Người xứ Nghệ

Nhật ký Hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954) [Kỳ 2]

27/4/1954
"Buổi chiều đến, anh Cả vào thăm, nói chuyện với anh Hoan và mình. Anh thấy mình làm việc, giục nghỉ ngơi. Mình rất cảm kích cách ăn ở của anh Cả. Từ việc nhỏ đến việc lớn anh rất chu đáo.

Còn nhớ, những thứ thuốc của Thao, anh cho người đưa về giúp, không sai một ly. Khi ở nhà, mỗi khi gặp gỡ, anh thân mật hỏi han tin tức sức khoẻ của Thao khi đang điều trị....Khi đi Liên Xô, anh viết thư lại. Sang đây, từ nơi ăn chốn ở đến những vật dụng hàng ngày, anh rất để ý quan tâm đến anh em phái đoàn. Cả một tác phong hiếm thấy. Mình hiện đương đọc quyển La Moisson(2), trong đó tả một anh Chủ tịch nông trường, anh này rất sốt sắng, rất tích cực. Nhưng có một khuyết điểm lớn: thiếu sự thấu đáo nhân tình. Do đó, trong nhà vợ con xa cách, ở ngoài anh em không hả hê. Kết quả công tác do đó mà kém hiệu suất. Tác phong chu chí, thấu đáo nhân tình, thật là một tác phong của con người có đạo đức cách mạng. Trông thấy anh Cả, lại nhớ đến gương Bác, rồi lại hồi tưởng đến tác phong của Thày ta xưa chu chí, thấu tình trong việc to cũng như trong việc nhỏ".

28, 29, 30/4/1954
"Mấy hôm nay, bận công việc chuẩn bị văn kiện, cả ngày đêm, làm cho kịp, nên không có thì giờ viết nhật ký.
Về công việc: dồn dập. Vấn đề nhiều hơn. Tài liệu cần nghiên cứu cũng khá phong phú, e không đủ thì giờ xem hết.
Về tình hình thời sự: Hội nghị Genève, ngày đầu bàn vấn đề Triều Tiên. Đáng chú ý nhất là bài diễn văn của Ngoại trưởng Chu Ân Lai, thật là đanh thép. Đúng lý. Đúng tình. Đúng mức. Thật là lời nói của một dân tộc lớn mạnh. Không ai là không thể thừa nhận vai trò đại cường quốc của Trung Hoa mới. Qua ngày đầu, các Ngoại trưởng đã bàn đến sự triệu tập Hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương. Ai cũng mong đợi Hội nghị này, các báo đều đồng thanh về điểm đó. Vấn đề thành phần: Mỹ, Pháp "làm bộ" về vấn đề mời Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thực sự không có Việt Nam dân chủ cộng hoà thì thương lượng với ai? Ai cũng thấy thế và các báo đều nói thế. Tin hôm nay cho biết: Vấn đề ấy đã được giải quyết. Chỉ còn cần biết xem các nước Đông Nam Á có dự không? Có thì càng tốt. Hiện các nước Ấn Độ, Miến Điện (Myanmar), Tích Lan (Sri Lanka), Đại Hồi và Nam Dương đương họp Hội nghị ở Colombo bàn vấn đề Đông Dương, bàn về những đề nghị của Thủ tướng Nehru. Tin cuối cùng cho biết, Hội nghị đã thoả hiệp tán thành hai điểm: ngừng bắn và đôi bên trực tiếp thương lượng. Dư luận thế giới càng ngày càng phản đối chủ trương kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ, đến cả trong nội bộ của Mỹ cũng có người phản kháng lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Johnson, thật hay.
Tình hình ở nhà: Mặt trận Điện Biên Phủ bị quân ta bao vây ngày một thêm chặt. Pháp nhờ Anh, Mỹ lên tiếng yêu cầu cho chở thương binh đi. Thật là một việc kỳ lạ, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử chiến tranh".
1/5/1954
Dự lễ 1/5/1954 tại Hồng trường, mình có thơ:
"Nghiêm trang lời nhật lệnh
Hùng tráng nhạc quốc ca
Vang lừng tiếng súng nổ
Súng cùng nhạc chan hoà
 
Chan hoà ý nghĩa,
Ngày Tết của ta,
Tháng Năm mồng một,
Người gần người xa,
Con người lao động,
Bốn bể một nhà."
 
