Người xứ Nghệ
Nhật ký hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 1]
…10/4
Đương họp Hội nghị thuế xuất nhập khẩu thì nhận được thư hoả tốc ở cơ quan gửi đến. Bóc xem thì có điện của Phan Mỹ (trong văn phòng của Bác) gọi về cơ quan, để "cấp trên" giao công tác.
14/4
Gặp Phan Mỹ và lên đường đi Genève cùng với hai người nữa bằng ô tô.
15/4/54
Từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn.
- "2 giờ đêm tới Bắc Sơn: trái phá địch vẫn bắn đều vào quãng đường này, 15 phút một quả. Anh lái xe rụt rè, nhưng mình quyết tâm vượt. Lúc ấy 3 giờ, thấy bên kia đèo cũng có một đoàn xe sang. Việc này làm cho anh cầm lái mạnh dạn hơn. 4 giờ xe bắt đầu vượt chỗ nguy hiểm: giữa một luồng khói, bụi mù mịt do một trái pháo vừa nổ tung ngay bên đường. Thấy khói bụi, lại có mùi thuốc súng, anh tài xế hơi hoảng hốt, sợ trái pháo sau tiếp luôn nên mở ga thật nhanh. Mình bảo anh lái nên đi thong thả. Mình không lo quả trái phá mới, nhưng chỉ lo anh loạng choạng không tránh kịp những hố bom bên đường, đưa xe xuống hố thì mới là nguy. Xe chạy qua chỗ nguy hiểm hết sức, chừng 10 phút. Chạy thêm một quãng đường, dừng lại, để anh công binh (anh này nhân có xe mình sang, theo sang đèo và cũng để dẫn đường cho xe) xuống. Bắt tay anh công binh. Gửi lời khen đoàn công binh sửa đường này. Anh công binh thích lắm. Nhưng, anh em không phải đợi sự cảm ơn, sự khen ngợi này mới thích, mới vui. Khi xe mình đến chỗ đường bị bắn phá và khi đoàn xe bên kia vừa sang, anh em đã nhảy lên reo: "Thế chứ lại!". "Anh em mình gia công chữa cho kịp, cho tối hôm nay xe đi được, thì y như rằng, xe đến!". "Các anh ạ, các anh cứ điđi. Đường chữa vừa xong, đi được đấy. Nó bắn mặc kệ nó. Nắm quy luật hoạt động của bọn chúng, cứ rình cho nó bắn một quả, nhẩy ngay lên xe, rồi vượt đèo. Đi đi các anh, vui quá". Anh em vui như thế, hăng như thế, thì làm gì mà không được. Thằng Tây có biết không? Có biết tinh thần thanh niên Việt Nam không? Mày bắn, mày phá, bắn vào bờ tường, phá vào lỗ hổng. Mày phá thế nào nổi chí quật cường, lòng hăng hái của mấy đồng chí thanh niên đêm ngày bảo vệ đường. Mày càng bắn, càng phá, chúng ta càng hăng hái phục vụ. Mày có biết không? Anh công binh thì hăng hái sửa đường. Anh cán bộ đi xe công tác càng hăng vượt mọi khó khăn, không sờn lòng trước gian nguy! Vượt qua chỗ nguy hiểm, bọn mình mừng lắm. Mừng, đi đúng hành trình đã dự định. Chính vì quyết tâm mà mình đã tranh thủ được thời gian. Nếu không quyết tâm thì đã quay xe đi con đường số 3, mà mất thêm ba ngày. Anh lái xe lúc này cũng sung sướng. Anh hơi ngượng về sự rụt rè của anh lúc tới quãng đường nguy hiểm. Nhưng, anh chỉ hơi rụt rè thôi. Trước sự quyết tâm của ba anh em mình, trước sự phấn khởi của mấy anh công binh, anh đã sốt sắng thi hành ý kiến của đa số và đã mạnh dạn đạp ga!Nay được việc, anh cũng rất hể hả. Quãng đường này lại tốt, trăng lại tỏ, xe chạy càng nhanh."
