Người xứ Nghệ
Nhật ký Hội nghi Genève (Từ 10.4.1954 - 24.8.1954)[Kỳ 4]
25/5/1954
"Đêm 25: Đoàn ta tiếp các nhà báo: có tới 300 người. Mình tiếp mệt nhoài.
Về việc tiếp đoàn đại biểu nhân dân Angiêri: Từ Angiêri sang đây thăm các phái đoàn! Một công nhân bốc hàng, một ký giả, một công chức bưu điện, một công nhân hoả xa - trưởng đoàn…".
"Anh em kể tấm nhiệt tình của nhân dân Angiêri đối với Việt Nam: Ngày 8/5 là một ngày say sưa, hơn cả ngày Tết. Anh công nhân bến tầu nói một cách cảm động: Gọi là ngày Tết chưa đủ, phải gọi là ngày "cứ ngồi chơi", để tỏ sự sung sướng của nhân dân khi được tin Điện Biên Phủ. Anh hội viên thành phố nói: Đúng, ngày 8/5 là ngày kỉ niệm một ngày đau thương của nhân dân Angiêri: thực dân Pháp năm 1945 đã giết 45.000 người Angiêri cả đàn bà, trẻ con. Tin Điện Biên Phủ đưa tới đã biến đau thương thành sung sướng. Ai gặp nhau cũng ôm nhau hôn. Công nhân bến tầu dùng một danh từ đặc biệt để tẩy chay tầu Pháp đi Việt Nam: tầu đen. Nhân dân Angiêri yêu quý Hồ Chủ tịch và gọi người là "Shira" (Cha Già). Anh em kể lại sự tàn ác của Pháp trong khi bắt lính: Vào các làng mạc, đánh trống, thổi kèn dụ dỗ những người nghèo khó đi "làm việc". Bắc cân, mỗi "kilô người" trả 1000 Fr!Có những người đi tới kênh đào Suez biết mắc mưu: nó chở sang Đông Dương. Không chịu đi, nhẩy xuống bể. Ra về, anh em tỏ lòng tin tưởng vào thắng lợi của Việt Nam, của người anh em! Cuộc gặp gỡ thật là cảm động".
25, 26/5/1954
"Công việc Hội nghị hai hôm nay tiến một bước khá. Tình hình đối phương biến chuyển, thêm khó khăn. Mỹ mâu thuẫn với Đồng minh, ngày càng bị cô lập. Âm mưu gây chiến, gặp nhiều phản ứng khắp nơi. Ta đoàn kết một lòng, chủ động tiến bước. Càng tiến, càng cảm thấy lực lượng đoàn kết của phe ta, càng cảm rõ lực lượng vô địch của chính nghĩa!Chính nghĩa thẳng đường tiến lên. Phi nghĩa quanh co gian ác, càng phải quanh co bối rối. Không khí trong phái đoàn ta là: vui vẻ, tin tưởng".
30/5/1954
"Mấy hôm nay mình nảy ra ý kiến dùng cách viết thư, tả lại những nét sinh hoạt của Hội nghị. Nội dung của Hội nghị đã có những bản báo cáo riêng và tài liệu riêng gửi về nhà. Tin tức cũng thế. Còn có những cái mà không nằm trong tài liệu chính thức, mà cũng không nằm trong tin tức của bộ phận báo chí tuyên truyền: đó là những nét sinh hoạt trong Hội nghị, ngoài Hội nghị. Những cái cụ thể đượm ý, đượm tình, phải tả bằng ngòi bút nhà văn hơn bằng ngòi bút hành chính. Làm được như thế, cũng là một cách phục vụ: anh em Chính phủ đọc, sẽ cảm thấy một phần nào cái vinh dự, cái sung sướng của người dân Việt Nam trong những ngày vinh quang, như giải phóng Điện Biên Phủ, hoặc trong những lúc sát cánh tranh đấu với các đồng chí bạn, giáng cho phe địch những vố đích đáng, mà ngoài anh em trong Chính phủ, anh em ngoài cũng được đọc...".
"Phái đoàn Trung Quốc mời xem phim" Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, một chuyện tình có một không hai. Một đôi trai gái yêu nhau, mà không toại nguyện, chết - hoá thành đôi bướm liền cánh cùng bay. Trong rừng hoa, đôi bướm kia bỗng hoá người, đôi trai gái chết đi, nay sống lại, lại dắt tay nhau múa lượn, tiến bước trên một con đường mới, đầy ánh sáng huy hoàng.