"Hướng về Thủ đô xã hội
Thấy tương lai rực rỡ nguy nga
Cùng chung một niềm tin sắt đá
Cùng chung một mối tình mặn mà
Sức lao động xoay trời chuyển đất
Tình lao động bay khắp hải hà
Mạnh, vui, sáng, đẹp, Hồng quân dượt
Mở nguồn vô tận ảnh, cờ, hoa
Trông quang cảnh Hồng trường trước mắt
Thấy Đại đồng thế giới không xa."
"Mấy lời ghi tặng, ai tri kỷ
Những niềm tươi đẹp của lòng ta".
1, 2/5/1954
"Hai ngày này là hai ngày Tết Lao động. Cảm xúc, thu hoạch thật là xúc tích. Những cái trông thấy, nghe thấy, vừa vĩ đại mà lại vừa xinh đẹp, vừa hùng tráng mà lại vừa thuần giản. Tứ thơ, hứng thơ rất nhiều. Thơ ở đáy lòng. Thơ ở chung quanh mình, thơ trong không khí. Thơ ở tiếng súng nổ ran. Tiếng vỗ tay chấm dứt bài diễn văn của ông Bulganine(1). Thơ trong tiếng nhạc Quốc ca hoà theo nhịp súng. Thơ theo nhịp bước đều đặn của những đoàn bộ binh, thuỷ binh. Thơ bay lượn với những hàng máy bay phản lực vùn vụt trên Hồng trường. Thơ ở nụ cười hớn hở của bà cụ già, ở em bé, ở cô thiếu nữ, ở cậu thanh niên bên cạnh mình, cùng mình vỗ tay hoan hô những đoàn biểu diễn. Thơ trên làn sóng người, ở con sông hoa dào dạt, chảy trước khán đài. Thơ nảy ra trên hàng nghìn đoá hoa, mọc từ hàng nghìn thiếu nữ, thanh niên, xếp hàng đều thành những hình vuông, kết thúc cuộc biểu diễn.
Thơ hùng hồn trong lời lãnh tụ
Thơ trang nghiêm trong nhạc quốc ca
Thơ mãnh liệt trong nhịp súng nổ
Thơ tươi vui trong làn sóng hoa người.
Thơ ấm áp, mặn mà, cảm động, kích thích trong lòng người, trong lòng ta, hoà ta với người thành một niềm vui sướng, tin tưởng, không bến không bờ, dào dạt theo sóng người đi mãi, toả khắp các phố, các đường, toả xa mãi đến chân trời… bay vút theo những làn máy bay phản lực, nẩy nở thêm, thêm mãi, đẹp mãi và tươi mãi với bể hoa trăm sắc, hoa trên cờ, hoa trên tay, hoa trên nụ cười của những đoá hoa người! Người tiến bộ,người trong trẻo, người hiênngang, người vui tươi, người hùng mạnh với lý tưởng tiến bộ, trong trẻo, hiên ngang, vui tươi và hùng mạnh. Cuộc biểu diễn ngày 1/5 bắt đầu bằng diễn văn, chấm dứt theo bản nhạc Quốc ca và tiếng đại bác. Cảm xúc hùng tráng. Tiếng súng dứt, Quốc ca dứt, lục quân tiến lên, thuỷ quân tiến lên. Cảm xúc trang nghiêm. Trên trời, một chiếc phi cơ khổng lồ, kèm theo bốn chiếc con, năm chiếc bay mà như một chiếc. Đó là, chiếc máy bay oanh tạc lớn nhất, lần đầu ra mắt thế giới. Theo sau đó, vùn vụt hàng mấy chục làn máy bay phản lực nhỏ hơn đủ các kiểu. Dưới đất, xe tăng, xe cơ giới. Anh Thao Ma (Lào) kể lại "Muốn nhìn tầu bay thì lại mất tầu bò, nhiều quá không biết nhìn cái gì!". Cảm xúc khoẻ và mới. Sau quân đội, tiếp theo những đoàn xếp thành hình vuông: áo trắng quần xanh, hoặc áo đỏ quần xám; thanh niên trai gái không mang súng nhưng cũng đều và cũng mạnh như bộ đội. Cảm xúc khoẻ và trẻ. Đi theo nhau, hay nói đúng hơn, không phải là đi, nhưng "chảy" theo làn sóng người, hay nói đúng hơn là làn sóng hoa, làn sóng cờ, làn sóng ảnh lãnh tụ, ảnh, cờ, hoa, như một con sông chảy trước khán đài. Cảm xúc đẹp, đẹp mặn mà, đẹp xinh xắn, đẹp hồn nhiên, đẹp đơn giản, đẹp của trời xuân tưng bừng, đẹp của cuộc đời xán lạn.
