Thầy Trần Quốc Nghệ mà dân Hương Sơn gọi là thầy Tú Nghệ, và học trò chúng tôi gọi là “Thầy Nghệ” là một con người đặc biệt lạ thường về rất nhiều mặt mà hàng mấy chục thế hệ học sinh, hàng trăm bè bạn, học thầy, làm việc với thầy không phát hiện hết, không cảm nhận hết.
Về văn chương, thì có lẽ nhận xét của giáo sư Hà Văn Tấn là ngắn gọn và đầy đủ nhất: Thầy Nghệ là một người thầy “siêu giỏi”. Thầy giỏi tiếng Pháp, chữ Hán, thạo tiếng Anh và tiếng Nga. Thầy đã nhiều năm dạy và dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, nhất là sau khi nghỉ hưu thì thầy càng dạy nhiều hơn ở thị xã Hà Tĩnh, ở Vinh và Hà Nội.
Anh Thái Kim Đỉnh có một nhận xét: “Không được học với thầy Nghệ nhưng mình biết chắc rằng nếu thầy Nghệ mất đi thì ở Hà Tĩnh không còn ai am hiểu sâu sắc văn hoá Pháp như thế nữa”.
Sinh thời, thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu là một con người tài hoa khác thường đã có lần nói với tôi rằng: “Tôi chưa gặp một người nào giỏi tiếng Pháp như thầy Nghệ. Giỏi nói như một người Pháp Paris đã đành, dù thầy chưa bao giờ sang Pháp, mà đáng khâm phục hơn là kiến thức về văn học, về xã hội Pháp sâu rộng uyên bác, đặc biệt là đã nửa thế kỷ qua, tiếng Pháp đã hiện đại hoá, đã có nhiều từ mới mà thầy Nghệ vẫn không lạc hậu, chứng tỏ thầy liên tục đọc sách báo hiện đại Pháp”.
Có lần thầy Nghệ nói riêng với tôi rằng thầy vừa gửi thư cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đề nghị sửa chữa nhiều chỗ trong bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp của bác sĩ Viện vì theo thầy là chưa xác đáng trong cách dùng từ thì ông Nguyễn Trung Hiếu cũng bảo là thầy Nghệ có trao đổi với ông về một số chỗ đó. Tôi là người dốt tiếng Pháp vì không được học mấy,nhưng nhớ lần đại hội văn nghệ ở hội trường Tỉnh uỷ, có ông Giám đốc trung tâm phổ biến tiếng Pháp ở Paris sang công cán nước ta được Hội văn nghệ mời dự. Hai người ngồi trò chuyện, thủ thỉ với nhau như đôi nhân tình, như hai người Pháp, nhỏ nhẹ, triền miên. Tôi ngồi cạnh thầy, thầm nghĩ rằng nói tiếng Pháp với người Pháp như thế chưa dễ có mấy ai.
Sau cải cách ruộng đất mấy năm, tôi gặp lại thầy ở thị xã Vinh trên đường Phan Đình Phùng. Chúng tôi cùng nhận ra nhau khi gần như chạm vào nhau. Thầy buông rơi chiếc túi rồi ôm lấy tôi nước mắt giàn giụa. Hình như thầy khóc nhiều hơn tôi. Đó là lúc tôi đi vác lúa thuê ở bến Cửa Tiền về, chiếc áo rách vai. Thầy luồn tay qua lỗ rách xoa lưng tôi rồi lặng lẽ mở chiếc túi lấy miếng vải sọc đen bảo rằng: “Người ta cho thầy, thầy cho em”.
Không hiểu sao lúc đó tôi không dám từ chối vì thầy cũng chẳng lành lặn gì, lại cũng không biết cảm ơn mà chỉ đứng lặng im cúi đầu như một học trò có lỗi. Lúc đó tôi nhớ ngày trước, dưới gốc mít ở góc sân trường, giờ ra chơi thầy gọi tôi lại cho miếng kẹo lạc cu đơ, tôi nói “em nỏ ăn” thì bị thầy mắng. Tôi cứ đứng trân như thế cho đến khi thầy hỏi: “Quyền khi nào về quê?”. Tôi trả lời: “Ngày mai em về bộ, theo đường truông” thì thầy bảo: “Thế thì bây giờ về thuyền với thầy để thầy trò tâm sự cho vui”. Tôi định từ chối thì thầy nói thầy có tiền, cứ về thuyền với thầy. Tôi lại phải nghe theo dù biết thầy đâu có nhiều tiền. Đêm đó, trên con thuyền ngược sông Lam, sông La về sông Phố, thầy nằm ôm tôi vào lòng, ru tôi bằng mấy câu thơ mà tôi không tính hết bao nhiêu lần:
Ngẫm những kẻ mũ cao áo rộng
Ngòi bút son sống thác ở tay
Kinh luân mang một túi đầy
Đã đêm Quản, Nhạc lại ngày Y, Chu.
Thầy bảo về cùng thuyền để tâm sự mà không thấy thầy nói gì. Thầy cứ ngâm mãi một đoạn thơ như thế và thi thoảng lại bảo thầm với tôi: “Mi lấy con Bê nhà tau nhé!”. Tôi không trả lời vì đã biết Bê là ai? Thầy lại ngâm thơ, lại hỏi cho đến khi buồn ngủ quá tôi “dạ” rồi ngủ thiếp đi. Hình như đêm đó, thầy thức trắng. Sáng mai thuyền cập bến, thầy ôm hôn tôi và dặn: “Sang nhà thầy chơi”, và nói “em vẫn nhút nhát như xưa”. Tôi vì chuyện Bê mà không dám sang nhà thầy.