6 giờ sáng đến Ba Làng. Nghỉ ở đây cả ngày.
7 giờ chiều lên xe.
10 giờ đêm đến Kỳ Lừa, ghé thăm chợ.
11 giờ đêm đến Nam Quan.
"Lần đầu tiên mình xuất biên Việt - Hoa.
Xuất biên, qua một cửa ải lịch sử.
Xuất biên với một nhiệm vụ nặng nề.
Xuất biên giữa một phong cảnh tươi vui, hùng tráng, núi khe trùng điệp, trăng sáng như ban ngày, xe bon bon chạy trên đèo Sen Hồ, trên đèo Nam Quan. Tinh thần của mọi người đều sáng như bầu trời xuân lồng lộng ánh trăng. Cảnh nên thơ mà lại nghĩ đến người biết thưởng thức thơ, mình nảy ra mấy câu. Đến Bằng Tường viết gởi về cho nhà:
Trăng xuân
"Trăng xuân đẹp, trăng xuân trong,
Trăng xuân đưa khách, ruổi dong đường dài.
Núi khe hớn hở vui tươi,
Tiễn mừng lữ khách gửi lời nước non.
Gương trăng soi tỏ lòng son,
Ngày về thắng lợi, trăng tròn với xuân."
…12 giờ đêm đến Bằng Tường.
7 giờ sáng ngày 16/4, lên tàu hoả đi Nam Ninh.
19 giờ đến Nam Ninh.
Đồng chí V, ra đón. Mình cảm ơn đồng chí và gửi lời cảm ơn các đồng chí ở Bằng Tường. Lên ô tô, vì chưa tiện nói đến việc hành trình, mình nhắc lại chuyện Thao trước kia sang đã được đồng chí V và V phu nhân tiếp đãi chu đáo. Đồng chí V hỏi thăm về bệnh trạng của Thao(1). Mình kể lại những ngày cuối cùng của Thao và sự cảm kích của Thao, của mình đối với sự săn sóc ân cần của các đồng chí bạn".
21 giờ, đồng chí V đưa ra ga Nam Kinh đi Bắc Kinh.
Ở trên tàu hai ngày, sinh hoạt rất thoải mái. Toa tàu rất sạch sẽ. Sự săn sóc của người phục vụ trên tàu rất chu đáo. Không những đối với mình, mà còn cả đối với bất cứ hành khách nào. Tinh thần, tác phong phục vụ của mọi người làm việc trên tàu thật là đáng khâm phục. Không khí dân chủ trên tàu cũng rất rõ rệt: có một sự thân mật, một tình cảm hồn nhiên giữa mọi người".
18 giờ ngày 18/4 tới V.X
"Đồng chí phụ trách ngoại sự xứ V.X ra đón ở ga. Cùng đi với đồng chí có đồng chí tham mưu không quân. Đến đây, thì mới biết Bắc Kinh được tin mình đến Nam Ninh đã cho máy bay đi đón. Nhưng, khi máy bay đến thì mình đã lên tàu hoả rồi. Đồng chí tham mưu lệnh cho máy bay trở về V.X đợi. Mình rất mừng, nhưng cũng hơi lo. Lo rằng: sở dĩ Bắc Kinh phải cho máy bay đi đón nghĩa là cần kíp. Nhưng không ăn khớp, nên chậm một ngày. Có ảnh hưởng gì không? Mình nghỉ đêm ở một khu ngoại ô. Đồng chí Trần phụ trách ngoại sự xứ giới thiệu: đó là một nơi phong cảnh rất đẹp. Đến nơi, trời đã tối. Ăn cơm xong, cắt tóc, rồi viết thư... Đêm mình nằm trong nhà, ngoài trời gió thổi từng trận, tiếng ào ào. Mình và anh em đều lo thời tiết xấu, máy bay không đi được".
