Người xứ Nghệ

Phan Anh những ngày đầu cách mạng

Tôi - Vũ Đình Hoè được tin Phan Anh tham gia Chính phủ liên hiệp lâm thời, liền đến chơi nhà anh (74 phố Hàng Bạc), bắt tay anh thân thiết và nói:

- Tôi rất vui… Anh đã góp công không nhỏ vào việc chấm dứt đảng tranh tai hại, kéo dài mấy tháng nay, thành thực chúc mừng anh. Anh biết đấy, Trung ương Đảng Dân chủ thời gian qua cũng vất vả đủ chuyện với các ông tướng Tàu, tướng ta (Việt quốc, Việt cách). Rồi đây chắc đỡ!
- Để xem, chưa biết thế nào, chuyện đấu tranh đảng phái phức tạp lắm, ở đâu cũng thế, mình đã chứng kiến ở Pháp. À, nhân tiện hỏi anh: ở Bộ Giáo dục của anh, hình như cũng có chuyện nhóm sinh viên Q.Z (tức Quốc dân đảng) phá quấy phải không?
- Có đấy, nhưng nhẹ thôi. Họ đòi cho sinh viên quyền tham gia quản lý các trường đại học. Mình khuyên họ nên làm bản đề nghị chính thức với Chính phủ, Bộ sẽ xét khi xây dựng quy chế quản lý đại học.
Rồi chuyện chuyển sang hướng khác. Anh hỏi về tình hình các trường đại học, về hoạt động Bình dân học vụ: "Hoạt động mạnh lắm phải không, cậu là Phó Chủ tịch Hội truyền bá quốc ngữ xưa mà, cùng với Nguyễn Văn Huyên phải không?".
Chuyện lan man, anh hỏi tôi tại sao khi ở Huế ra Hà Nội, anh nghe tin tôi sẽ được giao Bộ Cứu tế, cụ Tố thì phụ trách Bộ Giáo dục thế mà "thế nào hai "cụ" lại hoán đổi vị trí cho nhau?". Tôi không trả lời, ngẫm nghĩ: "Mình cũng không biết tại sao. Hay là có liên quan gì gì đến một việc trước đây. Số là khi mình lên Tân Trào để dự Đại hội rút ngắn, giải tán sớm, anh Tống (tức anh Tô sau này) tiếp, có thì giờ tán gẫu. Mình rút trong bọc ra cuốn Những phương pháp giáo dục ở nước ta và vấn đề cải cách giáo dục của Thanh Nghị tùng thư mới ra lò. Mình trân trọng đưa biếu anh Tô. Anh vuốt ve cuốn sách:
- Ồ, quý quá! Tập hợp các bài đăng ở Thanh Nghị phải không? Nhiều ý kiến hay, tôi sẽ trình lên Cụ Hồ Chí Minh. Xin cảm ơn.
Nay, nhân câu hỏi của Phan Anh, tôi nghĩ bụng có lẽ nhờ cuốn sách nhỏ này mà tôi được sự tín nhiệm của Bác, khi Bác ở chiến khu về đến Hà Nội "chấm" người phụ trách Bộ Giáo dục, thế thì sung sướng biết bao!
Tôi hỏi Phan Anh tại sao không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng mà do Quốc hội bầu lên thì có phải là thuận hơn không? Anh đáp:
- Hồi đó, bác sĩ Trần Duy Hưng có đến vận động tôi cùng ra ứng cử tại Hà Nội. Tôi đã từ chối vì tự nhận thấy việc tôi ứng cử là chưa thật thuận. Tôi có nói với anh Hưng: "Tôi không nhận lời ra ứng cử nhưng tôi rất ủng hộ cuộc bầu cử này, rất cần đối nội cũng như đối ngoại". Thấy anh Trần Duy Hưng khẩn khoản mãi, tôi phải nói: "Về phần cá nhân tôi, thật là không có gì quan trọng, mà cái quan trọng là phong trào, làm sao để phong trào phát triển tốt hơn". Rồi tôi đùa với bác sĩ Hưng bằng câu ca dao: "Có cô thì chợ vẫn đông. Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui. Anh Hưng ạ, tôi không đi lấy chồng, tôi vẫn ở nhà, cho nên chợ vẫn vui, mà tôi cũng vẫn vui".
Nghe câu chuyện hóm hỉnh của Phan Anh, tôi thán phục anh: Anh vừa đùa mà lại vừa khéo biểu lộ được suy nghĩ thâm trầm, tinh thần trách nhiệm của một trí thức đối với thời cuộc. Hợp với đường lối chính trị của nhóm Thanh Nghị, dầu bây giờ không còn tạp chí Thanh Nghị nữa rồi. Mồm mép luật sư "bẻo lẻo" đấy!
