Người xứ Nghệ

"Lời thề độc lập" của thủ lĩnh thanh niên - luật sư Phan Anh

Ngày 9 - 3 - 1945, quân đội Nhật Bản làm cuộc đảo chính giành quyền của Pháp ở Việt Nam, rồi tuyên bố trao trả độc lập cho vua Bảo Đại! Nhà vua đã mời một số nhân sĩ trí thức đến Huế để thăm dò thời cuộc… Hơn một tháng sau, ngày 17 - 4 - 1945, phát xít Nhật dựng lên một chính phủ thân Nhật, thường gọi là chính phủ Trần Trọng Kim, vì ông là người đứng đầu nội các. Chính phủ chỉ tồn tại được khoảng 4 tháng, thành phần hầu hết là trí thức, đa số muốn nhân tình hình này tìm cách thoát khỏi vòng nô lệ. Chính phủ gồm có 10 bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Kinh tế, Giáo dục - Mỹ thuật, Y tế - Cứu tế, Giao thông - Công chính, Tiếp tế và Thanh niên. Trong số 10 bộ trên thì đã có 9 bộ từng được thực dân Pháp xây dựng, thành lập các tổ chức cơ sở, có hệ thống đào tạo và quản lý từ Bắc vào Nam.

Riêng Bộ Thanh niên thì hầu như không có hệ thống tổ chức cơ sở nào cả. Đây là cái khó khăn ban đầu của luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên hồi bấy giờ. Ông Phan Anh là một trí thức có tên tuổi, không làm việc cho chính quyền Pháp, hoạt động trong nhóm Thanh Nghị và là cây bút chủ lực của nhóm, chuyên viết các bài bày tỏ ý kiến của mình trước thời cuộc, nên đã bắt liên lạc với những trí thức ở các miền có tinh thần yêu nước để phối hợp, cùng xây dựng lực lượng thanh niên, hướng họ vào mục đích vì Tổ quốc và xã hội. Từ một mục đích chung chung đó, ở Nam Bộ đã xuất hiện phong trào "Thanh Niên tiền phong"do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh…
Theo hồi ức của ông Huỳnh Văn Tiểng thì lực lượng Thanh niên tiền phong ở Sài Gòn - Gia Định có hai lần "tuyên thệ". Lần thứ nhất vào đầu tháng 7 - 1945, có trên 20.000 thanh niên tham dự tại vườn hoa Ông Thượng (vườn hoa Tao Đàn ngày nay); lần thứ hai cũng tại địa điểm trên, có khoảng 5 vạn người tham dự.
Hồi đó báo Điện tín số ra ngày 3-7-1945 đã đưa tin buổi "tuyên thệ" lần đầu như sau: Diễn giả Phạm Ngọc Thạch hùng hồn kêu gọi:…"Anh em hãy nhớ đến các chiến sĩ cách mạng trong mấy chục năm vừa qua. Đừng quên những nhà cách mạng ấy, từ Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập đều là mấy nhà thanh niên đã hiến cho Tổ quốc một tinh thần cứng cỏi đấu tranh. Ta nên cúi đầu trước bóng người xưa mà nhận lãnh từ nay một sứ mạng chiến đấu để khói thẹn với non sông, để giải phóng dân tộc ta, để chống lại hết thảy các đế quốc thực dân mà kiến thiết nền độc lập của nước Việt Nam."
Vừa dứt lời kêu gọi hào hùng trên, diễn giả liền hô to lời tuyên thệ:
- Trung thành với Tổ quốc! Xin thề!
- Trung thành với nhân dân! Xin thề!
- Giữ gìn phẩm chất cao đẹp! Xin thề!
Sau lời tuyên thệ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước liền đứng lên chỉ huy hát bài "Tiếng gọi thanh niên" bằng lời mới: "Nào thanh niên ơi, đứng lên dưới cờ giải phóng" thay cho câu "đứng lên đáp lời sông núi"…
ở miền Trung, ngoài lực lượng Thanh niên Tiền tuyến với một ngôi trường lịch sử "xanh vỏ đỏ lòng" gồm 47 người (kể cả cán bộ khung), còn có lực lượng thanh niên khác có mặt rộng khắp ở các tỉnh, huyện gọi là Thanh niên xã hội. Đặc điểm của phong trào thanh niên này là không có tôn chỉ, điều lệ…mà chỉ nêu một mục đích chung chung là: Vận động thanh niên làm công tác xã hội với tinh thần yêu nước như: cứu đói, chôn cất người chết đói, cứu thương người bị nạn do Mỹ thả bom, truyền bá chữ quốc ngữ…
Những nhân sĩ trí thức yêu nước tham gia nội các chính phủ Trần Trọng Kim như: Vũ Văn Hiền, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Hồ Tá Khanh, Hoàng Xuân Hãn…cùng ngầm hiểu ý tưởng của Phan Anh, từ đó lan ra đến một số trí thức khác ở các miền Bắc, Trung, Nam dẫn đến sự thành lập "Hội đồng Thanh niên"gồm có các vị: Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Vũ Văn Cẩn, Nguỵ Như Kon Tum. Sau đó, luật sư Phan Anh đã mời ông Tạ Quang Bửu làm "cố vấn đặc vụ uỷ viên" Bộ Thanh niên, mời kỹ sư nông nghiệp Lê Duy Thước(1) làm chánh văn phòng Bộ. Hai vị này với danh nghĩa trên, đã trở thành "linh hồn" của Bộ Thanh niên lúc bấy giờ. Hai