19/4/1954
"Sớm dậy, thấy trời mưa, càng lo. Nhưng khi gặp đồng chí Trần thì biết là không sao. Đồng chí Mã, tham mưu không quân cùng đi với mình. Máy bay cất cánh lượn rất êm. Mình hồi tưởng lại lần đầu tiên mình lên máy bay: ngày 31/5/1946, sang đàm phán ở Fontainebleau. Mình so sánh hai cảm giác: lần này có một cảm xúc mới. Khi máy bay cất cánh lên, mình cảm thấy như một lực mạnh vô cùng của nhân dân, nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, nhân dân các nước bạn ủng hộ, sức mạnh vĩ đại ấy đương đẩy cánh bay lên, bay lên cao, bay một cách vững vàng mạnh mẽ. Mình cảm thấy mình, phi cơ, đồng chí tham mưu và các đồng chí hoa tiêu là một. Khác hẳn với lần trước. Nhất là sự săn sóc đầy nhiệt tình của đồng chí hoa tiêu, một thanh niên tươi vui, làm cho mình cảm thấy sự quan hệ sâu sắc mật thiết giữa nhân dân hai nước. Lúc máy bay sắp tới nơi, đồng chí đưa một tờ giấy để ghi cảm tưởng và ý kiến, mình ghi mấy câu (8 câu bằng chữ Hán, chưa dịch). Vừa viết xong, thì anh Hoan lên máy bay đón. Bắt tay nhau, đưa nhau xuống chào các đồng chí bạn ra đón: đồng chí B.T, B.L.L, các đồng chí B.Ng. B...Ngồi trên xe về nơi nghỉ, anh Hoan cho biết anh Tô đã đi từ ngày 17, mình sẽ đi cùng với anh Hoan và một số anh em khác vào khoảng 22/4. Thế là yên chí không chậm".
20/4/1954
"Nghỉ ngơi, xem tài liệu biết thêm mấy tin mới. Tin trong nước: quân ta mở đợt tấn công lần thứ ba (ngày 17) vào phía tây Điện Biên Phủ, chiếm được khu Bắc sân bay. Tin quốc tế: kế hoạch của Dulles thành lập Hiệp ước Thái Bình Dương. Tin này, các báo bàn luận nhiều. Mình nhận thấy: Một là Mỹ bị động trên trường ngoại giao, sự bị động ấy biểu lộ rõ rệt trong hội nghị Berlin. Mỹ muốn vớt vát, muốn cố xoay lại, giành chủ động trước khi bước vào Hội nghị Genève. Do đó, mà có bài diễn văn ngày 28/3 của Dulles. Nhưng, phản ứng của các nước đồng minh và phản ứng của nhân dân Mỹ làm cho bọn cầm quyền Mỹ lúng túng. Hàng ngũ đồng minh chia rẽ. Dulees vội vàng sang Anh và Pháp (l3,14/4). Kết quả là phải nhượng bộ Anh, xếp kế hoạch "thống nhất hoạt động" thay vào đó "thống nhất ý chí!". Ý chí gì? Lập Hiệp ước phòng thủ Thái Bình Dương. Nhưng, nội dung thế nào? Rất lờ mờ, chưa đâu vào đâu cả. Mà trong vấn đề này, Mỹ còn lỗ với Anh: Trước kia, Mỹ không chịu cho Anh tham dự Hiệp ước Anzus; Bây giờ, lại phải mở cho cả Anh, Pháp vào. Thế là tranh thủ chủ động, mà hoá ra càng thêm bị động.".
Nhân đây, cũng muốn xác nhận một tin tức, đó là việc báo chí sau này cho rằng: "Tổng thống Eisenhower đã quyết định không can thiệp vào Việt Nam thời kỳ Điện Biên Phủ. Nhưng chỉ sau đó ít tuần, Dulles đã lái chính sách của Chính phủ Mỹ theo hướng ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm chống lại Hiệp nghị Genève, để rồi cuối cùng đã bị sa lầy trong cuộc chiến tranh mà chưa biết bao giờ mới ra khỏi ký ức của người Mỹ.")
