Chừng ấy sản phẩm ra mắt gần đồng thời với nhau, làm cho cái tên Phan Thúc Trực đang từ một “ẩn số” bỗng hiện lên như một thách thức, làm cho giới khoa học không thể không bằng mọi cách, cố gắng nhận diện và kiếm tìm. Tôi cũng là một trong số đó. Ngoài hai bản dịch đã nói, tôi có tìm đọc cả Cẩm Đình thi văn toàn tập chữ Hán lưu trữ ở Thư viện Viện Hán Nôm(4). Tuy nhiên, thời gian quá gấp gáp chưa đủ chín cho những nhận định chặt chẽ và thật khoa học, nên dưới đây là mấy gợi ý bước đầu về đặc điểm chung của bút pháp hay cũng là bút lực Phan Thúc Trực, thông qua một vài lần đọc vào các thể loại thơ, văn và sử của ông, dù sao cũng còn quá vội vàng.
2. Trước hết cần nói ngay, phần “Cẩm Đình văn tập” là đối tượng chú ý của tôi trong cuốn sách Cẩm Đình thi văn toàn tập không khả quan như tôi mong mỏi. “Cẩm Đình văn tập” gồm 28 bài văn, trừ một bài cuối cùng biện bác về cái tên Lãng Bạc của Hồ Tây rất ngắn và không có gì đáng kể (Lãng Bạc biện), các bài còn lại đều là văn mừng người đỗ đạt, văn chúc thọ, văn phúng viếng các vị thân sĩ, văn dựng bia ở nhà thờ họ... phần lớn là viết hộ cho học trò, văn thân, các họ tộc lớn và hương hào hàng huyện hàng tỉnh dùng để đọc trong các loại lễ lạt hiếu hỷ có liên quan. Chắc rằng nếu soát xét cho kỹ, người biên soạn rồi đây cũng có thể trích lục một đôi bài nào đấy vào một bộ tuyển tập văn xuôi Phan Thúc Trực, nhưng mục tiêu khảo sát bút pháp văn xuôi Phan Thúc Trực thì không thể nào đặt trọng tâm vào đây, vì cũng như văn trường quy, ít khi chúng vượt khỏi các “khuôn phép” sáo ngữ. Tuy nhiên, tiếp sau “Cẩm Đình văn tập” trong Cẩm Đình thi văn toàn tập còn có một quyển thứ ba nhan đề “Kim thạch di văn tập”, gồm 52 bài, thu góp các thơ, văn nổi tiếng của nhiều nhà văn quá khứ khắc trên vách đá, trên chuông khánh, và các bài văn bia ở nhiều chùa chiền hang động... của nhiều nhân vật danh tiếng như Hồ Tông Thốc, Lê Thánh Tông (Thiên Nam động chủ), Vũ Quỳnh, Lê Hiến Tông (Thượng Dương động chủ), Trịnh Sâm (Nhật Nam động chủ/Nhật Nam nguyên chủ/Trịnh Tĩnh vương), Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Văn Giai, Ngô Thì Sĩ, Bùi Bật Trực, Lưu Công Đạo, Nguyễn Nghiễm... Ngoài ra còn có một bài tựa cuốn Quỳnh uyển cửu ca của Lê Thánh Tông và một bài văn ghi chép truyền thuyết về sự tích Nguyễn Văn Giai khá chi tiết, có đề rõ “sao chép ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ tư (1851)” nhưng không nói rõ nguyên tác của ai. Vấn đề là vì sao trong Cẩm Đình thi văn toàn tập là bộ sách lẽ ra chỉ gồm tác phẩm của Phan Thúc Trực lại có một “Kim thạch di văn tập” lọt vào? Lời ghi chú của con trai tác giả cho ta một giải đáp tương đối sáng rõ: “Xét tập này là của thân phụ soạn trong thời kỳ đi tìm sách, từng muốn bỏ thêm công sức tuyển chọn thật tinh và làm bài tựa phụ vào, chỉ tiếc sách chưa hoàn thành. Nay kính cẩn theo đúng bản thảo sao vào đây, dựa vào tên cũ đã đặt sẵn là Kim thạch di văn tập để gọi tên”(5). Thành thử, cố công đi tìm văn xuôi Phan Thúc Trực mà không toại nguyện, tôi lại bắt gặp một loại sản phẩm tinh thần khác không tách rời công lao của Phan Thúc Trực – là chứng tích những gì Phan Thúc Trực gặt hái được trong tư cách một nhà sưu tầm nghiên cứu cần mẫn, một bằng chứng cho thấy ông đã leo trèo không sót hang động núi non nào từ Nghệ An, Thanh Hóa cho đến Hưng Yên, Yên Quảng, Hải Dương...