Tình yêu đối với Thăng Long không còn là sở hữu riêng của những người sinh ra tại Thăng Long mà là sở hữu của mọi người dân Việt Nam yêu quý kinh đô, trong đó có một người con ưu tú của xứ Nghệ là Hồ Tông Thốc(1).Hồ Tông Thốc vừa là nhà thơ lỗi lạc, vừa là nhà sử học lớn nên trong một vài trường hợp cần thiết, tôi cũng đề cập đến các tác phẩm sử học xuất sắc của ông; bởi cha ông ta xưa từng quan niệm văn, sử, triết bất phân, trong các tác phẩm sử học thành công bao giờ cũng có sức hấp dẫn của văn & chiều sâu của triết.
Thời Trần (1225 – 1400) văn học Thăng Long đa dạng, uyển chuyển trong hệ tư tưởng cởi mở tam giáo đồng nguyên, nhân tài Đại Việt nở rộ. Bảng nhãn Lê Quý Đôn từng viết: “Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng, vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách…”(2)
Thời gian này, xứ Nghệ còn là đất trại, nhân tài thưa thớt tuy đã có một số nhân vật nổi tiếng như các Trạng nguyên Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Sử Hy Nhan. Bạch Liêu đậu Trại Trạng nguyên năm 1266, chỉ làm gia khách cho Tri châu Nghệ An Trần Quang Khải, không ra làm quan & cũng không thấy tác phẩm để lại. Sử Hy Nhan (?- 1421), tác giả Trảm xà kiếm phú & có người nói ông còn viết bộ Đại Việt sử lược nhưng cũng chưa gắn bó gì nhiều với văn học Thăng Long. Chỉ có Hồ Tông Thốc là đáng chú ý hơn cả.
Hồ Tông Thốc (1324 - ?) người làng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành, (nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) nổi tiếng thông minh, học giỏi từ nhỏ. Lớn lên, ông được gia đình cho đi tầm sư học đạo ở huyện Đường Hào, lộ Hồng Châu (nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên), rồi đỗ Trạng nguyên năm 1341(3). Ông nhiều năm làm quan ở kinh đô. Tài năng, nhân cách Hồ Tông Thốc được thăng hoa nhờ có dịp cọ xát, thanh lọc trong môi trường văn hóa Thăng Long. Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (đầu thế kỷ XV) chép: “Hồ Tông Thốc thi đỗ từ hồi rất trẻ, rất có tài danh. Mới đầu chưa nổi tiếng lắm. Nhân tiết nguyên tiêu, có đạo nhân Pháp quan họ Lê giăng đèn mở tiệc để mời khách văn chương. Hồ Tông Thốc nhận giấy mời đề thơ. Trong một đêm, ngay trên bàn tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu, mọi người đều xúm xít thán phục, không ai địch nổi. Từ đấy danh lừng chốn kinh đô. Về sau dùng tài văn học làm thầy thợ cho người. Thòi Trần Nghệ Tông, quan đến chức Hàn lâm học sĩ, thừa chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ, thơ & rượu không ngày nào vắng. Tuổi ngoài tám mươi mất tại nhà…”(4)
Đáng tiếc là tập thơ Thảo nhàn hiệu tần & các tác phẩm Việt Nam thế chí, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc đã mất từ thời Đại Việt bị quân Minh đô hộ (1407 – 1427). May mắn là gia phả họ Hồ ở Thái Nhã, các tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích còn chép được mấy bài thơ như Thị ý, Đề Hạng Vương từ (2 bài), Du Động Đình họa Nhị Khê. Bài Thị ý (Tỏ ý) có hai câu thể hiện bản lĩnh nhà thơ:
Hàn mặc tranh vi Vương Bột hậu
Văn chương thùy thí Giả Sinh tiền.
(Tài bút mực quyết không chịu đi sau Vương Bột/ Nghiệp văn chương ai biết ta còn đứng trước Giả Sinh)
Bài tứ tuyệt Đề Hạng Vương từ (Đề đền Hạng Vương) cũng cùng một bản lĩnh ấy khi nhà thơ mỉa mai Hạng Vũ:
Quân bất quân hề, thần bất thần,
Như hà miếu mạo tại giang tân?