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh báo tin cho đồng nghiệp cũ, luật sư Phan Anh rằng Hồ Chủ tịch sẽ gặp các nhân sĩ trí thức, trong đó có nhiều luật sư tại Bắc Bộ phủ. Phan kể lại với tôi rằng anh nghĩ có lẽ cũng như mọi người nghĩ: chắc đến để nghe lời chỉ bảo của Bác. Nhưng khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, thì Bác lại nói: "Tôi xin được nghe ý kiến của các vị". Phan Anh đã phát biểu, đại ý: Cách mạng nhờ đoàn kết mà thành công, giành được chính quyền. Nay, để bảo vệ chính quyền, xây dựng độc lập, chống âm mưu của những thế lực ngoại bang, thì điều chủ yếu là giữ vững đoàn kết và tăng cường đoàn kết. Cuối buổi họp, Hồ Chủ tịch tỏ lời tin tưởng ở lòng yêu nước của giới trí thức và động viên mọi người tham gia sự nghiệp cách mạng mới của đất nước.
Sau đó ít lâu, Bác giao cho Phan Anh nhiệm vụ thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia gồm hầu hết trí thức Hà Nội. Anh Bùi Công Trừng được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Phan Anh đã từng biết tiếng anh Trừng là một nhà cách mạng thuộc cánh tả, theo Bác Hồ từ tuổi thanh niên và đã học chính trị ở Liên Xô. Chính vì vậy khi chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, trong danh sách nhân sĩ Bắc, Nam được mời về Huế để tham khảo ý kiến lập chính phủ mới có tên anh Bùi Công Trừng. Hai anh tuy mới gặp nhau, nhưng đã thân nhau ngay. Tính giản dị và trung thực của anh Bùi Công Trừng đã gây ấn tượng với Phan Anh ngay từ buổi đầu đó. Công việc của Hội đồng chưa nhiều vì tình hình chính trị phức tạp, nên ai nấy nhất trí rằng: Nhiệm vụ trước tiên của Hội đồng là kiến thiết sự đoàn kết giới trí thức, nhằm vào mục đích thiêng liêng bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng các mối quan hệ giữa các thành phần trí thức khác nhau, để cùng nhau theo đuổi một con đường cứu nước. Về sinh hoạt tư tưởng lúc đó chưa đặt những vấn đề thuộc ý thức hệ.
Đối với những kẻ muốn chia rẽ để tranh phần ảnh hưởng chính trị thì vận động họ cùng phấn đấu giữ vững độc lập dân tộc và công nhận vai trò lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, tăng cường uy tín của Người trên trường quốc tế. Báo chí Pháp lúc bấy giờ đã phải thú nhận tinh hoa của giới trí thức Việt Nam đều đi theo Hồ Chí Minh khiến cho Pháp khó có thể thành lập được một bộ máy chính quyền thân Pháp có ảnh hưởng lớn.
Ngày 6 tháng giêng 1946, Việt Minh sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Lúc này đất nước còn nhiều phe phái phức tạp, hai người đứng đầu phe đối lập là Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh đến gặp Phan Anh tại nhà riêng để vận động anh tham gia danh sách ứng cử của phe họ. Phan trả lời, đại ý: Nhiệm vụ của mọi người Việt Nam yêu nước là phải giữ vững tinh thần đoàn kết dân tộc trong lúc này. Tình hình chính trị của đất nước lúc bấy giờ rất căng thẳng. Phe đối lập thân Tàu Tưởng dựa vào quan Tàu gây hấn. Phan Anh đáp: "Đây là một vấn đề quan trọng, ta phải tìm hiểu thêm. Áp lực của quân Tàu có thể là một nguyên nhân. Nếu đúng thế mà ta nhận thì ta có thể chống nổi áp lực đó không? Vấn đề của Việt Nam bây giờ là phải đoàn kết lại để chống thế lực bên ngoài. Cho nên tôi phải suy nghĩ trước khi trả lời".
Câu chuyện đó rơi tõm đi. Và Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh vẫn tồn tại.
Rồi có chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh dành 70 ghế đại biểu Quốc hội thay thế mấy thành viên chính phủ cho hai đảng đối lập. Họ nhận và đòi thêm rằng hai Bộ Quốc phòng và Nội vụ phải do những người trung lập nắm. Hồ Chủ tịch một mặt điện mời khẩn khoản cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận chức Bộ trưởng Nội vụ, mặt khác cho mời Phan Anh tới Bắc Bộ phủ giao phụ trách Bộ Quốc phòng. Với anh Phan đó là những ngày đầu đáng nhớ…


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528789

Hôm nay

2170

Hôm qua

2275

Tuần này

21062

Tháng này

215485

Tháng qua

0

Tất cả

114528789