Thầy bảo tôi nhút nhát nhưng tôi lại chứng kiến một lần thầy nhút nhát. Ấy là lần Hội văn nghệ và Ty văn hoá Hà Tĩnh tổ chức nói chuyện nhân nhà thơ Huy Cận, thứ trưởng Bộ văn hoá về thăm quê. Hồi ấy dạy ở trường Phan Đình Phùng, nghe tin, thầy lọc cọc đạp xe về đến hội trường Thạch Linh và khiêm tốn ngồi vào góc cuối hội trường. Nhà thơ Huy Cận đang sôi nổi kể chuyện dẫn đoàn văn công ta sang Pháp múa “Ong vò vẽ”, hát “Người Châu Yên em bắn máy bay” và đối đáp với các học giả Pháp. Chợt nhìn thấy thầy Nghệ, nhà thơ bỗng dừng lại kêu to “Anh Nghệ” và vừa xin lỗi vừa chạy xuống góc hội trường kéo thầy lên bục nói chuyện, giới thiệu: “Đây là anh Trần Quốc Nghệ, bạn cũ của tôi, một con người kiệt xuất. Tôi chỉ giỏi văn, còn anh Nghệ văn võ toàn tài, vô địch”. Thầy Nghệ lúng túng nói: “Dạ thưa...đồng chí Thứ trưởng quá khen”. Anh Huy Cận cả cười nói: “Dạ, thưa chi! Hồi đi học, ông bắt nạt tôi suốt”. Lúc đó thầy Nghệ thật thẹn thùng lúng túng!
Thầy về hưu nhưng chẳng khi nào nghỉ và cũng chẳng làm gì ngoài dạy học. Thỉnh thoảng tôi gặp thầy đạp chiếc xe thiếu nhi Liên Xô quàng chiếc cặp da cũ kỹ đi trên phố. Mời mãi thầy mới hẹn: chủ nhật tới mình đến thăm thằng cháu Trần Tấn Hành ở C2 rồi sang nhà Quyền chơi luôn. Chủ nhật ấy khoảng 9 giờ sáng thầy đến. Thấy thằng con trai tôi đang làm bài, thầy đố: từ một điểm ở ngoài một đường thẳng, hãy dựng đường vuông góc với đường thẳng đó với điều kiện chỉ quay một lần compa. Mươi phút sau, thằng con tôi chưa tìm ra cách dựng, thầy đã hướng dẫn cho cháu rồi hỏi tôi có bàn cờ không? Tôi bày cờ mời thầy đi trước. Thầy đánh rất cẩn thận, nước đi chắc chắn và giữ thế thủ. Vào cuộc cờ, tôi quên chuyện thầy trò, đánh những nước khá hiểm hóc. Thầy bình tĩnh chống đỡ, gần một giờ qua, tôi đã dồn thầy vào thế bí nhưng chợt thầy thầy đã già nên không nỡ bắt xe rồi sau đó chỉ đánh cầm chừng. Ván đó thầy thắng và chúng tôi không đánh nữa. Vợ tôi chuẩn bị một bữa ăn khá tươm tất nhưng thầy chỉ dùng hai bát cơm với vài miếng thức ăn chiên mềm và canh hến cà chua. Thầy nói hôm nay ngon miệng mới ăn được thế. Tiễn thầy xuống hết cầu thang, nắm tay tôi thầy nói: “Ván cờ hồi nãy em nhường thầy nên thầy không muốn đánh nữa”. Tôi lại lúng túng như người có lỗi. Sau đó thầy ra Hà Nội, mấy năm sau lại về Hương Sơn. Mỗi lần đi công tác tôi đều ghé qua thăm thầy. Gặp tôi thầy hỏi: Có sáng tác được gì không? Còn học tiếng Pháp không? Thầy vui khi tôi được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam. Thầy nói: “Học trò mình nhiều đứa là nhà văn, nhà khoa học, có đứa là giáo sư tiến sĩ, nay có thêm em là nhạc sĩ. Thầy vui lắm, mừng lắm, khi có thêm một em thành đạt. Mong sao các em sống tử tế, giữ đúng phong cách của kẻ sĩ. Phải học nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều mới viết được”. Cùng mỗi lần gặp, thầy thường phàn nàn rằng cái sở học của thầy chưa đắc dụng. Hồi còn chiến tranh chống Mỹ, thầy nói: “Dạy văn cấp III như mình thì ai tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra đều dạy được cả. Nếu tỉnh chịu dùng, giao cho mình theo dõi đài dịch, đọc sách báo nước ngoài rồi phân tích, tổng hợp báo cáo cho tỉnh thì có ích hơn”. Tôi chỉ biết nghe vậy chứ chẳng làm được gì để giúp thầy. Trước sau hơn 50 năm, thầy chỉ dạy và dạy, là một người thầy nguyên vẹn, không phẩm hàm, không chức tước, không danh vị. Dẫu là thế, với chúng em, thầy mãi mãi là người thầy trọn vẹn, thầy Nghệ ơi!