Chuyện thơ ngây,
Chuyện thần thoại.
Màu sắc lộng lẫy,
Ca nhạc xênh xang,
Ai cũng tấm tắc khen ngợi.
Ghi đến đây mình bỗng nhớ đến một bài báo về ông Chu Ân Lai.Bài báo viết có lộ chi tiết: Sau khi chiếu cuốn phim thứ nhất Lễ Quốc khánh năm 1952, thì đến cuốn phim thứ hai Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài với lời mời: "mời quý ông quý bà thưởng thức bộ phim màu Roméo và Juliet của Trung Quốc. Mọi người háo hức xem và thái độ đều bị cuốn hút bởi bộ phim. Phim đến đoạn "nứt" mộ "hoá bướm" và kết thúc. Đèn bật sáng, khán giả vẫn còn đắm đuối, đồng cảm. Và, phải một lúc sau mới rộ lên tiếng vỗ tay sấm dậy. "Ôi đẹp quá, còn cảm động hơn cả Shakespeare!".
17/6/1954
"Đã lâu không viết nhật ký tâm sự, không phải không có gì đáng viết. Trái lại, nhưng bận quá. Vả lại, đã có nhật ký về công việc: ở quyển riêng.(1) Việc với ý với tình: lẫn lộn, tách thế nào được! Hôm nay, tương đối đỡ bận, viết vài dòng ghi mấy câu cảm xúc... Mấy hôm gần đây, họp xong, hay đi chơi ra ngoài thành phố. Cánh rừng, hoa, cỏ. Mỗi bước đi là một trang ký ức. Người cũ, cảnh cũ hiện ra trước mắt: trên tấm cỏ xanh, điểm trăm màu sắc trên ngọn đồi thoai thoải xuống cánh đồng. Cỏ mơn mởn màu xuân, hình ảnh Thao luôn luôn bên mình. Chạnh buồn nhưng phấn khởi".
25/6/1954
"Hôm nay dọn nhà đến một nơi có vườn rộng, có hồ. Cảnh đẹp. Nhưng cảnh càng đẹp, càng nhớ nhà, "nhớ rừng Việt Bắc, nhớ đồng ruộng trung châu, nhớ cán bộ, nhớ nhân dân vất vả nhưng lành mạnh, cặm cụi nhưng hiên ngang, đương cùng nhau xây dựng một xã hội mới". Đó là đoạn trích trong bức thư mình gửi về nhà, về các anh em trong Chính phủ, trong cơ quan, cho chị Lập, cho anh Ngọc, mà có kết luận bằng mấy câu:
Yêu nhau thêm nhớ lời nhau,
Càng cao ý chí, càng sâu nghĩa tình,
Xa xôi giữ một tấc thành,
Con đường tranh đấu có mình bên ta,
Người đây, lòng vẫn ở nhà
Ngày về hạnh phúc, có ta bên mình.
Ta và mình là anh em ở đây và anh em ở nhà. Ta và mình là một: một đồng bào, một dân tộc, một đồng chí, một lý tưởng. Ta và mình phân công mỗi người một nơi, một việc. Nhưng, ta với mình vẫn là một."
"Mấy hôm gần đây, bận công việc (làm báo cáo tổng kết), bận viết thư về nhà, nên không ghi nhật ký riêng. Nhưng, nhật ký công việc vẫn ghi đều: rút cục chỉ có mình ghi nhật ký công việc, anh em phải mượn. Nhưng, những bức thư viết về, những bài nét sinh hoạt gửi về, đều là những trang viết của tập nhật ký này".
"Tối hôm qua, đi xem buổi múa hát của Đoàn văn nghệ Liên Xô. Trước khi đi, mình không lấy gì làm náo nức lắm. Vì từ trước đến nay, mình vẫn hững hờ với môn nghệ thuật này. Một phần vì mình không thạo, một phần nữa khi ở Paris, mình đi xem các rạp có tiếng, mình đều chán. Nhưng, đến buổi ca vũ này, mình có một cảm xúc rất mới. Đẹp! vui! trẻ! mạnh! Mình xem những điệu múa giản dị và hồn nhiên, những điệu hát trong trẻo, cả giọng cười ngây thơ, đầy nhiệt tình, đầy tin tưởng vào công việc mình làm, vào tấm lòng hăng hái của các em. Hôm nay, mình lại cảm thấy qua những bản ca vũ của Đoàn văn nghệ Liên Xô: buổi ca vũ này đã truyền cho khán giả một nguồn cảm xúc lành mạnh".
