Khi viết Nghệ An ký, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch trong mục Danh nhân cho rằng Phan Thị Thuấn là vợ lẽ của Đinh Nho Hoàn. Trên đường đi sứ sang Bắc Kinh (Trung Quốc) chánh sứ họ Đinh thọ bệnh và mất dọc đường. Khi nghe tin chồng không còn nữa, Phan Thị Thuấn đã quyên sinh theo chồng. Sau đó, bà được vua phong là phụ tiết.
Họ Bùi đã nhầm. Bà Phan Thị Thuấn người làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), sinh sau Đinh Nho Hoàn (1671-1761) mấy thập kỷ. Bà lâm lẽ võ tướng Ngô Cảnh Hoàn, người làng Trảo Nha cùng huyện Thiên Lộc. Trong trận cầm quân Lê - Trịnh đánh nhau với quân Tây Sơn trên sông Thuý Ái (sông Hồng thuộc địa phận Thuý Ái), Ngô Cảnh Hoàn tử trận. Được tin chồng chết, bà cho lập đàn tế ngay tại bờ sông Thuý Ái, sau đó, bà nhảy xuống nước trẫm mình. Đến đầu triều Nguyễn, vua Gia Long xuống chiếu truy phong tiết phụ.
Tiết phụ Phan Thị Thuấn xuất thân từ dòng họ Phan rất nổi tiếng đương thời với nhiều danh sĩ, học giả như Phan Kính, Phan Huy Ôn, Phan Huy ích, Phan Huy Chú v.v... Họ Phan còn có một tài nữ cũng nổi tiếng đương thời nhưng gần đây chưa được giới thiệu.
Bà tên là Phan Thị Toán em ruột Thám hoa Phan Kính (1713-1761)(1). Bà là người tài sắc vẹn toàn và đoan trang mực thước, lúc nhỏ có theo đòi bút nghiên, nổi tiếng tài nữ. Vì thế mà chàng công tử con một phú thương, người Đông Hải, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghị Lộc, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Hữu Chỉnh(2) đã có lần vượt sông Lam, tìm đến ra mắt. Chỉnh đến chơi nhà, làm quen, hai người cùng dạo chơi trên bờ ao nhà họ Phan. Để thử tài công tử, lúc khoả chân xuống nước thấy nẩy ý hay nàng bèn ra một vế câu đố như sau:
Tẩy túc trì trung, dao động bán thiên Ngưu Đẩu,
Nghĩa là: Rửa chân trong ao, rung động nửa trời tinh tú. Chàng Chỉnh đớ người không đối ngay được! Mãi đến lúc vào nhà, chợt thấy bức bản đồ treo trên vách, mới đáp lại rằng:
Quải đồ bích thượng tận thu tứ hải sơn hà.
Nghĩa là: Bản đồ treo trên vách thu về cả bốn bể non sông. Tuy chậm nhưng vế đáp hay, phản ánh hoài bão trung bá đồ vương về sau của Bằng công Nguyễn Hữu Chỉnh.
Sau khi tiễn Chỉnh, bà họ Phan về quê ngoại tại thôn Mật Thiết, xã Nguyệt Ao gặp người cậu họ là Nguyễn Thiếp, tức La Sơn phu tử; Cô cháu thưa với cậu về chuyện đối đáp vừa qua. Cô cháu tỏ vẻ hết sức thích thú về câu đáp của nho sinh huyện Chân Phúc. Ông cậu gật gù khen hay vì ở đó bày tỏ được chí trượng phu nhưng ông thâm thúy lưu ý cô cháu: suy cho cùng bản đồ chỉ là một tờ giấy!
Vốn thông minh và mẫn tiệp, cô cháu tiếp nhận được ý tứ sâu xa của người cậu uyên bác và khả kính. Sau đó, cô đã tìm cách khước từ mối tình của Chỉnh. Không bao lâu Phan Thị Toán được triệu ra Thăng Long giữ chức Giáo thụ trong phủ chúa 16 năm. Lúc tuổi cao, bà về sống tại quê nhà cho đến lúc mất.
Cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh diễn biến đúng như khẩu khí của ông ta và dự báo của La sơn phu tử !
Còn bà tiết phụ – tài nữ họ Phan trong An ấp liệt nữ và trong gia phả họ Đinh Nho ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh là ai? Đó là câu chuyện khá dài xin được hầu chuyện vào dịp sau(3).
CHÚ THÍCH
(1) Phan Kính, đậu Thám hoa khoa 1743, nhậm chức Thừa chính sứ, đánh giặc ở Hưng Hóa, mất ở trong quân, được truy tặng Hình bộ Tả thị lang, tước Quỳ Dương bá.
(2) Nguyễn Hữu Chỉnh (?- 1787) đậu Hương cống nên thường gọi là Cống Chỉnh, tài kiêm văn võ, là chính khách vang bóng một thời, cuối cùng bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Nhậm giết tại Thăng Long năm 1787.
(3) Tài liệu do cụ Đinh Xuân Vịnh cung cấp, xin được bày tỏ lời cảm ơn./.