Nguyễn Trường Tộ là người yêu nước nhiệt thành và sâu sắc. Trong tình thế khó khăn của một người đứng giữa hai thế lực nhưng ông luôn đặt mình trong trách nhiệm công dân với nước, đề cao lợi ích của đất nước và trăn trở lo toan về hiện tình đất nước. Ông đã nỗ lực tích lũy tri thức và kinh nghiệm để có một cách tư duy, tầm nhận thức mới về con đường yêu nước và cách thức giữ nước trong bối cảnh rối ren của đất nước. Các bản điều trần của ông đã thể hiện rõ ràng và sâu sắc tư duy khoa học thực tiễn và viễn kiến toàn diện, sâu sắc về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, Nguyễn Trường Tộ là hiện thân của khát vọng canh tân đất nước hồi giữa TK XIX. Ông muốn dân tộc được độc lập và đất nước phải có sự thay đổi tiến bộ theo xu thế của thời đại. Các đề nghị cải cách của ông không được nhà nước phong kiến đương thời chấp nhận nhưng đã có tác dụng nêu gương và cổ súy cho một lối tư duy mới dựa trên các tri thức khoa học về xây dựng và giữ gìn, quản lý đất nước. Ở Nguyễn Trường Tộ, tri thức khoa học và các giá trị văn hóa từ bên ngoài mà ông tiếp thu được đã được kết hợp hài hòa với tri thức, kinh nghiệm lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc, tạo nên những tri thức mới, nhận thức mới có khả năng đáp ứng ở một mức độ cao hơn các đòi hỏi của đất nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Trong bối cảnh xã hội đương thời, bên cạnh nguy cơ mất nước là những phức tạp về văn hóa và tôn giáo, Nguyễn Trường Tộ là một tấm gương sáng vừa Kính Chúa vừa Yêu Nước. Ở ông là một sự hài hoà tư cách/nhân cách công dân của Nước và tín đồ của Chúa. Phụng sự cho những quyền lợi của dân tộc là mục tiêu cao cả của cuộc đời ông.
Nguyễn Trường Tộ đã để lại cho hậu thế những bài học sâu sắc và dài lâu. Đó là bài học về lựa chọn lý tưởng. Ông hoàn thành bổn phận của một con chiên nhưng luôn tràn đầy tinh thần yêu nước, ôm ấp khát vọng canh tân đất nước, làm cho nước mạnh giàu để bảo vệ độc lập dân tộc.
Bài học thứ hai là phương pháp học tập và tư duy. Nguyễn Trường Tộ biết lựa chọn để học những cái mới, cái tiến bộ, cái phù hợp, cái thiết thực, cái có ích với nước, với dân. Ông không chỉ học lý thuyết mà học thực tiễn và thực hành vào thực tiễn. Các điều trần là sự vận dụng tri thức có được nhờ giao lưu, học tập với phương pháp đúng của ông.
Bài học thứ ba là kinh nghiệm xử thế về mối quan hệ giữa quyền lực và trí tuệ, người cầm quyền và trí thức. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trường Tộ đã chứng tỏ được mấu chốt của các mối quan hệ này là phải biết tôn trọng sự thật, tôn trọng thực chứng khoa học, các giá trị khách quan, tôn trọng nhân cách, trách nhiệm của nhau và tối thượng là phải biết cùng nhau tôn trọng và đề cao các giá trị và lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
Đó là những bài học sâu sắc, thiết thực, chưa bao giờ cũ mà chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.