Người xứ Nghệ

Nhật ký Hội nghị Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954)[Kỳ 3]

Tối mùng 8/5, đến dự tiệc ở trụ sở phái đoàn Trung Quốc. Vui và thân mật. Vì cùng là người Đông phương với nhau nên món ăn, cách uống rất hợp khẩu vị và thoải mái đặc biệt. Đáng chú ý nhất là ông Chu, rất hoạt động, rất niềm nở, chu đáo. Mỗi một món ăn, ông đều đứng dậy gắp cho khách và luôn luôn chúc rượu, luôn luôn mời mọi người ăn. Mình không uống rượu, không hút thuốc, lại làm mọi người trở lại câu "nhà kinh tế". Tuổi của mình lại có người hỏi nữa (ông Chu). Có lẽ họ tưởng mình còn trẻ".

9/5/1954
"Ở nhà làm việc. Toà đại sứ Tiệp ở Berne có mời đoàn ta đi dự lễ Quốc khánh. Nhưng đoàn bận, chỉ có anh Hoan đi dự".
10, 11/5/1954
"15 giờ ngày 10/5, Hội nghị họp buổi thứ hai.
Ba điểm đáng chú ý:
+ Một là phải giành thế chủ động. Ta tránh được vấn đề thương binh Điện Biên Phủ. Trước kia, khi Điện Biên Phủ chưa giải phóng, còn bị bao vây, Bidault đề cao vấn đề thương binh và gây nên một không khí khẩn trương, lấy cớ nhân đạo, nhưng kỳ thực để hoãn chiến phần nào, và củng cố lại vị trí chiến đấu. Đến khi Điện Biên Phủ bị thất thủ, Bidault bỏ rơi vấn đề thương binh. Hôm 8/5, Bidault không hề đả động đến vấn đề này. Hội nghị báo chí của các đồng chí Trung Quốc đã nêu thái độ ấy của đoàn Pháp. Nay, ta lại chính thức đưa vấn đề ra: thực sự là vì nhân đạo, nếu Pháp không chuyển đi thì hoàn cảnh vật chất của ta, dù cố gắng đến đâu cũng khó chu toàn cho số người bị thương nhiều như thế. Chính ở nhà, phía ta cũng đã đặt vấn đề. Hôm bắt đầu họp Hội nghị, đoàn ta đặt vấn đề ra làm Pháp mất chủ động. Pháp xui bù nhìn đưa vấn đề khác nhưng đã quá chậm.
+ Hai là ảnh hưởng của bản đề nghị của ta đối với các đoàn đại biểu dự Hội nghị làm cho phe đối phương ngạc nhiên, bối rối. Mấy hôm nay, báo chí của đối phương bàn tán: Có lẽ Việt Minh nhân thắng lợi Điện Biên Phủ sẽ đưa ra yêu cầu cao, sẽ lên giọng. Lên giọng kết án thực dân Pháp, can thiệp Mỹ thì có thật, mà cũng phải đợi Điện Biên Phủ mới lên án. Lên án một cách khắt khe nghiêm nghị. Lúc anh Tô đọc, mình nhìn đoàn Pháp, nhất là đoàn Mỹ, mình rất thú vị. Được dịp chửi thẳng vào mặt đối phương mà chúng cứ phải ngồi mà nghe chửi. Còn yêu cầu thì không phải là vấn đề cao thấp, vấn đề là làm sao cho đúng với thực tế. Vì đề nghị của đoàn ta đúng với thực tế, xuất phát từ thực tế, nên khi đưa ra gây được tiếng vang lớn. Hàng ngũ đối phương bối rối.
+ Ba là thái độ của Eden rất khôn ngoan. Nói ít, nhưng nói một cách ráo riết: vừa bênh Mỹ, nhưng cũng đá Mỹ, vừa bênh Pháp nhưng cũng vừa đá Pháp. Đối với mình, Eden lại tỏ vẻ hiểu biết. Thật là một nhà ngoại giao lão luyện!".
"23 giờ 30 phút, mình gặp A.Denis và Gallard - hai người Pháp muốn được gặp phái đoàn ta. Anh Tô cử mình đi gặp. Cảm tưởng: hai anh này, một mặt muốn nhắc lại thái độ bênh vực chủ trương chấm dứt chiến tranh trước đó của họ, một mặt cũng muốn dò biết ý kiến của mình. Nhưng, kết quả ngược lại họ đưa ý kiến của họ cho mình mà không dò được ý kiến mình. Họ thắc mắc bốn điểm: Đảm bảo Quốc tế. Miên - Lào. Địa vị nguỵ quyền, nguỵ quân. Tổng tuyển cử. Những thắc mắc của họ có chỗ có căn cứ (điểm một). Nhưng, cũng có chỗ (những điểm khác) chứng tỏ họ không hiểu gì về vấn đề, tự nghĩ ra thắc mắc viển vông, vô căn cứ".