Giang Đông tích nhật do hiềm tiểu?
Hà tích thiêu tiền bách vạn cân?
(Vua chẳng ra vua, tôi chẳng tôi/ Bên sông miếu mạo để thờ ai?/ Giang Đông ngày trước còn chê nhỏ,/ Tiền giấy sao nay lại vật nài?) (5)
Đúng là bản lĩnh của một sứ thần Đại Việt thời Trần, sứ thần của một quốc gia đã từng nhiều lần chiến thắng Thiên triều hết sức vẻ vang! Đó là bản lĩnh của một người rất tự tin ở tài năng của mình, cũng như tự tin vào nhân tài Đại Việt. Các bài thơ đó dù không trực tiếp viết về Thăng Long, nhưng thật sự góp phần làm phong phú nền văn học Thăng Long!
Lòng tự tin của Hồ Tông Thốc hoàn toàn có cơ sở. Ông thật sự có đóng góp rất xuất sắc cho nền văn hiến Thăng Long – Đại Việt nói chung & văn học Thăng Long nói riêng bằng tác phẩm sử học Việt sử cương mục. Tác phẩm này được đại sử gia Ngô Sĩ Liên thời Lê Sơ (1428 – 1527) rất mực đề cao, tác giả của nó được xem là vượt cả Lê Văn Hưu & Phan Phu Tiên. Đây là lời sử gia họ Ngô: "Văn Hưu là đại thủ bút thời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước ta, tìm thêm các sách sử còn sót lại, gom hợp thành sách để cho người đời sau không có gì tiếc nữa là được. Song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đúng, văn tự còn có chỗ chưa ổn; người đọc không khỏi có chỗ chưa vừa ý. Riêng có bộ “Việt sử cương mục”của Hồ Tông Thốc làm là ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được. Nhưng sau cơn binh lửa, sách ấy không truyền” (6).
Không thấy Ngô Sĩ Liên nhận xét gì về tác phẩm Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc, nhưng chính ông là người đã đi tiếp con đường Hồ Tông Thốc khai sáng: con đường đưa thời đại Hùng Vương vào sử. Nguyên bản Việt Nam thế chí đã mất, nhưng may mắn Lời tựa tác phẩm này được Phan Huy Chú (1782 – 1840) chép lại đầy đủ trong thiên Văn tịch chí bộ Lịch triều hiến chương loại chí đồ sộ. Lời tựa này cho ta biết Việt Nam thế chí chép 18 đời vua Hùng & các đời nhà Triệu; & Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa ra danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là quốc hiệu; người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng (cũng tức là thời Hùng Vương), & mối quan hệ giữa huyền thoại & lịch sử: “Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời Hồng Bàng thời gian xa cách, trong lúc mở mang, sách vở chưa đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có thì bởi đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện cóp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang, chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nếu lưu tâm nhận kỹ, có sức suy nghiệm thì ngọc & đá đều sẽ rõ ràng, những hình tiếng bóng vang của những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ…”(7).
Tóm lại, dù tác phẩm đã mất mát quá nhiều, nhưng nhờ có tài năng lớn, bản lĩnh vững vàng, thành tựu của Hồ Tông Thốc vẫn mãi mãi là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Nghệ, mãi mãi để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho văn nghệ sĩ, trí thức quê hương, trước hết là bài học sớm giao lưu, hội nhập văn hóa Thăng Long.
Vinh, 6/2010.
Chú thích:
(1)Nguyễn Huệ Chi Thử nhận diện văn học Thăng Long mười thế kỷ Bài trên trang Web Thư mục Nguyễn Huệ Chi.
(2)Lê Quý Đôn toàn tập T2 Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học Xã hội, H.1977,tr.258 .
(3) &(5) Theo Nguyễn Trung Hiền: Hồ Tông Thốc in trong Người xứ Nghệ T2, Nxb Nghệ An, 2007, tr.37,39.
(4)Hồ Nguyên Trừng Nam ông mộng lục Nxb Văn học, H.2001,tr.66.
(6)Ngô Sĩ Liên…Đại Việt sử ký toàn thư Nxb Văn hóa -Thông tin, H. 2003, T1, tr.122.
(7) Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí Nxb Khoa học Xã hội, H.1992, T3, tr.163.