Tối mùng 1 và mùng 2 đi xem Matxcơva trong ban đêm, huy hoàng, rực rỡ.So với Paris những ngày rực rỡ nhất (như cuộc đón tiếp Nữ hoàng Anh năm 1938) thì đây còn rực rỡ huy hoàng hơn. Công chúng rất đông, nhất là ở Hồng trường. Có hai điểm đáng chú ý: Một là, công chúng đơn thuần, không thấy kẻ sang người nghèo. Ai cũng một mức sống (nhìn qua quần áo). Riêng về cách ăn mặc có duyên (có "gu").Hai là, ai cũng vui tươi, một niềm vui tươi trong sạch, không phải lo lắng cho ngày mai. Tối mùng 2, về nhà đã 11 giờ. Anh Cả có việc gấp, đi đến Bộ Ngoại giao. Mình đoán: có tin về Hội nghị Genève. Thì quả đúng như thế. Mình và anh Hoan vừa lên giường chợp mắt thì anh Tô gõ cửa vào. Họp anh em và cho anh em biết ngày hôm sau phải lên máy bay đi Genève".
"13 giờ khởi hành từ Sứ quán, 14 giờ đến sân bay. Có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, Trưởng ban Đông Nam Á và các Đại sứ Trung Hoa và Triều Tiên ra tiễn. Đó là ngày đầu tiên Phái đoàn ra mắt công khai. Đoàn chia làm hai tốp: tốp đi hôm nay có 12 người (còn tốp sau, ngày mai khởi hành), 12 người chia ngồi hai máy bay. Chiếc đầu có anh Tô, Hoan, Bửu, hai đồng chí Lào và mình. Chiếc máy bay này đặc biệt, có giường nằm, có bàn làm việc. Đặc biệt nhất lại là sự chăm nom săn sóc lúc đi đường, riêng có một đồng chí Liên Xô phụ trách việc này, trông nom mọi việc ăn uống, nghỉ ngơi của những người đi trên máy bay. Đồ ăn, đủ các thứ, toàn là các thức ăn cao cấp. Qua đó, bật lên hai điểm: sự chu đáo, tinh thần quốc tế cao cả của Liên Xô; mức sống cao của Liên Xô (qua những thức ăn, thấy mức sống ấy)."
"21 giờ đến Berlin. Ra đón có: ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông đại biểu của Đảng (công nhân thống nhất Đức), ông Thị trưởng Berlin, các đại sứ Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và tất cả các nước dân chủ. Trên sân bay hai lá cờ to ở cửa vào, cờ Đông Đức và cờ Việt Nam. Bên cạnh, 8 lá cờ các nước Bạn. Vào khách sạn ở ngay sân bay (khách sạn của Nhà nước). Ăn tiệc: có 12 người trong Đoàn mình và bên Bạn cũng từng ấy (đó là những người ra đón). Bên Bạn mấy lần nâng cốc chúc rượu. Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ toạ: "Chúc phái đoàn thành công, chúc nhân dân Việt Nam thắng lợi, chúc Hồ Chủ tịch mạnh khoẻ". Sau đó, anh Tô chúc nước Đức thắng lợi trong sự nghiệp tranh đấu giành thống nhất và trong công cuộc kiến thiết. Chúc lần thứ hai: mừng anh Đồng khoẻ mạnh. Chúc lần thứ ba: mừng Phan Anh khoẻ mạnh. Chúc lần thứ tư: mừng Đại sứ Liên Xô. Ông đại biểu Đảng: chúc Đảng Lao động. Ông thị trưởng: chúc mừng Đại sứ Trung Quốc. Chén rượu chúc sau cùng là do ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chúc nước Pathét - Lào thắng lợi".