(6). Biết đâu trong số tác phẩm này có những bản gốc ngày nay không tài nào tìm lại được nữa thì đối với kho tàng văn hóa Việt Nam chúng là những văn liệu vô giá rất đáng bảo quản giữ gìn. Riêng bài văn chép sự tích quan Tể tướng Nguyễn Văn Giai có đề rõ ngày tháng, không có nhan đề, và chép tiếp liền sau bài văn bia Đan Nê thượng xã Đồng Cổ miếu bi minh tịnh ký của Nguyễn Văn Giai(7), theo tôi là một tác phẩm của chính Phan Thúc Trực chứ không hề sao chép của một người nào, ghi lại các truyền thuyết dân gian về Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai lưu truyền ở vùng núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, Thanh Hóa(8), là địa bàn từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa đội quân Lê-Mạc ở thế kỷ XVI-XVII, trong đó tướng công họ Nguyễn với vai trò chỉ huy đội quân nhà Lê trung hưng từng lập nhiều chiến công hiển hách; không những thế, ông còn có duyên nợ với đền Đồng Cổ từ thời còn trai trẻ khi ra Thanh Hóa đi thi, do nghèo túng đã ghé vào đền này kiếm phần xôi thịt người dân cúng ở đền để ăn trừ bữa, nhờ đó có mối quan hệ gắn bó với dân chúng trong vùng, rồi sau khi đã trở thành vị quan đầu triều nhà Lê trung hưng, oai danh lừng lẫy, nhiều giai thoại về ông được nhân dân ở đây nô nức truyền tụng. Bài văn chép truyện Nguyễn Văn Giai của Phan Thúc Trực là một tác phẩm xuất sắc, chứng tỏ trong khi đi làm nhiệm vụ tìm lại sách sử cũ theo lệnh Tự Đức, ông Học sĩ họ Phan đã không hề coi mình là người sao lục cổ văn một cách máy móc, mà còn có niềm hứng thú đi sâu tìm hiểu những câu chuyện truyền miệng dân gian ở những nơi mình đến sưu tập, cá biệt có được những sáng tạo thần tình.
3. Khởi đầu việc tìm hiểu bút pháp Phan Thúc Trực, theo tôi, cần vận dụng phương thức loại hình hóa để xét xem con người cầm bút Phan Thúc Trực là thuộc kiểu dạng tác giả nào. Như câu danh ngôn của Buffon (1707–1788): “Le style c’est l’homme”, phân loại càng chuẩn xác loại hình tác giả của Phan Thúc Trực thì sẽ càng tìm đúng chìa khóa then chốt để mở cánh cửa vào thế giới văn chương Phan Thúc Trực và từ đó tiến tới nắm chắc đặc điểm sở trường sở đoản của ngòi bút ông. Lược qua tiểu sử họ Phan, có thể quả quyết, ông là một học quan chứ không phải đường quan. Một con người xuất thân nhà nho nghèo gắng công theo đuổi đèn sách trong rất nhiều năm, trúng đến 10 khóa Tú tài(9), cuối cùng được đặc cách Cử nhân và đi thi Hội một lần đỗ ngay Thám hoa vào năm 1847, sau đó làm quan ở Tòa Nội các, rồi được thăng Thị giảng ở Viện Tập hiền, sung chức Kinh diên khởi cư chú, là chức năng một viên quan văn thư chuyên ghi chép nhật ký của nhà vua để lưu lại trong phả ký Hoàng gia cũng như cung cấp tư liệu cho Viện Quốc sử nhằm soạn sử biên niên về vị vua đương đại. Được cử đi chấm thi hai lần, một ở trường Thừa Thiên và một ở trường Hà Nội. Thế rồi đến tháng Mười năm 1851, được Tự Đức cử ra Bắc sưu tầm sách vở, khi quay về đến Thanh Hóa thì đột ngột qua đời vào năm 1852. Vậy là, cuộc đời làm quan của Phan Thúc Trực chỉ gói gọn trong vòng có 5 năm ngắn ngủi. Trước sau ông mới là một văn nhân học sĩ thuần túy, chứ chưa hề làm ông quan trực tiếp cai trị dân. Nghĩa là về kinh lịch, Phan Thúc Trực chưa phải là người dày dạn kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với dân chúng trong tư cách một ông quan cầm quyền, cũng chưa tự mình trải nghiệm mọi thực tế phức tạp trong việc ứng phó với những mâu thuẫn thường xuyên nảy ra giữa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước phong kiến. Ông gần gũi với kiểu trí thức như Phạm Quý Thích, Vũ Tông Phan, Phạm Đình Hổ mà rất khác biệt với kiểu trí thức dấn thân Nguyễn Công Trứ, Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền...