20/4/1954
"Dư luận của nhân dân thế giới (lời tuyên bố của Nerhu) và nhất là của nhân dân Pháp rất lãnh đạm và hơn nữa còn nghi ngờ đối với kế hoạch của Mỹ. Bài diễn văn của Dulles, lời tuyên bố của Ních-xơn (doạ dẫm Pháp: nếu Pháp rút ra khỏi Đông Dương thì Mỹ sẽ cho quân Mỹ thay thế) làm cho dư luận xôn xao, phản ứng thêm mạnh đối với những hành động khiêu khích, phá hoại của Mỹ. Ních-xơn vừa tuyên bố hôm trước thì hôm sau quốc vụ của Mỹ cải chính, cho đó là một lời tuyên bố không có giá trị chính thức. Nhưng, rất có thể, đó chỉ là một kế hoạch "đồng cốt". Chúng tung ra những chủ trương nọ, chủ trương kia, để thăm dò dư luận. Cho nên ta phải cảnh giác, không nên chủ quan. Phải vạch rõ mưu mô thâm độc của chúng, để dư luận thấy rõ và đề phòng."
21/4/1954
- "Bắt đầu kiểm điểm tài liệu của phái đoàn. Tài liệu khá nhiều nhưng hơi cũ. Cần thu thập những tài liệu mới, hiện có tản mạn ở các báo chí, các bản tin tức trong nước, và tin tức quốc tế".
"… Chiều nay, Lý Bộ trưởng Bộ Liên lạc đến ăn cơm, tiễn đoàn mình. Lúc ông đến, không có ai phiên dịch, mình ra chào, và cố nói chuyện. Nói được và thấy câu chuyện rất vui. Nửa giờ sau, anh Hoan đến. Lý Bộ trưởng giới thiệu mình là nói tiếng Trung Hoa rất "phiêu lương"(1). Đồng chí nói thêm: "Đó là một sự kỳ lạ. Vì Phan Bộ trưởng chưa sang Trung Quốc bao giờ." Anh Hoan giới thiệu lại, mình xuất thân nhà nho, trong nhà vốn đã học chữ Hán. Kinh nghiệm cho thấy: Một là nói được, dễ gây cảm tình hơn là dùng phiên dịch. Dùng phiên dịch, hoá ra trịnh trọng, mất vẻ tự nhiên. Hai là, những khi cần nghiêm trang, thì nên để anh em phiên dịch. Phiên dịch tăng vẻ nghiêm trang".
21/4/1954
"Ở Bắc Kinh hai hôm. Khí hậu, thời tiết, ánh sáng mặt trời ấm, da trời xanh mịn không gợn một tý mây. Cho nên những tiếng động: xa xa còi tàu, tiếng xe hơi, lọt qua mấy bức tường, qua những cửa phòng, đóng mấy lần kính, che mấy lần vải, cho đến màu sắc trong phòng ngủ (trắng trẻo, dịu dàng), cho đến màu sắc những mái nhà, những bức tường ngoài sân (xam xám, cũ kỹ...), cho đến hương vị không khí (Không khí trong phòng ngan ngát! Mùi của những căn phòng sạch sẽ khô ráo, có hơi ấm của các ống nước sưởi toả ra) không khí ngoài sân lành lạnh, kích thích, nhắc lại cho ta là mùa xuân đương tới. Sống trong khung cảnh đó mình nhớ lại những ngày sống ở Paris: sống đời học sinh ba năm, sống đời ngoại giao ba tháng. Hình ảnh Thao hiện ra bên mình luôn luôn...Hình ảnh cô nữ sinh viên đương đợi mình ở thư viện, làm mình phải xúc tiến bài vở cho kịp để cho ai khỏi phải mong chờ. Hình ảnh thiếu phụ trong hiệu thuốc, chăm locông việc gia đình, mong mỏi tin tức đàm phán, làm cho mình thêm hăng háithức khuya, dậy sớm, chăm lo công việc phái đoàn, để đến khi về khỏi phụ lòngai mong đợi. Cô nữ sinh viên ấy, thiếu phụ ấy, không tìm thấy đâu nữa:
Tìm đâu cho thấy cố nhân,
Lấy trường chiến đấu khuây dần nhớ thương.