"Qua cuộc đón tiếp này, mình nhận thấy mấy điểm: Một là, tình nồng nhiệt của bạn đối với ta. Cả một sự đoàn kết chiến đấu. Cái đó, mình vốn đã biết. Nhưng, đứng trước mặt tất cả các bạn Đông Đức, các Đại sứ 9 nước, mình càng cảm thấy một cách cụ thể và sâu sắc tình đoàn kết anh em giữa ta và bạn. Hai là, vai trò lãnh đạo của Liên Xô. Sở dĩ có được cuộc đón tiếp này cũng là do tin của Matxcơva báo đi. Anh em biết trước, biết tỉ mỉ có những ai trong Đoàn. Vai trò đó, mình lại thấy biểu lộ một cách cụ thể trong bữa tiệc. Sự săn sóc, sự đằm thắm của ông Đại sứ Liên Xô, trong khi nói chuyện. Nhớ khi anh Tô kể chuyện cà phê Việt Nam phải bỏ hoang vì không có thị trường, thì đồng chí Đại sứ Liên Xô quay về mình: "Các đồng chí không ngại. Các đồng chí có đồng chí Bộ trưởng Kinh tế trẻ như thế này thì nhất định sẽ phát triển kinh tế, sẽ có Uỷ ban kinh tế, có kế hoạch kinh tế, và nhất định các đồng chí sẽ thắng lợi. Phải không đồng chí Bộ trưởng." Mình thấy cả một sự ân cần, cả một sự khuyến khích thân mật qua những lời nói hồn nhiên (không có chút gì là tính cách ngoại giao). Mình cảm thấy cả một nhiệm vụ lớn mà đồng chí đã nhắc cho mình, và cả một tin tưởng vững chắc mà đồng chí đã nhấn mạnh thêm cho mình. Rồi đến khi lên máy bay đi Thuỵ Sĩ, đồng chí Đại sứ Liên Xô lại ra chỗ mình bắt tay, niềm nở, rất chặt. Mình không quên được cái bắt tay ấy. Đó không phải là bắt tay ngoại giao. Đó là bắt tay anh em, khuyến khích nhau làm công việc, để phụng sự một lý tưởng chung".
4/5/1954
"Bay từ Berlin lúc 6 giờ, thì 11 giờ đến Genève. Tầu bay bay qua hồ Leman. Lượn quanh thành phố. Trông ở trên xuống đã thấy phong cảnh đẹp. Lúc sắp xuống, anh em chuẩn bị đối phó với các nhà báo. Nhưng đến nơi thì gặp mọi sự may mắn. Tầu bay vừa đậu thì Đại sứ Liên Xô ở Thuỵ Sĩ lên tận tầu bay dặn dò: Lời tuyên bố có thể đọc hoặc trao bản viết cũng được. Sẽ gặp lại. Như thế là yên tâm. Anh Tô xuống. Đại biểu Chính phủ Thuỵ Sĩ ra chào. Đáp lễ xong, quay ra với anh em nhà, Thủ tướng Chu Ân Lai, Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô, và nhiều Đại sứ khác (đại sứ các nước bạn). Anh em nhà xoay quanh mình, thành ra các nhà báo cũng không có dịp đến gần được".
"Rồi lên xe. Đi trước xe có hai cảnh binh Thuỵ Sĩ đi mô tô dẫn đường. Như thế là từ chỗ đại biểu chính phủ đón, cho đến chỗ bố trí đường, chính phủ Thuỵ Sĩ đã có một thái độ tiếp đón tân khách chính thức. Đó là một điều tất nhiên, vì Đoàn đại biểu mình đã do Hội nghị Ngũ Cường chính thức mời. Nhưng, đó cũng là một thái độ đúng mực của chính phủ địa phương, đã công nhận một thực tế quốc tế. Thế là bước đầu sang một nơi xa lạ (không phải là đất anh em), mà được may mắn. Nhưng cứu cánh sự may mắn ấy cũng là sự tranh đấu chuẩn bị, sự bố trí của nước bạn anh em Liên Xô, Trung Quốc".
