Người xứ Nghệ
Nguyễn Từ Chi-một nhân cách hai hình tượng
Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của nhà dân tộc học/nhân học Từ Chi, GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lại nhớ về vị học giả đáng kính này với niềm tiếc nuối khôn nguôi. Được nghe GS Dương kể một số câu chuyện về Từ Chi, chúng tôi có được cái nhìn đa dạng hơn về nhà Nhân học xuất sắc này, đồng thời cũng rút ra được những bài học quý báu cho chính công việc của mình: vấn đề đạo đức của những người làm nghiên cứu và bảo tồn di sản các nhà khoa học.
“Gần 25 năm may mắn được làm việc bên anh, tôi đã học được rất nhiều điều đáng quý. 15 năm sau ngày anh mất, tôi vẫn nghĩ nhiều về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của anh. Mỗi một suy nghĩ đều đưa tôi đến những nhận thức mới mẻ, hữu ích… Mỗi lần nhớ đến anh, tôi đều không khỏi ngậm ngùi cho anh và càng thêm kính phục anh - một học giả uyên bác, một nhân cách cao cả. Anh đã soi sáng cho tôi trên con đường khoa học”, GS.TS Phạm Đức Dương chia sẻ.
Từ Chi trong mắt anh bảo vệ và vị tổng thống
Trong cuộc sống đời thường, anh Từ (như chúng tôi vẫn quen gọi thân mật Nguyễn Từ Chi) quá đỗi giản dị. Anh giản dị đến mức khiến cho người khác nhìn nhầm về con người anh. Nhưng bên trong sự bình dị ấy thì sự uyên bác của anh lại làm cho cả nguyên thủ quốc gia cũng nể phục.
Nguyễn Từ Chi trò chuyện với đồng nghiệp bên lề cuộc hội thảo
Cuối những năm 1980, khi vào Tây Nguyên công tác, anh Từ ghé vào Đại học Đà Lạt thăm một người học trò tên là Bá, là cán bộ giảng dạy trong trường. Đến cổng trường, anh xin phép người bảo vệ cho vào. Người bảo vệ nhìn anh với ánh mắt nghi ngờ: một người ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm, mặc áo Mường, vai đeo cái túi nhỏ, không thể nghĩ đó là thầy giáo của một cán bộ giảng dạy đại học. Vậy nên nhất quyết không cho anh vào trường. Anh vẫn bình tĩnh trò chuyện với người bảo vệ mà không gay gắt gì cả. Thấy anh nói chuyện gần gũi, thân thiện nên người bảo vệ hỏi thăm và gọi điện cho học trò ra gặp anh Từ. Khi học trò của anh ra cung kính chào thầy thì người bảo vệ mới tin đó là một thầy giáo.
Ở một góc độ khác, anh Từ lại được nhiều nhà lãnh đạo và nhà khoa học nước ngoài nể phục. Khi Tổng thống Pháp Giắc Si rắc (Jacques Chirac), phát biểu tại Lễ khai trương Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông chỉ nhắc đến hai nhà khoa học Việt Nam mà ông quý trọng là Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Từ Chi.
Một nhà khoa học chính thống đi “ngoài lề xã hội”
Sinh thời, Từ Chi rất nhạy cảm với thời cuộc. Anh từng nói với tôi rằng: Không hiểu tại sao đất nước này lại hay e ngại, xét nét những nhà khoa học chính thống? Trần Đức Thảo là một nhà triết học chính thống, đã dành tâm huyết cả đời mình để bảo vệ chủ nghĩa Mác chân chính, nhưng lại bị phê phán. Nguyễn Khắc Viện là một trí thức yêu nước chính thống, yêu đến say mê, sẵn sàng vứt bỏ mọi nhu cầu cá nhân để phục vụ đất nước, nhưng gặp bao trắc trở. Khi dấn thân vào khoa học, anh Từ đã chọn cho mình một cách ứng xử rất khác biệt: Ứng xử “phi chính thống” (peu orthodoxe).
Nguyễn Từ Chi và các đồng nghiệp.