ông làm việc ở hai phòng. Phòng ông Thước rộng rãi, thoáng đãng ở ngay ngôi nhà chính diện, còn ông Bửu thì làm việc ở một phòng nhỏ khiêm tốn phía bên phải. Hàng ngày ông Lê Duy Thước thường hội ý với ông Tạ Quang Bửu các công việc. Theo hồi ức của ông Lê Duy Thước, sự ra đời Trường Thanh niên Tiền tuyến là do ông Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu bàn bạc thống nhất chủ trương từ cuối tháng 5 - 1945, rồi giao cho ông Thước thảo văn bản thông báo chiêu sinh. Ngay cả việc cử người làm hiệu trưởng trường là ông Phan Tử Lăng, một sĩ quan do Pháp đào tạo, hiện đang chỉ huy lực lượng lính bảo an cũng do hai ông trao đổi, mời tham gia…
Sự ra đời của trường này rất phù hợp với nghị quyết của Đảng bộ (Việt Minh) Thừa Thiên - Huế họp mở rộng ngày 23 - 5 - 1945 ở đầm Cầu Hai, chỉ sau một tháng hầu như toàn Trường Thanh niên Tiền tuyến đã được "Việt Minh hóa''.
Cũng theo hồi ức của ông Lê Duy Thước thì ông đã được ông Tạ Quang Bửu trực tiếp giao nhiệm vụ tìm chọn trong các huynh trưởng Hướng đạo ai có tinh thần yêu nước, có đạo đức, được tín nhiệm ở các tỉnh lập thành văn bản, ghi rõ danh sách, trình Bộ trưởng Thanh niên ra quyết định bổ nhiệm làm thủ lĩnh thanh niên ở các miền, các tỉnh. Quyết định bổ nhiệm thủ lĩnh và các văn bản hướng dẫn gửi đi, một thời gian sau, các Sở (ở miền), các Ty Thanh niên - Thể dục - Thể thao (ở tỉnh) một số nơi đã gửi báo cáo lên Bộ Thanh niên, ngoài số lượng ra, họ có hỏi đến phương thức hoạt động…Một cuộc họp các thủ lĩnh thanh niên được đặt ra. Vào một ngày đầu tháng 7 - 1945, "đại hội" thủ lĩnh thanh niên đã được khai mạc ở Huế. Theo hồi ức của ông Lê Duy Thước thì thủ lĩnh thanh niên ở Bắc Kỳ là ông Hoàng Đạo Thuý, ở Trung Kỳ là ông Tạ Quang Bửu, còn ở Nam Bộ là ông Phạm Ngọc Thạch, hai vị thủ lĩnh Bắc - Nam không về dự "đại hội", còn lại hầu hết là các tỉnh miền Trung và một số tỉnh ở miền Bắc, những thủ lĩnh này đều đã được "Việt Minh hoá". Có người còn nhớ hồi đó thủ lĩnh thanh niên tỉnh Hà Tĩnh là anh Nguyễn Đổng Chi; ở tỉnh Nghệ An là anh Phan Đăng Tài đã vào Huế dự "đại hội''. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì hầu như các thủ lĩnh "thanh niên xã hội" bấy giờ không phải là những thành phần tự do không thuộc một tổ chức nào, mà họ đã từng đứng trong tổ chức thanh niên dân chủ của Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) hoặc trong Mặt trận Việt Minh (1941 - 1945). Ngoài ra còn có những thành viên của Tổng hội sinh viên yêu nước như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Đặng Văn Việt, Tôn Thất Hoàng…từng hoạt động xã hội về công tác cứu đói, cứu thương, truyền bá quốc ngữ, chôn cất người chết đói… ở Hà Nội; sau ngày Nhật đảo chính Pháp họ mới về Sài Gòn hoặc Huế…"Đại hội thủ lĩnh thanh niên Phan Anh" nhằm thống nhất mục đích, khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên chờ thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo ông Lê Duy Thước thông qua các tráng sinh đoàn hướng đạo và các thầy giáo: Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hữu Ngọc, Hoài Thanh, Nguyễn Lân, Lê Xuân Phương, Cao Xuân Huy, Cao Văn Khánh, Đào Đăng Vỹ…để huy động các học sinh trung học ở các trường Thiên Hựu (Providence). Thuận Hóa, Phú Xuân, Việt Anh, Pellerin, Hồ Đắc Hàm, Khải Định, Hồng Đức…đến "chào mừng kết quả của đại hội" và nghe thủ lĩnh Phan Anh diễn thuyết tại sân vận động Olympic Huế vào một buổi chiều chủ nhật. Diễn giả luật sư Phan Anh, "cụ Thượng" Bộ Thanh niên mặc quần soóc lên đăng đàn diễn thuyết. Luật sư nói giọng Hà Nội, vừa ấm, vừa vang, lời lẽ khúc chiết, rõ ràng và rất hùng hồn. Là một luật sư nên ông có tài hùng biện xung quanh chủ đề yêu nước. Sau khi cảm thấy những lời nói của mình đã "đốt cháy" tim gan của các thủ lĩnh và hàng ngàn học sinh, ông cất cao giọng: "Trên có trời, dưới có đất, giữa có chư vị thần linh, chúng ta hứa không để kinh đô Huế thất thủ lần thứ hai! Xin thề!".Câu này về sau có người gọi đó là "lời thề độc lập". Cái hay của câu này là vừa có yếu tố văn hóa tâm linh xứ Huế, lại vừa có tính chất lịch sử; ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm, đồng bào Huế có tục cúng các cô hồn chết trong ngày thất thủ kinh đô năm ất Dậu (1885) đã đến gần. Một lời thề ngầm động viên tinh thần yêu nước giành quyền độc lập tự do của lực lượng thanh niên hồi bấy giờ. Cụ Nguyễn Hữu Cự, người Nghệ - Tĩnh, một nhân chứng, nguyên là học sinh bậc tú tài trường Khải Định (nay là Quốc học Huế) năm nay đã bước sang tuổi 86, gửi thư cho chúng tôi, viết: "65 năm sau, giờ tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai Lời thề độc lập ấy".