"Hôm nay về đây nghỉ ngơi được mấy giờ. Mai lại bắt đầu làm việc nhiều, vì ngày kia Hội nghị sẽ chính thức khai mạc về Đông Dương. Nhanh chóng thế là vì anh em ở nhà đánh mạnh ở Điện Biên Phủ và các nơi. Nhanh chóng thế cũng là nhờ sự tranh đấu ở Hội nghị của các bạn. Một tuần tranh đấu, làm cho hàng ngũ đối phương lung tung. Dulles huênh hoang doạ nạt, nay tiu nghỉu trở về Mỹ không trống, không kèn. Các báo đều đồng thanh nêu sự thất bại của Mỹ, bị cô thế trên trường quốc tế, vì chủ quan, vì huênh hoang. Thậm chí Chủ tịch Đảng Dân chủ Mỹ phê bình Dulles: "Đảng Cộng hoà đã làm ma Dulles ở Genève". Báo Anh viết: "Dulles đáng thương chứ không đángtức!". Có báo đưa tin: "Có lẽ phen này về, Dulles phải từ chức!". Trong khihàng ngũ đối phương lung tung như thế, thì hàng ngũ ta càng chặt chẽ. Sự tiếpđón chu đáo nói trên đây chứng tỏ vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đãđược xác định. Nhưng, đáng chú ý nhất là sự nhất trí của ta ở chủ trương tranhthủ hoà bình. Hôm qua, ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức có nói một câu rấtđáng ghi: "Thắng lợi của các bạn là thắng lợi của chúng tôi". Tình đoàn kết vìchính nghĩa, đó là sức mạnh của ta, một sức mạnh vô địch. Ta nhất định thắng."
5, 6, 7/5/1954
"Mấy hôm nay bận quá. Việc gấp, vì Hội nghị sắp họp. Đáng lẽ Hội nghị họp hôm qua. Đoàn Pháp đã đề nghị như vậy. Sau hoãn lại hôm nay. Nhưng, hôm qua lại được tin chúng xin hoãn lại đến mai, hoặc thứ hai. Việc của Đoàn nhiều, gấp. Nhưng, việc ở nhà cũng thật là khẩn trương và vĩ đại, tình hình Điện Biên Phủ anh em theo dõi hàng ngày, hàng buổi, hồi hộp. Mà không những ta theo dõi, bọn Pháp cũng theo dõi. Nó cũng kết hợp tình hình Điện Biên Phủ với hoạt động ở Hội nghị Genève. Mấy hôm nay, từ đầu tháng, khi Đoàn mình còn ở Matxcơva, đoàn Pháp tỏ vẻ nóng ruột về vấn đề Điện Biên Phủ. Nó muốn đình chiến ở Điện Biên Phủ để cứu vãn tình thế tuyệt vọng. Tối thiểu, nó cũng muốn lấy cớ vận chuyển thương binh, xin mình ngừng bắn để có thì giờ thở, hòng kéo thêm phút sống ngắc ngoải. Vì thế, nó vội vàng trong việc giải quyết vấn đề thành phần Hội nghị. Việc giải quyết vấn đề một cách mau lẹ làm cho nhiều giới ngạc nhiên, cũng vì Điện Biên Phủ. Chúng nóng ruột đưa vấn đề thương binh ra. Chúng đã thăm dò ý kiến đoàn Liên Xô và đoàn Trung Quốc. Nhưng đời nào người ta lại giải quyết với nó. Cố nhiên là anh em bảo nó phải gặp ta. Mà trực tiếp gặp ta thì khốn khổ cho nó, vì sĩ diện, vì ngại Mỹ, nó không dám. Nó tuyên bố nói dối dư luận là nó muốn gặp ta mà không gặp được. Nhưng, thực sự thì nó có tìm ta đâu. Thế là trong những ngày 5, 6, nó biết tin Điện Biên Phủ nguy khốn đến nơi, nó đề nghị với các bạn Liên Xô và Trung Quốc họp Hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương để bàn về vấn đề Điện Biên Phủ cho kịp. Do đó, mà nó đề nghị họp từ hôm qua: 6/5 hoặc chậm là 7/5. Tối hôm qua, Đoàn ta ăn tiệc ở bên đoàn Liên Xô. Đương ăn, Ngoại trưởng Môlôtốp nhận được thư của Eden(1) báo: xin trao đổi ý kiến về cuộc họp về vấn đề Đông Dương - xin hoãn đến thứ bảy 8/5, hoặc thứ hai 10/5. Hơi lạ, sao nóng thế, mà rồi hoãn lại? Khi ăn tiệc xong ra về, mình nói với anh Hoan và anh Tô: có thể ở Điện Biên Phủ có sự thay đổi lớn, thì Bidault(1) mới thay đổi ý kiến như thế. Anh em cho là vì lý do khác: vì chiều 6/5, chính phủ Pháp đã được bỏ phiếu tín nhiệm rồi. Nhưng, mình nghĩ: việc Quốc hội Pháp bỏ phiếu tín nhiệm không có ảnh hưởng gì. Vì, ai cũng đoán là thế nào cũng bỏ phiếu tín nhiệm. Không ai lật đổ chính phủ lúc sắp bước vào một cuộc tranh đấu ngoại giao quan trọng như thế này. Vậy quyết không phải vì lý do ấy mà đoàn Pháp đã thay đổi ý kiến, xin hoãn."