"Hôm nay 10/5, nhận được thư của anh Hoàng Xuân Hãn từ Rôma gửi sang. Thư rất cảm động. Hỏi thăm mình, hỏi thăm tin Thao mất.Tỏ mối quan tâm đến việc nước. Và tỏ ý "sẵn sàng làm được phần nào công việc, không ngại ngùng gì". Như thế là anh Hoàng Xuân Hãn đã tỏ thái độ. Thật là một điều hay. Mình không lấy làm lạ. Tư cách, tính tình của Hoàng Xuân Hãn mình biết lắm: Không may, xa kháng chiến thành ra thiệt thòi. Nếu sống trong kháng chiến, tất cũng phải thay đổi quan niệm cũ. Nhưng nay, đã đến lúc có dịp để anh bắt tay vào việc. Hễ làm việc nhất định sẽ biến chuyển. Anh Bửu cũng mừng. Anh Tô, biết có thư của anh Hãn gửi cho mình cũng cho là việc hay. Anh Tô đặt với mình vấn đề liên lạc với Hoàng Xuân Hãn và cho rằng những người như Hoàng Xuân Hãn cần phải tranh thủ. Mình vừa viết thư cho Hoàng Xuân Hãn hẹn Hoàng Xuân Hãn sang bên này".
"Ở Genève, ngoài bức thư: một của anh Hoàng Xuân Hãn, còn một của anh Hồ Tá Khanh (một bác sĩ người miền Nam, giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong chính phủ Trần Trọng Kim, anh Hồ Tá Khanh lúc đó không ở Paris như anh Hoàng Xuân Hãn, mà đang sinh sống tại một thuộc địa của Pháp). Trong thư, anh Hồ Tá Khanh tỏ ý kiến mừng nhân dân ta chiến thắng và hy vọng rằng: đất nước tuy sẽ chia thành hai vùng, nhưng thi đua phát triển kinh tế với nhau sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân dân và đất nước."
"Một điều đáng chú ý là thư của anh Hoàng Xuân Hãn viết bằng chữ Nôm, ý là không để cho một người ngoại quốc nào đọc được, kể cả người Trung Quốc".
12/5/1954
"Buổi họp Hội nghị hôm nay, có một việc làm cho mọi người ôm bụng cười. Đó là bức điện của đoàn Campuchia đưa ra để vu cáo quân đội Việt Nam xâm nhập Campuchia và giết hại thường dân, đánh vào một chuyến xe. Ông Môlôtốp chế giễu (chế giễu Bidault) về bức điện này. Cử toạ, kể cả Anh, Mỹ đều cười làm cho Bidault phát khùng. Thái độ Bidault thật là hớ. Hớ lúc đưa bức điện!Đã thế, đến khi cử toạ đều đã cho việc đó là trò đùa rồi, mà Bidault lại phát khùng, thì lại càng hớ nữa! Thế là về thái độ ngoại giao trong lúc thảo luận, Bidault hôm trước bị một vố (anh Tô đập), hôm nay lại bị một vố nữa."
13/5/1954
"Chiều nay, ăn cơm với phái đoàn Triều Tiên. Có một cảm giác đặc biệt: đồng cảnh, đồng tình. Anh em ngang với nhau, nói chuyện thoải mái cởi mở, từ chuyện chính trị đến những chuyện thiên nhiên: chuyện voi, chuyện cọp, chuyện trâu, chuyện rắn…từ 7 giờ đến 11 giờ mà không dứt. Lúc ra về, tưởng còn sớm. Đặc biệt là có những đĩa hát Triều Tiên: nghe như là hát chèo của ta. Các anh em Triều Tiên cố ý đưa những bản hát cổ điển ấy ra để gây cho anh em một mối cảm tình sâu sắc với nền văn hoá dân tộc của một nước đồng văn. Thật là buổi họp ấm cúng".