Nhìn ở khía cạnh cá tính mà nói, ta sẽ thấy thêm, Phan Thúc Trực là một nhà nho khiêm nhường, bền bỉ khổ học, nhưng coi việc học như một cái nghiệp, vì “mệnh trời” mà phải vâng theo chứ không ham hố, và không bao giờ dám đặt mình lên trên người khác. Nội một chuyện thi mười khoa khoa nào cũng chỉ đậu Tú tài, tuy có buồn, có thất vọng vẫn không hề kêu ca một tiếng, chỉ biết chăm chỉ học hành để thi lại, và theo gia đình cho biết thì khi đi tìm chỗ dạy học ở xã Nguyệt Viên, Thanh Hóa là một làng nổi tiếng khoa bảng, vì chỉ mới đối được một vế của câu đối do các nhà nho trong làng ra cho, ông đã thừa nhận học lực mình còn kém, chịu nộp phạt rồi trở về dùi mài học vấn cho uyên súc hơn(10), cũng đủ thấy ông là người tự nhiệm và thích thảng, hơn là chăm chăm đua đòi danh vọng, cũng là người rất biết người biết mình. Trước khi thi đỗ Thám hoa không thấy một lời nào tỏ ra ông hồi hộp mất ăn mất ngủ; sau khi đỗ rồi tuy có mừng vui thốt lên vài câu tự tin khi ngồi bên đình Hương Nguyện nhìn xuống dòng sông Hương (Bài Cập đệ hậu Thích Điện vãn quá Hương Nguyện đình tọa nguyệt lý thư), nhưng cũng không hề có cái giọng hả hê của kẻ nay đã xênh xang mũ áo, hoặc ngụ một chút gì tỏ sự tự đắc trước bạn đồng song. Rõ ràng ở cả hai tư cách, con người phận vị và con người cá nhân, Phan Thúc Trực thuộc một kiểu nhà nho chừng mực, đoan chính và cương trực, không bị bầm dập trước cuộc đời mà cũng chưa bị tha hóa vì địa vị của mình.
4. Khúc xạ qua thơ văn, một con người chủ yếu chỉ biết đắm mình trong văn chương sách vở và có cá tính điềm đạm như họ Phan thì văn chương như thế nào hẳn cũng hình dung được một phần. Lần lượt khảo sát mã ngôn từ quen thuộc của Phan càng rõ hơn, ngòi bút ông đậm sắc thái tao nhã, ít khi đẩy tới trạng thái cực đoan trong ý tưởng cũng như sắc sói trong dùng chữ đặt câu, cả trong kết cấu nghệ thuật. Mặt khác, cũng phải nói đó là thứ thơ văn bao quát một mảng vốn sống có giới hạn, không mở rộng đến những hiện thực gai góc mà mình tuy có nhìn thấy nhưng chưa hiểu đến gốc ngọn, hoặc cái hiện thực đôi khi phũ phàng mà chức trách kẻ chăn dân bắt mình phải trực tiếp đối diện. Thơ văn ấy hé lộ những góc nhìn cuộc đời dù sao vẫn mang màu sắc lý tưởng, chưa phải cái bộn bề những suy ngẫm của người đã va đập nhiều bởi sự từng trải, cũng như của một tâm thế lắm ngóc ngách, lắm chiều cạnh, cứ phải lật đi lật lại giữa cái nói ra và cái không nói ra. Nói cho khái quát hơn, thơ văn Phan Thúc Trực hầu hết là tiếng nói hồn hậu, chân thật, chân thật đến độ ít có bài thơ nào dùng điển cố hiểm hóc khiến lời thơ trở thành mòn sáo; ít có đoạn sử nào luận giải những chuyện đạo lý viển vông đi xa yêu cầu kể lại chuyện thực; nhưng bên cạnh đó lại cũng bộc lộ những tình cảm và suy tưởng có phần mộc mạc - là tiếng nói đơn thanh mà hiếm khi xen vào giọng điệu đa thanh. Lượng thông báo chủ yếu của thơ văn này được phóng chiếu từ một điểm nhìn không thiên về phơi bày tâm trạng xã hội mà thiên về trần thuật đối tượng khách quan, trong đó “cái tôi” của nhà thơ có tham dự một phần nhưng không bao giờ lấn át đối tượng, chỉ nương theo đối tượng mà điểm xuyết ít nhiều cảm hứng buồn vui của chủ thể tiếp nhận, để tạo ra mối liên thông giữa đối tượng với mình. Cả thơ văn và sử của Phan Thúc Trực, đều thống nhất với nhau ở đặc điểm cơ bản nói trên và chính nó làm nên mặt mạnh - tính chân thực lịch sử - cũng như mặt yếu - thiếu đột phá về tư tưởng - trong bút pháp của họ Phan.