Trong và sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng "thanh niên Phan Anh" đã tham gia bảo vệ các cuộc tuần hành, các cuộc biểu tình khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. ở Huế, toàn thể anh em "Thanh niên Tiền tuyến " đã trở thành lực lượng nòng cốt cho giai đoạn Nam Bộ kháng chiến và toàn quốc kháng chiến. ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), sợ lỡ thời cơ, hơn 20 thanh niên cùng quần chúng nhân dân, chiều ngày 16 - 8 - 1945, đã xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc tri huyện Đặng Văn Doãn phải nộp ấn tín, sổ sách, tuân theo những yêu cầu của thanh niên nêu ra. Sau đó số thanh niên này kéo đến đồn lính bảo an tước vũ khí, gặp ban lãnh đạo Việt Minh huyện đề nghị lập chính quyền cách mạng (theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc, trang 82, 83). Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế (NXB Chính trị quốc gia, 1995, tập I, trang 179) ghi: "Học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến một số là cơ sở Việt Minh…lực lượng bảo an binh và nhiều anh em học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến dưới quyền chỉ huy của anh Phan Tử Lăng cũng đã đứng về phía cách mạng"...
Một khoảnh khắc lịch sử có 4 tháng của chính phủ Trần Trọng Kim, trong đó có Bộ Thanh niên, ngày nay không mấy ai nhắc lại. Vì sao? Vì chính phủ này là "chính phủ thân Nhật!" Hiện nay lịch sử Đảng bộ các cấp ít nhiều đã ghi nhận công lao của lực lượng Thanh niên xã hội - Thanh niên tiền phong - Thanh niên Tiền tuyến.
Sau Cách mạng Tháng Tám, luật sư Phan Anh được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tạ Quang Bửu nhận chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Tạ Quang Bửu vẫn giữ chức Thứ trưởng, còn ông Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế. ít lâu sau, vì tình hình ngoại giao, đồng chí Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức Bộ trưởng, giao nhiệm vụ này cho ông Tạ Quang Bửu. Vì vậy có người nói nước ta có hai vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "xuất thân" từ ngôi trường Thanh niên Tiền tuyến Huế. Ngày nay ngôi trường này là trụ sở của Công ty Công viên cây xanh Huế vừa mới được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (tháng 12 - 2010). Trước mắt, ở đây nên có tấm biển để lưu niệm một thời trai trẻ của 8 vị tướng và hơn 10 người là đại tá hoặc là phó giáo sư và giáo sư (chưa kể có 5 người là liệt sĩ)…ở Sài Gòn - Gia Định trong số hàng vạn thanh niên tiền phong có bao nhiêu người theo Đảng Cộng sản chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn như Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, và các Bộ trưởng như Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Lưu Hữu Phước hay như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mai Văn Bộ…; gần 100 cảnh sát được chọn lọc từ thanh niên tiền phong được đưa đi đào tạo trong một tháng, về sau có bao nhiêu người đi theo kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hiện ai còn, ai mất… cũng rất ít thấy ai khơi dậy vài dòng ký ức những hoạt động hăng say thời thanh niên của họ mà hôm nay hầu hết đã ra đi về thế giới bên kia. Bụi thời gian đã lấp đi một khoảng trống trong lịch sử. Thật tiếc lắm thay!


(1) Sau này là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Hiu trưởng Trường Đại hc Nông nghip I Hà Ni, là mt huynh trưởng Hướng đạo nhng năm 1940 - 1945.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528792

Hôm nay

2173

Hôm qua

2275

Tuần này

21065

Tháng này

215488

Tháng qua

0

Tất cả

114528792