"Cài răng lược", đó là một danh từ ở nhà đã dùng quen, sang đây càng thấy hình thái đó sâu sắc và phổ biến. Được tin đoàn Việt Nam đến Genève, Đảng Cộng sản Pháp hiệu triệu các đoàn thể nhân dân đến Genève để yêu cầu các phái đoàn, nhất là phái đoàn Pháp phải nỗ lực chấm dứt chiến tranh. Các đoàn thể nhân dân đều đến gặp đoàn ta và tỏ một tấm tình nồng nhiệt ủng hộ đối với nhân dân ta, cũng như cuộc kháng chiến của ta. Có những bà cụ già, những anh công nhân, những chị giáo viên, những anh y sĩ, luật sư, thuộc nhiều tầng lớp, ai ai cũng biểu lộ sự cảm động khi gặp đoàn ta. Hình thái chiến tranh "cài răng lược" không phải chỉ có ở địch hậu, ở nhà, mà hiện đương phát triển trong nước Pháp, trên thế giới. Hai phe: Chính nghĩa, phi nghĩa, nằm trong mỗi nước, mỗi nhà".
14/5/1954
"Hôm nay là buổi họp thứ tư.
Ông Môlôtốp phát biểu ý kiến. Trong bài diễn văn dài 24 trang đánh máy, ông lên án thực dân Pháp và can thiệp Mỹ một cách đích đáng. Ông đưa ra những đề nghị làm cho đối phương lúng túng. Đúng như mình đoán, báo chí hôm nay đều nêu bật điểm ấy lên: chiến thuật đập mạnh, rồi đưa ra những ý kiến xây dựng. Đó là tác phong của người Cách mạng. Nghe Ngoại trưởng Môlôtốp đập Mỹ, Pháp, cũng như khi nghe Ngoại trưởng Chu Ân Lai, mình cảm thấy có một lực lượng hùng hậu ở bên cạnh mình, bên đoàn mình. Việc đó cố nhiên cũng là dĩ nhiên. Ngồi dự họp, mình càng cảm thấy cái quý giá của tình hữu nghị của các nước anh em Liên Xô - Trung Quốc. Hồi tưởng lại mấy năm trước ở Fontainebleau, ngồi tầu bay của Pháp, ở khách sạn của Pháp, bỡ ngỡ một mình trước mặt những người thuộc lực lượng đối phương! Lực lượng của chúng ta nay đã tăng lên, lại thêm lực lượng đồng minh hùng hậu như Liên Xô và Trung Quốc lòng tin vào sự chiến thắng thật vô biên".
14 đến 20/5/1954
"Mấy hôm nay, họp hẹp. Đến bây giờ là được 3 phiên họp. Chiến đấu nhiều kết quả. Giải quyết được vấn đề chương trình nghị sự: Bàn cả vấn đề chính trị và quân sự. Bàn vấn đề quân sự trước. Hai phiên sau, bàn vấn đề: "có nên bàn riêng vấn đề Lào - Campuchia" không? Ý Pháp chủ trương tách riêng, để yêu cầu giải quyết vấn đề Campuchia - Lào bằng cách giản đơn là: Ta rút quân đội khỏi Campuchia, Lào. Cố nhiên đoàn ta không chịu. Đến đó là tắc. Hôm 20/5 nghỉ, để đôi bên gặp riêng".
21/5/1954
"Ngày 21, họp phiên thứ 8, gay go. Lúc đầu khai mạc thì hầu như bế tắc. Cuộc thảo luận kéo dài, không khí chán nản, mỏi mệt. Nhưng, nhờ sự điều khiển của ông Môlôtốp mà đi tới kết quả. Những lúc này, thấy rõ vai trò của người ngoại giao biết nắm thời cơ.Thường thường những sự đồng tình như thế này đều đã quyết định từ trước khi vào thảo luận. Nhưng, có những trường hợp đặc biệt. Lập trường đôi bên đương biến chuyển lại gần nhau. Nếu nắm đúng thời cơ, tiến lên một bước, là tới thắng lợi. Trái lại, nếu bỏ lỡ thời cơ thì lập trường lại xa nhau. Đây, hôm nay, chính là trường hợp này. Lập trường Pháp đương giao động, Mỹ muốn lái đi, Anh thì ngập ngừng. Liên Xô lái mạnh vào, thế là Anh vun vào, Pháp bằng lòng, Mỹ cô thế phải im lặng. Mỹ bực tức. Hôm sau, ra tuyên bố: "Không có gì mới". Pháp, Anh trái lại, công nhận là có một bước tiến bộ."