5. Về thơ, có thể tạm chia thơ Phan Thúc Trực thành ba mảng: chùm thơ về gia cảnh, chùm thơ cảm tác trong quá trình đảm nhận việc quan và chùm thơ lữ hành. Ở bộ phận nào cũng thấy lộ ra một giọng thơ điềm đạm. Những uẩn khúc giằng mắc bên trong như một thông điệp tư tưởng thẩm mỹ nhằm gửi lại cho đương thời và hậu thế dường như không có hoặc nếu có chỉ là thấp thoáng (Bài Vũ trung độc chước). Người ta muốn biết trong suốt những tháng năm lẽo đẽo mang lều chiếu đi thi mà khoa nào cũng chỉ đỗ Tú tài, Phan Thúc Trực có gì buồn khổ, thất vọng, phản ứng với thực tại ra sao, nhiều lắm cũng là những ý tưởng thoáng qua, không đáng kể. Người ta cũng muốn biết, trong vòng mấy chục năm ròng rã ông đang bận rộn thi cử, ở toàn cõi Bắc Kỳ liên tiếp lụt hạn, mất mùa, giặc dã nổi lên như ong như Quốc sử di biên của ông ghi lại, thì xứ Nghệ lâm vào tình cảnh đói khổ đến đâu, và một trí thức như Phan Thúc Trực nghĩ gì về tình cảnh đó, thơ ông cũng khá kín đáo, tuy có vài lần nói đến bão lụt, đến phát chẩn cho dân chúng bị thiên tai... mà hình ảnh con người “chịu trận” trước lụt lội, mất mùa, lang thang cơ nhỡ... chỉ là dăm ba nét tỏ mờ. Họ ít khi đập vào mắt ông bằng những dáng nét cụ thể, trái lại thường thông qua những cảm nhận có phần trừu tượng mà đến với ông: “Tháng Tám mùa thu năm nay mưa gió lớn/ Khắp nơi dân tình quả đáng thương/ Dân cư xa gần đều không có ngày rảnh rỗi/ Từ phương Đông phương Tây kéo đến tìm cái ăn” (Triều đình khai trương cấp phát tai lê, nhân thư dĩ ký kỳ sự). Kiểu tác gia Phan Thúc Trực như đã lý giải đủ giải đáp cho ta hiện tượng có vẻ hơi kỳ quặc đó. Thật ra, không có gì đáng lạ cả. Đòi hỏi ở họ Phan một hồn thơ như Cao Bá Quát là điều không thể có. Với tâm hồn bao dung và nhân ái, và tư chất nhà nho chính danh nghiêm cẩn, ông là một mẫu người hoàn toàn đi đúng khuôn khổ. Ông là sản phẩm của triều đại Nguyễn và không có mối liên quan trực tiếp nào với các triều đại mà nhà Nguyễn đã lật đổ(11) nên ông chấp nhận nhà Nguyễn một cách thoải mái tự nguyện. Tâm thế của người thơ luôn song hành với các chặng đường tiến triển của thể chế nhà Nguyễn không cần phải làm dáng hoặc gắng gượng tự dối lòng. Nếu đó là nguyên nhân của những gì bất cập khi phải nâng tầm vóc mình lên để nhìn sâu vào phía bất hạnh của cuộc đời thì ở một tầm mức khác, nó lại là mặt ưu điểm tạo nên nét hồn hậu của thơ ông. Bởi vậy, trong thơ Phan, ấn tượng để lại rõ nhất không phải là cái gì mang sự suy nghiệm cao xa, lớn lao mà là những tình cảm tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng là cái nhỏ nhặt cần thiết mà cuộc sống thường tình mỗi người đều có. Thông qua con mắt nhìn tinh tế của tác giả, cái nhỏ nhặt không bị hạ thấp xuống thành cái tầm thường, nhiều trường hợp còn được chưng cất thành cái đẹp rất tự nhiên. Chúng được trình bày theo thủ pháp kể lể song lại cũng không dàn trải, điểm xuyết vào những nhận xét đôi khi đột xuất như những nét chấm phá thú vị, hình thành nên phong cách riêng của nhà thơ, quán xuyến hầu hết cả ba mảng thơ của Phan.