Trên con đường chiến đấu, bây giờ có những hình ảnh xán lạn, chen vào những hình ảnh cũ của Thao, làm cho mình nhớ Thao mà không buồn. Nhớ mà lại vui, lại phấn khởi bội phần.
Trước hết là hình ảnh Bác, hình ảnh ngày làm việc của Bác, mà mỗi khi mình làm việc gì là cũng nhớ lấy làm tiêu chuẩn. Hình ảnh của Bác, ngày họp Hội đồng Chính phủ bàn về Hội nghị Genève với nét mặt trang nghiêm, đôi mắt sáng ngời của Bác, lúc Bác nghe mình phát biểu ý kiến, những lúc Bác gật đầu, Bác ghi sổ,…Tất cả những hình ảnh ấy còn in sâu trong tâm trí mình và luôn luôn thúc đẩy tinh thần mình. Rồi đến hình ảnh của em Phan Mỹ đón mình (tối 14). Anh em mình lệ thường không bắt tay nhau (đối với người ngoài thì bắt tay), nhưng đêm hôm ấy, khi mình lên xe bỗng tự nhiên anh em nắm chặt tay nhau: Cảm động mà im lặng. Phan Mỹ chỉ nói "Thắng lợi". Qua nắm tay nóng sốt, chặt chẽ ấy, mình cảm thấy cả một bầu nhiệt tình anh em, đồng chí. Tình gia đình, tình Đảng không thể nào phân biệt được trong luồng nhiệt tình này. Rồi đến hình ảnh các con Long, Vân(1) đương vui vẻ thi đua học tập trong trường Thiếu nhi của Bác Hồ. Con Tân Hội sống bên bác Lập. Bác Lập săn sóc cháu, săn sóc em, với tình bác, tình chị và tình cách mạng của một đảng viên đối với một người có cảm tình với Đảng. Rồi đến hình ảnh anh công binh trên đường bị bắn phá, nhảy nhót, vui sướng vì đã chữa xong đường và thấy xe đi qua đường. Rồi đến hình ảnh anh hoa tiêu trên máy bay, chăm nom các đồng chí Việt Nam từng ly, từng tý. Hình ảnh người thân cũng như người mới gặp, người nhà, cũng như người ngoài đều đượm một mối tình chung: mối tình nẩy nở trên một nghĩa cả mênh mông và vĩ đại."
22/4/1954
"Dậy sớm từ 4 giờ, 5 giờ ra sân bay. Các đồng chí Bộ trưởng Liên lạc, Thứ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ra tiễn chân. 6 giờ 15 phút, máy bay cất cánh. Phi cơ do đồng chí hoa tiêu Liên Xô cầm máy. Đây là một chiếc phi cơ của công ty Trung - Xô hàng không. Riêng chuyến máy bay, chỉ có Đoàn mình. Phi cơ bay qua dãy Vạn Thọ, rồi vượt qua một dãy núi cao trên có Vạn Lý Trường Thành. Ngồi trên máy bay, nhìn Vạn Lý Trường Thành như một sợi dây, chăng trên núi cao và rộng. Dãy núi cao, rộng như thế, không đủ làm bức thành ngăn cản ngoại xâm hay sao, mà lại còn cần xây một cái thành, thật không thấm gì với dãy núi? Đó là cảm giác ngạc nhiên của mình, trước cảnh núi vĩ đại ấy. Nhưng nghĩ kỹ, có lẽ tác dụng của Vạn Lý Trường Thành không chỉ ở cái thành, mà ở cái mặt thành dùng làm đường chiến lược để điều quân cho nhanh chóng.
Qua Vạn Lý Trường Thành, đến Nội Mông: Một cao nguyên mênh mông, không có sông ngòi, không có cây cỏ.