22/5/1954
"Được nghỉ, cùng anh Tô, Tường đi chơi vườn hoa, bên cạnh hồ Leman. Cảnh hồ đẹp, êm đềm, tươi sáng...".
23/5/1954
"Hôm nay Chủ nhật, dậy sớm, 4 giờ 30… Đương viết thì anh Tô ở phòng bên cạnh đưa sang cho mình cốc sữa. Thật là cảm động. Trong giờ phút này, cả trong nhà, chỉ có hai người thức. Anh Tô biết mình đã dậy. Cốc sữa anh đưa là cả một tấm tình. Hiu quạnh sao được! Có mối tình của bạn bè, của đồng chí. Có nhiệm vụ mà nhân dân giao cho. Có lòng tin cậy mà "nhân dân gửi gắm cho cán bộ", bao nhiêu hình ảnh trong trẻo khác, trên hết là hình ảnh của Bác luôn luôn trước mắt mình, hiu quạnh sao được!".
Đêm 24/5/1954
"Đêm 24: một đêm ghi nhớ. Đêm vui vẻ, gia đình. Gia đình dân chủ ở Genève. Đoàn ta mời đoàn bạn. Nhà ta nhỏ, bàn ghế, đũa bát ít, ít mà hoá vuinhiều. Vui nhiều, vì thân mật, ấm áp. Ấm áp quá, khi nghe ông Môlôtốp nhắc tới Hồ Chủ tịch "mà ai là người yêu hoà bình, yêu chính nghĩa cũng phải quý mến" (lời ông Môlôtốp). Ấm áp quá, khi ông nói với ta một cách hồn nhiên, giản dị, như lời khen ngợi và cũng như kích thích: "Nước Việt Nam bây giờ là tâm điểm của hoàn cầu". Ấm áp quá, khi ông trả lời anh Tô: "Ở Hội nghị Genève, các anh có bạn. Nhưng, ở Hội nghị Fontainebleau, các anh cũng không phải cô đơn đâu. Các anh cũng có bạn. Tuy hoàn cảnh có khác!". Ấm áp quá, khi ông mời mình lại (vì ông cho là mình trẻ nhất trong đoàn) ngồi bên cạnh ông, ở ghế chính giữa. Mình từ chối, nhưng rồi sau cũng phải ngồi. Những lời nói hồn nhiên, nhưng đậm đà tình, nghĩa. Những cử chỉ giản dị, nhưng có tác dụng sâu sắc. Một nhà chính trị quắc thước, một nhà ngoại giao sắc sảo, khiến bọn tư bản nể sợ. Thế mà bên ta, trước mặt ta, là một người anh hiền hậu, từ lời nói, nụ cười, thẩy thẩy đều một tấm tình âu yếm gia đình, đại gia đình của những người con cách mạng, nghĩa là những con người thực là Người. Trong tiệc, ông luôn trêu anhTô: "Kìa anh không ăn à". "Theo lệ, khách của anh có được nói không?". Nóichuyện về rượu bia, ông Chu nói: "Rượu bia ngon, có khi vì nước tốt". Mọingười đồng ý. Một người nhân đó nói: "Rượu cũng thế, có khi vì nước tốt, màrượu tốt". Ông Môlôtốp trả lời một cách hóm hỉnh: "Uống rượu bia, thì còn cảmthấy là có nước, nhưng uống rượu, nhất là rượu mạnh như là rượu đây, thì khôngcó nước nữa".
Sự lanh lợi, hoạt bát, vui tính ấy, ở Hội nghị cũng bật lên. Hôm qua, khi thảo luận bốn điểm của Eden, rút lại chỉ còn một điểm, ông nói: "Bây giờ ta chỉ lấy cái tối thiểu của cái tối thiểu của ông Eden", cả Hội nghị trong không khí đương găng, đều cười ầm lên.
Phái đoàn Trung Quốc đưa máy chiếu bóng sang bên ta chiếu phim cho anh em ta xem."

 

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528820

Hôm nay

2201

Hôm qua

2275

Tuần này

21093

Tháng này

215516

Tháng qua

0

Tất cả

114528820