Nhiều bài thơ viết trên đường phiêu du, nhà thơ chỉ chọn lấy một chi tiết khá đắt của khung cảnh mà mình đang nếm trải, như cái cảnh con thuyền đi ngược nước và ngược ánh sáng mặt trời trên dòng sông chảy xiết, như đang treo lơ lửng vào bờ sông mà không di động (Chu trình khẩu hào) làm cho bài thơ vốn không có gì bỗng trở nên ý vị. Cũng một cảnh đi thuyền khác, chỉ thông qua tiếng cười nói ồn ào của hành khách trong lúc mình say rượu lơ mơ ngủ và một cánh chim lướt vào mây lúc trời vừa rạng sáng, nhà thơ đã phác lên hình ảnh quen thuộc của những con đò dọc ngày xưa trên sông nước Việt Nam:
Chu giang tiện đạo phó Hưng An (Yên),
Đa thiểu đồng chu tiếu ngữ gian.
Túy ngọa bất tri thiên dĩ hiểu,
Hoành không nhất điểu nhập vân đoan.
(Hưng Yên chu trình tức sự)
(Hưng Yên thuận nẻo trẩy thuyền sang,
Hành khách nói cười rộn khắp khoang.
Lăn lóc say nằm không biết sáng,
Lưng trời mây biếc, nhạn bay ngang) (12).
Trong chùm thơ công vụ của Phan, có những bài kể khung cảnh ban đêm trong trường thi, nhà thơ nói đến ánh trăng tãi xuống khắp sân trường và mùi hoa mai thoảng ngát, còn hoa hải đường thì vừa thức giấc, nhìn ra như đọng trắng sương. Đang im lìm bỗng nghe một tiếng oanh líu lo, thế là màn đêm bỗng tàn (Tửu bãi). Bài thơ chỉ kể những chi tiết có vẻ không đâu, thế mà cả bài hợp lại là một biểu tượng thời gian đang chuyển động, và chủ thể thẩm mỹ ẩn trong thơ là một nhân vật đón từng bước đi của thời gian không hề chợp mắt.
Song tựu trung, xét cả ba mảng thơ, trước sau, nổi trội nhất của thơ Phan Thúc Trực vẫn phải kể đến các bài thơ nhớ thương người vợ đã mất trong chùm thơ gia cảnh, tiết lộ từng bước cảm xúc nhớ thương của ông đối với vợ một cách đầy day dứt. Không có cái bồng bột trào dâng lai láng như Ngô Thì Sĩ trong Khuê ai lục, tuy thế ở đây lại có cảm giác vò võ của sự hiu quạnh không dứt đi được khi đột nhiên thiếu mất nhiều thói quen trong cuộc sống mà không sao tìm lại - và đấy mới là sự trần thuật rất thật của một tâm trạng hụt hẫng gói ghém trong đó cả một tình yêu sâu nặng: không còn được kẻ lông mày cho vợ, không được chia sẻ tâm tình cùng vợ, không được vợ quấn quýt trong chăn ấm, đỡ đần chăm sóc cho mình từ con cái đến miếng ăn, cho đến việc cấy hái, ruộng vườn... Bài Cảm biệt viết ba năm sau ngày vợ mất vẫn còn nguyên cảm giác trống trải như lúc vợ mới lìa đời, hội tụ được bút pháp kể lể rất đặc trưng của nhà thơ:
Bán lộ thành ly biệt,
Trung tình dục thoại nan.
Kỷ thời mi đối họa,
Tích nhật, kính đồng khan.
Nhất kỷ khâm trù mật,
Tam đông vũ tuyết hàn.
Cô phòng nhân độc túc,
Bất mị khởi trường than.
(Nửa đường thành ly biệt,
Tình khó nói nên lời.
Mấy bận, tô mắt vợ,
Thuở nào, chung gương soi.
Mười năm, chăn quấn quýt,
Ba tết, mưa lẻ loi.
Phòng vắng nằm trơ trọi,
Mắt chong, dậy bồi hồi)(13).
…………………………………
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp.