"Sáng hôm nay, nghe tin là tối hôm qua có cuộc đánh mạnh ở Điện Biên Phủ. Rồi chiều nay, hồi 5 giờ, một anh em phòng báo chí vào báo cáo: có nhà báo đến hỏi rằng: "Thủ tướng Pháp vừa tuyên bố Điện Biên Phủ thất thủ. Vậy, ý kiến các ông thế nào?". Một lúc nữa, thì tin các đài đều cho biết là Điện Biên Phủ đã được giải phóng. Đài B.B.C báo: Khu trung tâm đã bị quân ta chiếm tối 6 và ngày 7 thì hết tin tức của Điện Biên Phủ. Anh em vỗ tay ran. Vỗ tay nhiều, lâu. Anh Tô rủ anh em xuống phòng ăn uống rượu mừng. Nâng chén, ai cũng hồi hộp. Anh em đề nghị mình có thơ. Mình nhớ mấy câu đã làm về trận thắng lợi đợt hai. Nay, chữa thêm cho hợp với trận thắng này:
"Ngày xuân con én đưa thoi,
Hôm nay, ta chiếm hết đồi Điện Biên.
Ta thì mừng, Pháp thì điên,
Đấu tranh quân sự, gắn liền ngoại giao."
Anh em vỗ tay ran!Thật là sung sướng. Thật là vĩ đại. Quân ta thật là anh dũng. Lúc này, ở nhà - Bác, anh em như thế nào? Trần Công Tường (vốn thích rượu, vừa ngồi viết văn kiện với mình vừa nói: Chắc ở nhà, thế nào Bác cũng mở một chai Sâm banh!Mình kể lại cho Tường nghe chuyện hôm qua ở bữa tiệc, Ngoại trưởng Môlôtốp nhận được thư của Eden xin hoãn Hội nghị. Tường nói: "Đúng rồi, anh ạ. Vì, Bidault nó biết tin Điện Biên Phủ, nên nó thấy chậm quá rồi. Nó không có hy vọng gì nữa, nên nó không nóng đòi họp sớm nữa". Tường cười nói tiếp: "Thế là chuyện nó biết tin thắng trận của mình trước chúng mình. Nó nắm tình hình nhanh hơnmình". Mình trả lời: "Nó nắmtìnhhình, nhưng mình nắm chính nghĩa". Anh em nhìn nhau, cùng cười. Vừa phải gấp rút chữa văn kiện (bản tuyên bố của đoàn), vừa nghe thêm tin về cuộc thắng trận Điện Biên Phủ. Thật là bận rộn. Thật là sung sướng. Không sao nói hết."
"Chiều tối ăn cơm xong, anh Hoan lại bảo mình: "Anh văn hay chữ tốt, hay làm thơ, thì phải làm việc này: Thảo bứcđiện mừng về nhà trong dịp này". Chữa xong bản văn kiện, mình thảo ngay bức điện. Thảo một mạch, không ngập ngừng, không xoá, không chữa, vì tấm nhiệt tình nó ở trong lòng tuôn ra: gọn gàng, rành rọt. Sự vui sướng hôm nay, đi theo sự vui thú tối qua ở nhà ông Môlôtốp. Có anh Tô, Hoan, Nouhack Keo May(1) và mình đến dự. Có Ngoại trưởng Chu Ân Lai, các Thứ trưởng Ngoại giao trong đoàn Trung Quốc, có tướng Nam Nhật.... Đoàn mình là khách chính."