7/7/1954
"Mấy hôm gần đây, tin bên nhà, dồn dập tới, các báo đăng trang nhất những tin tức Điện Biên Phủ. Một lần nữa, dư luận (cả dư luận ở Genève) tập trung vào Việt Nam, vào phái đoàn của ta. Thậm chí nhà chức trách ở Genève phải tăng thêm cảnh binh để bảo vệ đoàn ta!Xe ta đi ra, cắm cờ. Thiên hạ nhìn với nét mặt thiện cảm, hoan hỉ. Cảnh binh, chào răm rắp: chào vì lễ nghi ngoại giao, nhưng qua cái chào đó, ta cũng cảm thấy một tấm tình cảm phục. Tờ báo Thuỵ Sĩ (không phải là một tờ tiến bộ), mà khi đăng tin Điện Biên Phủ đã nói rằng: Điện Biên Phủ là một bài học phấn khởi cho những nước nhỏ, như nước Thuỵ Sĩ ta".
"Một tin hay và đến đúng lúc: Quânđội Pháp rút khỏi Vân Đình, nơi để mộ Mẹ, đúng ngày giỗ Mẹ Võ Thị Cưu, mà tin này lại do báo L´ Humanité đăng, báo của phe ta...(8/6/AL). Thật là ăn khớp".
"Hôm nọ, ngày 1/7 kỉ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đoàn Trung Quốc thết tiệc. Cảm xúc mạnh nhất là khi ngồi nói chuyện với hai nhà quân sự Liên Xô. Sao mà hồn hậu thế. Sao mà đáng yêu thế. Từ lời nói, nụ cười từ nét mặt, cử chỉ, thẩy thẩy đều từ tốn, thản nhiên, chất phác. Cả một tấm gương nhân bản, nhân bản của con người mới, một xã hội mới, xã hội của con người. Xã hội ấy xuất hiện ở Liên Xô, đã xuất hiện ở Trung Quốc, đương xuất hiện ở Việt Nam. Ngày kỉ niệm của Đảng Trung Quốc, ghi ký ức này để càng thấm thía nhiệm vụ của ta, trong việc xây dựng nhân sinh quan mới.
Nhân sinh quan ấy đã xây dựng, đã thể hiện trong những bạn trong Đảng. Nó cũng đã xuất hiện trong nhân dân."
"Hôm nọ, khi anh Hoan về, anh Tạ Quang Bửu nói đùa với mình: "Chúng tôi ai cũng có thư riêng. Còn anh thì viết thư chung, anh viết thư cho tất cả mọi người, và thay mặt cho mọi người". Đúng như thế. Hôm ấy, mình viết thư cho anh em ở nhà, mà thay mặt cho anh em bên này. Nhưng Tạ Quang Bửu chưa biết là mình cũng có thư cho ai. Cho ai, trong bài thơ vịnh Hồng trường ngày 1/5. Không có thư, nhưng có thơ, cho ai, ai? Nghĩa là, cho tất cả mọi người, nhưng cũng là cho một người thân quý, thân quý vì tình cảm gia đình, cảm tình cách mạng. Vậy, đó là một thư riêng. Nhưng, riêng mà hoá chung, vì quý ai đây là quý hình ảnh con người vui tươi, trong sáng của xã hội mới, là quý tinh thần gan góc, mạnh mẽ của thế hệ thanh niên mới.
Yêu quý một cá nhân không đủ, trừ phi cá nhân đó tiêu biểu cho một tập thể rộng rãi. Rất đúng. Yêu quý một cá nhân, vì cá nhân ấy tiêu biểu cho cả một nhân sinh quan mới".
10/7/1954
"Vừa đọc xong quyển Mùa gặt."