Chú thích
(1) Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên thuộc chính quyền VNCH xuất bản, Sài Gòn, 1973. Trong “Lời giới thiệu của người dịch”, nhà học giả Lê Xuân Giáo đã cung cấp nhiều tư liệu quý báu về tiểu sử Phan Thúc Trực mà chị Nguyễn Thị Oanh đã tiếp thu hầu hết, tiếc rằng lẽ ra chị nên đề rõ xuất xứ những chỗ mình kế thừa người đi trước. Ngoài ra, cũng cần nói kỹ hơn đến bản dịch Quốc sử di biên của Đỗ Mộng Khương do Hoa Bằng hiệu đính, Viện Sử học lưu trữ và cho ấn hành tại Nxb. Văn hóa thông tin năm 2009. Những gì kế thừa hay không chấp nhận được ở bản dịch này nên phân tích rõ.
(2) Nguyễn Thị Oanh - Nguyễn Thị Hường - Nguyễn Tô Lan dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
(3) Cẩm Đình thi tuyển tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011
(4) Ký hiệu A.1385.
(5) Nguyên văn:今按此集家嚴求書辰所撰。常欲祥加精選。序以附之。但未成本。今謹依草本抄入。因舊所名金石遺文集名之 (Kim án thử tậpgia nghiêm cầu thư thời sở soạn. Thường dục tường gia tinh thuyển, tự dĩ phụ chi. Đãn vị thành bản. Kim cẩn y thảo bản sao nhập, nhân cựu sở danh Kim thạch di văn tập danh yên).
(6) Qua nhiều phen đi thực địa của mình để sưu tập bộ Thơ văn Lý-Trần, chúng tôi phỏng đoán, rất có thể vì việc leo trèo và ghi chép rất khổ công của một vị quan văn nghiêm túc đã làm hao tổn sức khỏe của Phan Thúc Trực, dẫn tới cái chết đột ngột của ông.
(7) Nguyễn Văn Giai (1553-1628) người xã Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Xem thêm Nguyễn Huệ Chi. Tể tướng và nhà thơ Nguyễn Văn Giai (thử phân tích một hiện tượng tích hợp giữa folklore và văn học viết), Tạp chí Thời đại, USA, số 4 tháng 3-2005.
(8) Trong bài ghi chép về Nguyễn Văn Giai của Phan Thúc Trực có đầy đủ các giai thoại cũng được chép trong cuốn Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, và còn có thêm nhiều giai thoại khác lưu trong các bản gia phả cổ của họ Nguyễn Văn tại Ích Hậu. Xã Đan Nê thời Nguyễn thuộc huyện Yên Định, phủ Thiệu Yên, trấn Thanh Hoa.
(9) Hồng Liên Lê Xuân Giáo có nói rõ Phan Thúc Trực thi đậu 10 khoa Tú tài gồm 5 chính khoa về đời Minh Mạng, 3 chính khoa về đời Thiệu Trị và 2 ân khoa cũng về đời Thiệu Trị. Vì thế ông được người trong vùng gọi là ông Tú mười, sau này khi đỗ Thám hoa thì lại được gọi là ông Thám mười (bài giới thiệu đã dẫn, tr. VII). Nhưng theo anh Phan Thúc Hào, cháu chắt trực hệ của Phan Thúc Trực, thì trong bản gia phả họ Phan do con trai Phan Thúc Trực soạn, lại ghi ông chỉ đi thi 2 khoa và đỗ Tú tài hai khoa ấy thôi, về sau thì đi dạy học chứ không thi nữa. Còn sở dĩ người trong vùng gọi ông là ông Tú mười vì ông rất giỏi đánh bài mười. Hiện gia phả của dòng họ Phan Vân Tụ chưa được công bố nên còn cần tra cứu để tìm đúng sự thực. Xin nêu lên ở đây như một ý kiến tham khảo.
(10) Theo Nguyễn Thị Oanh trong chú thích 1 bài Hạc thành hiểu phát, phó Nguyệt Viên mộ túc lữ xá. Cẩm Đình thi tuyển tập, Sđd; tr. 346.
(11) Các vị tổ của họ Phan có đến 3 đời đậu Hương cống và làm quan dưới triều Lê nhưng đến đời thân phụ Phan Thúc Trực thì vì chán cảnh nhà Lê suy vong nên không đi thi, chỉ ở nhà dạy học. Theo Lê Xuân Giáo trong “Lời giới thiệu của người dịch”, đã dẫn.
(12) (13) Đều do chúng tôi dịch.