng mặt trời. ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi suốt nửa tháng hành trình là trên các đường phố của các nước bạn không hề có bóng xe máy. Nếu không đi ô tô riêng, người đi đường ra khỏi nhà là bước lên xe buýt, tàu điên hoặc tàu điện ngầm. Trên xe buýt chỉ có người lái, hành khách tự giác bỏ tiền vào thùng treo trong xe, giá cả đã ghi rõ theo chặng. Trong xe, hàng ghế trên cùng bao giờ cũng để trống nhường phần cho xe nôi các cháu nhỏ và người trông trẻ. Trong xe trật tự, nếu khách đông, người trẻ nhường chỗ cho người cao tuổi. Tôi nhận thấy người dân đi tàu xe rất ham đọc báo, có trao đổi tay đôi thì nói nhỏ. Các ngả tư đường hay tại sân bay, bến tàu, trong tàu xe thường có cả sạp báo hoặc tập báo công cộng, ai thích đọc cứ lấy, đọc xong để vào chỗ cũ. Tôi thấy có một số tờ báo tiếng Việt bên nhà đưa sang hay in tại chỗ không biết nhưng ngày tháng khá cập nhật. Đường phố sạch tinh thoáng đãng. Hai bên đường cây xanh nhiều và đẹp. Người đi đường, ba lô sau lưng, đi hàng một, trật tự, vội vã. Chim bồ câu trời quây quần bên chân người đi đường. Nhà chờ ở sân bay cao rộng, trong nhà có cây cảnh vẫn có chim bay nhảy trên cành. Hai bên đường, ngay cả những lối rẽ vào khu kí túc xá sinh viên, cây anh đào, cây mận trái chín mọng treo lơ lửng không có ai hái. Sông Đa Nuýp nước trong xanh đầy ắp, dưới sông, hàng trăm con vịt trời nhởn nhơ bơi lội ngày này sang ngày khác. Tôi chú ý một cô gái đi đường dắt con chó trắng. Bỗng con chó ị ra đường. Cô gái cột chó, lấy hai tờ giấy trong túi xách hót phân và ngồi kì cọ mặt đường sạch bóng rồi đi đến thùng rác quy định bỏ giấy bẩn mới quay lại dắt chó đi, mặc dầu không có ai nhắc nhở gì. Sự chấp hành luật lệ, ý thức tự giác của người dân đã đến mức trở thành kĩ năng sống bình thường. Một anh bạn người Nghệ đã 5 năm nghiên cứu sinh ở đây đi cùng, hướng dẫn tôi tham quan thường nhắc khi muốn ho cũng không được khạc nhổ ra đường theo thói quen như bên ta mà phải sử dụng bao giấy mang theo người. Trong kí túc xá sinh viên, điện nước dùng thoải mái nhưng có rơ ngắt le tự động. Khu hành chính, công sở, trường đại hoc đóng trên đồi, nơi ấy không có đường xe buýt đi qua. Đến chợ Sa-Pa, chợ của cộng đồng người Việt ở thủ đô Pơ- ra- ha cộng hoà Séc, mới thấy sức mạnh của người Việt trong đó khá đông người Nghệ trong kinh doanh. Nghe nói chợ lúc đầu là của một người Việt lập ra, nay có hàng nghìn người trong tổng số 70.000 người Việt ở nước này cùng buôn bán. Chợ chia thành nhiều siêu thi buôn bán đa ngành. Từ bảng hiệu lớn đến các bảng hiệu nhỏ trên cùng đề chữ Việt rất to, chữ nước sở tại và các nước khác đề nhỏ hơn phía dưới. Từ xa đến, thậm chí từ nước Slovakia đi hàng trăm cây số lên để đến cửa hàng ăn người Việt trong chợ Sa- Pa để thưởng thức phở Hà Nội, bún ngan nướng do người Vinh chế tạo. Không chỉ người Việt mà người Tây cũng khen. ở Slovakia có cửa hàng ăn Su- si nghe nói trước đây của người Nhật lập ra, vào ăn khách mua vé ngoài cửa, vào tự chọn món, ăn thoải mái hàng giờ nhưng phải giải tán trước 21 giờ để đóng cửa. Khách vào ăn chỉ được mua một cốc bia, không có rượu, cấm khách đem rượu ngoài vào. Tất cả cứ tự nhiên thành nề nếp.