Từ trái qua phải: GS.TSKH Nguyễn Tài Cẩn,
PGS Nguyễn Từ Chi, Nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu
Khi anh Từ mất, một bạn thân của anh là học giả Phan Ngọc, đã viết một bài về Từ Chi và nói Từ là con người “ngoài lề”. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấy Phan Ngọc nói chính xác. Từ Chi là một con người chính thống (orthodoxe). Anh xuất thân trong một gia đình trí thức chính thống: Ông nội là Nguyễn Hiệt Chi, một trí thức tham gia phong trào Duy Tân. Cha là Nguyễn Kinh Chi, từng là Thứ trưởng Bộ Y tế trong Kháng chiến chống Pháp. Chú là Nguyễn Đổng Chi, cũng là một trí thức lớn. Bản thân Từ Chi được học tập cũng rất chính thống, bài bản và đến nơi đến chốn. Từ kết nạp Đảng cũng chính thống qua thành tích trên mặt trận và được kết nạp ngay trên mặt trận Quảng Ngãi… Tất cả các hoạt động mà anh tham gia, anh đã làm việc rất bài bản, chính thống và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vậy sao lại gọi anh là “ngoài lề”? Đó là một ứng xử mang đậm chất Từ Chi. Để được làm và làm được khoa học, Từ Chi đã phải tự biến mình thành con người phi chính thống hay như Phan Ngọc nói là “ngoài lề”. Khi anh về Viện Dân tộc học, anh chỉ nhận làm cán bộ tư liệu ở Viện. Anh dịch và giới thiệu một vài bài viết của một số học giả Pháp đang bị quy là có tư tưởng học thuật tư sản. Vậy nên anh lại càng “ngoài lề” hơn từ sau lần đó. Bởi anh hiểu, nếu muốn làm khoa học thật sự thì mình phải sống như người ngoài lề để không ai chú ý, không ai bắt bẻ thì mình mới có thể yên tâm mà làm khoa học.
Chúng tôi thường đùa rằng anh Từ rất giỏi giả vờ. Giỏi đến mức người ta tưởng thật. Anh luôn giấu mình đến mức tối đa để được làm khoa học. Đời thường, anh sống bình dị từ cách ăn mặc, đi lại đến nói năng. Anh thường đi một chiếc xe đạp cũ kỹ, cọc cạch mà chúng tôi vẫn nói vui là “chiếc xe của anh Từ cái gì cũng kêu trừ cái chuông”. Chính cách ứng xử “ngoài lề” của một con người rất chính thống khiến anh trở thành một học giả được nhiều người kính phục. Nhưng khi anh còn sống, chỉ các học trò, bạn bè đồng nghiệp của anh mới biết anh là ai. Và khi đó, anh không được đánh giá cao như từ sau ngày anh mất đến nay.
Một học trò của người dân và thầy giáo của các nhà khoa học
Trong một lần đi điền dã ở Huế cùng Từ Chi với Lê Văn Hảo là một tiến sĩ Dân tộc học, tôi có hỏi anh Từ là anh Hảo thì có thể làm Dân tộc học được không? Anh trả lời rằng không làm được. Tôi ngạc nhiên vì anh Hảo được đào tạo cơ bản về Dân tộc học. Anh Từ giải thích rằng: Anh Hảo không làm Dân tộc học được vì anh ấy quá thông minh. Nhiều khi, đi điền dã Dân tộc học thì mình phải ngu đi. Chúng ta phải coi như chưa biết gì về dân tộc mà mình nghiên cứu để hỏi được các thông tin cặn kẽ, cụ thể, chi tiết. Còn khi thông minh quá, mới hỏi mấy câu đã thấy mình biết hết rồi thì sẽ không thu thập được thông tin đầy đủ.
Anh Từ luôn nói với chúng tôi: “Dân tộc học là học dân”. Anh luôn đến với người dân với một sự khát khao học hỏi, xem người dân như những người thầy của mình và mình đến để học hỏi họ. Có lẽ vì vậy mà những ai được đi nghiên cứu điền dã với anh Từ đều tự nhận mình là một học trò của anh. Tôi cũng là một người có may mắn đó.