Rồi sang Ngoại Mông, vẫn cảnh cao nguyên trơ trọc. Núi không có một ngọn cỏ. Đồi trơ trọi không thấy một bóng nhà, bóng cây. Thỉnh thoảng có một vũng nước phẳng lặng như một cái hồ. Nhưng chung quanh không có một nóc nhà, một bóng cây và trên mặt nước không thấy một bóng thuyền. Phi cơ bay được bốn tiếng thì ở đằng trước xuất hiện thấp thoáng mấy điểm trắng trên mặt đất đỏ: đó là Oulanbator thủ đô nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ.
Phi cơ hạ dần xuống, thấy rõ cảnh cao nguyên, đồi đất trơ trụi, cây không có đã đành mà cỏ cũng không có. Màu đất đỏ (đỏ nâu) mênh mông, nhất nhất như nhau, chỉ điểm thêm những vạch trắng: đó là những mảnh tuyết cuối đông chưa tan hết. Ngồi trong máy bay trông ra ngoài, mặt trời chói lọi, gió thổi bụi đỏ mù mịt, ai cũng tưởng xuống sân bay sẽ nóng nực như ở sa mạc. Nhưng sa mạc thì có thực, mà khí hậu thì rét như cắt. Anh em vừa bước ra ngoài máy bay là bị cóng tay, gió thổi vào mặt, rét như cắt, có thể là 0 độ. Định chỉ nghỉ ở đây 45 phút, nhưng đài báo tin có bão tuyết, nên phải nghỉ lại. Sau máy bay mình đi, có một máy bay chở mấy phái đoàn kinh tế, phụ nữ Trung Quốc… Ăn cơm xong, đi xem thành phố (do một đồng chí ở Bộ Ngoại giao Ngoại Mông chỉ dẫn). Đặc điểm thành phố này là toàn nhà mới, mới làm từ cách mạng thành công và nhất là từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phố xá chỉ gồm công thự nhà ở. Cửa hàng không thấy (có ở khu khác). Nhà dân là những cái lều vải có thể di chuyển được. Các dinh thự, công sở, trường học, y viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, thư viện... đều mới xây dựng. Kiến trúc giản dị và xinh xắn. Có hai nhà máy: Nhà máy thuộc da và Nhà máy kéo sợi len. Thổ sản chính: chăn nuôi, lông cừu, sữa bò và da bò. Dân số của thành phố: 9 vạn người, trong đó có 7.000 Hoa kiều. Tổng số cư dân của nước Mông Cổ là 1 triệu. Hiện Oulanbator có đường xe lửa nối với Matxcơva, và đương kiến thiết đường xe lửa nối với Bắc Kinh. Nhìn cảnh vật ở thành phố, mình nhận thấy: Một là, địa lý thiên nhiên rất gay go: đất xấu, trời rét, (có khi xuống âm 40 độ), dân không có điều kiện định cư. Hai là, chế độ mới đã cải biến điều kiện thiên nhiên mà tạo ra giữa bãi sa mạc một thành phố kiểu mới. Sự giúp đỡ của Liên Xô đã đưa lại những kết quả lớn lao đó. Rồi đây, với sự tương trợ của Trung Quốc, xứ Ngoại Mông ắt còn tiến mạnh hơn nữa. Ba là so sánh với Ngoại Mông, Việt Nam còn có những điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn nhiều, vậy khả năng kiến thiết của Việt Nam sau khi kháng chiến thành công có thể trông đó mà đo được".
23/4/1954
"6 giờ 30 lên máy bay. 11 giờ đến Iercut.