"Bữa tiệc tối qua vui vẻ, thân mật, nghiêm trang. Khi chúc rượu, Ngoại trưởng Môlôtốp nhớ tên từng người. Tên anh Tô, mình, anh Hoan đã đành, tên các đại biểu Miên, Lào khó nhớ mà ông cũng nhớ. Thật là chu chí!Khi nhận được thư Eden, ông mở ra đọc cho mọi người nghe, và nói: "Bọn tư bản lúng túng về điều gì đây nên nó xin hoãn buổi họp. Nếu nó biết mình họp hôm nay ở đây, thì nó còn lúng túng nữa". Khi ăn xong, ra uống cà phê, ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô Kuznetsov hỏi chuyện mình rất nhiều về vấn đề quản lý xuất nhập khẩu. Câu chuyện làm cho mối tình hữu nghị càng thêm thắt chặt. Khi tiệc xong ra về, đến chỗ mắc áo mũ, xẩy ra một chuyện vừa buồn cười, vừa hay, vì mũ giống nhau, áo giống nhau không ai nhận ra mũ, áo của mình, vì áo mũ này đều mới sắm một loạt ở Bắc Kinh. Các đồng chí hỏi nhau, mọi người cả cười tình thân mật càng thêm thân mật. Đoàn khách chính của bữa tiệc hôm nay càng nổi bật lên: nổi bật vì cảnh ngộ kháng chiến gian khổ. Hay quá, cảm động quá!Chỉ có ở trong gia đình anh em với nhau, mới có những sự vui thú, sự cảm động như thế này. Lịch sử ngoại giao có những chuyện như thế này là lần đầu! Đáng nên thơ quá. Ngày hôm nay, tin Điện Biên Phủ cũng đáng nên thơ quá. Sẽ thành thơ!".
"Chiều 8/5, 16 giờ 30, Hội nghị Genève họp, khai mạc về vấn đề Đông Dương. Họp ở Palais des Nations, phòng V.
16 giờ 10 ở nhà ra đi - Xe đoàn ta cắm cờ đỏ sao vàng.
16 giờ 20 đến nơi. Xe vào thẳng trong sân, qua các đường nhỏ trong vườn, rồi đến nơi hội họp. Xuống xe, đã có anh Nguyễn Thanh Hà (thư ký của phái đoàn) ra đón anh em vào buồng riêng để đợi. Buồng này nhìn ra hồ Leman. Trên bờ hồ là vườn của lâu đài Liên hiệp quốc: Cỏ xanh mởn bằng phẳng như nệm. Cây xanh mầu lục non, cắt rất đều. Nước hồ xanh, in da trời. Bên kia bờ hồ, một quả đồi, nhà chồng chất mấy tầng. Sau bóng đồi là bóng núi, núi xanh chàm: Trên sườn núi cao còn những vệt tuyết trắng chưa tan hết dưới ánh nắng xuân.
Anh em đương mải nhìn cảnh hồ (anh Tô, mình, Bửu, Tường, Hoan) thì ông Chu Ân Lai đi qua buồng bắt tay anh em.
Năm phút sau đến giờ họp. Người từ các buồng đi ra phòng họp khá đông. Đến hàng trăm. Qua cửa phòng họp, trình giấy. Vào phòng họp, ai vào bàn nấy, không bắt tay nhau. Có 9 bàn bày thành hình bầu dục, theo thứ tự A, B, C, Cambodge, Etats... Etat Việt Nam(1), France, Laos, République Démocratique du Việt Nam(2), République Populaire de Chine(3), UR.SS(4). Mỗi bàn có ba ghế hàng đầu, hàng sau bốn ghế, còn sau ghế nhỏ. Anh Tô ngồi giữa, mình bên phải, Bửu bên trái. Anh Hoan và Tường và một đồng chí phiên dịch ngồi hàng sau.
Nhìn ra, ngay bên phải, đoàn Trung Quốc: ông Chu Ân Lai, ông Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường. Đoàn Liên Xô: ông Môlôtốp... Đó là bạn. Còn đối phương: Đoàn Anh: Eden là trưởng đoàn. Đoàn Mỹ: Bedell Smith. Đoàn Pháp: Bidault. "Chính phủ Việt Nam bù nhìn": Nguyễn Quốc Định, Nguỵ Đắc Khê,... Buổi này, Eden chủ toạ (với kinh nghiệm ngót 30 năm trên trường ngoại giao). Mở đầu, Eden trao lời ngay cho Bidault. Bidault nói, như người say rượu, mình có cảm tưởng là Bidault không tin vào những câu tự mình nói ra. Bidault nói xong đến lượt đoàn ta, cả cử toạ chăm chú. Ai cũng đeo máy nghe vào để nghe, nhưng thất vọng. Anh Tô nói tiếng Việt (đế quốc tưởng ta nói tiếng Pháp), Hoàng Nguyên dịch ra tiếng Pháp. Thế là lần đầu tiên tiếng Việt Nam vang trong Hội nghị quốc tế.