Mỗi lần đi nghiên cứu điền dã, anh Từ dạy chúng tôi rằng: Khi đi điền dã, để khai thác thông tin tốt, anh phải luôn nghĩ là chúng ta chỉ có một lần duy nhất để khai thác thông tin và không bao giờ trở lại. Như vậy thì chúng ta phải tìm mọi cách khai thác tối đa các thông tin cần thiết. Về mặt ứng xử thì ngược lại, chúng ta phải nghĩ rằng ngày mai mình sẽ quay lại đây, nên mình phải sống để được đồng bào chào đón, chia sẻ mọi thứ, coi như người trong nhà. Muốn vậy, phải có nhân cách, thành thật, quý trọng người dân và đặc biệt phải thực hiện đúng những gì mình hứa với đồng bào.
Một người biết rất nhiều nhưng viết ít
Có một lần GS Đặng Nghiêm Vạn nói với Từ Chi là có người đạo văn đã lấy ý của anh viết thành bài mà không đề tên anh. Anh Từ cười: Nó nghe rồi nhớ được và viết lại để cho người khác thì coi như là có ích lắm rồi. Mà đó cũng đâu phải của tôi đâu, tôi đọc trong sách và nói lại đấy chứ.
Từ Chi là một con người uyên bác. Kiến thức văn hóa đông tây của ông sâu rộng ít ai sánh được. Nhưng nhìn lại số công trình mà ông đã công bố thì cũng rất khiêm tốn. Theo thống kê trong cuốn “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” (Nxb Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 1996) thì Từ Chi là tác giả và đồng tác giả của 9 đầu sách và 31 bài viết trong và ngoài nước.
Quan điểm của Từ Chi khi viết các công trình nghiên cứu rất rõ ràng: Viết những cái gì của riêng mình, do mình tìm ra và cảm nhận trên thực địa chứ không viết lại ý của người khác. Anh luôn dựa vào những tư liệu trên thực địa để chứng minh những phát hiện của mình chứ không dựa vào những kết luận của người đi trước. Chính vì vậy, dù công trình của Từ Chi không nhiều, nhưng chất lượng cao và khó ai có thể vượt qua. Cũng vì điều đó, nên dù những cái anh Từ biết thì mênh mông nhưng số lượng công trình của Từ lại khiêm tốn, bởi anh không muốn tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.
Kết thúc buổi trò chuyện, GS Phạm Đức Dương kết luận: Người ta đã nói nhiều về Từ Chi. Và sẽ còn nói nhiều về anh trong mai sau. Bởi những câu chuyện của anh luôn là những bài học mới mẻ và quý báu cho nhiều thế hệ say mê khoa học. Anh đã rời cuộc sống này hơn 15 năm rồi nhưng hình ảnh của anh trong mỗi một người được may mắn tiếp xúc với anh vẫn còn như nguyên vẹn. Như PGS Phan Ngọc nói về anh:
“Bể học dẫu vô cùng, sự nghiệp ấy sẽ ghi cùng sông núi
Dòng đời tuy ngắn ngủi, nhân cách này vẫn sống giữa anh em”.
PGS Nguyễn Từ Chi sinh 1925 Đồng Hới, Quảng Bình.
Trước 1945: Học tập ở Huế.
1945: Đậu Tú tài toàn phần Ban Triết học văn chương.
1948-1953: Nhập ngũ, Chính trị viên Đại đội Trinh sát E80.
1953-1957: Biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam.
1957-1960: Sinh viên Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
1960-1961: Cán bộ nghiên cứu Viện Sử học.
1961-1963: Đi chuyên gia giáo dục ở Guinée.
1963-1966: Cán bộ Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ.
1966-1972: cán bộ Tổ Dân tộc học rồi Viện Dân tộc học, Ủy ban Khoa học Xã hội.
1972-1987: Cán bộ biên tập Tạp chí Văn hóa-Nghệ thuật.
1979-1980: Sang Pháp trình bày tại Đại học Sorbonne Paris về những kết quả nghiên cứu của mình về người Mường.
1987: Nghỉ hưu
1995: Mất tại Hà Nội.
|
Bùi Minh Hào (ghi)
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Thể loại phim
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528787
Hôm nay
2168
Hôm qua
2275
Tuần này
21060
Tháng này
215483
Tháng qua
0
Tất cả
114528787