Lần đầu tiên qua biên giới vào nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Khách sạn hiện đại, buồng ăn xinh xắn. Trên trần trạm trổ hoa lá, đèn pha lê từng cụm, trên tường những hoạ sơn có giá trị mỹ thuật, ở cửa sổ những màn the lụa, ở cửa ra vào những tấm màn nhung…Trên bàn ăn, đồ sứ, đồ pha lê…Cách tiếp đãi của cô phụ trách niềm nở, tươi cười, nhanh nhẹn, chu đáo, tất thẩy đều nhắc lại cho mình những cảnh tráng lệ nhất của Tây phương. Đây mới chỉ là một thị trấn biên thuỳ, nhưng cảnh tráng lệ hơn hẳn những thị trấn trung bình ở các tỉnh của Pháp. Đó là cảnh. Còn người, thì lại càng thấy rõ hơn nữa. Khi mới sang Tây phương, bước chân lên Marseille, mình cũng được một gia đình Pháp đón thân mật. Nhưng những người khác, những người chung quanh đối với mình, nhìn mình bằng một con mắt tò mò…Mình tự thấy xa họ. Có lẽ mình tự nghĩ thế. Nhưng, dầu sao đó cũng là một cảm giác khó chịu. Bây giờ ở đây khác hẳn. Nụ cười của cô phụ trách khách sạn, nụ cười của các anh em hoa tiêu là một nụ cười người anh em. Mình cảm thấy một sự thân mật, một mối tình thắm thiết giữa họ với mình. Mối tình ấy lại làm cho những toà nhà kia, những đồ đạc tráng lệ kia, những chiếc ô tô, những máy bay đời mới kia đối với mình có một cái gì quý hơn là cái đẹp, cái tốt của nó. Giữa nó với mình có một mối quan hệ, cũng như giữa các đồng chí Liên Xô với mình có quan hệ đặc biệt. Phi cơ bay từ Iercut là một phi cơ lớn hơn phi cơ trước, bay rất êm. Êm hơn chiếc Đakôta mà mình đã đi năm 1946. Có phải vì cảm tình với bạn mà mình có cảm giác ấy chăng? Mình tự hỏi như thế. Nhưng, không. Sự thực là thế: Phi cơ này tốt hơn hơn, bay êm hơn. Và nhất là hoa tiêu giỏi hơn, chu đáo hơn.
17 giờ đến Novossibirsk…"
24/4/1954
"2 giờ đến Matxcơva.
Mình nhìn ra ngoài qua cửa sổ kính: trước đây một lúc chỉ thấy bầu trời với sao, với trăng. Bây giờ, người ta nói: đã tới Matxcơva. Nhìn ra, cũng chỉ thấy trăng, sao. Nhưng sao nhiều hơn, chi chít hơn, long lanh hơn. Sao trên, sao ở chung quanh, sao cả ở dưới, máy bay bay giữa sao, một hồ sao. Đó là hồ sao của Matxcơva. Sao từng cụm, sao nhiều hơn là sao trên giời, nhưng không thể phân biệt được với sao trên giời. Một chuỗi sao long lanh, chi chít kéo dài, từ chân trời này tới chân trời kia, song song với Ngân hà trên giời, đó là sông Matxcơva, đó là hàng triệu chiếc đèn điện, sao trên bờ sông Matxcơva, sông Ngân hà của hạ giới. Đó là thế giới thiên thai. Đó là thiên thai của nhân loại. Xuống sân bay, có anh Nguyễn Thương ra đón (Đoàn mình còn bí mật) về đến Sứ quán Việt Nam (nhà anh Cả)(1) đúng 3 giờ".
8 giờ 30, định sang chào anh Tô(3),nhưng anh chưa dậy. Thì đúng lúc đó mình đương ngồi viết nhật ký, anh Tô vào. Tay bắt, mặt mừng. Ôm nhau hôn. Ôm nhau ở cả hai tay. Ôm nhau cả ở trong lòng. Cá nhân mến nhau đã đành. Nghĩa vụ, công việc, mà thêm mến nhau, hiểu nhau, kính nhau. Lần Hội nghị Fontainebleau đã hiểu nhau, mến nhau, lần này, nhất định mối thân tình ấy còn tăng thêm nữa. Huống chi lần này, ngoài quan hệ cá nhân, còn có một điểm mới: về lý tưởng mình đã gần anh Tô hơn trước nhiều".