Buổi họp này chia làm hai đoạn: Đoạn thứ nhất - Đoàn Pháp tranh nói trước, trình bày vấn đề Đông Dương và đưa ra đề nghị. Sở dĩ Pháp được nói trước, vì nó đã thoả thuận với đoàn Anh, mà Anh làm Chủ tịch Hội nghị. Còn bên ta yên chí vào là bàn về thành phần Hội nghị, nên khi thấy Pháp đề ngay vấn đề nội dung ra, thì hơi lạ. Đoàn ta cho người sang hỏi ý kiến đoàn bạn (Trung Quốc). Đoạn thứ hai - Sau khi nghỉ 15 phút, lại họp. Đoàn ta chủ trương cứ đưa vấn đề thành phần ra và chỉ đưa vấn đề ấy thôi. Mặc Pháp đưa vấn đề nội dung ta chưa đưa nội dung vội. Phải chủ động. Vào, anh Tô đưa đề nghị mời đại biểu Khơme và Pathet Lào. Anh Tô nói xong, đến đoàn Mỹ, rồi đoàn Liên Xô, Pháp, Khơme, Trung Quốc, đoàn ta, đoàn Lào. Trong cuộc thảo luận sôi nổi này, vai trò đoàn ta nổi bật lên. Bidault đòi bác đề nghị của đoàn ta và gọi chính phủ Khơme và Pathet Lào là chính phủ ma. Anh Tô trả lời: "Có hai hạng người, tuy còn sống, nhưng cũng là ma, vì họ hết thời rồi (ám chỉ Bidault và chính phủ phản động Pháp, mà vừa đây ở Quốc hội Pháp bị chất vấn, suýt đổ). Và, sở dĩ còn được giữ lại chỉ vì còn có Hội nghị (một chính phủ hưởng án treo). Còn chính phủ kháng chiến Khơme và Lào, có phải là ma không? Chúng tôi còn nhớ, trước kia ở Liên hiệp quốc, đại biểu Pháp cũng gọi chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà là chính phủ ma. Sao các ông phải mang hàng vạn quân đi đánh ma? Và, bị thiệt mạng hàng vạn quân vì ma? Bây giờ, chính phủ ma ấy đã đến đây, ngồi trước mặt các ông. Các ông muốn biết chính phủ Khơme và Pathet Lào là thật hay ma, cứ việc mời họ đến đây". Cả Hội nghị, không những bạn, mà cả đối phương cũng hoan nghênh những câu trả lời đích đáng đó. Nhiều người cười. Eden cũng cười. Cả Bidault tuy mặt xám đi, mà cũng phải cười gượng. Khi ra, ông Môlôtốp, ông Chu Ân Lai, đều ra bắt tay ta, khen ngợi đó là một thắng lợi. Riêng phần mình, thích quá. Trước khi anh Tô nói, anh em có trao đổi ý kiến: có nên "đập" Bidault không? Mình trả lời: Cứ đập đi, đập thật mạnh. Anh Tô nhắc lại chuyện ma ở Liên hiệp quốc, mình nghe đã muốn cười. Rồi đến khi dịch ra, cử toạ hưởng ứng, mình lại buồn cười hơn. Khi thấy Bidault mặt xạm đi, mình lại càng buồn cười nữa. Lúc ấy trong lòng mình có một tâm lý đặc biệt: Nghĩ đến thắng lợi Điện Biên Phủ, thấm thía những câu đanh thép của anh Tô, mình có cảm giác của người thắng trận.
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)


(2) Mùa gặt.
(1) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
(1) Ngoại trưởng Anh.
(1) Ngoại trưởng Pháp.
(1) Đại biểu Lào.
(1)Việt Nam (ngụy quyền).
(2)Việt Nam dân chủ cộng hòa.
(3)Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
(4)Liên Xô.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528821

Hôm nay

2202

Hôm qua

2275

Tuần này

21094

Tháng này

215517

Tháng qua

0

Tất cả

114528821