11/7/1954
"Đọc Mùa gặt lại có một đoạn lý thú: Valentina, vì ham mê công việc nông trường mà quên mất việc nội trợ. Hai vợ chồng Andrei và Valentina rất yêu nhau, yêu nhau vì tình, yêu nhau vì nết, vì công việc, vì lý tưởng. Nhất là vì hai bên cùng một tinh thần phục vụ rất cao, say mê công việc. Đã nhiều lần, vì nhiệm vụ mà tự nguyện xa cách nhau, không chút ân hận. Nhưng lần này, hai vợ chồng vừa thu xếp được công việc để cùng nhau làm việc một nơi, bõ bao năm xa cách. Nhưng, vừa sum họp được mấy hôm, thì Valetina say mê một công việc mới, xin phép chồng cho đi 15 km. Trong quyết định này, Valetina cũng tự tranh đấu rất nhiều. Chị rất thương chồng, biết mình đi làm xa, nhất định hạnh phúc gia đình bị tổn thất. Đã định từ chối công việc mới, nhưng rút cục ham mê công việc, tích cực làm việc nên đành gác lại hạnh phúc gia đình để thoả chí phụng sự. Andrei vốn là một người rất tích cực, để nhiệm vụ lên trên hết. Đã nhiều lần, chính bản thân Andrei khuyến khích vợ gạt bỏ thắc mắc gia đình. Nhưng lần này, khi Valentina cho chồng biết ý định của mình thì Andrei không đồng ý. Nhưng, Valentina là người cương quyết, cứ thi hành ý kiến đã định. Một hôm, cách đó ít lâu, Valentina nửa đêm thức dậy, không thấy chồng đâu nhìn sang phòng bếp, có ánh sáng, nàng rón rén lại thấy: Andrei áo quần xộc xệch đương hì hục nhóm lửa, đun nước. "Tội nghiệp quá, vì mình mà chồng mình tội nghiệp thế này". Valentina nhìn chồng, lòng se lại và cảm thấy lầm lỗi của mình. Từ đó Valentina đã bổ khuyết được một điểm thiếu sót, ra sức làm việc, và đồng thời không coi nhẹ nhiệm vụ đối với chồng. Mình đọc đoạn này, nhớ lại Thao trước. Rất đúng mực… Nhiệm vụ xã hội, nhiệm vụ gia đình không mâu thuẫn, mà còn kết hợp mật thiết. Nhưng, nghĩ đến khuyết điểm của Valentina, thì không thể không thấy khuyết điểm của Andrei. Andrei như thế là chưa gương mẫu. Mình lại nghĩ đến mình. Đối với Thao, mình vốn rất kính trọng quyền tự chủ. Lúc mở hiệu thuốc, lúc viết báo, mình luôn luôn khuyến khích Thao hoạt động riêng, độc lập. Nhưng, trong thờigian kháng chiến, mình có khuyết điểm: không khuyến khích Thao hoạt động.Phải chăng, vì ích kỉ như Andrei? Không. Nhưng chính vì mình, tư tưởngchính trị còn chưa được thấm nhuần, chưa tôi luyện trong hoạt động cách mạngtheo tư tưởng mới. Do đó, mà cũng không truyền sang Thao được sự phấn khởi,sự hăng hái để hoạt động, để chủ động tham gia cách mạng. Tiếc quá, nếu Thaocòn, thì bây giờ khác hẳn. Nhưng, tiếc làm sao được. Hối hận, chi bằng nhìn vàotương lai."
25/7/1954
"Đã lâu, mình không viết nhật ký. Vì bận. Và, cũng vì công việc đều ghi vào "Nhật ký Hội nghị Genève". Sổ Hội nghị vừa hết, Hội nghị bế mạc. Từ hôm nay, trên đường về, lại ghi ký ức vào quyển này.
Hôm qua đến Berlin, buổi trưa nghỉ. Ăn cơm trưa có các ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Mậu dịch đối ngoại đón tiếp. Anh Tô nghỉ, mình thay mặt đoàn ta phát biểu đáp từ.
Hôm nay dự lễ trao bằng tiến sĩ danh dự trường Luật cho ông Chu (tại trường Đại học Hambourg là nơi Karl Marx đã học). Đi xem thành phố, nhất là đến vườn trẻ. Vui, tươi, sáng, đẹp, các em chào đón đoàn. Dâng hoa...".
tin tức liên quan
Videos
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Mãi mãi tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528821
Hôm nay
2202
Hôm qua
2275
Tuần này
21094
Tháng này
215517
Tháng qua
0
Tất cả
114528821