25/4/1954
"8 giờ họp Đoàn, định thành phần Đoàn và nhiệm vụ của từng đoàn viên. Đại biểu trước định là 6 (5 anh em chỉ định trước và thêm mình), nay lại rút xuống 3, vì các Đoàn đại biểu của các nước bạn cũng ít. Trao đổi qua ý kiến, mọi người đồng ý ngay. Ba đại biểu ấy là: anh Tô, Trần Công Tường và Phan Anh. Giữa Tường và Bửu chọn Tường vì hai lý do: Tường là Nam Bộ, Bửu lại là quân sự, mà quân sự và Đoàn Ngoại giao lại không thích hợp lắm (đó là ý kiến của anh Hoan). Cố vấn: Bửu, Hoan và hai Bộ trưởng Lào, Campuchia. Chuyên viên: Thanh Hà, Thanh Lê, Thanh Sơn. Bí thư trưởng: Bửu và Thanh Hà".
"Một tin mới về Hội nghị Genève: Nehru tuyên bố ông có một kế hoạch đề nghị với các nước tham dự Hội nghị Genève để giải quyết vấn đề Đông Dương. Kế hoạch này gồm 5 điểm: "Gây một không khí êm dịu trước Hội nghị, kêu gọi ngừng bắn, huỷ bỏ chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, các đối phương tham chiến thương lượng trực tiếp với nhau, các nước khác cam kết không can thiệp vào Đông Dương và đình chỉ ngay mọi sự viện trợ quân sự". Riêng đối với dự định thành lập tuyến phòng thủ Đông Nam Á, ông cho rằng: đó là một việc mà Ấn Độ không tán thành, vì muốn cho Đông Nam Á được hoà bình thì không nên lôi cuốn Đông Nam Á vào một khối quân sự nào cả". Những ý kiến của Thủ tướng Nehru khá cụ thể. Đề nghị của Nehru có lợi cho ta trong cuộc đàm phán ở Genève. Tối thiểu là những đề nghị ấy chống lại những âm mưu hành động của đế quốc Mỹ."
26/4/1954
"Đoàn họp bàn về hai văn kiện căn bản: bản tuyên bố chung và bản chủ trương cụ thể.
Tin tức hôm nay: ở nhà, quân ta đang thắt chặt thêm vòng bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân địch chỉ còn 3 cây số vuông. Ở Genève Hội nghị bắt đầu họp. Một vấn đề thủ tục khá rắc rối (địa vị cường quốc của Trung Hoa, hai bên Đông - Tây chưa thống nhất, đã được giải quyết bằng một đề nghị rất khôn khéo và xác đáng của ông Môlôtốp(1), chỉ có ba nước cắt phiên chủ toạ Liên Xô, Anh và Pháp.
Việc mình làm hôm nay ngoài sự tham gia vào hai văn kiện căn bản, mình chuẩn bị ý kiến và tài liệu về vấn đề Liên hiệp Pháp, xem lại tài liệu cũ của Hội nghị Fontainebleau, mình nhận thấy lập trường của mình vẫn còn thích hợp, tuy 7 năm đã qua. Như thế, càng thấy bọn thực dân Pháp ngoan cố quá, lạc hậu quá. Đến bây giờ mà còn khư khư giữ quan niệm cũ rích về Liên hiệp Pháp theo Hiến pháp năm 1946! Sở dĩ nó ngoan cố, chính vì nó yếu. Càng yếu, càng rụt rè, càng phải níu lấy hình thức. Cho nên tất cả là thực lực. Thực lực về quân sự, về chính trị, về kinh tế. Có thực lực thì dám ăn, dám chơi, không câu nệ hình thức. Hình thức có, mà thực lực không có, thì hình thức vô dụng. Hình thức tuy có vẻ hẹp, nhưng nếu thực lực có mạnh, thì hình thức cũng phải mở tung ra. Cốt nhất là tranh thủ điều kiện, phát triển thực lực".
CÒN NỮA, KỲ SAU ĐĂNG TIẾP
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Thể loại phim
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528786
Hôm nay
2167
Hôm qua
2275
Tuần này
21059
Tháng này
215482
Tháng qua
0
Tất cả
114528786