 
2/ Người Nghệ ở Slovakia.
 
Theo số liệu, tổng số người Việt ở nước này trên dưới 5.000 người thì người Nghệ chiếm 500. Họ là những lưu học sinh, nghiên cứu sinh nhưng đông đảo nhất là số xuất khẩu lao động, người có mặt sớm nhất đã trên 30 năm. Cộng đồng người Nghệ ở đây đoàn kết, luôn đi đầu trong các hoạt động ủng hộ thiên tai, từ thiện hướng về Tổ quốc. Số làm kinh doanh sống theo đại gia đình, kinh doanh đa ngành, đa vùng nhưng vẫn quy tụ. Chị Ngô Thị Hồng người Nam Đàn cùng chồng là Nguyễn Trung Kiên sang từ 1983, là một trong những doanh nhân người Nghệ phát đạt, con học giỏi, hàng ngày quy tụ gia đình ba thế hệ 24 người trong bữa cơm vừa ăn vừa bàn bạc công việc. Vườn nhà lồng kính, trồng trọt, chăn nuôi. Cây, củ ,quả, gà, vịt đầy đủ tự túc từ quả ớt cay trở lên để có bữa ăn Việt hàng ngày hợp khẩu vị. Trí thức người Nghệ nơi đây đặc điểm chung là học giỏi, ý chí, được tín nhiệm. Giáo sư, tiến sĩ, bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ ,người Nghi Xuân, Nghi Lộc từng sang đây nghiên cứu sinh tại trường đại học kinh tế Bratislara, học giỏi nổi tiếng, là chủ tịch hội lưu học sinh tại đây. Gần đây , ông là người Việt đầu tiên được hiệp hội kiểm toán, công chứng vương quốc Anh tôn vinh.
Nguyễn Đắc Vinh, bí thư thứ nhất trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, quê xã Quỳnh Dị, Quỳnh Lưu, từ năm 1989 lưu học tại trường đại học tổng hợp kĩ thuật Bratislava, nghiên cứu sinh tại trường này, nhận học vị tiến sĩ vào tháng 10 năm 2000. Lê Hồng Quang người Nam Đàn, vốn là học sinh chuyên toán trường Phan Bội Châu, du học chuyên ngành điện tử, trường đại học kĩ thuật Slovakia từ năm 1984, tốt nghiệp thạc sĩ ngành chế tạo vi điện tử với thành tích xuất sắc đặc biệt được đánh giá từ trước tới nay mới chỉ có hai người Việt học tại đây đạt được. Hiện nay ông là tham tán thương mại đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam, chủ tịch hội người Việt tại nước này. Có hai con học giỏi thành đạt. Nguyễn Kim Đăng, quê thành phố Vinh, là học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng du học Tiệp Khắc từ 1986, tốt nghiệp thạc sĩ ngành hoá vô cơ tại trường đại học kĩ thuật, học vị tiến sĩ từ 1996 tại trường đó. Hiện nay anh làm phó chủ tịch hội người Việt , phiên dịch tiếng Việt của bộ nội vụ Slovakia. Cuối năm 2009 anh trực tiếp phiên dịch cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết khi đoàn Việt Nam thăm chính thức nước này. Có ngẫu nhiên không khi hội người Việt bên đó bầu ra bốn người lãnh đạo hội thì có ba người Nghệ. Điểm qua vài gương mặt người Nghệ ở Slovakia trong hàng trăm người không thể nhắc hết, cũng đủ cho chúng ta tự hào rằng người Nghẹ trong nước hay nước ngoài là người lao động chân tay hay trí óc thời nào cũng cho ta niềm tự hào tin tưởng, đồng thời cũng gợi lên nhiều suy nghĩ cho hiện tại và tương lai, đặc biệt cho môi trường sống, môi trường làm việc, cho tấm thảm đỏ chân thành, chúng ta đã và đang nói đến.
                                                                                             .

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528760

Hôm nay

2141

Hôm qua

2275

Tuần này

21033

Tháng này

215456

Tháng qua

0

Tất cả

114528760